Thi Ca Suy Niệm Tuần 31 Thường Niên, năm A
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

**************

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 23:1-12)

 

GIẢ HÌNH
Các thầy thông luật ngồi trên,
Có quyền dậy dỗ, khuyên nên nghe lời.
Hãy làm, tuân giữ lời mời,
Đừng theo tật xấu, có nơi các thầy.
Không làm mà nói rất hay,
Chất vai gánh nặng, đắng cay muộn phiền.
Phô trương công đức triền miên,
Thẻ kinh nới rộng, may viền khoe khoang.
Dành phần chỗ nhất huênh hoang.
Bái chào nơi phố, huy hoàng giả danh.
Xưng hô kính trọng đã dành,
Giả hình rỗng tuếch, thực hành thì không.
Danh ‘thầy’ thích gọi đám đông,
Anh em chung sống, mặn nồng có nhau.
Một Thầy chỉ đạo trước sau,
Giê-su chí ái, hãy mau phụng thờ.
Ai người quyền thế bây giờ,
Là người phục vụ, cậy nhờ đỡ nâng.
Khiêm nhu tự hạ xin vâng,
Tập tành nhân đức, phó dâng đổi đời.

Chúa Giêsu đã vạch trần sự giả hình của những người Biệt Phái. Nhóm người Biệt Phái được coi như những bậc thầy trong tôn giáo. Họ thay mặt Chúa lãnh đạo, hướng dẫn và dạy bảo dân chúng. Họ đặt ra nhiều thứ luật lệ và chất gánh nặng lên vai người khác. Họ nói mà không làm và chỉ dạy mà không giữ. Lời nói của họ không đi đôi với việc làm.

Chúng ta cảm thấy Lời Chúa như đang nói với chính chúng ta. Biết rằng vì bản tính yếu đuối, chúng ta thấy có sự cách biệt không ít giữa lý tưởng và cuộc sống thực tế. Giữa lời giảng dạy, khuyên bảo và cuộc sống thực còn cách xa. Sự cách biệt này đươc gọi là giả hình. Mỗi người chúng ta đều sống giả hình trong mức độ nào đó. Thánh Phaolô nói rằng sự lành tôi muốn, tôi không làm; còn sự dữ, tôi không muốn, tôi lại làm.

Không ai trong chúng ta có thể tự nhiên là người hoàn hảo. Bản tính yếu đuối lầm lạc chính là cơ hội giúp chúng ta vươn lên. Điều Chúa trách cứ không phải là sự yếu đuối, nhưng là thái độ cố chấp và mù quáng. Cố tình từ chối tình trạng bất toàn của mình để sửa đổi.

Đôi khi chúng ta nghe rằng có vài người rời bỏ Giáo Hội, cộng đoàn hay nhóm hội. Họ nghĩ rằng các giám mục, linh mục đã không thực hành điều họ dạy. Điều này có phần đúng. Những việc giữ đạo và sống đạo cần thiết giúp chúng ta nên hoàn thiện mỗi ngày. Chúng ta cũng biết rằng là con người, trong chức vụ nào cũng thế, cần phải cố gắng không ngừng để hoàn thiện chính mình. Lời khuyên sống đạo vẫn có giá trị cho cuộc sống mỗi người. Các giám mục , linh mục là dụng cụ Chúa dùng. Họ cũng có những yếu đuối cần khắc phục. Không ai quá xấu như chúng ta tưởng.

Chỉ có Chúa là thầy dạy hoàn hảo. Còn tất cả chúng ta là anh em với nhau.  Chúng ta cần có nhau để sống bác ái trong tình người. Qua các ơn gọi, Chúa trao cho  mỗi người một trách nhiệm. Sự hiện diện của Chúa qua các bề trên như giám mục, linh mục, cha mẹ, thầy cô, những người lãnh đạo… Chúng ta cùng thông cảm với những yếu đuối của họ. Họ cũng là những con người bất toàn như chúng ta. Đây là những con người cần được chữa lành, soi sáng và nâng đỡ.

Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống.

THỨ HAI, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 12-14).
TRI ÂN
Ngỏ lời thủ lãnh trong dân,
Chúa khuyên tế nhị, ân cần nghĩ suy.
Khi ông dọn tiệc đại bi,
Đừng mời bạn hữu, tông chi họ hàng.
Đáp tình, mời lại người làng,
Chẳng công ân nghĩa, tiếng vang ở đời.
Khi ông đãi tiệc hãy mời,
Những người nghèo khó, không nơi nương nhờ.
Đui mù, tàn tật, khù khờ,
Đền ơn chẳng có, chỉ chờ thi ân.
Lập công cao quý thế trần,
Nêu gương bác ái, thế nhân cao vời.
Muối men ánh sáng giữa đời,
Thương người nghèo khó, ơn trời phúc ban.
Yêu người mến Chúa sẻ san,
Ngày sau hưởng phước, chứa chan ơn lành.

THỨ BA, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 15-24).
TIỆC CƯỚI
Đồng bàn dự tiệc thưa rằng:
Phúc ai ăn tiệc, vĩnh hằng trời cao.
Dụ ngôn Chúa kể truyền rao,
Người kia dọn tiệc, đãi khao mọi người.
Thiệp mời thực khách nhiều nơi,
Tới giờ khai tiệc, chối mời không đi.
Lý do xin kiếu phụ tùy,
Có người tậu ruộng, phải đi khám điền.
Đôi bò mới tậu chợ phiên,
Ở nhà đi thử, nơi miền đất xa.
Có người cưới vợ hôm qua,
Thật lòng xin kiếu, bỏ qua đừng phiền.
Chủ nhà nổi giận dĩ nhiên,
Sai người đầy tớ, ra hiên đón mời.
Công trường ngõ hẻm mọi nơi
Đui mù hành khất, xin mời vào ngay.

THỨ TƯ, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 14, 25-33).
TIÊN LIỆU
Đám đông theo Chúa hằng ngày,
Chúa không câu nệ, giãi bày cảm thông.
Chối từ cha mẹ, vợ chồng,
Hy sinh mạng sống, góp công Nước Trời.
Vác mang thập giá ở đời,
Trở thành môn đệ, gọi mời hiến thân.
Dụ ngôn Chúa dậy thế nhân,
Trước tiên tính toán, từng phần đắn đo.
Muốn xây lầu tháp phải lo,
Bao nhiêu phí tổn, trong kho sẵn sàng.
Ra công hoàn tất mọi đàng,
Không ai chế diễu, bẽ bàng cười chê.
Vua nào giao chiến tư bề,
Phải lo dự liệu, cận kề đối phương.
Biết rằng yếu kém nhún nhường,
Giải hòa cuộc chiến, mở đường cầu an.

THỨ NĂM, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 15, 1-10).
TRỞ VỀ
Những người tội lỗi đến gần,
Lắng nghe Thầy giảng, tinh thần cải tân.
Các thầy Luật Sĩ góp phần,
Mấy người Biệt Phái, tự phân phê bình.
Ông nầy đón tiếp cùng đinh,
Gian tham tội lỗi, chúng sinh ngồi cùng.
Dụ ngôn Chúa dậy bao dung,
Con chiên lạc mất, trong vùng đồng hoang.
Bỏ đàn, tìm thấy, ôm choàng,
Trên vai mang vác, cả làng mừng vui.
Đàn bà mất đồng tiền xui,
Kiếm tìm đồng bạc, tới lui trong nhà.
Đốt đèn dọn dẹp lối ra,
Tới khi tìm được, quí bà hân hoan.
Tội nhân sám hối cải hoàn,
Trên trời mừng rỡ, trần hoàn vui ca.

THỨ SÁU, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 16, 1-8).
CÔNG BẰNG
Một người phú hộ giầu sang,
Có người quản lý, lầm đàng gian tham.
Anh ta mánh khóe việc làm,
Chủ nhân sa thải, sao cam phận đời.
Khôn lanh tính toán tiền lời,
Đến từng con nợ, gọi mời sửa sai.
Kiểm tra văn tự quản cai,
Khấu trừ sửa chữa, kê khai số thùng.
Kho hàng thua thiệt vô cùng,
Lấy phần của chủ, lạm dùng riêng tư.
Tha cho kẻ nợ bù trừ,
Số lương sổ sách, của dư đáp đền.
Mai sau thất sủng tựa bên,
Đền công ưu đãi, không quên bạn bè,
Quản gia khôn khéo áp phe,
Bất lương gian dối, bao che lỗi lầm.

THỨ BẢY, TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
(Lc 16, 9-15).
CHỌN LỰA
Dùng tiền gian dối ở đời,
Tìm mua bạn hữu, kiếm lời mai sau.
Phòng khi mất hết qua mau,
Bạn bè đón tiếp, kiếp sau hưởng nhờ.
Kẻ nào trung tín trông chờ,
Dù là việc nhỏ, đơn sơ cõi đời.
Mỗi người một chủ trong đời,
Làm tôi Thiên Chúa, tuyệt vời biết bao.
Chủ ông tiền bạc tự hào,
Đồng tiền gian dối, dẫn vào bến mê.
Tham lam Biệt Phái lỗi thề,
Nhạo cười phỉ báng, khinh chê lời Thầy.
Chúa còn nhắc nhủ thế nầy,
Phô trương công chính, khen hay người đời.
Trước tòa Thiên Chúa trên trời,
Tinh tường thấu tỏ, lòng người thế gian.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

 

Thực Hành
(CN 31 QN.A)
(Mal 1, 11b- 2b.8-10; 1Thess 2, 7b.9, 13; Mt 23, 1-12)ức ái

Truyện kể: Vào một ngày kia, có người đàn ông đi dạo trong khu vườn rộng, suy tư sâu lắng và phản hồi. Ông đứng ngạo nghễ trước một cầy sồi to lớn, gẫm suy về những trái cây sồi nhỏ tí bám chung quanh cành cây và kìa, một cơn gió thoảng qua, có một vài trái rơi rụng xuống. Rồi ông ngó sang hàng rào bên cạnh, đó là một vườn bí rợ rộng có giây bí leo khắp nơi. Bỗng dưng, ông có một tư tưởng nghĩ rằng: Tạo Hóa rõ thật lầm lẫn! Tại sao một trái bí to bám vào một giây bí leo nhỏ tẽo và trái sồi nhỏ tí lại đeo trên cây sồi to lớn thế? Điều này không hợp lý. Và rồi, một làn gió mạnh thổi qua, một trái sồi nhỏ rời cành rớt xuống. Trái sồi rơi ngay trên đỉnh đầu ông ta. Ông ta chợt tỉnh và mỉm cười: “Sau tất cả, có lẽ Đấng Tạo Hóa ở trên đỉnh cao của mọi sự”.

Ngạn ngữ có câu: Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Có nghĩa là chúng ta cần phải đắn đo suy nghĩ chín chắn và cẩn thận trước khi phát biểu hay thực hiện một việc gì. Bởi vậy chúng ta phải nhai cho kỹ, nghĩ cho lâu là thế! Tư tưởng hướng dẫn hành động. Con người có tư tưởng trước rồi mới hành động sau. Dù có tư tưởng và suy nghĩ nhưng mỗi người có những cách nhìn sự kiện khác nhau, nên có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng ta không thể xét đoán sự việc hay một biến cố xảy ra đúng, sai hay phải, trái một cách vội vàng. Càng suy nghĩ kỹ, chúng ta càng thấy mọi sự việc trên đời đều tương đối. Vì sự hiểu biết và nhận thức của con người có giới hạn.

Thiên Chúa mạc khải chính mình cho ông Môisen và ban Mười Điều răn trên núi Sinai. Dựa vào Mười Điều Răn, các vị lãnh đạo dân Do-thái đã xây dựng một hệ thống luật rất chi tiết để giúp dân chúng sống chính trực. Lề luật được viết trên đá, trên sách, nhưng quan trọng là phải khắc ghi vào tâm. Tiên tri Malakia than phiền rằng dân chúng quá thờ ơ với các luật lệ của cha ông và chạy theo cách sống tự do của dân ngoại. Nên Malakia đã cảnh báo: Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và hủy bỏ giao ước Lêvi: Chúa các đạo binh phán như vậy (Mal 2, 8). Luật lề được làm ra vì con người. Khi nhiều người chung sống với nhau tạo thành một cộng đoàn, một xã hội, họ cần có những luật lệ chung để bảo toàn và giúp nhau thăng tiến. Tuân giữ lề luật thánh đã làm cho họ trở thành một dân tộc văn minh.

Thôi thúc nội tâm, tiên tri Malakia đã đặt câu hỏi với dân: Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rể anh em mình mà phản bội giáo ước của tổ phụ chúng ta? (Mal 2, 10). Mười Giới Răn bao gồm việc tôn thờ Thiên Chúa, bổn phận đối với anh em và chính mình. Đây là một đạo lý vắn gọn và đầy đủ nhất, giúp chu toàn sứ mệnh làm người. Lời truyền dạy của Thiên Chúa được khắc ghi trên bảng đá để nhắc nhở con người mọi thời. Những Điều Răn phải biến thành hiện thực trong đời sống của mọi người.

Các luật sĩ, tư tế và thầy dậy có bổn phận rao giảng, giải thích và khuyến khích mọi người tuân giữ các giới răn luật lệ trong đạo. Giảng dạy hay lên lớp thì ai cũng có thể làm, nhưng điều quan trọng là hãy thực hành. Cha ông đã nói: Học không hành, không thành được học. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn đứng bên ngoài đóng góp ý kiến nhưng không muốn lăn xả vào công việc. Xem ra, ai nói cũng hay, ý kiến nào cũng tốt và góp ý chân thành, nhưng nếu được giao phó công việc thì chúng ta lại từ chối. Những người này chỉ nói mà không làm, vì họ áp dụng kiểu: Mồm miệng đỡ chân tay. Biết rằng để sinh hoạt cộng đồng và đem lại lợi ích chung, mỗi người cần đóng góp ý kiến của mình để thấu tỏ vấn đề và sinh hiệu qủa tốt. Tuy nhiên, chúng ta là những người có trách nhiệm, không nên dừa việc hay bán cái việc khó cho người khác.

Ai cũng có thể làm việc tốt lành. Người lãnh đạo hay thầy dạy càng phải làm gương mẫu trước. Các thầy dậy không thể chất gánh nặng trên vai người khác. Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ và dân chúng: Vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm (Mt 23, 3). Chúa Giêsu biết rõ một số các người Biệt phái, Luật sĩ và Tư tế đền thờ chỉ có đời sống đạo hời hợt và hình thức. Họ chỉ muốn tỏ dấu bề ngoài để được người đời khen thưởng là đạo đức tốt lành. Chúa Giêsu vạch trần bộ mặt giả hiệu của các vị đầu mục: Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: Vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo (Mt 23, 5). Xưa cũng như nay, ai cũng thích cái danh, ưa được khen tặng và tâng bấc. Đôi khi chúng ta nhận hão cái danh mà chính mình không xứng đáng lãnh nhận.

Thật ra, trong việc thực hành sống đạo, chúng ta cũng không hơn gì những người Do-thái xưa. Nếu chúng ta khiêm nhượng đủ, khi dựa vào Mười Điều Răn để xét mình trước mặt Chúa, chúng ta còn quá nhiều thiếu xót và lỗi lầm. Rất nhiều khi chúng ta thực hành đạo một cách rất hình thức và trỗng rỗng. Mỗi tuần đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta kể là chu toàn bổn phận đối với Chúa. Những ngày còn lại trong suốt tuần, chúng ta mải mê lo công việc làm ăn và vui chơi giải trí. Vì cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã ăn gian nói dối để được hưởng thêm phần lợi. Dửng dưng với lời sự thật, việc thật và nói dối cho qua lần. Nêu ra nhiều lý do biện minh cho việc làm mờ ám và lương tâm không còn nhạy bén để khiển trách. Mong đừng ai nhắc nhớ, thế là chúng ta cảm thấy an tâm.

Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh những người có bổn phận giảng dậy, hướng dẫn và lãnh đạo. Việc rao giảng là cần thiết để nhắc nhở thức tỉnh mọi người sống đạo. Mỗi người đều phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm trước mặt Chúa. Đường nên thánh mở rộng cho mọi thành viên. Ai cố gắng tu luyện thì sẽ thành đạt. Ai cũng có thể nên thánh. Việc quan trọng là trong bất cứ địa vị hay vai trò nào, chúng ta phải học khiêm nhu từ tốn. Người làm lớn nên phục vụ và nêu gương cho mọi người. Chúa Giêsu dậy: Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi (Mt 23, 11). Phục vụ là chia sẻ, cảm thông vànhận biết nhu cầu tâm linh và vật chất của người khác. Phục vụ là đem sự bình an, yêu thương và hòa bình đến cho mọi người.

Thánh Phaolô nêu gương phục vụ trong việc loan báo Tin mừng: Anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi. Chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa cho anh em (1Thess 2, 9). Phaolô hãnh diện về việc tự túc trong đời sống. Ngài không muốn trở nên gánh nặng cho người khác. Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là dẫn dắt mọi người về với đường ngay nẻo chính. Phục vụ nhau để xây dựng tình liên đới và giúp nhau nên hoàn thiện. Chúng ta hãy phục vụ lẫn nhau tùy theo ân lộc mà Chúa đã ban cho mỗi người. Cái gì chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy dâng hiến nhưng không.

Lạy Chúa, rất nhiều lần chúng con đã sống đạo một cách máy móc, thờ ơ và lãnh đạm. Xin cho chúng con biết lắng nghe, suy gẫm và đem lời Chúa thực hành trong đời sống. Xin Chúa khắc ghi trong trái tim của chúng con dấu ấn tình yêu của Chúa, để chúng con biết yêu Chúa và mến tha nhân.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

 

 

October 22, 2020