Chúa Nhật Tuần XXXII Mùa TN Năm B

1 V 17, 10-16; Dt 9, 24-28; Mc 12, 41-44 hoặc 38-44

DÂNG HIẾN TRỌN LÒNG

Trong những cống hiến âm thầm cho nhân loại, ta phải nghĩ tới những lời nguyện ít ai biết đến, không ai nghe, chẳng ai thấy của những kẻ đau khổ trên giường bệnh, cùng cực trên đường đời, bị áp bức trong nơi tù đày côi cút… Những lời nguyện ấy là sự dâng hiến cho Thiên Chúa cách đáng trân trọng, để Thiên Chúa ban muôn hồng phúc cho mọi người.

Và ta thấy Thiên Chúa nhìn bên trong tâm hồn. Biết bao người giàu sang béo tốt quần là áo lụa, nhưng Chúa không nhìn. Chúa chỉ nhìn người phụ nữ nghèo nàn, gầy gò, rách rưới. Biết bao người dâng cúng tiền rừng bạc biển mà Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen người phụ nữ bỏ vào thùng tiền hai đồng xu nhỏ. Không những khen mà Chúa còn cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác.

Hóa ra Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. Chúa cho biết tại sao Chúa khen bà: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Chúa đã nhìn thấu tâm hồn của bà. Một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa và với công việc nhà Chúa. Chúa đã thấy tấm lòng của bà. Một tấm lòng quảng đại dám cho đi tất cả những gì cần thiết cho đời sống của mình.

Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Bà goá bỏ tiền ít hơn mọi người, nhưng dưới mắt Chúa Giêsu, bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì bà đã bỏ tất cả. Của dâng cúng của bà góa, xét về số lượng chẳng có là bao, nhưng về chất lượng lại đong đầy đức tin, đức cậy và đức mến.Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng.

Thật vậy, thế gian đã có mấy ai có tấm lòng vàng như bà góa nghèo kia được Chúa Giêsu khen thưởng vì bà đã cho tất cả những gì bà có?. Nhưng không hiểu sao bà góa nghèo ấy lại để trong lòng mọi người một ấn tượng đẹp đẽ nhất, bà đã làm gương cho hết thảy chúng ta biết học cách để “cho”. Bằng chứng cho chúng ta thấy trên thế giới ngày nay vẫn còn rất nhiều người giống như bà chứ đâu có ít, thưa có phải?. Nên chúng ta đừng nản lòng và đừng thiếu lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và vào con người.

Nếu bà goá Sareptha không lấy chút bột, chút dầu nhỏ bé kia mà làm bánh cho Êlia ăn, thì mẹ con bà cũng chỉ ăn được trong ngày ấy mà thôi, rồi sẽ chết. Nhưng vì lòng tin và lòng quảng đại, bà nghĩ rằng: nếu ta không lấy chút bột chút dầu kia mà cứu người đang đói là Êlia, thì hẳn Êlia sẽ chết. Việc cần làm ngay là phải cứu người. Còn việc của mình: Chúa sẽ liệu lo.

Tiền bạc là phương tiện giúp cho người ta trao đổi để dễ dàng sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Nên tiền bạc tự nó không xấu mà trái lại là đàng khác. Nhưng nó trở nên tốt hay xấu là do con người sử dụng nó. Nó có thể được dùng vào những việc gian manh, bất lương, xảo trá, gây nguy hiểm và tai hại cũng như được dùng vào những công việc bác ái, xây dựng tình yêu, tạo nên tình bạn hay đem lại những lợi ích vật chất và tinh thần.

Như vậy, tất cả chúng ta đều nhất trí rằng: tiền bạc tự nó là tốt và luôn luôn có giá trị rất thực tế theo như định ước người ta gán cho nó. Tờ 1000 đồng chắc chắn phải hơn tờ 50 đồng, tờ 100 đồng, tờ 500 đồng. Nhưng tại sao trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu lại nói hai đồng tiền kẽm, chỉ đáng một phần tư đồng xu Rô ma của người đàn bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền dâng cúng ở đền thờ lại quí hơn những số tiền lớn của những người giàu?

Với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, miễn là với tất cả tấm lòng. Ngài không ham của cải Ngài đã ban cho loài người, nhưng chỉ muốn lòng thành thực của con người mà thôi. Cho nên, người ta có thể dâng thật nhiều cho Thiên Chúa, nhưng bao lâu người ta chưa dâng chính mình hay ít nữa những gì thuộc về bản thân, những gì liên hệ tới chính con người của mình thì kể là người ta chưa dâng hiến gì cả.

Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị của tiền bạc đối với người sử dụng nó và qua đó chúng ta rút ra được một bài học, đó là hãy biết cho đi. Bởi vì thương yêu là cho đi. Càng cho nhiều là dấu càng yêu thương nhiều, nhất là cho đi với một lòng thành thực thiết tha. Nhưng không phải chỉ cho những gì là vật chất như của cải, tiền bạc mới là cho. Chúng ta có thể cho những gì là siêu nhiên cao quí như lời cầu nguyện; và cho những gì là tinh thần như một nụ cười, một cái nhìn thiện cảm, một lời nói vui vẻ hiền hòa hay những lời an ủi chân thành…

Chúa dạy ta đừng chạy theo những người giàu sang phú quý quyền cao chức trọng, nhưng hãy biết chú ý tới những người bé nhỏ nghèo hèn trong xã hội. Đừng xét đoán người theo hình dáng bề ngoài, theo y phục hay theo tiền của. Hãy biết nhìn bên trong tâm hồn con người. Có những người có địa vị cao nhưng tâm hồn lại thấp hèn. Có những người nghèo hèn nhưng tâm hồn rất cao thượng. Có những người giàu có nhưng rất bủn xỉn. Có những người nghèo khó nhưng rất quảng đại.

Với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, mà là với trọn tấm lòng. Cách cho quý hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là quà tặng quý hóa nhất. Của cho không bằng tấm lòng người cho. Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất. Bà góa đã cho nhiều nhất vì đã cho cả tấm lòng. Theo số lượng thì một phần tư đồng xu là quá ít ỏi. Có thể hai đồng đồng kẽm mua được một ổ bánh mì, một lon gạo, một bó rau đủ để nuôi sống bà trong ngày hôm đó. Bà góa cũng không sợ bị chê cười vì bỏ quá ít so với người khác. Bà chấp nhận mình thấp hèn thua kém người khác. Nhưng với Chúa Giêsu, hai đồng tiền nhỏ của bà lại nhiều hơn hết. Không phải số lượng việc làm hay tiền của dâng cúng mà Thiên Chúa yêu thích, nhưng là một tấm lòng thuộc trọn vẹn về Người.

Sự nghèo khó của cải vật chất không quan trọng bằng sự nghèo khó tâm linh. Đa số những ai nghèo khó vật chất, mà biết tin tưởng vào Thiên Chúa và chân thành cộng tác vào việc nuôi dưỡng nhân sự của Thiên Chúa, thì sẽ được Thiên Chúa ban ơn. Lại nữa, chúng ta thấy, việc Chúa Giêsu khen ngợi bà góa thật là hợp lý, vì, không có người giàu nào dâng cúng ¼ tài sản của mình cho việc dâng cúng cho thiên Chúa. Dù, cho có ai dâng cúng ¼ tài sản của mình cho Thiên Chúa, thì việc dâng cúng của họ cũng vẫn ít hơn bà góa nghèo. Bởi vì, họ chỉ dâng cúng phần dư thừa, còn bà góa nghèo dâng cúng hết những gì bà có trong lúc thiếu thốn.

Ta, như những bà góa nghèo, vì tội lỗi, nhưng chúng ta biết dâng hết cho Thiên Chúa trong Đức Kitô, thì chúng ta sẽ giàu có trong ân sủng của Thiên Chúa. Vì , mọi người đều muốn giàu có, nhưng không biết cách làm giàu ân sủng. Vì , khi và chỉ khi, chúng ta biết dâng cho Thiên Chúa hết thảy, ngay cả chính mình, thì kho tàng siêu nhiên lẫn tự nhiên sẽ không thiếu, như “ hủ bột”  bà góa nghèo nuôi tiên tri Êlia xưa.

2018

Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm B-2015
1 V 17, 10-16; Dt 9, 24-28;   Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}
SẺ CHIA TẬN TÌNH


Từ những ngày còn bé, đi học giáo lý, tôi được nghe kể câu chuyện "hủ dầu không cạn, bình dầu không vơi" được trích trong sách các Vua quyển thứ I.
Hôm nay, tôi được nghe lại câu chuyện hấp dẫn này : Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: "Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống". Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: "Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh".

Bà thưa: "Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi".
Êlia trả lời bà rằng: "Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'".

Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.
Nghe câu chuyện này và rồi dường như câu chuyện này trở thành câu chuyện nằm lòng trong đời bởi đơn giản tính nhân văn của câu chuyện. Rất dễ hiểu và bình dân, chẳng cần chú giải Thánh Kinh, Thần Học hay Triết Học để ai ai cũng thấy đó là câu chuyện kể về sự quảng đại hay nói cách khác tấm lòng sẻ chia của bà quá thành Sarephta. Chính lòng của bà đã được bù đắp cho bà bằng bình dầu không cạn và hũ bột không vơi.

Câu chuyện sẻ chia của bà góa nghèo ngày hôm nay ta lại bắt gặp trong câu chuyện của Thánh Máccô . Thánh Máccô tính ra cũng nhiều chuyện khi soi Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu lại ngồi ngay cái hòm tiền và lại soi bà góa. Chúa Giêsu soi bà góa còn thánh Máccô thì soi Chúa Giêsu.

Qua cách soi của mình, Chúa Giêsu bắt gặp hình ảnh hết sức dễ thương của bà góa khi Ngài ngồi đối diện với hòm tiền. Vì sou nên thấy dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền.

Đang soi như thế thì chợt thấy có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu.

Soi xong rồi thôi, không chịu, soi xong rồi Chúa Giêsu liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

Một bài học của sự sẻ chia trong cuộc sống. Tưởng chừng đơn giản nhưng nó rất quan trọng bởi lẽ con người vẫn mang trong mình cái bản tính của khư khư, của ky cóp. của tích lũy.

Nhớ lại những ngày xưa tháng cũ thật dễ thương và nhớ đến những ngày xưa đó ta lại nhận ra tình Chúa, tình người với nhau.

Những năm tháng sống thời bao cấp, ta thấy dễ thương quá ! Có khi là nồi khoai mì luộc đó được chia luôn cho cả hàng xóm vì lẽ nhà cạnh bên cũng khổ, cũng đói. Rồi nhớ ngày xưa hay cúp nước, nhà nào được nguồn nước mạnh chảy vào hồ thì lại sẻ chia cho nhà cạnh bên bị thiếu nước. Những hình ảnh của sự sẻ chia đó vẫn còn mãi trong tâm trí tôi cho đến ngày hôm nay.

Còn ngày hôm nay, khi nhìn lại thực tại của cuộc sống, dường như có cái gì đó man mác buồn. Buồn bởi lẽ ngày hôm nay con người ta ích kỷ hơn, con người ta khép kín hơn, con người ta vun vén hơn.

Ngày nay, ta không phủ nhận cuộc sống tốt hơn, giàu hơn, sang hơn, đẹp hơn nhưng rồi con người ta lại ích kỷ hơn. Sự sẻ chia, dù ở thời nào đi chăng nữa vẫn là lời mời gọi, vẫn là lời thách thức của mỗi người chúng ta.

Nói như thế không phải là không còn những tấm lòng quảng đại, những tâm hồn sẻ chia. Thi thoảng đi ngang qua các bệnh viện vào giờ ăn sáng, trưa, chiều ... thấp thoáng ta vẫn thấy những hàng dài được xếp để chờ lãnh phần ăn từ thiện có khi là cháo, có khi là cơm và cũng có khi là hộp sữa, cái bánh ... Tất cả đó cũng là tấm lòng của những người thơm thảo chia sẻ cho người khác.

Lần nọ, trên chuyến xe về Sài Gòn, ngồi cạnh bên một chàng trai còn rất trẻ và được anh tâm sự tấm lòng của nhóm anh về sự sẻ chia. Anh nói rằng ngoài giờ đi làm, bạn bè của anh quy tụ lại với nhau để nấu cơm vào ngày 1 và 15 mỗi tháng để chia sẻ với người nghèo. Còn đến dịp Tết và Trung Thu thì nhóm của anh tìm đến những vùng sâu, vùng xa và nghèo để sẻ chia với các em nghèo.

Thế đó, vẫn còn và còn nhiều người, nhiều nhóm quảng đại chia sẻ cho người khác.

Ngày nay, Chúa Giêsu hẳn nhiên không còn ngồi trước hòm tiền để soi sự sẻ chia của ta như Chúa đã từng soi bà góa trong Tin Mừng. Thế nhưng, trong thầm kín, trong sâu thẳm của lòng tin, Chúa lại nhìn lòng của mỗi người chúng ta. Xin cho chúng ta biết bắt chước như bà góa nghèo để chia sẻ cho người khác như Chúa mời gọi. Hơn nữa, khi ta chia sẻ cho người khác nghĩa là ta được nhận niềm vui gấp đôi thậm chí gấp 3 từ sự sẻ chia của ta. Xin Chúa thêm ơn cho ta để ta vượt qua con người nhỏ nhen ích kỷ của ta mà biết chia sẻ với anh chị em đồng loại. 

Huệ Minh

Huệ Minh 5 tháng cầu hồn 2015

 

Thứ Hai Tuần XXXII tn

Tt 1, 1-9; Lc 17, 1-6

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

Lòng tin là chìa khoá vạn năng có thể mở được những cánh cửa dẫn vào những kho tàng quý báu.   Lòng tin cũng là bí quyết để thành công. Đây là bài học quý báu mà Chúa Giê-su dạy chúng ta qua Tin mừng hôm nay. Tiếc thay chúng ta không biết tận dụng bài học này để thu hoạch những thành quả tốt đẹp trong cuộc đời.

Lòng tin chính là chìa khóa khai mở mọi khó khăn, mọi vấn đề trong đời sống thường ngày cũng như đời sống tâm linh. Trở về với dòng lịch sử về lòng tin trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có hai mẫu gương sáng chói về lòng tin: Apraham và Đức Maria.

Apraham được kể như Cha kẻ của những kẻ tin. Suốt cả cuộc đời ông đặt trọn niềm tin vào tình thương và bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Ông sẵn sàng rời bỏ quê hương xứ sở để ra đi đến miền đất Thiên Chúa hứa ban, mà ông không hề biết nó như thế nào  và cũng không đặt câu hỏi tại sao. Ở tuổi 75, ông được Thiên Chúa hứa sẽ ban cho một dòng dõi hùng cường, đông đúc như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển. Vây mà mãi đến 99 tuổi vẫn chưa có được một mụn con nối dòng, ngoại trừ It-ma-en con của người đầy tớ Haga, nhưng Thiên Chúa lại không chúc lành trên người con đó. Thế nhưng, lòng tin và sự kiên trì chờ đợi của ông đã được bồi đắp khi ông ở tuổi một 100, Ixaac do chính bà Xara vợ ông sinh ra. Lòng tín thác vào tình yêu Thiên Chúa của Apraham đã được đền bù xứng.

Đức Maria, khi cất tiếng ‘xin vâng’ thánh ý Thiên Chúa qua lời sứ thần truyền, cũng là thời điểm khai mở cho lòng tin tuyệt đối của Mẹ vào Thiên Chúa quyền năng. Khi đáp tiếng ‘xin vâng’ đồng nghĩa với việc Mẹ chấp nhận mọi khổ đau, hiểu lầm, đố kỵ, khó khăn đến với mình. Thế nhưng, Mẹ tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, nhờ đó vượt lên tất cả mọi khó khăn, khổ cực ngay cả khi đứng dưới chân Thánh giá, Mẹ cũng không có một lời oán trách.

Tin Mừng hôm nay nói đến sức mạnh của lòng tin. Cuộc sống con người thời nay phải đương đầu với bao nghiệt ngã, nan giải từ chiều kích nội tâm đến đời thường. Do đó con người hay bị rơi vào hoàn cảnh bế tắc không lối thoát, nên có thể đánh đổi từ bạn bè, anh chị em mình, để tìm cái lợi trước mắt, và từ đó con người dần dần dẫn tới tình trạng sống thiếu lòng tin. Chúng ta đang sống trong một xã hội càng phát triển hiện đại bao nhiêu thì đời sống tâm linh con người càng rời xa bấy nhiêu.

Đức tin là quyền năng lớn nhất trong thế giới này nên hôm nay các môn đệ tha thiết xin Chúa: Xin gia tăng đức tin cho chúng con. Đức tin phải được lớn lên mãi để có thể làm được những gì không thể như lời Chúa nói: “Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải, anh em có thể nói với cây này: “Hãy bứng rễ và trồng xuống biển và nó sẽ vâng lời anh em.”

Ngày xưa Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Và ngày nay cũng vậy, Chúa Giêsu luôn hiện diện trong chúng ta mỗi ngày qua Kinh Thánh, hay Giáo Hội hoặc những giáo huấn, dấu chỉ thời đại v.v… Ngài luôn quan phòng và dẫn dắt mọi người qua lời Chúa: “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thì anh em có bảo cây dâu này: “ hãy bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. Mỗi người  nếu sống có lòng tin, là sống luôn có tinh thần phục vụ, niềm tin giúp chúng ta biết sẻ chia cho nhau cảnh túng nghèo, sẻ chia giúp nhau lúc gian nan hiểm nghèo, hay dùm bọc lẫn nhau, nếu có niềm tin có thể làm được từ sự bình thường, ơn Chúa dẫn đến chuyện phi thường, lòng tin có thể thay đổi mọi sự, từ thất bại chuyển tới thành công, mọi hoàn cảnh, mọi tình huống trong cuộc sống.

Đức tin có khả năng làm phép lạ không theo nghĩa phù phép, bùa chú nhưng là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn phi thường, vì người có đức tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình. Do đó người có lòng tin có thể làm được những việc mà chỉ có quyền năng vô biên của Thiên Chúa mới làm được. Thực ra không phải người ấy hành động nhưng là chính Thiên Chúa hành động trong người ấy và qua người ấy.

Hình ảnh hạt cải bé nhỏ nói lên sự phó thác dù nhỏ đến đâu nếu được thực hiện trong đức tin, vẫn có thể làm được những điều lớn lao vì không phải ở sức mình nhưng là ở sức mạnh của Thiên Chúa. Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt cải có bộ rễ rất to và khỏe nhưng hạt nó thì nhỏ xíu như đầu kim để nói lên sức mạnh của niềm tin. Để làm bật rễ một cây dâu thật to chỉ cần một chút đức tin bé nhỏ, nhưng phải là một thứ đức tin vững vàng mạnh mẽ.

Đức tin là một ân sủng, nghĩa là một ơn mà Chúa ban cho ta, theo bản tính tự nhiên ta không thể đòi hỏi, có chăng là chỉ cầu mong và hy vọng được ban cho ơn ấy. Đức tin là một ánh sáng chiếu soi cho ta thấy Thiên Chúa và các điều kín nhiệm của Người, nên tin phải phát xuất từ nơi Thiên Chúa. Đức tin từ trời cao ban xuống, là trí tuệ và tình yêu của Thiên Chúa để soi sáng trí khôn con người.

Ngày hôm nay niềm tin chúng ta được thể hiện qua hành động của mình, chỉ cần nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, Thiên Chúa vẫn đồng hành, chở che, quan phòng chúng ta, Ngài chờ đợi để nâng đỡ lòng tin yếu hèn của chúng ta trong sự yêu thương từng ngày trong cuộc sống. Nhìn lại xem lòng tin của tôi được ví như chiếc đèn nếu biết dự trữ bình dầu, để chiếu sáng cho bao người chung quanh. Lòng tin giúp tôi từ tội lỗi biết tìm sự hoái cải để làm con cái Thiên Chúa, hay khi tôi có đức tin từ đời sống thật bình thường, nhưng tôi biết sống lạc quan tin tưởng vào biến cố cuộc sống, hướng tôi đến cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

Những kết quả chúng ta thực hiện được là nhờ lòng tin nghĩa là chính Thiên Chúa hành động nơi chúng ta và qua chúng ta. Như thế chúng ta đâu dám tự phụ cho nó là công lênh của mình: “ Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Thứ Ba Tuần XXXII TN

 Tt 2, 1-8. 11-14; Cl 3, 16a và 17c

HÃY PHỤC VỤ NHƯ NGƯỜI ĐẦY TỚ VÔ DỤNG

Qua trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ tinh thần phục vụ đích thực: “Sau khi chu toàn phận vụ, các con hãy tự nhận mình là những đầy tớ vô dụng”.

Phục vụ nổi bật hơn cả là tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm trước tiên nằm trong trách vụ mà mình được giao phó. Điều gì thuộc về trách nhiệm của mình đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hy sinh, cho dù sự hy sinh đó xem ra có vẻ quá lớn lao đang khi kết quả của nó quá nhỏ bé và không chắc chắn.

Tuy nhiên chúng ta phải xét tính cách giá trị của nó trước cái nhìn của Chúa chứ không xét theo thành quả trước sự đánh giá của người đời. Cử chỉ người chăn chiên lặn lội đi tìm một con chiên lạc trong tổng số 100 con chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. 

Ta luôn ưa thích những thành quả lớn lao và dễ dàng đang khi tinh thần trách nhiệm thì nhiều khi rất khó khăn và thành quả rất âm thầm. Nhưng đó lại là điều biểu hiện tấm lòng nhân hậu mà Chúa ưa thích nhất. Cũng vậy, chúng ta luôn ưa chuộng và chạy theo số đông mà bất chấp những cá nhân nhỏ bé, nhất là những cá nhân sa lạc và làm trì trệ đời sống cộng đoàn. Điều này đi ngược lại với tinh thần trách nhiệm của Chúa Kitô.

Chúa đến cho mọi người nhưng Ngài cũng tha thiết sống cho từng con người, nhất là những người hèn mọn và tội lỗi. Trong tinh thần trách nhiệm chúng ta cần xét theo ý Chúa chứ không phải ý người ta. Vì thế phục vụ trước tiên là phục vụ chính Chúa, Đấng đảm nhiệm mọi ý nghĩa và giá trị của công việc chúng ta làm để đưa nó vào chương trình cứu độ của Ngài.

Trong tinh thần trách nhiệm cũng cần phải luôn biết rằng, mình phục vụ và người khác cũng đang phục vụ. Sự phục vụ trong vai trò của chúng ta không được làm hư hại hay hạ thấp sự phục vụ của người khác. Giá trị của phục vụ không nằm trong công việc lớn nhỏ, trong vai trò hay chức vụ, nhưng nằm trong tâm tình, ý hướng và cách thái của người phục vụ.

Sự phục vụ chân chính trong tinh thần trách nhiệm bao giờ cũng đòi hỏi một sự tế nhị, nhường bước để tạo được hoà khí sinh động, bình đẳng và bổ túc cho nhau trong mọi công việc. Phục vụ mà gây ra bất an, hổn loạn và hư hại cho người khác thì quả là sự phục vụ bất chính.

Khi dạy các môn đệ, cũng như chúng ta như thế, Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ chúng ta hay xem nhẹ việc chúng ta làm, nhưng Ngài muốn giúp chúng ta -qua con đường phục vụ vô vị lợi với tất cả tinh thần trách nhiệm và khiêm tốn- sẽ được Thiên Chúa ban dồi dào hồng ân gấp bội.

Đối với Chúa Giêsu, quyền bính là phục vụ và phục vụ là yêu thương. Khi ban điều răn mới, Chúa nói: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34); và “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Cuối cùng qua cuộc khổ nạn trên thập giá, Chúa đã thể hiện lời Chúa nói: “Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Trước khi khuyên chúng ta phục vụ hết mình và tự nhận mình là tôi tớ vô dụng, Chúa Giêsu -Ngôi Hai Thiên Chúa- đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian trong thân phận con người hèn mọn. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống cho con người (Mt 20, 28); Ngài là Thiên Chúa nhưng ở giữa các môn đệ như kẻ hầu bàn (Lc 22, 27); Tuy là Thầy là Chúa, Ngài đã “chỗi dậy, bỏ áo xống đi và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13, 4-5). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philippphe cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…. Chính vì thế, ngài được Thiên Chúa tôn vinh và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu” (Pl 2, 6-11)

Theo gương Chúa Giêsu, biết bao Kitô hữu đã sống tinh thần phục vụ. Đức Thánh Cha Phaolô VI làm việc miệt mài lo cho Giáo Hội; cuối mỗi văn kiện gửi cho dân Chúa, ngài viết: “Phaolô VI, tôi tớ của các tôi tớ”. Mẹ Têrêsa Calcutta và các chị em trong dòng dong duổi khắp đường phố Ấn Độ để phục vụ những người nghèo hèn khốn khổ nhất. Gương phục vụ của Mẹ Têrêsa được cả thế giới trân trọng và ngưỡng mộ.

Chúng Giêsu muốn chúng ta trở nên khiêm tốn như Ngài đã từng như thế. Ngài không bao giờ khoe khoang chính mình hoặc nhất quyết đòi hỏi cho mình một sự đối xử đặc biệt vì mình là Thiên Chúa. Trái lại, Ngài đã vét rỗng chính mình và mặc lấy thân phận một kẻ nô lệ. Ngài vâng phục Cha của mình trong mọi cách thức. Và bởi vì điều đó, Chúa Giêsu đã được tán dương (Pl 2,6-10).

Chúa Giêsu muốn chúng ta giữ kín tất cả những lời thừa nhận, khen ngợi và chúc mừng mà người ta dành cho chúng ta. Ngài không muốn chúng ta là những người hoặc làm những điều gì đó để huênh hoang. Đây là lý do tại sao Ngài đã khiển trách Giacôbê va Gioan khi họ xin Ngài những chỗ vinh dự trong vương quốc của Ngài (Mc 10,35-40). Đó là lý do tại sao Ngài đã quở trách Phêrô vì đã cho rằng Chúa Giêsu là người quá quan trọng đến nỗi không thể bị đóng đinh (Mt 16,21-23)

Cuối cùng, tất cả chúng ta đều là “những đấy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Mỗi hơi thở, chúng ta đều nhận từ Thiên Chúa. Mỗi hành động tốt chúng ta làm là một dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa đang làm việc nơi chúng ta. Nhưng “vô dụng” không hẳn là một điều xấu. Đó chỉ là một sự thừa nhận khiêm tốn rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, được cứu chuộc, được mời gọi và được trang bị để xây dựng vương quốc của Ngài.

 Ở tại giáo xứ, chúng ta cũng nhận thấy nhiều gương phục vụ âm thầm và khiêm tốn. Quý Tu sĩ, Quý Ban Hành Giáo, quý chức các hội đoàn, các anh chị Giáo Lý Viên, ca viên… phục vụ giáo xứ mà không nhận một đồng tiền lương. Có thể họ còn gặp phải nhiều khó khăn, hiểu lầm, trách móc; tuy nhiên, Chúa ban  cho  lòng họ chan chứa niềm vui vì vinh dự được trở nên “đầy tớ”.  Bởi vậy, vô dụng không phải là không làm được việc gì nhưng là làm việc cách cần mẫn mà không kể công lênh.

Ta được mời gọi sống và làm việc như người phục vụ, như người tôi tớ, như người nữ tì khi đi từ sự nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, khởi đi từ sự thật của chúng ta, và làm cho đời mình, ơn gọi mình trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa, Đấng là Nguồn và Cùng Đích của mọi sự. Chính kinh nghiệm sâu đậm được yêu thương và được thương xót, sẽ giúp chúng ta sống tâm tình của người tôi tớ và người nữ tì, như Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

 

Thứ Tư Tuần XXXII TN

Tt 3, 1-7; Lc 17, 11-19

LÒNG BIẾT ƠN

Lòng biết ơn biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự. Biết ơn là một trong những đức tính tốt đẹp của con người đối với Đấng Tạo Hoá. Vì Ngài đã ban muôn vàn phúc lộc cho chúng ta: từ không khí để ta hít thở, mặt trời để soi sáng ta, cho nước để ta uống, cho muôn loài muôn vật để ta sử dụng và làm thức ăn. Ngài luôn quan phòng, giữ gìn ta trong mọi nơi, mọi lúc… Thiên Chúa còn ban cho ta biết bao điều cao cả qua cha mẹ, qua anh chị, qua thầy cô, qua bạn hữu, qua tất cả những người đã giúp đỡ và làm ơn cho ta… Thể hiện lòng biết ơn là một nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống con người.

Với truyền thống văn hóa người Việt nam thường nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Uống nước nhớ nguồn”. “Hòn đất ném đi hòn chì nám lại”. Lời “cám ơn” rất đơn sơ bé nhỏ, nhưng đem lại cho người làm ơn một sự vui thỏa, ấm áp. Đó là phép lịch sự, tế nhị tối thiểu, bình thường, và phải cư xử như vậy mới là người biết điều. Việt Nam cũng có những câu nói diễn tả người vô ơn: “Ăn cháo đá bát”. “Vắt chanh bỏ vỏ”. “Có trăng phụ đèn”. “Ăn mật trả gừng, ăn sung trả ngải”. Kẻ muốn được ơn thì nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Câu chuyện Phúc âm hôm nay có tỷ số là một phần mười mà thôi.

Tạ ơn là tâm tình của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, và của các tông đồ, tâm tình đó ta thấy đầy dẫy trong Tin Mừng.

Chúa Giêsu luôn là mẫu mực của lòng tri ân. Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một bài ca tạ ơn liên lỉ dâng lên Thiên Chúa: Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi hồi sinh Ladarô, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi nhân bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã cầm bánh và rượu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu rất coi trọng lòng biết ơn trong cuộc sống của con người.

Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.

Và rồi ta thấy Thánh Luca nhắc cho ta nhớ lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành mười người phong hủi, tất cả đều được khỏi bệnh. Nhưng chỉ có một người đến tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa. Chúa Giêsu không khỏi buồn lòng trước sự vô ơn của con người, nên Ngài đã thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”? (Lc 17, 17-18).

Lời kinh “Magnificat” là lời tạ ơn trọn hảo của Đức Maria dâng lên Thiên Chúa. Đây cũng là lời kinh ca ngợi đẹp lòng Thiên Chúa “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…” (Lc 1, 47-56).

Trong các thư của Thánh Phaolô, thánh nhân cũng nhấn mạnh đến lời tạ ơn. Hơn nữa, ngài luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Ngài nói: “Tôi luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa” (Plm 1, 4). Ngài còn nhắc nhở mọi người “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn” (1 Tx 5, 18).

“Cảm ơn” là tỏ lòng biết ơn với người đã làm điều tốt cho mình. Mỗi khi ta nhận được một ơn huệ gì, thì ta phải biết tạ ơn Chúa và cảm ơn những người làm ơn cho ta. “Cảm ơn” ấy là hai từ mà ta vẫn nói hàng ngày. “Cảm ơn”, lời nói cửa miệng tưởng như có thể nói với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, nhưng nhiều khi ta không biết nói lời cảm ơn.

Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý thì dễ, nhưng cám ơn về những điều rủi ro trái ý lại không dễ chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta: vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh… Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã xác quyết: “Tất cả đều là hồng ân”.

Trong xã hội ngày nay, con số những người biết ơn Chúa, tôn thờ Chúa, vẫn còn là một con số rất khiêm tốn. Còn những kẻ vô ơn thì nhiều vô kể. Chúa luôn ban ơn cho người lành cũng như kẻ dữ, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Thế mà con người ngày càng kiêu ngạo, vô ơn đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

         Chúa Giêsu coi trọng và đề cao lòng biết ơn cũng vì ích lợi của kẻ biết ơn mà thôi. Người xứ Samaria trở lại tôn vinh Thiên Chúa vì Đức Giêsu đã chữa lành phần xác cho anh mà còn ban ơn phần hồn cho anh là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh: “Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã chữa anh” (Lc 17,19). Như thế, cám ơn Chúa lại là cơ hội để nhận được thêm ơn phúc. Trong kinh tiền tụng chung thứ 4 đã xác định:

          “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban. Vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”.

          Lòng biết ơn biểu lộ một con người tử tế, đạo đức, có văn hóa, biết cư xử ở đời. Có lẽ không có gì tử tế và tốt đẹp hơn trong cuộc sống làm người bằng hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả tấm lòng chân thành và trân trọng của mỗi người chúng ta

          Hỏi rằng trong chúng ta có mấy người biết cảm tạ Chúa và cảm ơn anh em? Biết bao nhiêu lần chúng ta than vãn, kêu la, trách móc hết việc này đến việc khác, hết người này đến người kia, Hơn thế nữa, nhiều người còn oán trách cả Thiên Chúa. Vậy, Lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta hãy biết nói lời cảm ơn từ những chuyện nhỏ nhất, bởi vì chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban cho ta qua vũ trụ vạn vật, qua mọi người trên trái đất này và nhất là qua những người thân cận, những người xung quanh ta.

Và trong lắng đọng, ta nhìn lại cuộc đời của ta và mỗi người kitô hữu chúng ta được dệt nên từ biết bao ân huệ Chúa đã thương ban. Ân huệ này nối tiếp ân huệ khác. Chính vì thế, chúng ta hãy sống tâm tình tạ ơn như Thánh Phaolô: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (Tx 5, 18).

Thứ Năm Tuần XXXII TN

 Plm 7-20; Lc 17, 20-25

NƯỚC THIÊN CHÚA ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG

Người Do Thái luôn mong ước Nước Thiên Chúa đến như lời đã báo trước. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa không đến như những người Do Thái mong đợi. Họ cho rằng khi Đấng Thiên Sai xuất hiện, Ngài sẽ khôi phục vinh quang thời quá khứ của dân tộc họ.

Qua trang Tin Mừng hôm nay cho ta thấy, Chúa Giêsu chỉnh hướng suy nghĩ của họ về Nước Thiên Chúa. Ngài tuyên bố Nước Thiên Chúa đã hiện diện qua con người của Ngài, qua những gì Ngài làm và giảng dạy. Nước Thiên Chúa giống như hạt giống đầy sức sống được chôn vùi vào lòng đất hay như nắm men được vùi trong ba đấu bột. Nước Thiên Chúa hoạt động trong lòng con người với một sức mạnh vô hình làm biến đổi tâm hồn và tâm trí. Nước Thiên Chúa chỉ đến với những ai tin và theo Chúa Giêsu.

“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (c. 21). Chúa Giêsu đã nói với các ông Pharisêu như vậy khi họ hỏi Ngài khi nào Nước Thiên Chúa đến. Nước ấy không đến một cách lộ liễu ở đây hay ở kia để kiểm tra (c. 20). Người Pharisêu không nhận ra Nước ấy đang ở giữa họ. Chỉ ai biết nhìn, mới nhận ra Nước ấy đang hiện diện và hoạt động nơi lời giảng và các phép lạ của Đức Giêsu. Khi bệnh được khỏi, khi quỷ bị trừ, khi tội được tha, khi con người biết hoán cải để sống những đòi hỏi của Chúa Giêsu, khi ấy Nước Thiên Chúa có mặt và tăng trưởng. 

Người Do Thái mong đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa sai Đấng Cứu Thế đến trần gian. Họ gọi đó là thời của Đấng Thiên Sai. Thời Thiên Sai còn được hiểu là Nước Trời, Nước Thiên Chúa hay Triều Đại Thiên Chúa. Tuy nhiên, người ta hiểu về Triều Đại Thiên Chúa một cách hết sức vật chất, cụ thể là một cuộc cách mạng xã hội, lật đổ ách thống trị của người Rôma rồi tiến đến thống trị thế giới. Chúa Giêsu chỉ ra cái sai lầm của quan niệm kia. Người bảo: Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Nó không phải là cuộc cách mạng xã hội hay chính trị để người ta có thể nói: “Ở đây này” hay “Ở kia kìa!” Khi Chúa Giêsu hiện diện trên trần gian thì đồng thời Triều Đại Thiên Chúa cũng hiện diện, vì Người chính là Triều Đại Thiên Chúa. Người ta phải nhận ra trong lời giảng, các phép lạ và nếp sống của Chúa những dấu chỉ của Triều Đại ấy. Vì thế mà Chúa quả quyết: vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.

Ngược lại với lời Chúa Giêsu, dường như thói thường chúng ta thường thích xem chuyện lạ, thích xem Chúa, Mẹ hiện ra; nghe ở đâu có chuyện lạ là ùn ùn đến ‘xem’; nhưng lại không muốn tuân giữ những điều Chúa dạy –  con người, đời sống chẳng có gì biến đổi. Niềm tin của chúng ta thật mong manh. Chúng ta đang đắm mình và hòa vào một thế giới loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài.  Cuộc sống chỉ còn là những ganh đua và cạnh tranh, lao theo những nhu cầu vật chất không bao giờ đủ. Vì vậy, lời Chúa hôm nay như một tiếng chuông cảnh tỉnh, mời gọi mỗi người Ki-tô hữu nhìn lại tâm linh, duyệt xét đời sống của mình xem chúng ta có còn tin Chúa thực sự để biết rằng chúng ta là con Thiên Chúa và chúng ta phải sống như là con cái Chúa, như là công dân của nước trời.

Đức Ki-tô là hiện thân của nước Thiên Chúa. Đức Kitô đã đến. Người không những ở trong chúng ta mà còn ở giữa chúng ta nơi những người anh chị em sống chung quanh ta. Và hơn nữa, Người còn đồng hóa mình với những người nghèo nàn, bất hạnh. (Mt 25, 35 - 36) Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khát khao ước ao nước cha hiển trị bởi vì đó là lẽ sống đích thực của chúng ta – sống trong nước tình yêu.

Bởi vì bộ mặt thế gian này luôn qua đi, nhưng nước tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi, nơi ấy chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau. Vì thế nước Thiên Chúa không ở xa, nhưng ở giữa chúng ta, và mỗi người chúng ta có bổn phận trách nhiệm xây dựng nước ấy bằng tình yêu chân thực phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đồng thời lời kinh lạy Cha mà chúng ta đọc có thể là rất nhiều lần trong một ngày “xin cho nước cha hiển trị” sẽ không là những lời máy móc, vô nghĩa, nhưng là lời khẩn nài tha thiết với ước vọng ơn Cha giúp cho Giáo hội, mọi Ki-tô hữu cũng như chính bản thân ta biết sống như là một công dân của nước trời làm sáng danh Thiên Chúa tình yêu và làm cho tình yêu ngự trị khắp vũ hoàn.

Chúa Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa. Và Nước đó vẫn lớn lên từ từ qua dòng thời gian. Như hạt giống được gieo trong đất, đêm hay ngày cũng cứ lớn lên, như chút men làm dậy khối bột, như hạt cải thành cây cao rợp bóng, Nước Thiên Chúa cũng cần thời gian để đạt đến chỗ viên mãn. Hai ngàn năm trôi qua, Nước Thiên Chúa đã lớn lên về mọi mặt. Nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn thấy còn nhiều điều phải làm để Nước đó được nhìn nhận bởi hơn 7 tỷ người trên trái đất. Ngày nào thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công, ngày nào nhân loại còn bệnh tật đói nghèo, còn nô lệ cho vật chất, ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa ngự trị trên trần gian. Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu, chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người, nơi đó Nước Thiên Chúa đã đến gần hơn. 

Vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi. Ðó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói đến Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm. Một trong những nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ con người mới có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới có khát vọng được trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.

Nước Thiên Chúa đã thật sự đến với ta là những người mang danh Kitô hữu, nhưng vẫn còn có rất nhiều người chưa được biết nước Thiên Chúa. Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta là ngôn sứ của Chúa, và chúng ta cũng có nhiệm vụ loan báo Nước Thiên Chúa cho người khác. Lời loan báo tuyệt hảo nhất đó là chính đời sống chứng nhân của ta. Từng ánh mắt, từng nụ cười, lời nói, hành động trong tình yêu thương của ta là những phương thế hiệu quả để ta minh chứng rằng Thiên Chúa đang hiện diện và Nước Thiên Chúa đã đến.

Thứ Sáu Tuần XXXII TN

BÀI ĐỌC I: 2 Ga 4-9; Lc 17, 26-37

NGÀY CÁNH CHUNG

Ta đang sống trên trần thế, đang hoạt động, đang làm việc, đang vui chơi, đang nghỉ ngơi,… Những gì được gọi là “đang” ấy sẽ có ngày chấm dứt, kết thúc tất cả. Đó là ngày cánh chung.

Ta đã được Chúa Giêsu cảnh báo về các tiên tri giả, điều này được Thánh Mátthêu ghi lại: “Vậy, nếu người ta bảo anh em: ‘Này, Người ở trong hoang địa’, anh em chớ ra đó; ‘Kìa, Người ở trong phòng kín’, anh em cũng đừng tin. Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Mt 24:26-28).

Chúa Giêsu dùng những sự tích trong Cựu Ước để cảnh báo tính bất ngờ của một biến cố rất lớn lao và chắc chắn sẽ xảy đến, đó là biến cố cánh chung, biến cố của ngày Chúa lại đến, “ngày Con Người được mạc khải” (c. 30). Lúc đó Chúa Kitô cũng chính là Ngôi Lời (Logos) ngự đến cách chung cuộc để cho ý nghĩa của mọi tạo vật được tỏ hiện, đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người trong nhân loại đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: đó là được cứu độ hay không được cứu độ.

Khi nói về những thực tại cánh chung, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh vốn quen thuộc với người Do thái, nhưng tựu trung chính cái bất ngờ vượt khỏi mọi phạm trù và trí tưởng tượng của con người vẫn là những nét chính của thực tại cánh chung ấy. Tất cả những hình ảnh và thí dụ được Chúa Giêsu sử dụng trong Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng thực tại cánh chung, ngày tận thế, ngày của Chúa, vốn là một thực tại mà không ai biết trước được. Bằng nhiều hình ảnh và cách diễn tả khác nhau, Kinh Thánh luôn khẳng định tính bất ngờ của ngày thế mạt; do tính bất ngờ này, các Kitô hữu luôn được mời gọi để sống tỉnh thức.

Thật ra, ngày của Chúa hay thời cánh chung đã thực sự khởi đầu với chính cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đang thực sự đi vào trong ngày ấy, nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài và trở thành nhân chứng của Ngài trong lịch sử. Chúa Giêsu đã đến để đổi mới mọi sự như thánh Gioan Tông đồ đã viết trong sách Khải huyền, hoặc như thánh Phaolô đã viết trong thư 2Cr: "Ai ở trong Chúa Kitô cũng đều trở thành một tạo vật mới, cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi". Chúa Kitô Phục sinh đang có mặt và tác động trong lịch sử loài người; chính Ngài đang phơi bày sức mạnh của tội lỗi là hận thù, ích kỷ, bạo động, và khơi dậy cũng như nâng đỡ những sức mạnh của chân lý, công bằng, liên đới, yêu thương. Bất cứ ai sống theo Ngài, người đó sẽ cảm thấy mình là tạo vật mới có sức thắng vượt quyền lực của sự dữ và tăm tối.

Chúa Giêsu mô tả ngày chấm dứt cuộc sống trần thế của cuộc sống con người bằng câu chuyện thời ông Noe với trận lụt hồng thủy, hoặc câu chuyện lửa đỏ diêm sinh thiêu rụi tất cả thành Sôđôma vào thời ông Lót trong Cựu Ước…thật bất ngờ, ghê gớm và đáng sợ vào ngày Chúa tái lâm để xét xử con người trên trái đất.

Cơn hồng thủy đã bất ngờ ập xuống vào thời ông Nôê,khi “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang cưới vợ, họ đang lấy chồng.”Dòng chảy tự nhiên ấy bị cắt đứt đột ngột bởi cơn hồng thủy.Khi Thiên Chúa tiêu diệt thành Xơđôm bằng lửa bởi trời,thì “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang mua, họ đang bán,họ đang trồng, họ đang xây” (c. 28).

Cuộc sống tưởng như cứ trôi đều, ai ngờ nó phải dừng lại. Chuyện ăn uống, mua bán, lập gia đình, trồng trọt, xây cất chẳng phải là điều xấu, cần phải tránh xa hay coi thường. Nhưng chúng ta không để mình bị ru ngủbởi cái nhịp tự nhiên và quyến rũ của chúng. Người Kitô hữu sống đời thường như mọi người một cách tỉnh táo.Tận tụy nhưng lại không bị mất hút, hết mình nhưng lại còn chút e dè. Sống tưng bừng giây phút hiện tại nhưng vẫn nhớ đến điểm tới. Hai người nằm một giường, hai phụ nữ xay một cối (cc. 34-35), nhưng số phận chung cuộc của họ lại khác nhau.Có người được đem đi, có người bị bỏ  lại. Làm sao tôi đừng tiếc đồ đạc mà xuống lấy hay quay trở lại nhà (c. 31)? Làm sao tôi đừng như vợ ông Lót quay nhìn lại và hóa thành cột muối? 

Sự việc xảy ra thật bất ngờ đến độ người ta đang vui chơi, ăn uống, cưới vợ gả chồng,…thì lũ lụt xảy đến, mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống.

Sự việc thật bất ngờ khi mà hai người đàn bà đang xay cùng một cối bột, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hoặc hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.

Những điều đó sẽ xảy ra trong ngày Chúa quang lâm, hầu cảnh giác con người hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Và số phận của con người tùy thuộc vào chính cuộc sống của họ trên trần gian : kẻ lành được chọn, kẻ dữ sẽ bị loại trong ngày quang lâm.

Ngày cánh chung sẽ đến, nhưng bao giờ xảy đến không ai biết. Nhưng Chúa cho sự việc xảy ra như thế nhằm đốc thúc con người đừng quá chăm lo cho cuộc sống hiện tại, đừng quá chểnh mảng, lơ là trong công việc chuẩn bị cho ngày cánh chung, mà cần phải biết chăm lo cho cuộc sống mai sau bằng thái độ chuẩn bị và sẵn sàng.

Ngày cánh chung sẽ đến với từng người, không ai có thể sống mà không thoát khỏi cái chết. Chúa nhắc nhở mọi người: “khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ ra với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê”.

Do đó, mỗi người đừng chăm bẵm, cho cuộc sống hiện tại mà đi tìm vinh quang, bổng lộc của trần thế, đừng lơ là mà hãy biết chăm lo cho cuộc sống đời sau, để cách sống ta được thể hiện qua số phận được định đoạt trong ngày cánh chung, ta được Thiên Chúa tuyển chọn hay sa thải là do cách sống của mình: “Thế là họ sẽ ra đi, bọn này để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời”

Hôm nay, Chúa cũng nhắc nhở ta đừng quá bám víu vào thế gian, hoặc vun quén cho sự sống thế tục của mình, nhưng phải lo đến cuộc sống đời đời của mình bằng việc sống đẹp lòng Chúa hơn.

Số phận của chúng ta được định đoạt trong ngày phán xét : được chọn hay bị loại. Tất cả tùy thuộc vào thái độ sống hiện tại của chúng ta : tin hay từ chối đức tin, yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân hay khước từ tình yêu với Chúa và với tha nhân.

Chúa Giêsu không muốn đe dọa ta về ngày tận cùng của thế giới, mà Người chỉ muốn nhắc nhở như Đức Thánh Cha Benedictô 16 nhắc lại. Đề ứng phó ngày cánh chung chỉ có hai bửu bối duy nhất và quan trọng nhất, đó là tinh thần sẵn sàng đón nhận với tâm tình cầu nguyện.

Xin Chúa cho ta biết chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày cánh chung. Xin Chúa thúc đẩy chúng ta sống tâm tình tỉnh thức và sẵn sàng. Xin Chúa giúp ta biết sống xứng đáng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa để bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu mai sau.

 

Thứ Bảy Tuần XXXII TN

3 Ga 5-8; Lc 18, 1-8

CẦU NGUYỆN LUÔN

Với trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy bắt đầu : “Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng”. Dụ ngôn nói về một bà goá gây phiền hà. Để trả lời cho câu hỏi “Chúng ta phải cầu nguyện bao lâu?” Chúa Giêsu trả lời, “phải cầu nguyện luôn!” (Lc 18, 1-2).

Bà góa, theo truyền thống và truyền thống của các quốc gia vùng cận đông là người bị áp bức và bị bỏ rơi trong xã hội. Bà không có tiền để hối lộ, làm sao quan tòa có thể mau mắn xét xử cho bà dược.Bà chỉ biết một điều duy nhất là kiên trì, bền bỉ van nài không nản lòng. Bà đã thành công. Cầu nguyện có sức mạnh phi thường như Chúa  đã dạy:“Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Bà góa trong dụ ngôn tin chắc vào vụ kiện của mình, khi chứng tỏ rằng bà đáng được đền bù, nên không ngại đấu tranh vì điều đó, bà có đủ  lý do để khiếu kiện, vì các thẩm phán hành động không theo công lý, “họ không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta” (Lc 18, 3). Chúa Giêsu không ngại gọi ông là “vị thẩm phán bất lương” (Lc 18, 7), vị này không có ý định xử vụ bà góa kiện, ông chẳng thèm để ý đến vụ kiện của bà. May thay, câu chuyện kết thúc tốt đẹp : từ chối mãi, cuối cùng ông mất kiên nhận vì sự quấy rầy của bà, nên xét xử cho bà, để ông khỏi nhức óc.

Và Chúa Giêsu phán : “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương đó nói”. Cuối cùng vị thẩm phán đó cũng mang lại công lý, hơn nữa chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ nghe lời chúng ta. Chúa Giêsu tuyên bố một cách long trọng rằng : “Thầy bảo các con, Chúa lại sẽ kíp giải oan cho họ”   (Lc 18, 8).

          Kiên trì là bài học mà Chúa Giêsu dạy chúng ta trong việc cầu nguyện. Ông quan tòa bất lương, vô đạo coi thường cả Chúa, khinh khi con người, chỉ biết có tiền bạc, kiêu căng, bất công… thế mà chịu thua sự kiên trì của bà góa nghèo. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, giàu lòng thương xót, Ngài sẽ mau chóng bênh vực những kẻ kêu Ngài cách kiên trì trong tin tưởng.

Sự cầu nguyện, như tình yêu, không chịu sự tính toán. Một người mẹ đâu có hỏi bà phải thường yêu con mình bao lâu, hay là một người bạn đâu có hỏi mình phải yêu một người bạn bao lâu? Có thể có những mức độ khác nhau trong sự cân nhắc đối với tình yêu, nhưng không có những khoảng cách nhiều hay ít điều hòa hơn trong sự yêu đương. Với sự cầu nguyện cũng vậy. Lý tưởng của sự cầu nguyện kiên trì này được thực hiện trong nhiều hình thức bên phương Đông và phương Tây. Kitô giáo phương Đông thực hành điều ấy với Kinh cầu nguyện Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con!”

Cầu nguyện trong kiên trì và không nản lòng là nội dung chính của bài tin mừng hôm nay được minh họa bằng dụ ngôn ông quan tòa vô đạo bất lương và bà góa nghèo đến xin ông minh oan, xét xử cho bà. Ở đây cho thấy hiệu quả  của sự kiên trì cầu nguyện “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Cầu nguyện là đặc điểm chung của mọi tôn giáo. Cầu nguyện là cốt lõi của đời sống đức tin. Để lời cầu nguyện mang lại những kết quả như mong muốn, ta cần phải kiên trì. Như người nông phu gieo hạt rồi kiên trì chờ đợi cho cây mọc lên, người tín hữu cũng phải bền bỉ trong lời cầu nguyện. Hình ảnh bà góa được Đức Giêsu nhắc tới trong Tin Mừng hôm nay muốn chứng minh điều ấy. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu khuyên ta cầu nguyện luôn và không nản chí. Nếu ta ngưng cầu nguyện, chúng ta hầu như mất nhiệt tình và bỏ cuộc. Nếu ta cầu nguyện liên tục, chúng ta sẽ không bao giờ mất nhiệt tình.

          Môsê đã kiên trì cầu nguyện, cầu nguyện liên lỷ và đã chiến thắng quân Amalec: Có Chúa giúp ta mới chiến thắng. Bà góa nghèo kiên trì, bền bỉ van xin ông quan tòa xét xử minh oan cho mình. Trước sự kiên trì của bà góa; dù có bất nhân, vô đạo như ông quan tòa trong dụ ngôn cũng phải xiêu lòng, chấp nhận xét xử cho bà theo yêu cầu “vì bà góa này cứ quấy rầy ta mãi, ta xét xử cho rồi…” (Lc 18,2).Khí giới duy nhất của bà để đấu tranh thành công là sự kiên trì bền bỉ van xin.

Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không. Chúng ta không thể tin tưởng, trông cậy, và kiên vững với hy vọng nếu Thiên Chúa không lôi kéo chúng ta đến với Người trước và mặc khải cho chúng ta tình yêu thương xót và sự quan tâm của Người. Nếu chúng ta muốn lớn lên và kiên vững trong niềm tin cho đến phút cuối cùng, thì chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin của mình với lời Chúa, và cầu xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng ta (Lc 17,5). Khi các thử thách và thất bại làm bạn nản lòng, bạn đặt niềm hy vọng và tin tưởng của mình vào đâu? Bạn có cầu nguyện với đức tin và lòng trông cậy kiên vững vào sự quan phòng săn sóc đầy thương xót của Chúa dành cho bạn không?

Ta phải cầu nguyện luôn vì chúng ta lệ thuộc vào Chúa, chỉ có Chúa mới giúp được chúng ta. Sự kiên trì cầu nguyện giúp ta luyện đức cậy trông bởi vì có hết lòng cậy trông, con người mới đáng Chúa ban ơn. Kiên trì cầu nguyện là dấu chỉ lòng trung tín của ta với Thiên Chúa. Chúa khoan dãn ban ơn để giúp đức tin của ta vững mạnh và ta tỏ lòng yêu mến Chúa.

Thiên Chúa là Đấng tốt lành không bao giờ làm ngơ trước những lời cầu xin của chúng ta, không bao giờ bỏ mặc chúng ta trong khó khăn. Chúa là Cha Nhân từ. Chúa biết trước những điều chúng ta xin, nhưng Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, Chúa không áp đặt lên ta những ân huệ của Ngài, Chúa đáp ứng các ước vọng của ta. Lòng quảng đại của Chúa thỏa mãn vượt quá những lời chúng ta xin.

Vì thế, Chúa Giêsu muốn ta liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do Thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augustino trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không nhàm chán, ngay cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ. Hãy cầu nguyện mọi nơi mọi lúc và biến mọi việc chúng ta làm trở nên những lời cầu nguyện. Nghĩa là làm mọi việc vì lòng mến Chúa; làm mọi việc như Chúa muốn.

Cầu nguyện đích thực là việc thực hành đức tin, là gặp gỡ Thiên Chúa, nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn hồn xác để chúng ta đủ sức thực thi thánh ý Chúa trong cuộc sống thường ngày. Như thế, ai biết cầu nguyện, người đó biết sống và sống thánh thiện.