dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Luyện Ngục
 
 
CMC Sưu tầm
 
<<<    

Tháng các linh hồn: nghĩ đến cuộc sống đời sau
VietCatholic News (01 Nov 2009 21:17)

Không có ai tránh khỏi cái chết nhưng ai cũng sợ chết. Đối với người vô thần thì chết là hết nhưng đối với người có niềm tin tôn giáo thì chết chưa phải là hết mà còn có cuộc sống khác sau cái chết. Người Kitô hữu tin rằng khi con người chết thì chỉ có thân xác là tiêu tan còn linh hồn thì bất tử. Chết chỉ là chấm dứt cuộc sống trần gian để bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Sách Giáo lý Công giáo nói rọ linh hồn sau khi lìa khỏi xác sẽ phải ra trước tòa phán xét để rồi sẽ được lên Thiên đàng, phải vào thanh luyện ở luyện ngục hoặc là phải trầm luân đời đời trong lửa hỏa ngục. Biết vậy nhưng dường như chẳng mấy ai thực sự quan tâm đến cuộc sống đời sau.

Tôi thích câu chuyện hai người con trong một bài suy niệm mà tôi đã đọc. Đây không phải là câu chuyện về hai anh em trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” được kể trong Kinh thánh. Cũng không phải là chuyện có thật mà chỉ là một câu chuyện tưởng tượng. Tuy câu chuyện chẳng có gì hấp dẫn nhưng tôi thích vì tôi thấy ở trong câu chuyện đó có dáng dấp của rất nhiều người trong đó có cả tôi nữa.

Chuyện kể rằng gia đình kia có hai người con. Một người được cha mẹ quan tâm đặc biệt, được chăm sóc từng ly từng tí, được chiều chuộng đủ điều, muốn gì được nấy. Cha mẹ sẵn sàng thỏa mãn mọi đòi hỏi của người con này cho dù biết là có hại. Trong khi đó thì người con kia bị bỏ rơi, không được đoái hoài tới. Người con đáng thương này vẫn hiện diện trong gia đình nhưng đã bị lãng quên như thể anh ta không hề có mặt ở trên đời.

Câu chuyện có lẽ đã khiến chúng ta bất mãn về cách đối xử không công bằng với con cái. Làm cha làm mẹ mà phân biệt đối xử với con cái như vậy là qúa bất công, không thể chấp nhận được. Con nào cũng là con sao lại thiên lệch, bên trọng bên khinh. Thật đáng bị lên án. Thế nhưng câu chuyện cũng là một lời cảnh cáo đối với chúng ta. Là vì chính chúng ta cũng đã có những hành động bất công chẳng khác gì cảnh bất công đã xẩy ra trong gia đình nói trên. Đúng như vậy. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có hai đứa con: đứa con thể xác và đứa con linh hồn. Chúng ta có đối xử công bằng đối với hai đứa con này không?

Tôi nghĩ rằng không. Chúng ta đã qúa lo lắng cho thân xác, qúa chú tâm đến đời sống vật chất nhưng lại thờ ơ việc linh hồn. Chúng ta đã bỏ hết thời gian và tâm trí cho tiền tài, danh vọng, tài năng, sắc đẹp … để không còn thì giờ đến nhà thờ, để làm việc lành phúc đức. Chúng ta chỉ giữ đạo chứ không sống đạo. Chúng ta chỉ là con chiên ngoan đạo tuân giữ luật Chúa ở trong nhà thờ còn khi ra khỏi nhà thờ thì khác. Nhiều khi chỉ vì một mối lợi nào đó chúng ta sẵn sàng đi ngược lại giới răn của Chúa và lề luật của Giáo hội. Chúng ta chỉ nghĩ đến mình, chỉ biết thu vén cho mình mà không hề quan tâm đến luật bác ái, yêu thương.

Cuộc sống thể xác của con người, như ai cũng biết, có kéo dài lắm thì cũng chỉ được hơn 100 năm là cùng. Trong khi đó đời sống của linh hồn, đưới con mắt đức tin, là đời sống bất tận,bất diệt. Mỗi người được Chúa cho sống ở trần gian một thời gian dài ngắn khác nhau. Thời gian này không phải chỉ để lo cho thân xác, cho công việc ở thế gian này mà còn phải là thời gian chuẩn bị cho cuộc sống đời đời. Phải sống như lời Chúa dạy. Thờ phượng Chúa, yêu thương đồng loại; làm lánh lánh dữ; giúp đỡ người nghèo khó; bênh đỡ kẻ cô thế; phải đặt những thứ có gía trị vĩnh cửu lên trên những gì mau qua chóng hết.

Khi cuộc sống trần thế đã mãn người Kitô hữu đều biết linh hồn sẽ đi đến những nơi nào. Những linh hồn được lên Thiên đàng thì hạnh phúc rồi. Những linh hồn phải sa hỏa ngục đời đời thì không nói đến nữa. Hãy nghĩ đến những linh hồn ở luyện ngục là nơi vẫn còn có hy vọng được giải thoát. Nhưng đã trễ rồi họ không còn thì giờ và cũng chẳng còn có thể làm được gì để tự cứu mình. Họ chỉ còn biết trông chờ vào những người còn sống. Nhưng những người còn sống có nghĩ đến họ không?

Cuộc sống bận rộn của xãhội ngày nay khiến người ta không còn thì giờ để nghĩ đến những gì xa hơn là cuộc sống bon chen trước mặt. Thêm vào đó cái khuynh hướng tư nhiên “Xa mặt cách lòng” khiến cho những người đã qua đời dễ bị lãng quên. Việc cầu nguyện, xin lễ cho người qúa cố sẽ thưa thớt dần và đến một lúc nào đó người còn sống có thể sẽ chẳng còn một ấn tượng gì về những người đã khuất nói gì đến việc cầu nguyện cho.

Phải chăng vì vậy mà Giáo hội đã dành tháng 11 để nhắc nhở giáo hữu nhớ đến và cầu nguyện cho những người đã khuất. Và phải chăng đây cũng là dịp để người giáo hữu suy gẫm về thân phận mỏng dòn của kiếp người như lời hát trong bản “Hỡi người hãy nhớ” của linh mục Kim Long:

Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro.
Một mai người sẽ trở về bụi tro.
Ôi thân phận của con người tựa bông hoa nở tươi.
Một làn gió nhẹ lung lay cũng biến tan sắc màu
”.

Nay người mai ta. Một ngày nào đó mỗi người chúng ta sẽ nằm trong quan tài, sẽ xuống mồ và đến lúc đó chúng ta cũng lại ở trong số các linh hồn trông chờ vào lời cầu nguyện từ những người còn sống.

Mỗi dịp tháng các linh hồn đến chúng ta thường được chỉ bảo những phương cách hữu hiệu để cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục. Những phương cách đó là: lần hạt Mân côi, xin lễ, tham dự thánh lễ, rước lễ, chầu Thánh Thể, thực hành việc bác ái từ thiện, hy sinh hãm mình v.v. Chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn thì các linh hồn cũng cầu nguyện lại cho chúng ta.

Tôi nhớ năm ngoái cũng vào khoảng thời gian này, tháng các linh hồn, tôi nhận được một email từ một đứa cháu ở Việt Nam. Cháu kể với tôi về giấc mơ của đứa em. Theo giấc mơ này thì đứa em gái thấy nó đi đến một nơi rất tối tăm và ở đây nó gặp được bố cháu. Cháu kể tiếp bố cháu đã nói với đứa em phải rán sống sao cho tốt, cho đẹp lòng Chúa để khi chết đi được lên thẳng Thiên đàng mà không phải xuống nơi này âm u và đau khổ lắm. Bố cháu còn nói bố bây giờ hối hận nhưng đã muộn rồi. Bố chỉ còn trông chờ vào lời cầu nguyện của mấy mẹ con con mà thôi. Cháu cho biết khi nghe đứa em kể lại giấc mơ nước mắt cháu đã tuôn tràn vì thương bố. Đọc email của cháu tôi cũng thấy xúc động trước tấm lòng hiếu thảo của đứa con gái đối với người cha qúa cố.

Cháu còn kể lể thêm với tôi trước khi chết bố cháu đã phải chịu đau đớn hơn một tháng trời trên giường bệnh. Lúc chết cũng trần truồng như Chúa (vì bệnh nặng nhà thương không cho mặc quần áo mà chỉ phủ lên người một tấm chăn mỏng). Cháu có vẻ tin tưởng hoàn toàn vào giấc mơ của đứa em khi kể tiếp cháu tưởng bố cháu chịu như thế là đã đền tội rồi và bố cháu đã được lên Thiên đàng. Vậy mà không ngờ bố cháu vẫn đang chịu đau khổ dưới luyện ngục.

Cháu cũng cho tôi biết trong suốt ba năm qua, từ khi bố cháu qua đời cháu đã không ngừng cầu nguyện cho bố cháu nhưng cháu thú nhận nhiều lúc cháu không thể nào tập trung khi đọc kinh. Cháu hỏi tôi có phải vì vậy mà bố cháu chưa được lên Thiên đàng?
Trong email hồi âm cho cháu tôi có góp ý với cháu về giấc mơ của đứa em. Có thể đó chỉ là một giấc mơ bình thường như bao nhiêu giấc mơ khác nhưng cũng có thể đó là một cách Chúa cho phép bố cháu được tỏ bày với gia đình để xin gia đình cầu nguyện thêm. Nhưng cho dù chỉ là một giấc mơ bình thường thì gia tăng cầu nguyện cho bố cháu vẫn là việc nên làm. Tôi cũng góp ý với cháu việc đọc kinh thì chẳng thà đọc ít mà tập trung, miệng đọc tâm suy còn hơn đọc nhiều mà lo ra, miệng thì đọc mà tâm trí lại để ở nơi khác.

Có nhiều người cũng nghĩ như cháu cho việc chịu đau đớn trong thời gian bệnh họan là dịp đền tội. Khi còn ở Việt Nam có lần đi dự thánh lễ an táng tôi cũng đã nghe cha giảng đại khái ông cụ nọ, bà cụ kia đã phải chịu đau đớn trong một thời gian dài trên giường bệnh đã đền tội để được Chúa cho lên Thiên đàng. Tôi không tin tưởng lắm. Tôi nghĩ còn tùy thái độ của người bệnh có chấp nhận những đau đớn thể xác như là sẵn sàng vâng theo Thánh y Chúa và có đón nhận những đau đớn đó với ý để đền tội hay không? Khi chịu đau đớn thể xác, đau khổ tinh thần, gặp nghịch cảnh hay những điều trái ý v.v. mà sẵn sàng đón nhận vì lòng mến Chúa thì những sự hãm mình đó sẽ trở nên công phúc. Ngược lại nếu than vãn, oán trách, buồn bực v.v. thì chưa chắc đã có tác dụng trong việc đền tôi.

Thánh nữ Têrêsa nói “Nhặt một cây kim vì tình yêu có thể hoán cải một tâm hồn”. Câu nói này cho thấy một việc làm nhỏ có thể có hiệu qủa lớn nhưng phải làm vì tình yêu, vì lòng mến và phải nhắm tới việc đền tôi cho mình hay đền thay cho người khác và cầu nguyện cho họ. Trong cuộc sống mỗi người chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội để sinh công phúc, làm lợi cho việc rỗi linh hồn ở đời sau. Vấn đề là chúng ta có biết tận dụng những cơ hội đó hay không ?

Vermont tháng các linh hồn.

Lại Thế Lãng


- dongcong.net sưu tầm

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)