|
Hãy
Ra Nghênh Đón Chàng Rể
Nếu
phụng niên có 34 tuần lễ cho Mùa Thường Niên, mà Chúa Nhật này
là Chúa Nhật XXXII, thì chỉ còn ba tuần nữa, kể cả tuần này, là
hết năm phụng vụ. Bởi thế, trước khi bước sang một tân phụng niên
kể từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng tới đây, Giáo Hội bắt đầu hướng
con cái mình về mầu nhiệm cánh chung, một mầu nhiệm được sáng
tỏ nơi việc Chúa Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang, một biến
cố được Giáo Hội ngưỡng vọng và cử hành bằng Lễ Chúa Kitô Vua
vào Chúa Kitô cuối cùng của phụng niên. Đó là lý do, Chúa Nhật
tuần này và tuần sau, Giáo Hội chọn hai bài Phúc Âm xứng hợp liên
quan đến việc sửa soạn nghênh đón Chúa Kitô đến lần thứ hai. Đó
cũng là lý do chúng ta thấy trong cả hai bài Phúc Âm Chúa Nhật
tuần này và tuần sau Chúa Giêsu đều nói với các môn đệ của Người,
chứ không nói với chung dân chúng hay thành phần lãnh đạo dân
Do Thái nữa, như năm bài Phúc Âm vừa rồi. Vậy trong bài Phúc Âm
Chúa Nhật tuần này và tuần sau, Chúa Giêsu muốn dạy cho riêng
các môn đệ của Người, kể cả những vị chứng nhân tiên khởi bấy
giờ cũng như thành phần môn đệ Kitô hữu chúng ta sau đó và hiện
nay cũng như sau này, về cách thức để nghênh đón Người, tức về
cách thức để có thể gặp được Người, gặp được Đấng không phải đến
lần đầu, mà là đến lần cuối cùng.
Trước
hết, qua bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, bài Phúc Âm về dụ ngôn
10 người trinh nữ hay 10 cô phù dâu cầm đèn đi đón chàng rể, trong
đó có 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan. Trong dụ ngôn Chúa dạy,
5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan vừa giống nhau lại vừa khác nhau
ở đoạn đầu, giống nhau ở đoạn giữa, và khác nhau ở đoạn cuối.
Họ giống nhau trong đoạn đầu ở cả 10 cô đều mang cầm đèn sáng
trong tay nhưng lại khác nhau cũng trong giai đoạn này, ở chỗ
5 cô mang đèn mà không mang theo dầu còn 5 cô kia mang cả đèn
lẫn dầu. Họ giống nhau trong đoạn giữa ở chỗ tất cả đều chờ đợi
chàng rể và đã thiếp ngủ đi cho tới nửa đêm là lúc có tiếng gọi
“Kìa chàng rể tới, hãy ra đón chàng”. Và họ khác nhau trong giai
đoạn cuối cùng là những cô mang đèn lẫn dầu được vào tham dự tiệc
cưới với chàng rể, còn những cô hết dầu không được tiếp nhận.
Bài Phúc Âm được kết thúc bằng lời Chúa khuyên dạy: “Hãy tỉnh
thức vì các con không biết được ngày giờ”. Như thế, vấn đề nghênh
đón Chúa Kitô đến lần thứ hai để có thể gặp được Người và hoan
hưởng với Người ở đây là việc “tỉnh thức”, hay ở tại khôn ngoan,
một thứ khôn ngoan được bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật tuần này
diễn tả là: “nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó để tỏ mình ra
cho họ… ai tỉnh thức với nó sẽ chóng được an tâm”. Tuy nhiên,
theo bài Phúc Âm hôm nay thì ý nghĩa thực sự của việc “tỉnh thức”
hay của sự khôn ngoan đây là gì? Được thể hiện qua những tác động
nào?
Để
hiểu được ý nghĩa thực sự của việc “tỉnh thức”, chúng ta hãy để
ý tới ba yếu tố quan trọng liên quan đến, thứ nhất, tính cách
của thành phần chủ thể được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc
Âm, thứ hai ý nghĩa của đèn và dầu được họ sử dụng trong việc
đi đón chàng rể, và thứ ba, thời điểm họ chờ đợi chàng rể đến.
Về tính cách của thành phần chủ thể được Chúa Giêsu nói đến trong
bài Phúc Âm hôm nay là 10 cô trinh nữ hay 10 cô phù dâu. Vậy ý
nghĩa của việc “tỉnh thức” liên quan đến tính cách của chủ thể
là các cô trinh nữ chứ không phải các bà góa, hay các cô phù dâu
chứ không phải các chàng phù rể, sửa soạn nghênh đón Chàng Rể
Kitô đây là gì, nếu không phải là việc trang điểm đẹp đẽ để có
thể xứng đáng diễm lệ vào dự tiệc cưới của chàng rể và với chàng
rể. Ở đây chúng ta cũng có thể hiểu được vai trò của người Kitô
hữu, sau khi lãnh nhận phép rửa, họ chẳng những được nên tinh
tuyền như những người trinh nữ trong Chúa Kitô, mà còn trở nên
thành phần phù dâu của Giáo Hội hiền thê Chúa Kitô nữa. Mà hiền
thê Giáo Hội Chúa Kitô đã trang điểm diễm lệ để nghênh đón Chúa
Kitô thế nào (x Rev 21:2), các cô trinh nữ hay phù dâu cũng phải
trang điểm diễm lệ để nghênh đón Người như vậy mới là “tỉnh thức”.
Về
ý nghĩa của việc cầm đèn đi đón chàng rể của 10 cô trinh nữ hay
phù dâu đây liên quan như thế nào tới ý nghĩa của việc “tỉnh thức”
để nghênh đón Chúa Kitô đến lần cuối cùng? Tại sao 10 cô trinh
nữ hay 10 cô phù dâu này lại cầm đèn mà không cầm những thứ khác,
như cầm hoa thơm hay quà tặng? Phải chăng đèn đây là đức tin,
dầu đây là đức cậy và ánh sáng phát ra từ cây đèn có dầu đây là
đức ái? Bởi vì, sau khi lãnh nhận phép rửa, con người chẳng những
được khỏi tội tổ tông (lẫn tội mình làm nếu đã có trí khôn), tức
trở nên tinh tuyền như một người trinh nữ, mà còn nhận được các
thần đức tin, cậy, mến là những khả năng thần linh để giúp họ
có thể tác hành như con cái Thiên Chúa nữa. Đức ái là ánh sáng
chỉ có thể chiếu tỏa từ cây đèn đức tin mà thôi, nhưng cây đèn
đức tin lại không thể chiếu tỏa ánh sáng đức ái nếu thiếu dầu
đức cậy. Đó là lý do khi gặp khốn khó, nhiều khi cây đèn đức tin
nơi Kitô hữu đã bị tắt lịm đức mến, vì không đủ nhẫn nại đợi chờ,
không đủ cậy trông hy vọng, nhất là khi gặp phải những gương mù
gương xấu vào lúc cuối thời, như Chúa Giêsu đã nói: “Vì sự dữ
tràn lan mà lòng mến nơi nhiều người sẽ trở nên nguội lạnh” (Mt
24:12). Điển hình là trường hợp cả 10 cô trinh nữ hay 10 cô phù
dâu trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, chờ đợi chàng rể mãi,
đến nỗi tất cả đều mệt mã thiếp ngủ. Thế nhưng, nếu còn dầu đức
cậy thì cây đèn đức tin vẫn có thể bùng lên đức ái khi nghe thấy
tiếng loan báo Chúa Kitô đến. Họ giống như thành phần được Thánh
Tông Đồ Phaolô nói đến trong bài đọc thứ hai Chúa Nhật tuần này,
thành phần “đã yên giấc tin tưởng vào Chúa Giêsu”.
Vậy,
“tỉnh thức” liên quan đến đèn và dầu đây chính là lòng khao khát
và mong đợi Chúa Kitô nơi mỗi Kitô hữu, một niềm hy vọng phát
xuất từ đáy lòng của họ, chứ không phải một niềm hy vọng vay mượn
của ai khác hay mua được của hàng quán như trường hợp của các
cô khờ dại trong bài Phúc Âm. Đó là lý do cộng đoàn dân Chúa đã
cùng nhau xướng lên trong bài đáp ca Chúa Nhật tuần này là: “Linh
hồn tôi khao khát Chúa, Ôi Chúa, Chúa Trời của con”.
Về
ý nghĩa của việc “tỉnh thức” đối với thời điểm chàng rể Kitô đến.
Chúng ta để ý là, theo bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đến không
vào lúc người ta mong đợi, mà vào ngay lúc mọi người đã ngủ say,
tức vào lúc “nửa đêm”. Vậy lúc “nửa đêm” đây có thể hiểu là thời
điểm tâm lý, thời điểm chung loài người và riêng Kitô hữu đang
ngủ mê. Nếu môn đệ Chúa Kitô phải “là ánh sáng thế gian” (Mt 5:14),
để soi sáng cho cả gia đình nhân loại, mà lại ngủ mê với ngọn
đèn đức tin tắt lịm, thì thế gian lúc chàng rể Giêsu đến sẽ tối
tăm mù mịt là chừng nào. Thế nhưng, thực tế cho thấy, vào lần
đến thứ nhất, nếu “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn 1:14), như “ánh
sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian” (Jn 1:9),
mà thế gian vẫn không nhận biết Người, không chấp nhận Người (x
Jn 1:10,11), thì con người có thể nhận biết Người hay chăng khi
Người đến lần thứ hai, nhất là ở vào thời điểm đầy những tiên
tri giả và kitô giả xuất hiện như nấm lừa đảo được nhiều người
(x Mt 24:5,11,24)? Phải chăng, chỉ khi nào nghe tiếng hô: “Kìa
chàng rể tới, hãy ra nghênh đón người”, bấy giờ môn đệ mới biết
thật đâu là Đấng mình đợi trông. Vậy, “tỉnh thức” liên quan tới
thời điểm Chúa Kitô đến lần thứ hai đây chính là việc đáp ứng
kịp thời dấu chỉ thời đại. Vẫn biết thành phần trinh nữ hay phù
dâu khờ dại cũng có thể nghe được tiếng hô kêu gọi này, song bấy
giờ họ không còn đủ khả năng để đáp ứng những gì họ cần phải có
trong việc quan trọng nhất cuộc đời họ là việc sẵn sàng và kịp
thời nghênh đón Chúa Kitô nữa.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
|
|