dongcong.net
 
   
 
 
 
   

 

 
giải đáp phụng vụ
 
 
vietcatholic.net - Nguyễn Trọng Đa
 
<<<    

Giải đáp phụng vụ: Các công thức tung hô sau Truyền Phép được sử dụng như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi phụ trách thánh nhạc tại giáo xứ của tôi. Tôi thấy không có thông tin hướng dẫn, để tôi có sự lựa chọn thích hợp cho ba câu tung hô A, B, C của phần "Đây là mầu nhiệm đức tin" trong Thánh Lễ. Thưa cha, liệu có chỉ thị nào cho việc yêu cầu sử dụng thích hợp một trong ba câu tung hô ấy cho mùa thường niên, các mùa và lễ trọng không? - R. H., Stockholm, New Jersey, Mỹ.

Đáp: Về vấn đề này, dường như không có bất kỳ ưu tiên đặc biệt nào trong bất cứ tài liệu nào của Giáo Hội. Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 151, chỉ nói: “Sau khi truyền phép, vị tư tế nói: "Ðây là mầu nhiệm đức tin", giáo dân tung hô theo một trong các công thức có sẵn” (Bản dịch Việt ngữ do cha P. X. Nguyễn Chí Cần, GP Nha Trang, thực hiện).

Điều này về cơ bản để lại mọi tùy chọn cho vị chủ tế và các cộng sự viên của ngài.

Đúng là ở Ý và hầu hết các nước nói tiếng Tây Ban Nha, lời tung hô đầu tiên (A) đã trở thành sự chọn lựa mặc định cho mọi mục đích thực tế. Điều này có lẽ là do nó là văn bản đơn giản nhất để học, từ cả quan điểm văn học lẫn quan điểm âm nhạc.

Không phải là ngạc nhiên khi các lời tung hô khác nhau không có ưu tiên, theo mùa hoặc theo lý do khác, vì cả ba lời tung hô đều thể hiện một ý tưởng rất giống nhau.

Một cách nào đó tất cả các lời tung hô đề cập đến việc cử hành mầu nhiệm vượt qua như một tổng thể. Đây là mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại, là một mầu nhiệm chỉ có thể được cảm nhận trong bối cảnh của đức tin, và làm cho mầu nhiệm này hiện diện và hiệu quả, thông qua việc Giáo Hội cử hành hy tế Thánh Thể, vốn được chính Chúa Kitô thiết lập nên.

Mầu nhiệm biến thể bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô được bao hàm trong cả ba lời tung hô, vì sự biến thể này làm nền móng cho việc tưởng nhớ các mầu nhiệm khác. Tuy nhiên, chỉ có lời tung hô thứ hai (B) thực sự nhắc đến bánh và rượu.

Một sự nhắc đến việc Chúa quang lâm cũng được đưa vào như là thời điểm tột đỉnh của lịch sử cứu độ.

Lời tung hô đầu tiên (A), "Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”, phát sinh từ 1 Cr 11, 26. Nó đã được tìm thấy trong dạng thức này trong một số nghi lễ phụng vụ Đông phương cổ, chẳng hạn như nghi lễ thánh Giacôbê.

Lời tung hô thứ hai (B), "Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”, cũng phát sinh từ 1 Cr 11, 26, nhưng bao gồm một sự nhắc đến bánh và rượu.

Lời tung hô thứ ba (C), “Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con” (cả ba là theo bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), là một lời soạn thảo mới, và dựa vào văn bản của Kh 5, 9 và 1 Pr 1, 18.

Một số tác giả đã phàn nàn rằng các bản văn này phản bội lại truyền thống phụng vụ cổ, vốn luôn luôn và chỉ thưa với Chúa Cha trong Kinh nguyện Thánh Thể.

Trả lời cho lời phàn nàn này, người ta cần nhận xét trước tiên rằng các lời tung hô, nói một cách chặt chẽ, không phải là một phần của Kinh Nguyện Thánh Thể. Thật vậy, nếu một linh mục cử hành thánh lễ một mình hoặc đồng tế với các linh mục hiện diện mà không có giáo dân, thì cả lời "Đây là Mầu nhiệm đức tin" và lời tung hô đều không được đọc.

Thứ đến, việc chuyển thưa từ Chúa Cha qua Chúa Con là tương đối phổ biến trong kinh nguyện và thánh thi, vốn phù hợp với toàn cộng đoàn phụng vụ, chẳng hạn "Xin Chúa thương xót chúng con” (Kyrie-Christe eleison), Kinh Vinh Danh (Gloria), và "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con”. Bên ngoài thánh lễ, thánh thi “Lạy Thiên Chúa” (Te Deum) cũng có một đoạn như vậy.

Về việc sử dụng các lời tung hô sau Truyền Phép, tôi có thể nói rằng vị linh mục, cùng với người phụ trách thánh nhạc, có thể chọn lời tung hô nào xét là phù hợp hơn cho lễ cử hành, do các sắc thái thần học đặc biệt được ghi nhận như trên đây.

Do đó như một gợi ý, mặc dù không phải là ưu tiên chính thức, tôi sẽ nói rằng lời tung hô thứ hai (B) xem ra là phù hợp nhất cho các thánh lễ nhấn mạnh đến phép Thánh Thể, chẳng hạn lễ Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi). Lời tung hô thứ nhất (A) hoặc lời tung hô thứ hai (B), vốn nhắc đến việc Chúa quang lâm, dường như là tốt nhất cho một lễ trọng như lễ Thăng Thiên. Lời tung hô thứ ba (C), với sự hấp dẫn của nó đối với sự cứu độ, có thể là hiệu quả hơn cho các Thánh Lễ nhấn mạnh chủ đề sám hối đền tội. (Zenit.org 27-8-2013)

Nguyễn Trọng Đ
a. August 29, 2013

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)