Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B
 
 


Chúa nhật 3 mùa chay B-2012
Sự nhiệt tâm yêu mến Thiên Chúa

Lời Chúa hôm nay diễn tả lòng nhiệt thành của Đức Kitô đối với việc thờ phượng Thiên Chúa nơi đền thờ. Đền thờ được thánh hiến là dấu chỉ của sự hiện của Thiên Chúa. Vì yêu thương Chúa luôn cư ngụ với con cái loài người.

Trong bài đọc Thứ I (XH 20,1-17) Môisen nhắc nhớ dân  Do Thái rằng: Thiên chúa là Thiên Chúa duy nhất Đấng đã dùng sức mạnh và uy quyền của Ngài giải phóng dân ra khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và sự sợ hãi.

Trong lịch sử dân Do Thái, họ luôn vấp ngã khi bị cám dỗ thờ lạy các Thần ngoại bang. Là con người, họ dễ bị ảnh hưởng bởi cảm giác và ảnh hưởng của xã hội. Họ bị lôi kéo chạy theo những tập tục mê tín của dân ngoại. Trong thời Abraham, các dân ngoại thờ lạy đủ các loại thần. Abraham được Thiên Chúa mặc khải cho biết chỉ có Ngài là Thiên Chúa duy nhất, và Ngài truyền cho ông rời bỏ xứ sở để đến nơi Ngài chỉ định để không còn bị nhiễm lây sự thờ lạy các Thần ngoại bang.

Trong thời Môisen, dân Do Thái đứng chờ đợi ông lên núi để nhận lãnh Thánh Chỉ của Thiên Chúa; nhưng vì chờ đợi quá lâu, họ làm áp lực cho Aaron phải đúc “bò vàng” cho họ thờ như các dân ngoại thường làm. Họ đúc “bò” vì nó có sức mạnh, và họ dùng vàng để đúc vì vàng là kim loại quí giá nhất. Họ đã lầm lạc. Tất cả những thứ đó đều là tạo vật do Thiên Chúa dựng nên.

Trong thời tiên tri Samuen, khi thấy mình hay bị dân ngoại đàn áp, thay vì cậy dựa vào Thiên Chúa thì dân Do Thái bắt chước các dân ngoại cũng đòi phải có vua để hướng dẫn họ chống lại những quân địch. Họ nhất quyết phải có một vị vua cai trị, dù họ biết họ và con cháu của họ phải phục dịch, làm nô bộc cho vua.

Câu chuyện cuả dân Do Thái không ngờ lại tái diễn nơi chính chúng ta. Bằng nhiều cách chúng ta đã tự tạo cho mình những thần tượng và “những vị vua tàn bạo” để cai trị cuộc sống của mình. Chúng ta phục dịch cho những vị vua của sự kiêu căng, tham lam, đam mê của mình qua nếp sống đua đòi với người khác, ham muốn làm giầu, làm đẹp, có nhà sang, xe đẹp, và sắm sửa những tiện nghi cho mình hoặc cho những người thân. “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm!” Lao động để kiếm tiền trở nên mục đích của cuộc đời hơn là để đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Nhiều người sẵn sang hi sinh gia đình, tôn giáo, sức khoẻ và nhân cách của con người để kiếm nhiều tiền để hưởng thụ hơn. Tiền và đam mê trở thành mục đích hơn là phương tiện giúp con người đạt tới cứu cánh đời mình là Thiên Chúa. Có câu nhắc nhở rất hữu ích: “Tiền là một đầy tớ hữu ích, nhưng cũng là một ông chủ độc ác.”

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã chọn Môi sen để dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ của người Ai Cập. Ban cho họ các giới răn để chỉ đường cho họ biết cách thờ phượng Chúa và sống an hòa với tha nhan. Các giới răn này cũng là những mấu chốt “cầm cân nảy mực” mà chúng ta phải lưu tâm nắm giữ nếu thực sự chúng ta muốn thờ phượng Thiên Chúa trong tình yêu và chân lý.

Bài đọc thứ 2 (1Cor 1,22-25) Thánh Phaolô nói cho cộng đoàn Corinto biết sứ mệnh của Ngài là rao giảng Chúa Kitô chịu chết trên thập giá. Người đời coi đó là điều ô nhục và điên rồ, nhưng đó lại là sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa, và là phương tiện cứu rỗi của loài người. Như xưa con rắn đồng là hình ảnh chữa lành cho những người bị rắn cắn, thì chúa Chịu Nạn cũnglà bằng chứng cho chúng ta về tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa. Tình thương đó chữa lành những thương tích của linh hồn gây ra bởi tội lỗi. Mỗi lần tôi và bạn tới tham dự Thánh Lễ là đến tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa trên thập giá để được chữa lành. Do đó, hãy nhớ rằng thời giờ đó không phải là lãng phí, nhưng là thời giờ chúng ta gặp gỡ Đấng Cứu Tinh của chúng ta. Nhiều người cho việc giữ luật Chúa là  phiền phức, thiếu tự do, nhưng đối với chúng ta, những người hiểu biết giáo lý thì chúng ta nhận ra những gì Chúa dạy chúng ta là điều thiện, tốt và hữu ích cho chúng ta. Khi dạy chúng ta giữ ngày Chúa nhật, Chúa không những muốn chúng ta dành giờ gặp gỡ Ngài, nhưng Ngài còn muốn chúng ta giữ gìn sức khoẻ để có đủ sức và niềm vui trong những công việc và bổn phận đang chờ đợi chúng ta trong những ngày của tuần tới.

Trong bài phúc Âm (Gioan 2,13-25), Đức Kitô muốn nhắc nhở chúng ta: Nhà Thờ và thân xác chúng ta, cả hai đều là Đền Thờ nơi Thiên Chúa ẩn ngự. Chúa không muốn tội lỗi thống trị thân xác chúng ta, hay biến nhà thờ thành nơi tụ tập bè phái, tranh dành địa vị hay ganh đua với nhau. Nhiều lần chúng ta tới nhà thờ không phải vì yêu mến Thiên Chúa, không phải để tìm kiến Thiên Chúa, hay để phụng thờ Ngài, nhưng chỉ đến vì bó buộc hay vì thói quen, rồi khi Thánh Lễ kết thúc chúng ta vẫn chẳng thấy gì thay đổi. Nếu như thế thì đi Lễ cũng bằng thừa vì chúng ta đến nhà thờ mà vẫn không gặp Chúa.

Mùa Chay là phương tiện giúp chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình để tái khám phá lại: Ai đang xâm chiếm đền thờ tâm hồn của tôi? Tôi phải làm gì để tái lập lại đền thờ của Thiên Chúa đã bị tội lỗi của tôi phá hủy. Điều may mắn cho tôi và cho bạn là Thiên Chúa chúng ta là đấng luôn yêu thương, quan tâm, và tha thứ. Ngài biết chúng ta cố gắng, chúng ta cần sự trợ giúp của Ngài. Do đó chúng ta cần dẹp bỏ những tự ái, đam mê, và tự kiêu trong tâm hồn và xin Chúa trở lại trong tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta xứng đáng trở nên những đền thờ, những nhà tạm, tuy nhỏ bé, nhưng sạch sẽ tội lỗi. “Lạy Chúa, xin hãy đến làm chủ tâm hồn chúng con. Xin hãy tha thứ những lầm lỗi quá khứ của chúng con và ban sức mạnh của Thần Khí Chúa để đạp đổ những thần tượng ngổn ngang trong tâm hồn của chúng con. Chớ chi lòng nhiệt thành yêu mến Chúa giúp chúng con “thanh tẩy” tâm hồn để có thể mở lòng cho Chúa ngự đến.”

Sr. Eileen Thu Phượng, CMR.,
NS Trái Tim Đức Mẹ 2012

Chúa giải thoát ta khỏi vòng nô lệ
Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B

Tháng 11-2005, chương trình truyền hình Dateline của NBC có trình chiếu phóng sự về một vấn nạn đang xẩy ra cho nhiều thanh niên thiếu nữ tại Hoa Kỳ. Đây là một tệ trạng của một số đàn ông bị nô lệ bởi tình dục. Họ lợi dụng sự ngây ngô của trẻ em trong tuổi mới lớn, tìm cách hàn huyên tâm sự với các em trên "internet" để rồi đưa đến những cuộc hẹn họ lén lút. Một phóng viên giả dạng thành một bé trai 14 tuổi, dùng ngôn ngữ của lứa tuổi này, vào "chat room" để trao đổi tâm tình với một số người đàn ông, em giả bộ nói là em đang ở nhà một mình, và người bạn trai có thể đến thăm em tại nhà trong khi ba mẹ đi vắng. Đúng như dự đoán của các phóng viên, từng người một, họ đã rơi vào cạm bẫy, và khi những người đàn ông này tìm đến nhà của bé trai, thì họ đã gặp các phóng viên nhà báo, nhưng không biết rằng những hành vi của họ đang bị quay phim một cách kín đáo. Khi biết chuyện bị bại lộ, mỗi người phản ứng một cách khác nhau. Có người thì ù té chạy để nhà báo không biết được tông tích của mình, có người thì cố chấp cắt nghĩa rằng cuộc hẹn hò chỉ có mục đích thăm hỏi mà thôi. Người khác thì khóc lóc và nhìn nhận căn bệnh của mình. Có người tỏ ra thất vọng vì thấy rằng tương lai của họ sẽ rất mờ tối một khi phóng sự này được đưa lên truyền hình. Trong vòng ba ngày, họ bắt quả tang 19 người, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Trong số đó có cả thầy giáo và bác sĩ.

Bài đọc I hôm nay bắt đầu bằng những lời của Thiên Chúa: "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với ta... Ta là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét ta, ta phạt... còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến trọn đời" (Ex 20:2-6). Bài Phúc Âm thì kể lại sự giận dữ của Đức Kitô khi người ta đã biến đền thờ thành một nơi buôn bán đổi tiền. Người đã đổ tung và lật nhào bàn ghế của họ và nói: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây và đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán" (Jn 2:13-16).

Khi nói đến hai chữ "nô lệ" người ta thường chỉ nghĩ đến cảnh xiềng xích, bị hành hạ như dân Do Thái ngày xưa trên đất Ai-Cập, hay vào những thế kỷ gần đây, khi người Phi Châu bị bắt làm nô lệ cho người da trắng. Hình thức nô lệ buôn bán và hành hạ con người ngày nay hầu như không còn nữa, nhưng con người của thời đại văn minh điện tử kỹ thuật lại đang bị nô lệ dưới nhiều hình thức khác. Điều đáng buồn là khi mang thân phận nô lệ, họ không biết được mình đang bị nô lệ.

Nô lệ cho tiền bạc và sự giầu sang hưởng thụ. Làm một "job" chưa đủ, phải làm thêm một "job" khác để có nhiều tiền hơn. Nhiều tiền thì xây nhà lớn hơn, đi xe hiệu sang trọng hơn, quần áo phải mua sắm hợp thời trang hơn. Khi để tâm lo lắng về vật chất, thì người ta không còn giờ để nghĩ đến những vấn đề tâm linh. Không có giờ cho gia đình, cho con cái. Kết quả là vợ chồng ly dị, con cái theo băng đảng hay bỏ nhà đi hoang. Khi chú tâm vào vật chất thì sẽ coi nhẹ việc tâm linh. Một tuần dành cho Chúa 60 phút thì lại đi muộn về sớm. Bỏ ra một hai trăm đô để dự một khóa tĩnh tâm thì đắn do hơn thiệt. Lời của Đức Kitô không sai: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được"(Mt 6:24).

Còn rất nhiều sự nô lệ thời đại khác không thể kể hết được: cờ bạc, rượu chè, danh vọng v.v. Vì mù quáng sống trong tình trạng nô lệ, con người đã bị lu mờ trước những khắc khoải và đau thương của nhân loại. Họ đã không nghe được tiếng kêu than của những thai nhi bị kết thúc cuộc đời trong oan uổng. Họ đã coi thường nhân phẩm của con người và không ngần ngại tổ chức để lừa đảo phụ nữ và trẻ em hầu thỏa mãn những khát vọng vô luân. Họ bỏ rơi và quên lãng những người già yếu đã một đời hy sinh cho gia đình và xã hội. Họ đã quên lời mời gọi của Nước Trời và chỉ sống cho giây phút hiện tại dựa trên tiêu chuẩn và giá trị của trần gian.

Lậy Chúa, chúng con đang sống trong một thế giới nơi mà trật tự đang bị đảo lộn, nơi mà người ta tìm mọi cách để xóa bỏ hình ảnh của Chúa. Xin giúp mỗi người chúng con nhận ra sự nô lệ của mình. Xin giải thoát chúng con khỏi những đam mê và nô lệ của thời đại. Xin cho chúng con chỉ làm nô lệ cho một mình Thiên Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.

Sr. Thanh Thủy, LHC

 

KHÔNG AI NGOÀI THIÊN CHÚA 

         Có thể nói trong mọi thời đại, con người đã biết tìm đủ mọi cách để có thể kiếm ra tiền nhờ buôn bán. Kinh nghiệm đã giúp họ hiểu rằng “phi thương bất phú”. Thật vậy, nếu chỉ nói đến đất Sài Thành thì người ta biết ngay đến kinh tế hàng hóa và tiêu thụ. Không đâu có số lượng người tiêu thụ hàng hóa đông hơn thành phố này và cũng vì vậy mà không ở đâu có nhiều nhu cầu tiêu dùng bằng nó. 

         Hàng hóa sinh ra là để phục vụ nhu cầu nhân loại nhưng bất cứ thứ gì cũng vậy một khi đã trở thành thái quá thì chẳng có gì tốt lành cả. Người ta mải miết ăn uống nhậu nhẹt, chè chén, bạn bè cho đến quá nửa đêm. Và hôm nào cũng vậy, Sài Thành lao mình vào trong những nhu cầu mua sắm, ăn mặc, tiêu dùng và vui chơi giải trí đến tần số chóng mặt. Chẳng bù cho những vùng đất thôn quê tĩnh mịch, yên bình với hương trà và hoa cỏ. 

         Con người sinh ra là để được hưởng dùng và tiêu thụ tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo dựng và ân ban cho họ. Thế nhưng chi tiêu nào cũng phải ở trong một chừng mực nhất định. Tiêu dùng để phục vụ nhu cầu cần thiết của con người chứ không phải lôi kéo họ vào những thú vui thỏa mãn đam mê dục vọng. Điều đó chẳng khác nào đầu độc và giết chết họ vậy. 

         Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu tức giận trước những hành vi lạm dụng thương mại để mà kiếm lời ngay cả trong Đến thờ là nơi để thờ tự bày tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa, Đấng cho họ hoa quả là những của ăn vật chất trong cuộc sống. Thay vì mọi người tề tựu đến đây để dâng kính Thiên Chúa hoa quả phúc lành Người ban thì một số tiểu thương đã lợi dụng nhu cầu tâm linh của dân chúng và biến Đến thờ thành nơi trao đổi, buôn bán làm mất đi ý nghĩa linh thiêng của đền thánh. 

         Đức Giêsu đã quát mắng và xua đuổi họ ra khỏi đến thờ: “Người thấy trong Đến thờ có kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi và xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đến thờ.” (Ga 2, 14-15) Người đã nói rất rõ lý do: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2, 16) 

         Thật ra hành vi dâng cúng trong Đền thờ là hành vi tâm linh biểu lộ lòng thành kính đối với Thiên Chúa và việc dâng cúng chính là hành vi tạ ơn mà họ muốn biểu lộ cùng Ngài, nhưng tiếc thay con người đã bị vật chất hóa lấn át giá trị tinh thần. Hành vi tâm linh lúc này không còn giá trị khiến Đức Giêsu vô cùng tức giận. Hành vi tức giận của Ngài không có chút gì vô cớ mà còn khẳng định hành động sai trái của họ, thay vì làm đẹp lòng Thiên Chúa thì lại hạ thấp phẩm giá của Ngài. 

         Sự việc đó khiến người Do Thái bất bình, họ hạch sách Ngài: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy ông có quyền làm như thế?” (Ga 2, 18) Đức Giêsu trả lời thẳng thắn: “Các ông cứ phá hủy Đến Thờ này đi nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” (Ga 2, 19) 

         Đền thờ Đức Giêsu nói đến ở đây chính là thân thể Người vì vậy khi Ngài từ cõi chết sống lại, các môn đệ đã nhớ lại và tin vào Ngài. Còn chúng ta ngày nay thì sao. Chúng ta có thái độ nào đối với đền thờ Thiên Chúa ngay trong chính thân thể của chúng ta. Khi chúng ta đọc kinh cầu nguyện, khi chúng ta dâng thánh lễ, chúng ta dâng gì trong tâm trí, trong cung lòng chúng ta lên Chúa, hay chúng ta dùng thời gian đó để chia trí, lo ra, suy nghĩ cơm áo gạo tiền… Nếu đúng như vậy thì có khác gì dân Do Thái xưa đang huyên náo buôn bán đổi chác của cải vật chất trong Đền thờ khiến Thiên Chúa phật lòng. 

         Lạy Chúa, không  Đền thờ nào gần gũi trang trọng hơn Đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa trong cung lòng con. Ở nơi đấy con phải có bổn phận thờ kính Ngài hết lòng với trọn vẹn lời cảm ơn sâu xa nhất. Ngài không cần con phải dâng kính Ngài những của lễ vật chất cho bằng giá trị tâm hồn. Đó là một tâm hồn ngoan ngùy biết kính sợ Thiên Chúa và vâng phục thánh ý Ngài. Xin tha thứ cho con, cúi xin Ngài bớt giận và đừng xua đuổi la rầy con, xin cho con được ở lại trong Đền thờ cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa vì chỉ nơi ấy con mới tìm được ý nghĩa hạnh phúc và cùng đích đời mình. Chớ gì chẳng còn ai ngoài Thiên Chúa luôn hiện diện trong tâm lòng con. 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

 

Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi . . .(Ga 2, 19 )  

     Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu vào đền thánh Giêrusalem, “ Người thấy trong đền thờ có những kẻ bán chiên bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người lấy dây làm roi mà xua đuổi. . . Người nói với những kẻ bán bồ câu: Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán “. Đức Giêsu đã rất giận giữ cho thấy Người coi trọng “Nhà Cha “ như thế nào! Còn hơn thế nữa, Người  tự nhận là Đền thờ của Thiên Chúa : “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Điều này phải sau cuộc phục sinh của Người, các môn đệ mới nhận ra, các ông đã tin vào kinh thánh và vào Đức Giêsu. 

        Lạy Chúa, 

        Mỗi một ngôi thánh đường, dù lớn, dù nhỏ, như Thánh Giáo hòang Gioan PhaoLô II đã nói: ” nhà thờ nào cũng là của anh chị em và là nhà của Thiên Chúa. Anh chị em hãy coi trọng nhà thờ như một nơi chúng ta có thể gặp gỡ Cha của chúng ta “.  Mỗi một công đòan cần có một ngôi nhà thờ. Chính trong nhà thờ, nơi mọi người tụ họp cầu nguyện, nơi thuận tiện để lắng nghe Lời Chúa. Đức Giêsu luôn hiện diện trong nhà Cha của Người. Chúa hằng chờ đợi mỗi người chúng con mỗi ngày đến để tâm sự với Người nơi nhà Tạm, lãnh nhận Người trong Thánh Thể.  Thế nhưng, nhiều khi con người lại  quên mất điều ấy. Đức Cha Anfonso Nguyễn Hữu Long trong một bài viết mới đây sau chuyến thăm của Đức Hồng Y Bộ Trưởng bộ Loan báo Tin mừng đã từng nhận xét về Giáo hội Chúa tại Việt Nam . Ngài viết “Chúng ta còn loay hoay dồn nhiều công sức vào việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức nhiều cuộc lễ hòanh tráng , tốn phí nhiều , trong khiviệc xây dựng và củng cố các đền thờ tâm hồn vẫn còn bị lơ là. Nhân lực , vật lực dành cho việc xây cất và tổ chức lễ lạt thì nhiều, mà dành cho việc Loan báo Tin Mừng thì quá ít. . . “. Đó là một thực tế đáng buồn hiện nay. Chúng con hiểu rằng ngôi nhà thờ mà Chúa nói đến trong  Tin Mừng hôm nay còn là chính Chúa.   Mỗi người chúng con có thể kín múc được sự sống đời đời từ nơi Người? chúng con có dám tự nhận mình cũng phải trở nên đền thờ Chúa  như lời Thánh PhaoLô căn dặn “ Anh em không biết rằng thân thể anh em là đền thờ Thiên Chúa sao? “ . Phần con, con có tự nhận mình là một viên gạch, góp phần vào việc xây dựng nhà Chúa cho xứng hợp?  Mỗi lần đến nhà Chúa, con có mang trong lòng một tình yêu chân chính ,một lòng mến sốt sắng, lòng trông cậy Chúa ở bên con, hay đến nhà Chúa với thái độ thờ ơ, bàng quan, vô cảm. Thậm chí mang theo hằn thù, chia rẽ, đầy những toan tính sự đời. Đến nhà Chúa nhưng vẫn chồng chất cồng kềnh với mọi lo toan về tiền của, danh lợi. Không những không đón nhận được từ nơi Chúa điều gì, nhưng lại sẵn sàng để lại những trách móc, tị nanh, đòi hỏi Chúa phải thỏa mãn cho con theo ý riêng của con. Và khi ra về, Chúa ở lại trong nhà thờ, còn con, con lại thênh thang giữa đời với bao bon chen, lạc thú . Tự bản thân con có lo tu sửa đền thờ tâm hồn mỗi ngày để trở nên xứng đáng làm nơi Chúa ngự , hay mãi mang nặng ích kỷ, vụ lợi ? 

      Xin cho con nhân những ngày mùa Chay Thánh này biết nhìn lại mình, con có xứng đáng hơn những người buôn bán, đổi chác tiền của ngày xưa ? hay nếu ngày hôm nay, con  không chịu sám hối và Tin vào Tin Mừng để Chúa phải xua đuổi ra khỏi đền thờ, thì khốn cho con . 

       Xin Chúa giúp con biết thực sự hối lỗi mình, biết sửa đổi  hầu mỗi ngày nên xứng đáng hơn, trở thành những viên đá sống động góp phần xây dựng Đền thờ Thiên Chúa nơi con.     

       Xin giúp con . Chúa ơi ! 

    Fx Đỗ Công Minh .

 

Chúa Nhật 3 Mùa Chay - B

LÀM MỚI ĐỀN THỜ TÂM HỒN  

Trong những năm gần đây, báo chí thường chạy những bài phóng sự về cảnh tượng xô bồ nơi các đền chùa trong những dịp lễ hội đầu năm: nào là chen lấn xô đẩy để lĩnh ấn Đền Trần, nào là buôn bán chặt chém khách hành hương Chùa Hương, nào là hỗn loạn xin lộc đền bà Chúa Kho, v.v... Mục đích đi chùa chiền là để cầu an, hay cầu tài, cầu lộc. Nhưng nhiều khi tài lộc đâu không thấy mà thấy mất tiền vì bị kẻ gian móc túi, hay bị những người bán hàng chặt chém. An bình đâu không thấy chỉ thấy bất an vì bị chen lấn, xô đẩy, bị văng tục khi không mua hàng của người mời hay mua cho người này mà không mua cho người kia, v.v...  Thế mới thấy rằng chính não trạng vụ lợi muốn biến thần thánh thành công cụ phục vụ lòng ham muốn của mình đã mở đường cho việc thương mại hoá những giá trị cao quý linh thiêng của văn hoá và tín ngưỡng. 

Cũng với não trạng ấy, người Do Thái xưa kia đã biến sân Đền Thờ Giêrusalem, một nơi thánh thiêng, thành một nơi bát nháo để trao đổi buôn bán, nhằm trục lợi. Là Con Thiên Chúa và là Đấng Thánh, Chúa Giêsu không chấp nhận để Đền Thờ, “nhà của Cha Ngài,” bị tục hoá, giải thiêng, và làm cho trở nên ô uế. Ngài đã hành động thẳng thắn để trả lại ý nghĩa đích thực của nó; đồng thời Ngài muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể của Ngài. 

Đọc lại lịch sử dân thánh, ta có thể thấy Đền Thờ Giêrusalem mang ba ý nghĩa rất quan trọng sau đây:  

1. Trước hết, Giêrusalem là địa chỉ của sự gặp gỡ nối kết. 

Từ xa xưa, người Do thái vẫn xem đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Nói cách khác, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện và gặp gỡ con người; đồng thời cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Gặp gỡ để phượng thờ, cảm tạ, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa, đặc biệt là vào các ngày Sabát và các ngày đại lễ. 

Thế nhưng, một số người đã biến nó thành nơi nhếch nhác của những kẻ tụ tập buôn bán và đổi chác. Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ lạm dụng này ra khỏi Đền Thờ là để trả lại chổ đứng của Đền Thờ, vốn là “Nhà cầu nguyện”, nhà của sự gặp gỡ và nối kết giữa Thiên Chúa và con người.  

2. Thứ đến, Giêrusalem còn là dấu chứng của tình yêu và hiệp nhất. 

Quả không sai khi nói rằng Đền Thờ Giêrusalem là nơi biểu lộ rõ nét nhất tình yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân Người, đồng thời cũng là nơi hiệp nhất muôn dân nước. Thánh Vịnh Lên Đền 122 đã nói lên ý nghĩa này: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:  ‘Ta cùng trẩy lên Đền thánh Chúa!’ Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân”. 

Thế mà các giới chức Dothái đã biến thành nơi cạnh tranh, kèn cựa, xô bồ và phận biệt đối xử (phụ nữ, dân ngoại, kẻ tội lỗi…). Chúa Giêsu đã lật nhào, xô đổ tất cả nhằm thanh tẩy Đền thờ khỏi những điều bất xứng, cách riêng là khu vực dân ngoại. Từ nay, mọi người không phân biệt sắc tộc, tôn giáo … đều được tôn trọng và đón nhận. Tắt một lời, Đền Thờ phải là nơi dành cho tất cả mọi người.  

3. Sau nữa, Giêrusalem còn là biểu tượng của sự thánh thiêng tinh tuyền. 

Khi nói đến sự thánh thiêng, người Do thái thường nói đến Đền Thờ. Vì đối với họ, không có nơi nào khác ngoài Đền Thờ, con người có thể tìm được tất cả những gì là thiêng thánh và siêu việt của cõi thiên giới. Bởi đó ta không ngạc nhiên khi thấy người Do Thái khi phải thề thốt một điều gì quan trọng, họ thường lấy Đền Thờ Giêrusalem mà thề.  

Tuy nhiên, Đền Thờ ấy đã bị làm cho ô uế bằng đủ mọi thứ dối gian, trở thành nơi trục lợi, chỗ mua danh, chốn lạm quyền, v.v... Trước thực trạng đó, Chúa Giêsu đã xua đuổi tất cả những kẻ làm cho Đền Thờ bị ô nhơ, nhằm trả lại sự thánh thiêng cho Đền Thờ. Đồng thời, qua hành động và lời nói của mạnh mẽ của mình, Chúa Giêsu muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân Thể của Ngài. 

Quả vậy, Đức Kitô chính là Đền thờ sống động, nơi Ngài chúng ta tìm được ba ý nghĩa trên một cách tròn đầy nhất.  

- Trong Đức Kitô, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa là Cha và được nối kết với mọi người là anh em. Trong Đức Kitô, chúng ta có thể thưa lên “Aba” - lạy Cha, và đối xử với nhau như anh chị em con cùng một Cha trên trời.  

- Trong Đức Kitô, chúng ta nhận được tình yêu tràn đầy mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và hiệp nhất nên một với nhau, như lời Vinh Tụng Ca mà chúng ta thường nghe đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.  

- Trong Đức Kitô, chúng ta cũng tìm lại được sự thánh thiện nguyên thuỷ dư đầy của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ađam và Evà đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng. 

Hãy nhớ rằng trong Đức Kitô, chính chúng ta cũng đã trở nên đền thờ sống động đã được thánh hiến ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô đã minh định điều này với giáo đoàn Côrintô: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có nguy nga đồ sộ như Đền thờ Giêrusalem đi chăng nữa, cũng đã tiêu tan. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ bền vững thiên thu. Thế nhưng hằng ngày chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là đền thờ Thiên Chúa ngự chưa? Hay chúng ta đang làm cho đền thờ tâm hồn mình ra nhơ uế bởi những tính toan ích kỷ, bởi lòng ghen tị, óc thành kiến hẹp hòi, và bao nhiêu thói hư tật xấu khác?  

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để ta làm mới lại tâm hồn của mình. Xin Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương thanh tẩy tâm hồn chúng ta mỗi ngày. Xin Ngài tiếp tục xua đuổi và lật nhào những gì làm cho tâm hồn chúng ta ra ô nhơ để trả lại cho Chúa Thánh Thần một nơi xứng hợp để Ngài ngự vào. Amen. 

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)