Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B
 
 


NGÀI LÀ TRUNG TÂM LỊCH SỬ ĐỜI TÔI

Giáo Hội đang bước vào Chúa Nhật đầu tiên của chu kỳ phụng niên mới, với Chúa Nhật I Mùa Vọng. Mùa mong đợi. Mùa hy vọng. Mùa mà theo ý nghĩa của phụng vụ được chú trọng vào việc chuẩn bị đón mừng biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần.

Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Chúa Giêsu là trung tâm điểm của lịch sử nhân loại, và lịch sử của cuộc đời mỗi người chúng ta”. Do đó, việc chuẩn bị đón mừng ngày kỷ niệm Ngài giáng trần cũng chính là một cuộc chuẩn bị và đón mừng một biến cố lịch sử. Một biến cố đã xuất hiện cho riêng lịch sử con người và lịch sử của mỗi đời người chúng ta. Biến cố Giáng Trần có thể được nhắc đi, nhắc lại, và được tái diễn trong thời gian, nhưng ý nghĩa lịch sử của nó, và cái yếu tính lịch sử ấy chỉ là một: Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần để cứu độ nhân loại, và để cứu độ mỗi người chúng ta.

Hình ảnh biến cố lịch sử ấy đã được mô tả trong cuộc Phán Xét Chung Thẩm của Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Chúa Nhật kết thúc một năm phụng vụ. Trong ngày chung thẩm ấy, ai có vé về “Đất Hứa” sẽ lên xe về Đất Hứa. Ai mua vé về “Đất Hỏa” sẽ về Đất Hỏa, và con tầu định mệnh sẽ khởi hành đúng giờ để đi về miền đất mà mỗi người đã tự chọn, đã mua vé sẵn cho mình.

Do cái định mệnh quan trọng và quyết liệt của lịch sử nhân loại, và cũng do cái tính cách đời đời của chuyến tầu định mệnh như thế, mà việc con người và từng người chuẩn bị đón tiếp Đấng sẽ đến giúp chúng ta và giải thoát chúng ta để đem chúng ta về miền “Đất Hứa”, là một hành động không những vui mừng, hy vọng mà còn rất cần thiết nữa. Trong những ngày sống trong các trại tỵ nạn ở Phi, Mã Lai, Nam Dương hay Thái. Chuyến tầu đưa chúng ta khỏi trại để đi vào những miền đất đệ tam quốc gia – miền đất hứa – là những chuyến tầu hết sức vui mừng. Những người ra bến hôm đó không những vui vì được thoát khỏi những ngày lầm than và rất vất vả nơi các trại định cư tạm dung này, mà còn hân hoan nghĩ đến một tương lai sáng lạn. Và đó là lý do khi gần đến ngày, hay khi có tin mình sẽ được rời trại, ai cũng hớn hở vui mừng.

Chúa đến để giải thoát chúng ta khỏi phải sống trong trại tập trung, trại tỵ nạn của Satan. Vì trước khi Ngài xuất hiện, trước khi con tầu lịch sử khởi động và chuyển bánh, loài người và từng người chúng ta vẫn sống trong cảnh u minh của miền đất kẻ chết. Tiên Tri Isaia đã diễn tả về hoàn cảnh con người thiếu vắng Chúa và sự mong mỏi được nhìn thấy Đấng giải thoát mình: “Chúng tôi luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi. Tất cả chúng tôi đều đầy vết nhơ và công nghiệp chúng tôi đều như chiếc áo dơ bẩn. Và không ai còn kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng tôi nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng tôi cho quyền lực tội lỗi” (Is 64:5-6). Nhưng khi Chúa Cứu Thế giáng trần, mọi sự đều ra khác. Thánh Phaolô viết: “Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: Ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra” (I Cor 1: 6-7).

Ngài đã tỏ mình ra qua hình hài một trẻ thơ. Ngài được sinh ra trong hang bò lừa tại miền đồng quê Belem vào một đêm đông lạnh giá. Lịch sử đã nói về biến cố này hơn 2000 năm trước. Rất tiếc, mặc nhân loại và cả dân tộc được Ngài tuyển chọn là dân Do Thái, sau những năm dài chờ đợi, kêu khấn nhưng đến lúc Ngài xuất hiện thì đã không ai để ý tới, ngoại trừ một vài mục đồng nghèo khó.

Điều xem như nghịch lý đó là thái độ đón tiếp và lòng ao ước được đón tiếp của con người hoàn toàn khác nhau. Người ta khóc lóc, kêu van, và khẩn nài Ngài đến, nhưng đến khi Ngài đến, mọi người đều như không ai thèm để ý. Con người ngày nay cũng có cùng một tâm thức và lối hành động như vậy. 4 tuần lễ chuẩn bị mừng biến cố giáng trần của Chúa Cứu Thế là 4 tuần của may sắm, mua bán, quà cáp. Chọn những tấm thiệp Giáng Sinh thật đẹp, thật ý nghĩa. Mua những món quà Giáng Sinh qúiù giá và đắt tiền. Chuẩn bị mời họ hàng, bạn bè mở tiệc Giáng Sinh, để rồi chính Đấng là tâm điểm của Giáng Sinh, là trung tâm lịch sử Giáng Trần và lịch sử đời mình thì không mấy để ý tới. Và chính vì thế, Ngài cũng chả còn chỗ nào hơn để hạ sinh, ngoài cái chuồng bò và hang đá lạnh tăm.

Chúa đến. Chuẩn bị mừng ngày Chúa đến. Tôi đã nghe câu nói này. Tôi đã nói câu nói này. Và tôi đã đọc câu nói này nhiều lần. Thế mà xem như Chúa vẫn chưa phải là trung tâm lịch sử của cuộc đời tôi. Ngài vẫn chưa phải là đối tượng của những mơ ước mà tôi hằng mong đợi. Vì thế nên nếu Thánh Giuse và Mẹ Maria có đến mà gõ cửa nhà tôi hôm nay, chưa chắc tôi đã có một góc nhỏ trong căn nhà tâm hồn tôi để đón tiếp các Ngài. Tôi đang ở đâu? Tôi làm gì? Tôi nói gì? Tôi nghĩ gì? Tôi liệu có muốn thưa với Ngài lời mà mọi người đã thưa khi đứng trước ngai của Ngài trong ngày chung thẩm: “Lậy Chúa có khi nào chúng tôi thấy Chúa...đâu?” hay không.

Tóm lại, quà cáp, thiệp mừng. Chuẩn bị này khác. Tất cả những cái đó phải nói lên một ý nghĩa sau cùng là Chúa Giêsu phải là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ nhân loại, và lịch sử cứu độ của đời tôi. Đây mới là điều tôi cần phải ý thức, để làm một điều gì cho việc chuẩn bị đón mừng biến cố Giáng Trần của Ngài. Một việc chuẩn bị đón tiếp bằng việc thực thi bác ái, bằng lòng quảng đại giúp đỡ tha nhân, những người cùng khổ. Và bằng tấm lòng khiêm cung, sẵn sàng chừa bỏ hoặc đoạn tuyệt với những gì mà tôi cho rằng đang làm ngãng trở mối giây hiệp thông ân tình của tôi với Ngài, vì Ngài phải là trung tâm điểm và trung tâm lịch sử của đời tôi. Là Emmanuel ở giữa tôi và trong cuộc đời của tôi.

T.s. Trần Quang Huy Khanh

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)