|
Chúa
luôn chúc phúc
và nâng cao những ai khiêm nhường sám hối
ĐỌC
LỜI CHÚA
•
Is 8,23b–9,3: Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơvulun và đất Náptali,
nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền
bên kia sông Giođan, vùng đất của dân ngoại.
•
1Cr 1,10-13.17: (12) Tôi thấy trong anh em có những luận điệu
như: «Tôi thuộc về Phaolô, tôi thuộc về Apôlô, tôi thuộc về Kêpha,
tôi thuộc về Đức Kitô».
•
TIN MỪNG: Mt 4,12-17
Đức
Giêsu khởi đầu rao giảng tại Galilê
(12)
Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền
Galilê. (13) Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành
ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, (14) để
ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: (15) Này đất Dơvulun, và đất
Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan,
hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! (16) Đoàn dân đang ngồi trong
cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi
trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu
rọi.
(17)
Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: «Anh em hãy
sám hối, vì Nước Trời đã đến gần».
CHIA
SẺ
Câu
hỏi gợi ý:
1.
Tại sao Thiên Chúa lại muốn Đức Giêsu xuất thân tại xứ Galilê,
là «miền đất của dân ngoại» (Mt 4,15), chứ không xuất thân ở xứ
Giuđa là miền đông dân theo đạo Do Thái?
2.
Tại sao tôn giáo của Tân ước mà Đức Giêsu thiết lập lại chủ yếu
do dân ngoại gia nhập, còn người Do Thái giáo lại gia nhập rất
ít? Liệu người Kitô hữu hiện nay có đi vào vết xe cũ đã đổ của
dân Do Thái giáo xưa không?
3.
Người đang được Thiên Chúa ưu đãi, nâng đỡ, cần có thái độ nào
để Thiên Chúa vẫn tiếp tục ưu đãi và nâng đỡ?
Suy
tư gợi ý:
1.
Xứ Galilê được chọn làm nơi xuất thân Đấng Cứu Thế
Nước
Do Thái có ba miền: Galilê (miền bắc), Samari (miền trung) và
Giuđa (miền nam). Thủ đô tôn giáo của Do Thái giáo là Giêrusalem
thuộc xứ Giuđa, xứ này là vùng đông người có đạo Do Thái nhất.
Xứ Samari là miền tạp chủng, tuy theo đạo Do Thái, nhưng đạo này
bị pha trộn với tôn giáo của dân ngoại, nghĩa là mang tính lạc
giáo, nên bị người Giuđa khinh thường và coi như dân ngoại. Còn
xứ Galilê là miền đất của dân ngoại – vì đa số dân chúng là ngoại
đạo – như được nói trong bài Tin Mừng: «Hỡi Galilê, miền đất của
dân ngoại» (Mt 4,15). Galilê «thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali»,
là vùng đất bị Thiên Chúa nguyền rủa vì trong quá khứ, dân đã
phạm một lầm lỗi nặng nề nào đó (x. Is 8,23b). Thế mà Đức Giêsu
lại là người Nadarét thuộc xứ Galilê, Ngài sinh trưởng và xuất
thân từ đó. Các tông đồ mà Ngài tuyển chọn, tất cả đều là người
dân Galilê. Đến đây, ta phải tự hỏi: tại sao Thiên Chúa không
để Đức Giêsu và các tông đồ của Ngài xuất thân ở vùng đất Giuđa
là vùng của đạo Do Thái, mà lại xuất thân từ vùng Galilê là vùng
của dân ngoại?
Quả
thật, việc làm của Thiên Chúa không mấy ai hiểu được: «Dù lãnh
thổ Dơvulun và Náptali sắp bị Chúa đoán phạt, nhưng trong tương
lai chính các lãnh thổ đó tức là vùng Galilê và bắc Giôđan, trên
con đường ra biển sẽ đầy dẫy vinh quang» (Is 9,1; x. 8,23b). Đúng
là «Người nâng ai lên hay hạ ai xuống đều tuỳ ý Ngài» (Đn 5,19;
x. Tv 147,6; Hc 33,12; Ed 17,24; Ed 21,31). Đương nhiên không
phải Ngài nâng cao hay hạ thấp một cách tùy tiện theo ý ngông
của Ngài, mà theo tiêu chuẩn này: «Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
kiêu căng; Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường» (Lc 1,52). Do biết
khiêm nhường sám hối, vùng Caphácnaum (thuộc miền Galilê) đang
được Thiên Chúa chúc phúc và nâng lên. Nhưng khi được nâng lên,
dân này lại sinh ra kiêu căng và tự hào, nên Đức Giêsu mới cảnh
báo: «Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng
lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!»
(Lc 10,15).
Cũng
vậy, dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của
Ngài, đó là điều thật hạnh phúc cho họ. Nhưng thay vì sống theo
giới luật hay tinh thần của Ngài để xứng đáng với ân huệ đặc biệt
đó, họ lại lên mặt và khinh chê dân ngoại. Vì thế, khi Đấng Cứu
Thế đến, Thiên Chúa đã không để cho vùng Giuđa – vùng đông người
có đạo nhất – được vinh dự là nơi xuất thân của Đấng Cứu Thế.
Mang danh là tuyển dân của Thiên Chúa, tuy vẫn giữ đúng những
tập tục tôn giáo Ngài truyền lại qua Môsê, nhưng họ chỉ thực hiện
một cách hoàn toàn hình thức, thiếu tình yêu và lòng thành bên
trong, họ đã trở nên nguội lạnh và gian ác. Bằng chứng là khi
Đấng Cứu Thế đến, họ đã bách hại Ngài ngay khi Ngài sinh ra, và
còn tiếp tục bách hại và giết chết Ngài khi Ngài xuất hiện ở tuổi
trưởng thành. Vì thế, Thiên Chúa đã hạ bệ họ: «Kẻ thấp hèn, Chúa
nâng đỡ dậy; bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen» (Tv 147,6).
Thật vậy, đến năm 70, Thiên Chúa đã khiến cho Giêrusalem, kinh
đô của Do Thái giáo, trở thành «không còn hòn đá nào trên hòn
đá nào, vì đã không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng
thăm» (Lc 19,44). Và dân Do Thái đã mất nước từ đó – suốt 19 thế
kỷ – cho đến khi lập quốc trở lại vào năm 1947. Lập quốc trở lại
mà vẫn phải chịu đựng chiến tranh liên miên. Về mặt tôn giáo,
Thiên Chúa đã lập nên một Giáo Hội mới mà chủ yếu là do dân ngoại
gia nhập vào, còn người Do Thái thì chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ bé
so với dân số của họ thời ấy. Sự việc đã xảy ra đúng như tinh
thần dụ ngôn người thợ vườn nho sát nhân (Mt 21,33-46) và dụ ngôn
tiệc cưới (Mt 22,1-14) của Đức Giêsu.
2.
Bài học cho mỗi người chúng ta
Những
sự kiện nêu trên đáng cho chúng ta suy nghĩ và rút ra bài học.
Rất có thể chúng ta đang được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt,
được ưu đãi hơn rất nhiều người khác. Nhưng thay vì ta biết ơn
Ngài và sống cho xứng đáng với ơn ấy, thì chúng ta lại lên mặt
kiêu căng với những người kém may mắn hơn, đồng thời sống giả
hình (có bề ngoài mà không có thực chất bên trong), gian ác, không
đúng với tinh thần quên mình, từ bỏ mình, hoặc vác thập giá mình
hằng ngày mà theo Chúa. Chúng ta tưởng rằng quên mình hay từ bỏ
mình thì sẽ bị thiệt hại, bị vong thân, và tưởng rằng vác thập
giá mình thì sẽ bị đau khổ. Nên chúng ta tìm cách đề cao mình,
thổi phồng «cái tôi» cá nhân hoặc tập thể của mình lên. Nhưng
thật ra đó mới chính là cách hủy hoại mình hữu hiệu nhất. Và tìm
cách đạt cho bằng được những địa vị, quyền bính, tiền bạc, để
hưởng những vinh quang, lạc thú, thoải mái do chúng mang lại.
Nhưng thật ra đó là tự chuốc đau khổ cho mình cách tệ hại nhất.
Chúng ta quên rằng «Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan
phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người
nâng cao mọi kẻ khiêm nhường» (Lc 1,51-52).
3.
Bài học cho các tập thể
Thiên
Chúa đối xử với những cá nhân kiêu căng thế nào, thì Ngài cũng
đối xử với những tập thể ngạo mạn như vậy. Lịch sử của dân Do
Thái là một bài học đích đáng về chân lý ấy. Vì thế, nhiều khi
chúng ta phải tự xét: liệu Giáo Hội – dân được Thiên Chúa tuyển
chọn trong Tân ước – có đi vào vết xe cũ đã đổ của dân Do Thái
– dân được Ngài tuyển chọn trong Cựu ước – không? Giáo Hội có
quá tự hào vì được Thiên Chúa ưu đãi và tuyển chọn cách đặc biệt
không? có coi thường các tôn giáo không không? có sống xứng đáng
với hồng ân cao cả Thiên Chúa dành cho mình không? Người Kitô
hữu ngày nay – giáo dân cũng như giáo sĩ – có rập khuôn theo tinh
thần cũ của dân Do Thái xưa không?
Nếu
dân Do Thái xưa mà suy gẫm lời cảnh báo của Đức Giêsu xưa: «Đừng
tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham”. Vì
tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá
này trở nên con cháu ông Ápraham» (Mt 3,9), và sống phù hợp vn
tinh thần của Ngài, thì có lẽ họ đã không đến nỗi như hiện nay.
Thánh Phaolô từng cảnh báo về lòng tự hào của họ: «Bạn mang tên
là người Do-thái, ỷ rằng mình có Lề Luật, tự hào vì có Thiên Chúa;
được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; (…)
bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý» (Rm
2,17-20). Tự hào như thế thì cũng chính đáng, nhưng nếu vì sự
tự hào ấy mà lên mặt với người khác là điều không hay, nhất là
khi không sống cho xứng với niềm tự hào ấy: «Bạn dạy người khác,
mà lại không dạy chính mình! (…) Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà
bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!»
(Rm 2,21-23). Người Kitô hữu sẽ làm nhục Đức Kitô khi họ tự hào
về Ngài nhưng lại sống giới răn mới của Ngài (x. Ga 13,34) không
bằng người ngoại.
4.
Hãy sám hối
Đức
Giêsu xuất thân và khởi đầu việc rao giảng của Ngài tại Galilê,
là «miền đất của dân ngoại». Để giúp cho Galilê được «đầy dẫy
vinh quang» hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia (x. Is 9,1; 8,23b),
Đức Giêsu khuyên dân chúng tại đó: «Anh em hãy sám hối, vì Nước
Trời đã đến gần». Cho dù tội lỗi, bị Thiên Chúa nguyền rủa, nhưng
nếu biết sám hối, biết sửa đổi lại cách sống theo đường lối của
Ngài, thì sẽ được Ngài nâng lên, chúc phúc. Dụ ngôn người thu
thuế và người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14)
chứng minh điều đó. Trái lại, khi được Ngài nâng lên mà lại trở
nên kiêu căng tự hào thì sẽ lại bị Ngài hạ xuống, như Đức Giêsu
đã cảnh báo dân Caphácnaum (x. Lc 10,15). Vậy, sám hối – tức khiêm
nhường nhận ra sự sai trái của mình và quyết tâm sửa đổi cho đúng
– là điều kiện cần thiết để được Thiên Chúa chúc phúc và nâng
lên. Trong tinh thần sám hối ấy, thiết tưởng người Kitô hữu chúng
ta – dù là cá nhân hay tập thể – cần tránh tự hào và kiêu hãnh
trước người khác về những nhân đức mình có, những việc tốt đẹp
mình làm được, những hồng ân đặc biệt Thiên Chúa ban cho mình
một cách ưu đãi. Đồng thời cần cố gắng sống cho xứng đáng với
những ân huệ đặc biệt ấy với tâm tình biết ơn.
CẦU
NGUYỆN
Lạy
Cha, Cha không ưa thích và sẵn sàng hạ bệ những tâm hồn kiêu hãnh,
tự đưa mình lên. Ngày xưa, không ai tốt lành, đẹp đẽ, sáng láng
và thánh thiện cho bằng Tổng Lãnh Thiên Thần Luxiphe, nhưng chỉ
vì kiêu hãnh về những phẩm tính tốt lành ấy và chống lại Cha mà
trở nên vô cùng xấu xa, đau khổ. Xin giúp con hiểu rằng Cha vẫn
ưa thích một tâm hồn tuy tội lỗi nhưng biết khiêm nhường, sám
hối, hơn những tâm hồn trong sạch và đầy nhân đức như thiên thần
nhưng lại kiêu ngạo, thích khinh chê người khác. Người trước sẽ
được Cha nâng lên, còn người sau sẽ bị Cha hạ xuống. Xin cho con
dù thánh thiện hay nhân đức tới đâu, dù chức vụ có cao cả tới
đâu, cũng vẫn luôn khiêm nhường và yêu thương mọi người, nhất
là biết nâng đỡ những người hèn kém hơn mình. (JK)
Nguyễn
Chính Kết
|
|