dongcong.net
 
 

Hai đoản khúc suy tư

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 20 mùa Thường niên năm A  17-8-2014

“Trời nào đã tạnh cơn mưa,”

“Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên) 

Mt 15: 21-28 

            Cơn mưa cuộc đời khi xưa nay tạnh rơi. Giông tố lòng Đạo, lúc này vẫn ngổn ngang, chưa muốn tàn. Thật khó tàn, khi lòng nguời còn chứa chất nhiều tình-tiết rất Sa-tăng, như trình-thuật còn diễn-tả.    

            Trình thuật hôm nay diễn và tả về đời đi Đạo, là sống với thực tế cả một đời, trong đó có các sinh hoạt cả Đạo lẫn đời. Trong sinh hoạt Đạo, người tín hữu gặp đủ mọi loại người, từ thần thánh đến quỷ ma. Nơi đây, người đi Đạo vẫn cứ suy tư những chuyện trên trời lẫn trần gian, địa ngục. Ở đây, người người vẫn quan tâm đến đủ mọi thứ truyện kể. Những truyện kể như bên dưới:

            Vào buổi sáng đẹp trời ngày của Chúa, nhiều người trong huyện đã thức giấc chuẩn bị để đến nơi nguyện cầu. Trước giờ lễ, người đi cầu nguyện có thói quen xì xào nhỏ to phía bàn quỳ. Họ kể cho nhau nghe những chuyện gia đình, và cuộc sống. Nói với nhau, về những chuyện có liên quan đức tin, kinh kệ, không thiếu xót.

Bất chợt, Sa-tăng xuất hiện như người thật bằng xương bằng thịt. Có người rú lên, sợ hãi; bỏ Chúa, bỏ Mẹ, chạy ra cửa tìm đường thoát thân. Chẳng mấy chốc, ngôi thánh đường trở nên êm ắng, lạnh tanh. Duy có lão bà vẫn lặng yên, bình thản ngồi nơi bàn quỳ. Chẳng bày tỏ nỗi lo lắng, xúc động. Khiến Sa-tăng tức giận, ngấc đầu ngạo mạn, hỏi:  

-Này, lão bà, mụ có biết ta là ai không?

-Đương nhiên là biết.

-Thế, mụ không sợ ta sao?

-Lão muội đây chẳng bao giờ sợ quỷ ma!

-Sao mụ lại dám coi thường ta, đến như thế?

-Muội đây, 48 năm trời từng sống với người anh của ngươi, nay còn biết sợ chi ai!… 

            Đến hôm nay, ở nhiều nơi có văn hóa khác biệt, vẫn còn thấy tổ chức lễ hội đình đám, lớn nhỏ. Ở đó, người văn minh thời đại vẫn đưa đẩy, kéo lôi mọi người về với quyền lực của tà thần, tăm tối. Điều này dễ nhận hơn, vẫn có vào thời của Đức Chúa. Những nào: bệnh trầm trọng, thân hình quái dị, thần trí bại xuội, lại đến: dịch tễ nhiễu nhương, thiên tai hãm hại. Lại cả những trận-địa nhục-nhã thất-bại, với đấu tranh.

Cứ thế, người người quy lỗi cho đó là hình phạt từ Đức Chúa. Hoặc, do ma quỷ nhúng tay vào. Dù, không coi đó là chuyện “khó tin nhưng có thật”, tai mắt ta vẫn cứ văng vẳng đâu đó, quả quyết của người đời, thời vi tính: quỷ thần có thật.

Truyện kể hôm nay, về người nữ miền Tyrô - Siđôn là ảnh hình minh chứng niềm tin nơi con người. Người đàn bà quê mùa ấy cho rằng: ma vương vốn lộng hành, nên con gái mình mới bị dày vò, vật vã. Thật ra, con gái bà chưa hẳn đã bị quỷ ám, hành hạ. Nhưng, bà ngại con mình mắc chứng ngặt nghèo, chẳng thể chữa. Thêm vào đó, bà còn bị người đời khinh khi, coi thường; bị những ánh mắt đầy đối kháng.

Ghét ghen. Kỳ thị. Suốt đời, bà chỉ là dân ngoài Đạo, luôn sống bên lề cộng đồng cao sang, người Do Thái. Nói tóm lại, chuyện kể về bà không làm Đức Kitô yên lòng. Và, nhìn từ góc cạnh nào đó, tình trạng của bà xem ra không ổn. Nơi bà, là cả một khác biệt về sắc tộc và Đạo giáo. Bởi vậy, môn đệ trung kiên của Đức Chúa mới nghĩ: dù bà có mon men đến gần, cũng chẳng xin được điều gì lớn lao, nơi Thầy mình.

Và xem ra, Ngài biểu đồng tình với các môn đệ về chuyện này, đã làm ngơ. Nói cách khác, người nữ phụ nọ nếu không cả gan nài nỉ, có lẽ bà cũng chẳng đạt được ân huệ khó kiếm, từ người Do Thái. Đồng thời, lời ví von về người đàn bà ngoài Đạo, như lũ chó con hèn hạ, được xã hội trong Đạo mặc nhiên công nhận, vào thời ấy.

*Một lần nữa, nhờ lanh trí đối đáp, tin vào sự kiên nhẫn của mình, người nữ phụ miền Tyrô - Siđôn mới làm cho sự thể trở nên khác thường. Bà thuần hóa mọi gièm pha, ghét ghen kỳ thị của người đời, vào thời ấy. Bà có lý khi biện giải rằng: dù có bị coi rẻ như lũ chó đớn hèn đi nữa, bà vẫn không là loài thú hoang, đáng bị bỏ rơi ở bên ngoài.

Trái lại, bà vẫn coi mình như loài thụ tạo thuần thục, chỉ quanh quẩn trong nhà chầu chực một ân huệ, Chúa đánh rơi. Bà biết phận, và hiểu mình hơn ai hết. Hiểu rằng: là thân phận bọt bèo, bà mới kéo được về phía của mình, sự quan tâm chú ý của Đức Chúa.

Có như thế, con bà mới được cứu chữa. Có như thế, lớp hậu duệ là chúng ta mới học thêm được bài học, là: Nước Trời luôn xuyên phá rào cản chặn ngăn ân huệ xuống ban cho chúng ta. Ơn cứu độ được ban xuống bằng những phương thức khá đặc biệt. Đặc biệt hơn, vẫn qua trung gian người ngoài Đạo.

*Phúc Âm hôm nay, cho thấy sức mạnh của lời cầu, qua trung gian một người. Và người ấy, lại là người ngoài Đạo. Người nữ trong truyện đã phải trải qua giờ phút căng thẳng, của đời bà. Bà cố chịu căng thẳng, nhục nhã không phải cho mình, mà cho con gái. Niềm tin của bà, là gạch nối qua đó cuộc sống của người khác được cải thiện. Bà làm thế, còn để cho tất cả chúng ta, nữa. Là tín hữu, ta thường cho bạn bè người thân biết rõ, ta luôn quan tâm nguyện cầu, cho họ. Cứ thường tình, khi nghe chuyện, dù không cùng niềm tin ai cũng đều cảm kích.

-Thành thử, khi nguyện cầu cho bất cứ ai, dù ở nhà hay tại nguyện đường, dù buổi Tiệc Thánh, hoặc gặp lúc có liên hoan, đây là giờ phút cao đẹp nhất cho tất cả. Ta học nhiều điều từ giáo xứ/cộng đoàn, cũng là nhờ vào nguyện cầu đỡ nâng như thế. Đây là giây phút quên mình đi, để chỉ nghĩ đến người khác. Cho người khác. Dù chỉ một khoảnh khắc. Dù, theo cách dị biệt.

Bởi, cầu và nguyện như thế, là tự đặt mình vào cảnh tình của người khác. Đến với người khác, bằng hiệp thông. Cầu và nguyện như thế, sẽ nhắc nhớ ta một điều: khi dự tiệc khoản đãi “cấp trên cao”, hay ở đâu đó, có thể vẫn có người nào đó quanh ta, mỏi mệt đang mong chờ nhặt nhạnh, dù chỉ là vụn bánh đánh rơi. Dù, chỉ là cơm thừa canh cặn. Với họ, đó là hạnh phúc. Thứ hạnh phúc, mà họ chưa một lần ấp ủ.

-Nguyện cầu sẻ san, còn khuyên ta nên ra đi về chốn bùn đen cuộc đời, ở nơi đó, có những người đang xuống cấp, ngã ngựa. Có ra đi, ta mới có thể đỡ nâng đàn con Đức Chúa ở chốn nghèo hèn, được lên nơi đủ ăn, đủ mặc. Nơi mọi người, đáng được hưởng ơn lành hơn ai hết. Sở dĩ đã nên nghèo, vì không ai để tâm đoái hoài đến họ. Nhưng thật ra, họ đều là con cái. Là, tạo vật của Đức Chúa.

-Trong tinh-thần cảm-nghiệm được những điều như thế, cũng nên ngâm lên lời thơ rằng:           

            “Trời nào đã tạnh còn mưa

Mà giông-tố cũ còn chưa muốn tàn,

Nhà người tôi quyết không sang

Thù người, tôi những đem nằm nghiến rằng.

Quên người – nhất quyết tôi quên,

Mà sao gặp lại còn kiên-nhân chào.”

(Nguyễn Tất Nhiên – Trúc Đào) 

Tình người ở đời, xưa nay vẫn là thế. Tình người ở nhà Đạo, lúc này phải khác xưa. Khác, người, khác thời, khác cả tinh-thần mà mọi ngưòi cần đối xứ với nhau hệt như thành-viên của Nước Trời, ở đời. Vẫn cần ghi nhớ đến thiên thu. 

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

 

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 20 mùa Thường niên năm A 17-8-2014 

“Hãy cứ là tình-nhân,”

“Để tháng ngày hoa mộng.

Để hẹn hò yêu đương,

Và khắc khoải chờ nhau.”

(Tú Minh – Hãy Cứ Là Tình-Nhân)

(Mt 12: 38-42) 

            Giả như có người thời nay nghe nhạc-bản này, lại hiểu chữ “tình-nhân” như nhân-tình, hoặc “người tình” nào đó mình từng gặp, thì còn được. Chứ đằng này, vừa mới nghe xong hai chữ “tình-nhân” lại hiểu ý của người viết như câu hát tiếp, e không ổn. Ổn sao được, khi người em của ai đó, cứ hát mãi những câu nặng chình-chịch, những bảo rằng: 

“Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng.

Chỉ muốn yêu muốn nhớ, tìm nhau ở trong mơ...”

Đừng là vợ là chồng, rồi nhìn nhau chán ngán.

Hãy cứ là tình-nhân, để tình ta mênh-mông.”

(Tú Minh – bđd)   

Thật tình mà nói, nói thế là nói lên lập-trường của người nghe hoặc hát ca-từ mang dáng vẻ lơ-mơ/trữ-tình, nhưng thật ra: đâu muốn thế. Không muốn, là bởi: thế-gian này, đầy những chuyện cụp-lạc, lại bất ổn, làm sao đảm-bảo được “tình nồng đôi lứa” sẽ “cứ mãi là tình-nhân” được?

Thật tình mà nói, khi nhớ lại chuyện đời nhiều éo-le nên em mới hát thế, chứ mai kia/mốt nọ anh đây “cao bay xa chạy” rồi, làm sao chắc được rằng: em và anh vẫn trung-kiên, chung tình để chỉ là tình-nhân, thôi?

Thật tình mà nói, mỗi khi bàn chuyện đời/chuyện người, thì anh đây nhiều lúc, đã thấy khó lòng. Anh đi trước còn tránh được, chứ em đây lẽo-đẽo theo sau làm sao né?

Thật tình mà nói: ví dù anh và em có hát câu trữ-tình ấy, lại gồm tóm ý/lời cũng như sau: 

“Hãy tìm em tìm em, rồi nhìn em nhìn em.

Và nắm tay nắm tay  cho hồn em ngất ngây.

Chỉ cần em nhìn em, là tim em rã rời
Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.”

(Tú Minh – bđd)

Thật tình mà nói, bàn chuyện đời với người đi Đạo, cũng thấy nhiều người từng nói và hát lời yêu-thương da-diết quá, đến khi giáp mặt thực-tế, mới thấy cuộc đời thật không dễ. Vì thế, nên người đời nay, vẫn cứ phải tìm đến thánh-nhân/Mẹ Hiền để cầu khấn các đấng giúp mình thành “mãi mãi là tình-nhân” theo nghĩa: vẫn yêu nhau mãi, dù không thành vợ/chồng.

Thật tình mà nói: đòi hỏi như thế, khác nào trông chờ một phép lạ từ “Bà Tiên”, hệt như truyện kể ngắn gọn, ở dưới: 

“Bác-sĩ nọ, bước vào phòng mạch với dáng vẻ trang-nghiêm, nhưng hy-vọng. Gia-đình bệnh-nhân chờ tin vui, cứ hồi hộp nhìn ông đợi một quyết-định quan-trọng. Ông chậm rãi nói rất khẽ cốt để mọi nguời đều nghe thấy:

-Tôi báo cho ông bà cùng quí vị đây biết, là: “phép lạ” có thể xảy ra ở đây/hôm nay, nhưng điều này có thành hiện-thực hay không, vẫn tùy thuộc một người...

-Là ai vậy, thưa Bác sĩ? Xin cho biết để chúng tôi đến đó mà tìm! Giọng người mẹ của bệnh-nhân trẻ ra như ứ-nghẹn từ trong cổ.

-Người đó là Bà Tiên, nhưng...

-Nhưng, sao Bác sĩ? Người cha tiếp tục hỏi dồn.

-Nhưng, đến giờ phút này, phép lạ vẫn hoàn-toàn tùy-thuộc vào quyết-định cuối của Bà ta.”

Kinh-nghiệm đời, nhiều chuyện cũng như thế. Người đời, xưa nay, vẫn ao ước gặp “Tiên Bà” có phép mầu thần-thông biến-hoá, ra như thế. Tiên Bà đây, sẽ biến không thành có, như câu hát ở bài “Hãy mãi là tình-nhân”. Và, Tiên Bà còn có thể biến có thành không, như truyện trên.

Muốn cho sự thể “Hãy mãi là tình-nhân” với nhau suốt đời, đã là khó. Còn khó hơn, khi mọi người trong gia-đình vẫn không chấp-nhận được cái chết dành cho người thân đang trọng bệnh. Vì thế nên, mọi người bèn chạy đến với “Tiên Bà”/“Mẹ Hiền” ở chốn miền cao tít đó, hầu khấn vái đủ mọi điều, chí ít là chuyện “mãi mãi là tình nhân” của nhau, với nhau.

Kinh-nghiệm về việc đến với Tiên Bà/Mẹ-Hiền ở trên cao, là kinh-nghiệm của nhiều người. Ở mọi thời. Từ thời rất sớm, đã thấy tâm-trạng của nhiều người chỉ muốn xin làm “tình-nhân” thôi, nhưng không được. Thế nên, các “cụ” bèn làm một chuyến đi về miền xa xôi, cõi trời Tây xứ người để nguyện-cầu/khấn-vái Đức (Tiên) Bà” thành Guađdalupê đất nước Mêhicô xa xôi/diệu vợi, quyết đạt cho được những gì mình mong muốn.

Trong số những vị lâu nay từng quyết như thế, thấy có đấng bậc nọ có nhiều thắc-mắc về trường-hợp Đức (Tiên) Bà thành Guađalupê nổi tiếng, bèn có thư hỏi đức thày John Flader ở Sydney, một câu ly-kỳ như sau: 

“Thưa cha.

Con có cô bạn từ nước Mêxicô qua đây làm việc, khi biết con muốn xin “TIên Bà” hay “Đức Bà” có tên gọi sao đó, ngõ hầu người yêu của con sẽ mãi yêu con và coi con là tình-nhân thôi. Cô bèn đề-nghị con hãy thử cầu-nguyện với Đức Bà thành Guađalupê, xem sao. Cô kể cho con nghe nhiều điều về chiếc khăn có hình Đức Bà, này nữa. Nay xin hỏi: có gì đặc-biệt nơi bức ảnh hiện trên khăn ấy? Và Đức Bà thành Guađalupê có thực sự làm phép lạ như người ta đồn, không?” (Một giáo dân Sydney gửi thư nhờ “The Catholic Weekly” giải-thích). 

Nhờ ai, chứ lại nhờ Đức thày John Flader giải-mã chuyện “phép lạ” do Đức Mẹ đây đó từng làm, là chuyện nhờ vả cũng rất đúng. Đúng nơi/đúng chỗ rất không sai! Và, viết thư hỏi về chuyện gì, chứ chuyện lạ nhiệm-mầu của Đức Bà nổi tiếng nước Mêhicô, thì Đức thày đây lúc nào cũng cố trả lời ngay cho kịp, kẻo trễ. Thế nên, câu trả lời của Đức thày John Flader về chuyện này, như sau: 

“Nhiều hình-ảnh về Chúa Mẹ hiện ra trên khăn/vải có mặt cùng khắp trên thế-giới vẫn là phép lạ. Phép lạ đây, tách-bạch khỏi chuyện sùng-kính diễn ra ở quanh đó. Có hai ví-dụ cụ-thể nên kể ra đây, là: vụ Chiếc Khăn ghi đậm diện-mạo Chúa ở thành Turinô, nước Ý. Và, hình Đức Mẹ thành Guađalupê, nước Mêhicô cũng là sự lạ khá nổi tiếng.

Hình Đức Bà thành Guađalupê có thời-gian-tính từ hậu bán thế-kỷ thứ 16, ở Mêhicô. Người Tây Ban Nha khi đó gặp khó trong việc kêu gọi thổ-dân Aztêca trở lại Đạo, là truyền-thống tin-tưởng, hành-đạo từ nhiều năm. Niềm tin, theo truyền-thống của người sống ở đây, từng hy-sinh tánh-mạng mỗi năm cả ngàn người, để vừa lòng thần-linh của mình.

Theo truyền-thống, thì: vào ngày 9/12/1531, có dự-tòng tên là Juan Diego có thói quen đi bộ hàng giờ nơi đồi Tepeyac vùng ngoại-ô thành-phố Mexico City, chợt thấy một Tiên Bà rất đẹp lại rất trẻ, anh hiểu ngay đó là Đức Maria mà anh từng cầu khấn. Đức Mẹ, khi ấy, đã dùng ngôn-ngữ của thổ-dân, yêu cầu anh cho xây-dựng một lăng-tẩm để vinh-danh Mẹ. Juan Diego bèn đi tìm vị Giám-mục chủ-quản giáo-phận mình là Giám-mục người Tây Ban Nha có tên là Fray Juan De Zumárraga nhờ giúp-đỡ; nhưng Giám-mục này còn ngờ-vực nhiều điều, nên bảo anh hãy quay lại xin vị nữ-lưu kia một dấu-hiệu để làm bằng.

Ba ngày sau, tức vào ngày 12 tháng 12 cùng năm, trong khi Juan Diego vội chạy lên đồi cao để thăm viếng ông cậu đang hấp-hối, anh lại được Đức Mẹ hiện ra với anh, một lần nữa. Anh nói với Đức Mẹ là: anh phải chăm sóc cho ông cậu sắp về chầu Chúa, nhưng khi đó Mẹ lại an ủi anh bảo rằng cậu của anh sẽ được chữa lành và quả y như rằng: ông cậu của anh vẫn còn sống. Khi ấy, Juan Diego bèn xin Mẹ ban cho anh một dấu chỉ để về trình với Giám-mục. Và, Mẹ khuyên anh hãy chạy lên đỉnh đồi nơi anh đứng, sẽ thấy nhiều loài hoa đang nở rộ.

Anh tức tốc làm ngay việc ấy, bèn thấy sự việc xảy ra đúng như lời Mẹ khuyên, dù tháng 12 nơi này không là mùa hoa nở, chí ít là trên đồi trọc như thế, từ xưa giờ.  Anh rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhiều loài hoa lạ đã nở rộ vào ngày ấy. Và, anh được Mẹ giúp trang hoàng một bó hoa đẹp cắm trong ống xương rồng tươi đem về cho Đức Giám-mục mình, làm bằng.

Vừa về đến nhà vị Giám-mục địa-phận, tức thời mọi người đều thấy ảnh Mẹ hiện rõ trên ống xương rồng xanh tươi. Hình-ảnh này, nay còn đặt tại Vương-Cung Thánh-Đường Đức Bà thành Guađalupê ở Mexico City, để mọi người sùng-kính. Và, sự-việc này xảy ra với Juan Diego cách nay đến 500 năm.            

Nhiều khoa-học-gia trên thế-giới đã bắt tay vào việc nghiên-cứu xem thực-chất của hình-ảnh xuất hiện trên ống xương rồng, đã khẳng-định rằng: đây không là hình vẽ vẫn thấy ngoài đời, vì không có các vết chấm phá như mọi người thường làm. Hơn nữa, chính hình-ảnh này đã tự điều-chỉnh sau lần bị chất a-mô-ni-ắc đổ lên đó, năm 1791. Và đặc biệt hơn nữa, sau vụ bom nổ dưới bàn thờ có di-ảnh Mẹ, xảy ra vào hôm 14/11/1921 mà di-ảnh không bị hư hại gì hết.

Tóm lại, có thể nói di-ảnh Đức Bà thành Guađalupê là cách sùng-kính Đức Mẹ được nhiều người biết đến. Lễ mừng tước hiệu Mẹ là Đức Bà thành Guađalupê được Giáo-hội mừng là ngày 12 tháng 12 mỗi năm. Và, thánh Juan Diego cũng được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm bậc hiển-thánh ngày 9/12/2002. Từ đó đến nay, tước hiệu Đức Bà thành Guađalupê trở thành Nữ Vương nước Mêhicô, Đấng Bảo-trợ Châu Mỹ và là thánh Bổn Mạng các hài-nhi chưa được sinh”. (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 20/7/2014, tr. 18)

Thật tình mà nói, khi nghe Đức thày Flader kể chuyện “lạ” do Đức Bà với đủ tước hiệu khác nhau xảy ra ở đây, thấy hệt như nghe cha/cố vẫn kể ở nhà thờ, từ nửa thế-kỷ khi trước.

Thật tình mà nói, có phán về “sự lạ” do Tiên Bà ở nơi này/chỗ khác từng làm, phải nói theo kiểu thời nay thì người người mới chịu nghe và chấp-nhận. Bằng không, cũng như người nghệ-sĩ cứ hát những câu khó tin và khó nhận, như sau: 

“Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng.

Chỉ muốn yêu muốn nhớ, tìm nhau ở trong mơ...”

Đừng là vợ là chồng, rồi nhìn nhau chán ngán.

Hãy cứ là tình-nhân, để tình ta mênh-mông.”

(Tú Minh – bđd

Thật tình mà nói, có nói hay/nói phải rất nhiều thứ, cũng chỉ nên nói những gì cần nói và cần có nghe, thôi. Chí ít, là những chuyện lạ trên đời với người đi Đạo và giữ Đạo. Bởi, đi Đạo và giữ Đạo thời nay, đâu phải và đâu chỉ giữ lại cho mình những chuyện chẳng liên-quan gì đến mỗi mình.

Thật tình mà nói, mỗi khi đề-cập đến “chuyện lạ” hoặc sự việc nổi cộm theo trào-lưu/thị-hiếu của người đọc/người nghe, người nói vẫn thấy đó là chuyện khó làm. Khó hơn nữa, là lúc ta bàn về chuyện “lạ” của “Bà Tiên” hay Đấng Thánh hiền ở đâu đó vẫn hay làm. Cái khó đó, mới là vấn-đề.

Và vấn-đề, là: nói làm sao, bàn thế nào về sự lạ như “phép lạ”, cho phải phép. Về chuyện này, xin chạy đến bậc thày ở trời Tây, từng giảng dạy rất nhiều điều cho học trò mình, như sau: 

“Về “Phép lạ”, thật ra có sự khác-biệt khá trổi-bật giữa phép lạ tự-nhiên và sự việc chữa lành, hoặc gọi là việc “trừ tà” do từ Chúa. Phép lạ tự-nhiên dành để cho đồ-đệ (hoặc Mẹ) Đức Giêsu, còn việc chữa lành hoặc “trừ tà” là cho người ngoài...  

Suy-tư về các truyện kể Tin Mừng thêm nữa, ta sẽ càng thấy rõ việc ấy. Như truyện kể về đồ-đệ Chúa tranh-cãi nhau trên thuyền về cách-thức làm giảm cơn giông xảy đến trên Biển Hồ Galilê vào lúc Đức Giêsu không có mặt ở đó, các thánh tông-đồ đành chào thua, không làm được gì. Kịp khi ấy, đã thấy Đức Giêsu đến với các thánh bằng việc Ngài lướt đi trên mặt nuớc, tức thì mọi việc trở nên im-ắng, an-lành. Ở truyện khác, các môn-đệ lên thuyền đi đánh cá ở Biển Hồ Galilê, hôm ấy lại cũng không có Đức GIêsu cùng đi với các ngài, nên môn-đệ chẳng bắt được thứ gì. Tức thì, từ trên bờ Biển Hồ, Đức Giêsu lên tiếng ới gọi các thánh và thế là, các thánh bắt được nhiều cá đến độ không ghì nổi.

Theo tôi, cả hai truyện trên, đều mang tính biểu-trưng, chứng tỏ một chuyện, là: nếu không có Đức Giêsu ở cùng, Hội-thánh không làm được gì hết. Ngược lại: có Đức Giêsu đồng-hành, là có hết mọi sự. Trong con thuyền Giáo-hội, chỉ mỗi Đức Giêsu mới thật đáng kể; Ngài là Đấng có trọng-trách đích-thực. Các thánh tông-đồ, dù có là lãnh-tụ cỡ nào đi nữa, vẫn hoàn-toàn tùy-thuộc vào Đức Giêsu...

Phép lạ tự-nhiên, là các câu truyện dụ-ngôn nói về quyền-bính mang tính quyết-định. Phép lạ tự-nhiên, thật ra không nói về quyền-uy của Đức Giêsu với thiên-nhiên, nhưng là thực-quyền của các tông-đồ trong Hội-thánh. Tôi xin phép nói thêm một điều, cốt ý bảo rằng: nếu ta hiểu truyện kể ở Tin Mừng một cách từng chữ, nghĩa đen, là ta hiểu sai toàn-bộ đại-ý của truyện...

Việc Đức Giêsu chữa lành và trừ tà, là đến từ quan-điểm khác hẳn. Ngài làm thế, là nhắm vào người dưng khách lạ ở ngoài cuộc, hơn là nói về đồ-đệ hoặc người trong cuộc. Ở đây, tôi xin được phép nói thêm đôi chút về trường-hợp riêng-tư mình trải-nghiệm cốt giúp ta hiểu về sự hiện-diện của Thiên Chúa trong lịch-sử nhân loại, đó mới là điều hệ-trọng.              

Trước đây, tôi đã có dịp viếng trung-tâm Lộ-Đức ở Pháp, và Fatima ở Bồ Đào Nha, tức các tụ-điểm linh-thiêng kể về việc Đức Maria đã chữa lành nhiều người. Và tôi cũng có dịp ghé thăm trung-tâm Epidaurus ở Hy Lạp, và trung-tâm Pergamum ở Thổ Nhĩ Kỳ, là hai tụ-điểm linh-thiêng của thần Asklepios ngoài Đạo Chúa, từng chữa lành cho tín-đồ của họ. Các hồ-sơ chữa-lành ở cả hai nơi này, đều được ghi vào sổ bộ theo cùng một kiểu cách giống Đạo Chúa.

Tỉ như, tại hang Lộ-Đức có treo nhiều nạng gỗ cho thấy đây là chứng-cứ thầm-lặng ghi tạc cảnh những người đui mù/què-quặt đã tới đây và đã trở về lành-lặn. Tuy là thế, tôi vẫn không thấy có ai để lại các bộ-phận như chân tay giả, để làm bằng. Như thế, ta kết-luận thế nào đây?

Kết luận rõ nét nhất, là: Niềm tin chữa lành được nhiều điều!

Điều này cũng chắc-nịch như biết bao điều ta biết được. Có một số tật-bệnh đối với một số người, trong một số hoàn-cảnh, đều được chữa lành bằng niềm tin mang tính khả-thi giống như thế, như Epidaurus với người ngoại Đạo, như hang Lộ Đức với người Công-giáo, và như Benarès với người theo Ấn-giáo, và cứ thế ta nhân rộng thêm lên... Và, như Lời Đức Giêsu từng nói đi nói lại nhiều lần, là: Niềm tin của con đã chữa lành cho con!

Có câu hỏi: có đúng là những người đến với Đức Giêsu là để được chữa lành, không?

Đúng thế! Có ai hoặc có nhiều người được như thế không? Có chứ! Thế nhưng, có nhiều điều về Đức Giêsu khiến cho dân chúng đến với Ngài để được chữa lành, lại khác hẳn trường-hợp người đến với thánh Gioan Tẩy Giả là để thanh-tẩy chứ không để chữa lành. Đó là chuyện ta cần sưu-tra cho thật kỹ.

Hãy thử lấy ví-dụ cụ-thể xem Đức Giêsu từng chữa lành cho những ai? Ngài chữa bệnh gì?

Quay lại truyện kể về những người bị bệnh phung và coi đây như để rút kinh-nghiệm học hỏi, thì: trước nhất, điều hệ-trọng ta cần để ý, là: hỏi rằng từ-vựng ngày nay nói về bệnh phung cùi lại khác hẳn ý-nghĩa của từ-vựng dùng ở Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp.

Từ vựng dùng trong Tân Ước Hy Lạp, đã qui về một số bệnh ngoài da khác nhau, hầu hết có liên-quan đến bệnh về da hoặc vết sần-xùi, có vảy như: bệnh vảy nến, chàm bội-nhiễm, hoặc xùi nấm, vv. Thành thử, mỗi khi đọc Kinh thánh thấy nói đến từ-vựng “phung cùi”, ta phải hiểu từ-vựng này dẫn về một số tật bệnh tương-tự như thế chứ không là thứ bệnh mà nay ta gọi là bệnh Hansen hoặc “phong hủi”, đâu...

Việc chữa-lành người bệnh nói ở Kinh thánh, vẫn là điều cần bàn. Nhưng, vấn-đề thâm sâu trong truyện kể về việc chữa lành ở Kinh thánh, còn đi sâu hơn thế. Đó là dụ-ngôn diễn-tả xã-hội nhân-loại nói chung. Các nhà nhân-chủng-học thường cho ta biết: cơ thể con người là biểu-tượng của xã-hội. Cung-cách ta đối xử với thân xác diễn-tả sự hiểu-biết về quan-hệ khác-biệt ở xã-hội.

Ngày nay, người trưởng thành đều đã hiểu, là: việc xâm-hình trên da, nhuộm tóc đủ mầu, xuyên lỗ/mổ xẻ hoặc trang-điểm thân xác đều trở thành chuyện thách-thức về văn-hoá xuất từ nhóm người nào đó một cách triệt-để, cũng để xác-định là mình nối-kết với nhóm nào đó.

Ví dụ như hồi thập niên 50’, hễ cứ để tóc dài là có ý cho thấy mình có thái-độ chống đối thể-chế nào đó ở xã-hội hoặc đạo-giáo. Thế nên, khi xét truyện kể về việc chữa lành, ta cũng nên đề cao cảnh giác về các vấn-đề “hình-ảnh thân xác” ở xã-hội thời Đức Giêsu còn sống. Điều đó nói lên rằng: thân xác con người đã trở-thành biểu-tượng của xã-hội. Xã-hội Do thái xưa bị đe-dọa tháp-nhập vào thứ văn-hoá đế-quốc đầy quyền-lực.

Trong tình-trạng có áp-bức về chính-trị, quân-sự, văn-hoá và đạo-giáo quyết nhấn mạnh lên việc bảo-vệ ranh-giới xã-hội được biểu-tượng-hoá bằng việc bảo vệ ranh-giới của thân xác. Thế nên, vấn-đề đặt ra, là: khi Đức Giêsu chữa lành người bị phung, có phải Ngài hoạt-động chỉ với tư-cách người chữa-lành bệnh-tật hoặc phê-bình toàn-thể xã-hội, không?...

Xem thế thì, điều mà Đức Giêsu vẫn làm cho người bị bệnh phung, đích-thực là để chào-đón họ vào lại với quan-hệ xã-hội mà họ bị đẩy lùi ra bờ rià xã-hội ấy. Nếu Đức Giêsu xuất-hiện ở đây/hôm nay, tôi lại sẽ không tin rằng Ngài sẽ chữa lành căn bệnh thời-đại là AIDS; nhưng tôi vẫn tin chắc rằng Ngài sẽ chữa lành cho cơn đau ốm có cùng một tên là AIDS, rất như thế.

Còn nếu hỏi: như thế tức bảo rằng: Đức Giêsu đã chữa lành cho người phung mà thôi chứ đó không phải là phép lạ, thì câu rả lời của tôi, là: tất cả đều tùy thuộc chuyện người hỏi hiểu thế nào là “phép lạ”, mà thôi. Nếu bạn hiểu theo nghĩa Ngài sử-dụng uyền-uy siêu-nhiên để gạt qua một bên mọi diễn-tiến thông-thường của thế-giới tự-nhiên, thì câu trả lời là: Không! Đó không là phép lạ.

Chắc chắn đó không là bằng-chứng cho thấy Thiên-tính của Ngài như một số người nhiều lúc vẫn cứ quan-niệm như thế, do bởi Ngài từng dạy những người theo chân Ngài cũng làm hệt như thế. Theo tôi, Đức Giêsu không chữa lành tật/bệnh nào có sự can-thiệp từ thế-giới thể-lý, nhưng Ngài chữa lành cơn ốm đau nào đó qua sự dính-dự của thế-giới xã-hội. Ngài chữa lành bằng cách chối-bỏ việc phải tuân theo các tập-tục đối với người lâm bệnh.

Đức Giêsu chữa lành “người phung” qua việc Ngài chào mời họ vào lại với cộng-đồng nhân-loại, đó là lý-tưởng mà cộng-đồng nhân-loại gọi đó là Vương Quốc của Chúa. Ngài từ-chối không chấp-nhận rằng: tật/bệnh như là sự nhơ-nhớp về nghi-thức phải bị loại-bỏ khỏi cộng-đồng xã-hội; và từ đó, Ngài thúc-bách mọi người hoặc chấp-nhận “người phung” trở về lại với cộng-đồng, hoặc từ-chối không cho chính Ngài được như thế. Quyền-uy chữa lành là quà-tặng của Thiên-Chúa xây-dựng vĩnh-viễn trong công-trình của vũ-trụ, chứ không chỉ là sự can thiệp tạm thời trong chốc lát của Thiên-Chúa vào vũ-trụ khép kín vốn thiếu xót khả-năng vẫn làm như thế.

Tóm lại, thì: riêng tôi, tôi vẫn tin rằng phép lạ không phải là sự thay đổi về thế giới thể-lý cho bằng sự đổi-thay trong thế-giới xã-hội. Dĩ nhiên, cũng nên có một số phép lạ giúp đổi thay thế-giới thể-lý nếu ta làm được, nhưng với tôi, điều đó xem ra vẫn chỉ là niềm ao-ước làm được một số đổi-thay còn nằm trong uy-quyền của ta trong thế-giới xã-hội, mà thôi”. (x. Richard G. Wattd & John Dominic Crossan, Who is Jesus, Westminster John Knox Press 1996, tr.62-68)

Thật tình mà nói: có nói về sự lạ hay phép lạ do Đấng bậc đầy quyền phép ở đâu đó, đã làm và đã bảo, cũng chỉ là thực-hiện những điều được khuyên dạy ở Kinh Sách vẫn từng kể:  

“Bấy giờ có mấy kinh sư và người Pharisêu

nói với Đức Giêsu rằng:

Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.

Người đáp:

Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.

Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào,

ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna.

Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào,

thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.

Trong cuộc phán xét,

dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này

và sẽ kết án họ,

vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng;

mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.”

(Mt 12: 38-42)

Thật tình mà nói, khi bình-giải câu Chúa nói “mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa”, Lm Nguyễn Thế Thuấn lại đã bàn rằng:  

“Dấu lạ: để chứng thực về sứ-mạng của Ngài, Chúa Yêsu nêu ra lời giảng của Ngài, kết-thúc nơi sự Sống lại của Ngài. Đây ám-chỉ rõ-rệt đến sự Sống lại. Nhưng Tin Mừng thánh Mát-thêu đoạn 16 câu 1-4 chứng ở ngay nơi công việc rao-giảng của Chúa Yêsu.” (Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Kinh Thánh 1976, phần Tân Ước tr. 38)   

Thật tình mà thưa với người đọc và người nghe ở đây rằng: tất cả mọi điều viết và đọc ở đây, chỉ để chứng thực mỗi điều đó, tức: sứ-mạng của Chúa đặt trọng-tâm nơi Sự Sống Lại của Ngài. Nếu không có Sống lại của Ngài, mọi sự lạ và phép lạ, đều ra như không, rất hư-luống.

Trong chiều hướng rất như thế, cũng nên thông-cảm ý/lời người nghệ-sĩ trong bài “Xin cứ làm tình nhân”, qua câu hát được tóm gọn làm đoạn kết rất như sau: 

“Hãy tìm em tìm em, rồi nhìn em nhìn em.
Và nắm tay nắm tay, cho hồn em ngất ngây.
Chỉ cần em nhìn em, là tim em rã rời.
Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.”

(Tú Minh – bđd

Thật đúng thế. “Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.”  Như thế mới là sự lạ, và cũng là “phép lạ” dành cho người đời, ở trong đời. 

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ mong mọi người ở đời
Hãy tìm nhau rồi nhìn nhau
mà đắm say,
yêu thương nhau suốt đời.
Thế đó mới là chuyện lạ
và là phép lạ trong đời,
với mọi người.

 

2 đoản khúc suy tư năm 2011

“Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp,”


một chuyện tình cay đắng…

(Mạc Phong Linh – Chuyện Tình Lan và Điệp)

(2Cr  12: 3b-4)

          Kể cho người nghe, mà sao chị cứ kể mỗi chuyện tình Lan và Điệp? Giảng cho người hiểu, mà sao anh cứ giảng và giải rất dài. Cũng rất dai. Chẳng ai hiểu? Chẳng kể gì người nghe có muốn nghe về “chuyện tình (rất) cay đắng”. “Lúc tuổi mộng mơ”, “đem viết thành bài ca”, ca về nhà Đạo?

          Sống đời nhà Đạo, lại có những truyện kể về tình đời. Giống ở đời. Nghĩa là, tôi và bạn, lại cứ kể lể rồi còn giảng giải nhiều chuyện. Cả những chuyện, như đời “Lan và Điệp”, có những câu:

                             “Lan như bông hoa ngàn,

                             thương yêu vô vàn,

                             nguyện thề non nước,

sẽ không hề lìa tan.”

(Mạc Phong Linh – bde9d)

          Sống Đạo giữa đời, người đi Đạo cũng từng sống, giống như thế. Tức, vẫn nhiều chuyện để kể. Cứ lễ mễ mà kể lể. Hết chuyện này chuyện khác. Kể, từ đầu đời đến cuối đời, vẫn không hết.

Trong chuyến ghé thăm đất miền Mễ Tây (rất căn) Cơ, bần đạo học được nhiều điều. Không phải để giảng Đạo, mà để kể về dân gian. Có vua quan cùng lãnh chúa. Rất bí nhiệm. Chuyện, của bậc vị vọng ở chốn trên cao chót vót, rất vua chúa. Chuyện vua quan lãnh chúa, không kể bằng miệng, suốt thế hệ này qua tthế hệ khác. Nhưng, bằng hoạ đồ khắc trên đá, mà bộ tộc giống giòng Maya, đã tô vẽ từ nhiều thế kỷ, mà không cần chữ viết. Khiến người người cứ cảm kích. Thán phục.

          Điều mà nền văn minh Maya xứ miền rất Mễ chú trọng nhiều đến quyền của vua quan chốn cao tít mù tắp, rất uy lực, nay được một số đấng bấc ở thế kỷ 21, còn thực hiện.

          Điều, mà nhà Đạo ở trên cao đang hiện thực, nay quên hết tình tiết xưa như nghệ sĩ từng viết:        

                             “Chuông đổ chùa xa, chiều tan trường về,

                             Điệp cùng Lan chung bước.

                             Cuối nẻo đường đi, đôi bóng hẹn mùa thi

                             Lan khóc đợi người đi.”

(Mạc Phong Linh – bđd)

Nhà Đạo hôm nay, không còn thấy cảnh tình sánh bước giữa “Lan và Điệp”, dù hiu hắt. Mà, chỉ là cảnh “chia ly”, “khóc đợi người đi”, chẳng thi vị. Nhưng ê chề. Tham vọng nhiều, như người trong truyện kể dân gian rất phàm trần, lếu láo, như sau:

“Có một người đến nhà thờ xin Chúa cho 3 điều ước nguyện. Chúa thầm hỏi:

-Con nguyện và ước điều gì mà “căng” thế?         

-Thưa Chúa, điều con nguyện ước chẳng có gì quá sức Ngài đâu! Con chỉ xin Chúa ban cho con 3 điều ước nguyện vỏn vẹn mỗi thế này: Điều một: Con ước mình được quyền “ăn trên ngồi chốc” giống các cha trong nhà thờ, hễ cứ phán bảo điều gì giáo dân nghe răm rắp thôi!

-Thế cũng được, Ta cho con ngay đây! Thế điều kế tiếp là những gì?

-Dạ thưa Chúa, điều kế tiếp con xin được giàu sang phú quí, chẳng làm gì, chỉ quát tháo doạ nạt đủ điều mà con chiên già trẻ lớn bé, vẫn cứ phục rồi dâng cúng

-Điều này không có gì khó, Ta sẽ ban cho con. Thế còn nguyện ước cuối?

-Điều cuối cùng, thì con muốn được mọi sự, cả những điều ước ở trên, lâu nay..

Chúa nhìn người đàn ông đang nài xin, mà tội nghiệp bảo:

-Con có thấy chân ta đang bị gì không?

-Dạ, chân của Chúa bị đóng đinh vào thập giá…

-Đúng! Chân ta mà không bị đóng đinh, thì Ta sẽ cho tất cả một đạp… Bọn con chỉ tham lam quyền bính với giàu sang thôi, chẳng được tích sự gì!...”

Truyện kể trên, chỉ là truyện tào lao, chẳng đáng cười. Bởi, Chúa nào lại làm thế. Có chăng, chỉ là phản ảnh của dân gian, dùng tiếu lâm nhạt để nói cạnh, nói xéo đấng vị vọng nhiều tham vọng. Lại hay lắm chuyện. Những chuyện không mang tính thiêng liêng, đạo đức gì hết.

Lắm chuyện hay không, thật ra cũng chả là chuyện có thật, ở nhà Đạo. Thời bây giờ. Thế nhưng, nhà Đạo hôm nay, cũng có một đôi “chuyện”, tức vấn đề làm người người cứ bứt rứt. Thao thức. Đến nản lòng. Tựa hồ vấn đề/truyện kể của đấng-bậc-không-còn-được-trọng-vọng nhưng vẫn muốn bày tỏ đôi sự thật thấy rất rõ, ở nhà Đạo, như sau:

“Tính đến nay, cũng đếm được 30 năm, kể từ ngày có những chuyện bê bối về xách nhiễu tình dục đối với con trẻ do một số linh mục vấp phạm. Nhưng vấn đề hôm nay hỏi rằng: lâu nay việc bứng tận gốc căn bệnh ung bướu loại này, đi tới đâu rồi? Ta học được gì, từ những bài học ấy?

Dù ngôn ngữ chọn lựa có xứng hợp hay không thuận lợi, vẫn có lời xin lỗi được đưa ra. Các thủ tục thực hiện nhằm giúp nhiều người hiểu được vấn đề, cũng đã có một số người tìm cách tự chữa lành. Và, nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề đã cải thiện cũng rất nhiều. Các vi phạm theo hình thức mới mẻ cũng đã suy giảm. Và, dù không phải là do có gia tăng lòng đạo đức, thì ít ra cũng vì một số người cũng đã biết sợ, bị bắt gặp.

Đàng khác, nhiều nạn nhân trên toàn quốc chưa cảm thấy thoải mái để kể lại chuyện riêng tư của mình và/hoặc chưa hài lòng về những giải pháp này khác hay không, nhiều nơi, nhiều nước vẫn chưa công khai phải đối phó với vấn đề. Cũng như, Hội thánh vẫn gặp nguy cơ bị cắt đứt, chia lìa đến nỗi chết xảy đến vào các thập niên tới.

Dù có thế, vấn đề chính vẫn còn mang tính đậm sâu hơn. Vẫn còn một số yếu tố thông thường khiến kẻ phạm pháp dễ tạo xách nhiễu. Và cũng có những vấn đề khác mang tính cách đặc biệt đối với cá nhân mỗi tội phạm. Giữa hai yếu tố ấy, hiện có những chuyện không lành mạnh đang xảy đến với một vài tổ chức hoặc xã hội mang tính riêng biệt khả dĩ khích lệ sự tăng trưởng một thứ văn hoá qua đó việc lạm dụng xách nhiễu càng có cơ xảy đến dễ dàng hơn. Hoặc cùng lắm, vẫn có thể làm ngơ trước vấn đề bằng cách đưa ra một đáp trả khá nghèo nàn.

Xách nhiễu lạm dụng chừng như dễ xảy đến khi cả ba yếu tố bao gồm một tâm lý không lành mạnh, những ý kiến bệnh hoạn và môi trường sống rất yếu kém cộng chung lại; đồng thời, việc đáp trả lại nghèo nàn khi những gì nằm trong nền văn hoá ấy lại khơi mào điều lợi cho người trong cuộc làm đối tượng cho lợi thế của cơ chế ấy.                

Tôi nghĩ rằng, cho đến nay, sai lầm chính nơi đáp trả của Hội thánh đối vấn đề này là ở chỗ Hội thánh không chịu nhìn vào bất kỳ giáo huấn, lề luật, cung cách thực hiện hoặc động thái của chính mình trong chiều hướng đóng góp bất cứ thứ gì để sửa sai.

Hội thánh lại không thấy rằng có thể có những yếu tố trong “nền văn hoá của Đạo Công giáo” mình từng đóng góp vào việc xách nhiễu/lạm dụng hoặc đã đáp trả cách nghèo nàn đối với vấn đề xách nhiễu như thế. Tôi nghĩ có tất cả 7 yếu tố trong nền văn hoá Công giáo đã tạo nên xách nhiễu/lạm dụng và 5 yếu tố góp phần vào việc đáp trả khá nghèo nàn.

Bảy yếu tố góp phần vào hành vi xách nhiễu lạm dụng, phải kể đến, là:

1.    Chỉ tôn thờ một Đức Chúa rất giận dữ, nay không còn tác dụng;

2.    Nhiều yếu tố cho thấy hành vi xách nhiễu đều do nam nhân vướng mắc. Và, hầu như mọi chuyện lâu nay vẫn nằm trong tay người đàn ông, trong khi giới nữ ít quyền ăn nói;

3.    Rất nhiều linh mục sống đời độc thân cách miễn cưỡng. Không ưa thích cũng chẳng vui lòng chọn lựa và không phải ai cũng cũng ở độc thân như thế. Thứ độc thân không ôm trọn tình yêu;

4.    Thiếu trưởng thành về đạo đức, cứ tưởng rằng mọi tốt lành về mặt đạo đức chỉ nằm ở việc tuân phục một Đức Chúa mà họ nghĩ Ngài chuyên luận phạt,thôi. Thêm vào đó, là quan điểm chỉ biết vâng lời Hội thánh mà không biết tự mình nhận lãnh trách nhiệm;

5.    Luôn có ý tưởng cho rằng nội việc nghĩ đến chuyện tình dục thôi, cũng đã là mắc tội trọng rồi. Và, đáng bị Chúa đời đời giáng phạt. Nói tóm lại, lúc nào cũng cho rằng đạo lý về dục tình đặt cơ sở trên luật tự nhiên hoặc trái với thiên nhiên, hơn là chú trọng đến những điều mà Tin Mừng của Chúa khuyên dạy;

6.    Chủ nghĩa phò giáo sĩ hoặc đặc tính bí ẩn về chức linh mục

7.    Cuộc sống linh mục và tu sĩ thiếu chuyên nghiệp thực thụ.

Năm yếu tố khiến hệ cấp giáo triều ứng đáp với sự việc cách nghèo nàn,là:

1.    Chuyên ưa chuộng tính chính thống (tức: cho rằng niềm tin của mình là đúng) hơn là tạo thói quen công chính và trung thực (tức: phải có hành xử cho đúng). Bởi thế nên, mỗi khi nghe mọi người xầm xì về chuyện nên truyền chức cho nữ giới, là quyết thẳng tay lên án không thương xót. Ngược lại, hễ thấy linh mục xách nhiễu tình dục trẻ con lại dễ thứ tha;

2.    Cho rằng Đức Giáo Tông là đấng bậc không thể nào sai lầm đuợc, dù việc ấy không thuộc phạm vi tín điều “vô ngộ”. Tức là: những gì dính dấp đến uy quyền của ngài, cũng đều “vô ngộ”;

3.    Sự kiện Đức Gioan Phaolô II im hơi lặng tiếng của suốt hơn 25 năm về chuyện xách nhiễu tình dục trẻ em;

4.    Văn hoá lặng thinh đã hằn sâu trong Giáo triều La Mã đến mức thâm căn;

5.    Luôn ngăn chặn gạt ý hướng trung thực mỗi khi bàn luận về qui cách ứng đáp với cáo buộc về xách nhiễu tình dục.

Chính ra, Đức Giáo Tông cũng nên chủ động hướng dẫn giáo triều khai triển cách ngăn ngừa và đáp ứng các trường hợp như thế. Nhưng, ta cũng không nên chờ ngài có những quyết định như thế. Tôi thấy không có lý do gì khiến Hội Đồng Toàn Quốc Giáo Sĩ lại không chịu đưa vào nghị trình thảo luận hàng năm của mình để bàn về những gì liên quan đến hàng giáo sĩ, ra như thế.

Chẳng hạn, ta có thể nhìn vào cung cách xem ta có chủ trương giáo sĩ trị đang thể hiện trong cuộc sống của ta, trên toàn quốc hay không. Và, hãy nhìn vào cung cách hành xử để xem ta có thật sự thiếu ý thức chuyên nghiệp khi suy tư và hành xử, không.

Cũng nên nhìn vào cách ứng xử của hàng linh mục mình khi đất nước mình đang có những “phát giác kinh khủng”; nghĩa là, hãy tự hỏi xem mình có đứng về phe linh mục - phạm pháp hoặc cảm thông bước về phía nạn nhân bị xách nhiễu tình dục, là con trẻ? Các linh mục của mình có là thành viên theo phe của mình không, trong khi đó, các nạn nhân bị họ lạm dụng, giờ này ra sao? Ta có đến với các nạn nhân bị lạm dụng nhiều hơn với linh mục phạm pháp chứ? Hay, cả ta nữa, vẫn dễ dàng cho mình vô tội? Phải chăng ta ứng đáp chỉ đơn giản bằng cách mong cho vấn đề xách nhiễu tình dục/ấu dâm nơi hàng ngũ linh mục được xếp xó, để khỏi bận tâm, không? Các giám mục nhà mình có thành “địch thù” xử bất công với các linh mục mỗi khi đáp ứng trước những cáo buộc về xách nhiễu tình dục, nơi đàn em đệ tử mình?

Các câu hỏi của đấng bậc không-còn-là-chủ-quản nữa, có lẽ đẽ khiến tôi và bạn, lại nhớ đến ca từ của nghệ sĩ ngoài đời, rất hay hát:

                             “Bao nhiêu niềm vui cũng chôn vùi từ đây,

                             vùi chôn từ đây!...

                             Lỡ một cung đàn,

                             phải chăng tình đời là vòng giây oan trái?”

(Mạc Phong Linh – bđd)

Nghệ sĩ đời gặp chuyện ngang trái lại hỏi thế. Đấng bậc nhà Đạo, nhận định sự kiện “không phải”, ở trong Đạo, lại nghĩ khác. Khác, nhưng rất thực tiễn, như sau:

“Để hành xử của mình được lành mạnh, tưởng cũng nên đề cập đến những điểm gây bén nhạy, như hỏi rằng:

*Phải chăng hàng ngũ linh mục ở quanh ta đang sống cuộc đời độc thân mà không thích. Hoặc, không chứa đựng một tình yêu, mình đã chọn? Ta quan niệm thế nào về chuyện ấy? Hãy đưa vấn đề ra mà bàn thảo, cho nghiêm chỉnh.

*Ngày nay, ta có thực sự tin vào luân lý dục tình không? Phải chăng mỗi khi tưởng nghĩ đến chuyện tình dục, là mắc tội? Ta vẫn cho rằng mọi sa ngã về tình dục là trọng tội có thể dẫn đến nỗi chết, chứ? Ta vẫn coi động thái tự nhiên và phản thiên nhiên như nền tảng của đạo lý về tình dục chứ?  Nếu không, ta tìm ra được nền tảng nào khác không?

*Ở giáo xứ, ta có thực sự lắng nghe tiếng nói của chị em giáo dân không? Các vị ấy có hoàn toàn đồng ý với câu đáp trả ta đưa ra không?

*Ta có còn quan niệm về Thiên Chúa chuyện giận dữ, trong đời mình không? Quan niệm như thế có còn ảnh hưởng lên ta không? Để ý lắng nghe cả trăm linh mục chia sẻ Lời Chúa vào ngày Chủ nhật, thông thường khi ra về ta mang theo ý nghĩ về Thiên Chúa như thế nào?

*Trong hành trình đời sống, ta đã bỏ đi ý tưởng về chuyện giáo hội dạy ta phải sống thế nào để làm hài lòng một Thiên Chúa chuyện luận phạt chưa?Trong cuộc sống, ta đạt mức độ trưởng thành về luân lý, đến cỡ nào?

*Ý hướng về luân lý đạo đức của ta là thế nào? Nhận thức của ta ra sao khi bị xã hội lên án, dẫu biết rằng ta là người vô tội? Ta đối đầu thế nào với thái độ của Hội thánh khi ứng đáp một cách nghèo nàn đối với các cáo buộc xách nhiễu tình dục, nói ở trên?

Những phát giác kinh khủng về xách nhiễu tình dục nơi hàng giáo sĩ lâu nay quả là một kinh nghiệm thương đau cho đội ngũ linh mục của ta. Nỗi lo ngại của tôi là nhiều người đã khoá sổ chỉ giữ cho mình những tư tưởng tiêu cực thôi. Và, xách nhiễu tình dục đã trở thành chuyện “khủng long chui tọt vào phòng”, mỗi khi các linh mục tụ tập.

Tôi khẩn thiết yêu cầu Hội Đồng Linh Mục Toàn Quốc hãy đóng vai trò đúng đắn để có được những trao đổi mang tính dựng xây về mọi khía cạnh của vấn đề này. Lâu nay, ta có quá đủ nỗi hãi sợ, chối bỏ, chạy trốn hoặc yếu kém rồi. Đã đến lúc, ta cần sống thực sự cởi mở, chính trực và xây dựng trong vấn đề này.” (x. Gm Geoffrey Robinson, The Elephant in the Room, rút từ The Swag  16/7/2011)

Như mọi lần, mỗi khi gặp các vấn đề gay góc xảy đến với người và với mình, chí ít là người mình ở nhà Đạo, bần đạo lại chạy đến với Lời của các thánh viết ở Tin Mừng. Hôm nay, bần đạo nhận được ân huệ “bắt gặp” một đoạn thơ có lời lẽ, xin san sẻ với bạn và với tôi, rất như sau:

“Đức Kitô, Người không nhu nhược đối với anh em đâu,

nhưng Người đầy uy quyền giữa anh em.

Thật vậy, Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn,

nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Cả chúng tôi nữa, trong Đức Kitô,

chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn,

nhưng cùng với Người,

chúng tôi sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa

để xử sự với anh em.”

(2Cr 13: 3b-4)

Nhớ lời “thơ” của thánh nhân nhà Đạo, nay lại nhớ thơ lời của người đời, cũngnhư sau:

“Người ta nói yêu là ngốc,
Bởi chữ tình là nguồn gốc chữ ngu ...
Đôi khi con người ta cần dừng lại..
Dừng lại để rồi bước nhanh hơn.. ....
Đôi khi con người ta cần buông tay..
Cần cho đi để rồi có nhiều hơn.. ...
Đôi khi con người ta cần khóc..
Khóc thật lớn để rồi cười thật to.. ...
Đôi khi con người ta cần một mình..
Một mình là để biết có nhau quan trọng như thế nào.”

Đã nhớ lời “thơ” Đạo cũng như đời rồi, nay lại tưởng nhớ chuyện của Lan và Điệp, cũng có những tình tiết như sau:

Nếu vì tình yêu,

Lan có tội gì đâu sao vướng vào sầu đau.

Nàng sống mà tim như đã chết

Riêng bóng cô đơn đôi môi xing phai tàn

Thương thay cho nàng

buồn xa nhân thế náu thân cửa Từ Bi.”

(Mạc Phong Linh – bđd)        

Bần đạo thiết nghĩ: câu thơ trên, đâu chỉ áp dụng cho các vị nương náu cửa Phật hay nhà Đạo, đang “có vấn đề”, mà thôi. Nhưng, có lẽ, cũng áp dụng cho cả nạn nhân tội phạm xách nhiễu, hoặc sai lầm nhiều sơ xuất. Ở bất cứ nơi đâu. Thời nào. Như hôm nay.

          Trần Ngọc Mười Hai

          vẫn cứ thương và nhớ

          hết tất cả.  

          Trong Đạo. Ngoài đời.

                            

 

Suy Niệm Chúa Nhật thứ 20 thường niên Năm A 14-08-2011

“Đàn rơi phiếm rũ, sầu mưa gió,”

“Nguyệt khuất mây mờ, lạnh khói sương”

(dẫn từ thơ Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân)

Mt 15: 21-28

          Sầu mưa gió. Lạnh khói sương. Có thể, đó là cảnh tình của người đời. Đàn rơi phiếm rũ. Nguyệt khuất mây mờ. Nhjưng, cũng chưa hẳn là tình tự của người trong Đạo, bấy lâu nay.

          Tình tự nhà Đạo, nay thánh Mát-thêu kể về nữ phụ xứ Canaan gặp Chúa, rất cảm kích mới có lời xin. Xứ Canaan, có thủ phủ Ty-a và Si-đôn là đất miền cận duyên, bên bờ Địa Trung Hải. Hai thị trấn cách đất liền đến 80 cây số, phía Nam Phênixia. Hôm nay, thánh sử kể về các sinh hoạt khác thường của Chúa, ngoài đất nước Do thái, ở xứ Canaan .

          Về sinh hoạt Chúa làm, ngoài xứ miền Do thái, thánh sử kể cũng khá nhiều. Nhưng, không nói lý do tại sao Chúa đi xa như thế. Có thể, Chúa đã mệt vì đường xa, xứ lạ. Thế mà, khi nữ phụ xa lạ lại đón Chúa vào thôn làng. Cũng có thể, luận cứ ở truyện kể còn quan yếu hơn chi tiết địa dư, khoảng cách.

          Trình thuật nay là truyện kể nữ phụ “ngoài luồng” và con gái bà lâm bệnh. Đúng ra là, mẹ con sinh sống ở xứ miền Phênixia. Với người Trung Đông, Canaan là một trong những địa danh có tên rất xấu, gồm toàn những người lạ kỳ, về nhiều thứ ít thấy trong Thánh Kinh.

          Nói gì thì nói, nữ phụ Canaan đây, thuộc lớp người ngoài Đạo, là người dưng khách lạ mà lại được Chúa đón nhận như người trong cuộc. Bởi thế nên, luận điểm đề cập nơi trình thuật hôm nay là để nhấn mạnh lối hành xử rất nhân lành hầu đón nhận người ngoài vào với cộng đoàn Hội thánh mình.

Trình thuật, nay nhấn mạnh khuynh hướng gọi họ bằng những tên rất xấu, để loại bỏ. Loại và bỏ, như người thời nay khi nói đến dân con Ả Rập/Hồi giáo, người người có thói quen chụp lên người họ bằng những mũ chụp thiếu thanh tao/lịch sự, như: dân Rệp hoặc đám Hồi giáo khủng bố. Và, trình thuật nay cũng nói đến cung cách Chúa dung nạp những người mang tai tiếng, xấu đến như thế.

Mặt khác, nữ phụ này lại có người con vướng mắc một thứ tật bệnh mà người thời ấy gọi là “quỷ tha ma bắt” khiến bà phải gào thét đến cuồng điên, cốt để Đức Chúa Nhân Hiền nghe biết đến với bà, để chữa trị cho con gái bà. Ngài có chữa kẻ ngoài luồng mắc chứng dơ bẩn hay không, đó mới là vấn đề. Và, dân thường thời bấy giờ vẫn còn thắc mắc.

Kể ra, thì nữ phụ Canaan dù ngoài Đạo, nhưng đã tin Đức Kitô, nên bà gọi Ngài là “Con Vua Đavít“. Với thánh Mát-thêu, bà là người đầu tiên trong kinh thánh, dám tuyên xưng Ngài là Chúa, bằng miệng lưỡi. Chính bà là người dùng lời khẩn cầu phụng vụ và thánh vịnh của các đấng bậc từng tuyên tín vào Đức Kitô, như lời kinh phụng vụ lâu nay vẫn nhắc: “Xin Chúa thương xót chúng tôi.”, một lời kinh bằng tiếng Hy Lạp, rất “Kyrie eleison”, trong thánh lễ. Bà còn bái gối lạy quỳ trước mặt Ngài, một động thái khẩn nài ít thấy nơi người Do thái, khi nhắc nhớ điều gì với Giavê Thiên Chúa.

Nói rõ hơn, nữ phụ ngoài Đạo đã van xin Chúa một ân huệ, rất khó thực hiện: là, xin Ngài vượt lằn ranh thói tục luôn chê bai kẻ hạ cấp/thấp hèn như mẹ/con bà, những kẻ bị đào thải khỏi mọi chọn lựa trở nên dân riêng của Giavê. Bà xin Ngài thực hiện điều mà Giavê Đức Chúa không có chọn lựa nào khác ngoài việc đưa toàn thể mọi người về với tình thương. Cả khi đồ đệ Ngài bày tỏ:”Hãy bảo bà ấy đi đi, đừng đến mà làm phiền Thày.”       

Nơi trình thuật, chừng như Đức Giêsu đã thách thức lời kêu cầu của nữ phụ bằng lời từ chối. Đây là việc ít thấy ở Tin Mừng, mà các thánh vẫn ghi. Bởi lẽ, kinh nghiệm cho thấy, hễ ai kêu cầu Chúa điều gì, Ngài vẫn đáp ứng bằng đáp ứng trọn vẹn cho người ấy. Trường hợp ở đây, không giống thế. Ngài không ứng đáp lời kêu cầu của nữ nhân ngoại luồng, là bởi vì Chúa Cha gửi Ngài đến với dân con được chọn, thôi. Sứ vụ Ngài thực viện, chỉ dành cho dân con người Do thái, rất đích thực. Chính vì thế, mà người đọc mới nghe thấy những câu so sánh cũng khá lạ:“Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con (ở ngoài)." (Mt 15: 26). Bằng vào lời này, ta thấy người Do thái xưa vẫn coi dân “ngoài luồng”, rất thấp hèn. Thách thức ở đây, còn có nghĩa: Chúa phản ứng như người Do thái bình thường sống theo luật, không để lời nài van từ ngoài, áp lực Ngài hành xử ngoài ý định của Cha.

Nhưng, nữ phụ Canaan vẫn thưa:”Đúng thế, thưa Ngài, nhưng lũ chó con cũng được hưởng vụn bánh trên bàn chủ, rơi xuống." (Mt 15: 27) Điều mà bà goá xứ Canaan muốn nói đến, là: loài chó nuôi trong nhà, tuy chạy rong ngoài đường, nhưng cũng được hưởng ơn lành như thú đã thuần hoá. Tức, phải được hưởng công bằng cần thiết. Bên tiếng Hy Lạp, mỗi khi nói đến loài chó nuôi, là nói đến gia súc sống gần gũi với chủ, do đó ít nhiều cũng được đối xử như người nhà, gần chủ nhà. Tức, cũng có chỗ đứng/ngồi gần bàn tiệc, dù dưới gầm. Và đây là trọng điểm mà vấn đề trình thuật đặt ra.

Ngay đó, Chúa thay đổi cung cách Ngài đối thoại bằng ngợi khen niềm tin của người đàn bà. Trình thuật không nói rõ đó có là niềm tin vào Ngài, vào Chúa hay không. Nhưng, nữ phụ Canaan lại đã chứng tỏ rằng bà vẫn là bản vị hiện hữu cần được đối xử như người trong cuộc. Xem thế thì, qua việc khen ngợi niềm tin của bà goá, Chúa muốn bảo cho mọi người biết: nữ phụ “ngoài luồng” này, nay đã là người trong cuộc. Tức, đã có trọng trách khiến cho người dưng khách lạ thấy được sự công bằng cần có, khi đối xử với người trong cuộc. Trong Đạo. Tức, cần dân con trong Đạo yêu thương, đón nhận họ để họ trở nên thành viên Hội thánh, như mọi bản vị biết thương yêu. Nhân hiền.Cởi mở.

Cũng có thể, thánh Mát-thêu đã ghi lại tâm tình của Chúa muốn nói đến các chủ thể lâu nay vẫn bị coi rẻ như loài chó, cốt để thử thách niềm tin, thôi. Kịp khi nữ phụ Canaan sẵn sàng chấp nhận thân phận thấp hèn lâu nay của mình, bị đối xử tồi tệ như loài thú, nhưng vẫn muốn được yêu thương/trọng đãi như người nhà. Bởi, loài chó lâu nay vẫn được coi là gia súc rất trung thành với chủ mình. Vậy thì, loài gia súc đã thuần hoá, có thuỷ chung với người trong nhà, hay không? Nữ giới trong cuộc, có được đối xử đồng đều như nam nhân không? Có được yêu thương kính trọng không thua kém nam nhân không?

Đó là qui cách mà nữ phụ Canaan dùng đến, cốt để thuyết phục Chúa. Chính bà là người dám bộc lộ với Chúa tâm trạng của người “ngoài luồng”. Và, kêu cầu của bà, chính ra là để mọi người trong cuộc nên coi lại mà đối xử bà ngang bằng như người trong cuộc, một khi dân con của Chúa tin vào tình thương và sự lương thiện. Đây còn nói lên một đặc trưng yêu thương là không bao hàm yếu tố “lằn ranh/biên giới”, trong với ngoài!

Ngay đến ý định của Chúa Cha khi chọn lựa con dân trong hoặc ngoài luồng để cứu rỗi, giống như thế. Chúa có tự do thực hiện việc chữa lành cho bất cứ ai, kể cả những người trong hay ngoài luồng. Họ vẫn là những hữu thể, cũng tử tế, ngang bằng nhau. Và, họ cởi mở, ăn ở phải phép hệt như nhau. Lời nài van của nữ phụ, tuy không nói rõ, nhưng đã chứng minh được điều đó. Và, kết quả là: Chúa đã ban cho bà những gì bà khẩn nài. Con gái bà được chữa lành. Vậy, ý của trình thuật thánh sử muốn nhấn mạnh, là: hãy coi khách lạ người dưng, như người nhà vậy.

Điều khác nữa, là: thông thường thì, loài thú ít được nhắc đến ở Tin Mừng. Nhưng, khi đã được nhắc nhở, chúng đều có tên. Ta biết được tên loài thú vào hôm kiệu lá, lễ Vượt Qua, là: chú lừa. Và, loài thú được nói đến, khi thánh Phêrô chối bỏ Thầy mình, là gà trống. Ngoài ra, còn có: chiên lạc. Dê hiền. Đàn heo sạch vv...

Có vị giáo lý viên nọ người Pháp, vẫn quen thói đặt tên cho một số loài thú được nhắc đến ở Tin Mừng, như: chú lừa vào lễ Vượt Qua gọi là: lừa Placiđô. Gà trống hôm thánh Phêrô chối Chúa, là gà “Archibald”, vv… Còn chó nuôi trong nhà, ở trình thuật hôm nay, nên đặt tên gì đây?

Còn một điều cần kể thêm, là: ở trình thuật các thánh ghi, bất cứ ai được Chúa chữa lành, đều đã trở thành đồ đệ đắc lực, quyết theo chân Ngài, mà rao giảng. Con gái nữ phụ xứ Canaan đây, có làm những việc như thế không?

Tựu trung thì, bài học mà thánh Mát-thêu để lại nơi người đọc hôm nay, là: khi nghe ai đó gọi người Ả Rập bằng những tên rất xấu, như “dân Rệp”, hoặc “bọn Hồi giáo chuyên khủng bố”, vv… thiết tưởng người nghe/đọc Tin Mừng cũng nên liên tưởng đến chú chó vẫn nằm chực dưới gầm bần của chủ, để được hưởng ơn mưa móc của người trong nhà. Suy cho cùng, thì: loài chó nuôi trong/ngoài nhà, vẫn là gia súc được yêu thương, nể trọng. Không phải vì chúng sở hữu đặc tính trung thành với chủ. Mà, vì chúng được coi như thành viên như người nhà. Không là người dưng nước lã, nữa.

Sở dĩ Đức Giêsu là Đấng chữa lành mọi người, trong ngoài nhà Israel , vì Ngài là Đấng Nhân Hiền trong cuộc. Rất cao cả. Học được bài học quý giá rút tỉa từ trình thuật hôm nay, hẳn người nghe/đọc, sẽ quyết tâm noi gương lành của Chúa mà xử thế. Xử giống như Ngài vẫn dạy.

Với tâm tình đó, cũng nên ngâm nga lời ca mà người nghệ sĩ trích dẫn ở trên, từng bộc bạch:

                   “Gương hờn tủi phận, vùi son phấn,

Lược trách buồn duyên, lỡ đá vàng!

                   Hương sắc đắm chìm, thân mệnh bạc,

                   Thương lòng xót liễu, rụng đài trang!”

(Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân – Thương Tiếc)

Thương và tiếc, không chỉ “xót liễu, rụng đài trang” thôi, mà còn “trách buồn duyên, lỡ đá vàng”. Trách và thương, những ai vẫn cứ coi dân “ngoài luồng” như chú chó chạy ngoài đường, không thương tiếc. Mà quên rằng, Chúa vẫn tiếc và thương hết mọi người. Mọi loài. Vào mọi thời.

Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch

dongcongnet- sưu tầm 9 thang 8-2011

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)