Suy Niệm thường niên

Suy niệm 16 thường niên năm A
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

**************

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 13, 24-43)
MEN ĐỜI.


Dụ ngôn dấu chỉ Nước Trời,
Người gieo giống tốt, chờ thời bội thu.
Ghen tương kẻ xấu trả thù,
Cỏ lùng gieo vãi, hỏa mù ruộng nương.
Chen nhau lấn đất không lường,
Chủ nhà khôn khéo, tìm đường chăm lo.
Tới ngày gặt lúa vào kho,
Cỏ hoang hoa dại, bỏ lò đốt đi.
Nước Trời hạt cải bé ti,
Mọc lên cao lớn, xanh rì vườn cây.
Chim trời hạ cánh nơi đây,
Tìm nơi nương náu, xum vầy ẩn thân.
Nắm men đấu bột biến dần,
Dậy men nấu rượu, góp phần đổi thay.
Dụ ngôn giải thích rất hay,
Con Người gieo giống, cơ may trong đời.
Thế gian ruộng đất mọi nơi,
Các con giống tốt, Nước Trời trao ban.
Cỏ lùng ma quỉ phá tan,
Tới ngày tận thế, gian nan khổ hình.

Nước Trời như men trộn trong đấu bột, giúp bột dậy men. Một chút men đã làm đổi thay cả một đấu bột. Men có sức xúc tác làm biến đổi chất thể của bột. Chúa dùng hình ảnh men để nói về Nước Trời. Men cũng như muối, như đèn sáng hoặc như hạt cải bé nhỏ sinh thành cây lớn. Sự phát triển của Nước Trời cũng giống như thế, từ một nhóm nhỏ những người tin Chúa, nay đã lan tràn khắp nơi.

Sự thấm nhuần của đạo vào lòng người cần có men khơi dậy. Đó là men của lòng mến, lòng cậy trông, niềm hy vọng và tin tưởng phó thác. Mỗi người Kitô sống giữa đời cũng giống như muối, như men làm sáng lên cuộc sống trong hy vọng. Có những nhà truyền giáo đến sống giữa những lương dân và cùng chia xẻ cuộc sống với họ trong mọi hoàn cảnh. Nâng đỡ, ủi an và cùng đồng hành với họ. Cuộc sống của các nhà truyền giáo đã thuyết phục được lòng tin của họ. Có những nơi, Giáo Hội gởi những gia đình Kitô Giáo đến sống giữa làng dân ngoại. Từ đó, gia đình họ sống giống như men làm dậy bột. Để nêu gương sáng trong tất cả cách ứng xử của cuộc sống. Họ trở nên những gương mặt hiền hậu và khiêm nhường của Chúa Kitô. Họ sống đời chứng nhân của người mang danh Kitô hữu.

Nước Trời còn được ví như người gieo giống tốt vào thửa ruộng mình nhưng kẻ thù lại đến gieo cỏ lùng. Sống trong xã hội xô bồ, sao tránh khỏi những gương xấu len lỏi vào cuộc sống. Cỏ lùng ví như những việc làm xấu xa, vô luân và tội lỗi. Xã hội luôn có người xấu, kẻ tốt sống chung đụng với nhau. Người ta nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Sống trong hoàn cảnh nào thì chúng ta dễ bị lôi kéo hòa nhập trong hoàn cảnh đó. Nhiều khi chúng ta không khôn ngoan đủ để phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Ma qủy cứ từ từ dẫn chúng ta vào con đường tà, nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ dễ dàng buông xuôi đầu hàng.

Chúa luôn rộng tay đón nhận chúng ta trở về. Chúa rất kiên nhẫn đợi trông. Chúa không muốn cho nhổ cỏ lùng vì sợ hại lúa. Chính nhờ sống trong hoàn cảnh áp bức và thử thách, chúng ta càng lớn lên trong niềm tin nơi Chúa. Chúng ta không cầu xin Chúa cất mọi cơn cám dỗ nhưng cầu xin Chúa đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Đúng như câu nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Khi chúng ta thắng vượt được các thử thách chông gai, chúng ta sẽ được lớn lên, sẽ phát triển và trưởng thành trong đức tin.

TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 12: 38-42


Có mấy người luật sĩ và biệt phái nói với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ. Chúa đã không thỏa mãn ước muốn của họ. Chúa còn trách cứ họ là thế hệ gian ác không xứng đáng được xem dấu lạ.

Chúa Giêsu nhắc đến dấu lạ của Giôna trong bụng cá ba ngày đêm sẽ là dấu chỉ Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy. Đây sẽ là dấu lạ cả thể cho mọi người tin nhận Chúa. Nếu ai không chấp nhận dấu lạ này, kể như họ không hề biết Đấng Cứu Thế là ai.

Chúng ta là thế hệ con cháu nhiều đời của các thánh. Chúng ta được học biết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Chúng ta học qua lịch sử cứu độ được chuẩn bị qua dân Do Thái, là Dân Chúa chọn. Chúng ta có một hình ảnh tổng quát về Cựu Ước và Tân Ước. Các diễn tiến của lịch sử cứu độ qua từng thời kỳ, qua lời các tiên tri loan báo và Đấng cứu thế đã hoàn tất mọi điều đã loan báo về Ngài.

Đôi khi chúng ta thầm trách dân Do Thái sao vô tình tệ bạc chối bỏ Thiên Chúa viếng thăm. Chúa Giêsu đã tha hết cho họ và Chúa nói rằng vì họ lầm chẳng biết. Trong khi chúng ta biết Chúa, biết Chúa sinh ra ở đâu, biết Chúa trưởng thành thế nào, biết Chúa rao giảng ra sao và làm những phép lạ gì và chết nhục nhã cách nào? Chúng ta có tin Chúa không?

THỨ BA
Mt. 12: 46-50


Qua câu truyện mẹ và anh chị em của Chúa đến thăm. Chúa Giêsu đã mở rộng tình thân gia đình của Chúa đến hết mọi người. Chúng ta biết Mẹ Maria cũng chẳng còn của riêng ai. Mẹ đã trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, rồi Mẹ của Giáo Hội và là mẹ của chúng ta. Chúa Giêsu cũng phải là con riêng của Mẹ nữa mà là Chúa, là Thầy và là bạn hữu của mọi người.

Chúa nói rằng: Ai làm theo ý Cha của Tôi ở trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ của tôi. Được làm anh chị em của Chúa là một diễm phúc đời đời. Chúa Giêsu nối kết mọi người trong Chúa qua tình yêu. Chúng ta biết Chúa Kitô là đầu nhiệm thể mà tất cả chúng ta là chi thể. Các chi thể tuy nhiều nhưng được liên kết với đầu làm thành một nhiệm thể duy nhất.

Chúng ta được liên kết với Chúa Giêsu qua phép Rửa Tội. Chúng ta được gia nhập vào gia đình của Chúa. Chúng ta có Đức Maria là Mẹ và có mọi người là anh chị em cùng chia xẻ một niềm tin, một phép rửa và một niềm hy vọng. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy làm theo ý của Chúa Cha ở trên trời. Làm sao chúng ta biết được ý của Chúa Cha. Ý của Chúa Cha là thực hành những điều Chúa Giêsu đã dạy.

Lạy Chúa, Chúa đưa dẫn chúng con vào gia đình của Chúa, xin cho chúng con biết sống và thi hành những điều Chúa đã truyền dạy chúng con. Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa.

THỨ TƯ
Mt. 13: 1-9


Hạt giống lời Chúa được gieo vào lòng mỗi người Kitô hữu, hạt giống cần được chăm sóc, tưới bón và sinh hoa kết qủa. Có nhiều thứ hạt giống khác nhau: có hạt giống đức tin, có hạt giống lời Chúa, có hạt giống các nhân đức và các hạt giống yêu thương. Hạt nào cũng cần được chăm bón, giữ gìn và phát triển.

Chúa Giêsu ngồi trên thuyền giảng về dụ ngôn người gieo giống ra đi gieo hạt. Hạt giống thì luôn luôn tốt nhưng khi gieo có thể hạt bị rơi vào những vùng đất khô cằn, sỏi đá, bụi gai, vũng nước và cũng có hạt rơi vào miền đất tốt. Khi hạt rơi vào miền đất tốt, hạt đó sẽ nẩy sinh kết qủa gấp trăm lần.

Hình ảnh người gieo giống rất gần gũi với chúng ta. Hình ảnh rất đẹp, người gieo vung tay gieo một cách quảng đại. Những hạt giống đã được chuẩn bị và có khả năng xuyên đất nẩy mần. Hạt nào cũng mong có cơ hội được nẩy sinh. Nhưng rồi cũng có những hạt không được may mắn. Hạt giống lời Chúa luôn là hạt giống tốt có đầy đủ tiềm năng phát triển. Người tông đồ ra đi gieo vãi không chỉ tới mùa nhưng gieo vãi hằng ngày. Hạt giống lời Chúa gieo vào tâm hồn của con người. Mỗi tâm hồn là một mảnh đất có thể khô khan, có thể nguội lạnh, có thể thờ ơ hay khép kín. Hạt giống có thể bị chết ngạt, bị sâu rầy và bị cháy nắng. Hạt rơi vào tâm hồn mầu mỡ nhiệt thành thì hạt đó có thể nẩy sinh hoa trái yêu thương, phục vụ, bác ái, tha thứ, nhẫn nại và bình an thư thái.

THỨ NĂM
Mt. 13: 10-17


Chúa nói với các môn đệ: Ai đã có thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Lời Chúa làm chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận hơn. Ai đã có Chúa ban thêm, đây là tình trạng tâm linh, khi con người biết cởi mở trí lòng để đón nhận chân lý thì chân lý sẽ giải tỏa mọi khao khát. Khao khát tình yêu của Chúa, tình yêu sẽ khỏa lấp tràn trề. Khi con người biết Chúa lại càng yêu mến Chúa nhiều hơn và cứ thế ơn Chúa tràn đổ trên họ.

Các tông đồ đơn sơ chân thành được Chúa mặc khải mầu nhiệm Nước Trời, các ngài càng ngày càng thấu hiểu và đắm chìm trong tình yêu và chân lý. Các ngài được uống no say tình Chúa. Ân sủng của Chúa tràn đổ trên các tông đồ giúp các ngài can đảm ra đi loan tin vui cho mọi người. Các tông đồ đã có Chúa còn ban cho dư dật.

Còn những người không có, thì cái họ đang có cũng bị lấy đi. Những người có sự hiểu biết về Kinh Thánh và về các tiên tri và lề luật, họ tưởng rằng sự hiểu biết đó là của chính mình tạo nên, họ sẽ bị tước mất. Vì lòng họ ra kiêu căng, khép kín, từ chối lắng nghe lời của Chúa, họ sẽ không nhận đựợc gì thêm mà còn bị lấy đi. Họ nghĩ rằng họ biết tất cả mọi sự về Công Cuộc Cứu Chuộc nhưng cái biết của họ chỉ là hão huyền và trống rỗng. Họ sẽ không lãnh nhận được gì thêm

Xin Chúa cho chúng con ơn khôn ngoan để nhận biết Chúa.

THỨ SÁU
Mt. 13: 18-23


Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ về dụ ngôn gieo giống. Chúa đã phân tích từng loại đất mà hạt giống đã rơi xuống. Chúa áp dụng vào tâm hồn của những người nghe lời Chúa. Ai cũng có tai có thể lắng nghe và ai cũng nghe được nhưng từ tai nghe vào trong tâm, rồi loan báo ra cửa miệng và áp dụng xuống tay chân có một khoảng cách cần lấp đầy.

Chúa trao ban cho chúng ta hạt giống lời Chúa qua sự giảng dạy của các linh mục, tu sĩ và những người được sai đi rao giảng. Chúng ta cũng có thể lãnh nhận lời Chúa qua truyền thanh, truyền hình hoặc qua sách vở. Chúng ta có thể tiếp cận với lời Chúa qua sự chia xẻ với anh chị em trong nhóm. Tất cả những lời của Chúa mà chúng ta được nghe, đọc, suy niệm và chia xẻ, đó là hạt giống lời Chúa rất tốt.

Khi chúng ta đã được nghe, được đọc, được suy rồi, giờ tới phần riêng của chúng ta. Chúng ta có muốn cho hạt giống lời Chúa đâm rễ sâu và nẩy mầm trong tâm hồn chúng ta không? Nếu chúng ta thật lòng muốn lời Chúa nẩy mầm, chúng ta có bổn phận đưa lời Chúa vào tận đáy lòng trong tim của chúng ta để chúng ta yêu mến và rồi chúng ta suy gẫm, loan truyền và thực hành lời Chúa trong cuộc sống. Hy vọng lời Chúa sẽ sinh hoa kết qủa.

Lạy Chúa, chúng con đã có nhiều cơ hội lắng nghe lời của Chúa, nhưng nhiều lần chúng con đã để lời Chúa chết khô.

THỨ BẢY
Mt. 13: 24-30


Chúa Giêsu nói với các môn đệ một dụ ngôn khác về lúa và cỏ lùng. Chúa nói: Nước Trời giống như người kia gieo giống tốt vào ruộng mình. Khi mọi người ngủ, có kẻ thù đến gieo cỏ lùng vào giữa lúa. Lúa và cỏ lùng chen nhau mọc lên giữa khoảng ruộng. Ông chủ không muốn giệt cỏ lùng sợ hư hại đến lúa. Phải chờ đến mùa gặt, ông chủ sẽ thu tất cả cỏ lùng lại và đem đi đốt.

Trong cánh đồng thiên nhiên, cỏ lùng là cỏ lùng không thể biến thành lúa được. Trong tâm hồn con người thì khác, không ai hoàn toàn tốt, cũng không ai hoàn toàn xấu. Cỏ lùng trong ruộng lúa, đó là những thói xấu, những khuyết điểm, những đam mê xấu xa do ma qủy gieo vào lòng con người.

Cỏ lùng phát triển đơm bông kết hạt nhưng sau cùng bị thu lại đốt đi. Còn lúa tốt sẽ bỏ vào kho lẫm. Trong đời sống của Nước Trời dưới thế bao gồm cả người tốt lẫn người xấu. Không ai xấu suốt đời. Người xấu luôn có cơ hội cải tà quy chánh trở về cùng Chúa. Còn người tốt, đừng nghĩ rằng mình sẽ luôn luôn đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã. Mỗi người chúng ta cần trở nên hoàn thiện mỗi ngày.

Chúng ta là con dân của Nước Trời, được gọi là Hội Thánh nhưng không phải mọi người đều là thánh. Chúa mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha của Chúng ta ở trên trời là Đấng trọn lành.

 

Giống Tốt
(Kn 12, 13. 16-19; Rm 8, 26-27; Mt 13, 24-43)

Tác giả Sách Khôn Ngoan diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa với dân Do-thái trong cuộc xuất Ai-cập như là biểu tượng của niềm hy vọng tràn dầy. Sự khôn ngoan thúc đẩy con người tìm hiểu về Thiên Chúa và vai trò của con người trong chương trình sáng tạo. Sách Khôn Ngoan luận bàn đến nguyên lý nhân qủa, nguyên nhân và hậu qủa để phân biệt giữa tốt và xấu. Mọi sự xuất hiện trên đời đều có lý do riêng để được tồn tại. Thời gian là ân huệ giúp mọi loài phát triển theo ý định nhiệm mầu. Sự khôn ngoan diễn tả sự liên hệ thiết yếu giữa Thiên Chúa và loài người. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài trong vũ trụ và con người có trách nhiệm trong việc bảo trì và làm cho sinh xôi nẩy nở về mọi phương diện. Đời sống con người là một lời mời gọi tích cực hướng tới sự viên mãn tích cực. Đau khổ của đời sống mang một ý nghĩa riêng biệt. Chương trình quan phòng của Thiên Chúa vượt trên sự điều khiển của con người. Trung tín với mạc khải về luật tự nhiên là sự khôn ngoan đích thực cao quí hơn sự hiểu biết nông cạn của trí khôn con người.

Thiên Chúa tạo dựng và điều khiển vũ trụ muôn loài. Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn chia sẻ tình yêu với các loài thụ tạo, nhất là loài người. Người quan tâm cách đặc biệt tới con người. Người ban cho con người có hồn xác, tự do, trí khôn, ý chí và sự thông minh để con người nhận biết Thiên Chúa và đồng chủng. Thiên Chúa là Cha nhân từ đối xử đại lượng với mọi người: Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người (Kn 12, 16). Người tạo dựng con người để chung phần sự sống và hưởng hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Cuộc sống có thử thách và được tự do chọn lựa. Chúa tạo cơ hội cho con người nhận biết chân lý và đường nẻo ngay chính để sống an lạc: Người dậy dỗ dân Người rằng: Người công chính, phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối (Kn 12, 19).

Vì thân xác nặng nề và yếu đuối mỏng dòn nên con người dễ sa ngã vào đường lầm. Từ bẩm sinh, con người tốt lành. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Khi sống chung đụng với người khác trong xã hội, mầm mống sự dữ và thói xấu nẩy sinh. Sự khao khát thèm muốn trong con người không có cùng. Khi có cơ hội đến là những hạt giống xấu trong tâm sẽ đua nhau phát triển. Hạt giống của sự tham lam, bất công, kiêu căng, hà tiện, giận dữ, ghen tương và thù ghét giống như cỏ lùng tự do sinh xôi nẩy nở. Đôi khi còn lớn mạnh hơn, bởi vì được tưới gội bằng ước muốn và lòng tham vô đáy. Từ đó sinh ra biết bao chứng hư tật xấu. Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn về lúa và cỏ lùng để diễn tả về tình trạng của đời sống con người. Lúa là hạt giống tốt như các nhân đức và việc tốt lành. Cỏ lùng là hạt giống xấu được gieo vào chen lẫn giữa lúa để dành sống. Người chủ ruộng kiên tâm chờ đợi cho đến mùa thu hoạch mới diệt trừ. Trong dụ ngôn, khi đầy tớ xin ông chủ nhổ cỏ lùng, Chủ nhà đáp: Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng (Mt 13, 29).

Trong thực tế của việc cầy bừa ruộng rẫy, thường các chủ gia chăm bón ruộng lúa rất cẩn thận. Vào mùa lúa, để bảo vệ cây lúa phát triển tốt, các chủ gia phải chuẩn bị ruộng đất cẩn thận, rồi bơm nước, bỏ phân, diệt rầy, giết ốc và xịt thuốc cỏ. Vì nếu để cỏ mọc um tùm, lúa sẽ bị chen lấn còi cọt không thể sinh hoa kết qủa tốt. Nhưng theo cách nhìn của chủ ruộng trong dụ ngôn, mang một ý nghĩa khác sâu xa hơn. Lúa và cỏ lùng được ví như nhân đức và tính hư tật xấu của con người. Người xấu hay người tốt luôn có cơ hội sống để phát triển và hoàn thành sứ mệnh. Không ai bị cắt đứt dọc đường. Biết rằng không có ai hoàn toàn thánh thiện và cũng không có ai hoàn toàn xấu xa tội lỗi. Mỗi con người đều ẩn dấu cái tốt, cái xấu trong người. Mỗi ngày sống là một kinh nghiệm giúp con người nên tốt hơn. Vì thế, chủ nói: Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta (Mt 13, 30).

Sự kiên nhẫn mong chờ của chủ gia là phút cuối cùng. Chúng ta biết cỏ lồng vực sẽ sinh hạt lồng vực, không thể thay đổi, nhưng tâm con người có thể thay đổi để trở nên tốt hơn. Môi trường cuộc sống rất quan trọng để giúp cải hóa. Người ta thường nói: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Đúng vậy, khi chúng ta kết bạn với những kẻ xấu, nhóm băng đảng, người nghiện ngập, hút sách, bài bạc, nhậu nhoẹt, trước hay sau, chúng ta cũng bị nhiễm độc. Người ta thường nói rằng: Bạn có thể cho biết rằng bạn thường chơi với ai, tôi sẽ cho biết, bạn là người thế nào. Con người chúng ta rất dễ thay đổi, tập sống sung xướng tiện nghi dễ hơn là sống kham khổ. Thay đổi để trở nên tốt và hoàn thiện thì khó hơn đổi thay để trở nên tầm thường và buông thả. Hằng ngày chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu bạn trẻ đã đang bị thất bại trong cuộc sống bởi chạy đua theo thói hư tật xấu như hút sách, cá độ, chơi bời lêu lổng và ngại phấn đấu. Họ ưa thích đua đòi một cuộc sống hưởng thụ, an nhàn và hoang phí. Chúng ta không ngồi đây để than phiền trách móc hay chán nản. Những vị hữu trách cần tỉnh thức lên tiếng cảnh báo và đề phòng giúp các bạn trẻ có cơ hội đổi mới cuộc đời.

Nước Trời giống như hạt cải bé nhỏ hay giống như men trong đấu bột. Bột làm chất xúc tác để dậy men: Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men (Mt 13, 33). Trong cuộc sống xã hội hôm nay, cần nhiều nhân chứng chân thật và thánh thiện. Chúng ta, các Kitô hữu, phải luôn là muối, là men và là ánh sáng soi đường cho những người cùng đồng hành. Ai trong chúng ta cũng đều có ẩn chứa trong mình chất lúa và cỏ lùng. Có nghĩa là đức tính tốt và xấu lẫn lộn, chúng ta cần ý thức nhận biết đâu là lẽ phải, điều tốt để đi theo và đâu là sự sai trái để tránh xa. Sự nhắc nhở của các vị có trách nhiệm rất quan trọng cho những ai còn đang mê ngủ hay say đắm chôn vùi trong lầm lạc. Lời Chúa và sự khuyên dậy sẽ giúp tỉnh thức và có thể tìm đường giác ngộ.

Chúng ta đang trải nghiệm cuộc sống qua muôn hình vạn trạng. Có rất nhiều điều thật khó mà đánh giá đúng sai, phải trái, vì nó vừa thật vừa ảo. Có thể nói là ‘ba phải’. Mục đích của cuộc sống là đi tìm kiếm niềm vui, sự hoan lạc và thỏa mãn. Mỗi người có kinh nghiệm trong hoàn cảnh đời sống riêng tư của mình. Kinh nghiệm mục vụ, có nhiều các cha mẹ vào xin rửa tội cho con. Khi hỏi về vấn đề gia đình, hôn thú, hôn phối và cưới xin, phần lớn các anh chị chỉ trả lời quanh quanh và hứa xuông. Các anh chị ấy sống chung nhưng không có hôn phối, có khi tách biệt nhau hoặc độc thân nuôi con. Khi đặt vấn đề niềm tin đạo giáo, tín lý, luân lý đạo đức, luật lệ, thói tục, phong tục và tập quán, để hướng dẫn tâm linh, thì hình như các thầy dậy đạo giáo đang bị lạc lõng vào thế giới không tưởng và không còn thực tế. Quan sát cuộc sống chung quanh, người già, kẻ trẻ sống cả như vậy, sự liên hệ chằng chịt, họ vẫn sống vui vẻ và sinh hoạt tốt, có sao đâu! Lúa và cỏ lùng cứ mọc cho tới mùa gặt. Có thể lạc quan khi chúng ta nhìn cuộc sống là một tiến trình (progress) từ giai đoạn này tới giai đoạn kia nhưng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống. Chúng ta biết mọi sự ở đời phải có lúc kết thúc. Sau cùng thì cỏ lùng sẽ bị đốt và lúa được chất vào kho lẫm.

Là Kitô hữu, chúng ta luôn chăm chỉ cầu nguyện hằng ngày. Cầu nguyện là linh hồn của cuộc sống đức tin. Với sức lực riêng, chúng ta rất khó thắng vượt những cám dỗ và những mời gọi hưởng thụ nhất thời. Cầu ơn Chúa Thánh Thần soi sáng trong mọi tư tưởng, lời nói và việc làm cho xứng hợp với danh nghĩa là Con Chúa: Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa (Rm 8, 27). Xin Thiên Chúa chúng lành cho chúng ta mọi ngày trong đời sống.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

 

July 15, 2020