dongcong.net
 
 

Suy niệm và cầu nguyện

Những tông đồ người phong cùi
Chúa nhật 6 năm B

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y bị mọi người kinh tởm xa lánh như bệnh siđa ngày nay vậy. Trong Đạo Do Thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu phải kêu lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà tránh xa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như người mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nổi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nổi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm thiêu đốt.

Chúa Giêsu đã vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Và Người còn đưa tay chạm vào thân mình lỡ loét ấy. Lòng thương yêu đã khiến Chúa Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Chúa Giêsu đã bất chấp những điều được coi là cấm kỵ của Đạo Do Thái. Khi chữa khỏi bệnh phong, Chúa Giêsu giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thao tao. Anh là một con người như bao con người khác.

Điều quan trọng hơn, đó la khi chữa anh khỏi bệnh nan y, đồng thời Chúa Giêsu cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi chạm đến thân thể anh thì Người cũng chạm đến tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh, nay qua Chúa Giêsu anh cảm thấy mọi người gần gũi thân thương. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt, nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi, nay dưới bàn tay dịu hiền của Chúa Giêsu anh cảm thấy đựoc yêu thương vỗ về. Nhữg vết thương trong tâm hồn nay đã lành lặn. Chúa Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện với Thầy Cả theo luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội, nay anh đựoc bàn tay âu yếm ân cần của Chúa đón nhận anh trở lại với xã hội loài người. Qua vị thượng tế anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm được phục hồi, danh dự được tôn trọng. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người như mọi người.

Chúa Giêsu đã chữa lành thể xác và tâm hồn của người bệnh phong. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ của anh đã chạm đến lòng lòng thương xót của Chúa. Phép lạ phát sinh từ lòng tin của bệnh nhân và từ ý muốn đầy quyền năng của Chúa Giêsu.

Có một môn đệ theo gương Thầy Chí thánh đã đến ở giữa người cùi, cùng sống và đã chết giữa họ. Đó là Cha Đamiên mà Đức Hồng Y FX.Nguyễn Văn Thuận đã kể trong cuốn sách “ Những người lữ hành trên đường hy vọng”. Vị Tông đồ người hủi ấy đã được Giáo hội phong thánh.

Molokai, quần đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái Bình Dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui, môi lở, răng rụng...

Một hôm, Đức Giám Mục đặc trách quần đảo này gióng tiếng kêu gọi các Linh Mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một Linh Mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh hăng hái đáp lời. Đó là Cha Đamiên, người về sau được thêm biệt danh: “Tông Đồ người hủi”.

Chiều hôm đó, trong Nhà Thờ ở đảo Molokai đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Đức Giám Mục đứng trên Bàn Thờ quay xuống giới thiệu với giáo dân: “Các con thân mến, các con hằng mong ước có một Linh Mục đến cùng các con, thì đây, cha Đamien, một Linh Mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không ?”

Cả Nhà Thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng cạnh Đức Giám Mục chẳng hiểu tý nào. Rồi họ từ từ tiến lên Cung Thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Đamiên càng nhìn thấy họ đến gần mình thì càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây ? Họ tiến đến bên cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo Cha... Cha hỏi Đức Giám Mục: “Thưa Đức Cha, họ làm gì thế ? Họ nói gì thế ?” Đức Cha trả lời: “Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như Cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người Cha, xem thử Cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: ”Không, Cha đẹp quá !”

Dần dần, Cha Đamiên hoà đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài quá yêu Chúa Giê-su bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi.

Một ngày kia, đến lượt Cha cũng bị mắc bệnh phong hủi. Thân hình Cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày Cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình Cha Đamiên để mô tả sự hy sinh vĩ đại của Cha. Bà cụ thân sinh của Cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi người con yêu. Bà hỏi các con trong gia đình: “Hình ai đây mà trông mà trông ghê sợ vậy ?” Các con đều trả lời mẹ:Thưa mẹ, đó là một trong những người hủi trên đảo Molokai của anh Đamiên đấy”. Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ... Cha Đamiên đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp Cha hy sinh suốt đời vì họ.

Ở Việt Nam có hai trại cùi lớn: trại Di Linh trên đường lên Đà Lạt và trại Quy Hoà ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn. Đức Cha Gio-an Cassaigne đã gắn bó với anh em dân tộc K’Hor ở Di Linh bị phong cùi một thời gian dài, rồi sau 15 năm làm Tổng Giám Mục Sài-gòn, đã lại xin tình nguyện quay trở về sống giữa những người bệnh cùi ở Di Linh. Ngài sống với họ thêm 18 năm rồi lây bệnh và qua đời năm 1973. Trái tim của người Việt Nam và cả thế giới đều rung cảm, ai cũng cảm phục tấm gương chứng nhân của ngài.

Cha Phao-lô Mahu, một Linh Mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi đến sống giữa những người cùi ở Quy Hoà cho đến chết. Xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người ngài thương yêu nhất.

Ngày nay các Giáo Xứ khắp nơi gần xa thường tổ chức hành hương đến Di Linh, Quy Hoà để viếng mộ Đức Cha Cassaigne và Cha Mahu, thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân.

Các Nữ Tu của các Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn và Phan-sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã đến sống phục vụ giữa những người bị xã hội xa lánh loại trừ. Chính tình yêu Chúa Ki-tô đã thúc đẩy các môn đệ đến sống với họ, yêu mến họ, chăm sóc phục vụ họ... Chúa đã sờ đến người cùi và họ liền được lành sạch. Các môn đệ của Chúa cũng sờ vào người cùi, sống với người cùi đem lại cho họ tình thương, bình an và niềm vui.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)