dongcong.net
 
 


Suy niệm : Trầm Thiên Thu

CHUYỆN LẠ – QUEN
(Chúa nhật XIV TN, năm B-2018)

Người ta nói: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Dạ là bề trong, áo là bề ngoài. Quen nhau càng lâu thì người ta càng biết tính nhau, ai thẳng ai cong cũng thể hiện phần nào (chứ chẳng bao giờ hiểu hết nhau). Sợ hay không là ở “điểm” đó. Còn với người lạ (hoặc chưa quen), người ta thường nhìn vào bề ngoài mà “đánh giá” – dù biết rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu” hoặc “tốt danh hơn lành áo”. Nhưng con người là thế, ít nhiều cũng bị chi phối bởi ngoại tại. Do đó mà người ta sẵn sàng mua danh, mua tước, thích vênh vang khoe mẽ, ỷ lại. Thậm chí có kẻ còn ngông tới mức “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”.

Trong cuộc sống, khi đề cập vấn đề “không hay”, người ta thường nói: “Đèn nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”. Và chúng ta cũng nghe nói: “Giòi từ trong xương giòi ra”. Nghĩa là người ngoài có biết “chuyện kín” của gia đình thì cũng do chính các thành viên trong gia đình đó “xì” ra. Chứ đèn trong nhà chưa tỏ làm sao ngoài ngõ đã hay? Không nói ra thì chẳng ai bảo mình câm, nhưng nói ra rồi thì rõ mười mươi, mà những kẻ “nói như sáo” thường là những “chiếc thùng rỗng” to lớn – ngày nay gọi là “ngu chảnh”. Kinh Thánh xác định: “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả” (Cn 18:21).

Sự khôn – dại khác xa nhau: “Dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi” (Gv 7:4). Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) nói: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao” (thi phẩm Cảnh Nhàn). Và còn hơn thế nữa, tác giả sách Giảng Viên cho biết: “Trong cuộc đời phù du của tôi, tôi đã thấy hết cả: có người công chính bị tiêu vong dầu đã sống công chính, có kẻ gian ác lại được sống lâu dầu đã làm điều ác” (Gv 7:15). Nhiêu khê quá! Chuyện đời thường có những chuyện rất bình thường nhưng cũng… rất khác thường, có loại nghịch-lý-thuận và thuận-lý-nghịch mà trí tuệ phàm nhân thô thiển không thể hiểu hết!

Ngày xưa, một thần khí đã nhập vào ngôn sứ Êdêkien đúng như lời Chúa phán với ông và làm cho chân ông đứng vững, y như lời Chúa đã báo trước: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây” (Ed 2:1). Ngài gọi ông là “con người”. Và Ngài chỉ nói thôi mà con người phải chuẩn bị tinh thần trước kẻo run sợ. Thiên Chúa phán với ông: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay” (Ed 2:3).

Chính “dân phản nghịch” đó cũng là chúng ta ngày nay. Thiên Chúa gọi chúng ta là “những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá”, và chính Thiên Chúa sai Tiên tri Êdêkien đến thông báo cho dân chúng biết những lời “Đức Chúa là Chúa Thượng phán dạy”. Thiên Chúa nói: “Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2:5). Ngài hoàn toàn cho chúng ta tự do, nghe hay không là tùy ý, nhưng vẫn phải nhận biết những “dấu chỉ” mà Ngài cho phép xuất hiện, đôi khi các “dấu chỉ” đó rất bình thường nên chúng ta dễ coi thường và bỏ qua. Thiên Chúa không muốn cầu kỳ, Ngài muốn giản dị để chúng ta dễ hiểu.

Thế nhưng chúng ta lại chỉ là loài phàm phu tục tử, đôi khi có mắt mà như không tròng, mặc dù hằng ngày chúng ta vẫn “ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời” (Tv 123:1), và “như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Ngài xót thương chút phận” (Tv 123:2). Rất tha thiết khi cầu xin cho chính mình. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại ích kỷ ngay trong lúc cầu nguyện. Thế mới chết. Đúng như Kinh Thánh đã xác định: “Vàng bạc trân châu: nhiều vô kể, miệng lưỡi thông thái: thật hiếm hoi!” (Cn 20:15). Không hề đơn giản!

Không đơn giản có thể là bình thường, mà cũng có thể là phức tạp. Thông thái không phải để làm chuyện to, việc lớn, mà là để nhận biết Thiên Chúa: “Xin cho con được trí thông minh, để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ. Xin ban trí thông minh, để con được am tường thánh ý” (Tv 119:34 và 125). Quả thật, không có Chúa thì chúng ta chẳng làm được trò trống gì (x. Ga 15:5). Mà ai trong chúng ta có làm được gì “khác” hoặc (có vẻ) “hơn” người một chút thì cũng chẳng được người khác công nhận, thậm chí còn bị ghen ghét và bị miệt thị. Tệ hại thay là người đó còn bị chính thân nhân và bạn bè xa lánh. Cuộc sống đời thường cho chúng ta thấy có những người khi “ra ngoài” thì được nhiều người khâm phục và ca tụng, nhưng khi về quê nhà thì bị dân làng và người thân nhìn bằng nửa con mắt. Thế cũng may lắm rồi, chứ người đó còn bị chê trách và xa lánh nữa kìa!

Là con người bình thường với đầy đủ thất tình (bảy cảm xúc của con người: Hỉ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục), tất nhiên họ cũng không thoát khỏi những lúc cô đơn và u buồn não lòng, thậm chí họ cũng chẳng dám làm gì thêm. Thế nên họ chỉ còn biết đêm ngày than thở với Chúa: “Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi chúng con bị khinh miệt ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng” (Tv 123:3-4). Cuộc đời vẫn có những nghịch lý không thể giải thích, như tác giả sách Giảng Viên tâm sự: “Trong cuộc đời phù du của tôi, tôi đã thấy hết cả: có người công chính bị tiêu vong dầu đã sống công chính, có kẻ gian ác lại được sống lâu dầu đã làm điều ác” (Gv 7:15).

Phàm nhân yếu đuối – vì YẾU mà hóa ĐUỐI. Vậy mà con người vẫn thường tỏ ra kiêu căng và tự mãn, trong khi kiêu ngạo chính là “mối tội” hàng đầu trong bảy mối tội. Người ta dễ ảo tưởng và kiêu ngạo hơn nếu có được chút tài năng nào đó bẩm sinh (thiên phú, thiên bẩm, chứ chưa hẳn là thiên tài), mà quên rằng đó là nhờ ơn Chúa, vì họ cứ tưởng mình hơn người, là “cái rốn” của vũ trụ, là niềm mơ ước của người khác. Vì thế, rất cần liệu pháp để chữa kiêu ngạo, đó là đức khiêm nhường: “Khiêm nhường chớ kiêu ngạo” (Kinh “Cải Tội Bảy Mối”).

Liên quan động thái kiêu ngạo, Thánh Phaolô tâm sự: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12:7). Chính thánh nhân tự thú: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này” (2 Cr 12:8). Nhưng Chúa vẫn “làm ngơ”, và còn quả quyết với thánh nhân: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9a).

Thật kỳ lạ: Mạnh mà hóa yếu; yếu mà lại mạnh. Thiên Chúa luôn có những kiểu “ngược đời” hoàn toàn khác phàm nhân chúng ta. Khả dĩ cảm nhận sâu sắc điều đó, Thánh Phaolô chia sẻ: “Tôi rất VUI MỪNG và TỰ HÀO vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12:9b). Và ông còn hãnh diện cho biết thêm: “Tôi cảm thấy VUI SƯỚNG khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:7-10). Cuộc sống có nhiều thứ tưởng chừng là nghịch lý mà lại thuận lý, “khôn – dại” là một trong các dạng đó: “Dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi” (Gv 7:4)

Kinh Thánh cho biết rằng có một dịp Chúa Giêsu cùng các môn đệ về thăm Nadarét (Mc 6:1-6; Mt 13: 53-58; Lc 4:16-30). Đó là “nơi chôn nhau cắt rốn”, quê quán của Ngài. Đến ngày sa-bát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên về những lời nói khôn ngoan của Ngài, cho nên họ bàn tán: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6:2). Họ hỏi nhau vậy vì họ không muốn tin vào những gì họ chứng kiến tỏ tường, vả lại họ biết tỏng Chàng Giêsu kia là ai. Còn ai trồng khoai đất này nữa? Đúng vậy, Chàng Giêsu chỉ là con trai Bác thợ mộc Giuse và Cô Maria, gia đình nghèo rớt mồng tơi, ai mà không biết, cũng là anh em họ của mấy anh chàng tên Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn, cũng là anh chị em với bà con lối xóm chứ chẳng ai xa lạ. Quen mà!

Ôi chao, thế thì làm sao mà tin được, làm sao mà coi trọng được, làm sao mà tâm phục khẩu phục khi Chàng Giêsu đã từng sống ở cái làng Nadarét nhỏ bé, từng làm mộc với Bác Giuse, và từng chơi đùa với họ chứ? Vì thế, họ dè bỉu Ngài, khinh miệt Ngài, đến nỗi Ngài đã không thể làm được phép lạ nào tại đó (Mc 6:5). Quen quá hóa lờn, phàm nhân tồi tệ vì định kiến là thế. Do đó có những người đã “vấp ngã vì Ngài” (Mc 6:3).

Ngài “đi guốc” trong bụng họ và biết tỏng họ đang nghĩ gì nên Ngài nói thẳng với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Cách nói nhẹ nhàng mà thâm thúy quá, xoáy vào tận đáy lòng sâu thẳm của mọi người. Chuyện đời thường như thế và vẫn hằng ngày xảy ra khắp nơi, từ thôn quê tới thành thị, từ người nhỏ tới người lớn, từ thường nhân tới người có chức tước, từ người ít chữ tới người nhiều chữ, từ người đời tới người có niềm tin tôn giáo,… Người ta vẫn thường nhìn nhau bằng những “ánh mắt mang hình viên đạn”, dành cho nhau những lời nói “sắc như dao cau”, với những ánh mắt “giết người không cần dao”,… Một phần cũng là kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, đồng thời cũng chỉ vì định kiến, nếp nghĩ thiển cận và cổ hũ.

Cuối cùng, Thánh Mác-cô xác định: “Ngài đã không thể làm được phép lạ nào tại đó, chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6:5). Về quê mà chẳng vui gì! Chúa Giêsu còn “bó tay” trước động thái của những người đồng hương huống chi chúng ta, những người không đáng xách dép cho Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do của con người, dù họ nghĩ xấu về Ngài.

Vốn dĩ xưa nay vẫn thế, thời nào cũng vậy, nhưng có lẽ ngày nay người ta coi trọng bề ngoài và “ưa xét” về vật chất hơn. Người nghèo nói chẳng ai nghe, có nói đúng cũng hóa sai; người giàu nói gì cũng được lắng nghe, có nói sai cũng hóa đúng. Kinh Thánh nói sự thật phũ phàng: “Trí khôn ngoan hơn cả sức mạnh, nhưng cái khôn của người nghèo lại bị khinh dể, lời người ấy nói chẳng ai chịu lắng nghe” (Gv 9:16). Tục ngữ Việt Nam ví von: “Cả vú lấp miệng em”. Người giàu có thể biến đen thành trắng, có tội thành vô tội, thậm chí có thể mua chuộc cả công lý. Có thể nghèo không là tội nhưng lại là “cái vạ” – và cũng là “cái họa”. Tục ngữ Việt Nam so sánh: “Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”. Một sự thật quá phũ phàng vẫn xảy ra trong xã hội loài người!

Chắc chắn có một sự thật minh nhiên: Chúa Giêsu nói đúng và làm hay, nhưng chỉ vì “cái nghèo” nên Ngài không được người ta nghe lời, thậm chí còn bị ném đá, rồi bị kết án tử và chịu chết nhục nhã trên thập giá. Chính Ngài cũng ngạc nhiên khi thấy “họ không tin” (Mc 6:6). Chúng ta là môn sinh, là tôi tớ, là bụi tro, là tội nhân,… tất nhiên cũng không thoát khỏi sự khinh ghét của người khác. Âu cũng là lẽ thường của thế thái nhân tình!

Lạy Thiên Chúa, chúng con chẳng khác loại “bom nổ chậm” có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, xin giúp chúng con biết chân nhận tài năng và công sức của người khác, đừng bao giờ ghen tỵ hoặc mưu hại người khác. Lạy Đấng chí thánh, xin giúp chúng con luôn biết sống khiêm nhường và yêu thương, tất cả chỉ để tôn vinh Ngài mà thôi, đồng thời giúp chúng con đừng bao giờ tỏ ra kiêu căng tự mãn – dù chỉ là một thoáng trong ý nghĩ. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

SUY DIỄN

Con người là sinh vật cấp cao, hơn các động vật là có khối óc biết suy nghĩ. Phương pháp suy diễn là suy luận từ cái chung tới cái riêng, phương pháp quy nạp là suy luận từ cái riêng đến cái chung. Cách suy diễn có thể tốt hay xấu, ích lợi hoặc bất lợi. Không nên suy diễn lung tung, tùy hứng, hoặc theo định kiến riêng tư.

Không vồn vã với ai và không dửng dưng khinh người, cứ tự nhiên, thoải mái. Đó là cách xử sự không mấy người có được, bởi vì người ta thường thích nịnh bợ nhau. Thản nhiên là phong cách độc đáo và cần thiết, nhưng không dễ thể hiện, phải có đủ sâu sắc nội tâm mới toát ra ngoài.

Nhìn những người thản nhiên có vẻ rất lạnh lùng, người khác cảm thấy không thích. Họ là người bình tĩnh, điềm đạm, có thể làm chủ mọi tình huống và có thể tự kiềm chế bản thân. Họ vừa “tự động” vừa “chủ động,” chứ không “bị động” hoặc “thụ động.” Phong cách “cứ là chính mình” không phải ai cũng làm được – tức là không xu nịnh hoặc tâng bốc bất cứ ai, cũng không áp chế ai. Đó là “cái dũng của thánh nhân” – theo cách gọi của người xưa.

Những người thản nhiên không bao giờ vui quá hoặc buồn quá, trầm tư nên ít nói vậy thôi. Nhưng người ta cứ suy diễn rồi cho rằng họ tự kiêu, ra vẻ, chảnh, khinh người, lạnh như tiền,... Họ bị hiểu lầm và bị kết án oan.

Tín nhân, cuộc đời luôn mang tính thực tế, và có những dạng thực tế buồn. Chẳng hạn, một người bình thường, không thấy có gì nổi trội, nhất là khi người đó xuất thân từ một gia đình không danh giá, nghèo nàn, ít học,... thế mà bỗng nhiên làm được những việc khác người. Mặc dù vậy cũng chẳng ai tin. Xưa nay vẫn thế. Đó là một dạng “hàm oan,” một trong các dạng thực-tế-buồn thường thấy nhất. Người giỏi luôn thản nhiên, không cần biết người ta nghĩ gì về mình. Cuộc sống có một triết-lý-sống thú vị: Chỉ có người giỏi mới nhận ra và công nhận sự thông minh ở người khác.

Ngày xưa, khi về quê hương, Chúa Giêsu cũng “bó tay” và phải thốt lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4; Mt 13:57; Lc 4:24) Con người là thế, họ muốn thách thức với ngụ ý như câu tục ngữ: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình!” (Lc 4:23) Con gà tức nhau tiếng gáy. Những người ghét mình, chẳng ai đâu xa lạ, họ chính là những người thân quen nhất. Sự thật quá phũ phàng và đáng buồn. Chúa Giêsu luôn làm điều tốt mà vẫn bị người ta ghen ghét.

Người ta thường nói: “Đời là thế!” Chúa Giêsu còn phải “lắc đầu” thì phàm nhân chẳng còn cách nào khác. Môi miệng nói lời ngon ngọt vì cái lưỡi chứa đầy nọc độc. Kể cũng lạ, mình không làm được thì thôi, người khác làm được thì sao lại ghét? Nhóm Pharisêu, nhóm Sađốc, các kinh sư, các nhà thông luật, các tư tế,… là “siêu nhân” như vậy, nhiều lần họ bị Chúa Giêsu thẳng thắn nguyền rủa là đồ khốn, là mãng xà.

Người yếu thì sợ gió. Khi thấy mình bị đối xử bất công, những người hèn hạ sẽ tức giận, kẻ nhát đảm có thể “vào hùa” với họ để được an thân, trở thành hèn hạ như họ. Muốn giữ lập trường của mình thì phải phân định đúng đắn, phải đủ can đảm hành động. Ngôn sứ Êdêkien bộc bạch: “Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng. Người phán với tôi: Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay.” (Ed 2:2-3) Dám ăn nói với dân ngang ngược như vậy, chắc chắn ngôn sứ Êdêkien phải can đảm lắm. Nhờ ơn Chúa, người chính trực không sợ hãi gì.

Quả thật, họ là dân “anh chị” thứ thiệt chứ không phải là dân vừa: “Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: ‘Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này.’ Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.” (Ed 2:4-5) Ngôn sứ Êdêkien vẫn thản nhiên, không hề sợ hãi. Thiên Chúa có phong cách rất độc đáo, Ngài không ép buộc mà cho họ tùy ý, nghe hay không nghe là quyền tự do của họ. Nhưng chắc chắn sẽ có hệ lụy kéo theo: “Ta sẽ căn cứ vào lối sống của chúng mà hạch tội.” (Ed 11:21)

Những người sống thẳng thắn thì thường thua thiệt, bị ghen ghét. Là con người, họ cũng buồn lắm, nhưng họ không thể “gió chiều nào ngả theo chiều nấy.” Và họ chỉ còn biết tâm sự nỗi lòng với Đấng mà họ luôn tôn thờ và tín thác: “Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời. Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt con cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa của con, tới khi Người xót thương chút phận.” (Tv 123:1-2)

Dù có thế nào thì vẫn phải không ngừng cầu nguyện, kết hiệp với Chúa ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng lời cầu xin của họ như không được đáp lại. Tâm can trĩu nặng nỗi buồn. Chắc chắn không phải Thiên Chúa lãng tai hoặc làm ngơ, mà Ngài muốn chính họ xác nhận niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Họ đã từng thất vọng nhiều nhưng họ không tuyệt vọng, vẫn một lòng tín nguyện: “Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi con bị khinh miệt ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng.” (Tv 123:3-4) Thiên Chúa chỉ can thiệp đúng lúc, không sớm và không muộn. Ngài không thể lặng nhìn tôi tớ ngài sa cơ thất thế, gặp nguy hiểm, phải chịu oan uổng. Thật vậy, Thánh Augustinô xác định: “Ngài có đó khi ta tưởng cô đơn, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ.”

Tự tin nhờ hiểu biết. Tự tin là đức tính cần thiết để sống bình an, nhưng tự tin thái quá có thể dẫn tới kiêu ngạo. Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.” (2 Cr 12:7-8a) Ông cho biết: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.” (2 Cr 12:7-8) Ai cũng sợ đau khổ, cả thể lý lẫn tinh thần. Thánh Phaolô cũng “nổi da gà” khi đối mặt với đau khổ, ông năn nỉ Chúa cứu thoát, thế nhưng Chúa có vẻ như làm ngơ, nhưng rồi Ngài nói rõ: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12:7-8b) Thánh ý Thiên Chúa vô cùng mầu nhiệm.

Đúng là “được lời như cởi tấm lòng,” Thánh Phaolô hết sợ, và vui vẻ chia sẻ: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2 Cr 12:9-10) Hoàn toàn đảo ngược thế cờ: Nhược điểm (điểm yếu) hóa thành yếu điểm (điểm mạnh), sở đoản trở nên sở trường. Thật là kỳ diệu!

Phàm nhân khổng thể hiểu kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa. Chính Ngài đã chịu đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, chịu nghèo khó để chúng ta được sung túc, chịu nhục nhã để chúng ta được rạng rỡ, chịu yếu đuối để chúng ta được mạnh mẽ, chịu sỉ nhục để chúng ta được ca ngợi, chịu bị loại bỏ để chúng ta được đón nhận, chịu tan nát để chúng ta được nguyên vẹn,... và cuối cùng, Ngài chịu chết một lần để chúng ta được sống dồi dào và sống mãi.

Một lần nọ, Chúa Giêsu trở về quê hương thăm cha mẹ, cũng có các môn đệ đi theo. Ngày sabát, Ngài giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên nên bàn tán: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6:2) Lý do rất đơn giả và hiển nhiên: Đức Giêsu là con của bác thợ mộc Giuse và Cô Maria, anh em họ với Giacôbê, Giôsết, Giuđa và Simôn, chị em của Ngài là bà con lối xóm với họ. (Mc 6:3) Hoàn toàn bình thường, chẳng có gì nổi trội. Họ đã vấp ngã vì Ngài với lý do rất bình thường. Người ta không đủ hiểu để phân biệt sự khác nhau giữa điều bình thường và điều tầm thường. Điều bình thường nhưng chưa chắc là tầm thường, mà có thể là phi thường. Cuộc đời nhiều vị thánh đã chứng tỏ quy trình lạ lùng như vậy.

Nhưng rồi cái gì đến sẽ đến. Đời là thế! Và Đức Giêsu đưa ra một kết luận tất yếu: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4) Đáng sợ thật, nhưng nếu có thể nhận ra và xác định như vậy thì không đáng sợ nữa. Thánh Máccô cho biết rằng hôm đó Chúa Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào tại đó, mà chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ, chính Ngài cũng lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 6:5-6) Sự thật quá phũ phàng!

Chúa Giêsu không suy diễn, không quan ngại, không nao núng. Nhưng người ta lại cứ suy diễn nên có lối đối xử không hay – với Chúa và với nhau. Đừng suy bụng ta ra bụng người!

Lạy Thiên Chúa, xin ban ơn thông tuệ và khôn ngoan, xin giúp con hiểu biết và phân định đúng đắn, để con đủ nhận thức và ý thức những gì cần thiết theo ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

BÍ QUYẾT YÊU MẾN KINH THÁNH

Cuối tháng Chín hàng năm, Giáo hội kính nhớ Thánh tiến sĩ Giêrônimô, bổn mạng các dịch giả. Ngài sinh ra không là thánh ngay, ngài có tính nóng này và gay gắt nên nhiều người không ưa, ngài còn bị cám dỗ dữ dội về đức khiết tịnh nên ngài chiến đấu bằng cách cầu nguyện và ăn chay nhiều.

Mặc dù khuyết điểm về tính khí và thường xuyên bị kẻ thù tấn công, ngài vẫn là người thông minh xuất chúng, đam mê nghiên cứu, nhất là say mê Lời Chúa.

Giáo Hội rất biết ơn Thánh Giêrônimô, đặc biệt về lòng yêu mến Lời Chúa và tác phẩm nghiên cứu của ngài. Có điều quan trọng là ngài đã hoàn tất bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin – chúng ta gọi là “Vulgate” (bản phổ thông), và từ bản phổ thông này, Kinh Thánh đã tiếp tục được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ khác – tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Việt,...  Kinh Thánh là sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất, khoảng 2.500 ngôn ngữ. Tất cả đều nhờ công việc khóc nhọc của Thánh Giêrônimô.

Công Đồng Vatican II đã xuất bản bốn Hiến chế về Tín lý, bốn cột trụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay: Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh), Gaudium et Spes (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội), Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) và Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) – đề cập sự mặc khải và Lời Chúa. Thánh Giêrônimô nổi tiếng với câu nói này: “KHÔNG BIẾT Kinh Thánh là KHÔNG BIẾT Đức Kitô – IGNORANCE of Sacred Scripture is IGNORANCE of Christ”.

Đúng vậy! Nếu chúng ta không đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các Phúc Âm, chúng ta không thể biết Chúa Giêsu là ai, không biết Ngài thì không thể yêu mến Ngài, do đó mà khó có thể đi theo Ngài và làm môn đệ của Ngài. Vì thế, chúng ta phải dành cho Chúa tâm hồn mình, yêu mến và quý trọng Lời Chúa, bằng cách thực hiện ít nhất vài điều trong số các điều này:

1. SỞ HỮU KINH THÁNH – Kinh Thánh có nhiều cuốn và đa dạng, nhưng bạn nên có được cuốn Kinh Thánh của Giáo Hội Công giáo. Với điện thoại thông minh, bạn có thể sử dụng các Apps liên quan Kinh Thánh, nhưng phải cẩn trọng và chọn đúng Kinh Thánh Công giáo!

2. TRAO TẶNG KINH THÁNH – Các dịp đám cưới, sinh nhật, kỷ niệm ngày rửa tội, thêm sức, ngân khánh, kim khánh,... Thật là rất ý nghĩa nếu chúng ta tặng nhau một cuốn Kinh Thánh.

3. YÊU MẾN KINH THÁNH – Hãy đặt cuốn Kinh Thánh ở nơi trang trọng, đừng bao giờ bất kính. Điều đó có nghĩa là đừng bao giờ để sách Kinh Thánh ở nơi bất xứng – để trên nền nhà, ghế ngồi,... Kinh Thánh là Lời Chúa, chúng ta phải nâng niu, trân quý.

4. ĐỌC VÀ SUY NIỆM – Kinh Thánh không là phần trang trí hoặc bộ sưu tập của lễ Giáng Sinh, cũng chẳng là vật kỷ niệm. Kinh Thánh là để đọc và suy niệm không ngừng. Hãy khắc dạ ghi tâm lời Thánh Vịnh: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2). Ước gì chúng ta cũng thích đọc Kinh Thánh và suy niệm Lời Chúa suốt ngày đêm!

5. GHI NHỚ NHỮNG CÂU QUAN TRỌNG – Chúa Giêsu là gương mẫu của chúng ta! Ngài ăn chay 40 đêm ngày, ma quỷ cám dỗ Ngài. Cơn cám dỗ thứ nhất nó xúi giục Chúa Giêsu biến đá thành bánh mà ăn. Ngài nói thẳng với nó: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4).

6. BẢO VỆ ĐỨC TIN BẰNG LỜI CHÚA – Thánh Phaolô nói rằng Lời Chúa như gươm hai lưỡi tách xương và tủy. Ngài có ý nói rằng Lời Chúa mạnh mẽ, nên được dùng làm linh khí để chiến đấu với Satan và đồng bọn của nó – những kẻ dối trá. Hãy đọc Thánh Thomas Aquinô với Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) và cách ngài bảo vệ tín lý dựa vào Lời Chúa.

7. THÁNH LỄ VÀ LỜI CHÚA – Hãy tham dự Thánh Lễ hằng ngày – cách cầu nguyện tuyệt vời nhất trên thế gian này! Hiến chế Sacrosanctum Concilium giải thích về Thánh Lễ và Phụng Vụ, cho biết rằng có hai bàn tiệc nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh Lễ: Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể. Hãy tham dự Thánh Lễ – thực sự là Bàn Tiệc Nước Trời!

8. LINH THAO VÀ LỜI CHÚA – Khi có cơ hội, cố gắng sống theo cách Linh Thao (Spiritual Exercises) của Thánh Inhaxiô Loyola. Có thể đó là cuộc tĩnh tâm một tháng, tám ngày, hoặc một tuần, hoặc ngay hôm nay, tĩnh tâm giữa đời thường, có thể kéo dài sáu tháng hoặc một năm, cùng với một vị linh hướng. Phương pháp Linh Thao của Thánh Inhaxiô Loyola là cách suy niệm hoặc chiêm niệm Lời Chúa. Hãy thử và bạn sẽ không bao giờ hối tiếc!

9. ĐỨC MẸ VÀ LỜI CHÚA – Khi cố gắng phát triển lòng yêu mến đối với Lời Chúa, đừng quên đến với Đức Trinh Nữ Maria, vì chính Đức Mẹ đã cưu mang Ngôi-Lời-hóa-thành-nhục-thể trong cung lòng 9 tháng. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ đã suy niệm Lời Chúa trong Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Sau khi các mục đồng đến kính viếng Hài Nhi, Đức Mẹ hoàn toàn im lặng: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Cầu xin Đức Mẹ thêm sức cho chúng ta làm được như vậy – suy niệm Lời Chúa bằng cách đọc Kinh Thánh, cầu nguyện bằng Kinh Thánh, thấm nhuần Kinh Thánh và noi gương Đức Mẹ sống Lời Chúa!

LM ED BROOM, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Lễ Thánh Thomas Tông Đồ, 3-7-2018

ĐÓI – NO

[Niệm khúc Mt 9:9-13 ≈ Mc 2:13-17; Lc 5:27-32]

Làm người, sống phải ăn luôn
Thiếu ăn thì yếu, không ăn chết liền
Mỗi ngày ba bữa chẳng quên
Ăn thêm bữa dặm, liên miên cả ngày
Bởi vì cái bụng reo hoài
Ăn nay mà lại lo mai, cả đời...
Kế sinh nhai mệt rã rời
Khóc nhiều chứ mấy khi cười vui đâu
Đói lòng đáng sợ biết bao
Vì ăn mà chịu khổ đau cả đời
Chiến tranh cũng bởi vậy thôi
Dám giết hại người vì lợi cá nhân
Nhưng còn cái đói sợ hơn
Không là khát nước, đói cơm hằng ngày
Mà là phải chịu quắt quay
Khát khao Lời Chúa suốt ngày suốt đêm (1)
No thân cũng phải no hồn
Thần Lương Lời Chúa mới cần biết bao! (2)
Cũng như người khỏe, kẻ đau
Hỏi ai cần thầy thuốc nhiều hơn ai?
Chúa mời gọi hãy theo Ngài
Hỏi ai mau mắn hơn ai, hỡi người?
Chúa đâu cần nói nhiều lời
Đừng dâng lễ tế mà cười tha nhân
Hoa thơm, lễ tốt, không cần
Mà Ngài chỉ muốn lòng nhân chân thành
Đừng lo lắm chuyện loanh quanh
Chiên lạc lại đành bỏ mặc hay sao?
Tình ca bác ái, thương yêu
Một và Chín Chín – nốt cao, nốt trầm (3)
Ước gì suốt cả ngày đêm
Danh Ngài luôn cố gắng tìm không ngơi (4)
Ý Ngài và huấn lệnh Ngài
Tìm kiếm miệt mài và quyết xin vâng (5)
Thế gian bao kẻ đói lòng
Đói hồn, đói xác, đáng thương vô cùng!
Xin thương, lạy Chúa muôn trùng
Ban cho họ được no lòng, sống vui

TRẦM THIÊN THU
Chiều 5-7-2018

(1) Am 8:11 – “Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa”.

(2) Mt 4:4 – “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

(3) Mt 18:12-14; Lc 15:4-7 – Dụ ngôn “Con Chiên Lạc”.

(4) Tv 119:2, 10 – Hết dạ tìm kiếm Ngài.

(5) Tv 119:20, 30, 40, 131 – Khao khát huấn lệnh Ngài.

BỊ KHAI TRỪ
[Niệm khúc Mc 6:1-6 ≈ Mt 13:53-58; Lc 4:16-30]

Về quê mà bị khai trừ
Người quen ghét bỏ, người nhà chẳng ưa
Vừa buồn vừa khổ có thừa
Chúa còn bị vậy từ xa xưa rồi!
Người đời vẫn vậy mà thôi
Vốn là bản tính chẳng dời được đâu!
Người ta có tính tự kiêu
Chẳng bao giờ muốn ai cao hơn mình
Thấy ai ngu dốt thì khinh
Ghét ai học giỏi, thông minh, có tài
Nhìn ai cũng thấy cái gai
Cố tìm cách triệt hạ ngay tức thì
Chỉ vì lý luận quanh co
Nên xa cách Chúa, khinh chê mọi người (*)
Chúa còn bị trách chê hoài
Phàm nhân chẳng thoát ra ngoài luật đâu
Nghĩa là cũng bị chê nhiều
Mặc dù làm được những điều rất hay

TRẦM THIÊN THU
Đêm 4-7-2018
(*) Kn 1:3a – “Những lý luận quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa”.

KHUYẾN CÁO HÔM NAY
[Tâm khúc Am 5:14-15, 21-24]

Tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ
Rồi các ngươi sẽ được sống an bình
Chính Đức Chúa là Chúa các đạo binh
Sẽ ở cùng các ngươi, như đã nói

Ghét điều dữ, chuộng điều lành, tránh tội
Hãy thiết lập công lý chốn cửa công
Biết đâu rằng Thiên Chúa dủ lòng thương
Đổi quyết định mà không còn trừng phạt

Các lễ lạt, Thiên Chúa đã chán ghét
Các hội hè, Ngài cũng chẳng thích chi
Đừng vẽ vời những hình thức rườm rà
Đó là cách giấu nội tâm nông cạn

Những lễ vật dâng lên, Chúa không nhận
Dẫu của ngon, vật lạ, rất tốt tươi
Hãy dẹp bỏ kiểu hát theo thói đời
Chúa chẳng nghe những tiếng đàn trần tục

Chúa chỉ muốn cho lẽ phải, sự thật
Phải tuôn trào như thác đổ, suối reo
Cho công lý nên khúc hát ngọt ngào
Tựa dòng suối chảy đêm ngày không cạn

Lời tạ ơn làm danh Chúa vinh hiển
Ơn cứu độ dành cho ai thiện toàn (1)
Ngày hôm nay, nếu nghe lệnh Chúa truyền
Đừng cứng lòng, hãy quyết tâm sám hối!

TRẦM THIÊN THU

Chiều 3-7-2018
(1) Tv 50:23 – “Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ sẽ làm hiển danh Ta. Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời”.
(2) Tv 95:7-8 – “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!”.

BẠI LIỆT
[Mt 9:1-8 ≈ Mc 2:1-12; Lc 5:17-26]

Bệnh nhân liệt được người ta khiêng đến
Để Chúa thương mà chữa họ lành ngay
Đức Giêsu bảo bệnh nhân thế này:
“Cứ yên tâm, con đã được tha tội!”

Mấy kinh sư khó chịu nên liền nói:
“Ông này nói phạm thượng quá đi thôi”
Chúa Giêsu thản nhiên nói và cười:
“Sao các ông lại nghĩ xấu như vậy?”

Chúa nói rằng: “Một là bảo đứng dậy
Hai là bảo tội đã được tha rồi
Cách nào dễ, quý vị nói nghe coi?
Nhưng Con Người có toàn quyền tha tội”

Mấy kinh sư nhìn nhau mà không nói
Bởi vì họ không thể chứng minh gì
Chúa nói: “Thôi, dậy vác chõng mà về”
Người bại liệt khỏi bệnh, thật vui sướng!

Thấy như vậy, dân chúng như hốt hoảng
Lòng sợ hãi mà cũng thấy vui mừng
Họ cùng nhau tôn vinh Chúa muôn trùng
Đã thương ban người quyền năng như thế

Lạy Thiên Chúa, đời con cũng tàn tạ
Sống bại liệt mà hợm hĩnh “ta đây”
Óc thiển cận, nghĩ chẳng quá gang tay
Dám khinh người và ngông nghênh ỷ lại

Lạy Thiên Chúa, con biết mình ngu dại
Xin biến đổi và thương xót chữa lành
Khỏi bại tim và khỏi liệt tâm linh
Lạy Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại!

TRẦM THIÊN THU
Chiều 4-7-2018

TÂM SỰ ĐÊM KHUYA

Màn đêm buông xuống trần gian
Mặt trời đã khuất, trăng còn ngủ quên
Đất trời phủ kín màu đen
Cầu xin Thiên Chúa thương ban an bình
Một ngày khép lại mong manh
Nhắc rằng nhân thế vòng quanh bụi mờ
Như làn gió nhẹ thoáng qua
Nhân thế chỉ là cát bụi mà thôi
Màn đêm buông xuống thật rồi
Xác hồn phó thác, xin Ngài xót thương

TRẦM THIÊN THU
Đêm 1-7-2018

THẢN NHIÊN

“Ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình” (Ga 4:44 ≈ Mt 13:57; Mc 6:4; Lc 4:24)


Đi xa lâu, muốn về quê

Trước thăm cha mẹ, sau là thân nhân

Tưởng vui mà lại hóa buồn

Bởi vì ai cũng liếc nhìn khinh chê

Một lần Chúa trở về quê

Thăm cha mẹ với kẻ xa, người gần

Thấy Ngài tài giỏi, khôn ngoan

Dân làng thấy lạ nhưng nhìn mỉa mai

Ôi dào, cứ tưởng là ai

Ông này trước đã ở đây chứ gì?

Thế thì chẳng có hay chi

Tên ông ai cũng biết là Giêsu

Maria với Giuse

Gia đình cùng xóm thôi mà, thường thôi!

Nhà nghèo đến rớt mồng tơi

Lao động cả đời chẳng thấy khá hơn

Chúa Giêsu cảm thấy buồn

Bởi vì làng xóm chẳng tin vào Ngài

Nhưng Ngài vẫn chẳng ghét ai

Thản nhiên vì biết xưa nay chuyện đời

Không ưa dưa cũng có dòi

Họ không ưa thích, mặc người ta thôi

Chẳng cần phân tích xa xôi

Về quê thêm nỗi buồn rồi Ngài đi…

Thầy ơi, Thầy rất từ bi

Xin cho con biết quên đi chuyện đời!


TRẦM THIÊN THU

Chúa Nhật XIV TN-B, 8-7-2018

 

 

Phong cách thản nhiên
(Chúa Nhật XIV TN, năm B)


Động thái thản nhiên là một phong cách sống độc đáo – dễ mà khó. Người thản nhiên là người bình tĩnh, điềm đạm, điềm nhiên, có thể làm chủ mọi tình huống và chính mình. Họ là người “tự động” và “chủ động”, chứ không “bị động” hoặc “thụ động”. Phong cách “cứ là chính mình” không phải ai cũng làm được – tức là không xu nịnh, không tâng bốc bất cứ ai, nhưng không đè bẹp ai. Phong cách đó được người xưa gọi là “cái dũng của thánh nhân”.

Người có phong cách thản nhiên không vui quá, cũng không buồn quá. Tuy nhiên, họ thường “bị kết án oan sai” vì người ta không đủ hiểu họ nên cho rằng họ “lạnh như tiền”, khinh người, tự kiêu,...

Cuộc sống luôn mang tính thực tế, thế nhưng lại có những dạng “thực tế buồn”. Một người bình thường, không thấy có gì nổi trội, nhất là khi người đó xuất thân từ một gia đình không uy tín, không danh giá, cha mẹ nghèo, ít học,... thế mà bỗng nhiên làm được điều “khác người”. Tuy nhiên, dù họ có làm được việc gì “hơn người” thì cũng chẳng ai tin. Xã hội là thế. Xưa nay vẫn thế. Đó là một dạng “hàm oan”, một trong các dạng thực-tế-buồn thường thấy nhất. Nhưng kinh nghiệm cho thấy một triết-lý-sống thú vị: Chỉ có người giỏi mới nhìn thấy cái giỏi của người khác, và công nhận cái giỏi của họ. Người giỏi luôn thản nhiên.

Chính Chúa Giêsu muốn làm tốt mà vẫn bị người ta ghen ghét, Ngài cũng đành “bó tay” khi về quê hương, và Ngài đã phải lắc đầu mà thốt lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4; Mt 13:57; Lc 4:24). Con người là thế, họ muốn thách thức với ngụ ý như câu tục ngữ: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình!” (Lc 4:23). Con gà tức nhau tiếng gáy. Những người ghét mình, chẳng ai đâu xa lạ, họ chính là những người thân quen nhất. Một sự thật quá phũ phàng và đáng buồn biết bao!

Đời là thế! Chúa Giêsu còn phải “lắc đầu” thì phàm nhân chẳng còn cách nào khác. Đúng là “miệng nam-mô, bụng một bồ dao găm”, chẳng sai chút nào. Mà kể cũng lạ, không làm được thì thôi, người khác làm được thì họ lại ghét, họ kèn cựa đủ cách, gièm pha đủ điều, trù dập tới cùng. Nhóm Pha-ri-sêu, nhóm Sa-đốc, các kinh sư, các nhà thông luật, các tư tế,… là loại “siêu nhân” như vậy, và đã bị Chúa Giêsu nhiều lần thẳng thắn nguyền rủa là “đồ khốn”, vì loại người “mỏ nhọn” (nhỏ mọn) như vậy là hèn hạ!

Thấy mình bị đối xử như vậy, những người “yếu bóng vía” sẽ sợ, có thể “vào hùa” với họ để được “bình an”. Muốn duy trì phong cách thản nhiên cần có sự can đảm, vì có can đảm mới khả dĩ hành động. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en bộc bạch: “Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng. Người phán với tôi: Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay” (Ed 2:2-3). Đến ăn nói với dân ngang ngược như vậy, chắc chắn ngôn sứ Ê-dê-ki-en phải can đảm lắm. Lòng can đảm đó chính là ơn Chúa.

Họ là “dân anh chị”, là “đại ca” thứ thiệt chứ không phải là dân vừa: “Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: ‘Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này’. Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2:4-5). Thiên Chúa có phong cách độc đáo là “tùy hỷ”, nghe hay không nghe là tùy ý, không ép.

Những người sống thẳng thắn thì thường thua thiệt, bị ghen ghét. Là con người, họ cũng buồn lắm, nhưng họ không thể “gió chiều nào ngả theo chiều nấy”. Và họ chỉ còn biết tâm sự nỗi lòng với Đấng mà họ luôn tôn thờ và tín thác: “Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời. Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt con cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa của con, tới khi Người xót thương chút phận” (Tv 123:1-2).

Cầu đêm, nguyện ngày, miệt mài kết hiệp với Thiên Chúa ở mọi nơi, mọi lúc, dù họ làm bất cứ việc gì. Nỗi buồn trĩu nặng tâm can, nhưng lời cầu xin của họ như không được đáp lại. Chắc chắn không phải Thiên Chúa lãng tai hoặc làm ngơ, mà Ngài muốn chính họ xác nhận niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Dù nhiều khi thất vọng nhưng họ không tuyệt vọng, họ vẫn một lòng tín nguyện: “Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi con bị khinh miệt ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng” (Tv 123:3-4). Tất nhiên Thiên Chúa sẽ “ra tay” đúng thời, đúng lúc, không sớm mà cũng chẳng muộn. Ngài không thể lặng nhìn tôi tớ ngài sa cơ thất thế, gặp nguy hiểm, phải chịu oan uổng quá sức: “Ngài có đó khi ta tưởng cô đơn, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ” (Thánh Augustinô).

Hiểu biết nhiều giúp tăng thêm tự tin. Tự tin là đức tính cần thiết để sống thản nhiên, nhưng tự tin thái quá có thể dẫn tới kiêu ngạo. Rất lô-gích! Thánh Phaolô tâm sự: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12:7-8a). Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này” (2 Cr 12:7-8). Ai cũng sợ đau khổ, cả thể lý lẫn tinh thần. Thánh Phaolô cũng “nổi da gà” khi đối mặt với đau khổ, ông năn nỉ Chúa cứu thoát, thế nhưng Chúa vẫn tỏ ra như “vô tâm”, và rồi Ngài quả quyết: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:7-8b). Nhiệm mầu quá, lạy Chúa tôi!

Được lời như cởi tấm lòng. Thế thì chẳng còn gì phải lo nữa. Thánh Phaolô phấn khởi chia sẻ: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:9-10). Thế cờ hoàn toàn đảo ngược. Nhược điểm (điểm yếu) trở thành yếu điểm (điểm mạnh), sở đoản trở nên sở trường. Kỳ diệu vô cùng, phàm nhân không thể tưởng tượng nổi!

Thiên Chúa luôn như vậy. Ngài chịu đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, Ngài chịu nghèo khó để chúng ta được giàu có, Ngài chịu nhục nhã để chúng ta được rạng rỡ, Ngài chịu yếu đuối để chúng ta được mạnh mẽ, Ngài chịu chê bai để chúng ta được khen ngợi, Ngài chịu bị loại bỏ để chúng ta được đón nhận,... và cuối cùng, Ngài chịu chết một lần để chúng ta được sống mãi.

Cái gì đến sẽ đến. Đời là thế! Một lần nọ, Chúa Giêsu trở về thăm cha mẹ và xóm làng, cũng có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ bàn tán với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6:2).Lý do rất đơn giả và hiển nhiên: Đức Giêsu làm nghề mộc, là con của bác thợ mộc Giuse, con của Cô Maria, anh em họ với Giacôbê, Giôết, Giuđa và Simôn, chị em của Ngài là bà con lối xóm với họ (Mc 6:3). Hoàn toàn bình thường, chẳng có gì nổi trội. Họ đã vấp ngã vì Ngài với lý do quá đỗi bình thường. Có lẽ người ta không đủ hiểu để phân biệt sự khác nhau giữa điều bình thường và điều tầm thường. Điều bình thường nhưng chưa chắc là điều tầm thường, thậm chí có khi lại là điều phi thường.

Đời là thế! Và Đức Giêsu đưa ra một kết luận tất yếu: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Đáng sợ thật, nhưng một khi xác nhận và biết rõ như vậy rồi thì lại không đáng sợ nữa!

Thánh sử Mác-cô cho biết rằng, hôm đó Chúa Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào tại đó, mà chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ (Mc 6:5), thậm chí chính Ngài cũng lấy làm lạ vì họ không tin (Mc 6:6). Lạ thật!

Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn thản nhiên, không xốn xang, không nao núng. Khi người ta không thích mình thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, cứ thản nhiên và im lặng. Ai muốn nói gì thì nói, mình cứ là chính mình!

Lạy Chúa, xin trao ban cho con tặng phẩm là ơn khôn ngoan và hiểu biết, con không dám xin gì khác, nhờ đó con có thể hiểu biết thông thạo những gì cần thiết với một trái tim đầy ắp tình yêu thương và lòng thương xót như Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

DongCongNet - July 7, 2021

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)