dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Mến Yêu Chúa Giêsu
 
 
Teresa Calcutta - Dịch giả: Ngọc Đính, CMC
 
<<<    

Ch 19: SƠ LƯỢC TIỂU SỬ MẸ TÊ-RÊ-XA

Ngày 16.8.1910: Mẹ Tê-rê-xa chào đời.

Mẹ là con gái của ông Ni-cô-la Bô-da-xi-u (Nikolle Bojaxhiu) và bà Ra-na Béc-nai (Ra-na Bernai) gốc người Ý, chào đời tại Xơ-kốp-dê (Skopje), thủ phủ của cộng hòa An-ba-ni thuộc Ma-xê-đô-ni-a. Mẹ Tê-rê-xa là con thứ ba và là con út trong gia đình, có chị là A-ga (A-ga), chào đời năm 1905 và anh là La-gia (La-gia), chào đời năm 1907. Ông Ni-cô-la và bà Ra-na thành hôn với nhau vào năm 1900.

Ngày 27.8.1910: Mẹ Tê-rê-xa được chịu phép Thánh Tẩy.

Mẹ được chịu phép Thánh Tẩy tại nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giê-su và được nhận thánh hiệu A-nê (Gonxha - A-nê). Cha mẹ là những tín hữu Công Giáo nhiệt thành, nhất là người mẹ.

1919: Cha qua đời.

Ông Ni-cô-la đã chết vì bị đầu độc sau khi tham dự một buổi hội họp chính trị. Ông là thành viên hội đồng thành phố có tư tưởng quốc gia mạnh mẽ.

1915-1924: Học hành và đời sống trong gia đình.

Cùng với anh và chị, A-nê được đến trường học tập. A-nê học giỏi mặc dù sức khỏe có phần hơi yếu, em cũng dự các lớp giáo lý trong xứ đạo, tham gia ca đoàn và một hội đoàn Công Giáo dành cho các bạn trẻ là hội “Con Đức Mẹ.” Cô đặc biệt yêu thích đọc các sách về những nhà truyền giáo và hạnh tích các thánh.

Mẹ Tê-rê-xa đúc kết cuộc sống thời thơ ấu và thiếu niên của mình với gia đình như sau: “Chúng tôi rất hợp nhất với nhau, nhất là sau cái chết của cha tôi. Chúng tôi sống cho nhau và ai cũng hết sức làm cho người khác được hạnh phúc. Chúng tôi là một gia đình rất gắn bó và rất hạnh phúc.”

La-gia, người con trai duy nhất trong gia đình đã nói về đời sống đạo của mẹ và các chị em gái như sau: “Chúng tôi sống cạnh nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm Chúa. Đôi khi, mẹ và các chị em gái của tôi xem ra sống ở nhà thờ cũng nhiều giờ như sống ở gia đình. Lúc nào họ cũng quan tâm đến ca đoàn, các nghi lễ đạo đức, và những đề tài truyền giáo.”

La-gia cũng nói thêm về tấm lòng quảng đại của người mẹ: “Mẹ tôi không bao giờ để bất kỳ người nghèo khó nào đến cửa nhà chúng tôi hành khất mà phải ra về tay không. Khi chúng tôi nhìn mẹ tỏ vẻ lạ lùng, mẹ tôi thường nói, ‘các con hãy nhớ rằng những người tuy không ruột thịt với mình nhưng nếu họ nghèo khó, họ vẫn là anh chị em của chúng ta.’”

Đến năm 12 tuổi, lần đầu tiên A-nê nhận ra tiếng gọi nhẹ nhàng kêu mời em theo đuổi nếp sống tu trì và truyền giáo, tiếng gọi ấy vẫn tiềm sinh trong tâm hồn em suốt nhiều năm. Trong thời gian ấy, em tiếp tục sinh hoạt tích cực với hội “Con Đức Mẹ,” và ý chí hiến thân truyền giáo càng được hun đúc nhờ sự khuyến khích của các cha dòng Tên coi sóc giáo xứ. Người anh của A-nê là La-gia đến Áo để học tập và trở thành một sĩ quan kỵ binh trong học viện quân sự tại đó.

1928: Tiếng gọi gia nhập dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô.

Sở nguyện truyền giáo của A-nê còn được xác định hơn nữa qua lời mời gọi rõ ràng theo đuổi đời sống tu trì khi A-nê cầu nguyện trước tòa Đức Mẹ, bổn mạng vùng Xơ-kốp-dê: “Xin Đức Mẹ cầu bầu và giúp con tìm ra ơn gọi của con.” Với sự hướng dẫn và trợ giúp của một linh mục dòng Tên người Nam Tư, A-nê xin gia nhập dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô (thường gọi là dòng Các Bà Ái Nhĩ Lan). A-nê bị hấp dẫn vì công việc truyền giáo của hội dòng này tại Ấn Độ.

Ngày 26.9.1928: Cuộc hành trình đến Nhà Mẹ dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô tại Ái Nhĩ Lan.

Sau khi được chấp thuận, A-nê đến thủ đô Đu-bơ-lin (Dublin) của Ái Nhĩ Lan. Cô đáp tàu lửa đi qua các nước Nam Tư, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Anh, và sau cùng đã đến được Nhà Mẹ của dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô.

Ngày 1.12.1928: Hành trình đến Ấn Độ.

Sau hai tháng theo học khóa Anh văn cấp tốc, A-nê lên tàu thủy đi Ấn Độ và đến nơi vào ngày 6.1.1929 sau 37 ngày.

A-nê ở lại Can-quít-ta một tuần lễ và sau đó được sai đến miền Đa-di-ling (Darjeeling) nằm dưới chân núi Hi-ma-lay-a để bắt đầu năm tập.

Ngày 24.5.1931: Khấn Tạm.

Sau thời gian hai năm trong tập viện, A-nê tuyên lời khấn tạm trở thành một nữ tu của dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô, và đổi tên rửa tội để lấy tên Tê-rê-xa. “Tôi chọn tên Tê-rê-xa khi khấn dòng. Nhưng đó không phải là tên của thánh Tê-rê-xa Mẹ. Tôi đã chọn tên của thánh Tê-rê-xa Bông Hoa Nhỏ, Tê-rê-xa thành Li-di-ơ.”

1930-1937: Nữ tu Tê-rê-xa tại Can-quít-ta.

Sau khi khấn tạm, nữ tu Tê-rê-xa sống tại Can-quít-ta và phục vụ trong công tác làm giáo viên dạy địa lý và lịch sử tại trường Thánh Mẫu Ma-ri-a do dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô điều khiển.

Ngày 24.5.1937: Khấn trọn đời.

Sau nhiều năm khấn tạm, nữ tu Tê-rê-xa đã tuyên khấn trọn đời trong dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô, một dòng tu được thành lập tại Anh Quốc hồi thế kỷ XVI do Mẹ Ma-ri Oát (Mary Ward).

Mẹ Tê-rê-xa đã tóm tắt về cuộc sống tu trì của mình trong dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô như sau: “Tôi là nữ tu hạnh phúc nhất trong dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô. Tôi chuyên việc dạy học. Công tác ấy được thực hiện vì lòng yêu mến Chúa thật là một việc tông đồ thực sự. Tôi rất thích công tác ấy.” Mẹ đã trở thành giám học của trường Thánh Mẫu Ma-ri-a.

Ngày 10.9.1946: Ngày được ơn soi sáng lập dòng.

Mẹ Tê-rê-xa đã gọi ngày này bằng cái tên như vậy. Mẹ kể lại, “Trên chuyến xe lửa đi từ Can-quít-ta đến Đa-di-ling để tham dự cuộc tĩnh tâm, tôi âm thầm cầu nguyện khi cảm nhận sâu sắc một tiếng gọi. Sứ điệp ấy rất rõ ràng. Tôi phải bỏ dòng để dấn thân giúp đỡ những người nghèo khó bằng cách sống giữa họ. Tiếng gọi đó là một lệnh truyền. Tôi đã biết nơi mình phải đến, nhưng không biết phải đi đến đó bằng cách nào.”

Ngày 16.8.1948: Tòa Thánh ban phép cho Mẹ theo đuổi ơn gọi mới.

Rời bỏ dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô là một việc khó khăn và đau đớn đối với nữ tu Tê-rê-xa. Để thực hiện điều đó, nữ tu Tê-rê-xa cần phải có phép đặc biệt của Tòa Thánh Rô-ma sau khi nhận được sự đồng ý của nhà dòng. Sau cùng, Tòa Thánh cũng ban cho Mẹ phép chuẩn sống như một nữ tu ngoài tu viện. Mẹ rời bỏ nhà dòng ngày 16.8.1948, sau khi đã để lại tu phục của dòng cũ và mặc lấy bộ áo sa-ri trắng để nên giống những người phụ nữ nghèo khó nhất tại Ấn Độ. Bộ áo sa-ri với viền xanh biểu hiện khát vọng muốn noi gương Mẹ Ma-ri-a Đồng Trinh.

Mẹ Tê-rê-xa rời thành phố Can-quít-ta để theo học khóa điều dưỡng cơ bản cấp tốc ba tháng, sau đó trở lại và thực hiện khát vọng hiến thân phục vụ những người nghèo khó khốn cùng nhất tại các khu ổ chuột ở thành phố Can-quít-ta. Cũng trong năm đó, Mẹ Tê-rê-xa nộp đơn xin làm công dân Ấn Độ và được chấp thuận, quyền công dân này Mẹ vẫn giữ suốt đời. Đến cuối thập niên 1970, Đức Phao-lô VI cũng ban cho Mẹ quyền công dân Vatican để tiện việc đi lại truyền giáo của Mẹ.

Ngày 19.3.1949: Người môn đệ đầu tiên bước theo ơn gọi mới của Mẹ Tê-rê-xa.

Cô Xu-ba-xi-ni Đát (Subashini Das), một học sinh cũ của Mẹ Tê-rê-xa, bất ngờ đến thăm Mẹ và nói rằng rất muốn được bước theo lý tưởng của Mẹ. Cô là nữ tu đầu tiên của một dòng tu, tuy nhiên vào thời điểm ấy vẫn chưa thành hình.

Ngày 10.7.1950: Dòng Thừa Sai Bác Ái được Tòa Thánh Rô-ma chuẩn nhận.

Con số đông đảo các thiếu nữ theo chân cô Xu-ba-xi-ni Đát tìm đến với Mẹ Tê-rê-xa xem ra rất hứa hẹn. Mẹ Tê-rê-xa kể lại, “Sau năm 1949, tôi thấy có những thiếu nữ lần lượt tìm đến. Tất cả đều là các học sinh cũ của tôi. Họ muốn tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và rất nóng lòng muốn thực hiện điều đó.” Ngày 7.10.1950, vào ngày lễ Mẹ Mân Côi, Tòa Thánh Rô-ma đã chuẩn nhận dòng Thừa Sai Bác Ái. Mười chí nguyện sinh được nhập tập viện với thời gian kéo dài hai năm.

Ngày 22.8.1952: Nhà Hấp Hối dành cho người cùng khổ được thành lập.

Lúc đó, trong dòng có khoảng 30 chị em. Khoảng 12 chị đã tuyên khấn trọn đời. Cũng có khoảng 12 chị khác là tập sinh và số còn lại là đệ tử. Các nữ tu cần có một trụ sở riêng. Lúc ấy họ vẫn là “khách trọ” sống trong một căn hộ thuê, do ông Mi-ca-e Gô-mét (Michael Gomes) tài trợ. Họ chuyên học tập và luyện tập đời tu trì, trong lúc vẫn chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi, các người đau yếu, và hấp hối nghèo khó tại các khu ổ chuột.

Mẹ Tê-rê-xa liệu được một ngôi nhà để phục vụ cho những người hấp hối nghèo khó tại Ka-li-ghat, sát một đền thờ Ấn Giáo ở ngay trung tâm thành phố Can-quít-ta. Ngôi nhà được khai trương vào dịp lễ Đức Mẹ ngày 22.8.1952, và lập tức bị quá tải, tình trạng này kéo dài như vậy suốt nhiều năm mặc dù luôn có người “xuất viện,” nhưng cũng luôn nhận thêm người mới. Ngôi nhà được đặt tên là Nirmal Hriday: Nhà của Trái Tim Thanh Khiết, một cái tên được người Ấn Giáo đồng ý, vì phần đông những người đến ngôi nhà này đều là các tín đồ Ấn Giáo.

1953: Nhà Mẹ dòng Thừa Sai Bác Ái được kiến lập.

Sau những lời cầu nguyện như “giông tố” được dâng lên trời, các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã mua được một ngôi nhà để làm tu viện, tọa lạc tại số 54 Lower Circular Road tại thành phố Can-quít-ta. Ngôi nhà này rộng rãi và tọa lạc tại một địa điểm rất thích thuận cho các nhu cầu của dòng. Ngôi nhà này sau đó trở thành trụ sở chính của dòng Thừa Sai Bác Ái.

Gần đó, trên cùng một con đường, các nữ tu còn thuê một căn nhà khác và sau đó mua luôn để làm nhà cho các trẻ bị bỏ rơi và mồ côi trong các khu ổ chuột. Nhiều cha mẹ của các em này đã qua đời tại Nhà Hấp Hối dành cho những người nghèo khó.

Các nữ tu ngay từ đầu đã muốn mở một nhà cho những người cùi. Tuy nhiên, vì sự chống đối của dân chúng nói chung, nên các nữ tu phải lập các “trạm xá di động” giúp đỡ những bệnh nhân cùi. Sau đó, các chị mới lập được các trung tâm phục hồi cho các bệnh nhân phong cùi, gọi là Ti-ta-ga (Titagahr) và Xan-ti Na-ga (Shanti Nagar), nằm ở ngoại ô thành phố Can-quít-ta.

1962: Mẹ Tê-rê-xa được nhận các giải thưởng tại Á Châu.

Mẹ Tê-rê-xa được vinh dự nhận giải thưởng Pát-na Xơ-ri (Padna Sri) của chính phủ Ấn Độ trao tặng và giải thưởng Mắc-xê-xê (Magsaysay) của các quốc gia Đông Nam Á thuộc tổ chức SEATO trao tặng. Mẹ được tuyên nhận là người phụ nữ xứng đáng nhất tại Á Châu. Tuy nhiên, tại phương Tây, Mẹ vẫn còn là một nhân vật vô danh đối với nhiều người.

Ngày 1.2.1965: Dòng Thừa Sai Bác Ái phát triển.

Dòng Thừa Sai Bác Ái đến thời điểm này đã ra đời được 15 năm, với một sức phát triển và lớn mạnh lạ thường. Dòng có khoảng 300 nữ tu và nhiều nhà. Cũng đã có những nữ tu thuộc các quốc tịch Âu Châu. Tuy nhiên, tất cả các nhà của dòng vẫn còn trong lãnh thổ Ấn Độ và thuộc quyền các giám mục địa phương. Với sự ủng hộ của nhiều vị giám mục, đức Phao-lô VI đã ban sắc khen cho dòng và nâng lên thành dòng thuộc quyền Tòa Thánh. Sắc lệnh ấy, cùng với lời mời của đức tổng giám mục Ba-qui-xi-mê-tô (Barquisimeto) tại nước Vê-nê-du-ê-la, xin Mẹ Tê-rê-xa mở một nhà tại giáo phận của ngài, đã giúp cho dòng Thừa Sai Bác Ái phát triển công việc của mình.

1965-1971: Các nhà mới được mở thêm khắp thế giới.

Nhà tại Vê-nê-du-ê-la là nhà đầu tiên được khai mở ở nước ngoài. Trong những năm sau đó, các nhà kế tiếp được mở tại Phi Châu, Úc (tại thành phố Meo-bơn và A-đơ-le), Âu Châu (Anh, Ý) để đáp lại lời mời của các vị giám mục địa phương các nơi. Nhà đầu tiên của dòng Thừa Sai Bác Ái ở Ý được thành lập tại Rô-ma để đáp lại lời mời của chính đức Phao-lô VI trong tư cách giám mục giáo phận Rô-ma. Đức Phao-lô VI là một người rất ngưỡng mộ và là một ân nhân cho công việc của Mẹ Tê-rê-xa. Đến năm 1971, dòng Thừa Sai Bác Ái đã có 15 nhà ở các nơi.

Ngày 26.3.1969: Hội cộng sự viên dòng Thừa sai Bác Ái chính thức được thành lập.

Các cộng sự viên của Mẹ Tê-rê-xa trở thành một thực thể và một yếu tố quan trọng để xúc tiến các công việc của dòng Thừa Sai bác Ái. Thật khó khăn, nếu nói là không thể, xác định được con số chính xác vì sự phát triển liên tục, cũng như sự thiếu lưu ý của các Thừa Sai trong lưu giữ các con số thống kê chính xác. Ngay từ khi được thành lập dòng đã có những cộng sự viên. Ngày 3.3.1969, Đức Phao-lô VI đã chấp thuận qui chế cho các cộng sự viên của dòng và do đó, họ được chính thức sáp nhập vào dòng Thừa Sai Bác Ái.

Ngày 12.7.1972: Thân mẫu của Mẹ Tê-rê-xa, bà Ra-na qua đời.

Bà thân mẫu của Mẹ Tê-rê-xa qua đời tại An-ba-ni. Bà cụ đã muốn bỏ An-ba-ni để đến Ấn Độ thăm người con gái và đến đảo Xi-xi-li-a để thăm người con trai trước khi qua đời, nhưng chính phủ An-ba-ni đã từ chối không cho cấp giấy xuất cảnh cho bà.

Năm 1974: Bà A-ga Bô-da-xi-u, chị của Mẹ Tê-rê-xa, qua đời.

Bà cũng qua đời tại An-ba-ni mà không có cơ hội được gặp hai người em đang ở nước ngoài.

Ngày 17.10.1979: Mẹ Tê-rê-xa được nhận giải thưởng Nô-ben Hòa Bình.

Trong những năm của thập niên 1970, một nhà báo người Anh là Mắc-côm Mơ-giơ-rít (Malcolm Muggeridge) đã làm cho Mẹ Tê-rê-xa được lừng danh ở phương Tây, không những trong các giới Công Giáo mà còn cả ở ngoài xã hội rộng khắp. Kết quả, Mẹ đã được nhận giải thưởng “Người Sa-ma-ri-ta-nô Nhân Lành” của Hoa Kỳ; giải thưởng “Vì Tiến Bộ Tôn Giáo” của Anh Quốc, và giải thưởng Gio-an XXIII của Tòa Thánh Va-ti-can. Vào ngày 17.10.1979, Mẹ Tê-rê-xa còn được nhận giải thưởng cao quí danh tiếng nhất trên hành tinh là giải thưởng Nô-ben về Hòa Bình. Tuy nhiên, bản tính giản dị và khiêm tốn của Mẹ không hề bị lay chuyển.

Ngày 10.12.1979: Mẹ Tê-rê-xa nhận lãnh giải thưởng Nô-ben Hòa Bình.

Mẹ Tê-rê-xa đã đón nhận giải thưởng từ tay vua Ô-láp V (Olaf) của Na Uy, nhân danh những người nghèo khó mà Mẹ là đại diện và đã hiến cả cuộc đời để phục vụ.

1980-1985: dòng Thừa Sai Bác Ái mở thêm nhiều nhà mới và được chúc lành qua nhiều ơn gọi mới.

Năm 1980 hội dòng có 14 nhà bên ngoài Ấn Độ, tại nhiều nước khác nhau như Li-băng, Tây Đức, Nam Tư, Mê-hi-cô, Bơ-ra-xin, Pê-ru, Kê-ni-a, Ha-i-ti, Tây Ban Nha, Ê-ti-ô-pi, Bỉ, Niu Gui-nê, và Ác-hen-ti-na. Sau khi Mẹ Tê-rê-xa được nhận giải thưởng Nô-ben Hòa Bình, tốc độ phát triển của dòng Thừa Sai Bác Ái rất ngạc nhiên: 18 nhà mới được mở chỉ trong năm 1981, 12 nhà trong năm 1982, và 14 nhà trong năm 1983. Dòng Thừa Sai cũng được chúc lành qua con số ơn gọi gia tăng, làm cho hội dòng trở thành một ngoại lệ trong thời đại ơn gọi các dòng tu nói chung bị giảm sút.

Năm 1986-1989: Dòng Thừa Sai vào được cả những quốc gia trước kia vốn ngăn cấm các nhà truyền giáo.

Dòng Thừa Sai Bác Ái được phép mở các nhà tại các quốc gia vốn đóng kín đối với các nhà truyền giáo như Ê-ti-ô-pi, và Nam I-ê-men. Hội dòng cũng được phép đến Ni-ca-ra-goa, Cu-ba, và Liên Sô là nơi chủ nghĩa vô thần được nhà nước tích cực cổ võ. Trong trường hợp của Liên Sô, một trong những kết quả của công cuộc Pê-rét-troi-ka (Perestroika) của Mi-khai Gô-ba-chốp (Mikhai Gorbachev) là cho phép Mẹ Tê-rê-xa được mở một nhà ở tại thủ đô Mát-cơ-va.

Tháng 2.1986: Đức Gio-an Phao-lô II đến thăm Can-quít-ta.

Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm Mẹ Tê-rê-xa và tận mắt xem công việc của dòng Thừa Sai Bác Ái.

Ngày 21.5.1988: Một nhà tại Va-ti-can.

Dòng Thừa Sai Bác Ái mở một nhà trú cho những người vô gia cư ở Rô-ma, ngay tại Va-ti-can. Nhà này được gọi là “Món Quà của Mẹ Ma-ri-a” để kỷ niệm năm Thánh Mẫu. Nhà trú này có 72 gường, và hai nhà ăn, một cho những người thường trú và một cho những người ghé qua. Nhà trú cũng có một phòng khách, một phòng y tế, một sân hiên đối diện với sảnh đường Đức Phao-lô VI.

Năm 1988-1989: Mẹ Tê-rê-xa phải vào bệnh viện hai lần.

Vì cơn bệnh đau tim, Mẹ Tê-rê-xa phải vào bệnh viện hai lần. Đây không phải là lần đầu tiên Mẹ đã lao lực quá mức và phải vào bệnh viện. Ngay cả Đức Thánh Cha cũng xin Mẹ hãy giữ gìn sức khỏe. Các bác sĩ của Mẹ đã phải lắp đặt một máy kích thích cơ tim hoạt động và ra lệnh cho Mẹ phải nghỉ ngơi sáu tháng.

Ngày 16.4.1990: Mẹ Tê-rê-xa từ chức bề trên tổng quyền của dòng Thừa Sai Bác Ái.

Vì lý do sức khỏe là chủ yếu, Mẹ Tê-rê-xa đã từ chức bề trên tổng quyền dòng Thừa Sai Bác Ái. Được rảnh khỏi các trách vụ, Mẹ có nhiều thời giờ hơn để đi lại và thăm viếng các nhà của chị em các nơi.

Tháng 9.1990: Mẹ Tê-rê-xa được yêu cầu ngưng thời gian nghỉ hưu và được tái đắc cử trong chức vụ bề trên tổng quyền của dòng Thừa Sai Bác Ái.

Nhận ra thiên khiếu tinh thần cá biệt và tài lãnh đạo hội dòng của Mẹ Tê-rê-xa, các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái một lần nữa lại bầu Mẹ vào chức vụ bề trên tổng quyền của dòng, mặc dù Mẹ đã 80 tuổi và bệnh nạn yếu đuối về sức khỏe.

Ngày 1.4.1994: Mẹ Tê-rê-xa đến Việt Nam.

Mẹ cho biết Việt Nam là quốc gia thứ 111 có sự hoạt động của dòng Thừa Sai Bác Ái. Hai nhà tại Việt Nam là nhà thứ 501 và 502 của dòng.

Năm 1997: Mẹ Tê-rê-xa qua đời.

Vì lý do sức khỏe, một lần nữa Mẹ Tê-rê-xa không thể tiếp tục đảm trách công việc bề trên, và nữ tu Ni-ma-la (Nirmala) được bầu lên thay thế Mẹ. Cuối năm ấy, Mẹ đã từ giã trần gian.

Hết

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)