dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Gia Đình Sống Đạo
 
 
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
 
<<< <Giáo dân với Gia Đình  


GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
là sống Bí tích Thống hối và Giao hoà
là một trong hai bí tích chữa lành


VÀO ĐỀ

Tôi quen biết khá thân một gia đình sinh sống tại Mỹ từ nhiều năm nay. Gia đình này có hai người phụ nữ mà cả hai đều mắc một chứng bệnh của thế giới văn minh giầu có. Đó là một chứng bệnh tâm lý chứ không phải là bệnh thể lý. Cô con gái mắc bệnh nghiền “shopping” (mua hàng ở các cửa hàng thời trang cao cấp) đến độ nhiều bộ quần áo cô mua không hề được mặc lần nào mà chỉ để treo trong tủ. Còn mẹ cô, thì mắc bệnh nghiền “bác sĩ”, nghĩa là hơi một tý là bà cụ đi bác sĩ, thậm chí thỉnh thoảng bà cũng phải đến phòng khám mới yên tâm về sức khỏe của bà.

Bệnh ghiền “bác sĩ” của bà cụ làm tôi nghĩ đến tình trạng càng ngày càng có nhiều giáo dân xa lánh bí tích Thống Hối Giao Hòa mà cách gọi vừa xưa, vừa bình dân là Giải Tội. Phải chăng vì giáo dân ngày nay ít phạm tội hơn xưa hay vì lý do nào khác? Nếu giáo dân ngày nay sống đạo đức thánh thiện và ít phạm tội hơn xưa thì cảm tạ Chúa! Nhưng nếu vì lý do nào khác như thiếu hiểu biết về ý nghĩa và ơn ích của bí tích Thống Hối Giao Hòa hoặc ngại thực hành bí tích ấy thì lại là chuyện khác, đáng chúng ta phải xem lại.

TRÌNH BÀY

1. Giáo lý Hội thánh Công giáo về bí tích Thống hối Giao hòa

1.1 Bí Tích Thống Hối Giao Hòa là một trong hai bí tích Chữa Lành:

Chúng ta nhận được sự sống mới của Đức Ki-tô nhờ các bí tích khai tâm Ki-tô giáo. Nhưng sự sống này được chứa “trong những bình sành” (2 Cr 4,7) và đang tiềm tàng với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa (Cl 3,3). Chúng ta hiện sống trong “ngôi nhà dưới đất” (2 Cr 5,1), phải chịu khổ đau, bệnh tật và phải chết. Đời sống mới, tức là đời sống của con cái Thiên Chúa, có thể bị tội lỗi làm suy giảm hoặc hủy diệt (1).

Chúa Giê-su Ki-tô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác chúng ta. Người đã từng tha tội và phục hồi sức khỏe thể xác cho người bại liệt (x. Mc 2,1-12). Người muốn Hội Thánh, nhờ quyền năng Thánh Thần, tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ. Đó là mục đích của hai Bí Tích chữa lành: bí tích thống Hối và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (2).

1.2 Bí Tích Thống Hối Giao Hòa được gọi bằng nhiều tên khác nhau:

(a) Bí tích này được gọi là bí tích Hoán Cải: Tội lỗi đã làm con người lìa xa Thiên Chúa, nhưng bí tích này thực hiện lời Chúa Giêsu kêu gọi tội nhân hoán cải để trở về với Thiên Chúa.

(b) Bí tích này được gọi là bí tích Thống Hối vì xác định một tiến trình cho tội nhân hoán cải, ăn năn và đền tội, cả về phương diện cá nhân lẫn phương diện Hội Thánh (3).

(c) Bí tích này được gọi là bí tích Thú Tội: Việc thú nhận xưng tội với linh mục là một yếu tố thiết yếu của bí tích này. Theo một nghĩa sâu xa hơn, bí tích này cũng là một việc ‘tuyên xưng’ tức là nhìn nhận và ca ngợi Thiên Chúa thánh thiện và giầu lòng xót thương đối với tội nhân.

(d) Bí tích này được gọi là bí tích Tha Tội vì nhờ lời xá giải của linh mục, Thiên Chúa ban cho tội nhân ơn “tha thứ và bình an”.

(đ) Bí tích này được gọi là bí tích Giao Hòa vì ban cho tội nhân ơn giao hòa với Thiên Chúa và với anh em: “Anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20) và “Hãy đi làm hòa với anh em ngươi đã” (Mt 5,24) (4).

1.3 Hiệu quả của bí tích Thống Hối Giao Hòa:

a. Những ai đến lãnh nhận bí tích Thống Hối đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời, họ được giao hòa với Hội Thánh đã bị tội lỗi của họ làm tổn thương. Nhưng Hội Thánh hằng nỗ lực lấy đức mến, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ. (5).

b. “Bí tích Thống Hối phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả”. Mục đích và hiệu quả của bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Bí tích Giao Hòa thực hiện một cuộc “phục sinh thiêng liêng” đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người (Lc 15,32) (6).

1.4 Bí mật tòa giải tội:

Thừa tác vụ giải tội của các giám mục, linh mục rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội tôn trọng và tế nhị với người xưng tội. Do đó, Hội Thánh buộc mọi linh mục, khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những tội hối nhân đã xưng. Ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề (7). Vị linh mục cũng không có quyền tỏ ra bên ngoài những gì biết được khi giải tội. Bí mật tòa giải tội không chấp nhận luật trừ nào. Đây là “ấn tín bí tích”, vi tất cả những gì hối nhận xưng thú đều được bí tích “niêm ấn” (8).

1.5 Điều kiện để được tha tội

a. Phía tội nhân: Tội nhân phải tự nguyện thi hành đầy đủ những việc sau: thật lòng ăn năn, xưng tội, khiêm tốn và thành tâm đền tội (9).

  • Ăn năn tội: là đớn đau trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa (10).
  • Xưng tội: lời thú tội là phần cốt yếu của bí tích Thống Hối: “Khi xưng tội hối nhân phải kể hết các tội trọng nhờ được sau khi xét mình cần thẩn, dù những tội trọng này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai điều cuốu của Thập Giới (x. Xh 20,17; Mt 5,28), vì những tội này đôi khi làm cho linh hồn bị thương tổn nặng nề và nguy hiểm hơn những tội phạm công khai” (11).
  • Đền tội: là bù đắp những thiệt hại mà tội nhân đã gây ra cho người khác và gây thương tổn và làm suy yếu chính tội nhân cũng như mối liên hệ giữ họ với Thiên Chúa và tha nhân.
    Ngoài những đền bù theo lẽ công bằng đối với những người bị hại, tội nhân chỉ có thể đền bù tội lỗi đã phạm là nhờ Đức Ki-tô và công nghiệp của Người mà thôi (12).

b. Phía cha giải tội: Vì Đức Ki-tô đã trao cho các tông đồ thừa tác vụ giao hòa (x. Ga 20,23; 2 Cr 5,18) nên các giám mục kế nhiệm các ngài và các linh mục là những cộng sự viên của các giám mục, tiếp tục thi hành thừa tác vụ này. Nhờ bí tích Truyền Chức, các giám mục và linh mục có quyền tha tội “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (13).

2. Gia đình Công giáo sống Bí Tích Thống Hối Giao Hòa là một trong hai bí tích Chữa Lành

Sau đây là cách gia đình Công giáo sống bí tích Thống Hối Giao Hòa một cách tích cực và hiệu quả.

2.1 Ý thức về sự yếu đuối, dòn mỏng của thân phận con người mà xa lánh các dịp tội:

Chẳng ai dám tự hào là mình đủ mạnh trước sự tấn công của Xa-tan hay dụ dỗ của các thế lực tội lỗi. Cũng như trước sự quyến rũ của vàng bạc châu báu, của chức quyền danh vọng, của thú vui trần tục khó có ai mà không xiêu lòng! Vì thề gia đình phải là đồn lũy bảo vệ tất cả mọi người xa lánh dịp tội.

Mặt khác mỗi người chúng ta lại dễ sai lầm mà sống theo bản năng và xu hướng tự nhiên ích kỷ của mình. Nên gia đình phải là môi trường phát triển nếp sống bác ái, vị tha Ki-tô giáo .

2.2 Vợ chồng, cha mẹ con cái nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin:

Một trong hai mục đích chính của bí tích Hôn Phối là vợ chồng tín hữu giúp đỡ hỗ trợ nhau trong đời sống nhân sinh và tâm linh. Vợ chồng, cha mẹ con cái tạo thành một cộng đồng hiệp thông trong ơn nghĩa và sứ vụ nên mỗi người phải giúp đỡ người khác sống tốt lành, thánh thiện, hy sinh quảng đại hơn. Có sự nâng đỡ tích cực này, mỗi người sẽ phát huy được những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho, để mỗi người hoàn thành sứ mạng của mình.

2.3 Trông cậy vào lòng xót thương và thứ tha của Thiên Chúa:

Chính Chúa Giê-su đã khẳng định Người đến trần gian là vì những người ốm đau bệnh tật chứ không phải vì những người khỏe mạnh. Về phương diện thể xác đau bệnh là chuyện bình thường thế nào thì về phương diện tâm linh, sa ngã phạm tội cũng là chuyện thường xảy ra với tất cả mọi người. Điều quan trọng là chúng ta có vững lòng cậy trông vào lòng xót thương và thứ tha của Thiên Chúa hay không mà thôi. Thánh Kinh là một câu chuyện dài nhiều tập về tội phản nghịch của con người và về lòng yêu thương thứ tha của Thiên Chúa.

2.4 Mau chạy đến tòa cáo giải để được xóa tội:

Có bệnh mà không chịu tìm đến thày thuốc thì làm sao khỏi bệnh được? Cũng thế, có tội mà không chịu tìm đến tòa cáo giải thì làm sao hết tội được? Đây có lẽ là điểm khúc mắc nhất hiện nay của rất nhiều giáo dân. Tâm lý con người thời hiện đại thấy rất khó xưng thú tội lỗi của mình với một người khác, dù người đó là linh mục. Nhưng chẳng có con đường hay phương thế nào khác. Chính Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích Giải Tội như thế, cho chúng ta và vì chúng ta.

2.5 Vợ chồng, cha mẹ con cái sống quảng đại với nhau và tha thứ cho nhau:

Trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa tha TỘI mình đã phạm mất lòng Chúa và thề hứa với Chúa là sẽ bỏ qua LỖI của người khác mắc với chúng ta. Thậm chí việc tha lỗi cho nhau là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa tha tội cho chúng ta. Hơn đâu hết, gia đình là nơi thuận tiện nhất để mỗi ngày chúng ta thực hành sự thứ tha này.

KẾT LUẬN

Sai lầm lớn nhất của con người là nhận định không đúng về mình, và sống không phù hợp với địa vị và ơn gọi của mình. Nói cách khác, con người chỉ được bình an, hạnh phúc thật sự khi nhận định đúng về mình (yếu đuối, dòn mỏng, tội nhân) và sống phù hợp với địa vị và ơn gọi (được thương và được cứu) của mình. Chung quy tội phúc là vậy. Tội là sống không phù hợp với địa vị và ơn gọi của mình là tạo vật, là con cái của Thiên Chúa. Bí tích Thống Hối Giao Hòa là phương thế “thần linh và diệu kỳ” đưa chúng ta về đúng chỗ (tội nhân) của chúng ta và giúp chúng ta sống đúng với địa vị và ơn gọi (hối nhân) của chúng ta.

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Sàigòn ngày 21.04.2006

Chú thích:

(1) Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1420.

(2) GLHTCG, số 1421.

(3) nt, số 1423.

(4) nt, số 1424.

(5) nt, số 1422.

(6) nt, số 1468.

(7) xem Bộ Giáo luật, khoản 1388, triệt I.

(8) GLHTCG, số 1467.

(9) nt, số 1450.

(10) nt, số 1451.

(11) nt, số 1456.

(12) x. GLHTCG, số 1459.

(13) GLHTCG, số 1461.

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)