Chúa Nhật XX Thường Niên Năm A
 
 


Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi

Hồi mới qua Mỹ, tôi ở gần một gia đình chồng Mỹ vợ Việt có ba đứa con trai tóc tai vàng khè, mắt xanh mũi lõ. Nhìn vào ba đứa con, không ai dám nói là con lai cho đến khi nghe chúng nói tiếng Việt. Kể từ khi quen biết, chị vợ vẫn thường mời tôi đến nhà thưởng thức các món đặc sản của người Nam mà anh chồng và các con không tài nào dám thử như mắm cá lóc, tương cự đà... Còn anh chồng thì thỉnh thoảng nhờ tôi giải thích tại sao vợ của anh lại cầm đồng bạc quarter cạo đau điếng trên lưng với một chất dầu màu xanh khó ngửi cho đến khi lưng đỏ bầm mới thôi mỗi khi anh và các con bị cảm... Một hôm, anh chồng phàn nàn với tôi là phụ nữ Việt Nam quá bạo động, con cái nghịch phá mà đòi giết luôn cả chồng. Gạn hỏi ra thì mới biết tất cả cũng chỉ vì câu nói của chị vợ quát tháo tụi nhỏ: "Nói không nghe tao đánh chết cha mày bây giờ..." Một lần nữa, tôi lại phải giải thích cho anh hiểu câu nói "...đánh chết cha mày" của chị vợ chỉ là một kiểu nói suông người Việt Nam hay dùng chứ không có ác ý gì hết...

Thật vậy, để hiểu được ý tứ của các kiểu nói thông thường của một sắc dân, chúng ta cần phải thông thạo chẳng những ngôn ngữ mà còn phải hiểu rõ phong tục tập quán, kèm theo thời gian và hoàn cảnh lúc bấy giờ nữa. Chính vì vậy mà khi đọc lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Canaan trong bài Phúc âm hôm nay của hai ngàn năm trước, chúng ta vẫn thường cho là Chúa quá nặng lời với một bà mẹ đang đau khổ vì bệnh tật của con gái.

Tuy nhiên, nếu đặt mình vào hoàn cảnh bấy giờ thì chúng ta sẽ thấy tại sao người đàn bà chẳng những không nổi giận mà còn bám sát Chúa Giêsu hơn nữa. Đối với người Do thái thời bấy giờ, người Canaan là dân ngoại, là quân tội lỗi không thể sánh ví với họ là dân riêng được tuyển chọn của Thiên Chúa. Do đó, họ coi khinh người Canaan cũng như những sắc dân của các vùng lân cận không mang quốc tịch Do thái. Chính vì vậy mà người đàn bà không cảm thấy bị xúc phạm khi Chúa sánh ví bà với loài chó. Còn về phía Chúa Giêsu thì Ngài không có ý coi khinh hoặc xỉ vả bà, nhưng chủ ý lợi dụng cơ hội đó để nói cho người Do thái biết rằng, trước mặt Thiên Chúa, quốc tịch trần thế không phải là điều kiện để được cứu độ mà là lòng tin của mỗi người. Nói cách khác, chiên lạc nhà Israel mà Chúa Giêsu có nhiệm vụ tìm kiếm không chỉ giới hạn ở số người mang quốc tịch Do thái sống rải rác trong vùng mà bao quát tất cả mọi người thuộc mọi thời, bất kể họ là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, nam hay nữ... miễn sao họ đặt trót niềm tin vào Con Thiên Chúa như người đàn bà xứ Canaan hôm nay: "Lạy Ngài là con vua Đavít, xin thương xót tôi..."

Nhìn vào cuộc sống, khi cư xử với người đồng loại, liệu tôi có kính trọng mọi người với nhân vị con người hay tôi lại phân chia theo tầng lớp và địa vị xã hội của họ? Khi đối đầu với những bất công và khó khăn trong cuộc sống, liệu tôi có khiêm nhượng đủ để giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa như người đàn bà xứ Canaan hay lại để cho tự ái làm chủ để gây gương mù hoặc đánh mất niềm tin Công giáo?

Lm. Tuấn Bình, CMC

Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm A 17-8- 2014
“Để Bà Ấy Về Đi . . . .” Mt 15: 21-28

Đây là những lời  được thốt ra từ miệng các môn đệ Chúa Kitô sau khi nghe người đàn bà van nài Chúa cứu giúp. Không biết quý bạn nghĩ sao chứ đối với tôi những lời này nghe rất là lạnh lùng, không tế nhị, và chẳng thấy có tấm lòng tí nào. Không hiểu làm sao các môn đệ lại phản ứng như vậy? Không hiểu sao họ lại không có một tí cảm thông nào hết vậy?

Và nữa, không những chỉ các môn đệ mà thôi, xem ra  ở  đây Chúa Giêsu cũng dửng dưng với những lời nài nẵng của người  đàn bà này:  “Lạy Ngài, con Vua Đavít, xin thương xót tôi!” Chúa Giêsu đã làm gì? Thánh Mat hêu nói rằng: “Người không đáp lại một lời nào.” Tại sao vậy? Tôi thiết nghĩ, có lẽ Ngài đang đợi xem các môn đệ của ngài phản ứng ra sao, xem họ suy nghĩ gì về việc này.

Ở đây tôi thấy có hai lý do: Lý do thứ nhất mà có lẽ chúng ta thấy xảy ra thường xuyên nơi chính chúng ta. Mặc dù không có nói rõ trong bản văn, nhưng chúng ta có thể đưa ra một vài suy luận về trường hợp này. Chúng ta nhớ là các môn đệ theo Chúa đi khắp mọi nơi, mọi chỗ, từ thành này đến thành khác. Và mỗi nơi họ đến người ta đều tuôn đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng dậy và xin Ngài  điều này  điều nọ. Tôi  đoán có lẽ là các môn đệ cũng  đã rất mệt - mệt về thể xác và mệt cả về những điều mà người ta cứ nài xin Chúa. Do đó, các ngài khó chịu, và không muốn ai phiền hà nữa cả. “Đã bảo đủ rồi là đủ rồi mà.” Thỉnh thoảng đôi khi tôi cũng cảm thấy mình phản ứng giống như vậy.

Tuy nhiên, lý do thứ hai được thấy ghi rõ trong bản văn lại cả là một vấn đề và thật là một điều thất vọng. Như chúng ta đã biết, và đã thấy ghi lại nhiều nơi trong Thánh Kinh, người ta trong thế giới cũ đã vạch ra một sự cách biệt rõ ràng là ai ở “trong” và ai  ở  “ngoài.” Người Do Thái cũng thế. Không ngoại trừ. Do đó, có lẽ họ không hình dung ra được rằng Chúa Giêsu sẽ  đến  để lắng nghe và giúp  đỡ
người đàn bà thành Canaan này. Đối với các môn đệ thì  đây là một  điều hoàn toàn không thể nghĩ được. Người đàn bà thành Canaan này không phải là một trong những người của họ. Chúa là Chúa của họ. Chúa không có  đứng về phía bên những người không phải Do Thái. Và như thế, người đàn bà này không có lý do gì để nài xin Chúa giúp cả. Chính vì vậy mà họ đã trả lời một cách lạnh lùng là “để bà ấy về đi…”

Ở  đây, chúng ta thấy Chúa Giêsu  đã làm gì? Ngài đã xử lý một cách rất khéo về cái thành kiến đã  ăn sâu trong lòng của các môn  đệ (giả vờ là ngài cũng cảm thấy như vậy). Và n hư thế, sau khi nói với người đàn bà là ngài chỉ được sai đến với
những con chiên lạc của nhà Israel, ngài còn  đi xa hơn nữa… là dùng  đến chữ có tính cách gièm pha, nhục nhã là  “ch ó”  để chỉ về bà. Chúng ta có thể dường như nghe được cảm nghĩ của các môn đệ “Đúng rồi thầy. Nói cho bả biết rõ… thân phận của bả là ai.”

Rồi chúng ta thấy đến lượt người đàn bà phát biểu. Bà  đã tỏ ra khác hẳn cử chỉ thái  độ của các môn đệ. Chúng ta có thể dường như thấy nơi ánh mắt của bà đang đợi xem Chúa sẽ làm gì.

“Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng  được  ăn những  mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.”

Quý bạn thân mến,
Những bức tường ngăn cách mà con người đã dựng nên, những lý do tức tối đã ăn sâu trong lòng con người từ thế hệ đến thế hệ khác, những căm thù, phẫn uất nào đi nữa… để đón nhận người này và loại bỏ người kia, đều không có phần ở nơi người đàn bà này. Bà không chấp nhận những sự bất công và những xếp hạng vô nghĩa của thế gian. Bà muốn vượt qua những bức tường ngăn cách này để tìm kiếm sự thiện, sự chữa lành, và ân phúc. Không một điều gì hoặc không một ai có thể ngăn cản bà tìm kiếm người có thể cứu giúp người con gái của bà - Đấng duy nhất có thể ban cho bà điều bà cần.

Chúa Giêsu đã làm gì?
“Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được  vậy.”

Quý bạn thân mến,
Ở đây chúng ta thấy, tâm trí của các môn đệ đã đóng kín, còn của bà thì đã mở ra. Tấm lòng của các môn đệ thì hạn hẹp, đo lường, tính toán, còn của bà thì quảng đại và bao dung. Cái nhìn của các môn đệ rất thiển cận, còn cái nhìn của bà thì rất xa rộng. Và buồn thay, đức tin của các môn đệ thì lại không có, còn đức tin của bà thì thật sâu xa.

Như chúng ta  đã quá biết, câu chuyện Phúc Âm hôm nay không chỉ là cái cửa sổ để nhìn vào quá khứ. Những sai lầm, thất bại, và thành kiến của các môn  đệ vẫn còn  đang tiếp tục lan truyền đến chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cũng vẫn thường tiếp tục tìm cách để loại trừ và không chấp nhận. Chúng ta thích quyết  định ai là người sẽ chiếm  được tình yêu của chúng ta và ai không, ai  đáng  được chúng ta yêu và ai không, ai  được chúng ta  để ý  đến và ai là người mà chúng ta sẽ không bao giờ màng  đến. Chúng ta  đã dựng nên những bức tường ngăn cách, đã xếp hạng, và gán tên  đủ loại. Chúng ta  đã tạo nên những cách biệt thật là đau lòng về ai là “một trong những người của chúng ta” và ai không, ai là người “ở trong” và ai là người “ở ngoài.”

Tình Yêu của Thiên Chúa không có giới hạn. Và ngài cũng xin một điều giống như vậy ở nơi chúng ta. Chắc hẳn, hầu hết mọi người chúng ta  đều có những người trong cuộc đời rất cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, rất cần  đến tình thương của chúng ta, cần đến sự thông cảm của chúng ta. Và có lẽ vì một vài lý do nào đó - hoặc có một vài thành kiến, hoặc không muốn phiền hà - chúng ta  đã không
yêu thương họ như Chúa đã xin chúng ta.

“Để Bà Ấy Về Đi . . . .”

Ước mong sao những lời đó không bao giờ còn có trong lòng của chúng ta hoặc thốt lên nơi miệng lưỡi chúng ta. Trái lại, khi gặp một người nào  đó cần sự giúp đỡ, chúng ta đều có thể làm một điều gì đó cho họ (cho dù chỉ là một lời nói nhã nhặn, đôi tai  đồng cảm  đón nghe, hoặc  đôi vai  để tựa nương…).

Chúng ta hãy suy nghĩ, xét xem, và cầu nguyện…“Lạy Chúa, con có thể làm gì để giúp họ?”

Lm. Bernadine M. Đặng, CMC

 

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
“Này bà, bà có lòng tin mạnh mẽ. Bà muốn gì được vậy” Mt. 15:21-28

Trước công đồng Vatican II, những người tín hữu có đời sống luân lý công khai bê bối, nhưng không chịu ăn năn trở lại, khi chết thường bị các cha sở cấm không cho chôn cất trong nghĩa trang của nhà thờ, vì nghĩa trang công giáo là phần đất đã được thánh hiến, chỉ dành cho những người tín hữu có đời sống xứng đáng mà thôi.

Có một ông cụ già sống bê bối về luân lý, say sưa, cờ bạc, ăn ở lung tung… Khi chết, cha sở ra lệnh cho người nhà phải  chôn cất ông ở ngoài hàng rào của nghĩa trang giáo xứ. Sau nhiều năm, cha sở đã đổi đi nơi khác, người con gái của ông già trở về nhà thờ cũ để thăm mộ và xin lễ cầu nguyện cho ông., Bà đi kiếm mộ cha mình ở bên ngoài hàng rào nghĩa trang nhưng chẳng thấy. Bà đành phải đi tìm người trông coi nghĩa địa ngày xưa để hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Người trông coi nghĩa địa đã dẫn bà ra đúng mộ của thân phụ, nhưng đã nằm ở bên trong hàng rào nghĩa trang. Bà ngạc nhiên hỏi, “tại sao ông lại dời mộ của thân phụ tôi?” Người trông coi nghĩa trang mỉm cười trả lời: “chúng tôi đã không dời mộ của ông cụ, nhưng vì bên trong nghĩa trang không còn đủ chỗ chôn cất nữa, nên phải mở rộng nghĩa trang ra. Chúng tôi chỉ dời hàng rào ra mà thôi!”

Đây là điều Chúa Giêsu đã làm trong bài Phúc âm hôm nay, Mt 15:21-28, khi chữa bệnh cho con gái của người đàn bà xứ Canaan. Người đàn bà Canaan đến với Chúa là người ở bên ngoài những hàng rào ranh giới do sự kỳ thị phân biệt của xã hội.

Đối với những người Do Thái, sự trong sạch và nhơ bẩn được phân định rõ ràng. Nếu là ngườiDo Thái và biểu tỏ đức tin qua việc giữa luật Do Thái, người đó được coi là trong sạch. Nếu là ngoại kiều, hay là Do Thái mà không tuân giữ luật lệ Do Thái, đó là người dơ bẩn. Sự phân định ranh giới này rất đơn giản và rõ ràng!

Có hai điều làm cho người đàn bà xứ Canaan bị loại trừ trong bậc thang phân định giá trị của người Do Thái: đàn bà và dân ngoại. Trong xã hội của người do Thái thời Chúa Giêsu, người đàn bà bị lãng quên. Trong bài Phúc âm Mt 14:13-21, Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho 5 ngàn người ăn uống no nên, “Không kể đàn bà và trẻ em”. Đàn bà và trẻ con không được kể đến, coi như không có giá trị. Hôm nay một lần nữa, thánh Mattheu nói đến người đàn bà xứ Canaan, mà không nhắc đến tên của bà. Điều này có ý nghĩa. Chắc chắn bà phải có tên. Nhưng không được nhắc đến tên chứng tỏ bà đã bị xã hội thời đó khinh bỉ và loại trừ.

Điểm thứ hai, bà là người dân ngoại xứ Canaan. Đối với người Do Thái, dân ngoại là xấu. Người Canaan, kẻ thù truyền kiếp của tổ tiên người Do Thái, còn xấu hơn nữa. “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó” (Mt 15:26). Chúa Giêsu đã sử dụng phong tục và lối nói quen thuộc của người Do Thái để so sánh những người dân ngoại giống như chó. Xã hội Do Thái thời xưa không cưng chiều và quý trọng chó như xã hội Tây Phương thời nay. Gọi ai bằng chó là một điều sỉ nhục. Vì chó liếm những vết ghẻ chốc, và mang bệnh truyền nhiễm như trong câu chuyện người phú hộ và ông Ladarô (Lc 16:21).

Theo William Barclay, bởi lòng kiêu căng, người Do Thái đã gọi dân ngoại là “những con chó ngoại đạo” (gentile dogs), “Những con chó vô tín ngưỡng” (infidel dogs). Sau này họ gọi những người theo Kitô giáo là “những con chó Kitô hữu” (Christian dogs). Một sự diễn tả đầy khinh bỉ !

Trong cuốn tự thuật của Mahatma Gandhi, vị thánh của người Ấn độ giáo, ông kể lại rằng trong thời gian còn là học sinh, ông đã đọc Phúc Âm và nhìn thấy trong những lời giảng dậy của Chúa Giêsu trả lời cho vấn nạn lớn lao của người dân Ấn độ phải giải quyết với chế độ đẳng cấp. Đang khi suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về đức tin Kitô giáo, một buổi sáng Chúa nhật, Gandhi bước vào nhà thờ với ý định sẽ bàn thảo với mục sư về tư tưởng của mình. Tuy nhiên, vừa bước vào trong nhà thờ, người dẫn chỗ ngồi đã từ khước không tìm chỗ và đề nghị ông nên bước ra ngoài đi đến nhà thờ dành riêng cho giai cấp của ông. Gandhi đã bỏ nhà thờ và không bao giờ trở lại nữa. Sau này ông nói: “Nếu những người Kitô hữu cũng có những đẳng cấp khác nhau, thì tốt hơn tôi nên ở lại với Ấn độ giáo – Hinduism.”

Vì sự kỳ thị và phân biệt mà người đàn bà Canaan và ông Gandhi đã bị loại trừ. Nhưng Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho mọi người nhìn thấy rằng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa vượt qua tất cả mọi hàng rào ranh giới của con người dựng nên.

Người ta kể về một người đàn bà ở bãi biển. Bà ấy vừa già, lại dơ bẩn, và ăn mặc dị hợm. Bà đi bộ lang thang dọc theo bờ biển, thỉnh thoảng ngừng lại cúi xuống nhặt một cái gì đó bỏ vào trong túi sách. Khi bà đi ngang qua đám trẻ con đang đùa vui trên cáct biển, cha mẹ của những em bé này liền gọi các em lại để khỏi gần gũi với bà. Họ lo lắng và sợ hãi vì không biết bà có thể làm điều gì gây nguy hại cho các em. Họ căn dặn con cái: “Không có việc gì phải liên hệ với bà ta cả.” Sau này, họ khám phá thấy rằng bà lão đi dọc theo bờ biển và nhặt những miếng kính vỡ bỏ vào trong túi xách để trẻ em không bị đứt chân chảy máu khi chạy vui đùa trên bãi biển.

Nếu chúng ta bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách. Điều này được thể hiện bằng thái độ nhìn tất cả mọi người bình đẳng như nhau, không còn phân biệt kỳ thị nam nữ, giàu nghèo, sắc tộc, màu da, hay tôn giáo. Và trong ánh sáng đức tin, phải nhìn mọi người là anh chị em của mình, là con cái của Chúa cha trên trời. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta điều này trong thư gởi tín hữu Ga-lát: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl 3:28).

Đối với những người ngoài Kitô giáo, trong tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, đoạn 5, công đồng Vatican II đã nói: “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha mọi người nếu chúng ta không muốn xử sự như anh em đối với một số người, cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Liên lạc giữa con người với Thiên  Chúa là cha và giữa con người với anh em mình, có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa” (1 Ga 4:8).

Do đó, mọi lý thuyết hay hành động đưa đến kỳ thị về phẩm giá con người và những quyền lợi do phẩm giá đó mà ra, kỳ thị giữa con người với nhau, giữa dân này với dân khác, sẽ không có nền tảng.

Vì thế, Giáo Hội bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc đàn áp chủng tộc hay màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì thái độ ấy xa lạ với tinh thần Chúa Kitô. Do đó, Thánh Công đồng theo chân thánh Phê rô và Phao lô, khẩn thiết kêu mời các Kitô Hữu: “Hãy sống ngay lành giữa người lương dân” (1 Pr 2:12), nếu có thể được, tùy khả năng mà sống hòa thuận với hết mọi người (Rm 12:18) như những người con một Cha trên trời.”

Đối với những người Kitô hữu, trong tinh thần hiệp nhất, công đồng nói: “Thánh công đồng này khuyến khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất.”

Đối với những anh chị em ly khai, công đồng Vatican II nói: “Người công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người – và có khi phải đổ máu mới nói lên được chứng tá ấy – quả là chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ cũng kỳ diệu.” (Unitatis Redintegratio, đoạn 4).

Nhìn vào tấm gương của người đàn bà Canaan, chúng ta cũng rút tra được bài học quý giá trong đời sống đức tin. Với tình yêu lớn lao của một người mẹ đối với con gái đang đau nặng, người đàn bà Canaan đã vượt qua mọi ranh giới kỳ thị của xã hội – đàn bà và dân ngoại – để kiên trì tin tưởng vào lòng nhân lành của Chúa Giêsu. Tình yêu là động lực dẫn đến đức tin.

Lm Nguyễn Thái.
(trích trong Hiệp Nhất, tháng 8-2014).

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)