dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Mến Yêu Thánh Thể
 
 
Rev. Stefanô, OFM- Phỏng dịch: Đồng Tâm, CMC
 
<<<    

Ch 4: CHÚA GIÊSU VỚI TÔI

“Ta ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt.28,22)

* Hiện diện thật

* Viếng Mình Thánh Chúa

* Giêsu, con thờ lạy Chúa

* Yêu mến Nhà Chúa

Hiện diện thực sự 

Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Nhà Tạm là một mầu nhiệm của Chúa, ơn của Chúa,  tình yêu của Chúa. Trong thánh lễ, vào lúc truyền phép, chủ tế đọc lời Chúa: “Này là Mình Ta... này là chén Máu Ta” (Mt 26,26-27), bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, bản thể của bánh và rượu không còn nữa, chúng đã được “biến thể” thành Mình và Máu thánh Chúa. Bánh và rượu giữ nguyên hình dạng để tỏ ra cái thực tại của đồ ăn thức uống theo lời Chúa phán: “Thịt Ta thực là của ăn và Máu Ta thực là của uống” (Ga 6,56). Sau tấm màn là hình dạng của Bánh thánh, và trong chén, có thật ngôi vị Chúa Giêsu với Linh hồn và Xác, Máu và Thiên tính Chúa. Đó là những gì được ban cho người rước lễ, đó là cái tiếp tục còn lại trong Bánh Thánh đặt trong Nhà Tạm.

Thánh Ambrosiô viết: “Bánh trở nên Mình Chúa Kitô như thế nào? Bởi cách truyền phép. Với những lời nào hoàn thành lời truyền phép? Chính là lời của Chúa Giêsu. Tới khi hoàn tất sự lạ lùng linh thánh này xảy ra, linh mục không còn nói như mình là linh mục, mà ngài nói qua ngôi vị của Chúa Giêsu”.

Những lời truyền phép là những lời lạ lùng và kinh ngạc Chúa đã ban cho Giáo hội. Những lời có sức, qua linh mục, biến đổi bánh và rượu nên Chúa Giêsu, Thiên Chúa chịu đóng đinh. Những lời hoàn tất cách lạ lùng và mầu nhiệm này, do một sức vượt trên sức các Thiên thần Sốt mến, và sức ấy chỉ thuộc về một mình Chúa Giêsu và linh mục Chúa. Ta không lạ khi có những linh mục thánh thiện rất khó khăn khi tuyên đọc những lời linh thánh này. Thánh Giuse Cupertinô, và cha Piô Pietrelcina trong thời ta, đã tỏ ra chậm chạp, như kiệt sức, đọc cách khó nhọc và hầu như ngừng lại giữa hai công thức Truyền phép.

Cha Guardian bạo dạn hỏi thánh Giuse Cupertinô: “Sao cha đọc bài lễ cách trơn tru mà khi truyền phép cha lại lắp bắp như vậy? Thánh nhân trả lời: “Những lời linh thánh lúc Truyền phép giống như than hồng trên lưỡi tôi. Khi tôi đọc những lời Truyền phép, tôi phải làm như người ta nuốt đồ ăn luộc còn nóng vậy”.

Một nhà thông thái đạo Mahômet hỏi một vị Giám mục truyền giáo rằng:

- Làm sao có thể xảy ra như thế? Bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa kitô?

- Vị Giám mục trả lời: Khi ông mới sinh, ông còn nhỏ. Ông lớn lên, vì thể xác của ông biến đổi, đồ ăn ông dùng biến chất đưa vào thịt máu ông. Nếu người ta còn làm cho bánh và rượu nên thịt máu mình, thì thiên Chúa còn có thể làm chuyện đó cách dễ dàng hơn.

- Làm sao toàn thể Chúa Giêsu có thể hiện diện trong một hình bánh nhỏ được?

- Xin ông nhìn quang cảnh to tát trước mặt ông, sánh với con mắt nhỏ bé của ông, thế mà trong mắt nhỏ bé lại chứa cả cái cảnh đồng quê to lớn. Trong thực tế, với ngôi vị thiên Chúa, Chúa Giêsu lại không làm được một việc tương tự như thế sao?

- Làm sao Mình thánh có thể hiện diện cùng lúc trong các nhà thờ và các Bánh thánh được?

- Với Thiên Chúa không có gì là không thể. Chỉ một lý đó cũng đủ, nhưng căn cứ vào tự nhiên, ta thấy một tấm gương soi, ném xuống đất cho vỡ thành nhiều mảnh. Trong mỗi mảnh gương vỡ đều có trọn hình ảnh y như ghép cả tấm gương. Cũng thế, không phải Chúa Giêsu chỉ làm như ta ghép tấm gương, nhưng trong thực tế, Ngài ngự trong mọi Bánh Thánh cũng như trong một Bánh Thánh vậy.

Những sự lạ lùng của Thánh Thể được ghi khắc trong đời sống các thánh như thánh Rôsa de Lima, chân phúc Angela Folignô, thánh nữ Catarina Siêna, thánh Philip Nêri, thánh Phancicô Borgia, thánh Giuse Cupertinô và nhiều vị thánh khác. Giác quan các ngài như cảm thấy Chúa hiện diện trong Nhà Tạm. Và các ngài như được thấy Chúa tận mắt trong Mình Thánh, và cảm được hương thơm không thể tan biến.

Thánh Antôn Padua, lần kia đã chứng minh cho một người không tin Chúa hiện diện trong Thánh Thể thật ra sao. Thánh nhân giơ cao Mặt Nhật có Mình Thánh trước một con lừa đói. Khi thấy Mình Thánh Chúa con lừa đói đã quỳ xuống chứ không quay lại ăn thức ăn thúng lúa mạch như lúc bình thường, Thánh Anphongsô khi rước Mình Thánh Chúa trên giường bệnh, một sáng kia, vừa rước Chúa xong, ngài thở dài, nước mắt tràn ra nói rằng:"Sao cha làm gì vậy? Cha cho tôi chịu Bánh Thánh mà không có chúa Giêsu, Bánh Thánh chưa truyền phép! "Sự thực được khám phá ra Linh mục dâng lễ sáng hôm đó đã rất chia trí, ngài đọc lời nguyện cho người sống rồi đọc tiếp luôn phần cầu nguyện cho người chết theo Lễ Qui Rôma, mà hoàn toàn bỏ phần Truyền phép bánh rượu. Thánh nhân đã nhận ra sự vắng mặt Chúa trong bánh chưa truyền phép ấy!

Còn nhiều câu chuyện xảy ra trong đời sống các thánh mà người ta có thể lưu tâm tới. Nếu người ta nêu những trường hợp bị quỉ ám, có thể được giải trừ bằng Mình Thánh Chúa, người ta cũng có thể kể đến những chứng cớ vĩ đại về đức tin và đức mến nơi những Đại hội Thánh Thể và những đền thờ Thánh Thể (như ở Turinô, Lucianô, Siêna, Orvieto, và đền thờ thánh Phêrô ở Patiernô). Ngày nay, các đền thờ này là những chứng minh hợp thời về những biến cố lạ lùng mà từ xa xưa đã chứng minh sự Hiện diện thật của Chúa trong Phép Mình Thánh.

Nhưng xếp riêng ra những chứng cớ lịch sử và rõ ràng ấy, còn có đức tin, nhờ đó chân lý về sự Hiện diện thực tại của Chúa được bảo đảm, ta tin chắc chắn là thật, vì "Chúa Giêsu là Sự Thật" (Ga.14,6). Ngài để lại Thánh Thể cho ta như là mầu nhiệm đức tin, để tất cả tin Ngài với trọn vẹn trí lòng.

Khi thánh Tôma Aquinô, tiến sĩ thiên thần, được đưa Mình thánh Chúa đến như của ăn đàng, ngài vội chỗi dậy, quỳ xuống nói rằng: "Tôi sẽ không tin, dù có những bảo đảm chắc chắn hơn, rõ ràng hơn cả ngàn lần rằng: đấng tôi rước đây là Con Thiên Chúa hằng sống. Tôi muốn nhờ vào chứng cớ đức tin mà thôi".

Mầu nhiệm đức Tin:

Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã chọn những lời này làm đầu đề cho Thông điệp về Thánh Thể của ngài, chỉ vì những thực tại thần linh không có nguồn gốc nào chân xác hơn là đức tin. Cũng vì đức tin này mà các thánh gắng sức chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Bánh Thánh, dù các ngài muốn có một bằng chứng Lời Chúa. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô 15 tuyên bố về thánh nữ Têrêxa mà chính ngài phong thánh cho rằng: "Thánh nữ đã thấy Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Bánh thánh cách rõ ràng với con mắt tinh thần, và người nói người không ganh tị với hạnh phúc của nhiều Chân phúc được thấy Chúa diện đối diện trên Thiên đàng". Thánh Đaminh Saviô đã viết trong nhật ký: "Tôi chẳng cần cái gì ở đời này để được hạnh phúc, tôi chỉ cần thấy Chúa Giêsu trên Thiên đàng, Ngài là Đấng bây giờ tôi thấy và tôi tôn thờ bằng con mắt đức tin".

Với đức tin, ta tới gần Thánh Thể và giữ mình trước sự hiện diện của Ngài, yêu mến Chúa Giêsu trong Nhiệm tích và làm cho người khác yêu mến Chúa.

Viếng Thánh Thể

Chúa Giêsu ở trong Nhà Tạm mà ta gọi là Hiện diện thật. Ngài là Chúa đã ẩn mình trong cung lòng đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm, cũng là Chúa đang ẩn thân trong tấm bánh nhỏ bé trắng tinh. Cũng một Chúa Giêsu đã bị đánh đòn, đội mũ gai, bị đóng đinh như nạn nhân gánh tội trần gian, Ngài ở trong hình bánh như nạn nhân hy sinh cho phần rỗi ta. Đó cũng chính là Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, đã lên trời, nơi đó Ngài đang thống trị hiển vinh bên hữu Đức Chúa Cha. Ngài ngự trên bàn thờ, chung quanh có biết bao thiên thần thờ lạy, như Chân phúc Angela Folignô đã được thị kiến.

Đó, Chúa Giêsu thực ở với ta. "Ngài ở đó", Cha thánh xứ Ars đã không ngớt lặp lại ba tiếng này trong lúc lệ rơi đầm đìa. Thánh Giulianô Eymard cảm kích kêu lên với niềm vui nóng hổi: "Chúa ở đó, tất cả chúng ta hãy đến kính viếng Người". Thánh Têrêxa nghe vài người ước ao: Giá tôi được sống đồng thời với Chúa thì…giá tôi được thấy Chúa…Thánh nữ đã trả lời cách quả quyết: "Vậy ta chẳng có Chúa Thánh Thể, sống động, chân thật và thực sự hiện diện trước mặt ta sao? Sao còn mơ ước điều gì hơn nữa?"

Các thánh nhân thật ra không mơ ước gì hơn. Các ngài biết Chúa đang ở đâu, các ngài chỉ còn muốn được ơn này là được ở gần Chúa, không còn phải xa lìa, cả về cảm tình lẫn hiện diện thể xác. Được ở mãi mãi với người mình dấu yêu, đó không phải là điều ưu tiên của tình yêu chân thực mong muốn sao? Thực vậy, ta biết rằng Viếng Thánh Thể, chầu Mình Thánh rõ là bí quyết tình yêu của các thánh. Thời giờ thăm viếng Chúa Giêsu Thánh thể là thời giờ tình yêu, tình yêu ta sẽ thực sự đạt được trên Thiên đàng, vì chỉ còn có tình yêu là "tồn tại mãi mãi" (1Cr.13,8). Thánh Catarina Genoa quả quyết rằng: "Thời gian tôi ở lại trước Nhà Tạm mới đúng là thời gian đáng giá nhất đời tôi".

Ta hãy nêu thêm gương sáng của vài vị thánh khác:

Thánh Maximiliên Kolbe, tông đồ của Mẹ Đồng trinh Vô nhiễm, thường viếng Mình Thánh Chúa mỗi ngày mười lần, thói quen này người đã có từ khi còn là cậu học trò nhỏ. Trong năm học, vào các buổi sáng, mỗi khi đổi lớp, người thường vội chạy tới nhà Nguyện để viếng Chúa cho đủ năm lần. Ngày còn lại, ngài viếng đủ năm lần nữa. Một trong những lần ấy người phải dừng lại khi đi bộ buổi chiều. Nhà Nguyện đó ở Rôma nơi Mình Thánh Chúa được đặt ra ngoài để giáo dân kính viếng.

Vào thời niên thiếu của thánh Robetô Bellaminô, trên đường đi học, người thường đi qua bốn nhà thờ, người đã dừng lại bốn lần để vào viếng Mình Thánh Chúa.

Đã bao lần ta đi qua thánh đường? Ta có vô tâm, vô tình không? Các thánh muốn gặp các nhà thờ trên đường đi, còn ta trái lại, dù ta có thấy nhà thờ trước mặt cũng chẳng quan tâm! Chân phúc Oliver viết: "Khi tôi đến nơi nào có hai lối đi, tôi sẽ chọn lối có nhiều nhà thờ để tôi được gần Thánh Thể. Khi tôi thấy nơi nào Chúa Giêsu ở, tôi sung sướng nói, Chúa ở đấy, Chúa con ơi, mọi sự của con ơi".

Thánh Anphongsô Rodriguê đã từng là người giữ cửa. Nhiệm vụ ấy giúp người có cơ hội tới gần cửa nhà thờ, và người đã không bỏ cơ hội để ít là liếc nhìn Chúa Giêsu trong Nhà Tạm cách yêu mến. Khi ra khỏi nhà và khi trở về, người luôn viếng Chúa để xin Chúa ban phép lành.

Thánh Stanislao Koska, một thanh niên trong trắng như Thiên thần, đã lợi dụng mọi lúc rỗi để vội vào viếng Mình Thánh Chúa. Khi không thể viếng được, người âm thầm nhờ thiên thần Bản mệnh giúp ngài: "Thiên thần yêu dấu ơi, đi đến đó giùm tôi". Đó thực sự là một uỷ nhiệm thích hợp cho các Thiên thần. Sao ta lại không làm như thế? Thiên thần bản mệnh của ta sẽ sung sướng làm việc này nếu ta nhờ cậy. Thực ra, ta không thể nào nhờ ngài việc gì cao cả hơn và làm cho ngài thích thú hơn.

Thánh Augustinô kể câu chuyện về mẹ người là thánh nữ Monica. Ngày nào thánh nữ cũng đi dự lễ, lại còn đi viếng Chúa hai lần, một lần buổi sáng và một lần buổi chiều. Chân phúc Anna Maria Taigi, mẹ của bảy con cũng thường làm như vậy. Thánh Venceslao, vua nước Bohemia thường đi viếng Chúa trong Nhà Tạm, bất kể ngày đêm, ngay cả vào tiết đông lạnh lẽo.

Ta lại có gương lành khác từ một gia đình vương giả. Khi thánh nữ Isave nước Hung còn là thiếu nữ, em thường chơi với các bạn nữ trong hoàng cung em hay chọn chỗ nào gần nhà nguyện để có thể dừng lại nơi cửa, hôn ổ khoá và thưa với Chúa Giêsu: "Chúa Giêsu của con ơi, con đang chơi, nhưng con không quên Chúa đâu. Xin chúa chúc lành cho con và các bạn con. Con sẽ gặp lại Chúa". Đúng là lòng tôn kính đơn sơ chừng nào!

Phanxicô, một trong ba trẻ chăn chiên tại Fatima, em là một nhà chiêm niệm tí hon, em thường thích viếng Chúa Giêsu trong Nhà Tạm. Em rất muốn năng được ở lại nhà thờ bao lâu có thể để ở gần Nhà Tạm, gần "Chúa Giêsu ẩn thân" là tiếng, lúc còn niên thiếu, em thường gọi cách ý nghĩa. Khi bệnh phải nằm liệt giường, em nói với Luxia là chị họ rằng em rất đau lòng khi không thể viếng Chúa "Giêsu ẩn thân" để hôn kính Chúa với hết tình của em. Em nhỏ Phanxicô đã dạy ta cách yêu mến Chúa đó.

Ta cũng có thể kể tới thánh Phanxicô Borgia thường viếng Chúa mỗi ngày bảy lần. Trong đời thánh nữ Maria Mađalêna có thời bà đã viếng Chúa mỗi ngày ba mươi ba lần. Chân phúc Maria Fortunata Viti, một nữ tu khiêm hạ dòng Benedictô sống vào thời đại ta, cũng năng viếng Chúa như vậy. Chân phúc Agatha Thánh giá, Dòng Ba thánh Đaminh, từ phòng ngủ tới nhà nguyện viếng Chúa liên tiếp hàng trăm lần mỗi ngày. Sau hết, ta phải nói sao về Alexandria da Costa, bệnh liệt trên giường nhiều năm, đã liên tiếp "bay" từ tâm hồn mình tới viếng Chúa trong các Nhà Tạm trên thế giới.

Có lẽ những gương mẫu này làm cho ta ngạc nhiên và coi mình như không buộc sống lối sống của các thánh. Không hẳn thế. Viếng Mình Thánh Chúa là hành vi của đức tin và tình mến lớn lao, sẽ cảm thấy cách mạnh mẽ nhu cầu muốn sống với Chúa Giêsu. Các thánh nhân cũng chỉ thực hành như vậy, không phải vì đức tin và tình mến của các ngài sao?

Ngày kia, một giảng viên giáo lý nhiều mưu mẹo, nói với học trò nhỏ của ông: "Nếu có một Thiên thần từ trời xuống bảo em: Chúa Giêsu hiện hình người thật đang ở nhà đó, Ngài chờ em, em có vội chạy đến gặp Ngài không? Em có bỏ trò chơi hay công việc em đang làm, em có thấy mình được phúc hy sinh một chút để đi gặp Chúa không? Này đừng quên, Chúa Giêsu đang ngự thật trong Nhà Tạm, Ngài luôn luôn chờ đợi em, vì Ngài muốn em đến gần để ban cho em những ơn lành của Ngài".

Vĩ đại thay, cao cả thay, ta có những vị thánh biết đánh giá sự Chúa Giêsu hiện diện cách thể lý trong Nhà Tạm, và biết Chúa Giêsu ước muốn ta đến gần ngài. Lớn lao và cao cả chừng nào khi thánh Phanxicô Salesiô nói: "Ta phải tới viếng Chúa trong Thánh Thể mỗi ngày hàng trăm lần mới đúng".

Hãy học cùng các thánh để yêu thích viếng Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể. Hãy thăm viếng Ngài. Ở lại với Ngài, dâng cho Ngài những tâm tình lòng ta. Ngài sẽ âu yếm đoái nhìn, và lòng ngài nghiêng xuống với ta. Cha thánh xứ Ars nói: "Khi ta thưa chuyện với Chúa Giêsu cách đơn thành tự đáy lòng ta, thì Chúa làm như người mẹ ôm đầu đứa con và vuốt ve hôn hít".

Nếu ai không biết cách viếng Mình Thánh Chúa nói chuyện với lòng, thì nên có cuốn sách nhỏ xinh xắn của thánh Anphongsô Ligôri nhan đề là "Viếng Mình Thnáh Chúa và viếng Đức Mẹ". Điều không thể quên ở đây là chính cha Piô Pietrelcina chiều nào cũng thường đọc một bài trong sách Viếng Mình Thánh của thánh Anphongsô, khi cha chầu Mình Thánh Chúa trước khi lãnh phép lành Thánh Thể và người rơi lệ. Ta hãy khởi sự và trung thành viếng Chúa đang âu yếm chờ ta ít là mỗi ngày một lần. Rồi dần dần hãy tăng lên tuỳ khả năng cho phép. Nếu ai không có nhiều giờ để viếng Chúa, thì hãy làm cách "dừng chân giây lát", nghĩa là: Vào nhà thờ khi có thể, quì gối xuống vài phút trước nhà Tạm, thưa với Chúa cách chân tình rằng: "Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ở đây, con thờ lạy Chúa, con yêu mến Chúa, xin Chúa đến với lòng con". Đây là cách đơn giản vắn tắt, nhưng lợi ích chừng nào! Ta nên luôn luôn ghi nhớ lời sau đây của thánh Anphongsô: "Anh em có thể chắc chắn mọi lúc trong đời, thời giờ ở Nhà Tạm là thời giờ cho anh em nhiều nghị lực trong cuộc sống, nhiều an ủi trong giờ chết và ngay cả trên nơi vĩnh phúc".

Giêsu, con thờ lạy Chúa

Khi đã có tình yêu chân thành, và tình ấy đã vươn tới độ nào đó, nó sẽ sinh ra lòng tôn thờ. Tình yêu vĩ đại và sự tôn thờ là hai điều riêng biệt, nhưng chúng hợp thành một, chúng trở thành "yêu mến- tôn thờ" và "tôn thờ- yêu mến". Chúa Giêsu ở trong Nhà Tạm chỉ được tôn thờ bởi những ai thực tâm yêu mến Ngài, và ngài chỉ được yêu mến bởi những ai thực sự tôn thờ.

Các Thánh tiến xa trong việc thực tập mến yêu, đã trung thành và nhiệt tâm tôn sùng Thánh Thể Chúa. Một điều quan trọng là việc tôn thờ Thánh thể được coi như rất tương tự việc tôn thờ Chúa trên Thiên đàng, có khác là khác ở chỗ hiện nay còn có bức màn che khuất hiện diện thực tại của Chúa, mà đức tin làm ta chắc chắn không nghi ngờ. Tôn thờ Thánh Thể là cách sùng kính sốt sắng của các thánh. Các Thánh tôn thờ Chúa từ giờ này tới giờ khác, đôi khi trọn ngày lẫn đêm. Tại đó, "nơi chân Chúa", như Maria ở Betania (Lc.10,39), các ngài coi Chúa như người Bạn thân tình và yêu đương, ngụp lặn trong sự chiêm niệm Ngài, cống hiến trái tim trong tác động hiến dâng tinh khiết và thơm tho của tình yêu tôn thờ. Xin nghe lời Anh Charles de Foucauld viết trước Nhà Tạm: "Ôi, Chúa ơi, vui sướng tràn trề chừng nào được có hơn mười lăm giờ không vướng mắc chuyện gì, chỉ để ngắm nhìn Chúa, nói với Chúa: "Chúa ơi, con mến Chúa. Ôi, êm dịu chừng nào".

Các thánh đều tôn thờ Chúa Giêsu Thánh thể nhiệt tình, từ những đại tiến sĩ Giáo hội như Tôma Aquinô, Bonaventura tới các Giáo hoàng như Piô 5, Piô 10, các linh mục thánh như Cha sở họ Ars, Cha thánh Phêrô Giulianô Eymard, tới những linh hồn khiêm hạ như thánh nữ Rita, thánh Paschal Baylon, thánh nữ Benađêta Soubirous, Giêrađô, Đaminh Saviô, Gemma Galgani. Những linh hồn tuyển chọn này, qua tình yêu chân thực của các ngài, không kể đến giờ giấc, đã mến yêu tôn thờ ngày đêm trước Nhà Tạm.

Thánh Phanxicô nghèo đã dùng bao nhiêu giờ, thường là trọn đêm ở trước bàn thờ. Người ở đó cách khiêm cung, sốt sắng đến nỗi ai thấy cũng phải cảm động. Thánh Bênêdictô Labre, được gọi là "Người nghèo bốn chục giờ" đã ở cả ngày trong nhà thờ có đặt Mình Thánh Chúa cho giáo dân chầu. Từ năm này qua năm khác, người ta thấy người ở Rôma, đi từ nhà thờ này qua nhà thờ nọ, khi có đặt Mình Thánh Chúa ra ngoài cho giáo dân chầu lượt (chầu bốn giờ). Thánh nhân ở đó với Chúa Giêsu, luôn luôn quì gối, chìm đắm trong cầu nguyện, bất động tới tám giờ, ngay cả khi các bạn người là các côn trùng bậu vào người, tiết ra mùi tanh hôi.

Khi ta tranh luận nên vẽ hình thánh Lui Gonzagua thế nào, người ta đi đến quyết định là vẽ người đang quì chầu Chúa trước bàn thờ, vì thờ lạy Chúa trong phép Thánh thể là đặc tính của người và là cách diễn tả hay nhất sự thánh thiện của người.

Thánh Tâm Chúa Giêsu yêu thích được tôn thờ. Thánh nữ Magarita Maria Alacoque, vào ngày Thứ Năm Tuần thánh đã sấp mình liên tiếp mười bốn giờ thờ lạy Mình Thánh Chúa. Ngày lễ kính Trái tim Chúa, thánh nữ Phanxica Xavier Cagrini đã chầu Mình Thánh Chúa mười hai giờ liên tiếp. Thánh nữ chìm ngập và chú tâm vào một mình Chúa Giêsu Thánh thể, đến nỗi một chị em trong Dòng hỏi người có thấy các bình hoa và giây trang trí chung quanh không, thì người trả lời rằng người chỉ thấy một bông hoa là Chúa Giêsu,  ngoài ra không thấy gì khác nữa.

Sau khi thăm viếng nhà thờ chính toà thánh Milan nước Ý, người ta hỏi thánh Phanxicô Salesiô: "Thưa đức Cha, ngài có thấy bao nhiêu đá cẩm thạch quí được trang hoàng trong đó không?" Vị Giám mục thánh thiện trả lời: "Anh em muốn tôi trả lời tôi thấy gì không? Sự hiện diện của chúa Giêsu trong nhà Tạm làm tôi chìm đắm, đó là tất cả kiến trúc đẹp đẽ thu hút được tôi". Đó chính là câu trả lời cho chúng ta, khi đi thăm viếng những ngôi thánh đường đã được dâng hiến, mà nhiều khi người ta coi như là thăm viếng bảo tàng.

Hết sức chú tâm:

Chân phúc Contardô Ferrini, giáo sư đại học Modena, là một mẫu gương tinh thần tập trung tư tưởng khi chầu Thánh thể. Một hôm khi vào nhà thờ viếng Chúa, người đã say sưa thờ lạy Chúa, mắt nhìn dính chặt vào Nhà Tạm, đến nỗi không còn biết ai lấy mất áo choàng đang khoác vai. Thánh Maria Mađalêna Postel chăm chú hơn nữa, ngay cả tiếng sét hãi hùng cũng không làm bà chia trí được, bà rất chú ý và sốt sắng khi quì trước Thánh Thể. Lần kia, thánh nữ Catarina Siêna đưa mắt nhìn một người đi ngang qua, chỉ vì sự chia trí chốc lát này má thánh nữ đã thật đau lòng và đôi khi khóc lóc kêu than: "Tôi là kẻ có tội, tôi là kẻ có tội".

Thế mà ta không xấu hổ vì các hành vi lố láng của mình ở trong nhà nhà thờ sao? Ngay cả khi Thánh Thể được đặt ra ngoài cách trọng thể, ta cũng quay ngang quay ngửa, chia trí động đạt mà không hề hối hận.

Ôi, tình yêu tinh tế và nhạy cảm của các thánh! Thánh nữ Têrêxa dạy: "Trước sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh thể, ta phải nên như các phúc nhân trên Thiên đàng khi thấy thiên tính của Chúa". Đó là thái độ của các thánh khi ở trong thánh đường. Cha thánh xứ Ars thường chăm chú và sốt sắng thờ lạy Chúa Giêsu trong Thánh Thể đến nỗi người ta chắc rằng ngài được thấy Chúa Giêsu tỏ tường. Người ta cũng nói về thánh Vinhsơn Phaolô rằng: "Ngài thấy Chúa ở đó,trong Nhà Tạm". Thánh Phêrô Giulianô Eymard, tông đồ vô địch tôn sùng Thánh Thể, cũng được khen ngợi như thế. Cha Piô Pietrelcina muốn noi gương thánh Eymard, đã ghi tên vào hội chầu Thánh thể (40 giờ), và giữ một tấm ảnh nhỏ hình thánh Eymard trên bàn làm việc của ngài.

Ngay cả sau khi chết:

Một điều đáng chú ý là hình như Chúa đã ưu ái một vài vị thánh để có thể, cả sau khi đã qua đời, các ngài cũng được thờ lạy Mình Thánh Chúa. Xác thánh Catarina Bologna được đặt trước Mình Thánh Chúa sau khi qua đời mấy ngày, bỗng ngài chỗi dậy quì chầu Chúa. Trong lễ an táng thánh Paschal Baylon, khi linh mục dâng Mình và Máu Chúa lên, mắt thánh nhân cũng mở ra hướng về Mình Máu Thánh Chúa hai lần để thờ lạy Chúa. Tại Ravello, khi người ta khiêng xác Chân phúc Bonaventura Potenza đi qua bàn thờ Mình Thánh Chúa, ngài đã nghiêng đầu về phía Chúa trong Nhà Tạm.

Điều đó thật là "Tình yêu mạnh hơn sự chết" (Dc8,6) và "Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời" (Ga 6, 59). Thánh thể là Chúa Giêsu Tình yêu của ta, Thánh thể là Chúa Giêsu sự sống của ta. Thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể là tình yêu thiên đàng sống động trong ta và ta được hiệp nhất với Chúa Giêsu hy tế, Đấng cầu bầu không ngừng cho ta (Dt 7,25). Ta nên đinh ninh rằng, những ai thờ lạy, những ai kết hợp với Chúa Giêsu trong Bánh Thánh là làm như Chúa Giêsu bầu cử với Chúa Cha cho phần rỗi của anh em mình. Đức ái cao cả nhất đối với tha nhân là làm cho họ đạt được hạnh phúc đời đời. Và chỉ ở trên thiên đàng ta mới biết được bao nhiêu linh hồn đã được cứu thoát khỏi Hoả ngục, nhờ sự tôn sùng đền tạ Thánh Thể mà những người thánh đức hữu danh hay ẩn danh đã thực hiện. Ta không nên quên tại Fatima, Thiên Thần đã đích thân dạy ba trẻ chăn chiên lời cầu xin đền tạ Thánh thể rất tốt lành mà ta cần học thuộc: "Lạy Thiên Chúa Ba ngôi cực thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy Chúa, con dâng lên Chúa Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính cực trong Chúa Giêsu, hiện diện trong các Nhà Tạm trên thế giới, để đền bù những xúc phạm. Nhờ công nghiệp vô cùng của Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, con xin Chúa hoán cải những tội nhân khốn khổ".

Tôn thờ Thánh Thể là một cuộc ngây ngất tình yêu, và là một thực hành có sức cứu rỗi các linh hồn mạnh nhất trong việc tông đồ. Vì lý do này, thánh Maximiliên Kolbe, đại tông đồ của đức Mẹ, mỗi khi lập nhà mới, trước khi cho các thầy dòng vào ở, ngài muốn có nhà nguyện đặt Mình Thánh Chúa ngay để Chúa được tôn thờ. Một lần, ngài dẫn khách đi quanh "Thành Mẹ Vô Nhiễm" tại Ba Lan, khi đi qua một "Nhà nguyện tôn thờ" lớn, người chỉ về Thánh Thể nói với quý khách: "Cả đời tôi tuỳ thuộc vào đó".

Phần tốt hơn:

Cha Piô Pietrelcina là vị tu sĩ được in năm dấu người thành Garganô nước Ý. Cha thường bị đám đông vây quanh khắp các góc đường. Sau một ngày dài ngồi trong toà giải tội, người đã dùng hầu hết phần ngày còn lại cộng với ban đêm, đến trước Nhà Tạm, thờ lạy và sống với Đức Me,ï đọc hàng trăm kinh Kính mừng. Một lần đức Cha Cesarano, Giám mục tỉnh Manfredonia chọn tu viện nơi cha Piô ở để tĩnh tâm tám ngày. Đêm nào vị Giám mục này thức dậy và vào Nhà Nguyện những lúc khác nhau, đêm nào người cũng thấy cha Piô chầu Mình Thánh Chúa. Vị tông đồ vĩ đại thành Garganô ấy đã làm việc cách vô hình cho cả thế giới, và đôi khi người ta thấy người một lúc ở hai nơi, trong khi ngài vẫn sấp mình trước Thánh Thể Chúa, tay cầm tràng hạt Mân côi. Người thường nói với các con thiêng liêng rằng: "Khi chúng con muốn gặp cha, cứ đến gần Nhà Tạm".

Don Giacôbê Alberion, một đại tông đồ khác của thời ta, là tông đồ của "Hội Tông đồ Báo chí" đã đặt dự tính lớn lao trên nền tôn thờ Chúa Giêsu cho các Sơ thuộc Dòng ngài, Dòng Các Môn đệ Nhiệt tâm của Thầy Chí Thánh, dòng này có ơn gọi duy nhất và đặc biệt là tôn thờ Chúa Thánh Thể cách long trọng được đặt ra ngoài để chầu ngày đêm.

Tôn thờ Thánh Thể là "phần tốt nhất" mà Chúa đã nói tới khi trách Matta vì bận bịu với "nhiều chuyện" chỉ là thứ yếu. Hãy chăm chú vào "một việc cần" mà Maria đã chọn, là khiêm tốn và yêu mến tôn thờ (Lc.10,41-42).

Ta phải có tình mến và lòng nhiệt thành thế nào đối với việc tôn thờ Thánh Thể? Nếu "mọi sự tồn tại" (Cl.1,17) trong Chúa Giêsu thì ta hãy đến với Ngài, ở bên Ngài và kết hợp với Ngài, có nghĩa là nơi đó ta tìm, ta thấy, ta chiếm được lý do hiện hữu của ta và cả vũ trụ. Thánh nữ Têrêxa Lisieux nói: "Giêsu là tất cả, các sự khác chỉ là không". Vì cái Tất Cả mà từ bỏ cái không, vì Đấng Tất Cả mà huỷ bỏ cái thuộc về ta, như thế không là khôn ngoan siêu đẳng, giầu có chân thật sao? Hay là vì cái không mới là khôn? Đây chính là những tư tưởng rõ ràng mà cha Piô đã viết: "Hàng ngàn năm được thưởng thức cái vinh quang trần thế cũng chẳng đáng gì bằng một giờ kết hợp cách êm dịu với Chúa Giêsu trong Thánh Thể". Ta còn có lý do tốt lành nào để ghen với các Thiên thần, như các thánh đã ghen, vì các Thiên thần hằng được chầu quanh Nhà Tạm Chúa?

Yêu mến Nhà Chúa

Các thánh nhân hằng tôn kính sâu xa vô hạn Chúa hiện diện trong Nhà Tạm. Sự ân cần yêu mến của các ngài, rất đơn sơ và chân thành, đối với "những sự thuộc về nhà Chúa" (1Cr.7,32) đã là một chứng cớ hiển nhiên nhất tỏ ra rằng các ngài không tiếc gì, rằng mọi sự đều rất quan trọng, ngay cả những tiểu tiết của nghi lễ, vì vậy mà thánh nữ Têrêxa và thánh Anphongsô đã dám sẵn sàng hy sinh cả mạng sống.

Thánh thiện và đoan trang:

Ta phải học nơi các thánh cách yêu mến Chúa Giêsu, hãy săn sóc các Nhà Tạm, bàn thờ và nhà thờ bằng tất cả sự ân cần yêu mến. Đó là "nơi Chúa ngự" (Mt.17,11). Chỗ nào cũng phải tỏ ra sự đoan trang, phải được thấm nhiễm lòng tôn sùng và thờ kính, ngay cả trong những chi tiết nhỏ. Không bao giờ có điều gì quá đáng, khi liên quan đến việc yêu mến và tôn kính "Vua Vinh hiển" (Tv.23,10). Người ta cũng nghĩ tới một ít tập tục xa xưa, thí dụ đòi khi linh mục rửa tay để cử hành Thánh lễ thì phải dùng nước pha thuốc thơm.

Hơn nữa, Chúa Giêsu đã chọn một nơi đẹp đẽ, tôn nghiêm để lập Bí Tích Tình yêu, đó là Nhà Tiệc ly, một phòng rộng rãi có bày biện và trải thảm (Lc.22,12). Các thánh luôn tỏ ra hết lòng nhiệt thành và khôn khéo để làm cho Nhà Chúa được ngăn nắp, đẹp đẽ. Chẳng hạn, khi đi đây đó, thánh Phanxicô nghèo quét nhà thờ mà người thấy không sạch sẽ. Sau khi giảng cho giáo dân, người thường căn dặn các giáo sĩ trong thành và sốt sắng thúc dục họ nhiệt liệt làm cho nhà Chúa được xứng đáng. Thánh nữ Clara và các chị em Dòng nghèo của bà cắt may khăn bàn thờ, và dù nghèo khó, người cũng thường mua và gửi bình thánh, chén lễ, khăn bàn thờ đi cho các nhà thờ nghèo khó, thiếu người chăm nom.

Thánh Gioan La Salle muốn thấy nhà thờ luôn luôn sạch sẽ và trang hoàng xứng đáng, trên bàn thờ để thứ tự, đèn chầu luôn cháy sáng. Những áo lễ rách hay chén lễ cũ kỹ làm cho người đau lòng xốn mắt. Không bao giờ người coi là đắt đỏ khi phải mua sắm các đồ thờ phượng Chúa.

Thánh Phaolô Thánh giá muốn khăn bàn thờ không có vết nhơ. Một hôm người trả lại hai khăn thánh, vì thấy chưa sạch đủ.

Trổi vượt trong các vua là vua thánh Venceslao, nước Bohemia. Chính tay ngài cuốc đất trồng lúa mì, gặt, xay, dần sàng. Rồi với bột tinh trắng, ngài làm bánh lễ. Thánh nữ Radgundes, Nữ hoàng nước Pháp, sau khi trở thành nữ tu khiêm hạ, đã sung sướng được tự tay nghiền bột làm bánh lễ. Bà thường tặng bánh lễ cho các nhà thờ nghèo. Thánh Vinhsơn Gersa đã tự tay trồng nho để ép rượu lễ. Người sung sướng nghĩ rằng nho ngài ép sẽ trở thành Máu Thánh Chúa Giêsu.

Phải nói sao về lương tâm tế nhị của các thánh đối với Thánh Thể? Các ngài có đức tin không thể lay chuyển vào sự hiện diện của Chúa, ngay cả nơi những vụn Bánh thánh còn thấy được. Cũng vì nghĩ như thế mà cha Piô đã tất cẩn trọng khi ngài tráng chén ở bàn thờ, người ta có thể đọc được lòng sùng kính nơi mặt ngài.

Một lần sau thánh lễ, thánh nữ Têrêxa thấy một miếng vụn Bánh thánh trên khăn thánh, người gọi các chị nhà tập tới, rồi kiệu khăn thánh vào phòng áo cách hân hoan. Cư xử như thế thực là theo cách cư xử của các Thiên thần. Khi thánh Têrêxa Margarita thấy một miếng vụn Mình Thánh rơi xuống đất gần bàn thờ, người rơi lệ vì  nghĩ rằng đã có sự bất kính với Chúa Giêsu, và người quì xuống tôn thờ tới khi linh mục đến nhặt cất vào Nhà Tạm.

Một lần thánh Carôlô Borômeô cho chịu Mình Thánh Chúa, vì vô ý người để rớt một miếng nhỏ, thánh nhân coi như người đã phạm tội bất kính trầm trọng đối với Thánh Thể Chúa, người đã đau khổ suốt bốn ngày, không đủ can đảm dâng lễ, và để đền tội, người đã tự ăn chay tám ngày.

Ta phải nói thế nào về thánh Phanxicô Xavier, một lần khi cho người ta rước lễ, thấy mình không còn cảm tình tôn thờ Chúa đang ở trong tay người, người liền quì gối xuống, và cứ ở tư thế như vậy, người tiếp tục cho giáo dân rước Mình Thánh Chúa. Làm như thế đã chẳng tỏ ra là một nhân chứng xứng đáng của đức tin và tình mến của Thiên đàng sao?

Còn một ít điều đẹp đẽ hơn đã được các linh mục thánh quan tâm khi tay cầm Mình Thánh Chúa. Ôi, các người muốn được có bàn tay trong sạch như Đức Mẹ Vô nhiễm. Ngón tay cái và ngón trỏ của thánh Conrad Costanza thường rực sáng vào ban đêm vì lòng tin và mến khi cầm Mình Thánh Chúa. Thánh Giuse Cupertinô, vị thánh Thiên thần, nổi tiếng về ngất trí và bay bổng, đã tiết lộ cách sùng kính Thánh Thể của người. Người muốn có đôi ngón cái và trỏ khác chỉ để cầm Mình Rất Thánh Chúa Giêsu. Cha Piô thường cầm Mình Thánh Chúa cách rất khó khăn trông thấy, người tự nghĩ mình chẳng đáng lấy tay, dù được in dấu, chạm đến Mình Thánh Chúa. (Ta phải nói thế nào về sự khinh xuất đáng tiếc nơi những ai cứ gắng cổ động khắp nơi việc Rước Lễ bằng tay thay vì bằng lưỡi? Nếu so sánh với các thánh, rất khiêm tốn, rất sốt mến, phải chăng người ta chẳng có lẽ mà kể những người này như quá dễ phô bày một hình ảnh thiếu cung kính?)

Nết na của phụ nữ:

Một điều khác các thánh cũng rất quan tâm tới đối với việc trang trí thánh đường và phần rỗi các linh hồn, đó là các ngài đòi hỏi sự nết na xứng đáng nơi người phụ nữ. Các ngài nhấn mạnh và luôn luôn nhắc lại từ thời thánh Tông đồ Phaolô (nhắc các bà phải đội khăn để thiên hạ khỏi kể họ như "bị gọt đầu" (1Cr.11,5-6) tới thánh Chrysostomô, Ambrosiô… cho tới cha Piô Pietrelcina, người không chấp nhận áo đầm cộc cũn cỡn, nhưng là áo nết na dùng dưới đầu gối. Sao lại có thể mặc thế khác? Thánh Leopold Castelnuovo thường đuổi phụ nữ nào ăn mặc thiếu nết na ra khỏi Nhà thờ, người gọi là kẻ "bán thịt". Người sẽ nói sao vào thời nay, khi mà quá nhiều phụ nữ không mặc những y phục nết na kín đáo trong nhà thờ? Họ ăn mặc hở hang ngay cả những nơi thánh, đó là một ngón nghề cổ truyền của Satan nhằm khêu gợi người ta phải lòng động lòng lo, một hành vi mà Chúa Thánh Thần đã cảnh giác chúng ta (Hc.9,9). Nhưng sự công bình Chúa sẽ chẳng để những điên cuồng lệch lạc ấy qua đi mà không trừng phạt. Đàng khác, thánh Phaolô viết: "Vì những chuyện này, cơn giận Chúa sẽ mở xiềng" (Cl.3,6)).

Các thánh luôn dạy ta bằng gương sáng và lời nói, tuân giữ những tập tục tốt đẹp khi vào thánh đường, khi làm ấu Thánh giá với lòng sùng mộ bằng nước thánh, cung kính bái gối, và trên hết, thờ kính Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể cùng với các Thiên thần và các thánh vây quanh bàn thờ. Nếu ta dừng lại để cầu nguyện, ta phải chú ý và giữ mình trang nghiêm kính cẩn.

Một điều nữa cũng tốt là đến gần (giữ giới hạn vừa phải) bàn thờ đặt Mình Thánh bao nhiêu có thể. Chân phúc Gioan Don Scotus minh chứng rằng ảnh hưởng thể lý của Nhân tính Rất Thánh Chúa Giêsu sẽ mãnh liệt hơn, khi ta gần gũi với Mình Máu Chúa hơn. Thánh nữ Gemma Galgani nói rằng, đôi khi bà không thể đến gần bàn thờ Thánh Thể Chúa hơn, vì như vậy lửa tình yêu trong trái tim sẽ đốt cháy áo trên ngực bà.

Ai thấy thánh Phanxicô Salesiô bước vào nhà thờ, làm dấu, quì gối, cầu nguyện trước Nhà Tạm, đều phải thán phục nói rằng: "đó là cách thức của các Thiên thần và các thánh trên Thiên đàng".

Một lần hoàng tử trong triều nước Tô Cách Lan nói với người bạn: "Nếu ông bạn muốn xem các Thiên thần trên trời cầu nguyện thế nào, thì hãy vào nhà thờ xem hoàng hậu Magaret cầu nguyện với con bà trước bàn thờ". Những ai chia trí và vội vã cần phải cho họ suy niệm lời này của chân phúc Lui Guanella: "Ta không bao giờ nên biến nhà thờ thành hành lang, sân chơi, xa lộ, hay công viên". Thánh Vinhxentê buồn bã nói rằng, "Trước Mình Thánh Chúa, người ta không chịu quì gối thì có khác gì những con búp bê không biết quì". Ước gì những giáo huấn và gương sáng của các thánh không ra vô ích cho chúng ta.

Trong Phúc âm có chuyện vắn tắt kể về hành vi tôn sùng, yêu mến rõ rệt, ngọt ngào và hấp dẫn. Đó là việc thánh Maria Mađalêna tại nhà Betania, khi bà đến với Chúa "Với bình ngọc đựng thuốc thơm, bà xức trên đầu Chúa" (Mt.26,7). Muốn làm cho Nhà Tạm Thánh ngọt ngào và lôi cuốn, việc đó ta luôn phải nhờ vào tạo vật thơm tho hấp dẫn là những bông hoa. Khi sử dụng những bông hoa này, nó đã giúp các thánh bày tỏ lòng tôn sùng. Một hôm, Tổng Giám mục thành Turinô dừng chân vào viếng nhà thờ tên là "Nhà Nhỏ Chúa Quan phòng", người thấy bàn thờ được trang trí bằng những bông hoa thơm thật dễ thương, người hỏi thánh Giuse Cottolengo: "Hôm nay có lễ gì vậy?" Thánh nhân trả lời: "Hôm nay không có lễ gì, nhưng nhà thờ ở đây luôn luôn là những ngày lễ".

Thánh Phanxicô Giênimô có nhiệm vụ trồng hoa trang hoàng bàn thờ Thánh thể đôi khi người làm phép lạ cho hoa chóng nở để bàn thờ Chúa khỏi thiếu hoa.

"Hoa cho Chúa Giêsu", tục lệ tốt đẹp chừng nào! Ta đừng bỏ qua việc đáng yêu này vì tình yêu Chúa. Có thể là một chi tiêu đắt đỏ hàng tuần, nhưng Chúa sẽ trả lại "gấp trăm" và những bông hoa của ta trên bàn thờ sẽ nói lên, bởi vẻ đẹp và hương thơm, sự hiện diện tình mến của ta bên Chúa Giêsu.

Một điểm khác nữa cũng thích thú, thánh Augustinô nói về phong tục đạo hạnh thời người: Sau thánh lễ, giáo dân thường tranh nhau xem ai là người sẽ có hoa được bày trên bàn thờ. Họ sẽ đem về nhà, giữ nó như di tích, vì nó đã ở trên bàn thờ, cạnh Chúa Giêsu, nơi hy tế thần linh được dâng hiến. Thánh Phanxicô Chantal cũng luôn ân cần mang hoa tươi đến cho Chúa Giêsu, và khi hoa đã tàn, người đem về phòng để dưới chân thập giá. Ôi, thói lành đáng yêu chừng nào!

Ta hãy noi gương các thánh.

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)