Chúa nhật II thường niên Năm A
 
 


Chúa Nhật 3 thường niên năm A
(nhiều tác giả)

Phẩm chất đầu tiên của người môn đệ

(Để minh họa cho sứ điệp của Tin Mừng hôm nay, chúng ta thử phác hoạ tâm trạng của Simon Phê-rô khi được gọi làm tông đồ và được Chúa Giê-su trao trọng trách trong Giáo Hội)

Hôm ấy, tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, sau khi Simon Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Chúa Giê-su long trọng tuyên bố trước mặt các môn đệ: “Simon, Anh là Tảng Đá, và trên Tảng Đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy… Thầy sẽ trao cho Anh chìa khoá Nước Trời. Những gì Anh cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc, những gì Anh tháo cởi dưới đất, trên Trời cũng tháo cởi” (Matthêu 16, 13-19)… thì liền sau đó, Simon Phê-rô đâm ra đăm chiêu nghĩ ngợi. Simon vẫn nghĩ rằng một người thuyền chài quê mùa chất phác như mình thì chẳng làm được gì khác ngoài việc quăng chài hay kéo lưới.

Đêm ấy, trằn trọc không ngủ được vì những lời Thầy vừa công bố và trong thinh lặng của màn đêm, Simon hồi tưởng lại buổi sáng đẹp trời cách đó không lâu trên biển hồ Galilê, đang khi ông và An-rê đang quăng chài dưới biển thì Thầy tiến đến. Thầy giơ tay vẫy chào và cất tiếng gọi mời: “Các Anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các Anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!”

Lời Thầy có sức cuốn hút nhiệm mầu. Thế là hai anh em bỏ thuyền bỏ lưới theo Thầy.

Đi một quãng nữa, Thầy gặp hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Thầy lại cất tiếng mời gọi, lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Thầy. (Matthêu 4, 18-22)

Thế là bốn bạn chài quê mùa xứ Galilê bỗng nhiên trở thành những môn đệ đầu tiên của Thầy Giê-su, được gọi lên đường chinh phục thế giới…

Đang mơ màng với dòng suy tưởng, Simon chợt thấy Thầy mới trở về sau giờ cầu nguyện, Anh liền mời Thầy ra ngoài góc sân và nói:

“Thầy ơi! Tại sao sáng nay Thầy lại đề cao con quá vậy? Con đáng sá gì mà Thầy đặt con làm Đá Tảng cho Thầy xây Hội Thánh, con có là gì mà nắm giữ chìa khoá Nước Trời! Thầy không nhớ con xuất thân từ một gã thuyền chài ư? Sao Thầy không chọn những luật sĩ uyên bác? Sao Thầy không tìm người lãnh đạo nơi hàng ngũ những người biệt phái uy tín và đạo đức mà lại chọn dân chài như chúng con?

Chúa Giê-su ôn tồn vỗ vai Simon: “Simon, đừng lo! Đây không phải là việc của con người mà là việc của Thiên Chúa. Rồi đây các Anh sẽ là những người thay đổi bộ mặt thế giới”.

Để chinh phục thế giới, Thiên Chúa đã chọn bốn người thuyền chài làm những môn đệ đầu tiên và lại giao cho ngư phủ Simon Phê-rô thay Ngài lãnh đạo Hội Thánh.

Tại sao Chúa Giê-su lại trao cho hạng ngư phủ đảm nhận những cương vị hết sức hệ trọng nầy?

Phải chăng tiêu chí đầu tiên của Chúa Giê-su khi tuyển chọn môn đồ và những người kế vị mình trong sứ mạng cao cả và đầy gian truân là phải dạn dày sương gió, là không ngại khó, sẵn sàng đối đầu với bão tố cuồng phong? Ngư phủ là những người vốn có những tố chất như thế trong máu thịt mình.

Nếu không có những con người dạn dày sương gió như thánh Phanxicô Xavie vượt đại dương đi đến với các dân tộc xa lạ trên lục địa châu Á mênh mông, không có những người xâm mình mạo hiểm như các nhà thừa sai Paris đến rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam trong thời kỳ cấm cách và bắt bớ… thì làm gì có hạt giống đức tin triển nở dồi dào trên các vùng đất Á Châu cũng như ở Việt Nam!

Và hôm nay, Giáo Hội Việt Nam đang khựng lại trên con đường truyền giáo, số lượng những người theo Chúa không thể tăng lên trong suốt nhiều thập kỷ qua, cũng chỉ vì thiếu những con người dạn dày sương gió bất chấp nguy khó để loan báo Tin Mừng.

Lạy Chúa Giê-su, Giáo Hội Việt Nam cũng như Hội Thánh Chúa trên khắp hoàn cầu đang cần những con người nhiệt thành, mạo hiểm, cần đến những người dám lìa bỏ bờ bến an toàn để dấn bước ra khơi.

Xin Chúa tiếp tục rảo bước trên quê hương chúng con và kêu gọi thêm nhiều tâm hồn thiện chí để bổ sung vào đội ngũ các môn đệ tiên phong của Chúa ngày xưa.

Xin cho ngọn lửa của Chúa Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần tiếp tục cháy lên trong lòng các môn đệ Chúa để cho Tin Vui, Tin cứu độ của Chúa được loan báo cho hết mọi người. (LM Inhaxiô Trần Ngà)

GẶP GỠ CHÚA GIÊSU -

Địa dư Palestine có ranh giới: Đông giáp sa mạc Syria và Ả rập. Tây giáp Địa Trung Hải. Bắc giới hạn từ thung lũng núi Liban chạy đến núi Hermon. Nam giáp ranh Iđumê, miền hoang vu Bersabê và Biển Chết. Cựu ước thường dùng kiểu nói “từ Dan đến Bersabê” để chỉ miền đất Do thái cư ngụ. Chiều dài từ chân núi Liban tới Bersabê là 230 km; chiều rộng từ Địa Trung Hải đến sông Giođan là 37-150 km. Diện tích phía tây Giođan là 15.643 km2, phía Đông (Transjordanie) là 9482 km2. Tổng cộng là 25.124km2.

Palestina thời Chúa Giêsu chia làm bốn miền: Galilêa có thành Capharnaum, Nazareth; Samaria nằm giữa xứ Palestina với những con đường nối liền Nam-Bắc; Giuđêa là miền núi có thủ đô Giêrusalem và Pêrêa bên kia sông Giođan, phía Bắc là miền Decapolis nơi dân cư phần nhiều thuộc văn hoá Hylạp.

Palestina có địa lý đặc biệt: Thung lũng Giođan Thung lũng Giođan chia Palestina làm hai miền: Palestina và Transjordanie. Thung lũng này là hiện tượng địa lý duy nhất trên địa cầu: bắt đầu từ núi Taurus, ngang qua Celesyria, đến Palestina, rồi tiếp tục theo phía Đông bán đảo Sinai tới Biển Đỏ. Phía Bắc (thành Đan) cao hơn Địa trung hải 550m; càng về phía Nam càng thấp xuống. Tibêriade thấp hơn Địa trung hải 208 m; tới Biển Chết mực nước thấp hơn 392m. Sông Giođan phát nguồn từ núi Hermôn, chạy qua hồ El-Hule (dài 6000m, sâu từ 3-5 m), rồi qua hồ Tibêriade, đổ vào Biển chết. Hồ Tibêriade (gọi là Giênêzarét) dài 21km, rộng 12 km, sâu 45m, nước trong xanh và nhiều cá. Biển chết dài 85 km, rộng 16km, nước biển nhiều độ mặn nên không vật nào có thể sống được. Miền Duyên hải Miền Duyên hải từ núi Libanô đến núi Camêlô, rộng từ 2-6km. Từ núi Camêlô đến Gaza phía Nam, bờ biển rộng đều và thẳng với các hải cảng Akko, Haifa và Jaffa (Joppé). Giữa Haifa và Jaffa, vua Hêrôđê xây thêm hải cảng Cêsarêa. Từ núi Camêlô đến Jaffa là bình nguyên Sharon phì nhiêu. Từ Jaffa xuống phía nam là bình nguyên Sêphêla thuộc xứ Pelistin (danh xưng Palestina xuất phát từ chữ này). Bình nguyên Esdrelon từ phía Bắc núi Camêlô chạy theo hướng Đông Nam, chia phần đất phía Tây sông Giođan làm hai phần: Galilê phía Bắc, Samaria và Giuđêa phía Nam. Miền Galilê: phía bắc nhiều núi, nam là bình nguyên Esdrelon, miền duyên hải là đồng bằng, giữa là đối núi thấp dần về phía sông Giođan.

Bên kia sông Giođan (Transjordanie)

Bên kia sông Giođan là miền đồi núi, chia làm 3 phần: Trachonitide thuộc Đông-Bắc hồ Tiberiade; Miền Thập tỉnh phía đông-nam hồ; Pêrêa thuộc phía đông sông Giođan và Biển chết, đối diện với Samaria và Giuđêa. Người Do thái không chiếm cứ hoàn toàn miền bên kia sông Giođan. Trước thời kỳ Hy hóa, đã xuất hiện tại mạn Bắc nhiều bộ lạc Aram. Thời Hy hóa, từ sau cuộc chinh phục của Alexandre đại đế, nhiều người Hy lạp đến đây cư ngụ. Thời Đức Giêsu, họ lập thành miền Thập tỉnh, có khoảng 10 thành liên minh với nhau. Các thành nổi tiếng hơn cả là Damascô, Hippos, Gadara, Gerasa, Pella, Philadelphia. Thủ đô Giêrusalem là trung tâm chính trị và tôn giáo. Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem là trái tim của Dân tộc Do thái. Hàng năm, khắp mọi miền đất nước người ta đổ về Giêrusalem để dự lễ. Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo, có dinh của Thầy Cả Thượng phẩm, có các luật sĩ, biệt phái, văn nhân. Dân chúng ở Giuđêa coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất, đạo ở Giuđêa là chính thống. Họ tẩy chay người Samaria là dân ngoại vì dân Samaria xây cất đền thờ trên núi Garizim. Dân Giuđêa không bao giờ đi lại tiếp xúc với dân Samaria. Họ cũng khinh miệt dân Galiêa vì đó là nơi pha tạp mọi sắc dân là đất của dân ngoại.

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu không chọn rao giảng ở Giêrusalem mà chọn Galilêa vì nơi đây là vùng quê nghèo, dân cư thuộc đủ mọi chủng tộc biết đón nhận giáo lý của Người. Chúa chọn Galilêa vì ở đây mọi người biết chấp nhận nhau chung sống hoà bình.

Miền Galilêa là quê hương Chúa Giêsu và là khởi điểm Kitô giáo, nhưng lại là miền đất thưa dân cư và không mấy quan trọng trong lịch sử Do thái. Chính tại Galilêa, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới. Các Tin mừng Nhất Lãm đã kết thúc thời kỳ đầu rao giảng tại Galilêa của Chúa Giêsu bằng lời tuyên xưng của Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16). Sự chọn lựa miền đất Galilêa có một ý nghĩa quan trọng theo Tin mừng Matthêu. Để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: "Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tốt tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi". Matthêu khi trích dẫn Isaia, có ý nói rằng Chúa Giêsu vâng phục theo ý muốn của Chúa Cha; Người làm điều mà Thiên Chúa đã nói. Đây là sự vâng phục cao cả, to lớn và kỳ diệu được đảm nhận với tự do và tình yêu. Thánh sử cũng nhấn mạnh đến sự liên tục của Chúa Giêsu với toàn bộ lịch sử của dân Người.

Trong Nhóm Mười Hai Tông Đồ thì 11 vị là người Galilêa, Giuđa Iscariot là người miền Nam.

Bài Phúc âm Chúa nhật hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và bốn môn đệ đầu tiên ở biển hồ Galilêa. Chúa đã gọi và các ông đã bỏ chài lười đi theo Người. Chúa Giêsu kêu gọi họ không phải trong khuôn khổ một lễ hội tôn giáo hoặc một hoạt động tâm linh... nhưng ở giữa đời sống mỗi ngày của họ, trong lúc họ đang làm công việc nghề nghiệp. Các môn đệ ngư phủ tuy là những người ít học, không giàu có, không địa vị, nhưng đối với Chúa, họ có đủ tố chất cần thiết để trở nên những người cộng sự của Người. Chẳng hạn, sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi; sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung; sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh; khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ. Cuộc gặp gỡ này đã làm thay đổi số phận của những con người lênh đênh trên biển hồ ngày trước. Cuộc gặp gỡ này là khởi đầu cho công cuộc thay đỗi thế giới. Cuộc gặp gỡ làm nên những huyền diệu trong lịch sử nhân loại.

Trong lịch sử nước Anh có kể lại một cuộc gặp gỡ làm nên những điều kỳ diệu.

Một ngày nọ, có một gia đình giàu có, quý tộc thuộc nước Anh đi về miền quê chơi vào ngày nghĩ cuối tuần. Từ thành phố về thôn quê với biết bao phong cảnh đẹp và các trò chơi dân giã. Trong khi nô đùa thoả thích thì tai nạn xảy đến, cậu con trai nhỏ của gia đình họ đã trượt chân ngã xuống dòng nước chảy xiết. Một chú bé, con của người làm vườn nghèo ở gần đó nghe tiếng kêu cứu đã chạy đến nhảy xuống nước kịp thời cứu đứa bé kia lên. Một đứa bé nhà giàu với đôi bàn tay điêu luyện trên phím đàn, nhưng lại không biết bơi. Một đứa bé nghèo quê mùa với đôi bàn tay chai cứng sạm nắng vì cuốc đất, nhưng hôm nay đã cứu người. Sự gặp gỡ của hai cậu bé ấy đã tạo nên điều kỳ diệu sau này cho lịch sử nhân loại. Cha của cậu bé giàu biết ơn cậu bé nghèo. Thay vì cám ơn, khen ngợi, ông ta không muốn nhìn ước mơ tuổi thơ của cậu bé cứ luẩn quẩn trong ruộng vườn. Ông muốn đẩy ước mơ của cậu bé lên trời cao. Ông hỏi cậu bé: Khi lớn lên con muốn làm gì ? Cậu trả lời: Chắc là con tiếp tục nghề làm vườn của cha con. Ông lại hỏi: Con không còn ước mơ nào lớn hơn sao ? Cậu bé cúi đầu: Dạ, nhà con nghèo thế này thì con còn ước mơ gì ! Ông gạn hỏi thêm: Nhưng mà nếu con có một ước mơ thì con ước mơ điều gì ? Ánh mắt cậu bé như nhìn xa xăm về cuối chân trời khát vọng: Thưa Ngài, con muốn đi học, con muốn làm bác sĩ. Năm tháng qua đi, hai cậu bé cùng được đi học. Cậu bé không biết bơi đã trở thành vĩ nhân của thế giới, đó là thủ tướng Winston Churchill của nước Anh, người đã giữ vai trò quan trọng trong việc thay đổi cục diện của đệ nhị thế chiến và đã làm cho nước Anh tự hào vì tài ba chính trị lỗi lạc. Còn cậu bé nhà nghèo, nhờ tình thương và lòng biết ơn của cha cậu bé Churchill, cậu đã không còn đặt ước mơ của đời mình ở bờ đê, vườn tược. Cậu đã trở thành bác sĩ lừng danh của thế giới và là ân nhân của nhân loại cho đến ngàn đời. Vị bác sĩ này là Fleming, người đã tìm ra thuốc kháng sinh Penicillin. Sau này khi thủ tướng Churchill lâm trọng bệnh, vương quốc Anh đã tìm những danh y lẫy lừng để cứu sống thủ tướng của họ. Cuối cùng chỉ có vị danh y tài ba mới cứu được Churchill, đó là bác sĩ Fleming, người đã cứu ông năm xưa.

Có những việc làm bác ái vị tha giúp đỡ người khác, có những cuộc gặp gỡ đã tạo nên những cơ hội cho tương lai bay cao bay xa. Lý tưởng nào cũng được ôm ấp bằng những ước mơ. Ước mơ định hướng cho mỗi người đi tới. ước mơ nên thánh thệin là bắt đầu băn khoăn về lỗi lầm của mình. Ước mơ hoà thuận hiệp nhất là khởi điểm để đi đến thứ tha. Fleming đã ước mơ được đi học để làm bác sĩ. Ông đã thành công và trở nên ân nhân của nhân loại.

Các môn đệ ước mong trở thành Tông đồ và các ngài đã trở nên những rường cột của Giáo hội.

Các ngài gặp gỡ và bước theo Chúa để học nơi Chúa. Họ nhận ra rằng: Chúa Giêsu, Thầy Dạy của các bậc thầy, không những chỉ dạy Lời Chúa nhưng chính Người là Lời Chúa. Người không những chỉ dạy cho cách sống mới mà chính Người là Sự Sống. Người không những chỉ cho biết ý nghĩa của “Đường sự Sống", mà chính Người là Đường Sự Sống, là Ánh Sáng.

Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ. Các ngài đáp trả chân tình. Các ngài được sống thân mật với Chúa. Các ngài ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa. Đó là hành trình ơn gọi của các Tông Đồ. Đó cũng là hành trình ơn gọi của mỗi Kitô hữu. (LM. Giuse Nguyễn Hữu An)

XIN CHÚA GỌI CON - CON ĐANG LẮNG NGHE
(Mt 4, 12 - 23)

Thưa quý vị,

Tuần trước, phụng vụ cho chúng ta nghe “đại ngôn” của Isaia về Israel, tôi trung của Thiên Chúa: “Nếu ngươi là tôi trung của ta, để tái lập các chi tộc của Giacóp, để dẩn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẩn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cỏi đất”. Lúc Isaia viết những lời này, chẳng ai có thể tưởng tượng đây là sự thật, vì đất nước Do Thái đang bị đế quốc Assyria giày xéo, và dân chúng đang sống trong kiếp nô lệ tồi tệ nhất trong lịch sử. Nhưng nếu chúng ta áp dụng vào Chúa Giêsu và các bài đọc hôm nay thì đoạn văn trên là sự thật rỏ ràng: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đả thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu soi. Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hảy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

Như vậy các bài đọc của hai Chúa Nhật liên kết chặt chẻ với nhau. Và tín thư của chúng tràn đầy an ủi và hy vọng. Chúng ta có thể khai triển cho tình hình tối tăm của thế giới hôm nay, đặc biệt ở địa phương mình. Chủ đề hiển linh của Chúa Giêsu còn tiếp tục: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng”.

Thực vậy, thánh sử Matthêu tăng tốc các biến cố để mau chóng dẩn đến sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng cho muôn dân. Khi Đức Giêsu nghe ông Gioan đã bị nộp, Ngài bỏ Nazareth đến ở Capharnaum, một thành phố ven biển hồ Galilea thuộc hạt Dơvulun và Náptali. Như vậy Matthêu cho thấy rằng Chúa Giêsu làm tròn lời tiên tri Isaia rao giảng niềm hy vọng cứu độ cho dân Do Thái. Giửa lúc Hêrôđê tác yêu tác quái trên Gioan, thì Chúa Giêsu rao giảng ơn cứu rổi Nước Trời. Chúng ta không được Matthêu cho biết Đức Giêsu nghĩ thế nào về biến cố. Liệu Ngài có sợ củng sẻ bị bắt như Gioan, vì anh em liên kết chặt chẻ với nhau trong sứ vụ của Thiên Chúa. Liệu Hêrôđê cũng tìm cách tiêu diệt Chúa Giêsu như ông đã giết Gioan, ngỏ hầu chấm dứt hiểm hoạ cho ông?

Dầu sao thì Chúa Giêsu tới đúng nơi mà Isaia hứa là: “Dân đang ngồi trong bóng tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng”. Và thay vì ẩn náu, Ngài bắt đầu rao giảng. Sứ vụ của Ngài khởi sự, tất nhiên tiếng tăm của Ngài cũng sẻ nổi lên. Tuy Ngài sẻ bị bắt và bị giết, nhưng chưa phải lúc này, và ở nơi chốn này. Bóng thánh giá dần dần tỏ hiện. Đức Giêsu biết thế và Ngài chấp nhận hậu quả của lời mình rao giảng: “Anh em hảy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Suy nghĩ về sự kiện này, chúng ta thấy rõ lòng can đảm của Chúa Giêsu và ý nghĩa sâu xa của Nước Trời cùng sự cần thiết của lòng sám hối. Chẳng hiểu mọi tín hửu có ý thức được và sống xứng đáng với Tin Mừng không?

Thôi thì dầu sao các nơi chốn của Phúc âm đều mang một ý nghĩa hết sức biểu tượng trong tâm thức người có đạo. Galilea, Capharnaum, Dơvulun, Naptali cũng nằm trong chiều hướng ấy. Chiều hướng đời đời, tự do và ơn thánh. Tâm hồn chúng ta là Galilea hay Capharnaum, Dơnvulun hay Naptali? Điều này thì tuỳ suy nghĩ và nếp sống mổi người, không ai quyết đoán được.

Galilea là một phần của đất hưá. Nhưng nằm trong giao điểm buôn bán quốc tế và rất dễ bị ngoại bang xâm chiếm. Nhiều thương gia và khách ngoại kiều đến đó làm ăn và cư trú, nên những người Do Thái chính thống thường gọi đó là Galilea dân ngoại. Đức Giêsu chọn nơi đây làm nơi rao giảng Tin Mừng đầu tiên, có nghĩa là sứ điệp của Ngài không chỉ dành riêng cho dân Do Thái, mà còn cho mọi dân tộc. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đến với mọi quốc gia, tiếng nói. Như vậy sứ mệnh của Đức Giêsu mang tính chất phổ quát. Sứ mệnh của Hội Thánh cũng vậy, nhưng đến chúng ta thì hình như đã nhuốm màu sắc kỳ thị. Làm sao chúng ta tự gọi mình là môn đệ Chúa?

Đức Giêsu khởi sự sứ mệnh của Ngài giửa một cộng đồng những người ô hợp và tan nát. Đúng như Isaia tiên báo: “Dân ngồi trong bóng tối tăm đã nhìn thấy ánh sáng chiếu soi”. Thời gian chờ đợi và dự cảm đã chấm dứt. Chúa không phải là “một ngôn sứ” nào đó, mà chính là Đấng mà tiên tri đã báo trước. Ngài không bảo dân chúng hảy chờ đợi và hy vọng vì lúc này ánh sáng đang chiếu rọi. Nước Trời đã tới và đang hiện diện giữa họ. Lời Thiên Chúa hứa đã được nên trọn. Vậy thì đối với những người rao giảng, các giáo lý viên, các đấng hướng dẫn tuần phòng, các cha “linh hồn” không còn gì để mà “hứa”, nhưng thực tại đã ngay trước mắt. Đời sống họ phải giải bày thực tại đó, bằng không thì chỉ là “bánh vẻ” (pie in the sky). Thánh Phaolô không viết cho tín hửu thành Côrintô hôm nay rằng ông là người rao giảng lợi khẩu nhất, thông thái nhất, khôn ngoan nhất, mà là kẻ được sai đi để rao giảng “thập giá Đức Kitô”: “Đức Kitô chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẻ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô không trở thành vô hiệu”. Thì ra sứ mệnh của các nhà rao giảng của mọi thời là như vậy. Họ phải làm thế nào nói được như Chúa Giêsu: “Anh em hảy sám hối, Nước Trời đã đến gần”. Bằng không thì chỉ là huyênh hoang kiểu thanh la chủm chọe.

Tôi có tham dự một buổi chia sẻ Lời Chúa hôm nay. Chúng tôi dừng lại ở câu văn này. Một ai đó đặt câu hỏi: “Nước Trời đã đến gần nghĩa là gì?”. Có người trả lời: “Là Thiên Chúa đã xem thấy những nhu cầu của nhân loại và giơ tay cứu giúp. Ngài chẳng cần tài khéo của chúng ta”. Một câu nói tóm tắt tất cả sứ vụ của Chúa Giêsu. Câu văn sẽ theo sát Đức Kitô trong toàn bộ Phúc âm. Nơi đâu Ngài đi, nơi ấy Ngài mang sự hiện diện của Thiên Chúa cho dân chúng, cho những ai cần thay đổi cuộc sống, dĩ nhiên, không phải tự sức riêng họ, mà là từ Đấng ăn nói có “thẩm quyền”. Qua Đức Kitô vương quyền và luật pháp của Thiên Chúa được công bố và nhân loại được ban cho khả năng để thay đổi nếp sống. Những gì củ kỷ, sa đoạ, nhơ bẩn phải được bỏ đi và thay thế bằng cái gì mới, thanh cao, trong sạch vì Nước Trời đã đến gần. Kể ra ý kiến không phải quá tệ, phải không thưa quý vị rao giảng?

Đúng vậy, Đức Giêsu không làm sánh sáng một mình. Phần thứ hai của Tin Mừng, Matthêu kể lại Chúa bắt đầu mời gọi những nhân viên cộng tác: Trước hết là Phêrô và Anrê: “Người đang đi dọc theo biển hồ Galielea thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô và người anh ông là Anrê đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá”. Người bảo các ông: “Các anh hảy đi theo tôi. Tôi sẻ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Sau đó là Gioan và Giacôbê. Bốn người môn đệ đầu tiên.

Các nhà rao giảng bây giờ nghĩ thế nào về sự kiện này? Liệu họ có đủ khả năng thu hút thiện hạ không? Muốn được như vậy cuộc đời họ phải là chiếc nam châm đã. Nam châm của tin cậy mến. Nam châm bằng nghèo nàn thánh thiện, vâng lời từ bỏ, thanh sạch siêu thoát. Nam châm của tám mối phúc. Xét như vậy thì thật khó biết bao? Chúng ta phải thành thật chấp nhận chân lý và quyết tâm làm môn đệ thực sự của Chúa.

Xin hảy nhìn đến các cộng tác viên của Chúa hôm nay. Chúa mời họ cộng tác với Ngài làm “ánh sáng muôn dân, đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”. Nhưng họ là những ai? Là những ngư phủ nghèo nàn dốt nát, chẳng có chi cao sang để mà vổ ngực huênh hoang, giống như Phaolô: “Rao giảng không phải bằng lời lẻ khôn ngoan, kẻo thập giá Đức Kitô trở nên vô hiệu”. Tức là không có hiệu quả khi chúng ta dùng phương tiện thế gian. Khi được Thánh Thần trợ giúp, các tông đồ Chúa rao giảng hoàn toàn bằng quyền năng Thiên Chúa, họ chỉ tin cậy vào Chúa mà thôi, chứ không bằng sức riêng mình, hay bằng sự thông thái của mình.

Sứ vụ Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi vào tăm tối linh hồn loài người, loài người ở đây là toàn thể nhân loại, chứ không riêng một ai. Nhưng để tiếp nhận ánh sáng ấy chúng ta phải ý thức được sự tối tăm của linh hồn mình và khao khát xua tan chúng đi, bằng không thì vô ích. Nói cách khác người ta phải ước ao thay đổi nếp sống xấu xa, các thói quen cố hửu, kiêu căng, ưa tiện nghi, tham lam tiền bạc.

Thực sự loài người còn nhiều bóng tối lắm. Bóng tối của tội lổi, chiến tranh, kỳ thị, cô đơn, tôn thờ vật chất, lợi lộc tiền tài, quyền lực kinh tế – chính trị, chẳng ai có thể liệt kê hết. Phải nói như Isaia: “Đang ngồi trong bóng tối tử thần”. Người môn đệ Chúa phải mau mắn từ bỏ tất cả để đáp lời Thiên Chúa, rao giảng ánh sáng cho muôn dân. Trước hết phải thay đổi nếp sống của mình, ngày một trở nên thánh thiện hơn, nghèo khó hơn, khiêm tốn hơn. Nghĩa là phải luôn ý thức về nhu cầu cần thay đổi của mình, rồi mới có thể thu hút kẻ khác. Quả thực thế giới đang có nhu cầu cấp thiết về ánh sáng, nhất là ánh sáng siêu nhiên. Liệu các môn đệ Chúa sẵn lòng cho Ngài mượn chân tay miệng lưỡi, thân thể, trí tuệ, để Ngài tỏ bày ánh sáng cho thế gian? Để Ngài tỏ bày chay tịnh, bác ái, khiêm nhường, khổ chế cho hàng xóm láng giềng, bạn hửu, người thân kẻ sơ trong gia đình, khu xóm, làng mạc, đất nước bạn? Chúng ta hảy cầu xin cho có nhiều tay thợ lành nghề trong vườn nho Chúa. Ước chi lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa nhận lời. Nhất là trong tuần lể hiệp nhất này. Amen.

Chuyển ý Lm. Thomas Tuý, OP.
Lm Jude Siciliano OP

CON NGƯỜI PHỤC VỤ (Mt. 4, 12- 17.)

Anh chị em thân mến.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, con người được phục vụ tối đa, vì người ta rất tôn trọng khách hàng, xem khách hàng như Thượng Đế, nên sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

Trở về quá khứ không xa lắm, mọi người rất vất vã trong việc trang trí nhà cửa, hay mua sắm những thứ hơi nặng nhọc thì cũng rất e ngại. Ngày hôm nay, tất cả mọi sự đều được phục vụ đến nơi đến chốn. Đồ đạc dù nặng nề đến đâu cũng có người mang đến tận nhà khi có nhu cầu. Việc phục vụ như thế có lợi cho cả hai. Trước tiên có lợi cho người phục vụ: họ được trả công xứng với công việc họ làm. Kế đến là khách hàng được đáp ứng đúng với những gì mình mong muốn. Mọi người biết đáp ứng nhu cầu cho nhau thì tất cả cùng có lợi.

Chúa Giêsu cũng đã nhìn thấy nhu cầu của con người, nên Ngài cũng đã đáp ứng. Không phải chỉ trong những ngày của thời đại hôm nay, mà đã từ rất lâu và rất lâu. Ngài đã đến với con người, không phải chỉ những người ưu tú nhất, nhưng đến với tất cả mọi người, kể cả những người bị khinh dể, bị chê bai và bị chà đạp. Ngài đã đến với họ, đến với những người còn trong u tối. Để như thế, Ngài từ bỏ kinh thành Jérusalem, từ bỏ noi cao sang quyền quý, từ bỏ cả nơi Ngài sinh sống để đến với tất cả mọi người. Đến để mang lợi ích đến cho người khác, đến mà không tìm lợi ích cho mình, đến để phục vụ, để mang ánh sáng chân lý, để cho con người được sống. Ngài đến vì yêu thương nên Ngài bất chấp tất cả. Đó là sứ mạng của Ngài đến trần gian. Những ai biết hối lỗi, biết lắng nghe và biết đón nhận ánh sáng chân lý thì họ sẽ được đáp ứng tất cả. Còn nếu những ai cứ ngoan cố trong pháo đài mình dựng nên, để rồi tự hào, kiêu căng không lắng nghe, không hối cải, thì Ngài đành phải rời bỏ nơi đó mà ra đi.

Là con người ai cũng đều mong ước được phục vụ theo nhu cầu. Nhưng nếu con người không có nhu cầu thì làm sao người phục vụ có thể đáp ứng được, hoặc con người không cần đến người phục vụ, mặc dù nhu cầu vẫn cần thiết nhưng con người không thấy, cũng không muốn được sự cần thiết, vì ngỡ mình đang đầy đủ, đang dư thừa, đang có tất cả nên không cần phải nhờ đến ai. Chính lúc đó, con người đang chết lần chết mòn trong sự thiếu thốn mà họ không biết. Họ bị xa rời tất cả: xa rời môi trường sống, không phải vì môi trường không đáp ứng được cho họ. Nhưng vì họ không cần đến môi trường. Xa rời những người thân, không phải vì những người thân không quan tâm đến họ, nhưng vì họ không cần đến người khác. Xa rời hạnh phúc và bình an. Không phải vì những điều đó không đến với họ, nhưng họ không nhận ra mình thiếu thốn, nên không biết đón nhận. Đó là tâm trạng của những con người mà Chúa Giêsu đã phải đau buồn mà rời xa để đến nơi khác. Họ đang ngoan cố trong sự lầm lạc của mình để không còn nhận ra điểu gì phải lẽ nữa hết.

Mỗi người trong chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, chúng ta cũng được một môi trường tương đối thuận lợi để phát triển tài năng trí tuệ. Chúng ta cũng có những niềm tự hào về bản thân và về tất cả những gì mình đang có. Cũng chính vì những gì đang có đó mà nhiều khi chúng ta không còn nhìn thấy được những gì mình không có hoặc chưa có, nên cứ ngỡ rằng mình đang có đầy đủ và không còn thiếu gì hết, vì thế nên không cần phải thay đổi hay thêm điều gì nữa. Chính những lúc đó, chúng ta không còn biết lắng nghe, không còn nhìn thấy mình nữa, mà cứ ngỡ rằng mình đang tuyệt đối. Khi đó chúng ta đang mang tâm trạng của những người không chấp nhận Chúa Giêsu và Ngài đành buồn bã như nổi buồn đối với những người cách đây 2000 năm. Ánh sáng mang đến, nhưng không được tiếp nhận. Bình an mang đến, nhưng không có nhu cầu để cho sự bình an được phục vụ. Hạnh phúc bên cạnh, nhưng không ai biết dùng đến. Không lẽ chúng ta là những người tự hào đang sống trong thời đại mới, thời đại văn minh, mà không nhận ra được những nhu cầu cần thiết như thế sao? Như vậy lời kêu gọi: hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến; không phải là nói với chúng ta sao?

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người nhận ra được nhu cầu cần thiết của mình, để biết lắng nghe Tiếng Chúa và đến gần Chúa hơn. (trích giaophanvinhlong.net)

THEO NHƯ Ý CHÚA (Mt. 4, 12- 17.)

Anh chị em thân mến.
Nhìn những cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát, một cảm giác êm nhẹ như len lén đi vào tâm hồn con người, tạo nên một nét thanh bình dịu dàng mà không một khung cảnh nào có thể sánh kịp. Nhưng nếu để một chút suy tư, chúng ta cũng dể dàng nhận thấy: nét thanh bình này cũng thay đỗi, cũng biến chuyển theo thời gian; từng đợt lúa xanh rồi chín vàng, được con người thu hoạch và những màu xanh cũng lại tiếp tục như thế. Khi những cây lúa xanh tươi kia đã hết kỳ hạn, nó phải nhường chỗ cho những cây lúa khác tiếp tục sứ mạng hiến màu xanh tươi tốt cho đời, đồng thời mang lại lợi ích cho con người. Từng thế hệ cây lúa nối tiếp nhau chu toàn sứ mạng đem sức sống cho đời. Nó phải chu toàn sứ mạng khi mưa cũng như khi nắng, khi thuận lợi cũng như khi bất lợi, nó vẫn phải mang đến cho đời những gì cần thiết.

Nếu có cây lúa nào đến thời kỳ thu hoạch mà nó không chịu rời chỗ của nó, nhường cho những hạt lúa khác có điều kiện nẩy mầm, thì số phận của những người hưởng nhờ sức sống từ cây lúa sẽ ra sao ? Còn mảnh đất nơi nó ngự trị có lẽ sẽ trở nên khô cằn.

Chúng ta vừa chứng kiến một sự thay đỗi:
Gioan đến thi hành sứ mạng, ông thi hành hết sức tốt đẹp, ông đem lợi ích đến cho nhiều người, nên ông tạo được uy tín cho mình, cũng tạo được niềm tin cho nhiều người tin vào những gì ông rao giảng. Đến mùa thu hoạch, kết thúc sứ mạng, ông không thể chần chừ thêm nữa. Đoạn kết sứ mạng có vẻ đau thương; trước mắt người đời, ông như bị Thiên Chúa bỏ quên. Nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, sứ mạng ông kết thúc, ông nhường chỗ lại cho sứ mạng khác, tiếp tục đem sức sống cho đời, sứ mạng cao trọng hơn ông.

Chúa Giêsu thi hành sứ mạng, đem sức sống mới cho đời, đem niềm vui của Thiên Chúa đến cho con người. Ngài thi hành sứ mạng theo Thánh Ý của Thiên Chúa chứ không phải theo ý con người, nên Ngài tránh xa những gì mà con người tìm trong hư danh.

Nếu Gioan cứ để cho mọi người ngưỡng mộ mình mà không chịu rút lui, thì chương trình của Thiên Chúa sẽ trục trặc với ông, và những người trông chờ ơn cứu độ cũng vất vả với ông. Nhưng ông biết vâng phục khi sứ mạng hoàn tất, nên lợi ích ông mang đến cho đời thật mãnh liệt.

Trong cuộc sống đời thường, ai cũng muốn chứng tỏ tài năng của mình cho mọi người nhìn thấy, để rồi mong muốn được mọi người ngưỡng mộ. Con người muốn tận hưởng niềm vui đó, nên không nhìn thấy được giới hạn của chính mình, càng không nhìn thấy được tài năng của người khác. Như thế thì con người làm sao biết được sứ mạng của mình phải hoàn tất để mang niềm vui và sức sống cho đời.

Mỗi người trong chúng ta, nhìn vào chính mình xem, có nhận ra được sứ mạng mà mình đang mang để đem niềm vui và sức sống cho đời. Chúng ta có lẽ cũng biết được những trách nhiệm trong cuộc sống, cũng có lý tưởng để mà bước đi, đôi khi cũng tìm được niềm vui trong phục vụ. Cũng có những lúc, chúng ta cũng tự hào về công việc của mình, nên cố hết sức, dùng tài năng để làm cho công việc được tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, để được mọi người ngưỡng mộ khen tặng nhiều hơn, và chúng ta đã dừng lại ở đó. Chính vì dừng lại nên không còn nhìn thấy chính mình, không nhìn thấy người khác, nên không còn biết lắng nghe, không biết chấp nhận người khác, không bằng lòng với những gì trái ý mình. Những lúc đó mảnh đất con người của chúng ta đã trở nên khô cằn, vì những hạt giống mang lợi ích cho đời không thể nẩy mầm mới để mang lại sức sống mới được nữa, mà nó chỉ biết giữ lấy kết quả của thời quá khứ.

Nếu chúng ta nhìn thấy được thánh ý Chúa, biết chấp nhận, biết lắng nghe và thi hành trọn vẹn, cho dù có những đau thương hay mất mác, cho dù dường như người đời vô ơn bạc tình, nhưng đó là sứ mạng, là nhiệm vụ đem sức sống và hạnh phúc cho đời theo thánh ý Chúa chứ không phải theo ý của riêng mình. Được như thế thì cánh đồng lúa xanh tươi của con người sẽ từng thế hệ nối tiếp nhau, không bao giờ phải khô cằn hư hoại được. Như thế chúng ta đang bước đi trên con đường sứ mạng mà Gioan và Chúa Giêsu đã đi khi xưa.

Xin Chúa dẫn dắt chúng ta trong từng bước đi của cuộc đời. (trich giaophanvinhlong.net)

NHÓM TÁC GIẢ

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)