October 8, 2016

*biết ơn
Lm. Giuse Trần Việt Hùng


CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 17: 11-19)

BIẾT ƠN
Mười người phong hủi đứng xa,
Cầu xin thương xót, thứ tha tội đời.
Khổ đau gặm nhấm một thời,
Thương thay số phận, ơn trời khấn xin.
Chúa truyền trình diện báo tin,
Nơi đền tư tế, niềm tin tỏ bày.
Đi đường khỏi bệnh thấy ngay,
Một người ngoại giáo, giang tay khấu đầu.
Trở về cảm tạ tình sâu,
Ơn trên đã cứu, con tâu thưa Ngài.
Tạ ơn Thiên Chúa sớm mai,
Đã thương giải thoát, thiên sai phụng thờ.
Chín người lành sạch không ngờ,
Vui mừng hoan hỉ, hững hờ ơn ban.
Quên ơn phụ nghĩa thiên an,
Quay đi chẳng nhớ, vạn ngàn hồng ân.
Xót thương Chúa chữa toàn thân,
Phong cùi sạch sẽ, tinh thần trắng tinh.
Tôn vinh Thiên Chúa hết mình,
Tri ân nhắc nhớ, thật tình mến yêu.

Lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi. Đây là lời van xin của những người phong cùi. Chúa thương xót và đã chữa lành cho họ. Cả mười người phong cùi đều được khỏi bệnh, nhưng có một chi tiết rất hay là chỉ có một người ngoại giáo trở lại chúc tụng và tạ ơn Chúa. Chúa hỏi: Còn chín người kia đâu? Chúng ta thấy nhột nhạt, hình như Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta. Còn chín người kia đâu không thấy trở lại tạ ơn Thiên Chúa.

Đời chúng ta là một chuỗi những nhận ơn, nhưng mấy người biết tạ ơn Thiên Chúa. Trong phúc âm kể rằng mười người được chữa lành có một người trở lại cám ơn Chúa. Có cả ngàn người được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa vác thánh giá lên núi sọ, chỉ có một người ngoại vác đỡ thánh giá Chúa. Cả một dân tộc chịu ơn, nhưng khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, chỉ có một người ăn trộm dám công khai lên tiếng bênh đỡ Chúa. Kẻ muốn được ơn thì nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Làm ơn có thể không cần được trả ơn, nhưng khi đã nhận ơn, chúng ta phải biết cám ơn. Cũng như cho đi có thể không mong đáp đền, nhưng đã nhận ơn, chúng ta có bổn phận phải đền ơn đáp nghĩa.

Đời của chúng ta là một liên đới chập chùng của sự chịu ơn. Muôn vàn hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận từng giây phút trong đời, từ ơn sự sống đến ơn được làm người và được ơn làm con cái Chúa. Trong đời, chúng ta chẳng cho đi bao nhiêu, nhưng đã nhận quá nhiều. Nếu thử một ngày chúng ta ngưng nhận được các mối giây liên lạc, sự giúp đỡ tương trợ, sự yêu thương nâng đỡ và các nhu cầu cung cấp cho cuộc sống thì chúng ta sẽ lập tức trở thành bơ vơ , lạc lõng, nghèo nàn và khốn đốn.

Truyện kể: Có một Rabbi và học trò đi dạo, đang đi đường, gặp một người ăn xin. Anh cho người đó một chút tiền, rồi tiếp tục đi, trong lòng rất sung sướng. Sau một lát, anh cảm thấy bực bội trong người. Khi chợt nhớ lại hồi nãy, người ăn xin không cám ơn anh. Anh đem truyện kể cho thầy Rabbi nghe. Rabbi chăm chú nghe, rồi Rabbi hỏi anh: Khi anh cho tiền người ăn xin, anh cảm thấy sao? Anh thưa: Con thấy rất vui. Rabbi nói: Thế là phần thưởng của con rồi đó. Anh trả lời: Nhưng dù sao họ cũng phải cám ơn con chứ.  Rabbi: Thế sao con không cám ơn Chúa. Anh nói: Tại sao con phải cám ơn Chúa. Rabbi tiếp: Vì Chúa cho con cơ hội thể hiện tình thương của Ngài với người khốn khó.

Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc suốt cả đời, vì không có giây phút nào chúng ta không nhận lãnh hồng ân Chúa. Càng biết tạ ơn, chúng ta càng trở nên người hơn.

THỨ HAI, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 29-32).
ĐIỀM LẠ
Dân chúng tụ tập bên Thầy,
Mong tìm điềm lạ, sa lầy yếu tin.
Giống dòng gian ác van xin,
Giô-na bụng cá, hãy nhìn gẫm suy.
Ni-ni-vê đó cứu nguy,
Ăn năn sám hối, tư duy trở về.
Dân này cứng cổ bội thề,
Không ban dấu lạ, bến mê cuộc đời.
Chối từ lời giảng Con Trời,
Tà tâm kiêu hãnh, sống đời ác gian.
Con Người điềm lạ trao ban,
Chứng nhân cao cả, thiên nhan rạng ngời.
Chúa Con xuống thế làm người,
Cứu nhân độ thế, vào đời truyền rao.
Mong rằng dân chúng khát khao,
Đổi đời cải quá, tuôn trào hông ân.

THỨ BA, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 37-41).
RỬA TAY
Một người mời Chúa tới nhà,
Ông là Biệt Phái, vị tha trong đời.
Chung vui dự tiệc khách mời,
Ngạc nhiên thấy Chúa, không rời bàn ăn.
Rửa tay nghi thức tự căn,
Phàn nàn lỗi luật, can ngăn thói đời.
Chúa cần giải thích đôi lời,
Bề ngoài chén dĩa, mọi nơi gọn gàng.
Nội tâm sâu thẳm không màng,
Tham lam gian ác, xếp hàng tội nhân.
Hỡi người ngu dại thế trần,
Hóa công sáng tạo, điều cần nội tâm.
Rộng lòng bố thí âm thầm,
Xác hồn trong sạch, tránh lầm bến mê.
Bề ngoài hào nhoáng khen chê,
Lương tâm ngay chính, hướng về thiêng cung.

THỨ TƯ, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 42-46).
GÁNH NẶNG
Khốn thay Biệt Phái rao truyền,
Thập phân nộp thuế, thề nguyền tín trung.
Bạc hà rau qủa hưởng dùng,
No đầy hoan hỉ, tôn sùng ngoại lai.
Công bình chính trực nhạt phai,
Thiếu lòng yêu mến, thần tài tựa nương.
Thích ngồi ghế nhất hội đường,
Mong người chào hỏi, noi gương chính mình.
Bề ngoài mồ mả tô hình,
Người ta cất bước, vô tình dẫm lên.
Một ngài Tiến Sĩ đứng bên,
Thưa Thầy, xỉ nhục cả tên nhóm này.
Khốn cho tiến sĩ luật bày,
Chất lên gánh nặng, đổ đầy lên vai.
Người dân khốn khổ kêu nài,
Các ông thong thả, quản cai luật đời.

THỨ NĂM, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 47-54).
KHỐN THAY
Nặng lời Chúa trách người trần,
Khốn thay xây cất mộ phần ông cha.
Các người giết chết hằng hà,
Tiên tri tổ phụ, lòng tà dậy khơi.
Tán thành làm chứng mọi thời,
Cha ông sát hại, bao đời trước đây,
Các ngươi đắp mả dựng xây,
Mồ cao mả đẹp, công thầy ơn cha.
Khôn ngoan Thiên Chúa tỏ ra,
Tiên tri sai đến, chẳng tha người nào.
Giết đi bách hại xiết bao,
Giống dòng nợ máu, tự cao trong đời.
Các người Tiến Sĩ xa rời,
Giữ riêng chìa khóa, vào nơi Nước Trời.
Các người không đáp lời mời,
Lại còn ngăn cản, những người muốn vô.

THỨ SÁU, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 1-7).
Ý TỨ
Bắt đầu dậy dỗ môn đồ,
Các con ý tứ, men hồ người ta.
Thứ men Biệt Phái kiêu sa,
Giả hình khoe mẽ, tránh xa thói này.
Không gì che đậy chẳng hay,
Mà không tiết lộ, tỏ bày công khai.
Không gì dấu kín chê bai,
Giãi bầy ánh sáng, ngày mai tỏ tường.
Điều nơi tăm tối không lường,
Nói ra sáng sủa, mọi phương vạch trần.
Rỉ tai buồng kín tha nhân,
Mái nhà rao giảng, toàn dân rõ ràng.
Các con đừng sợ cái bang,
Thủ tiêu thân xác, đầu hàng hồn thiêng.
Linh hồn cao cả thiêng liêng,
Phục tùng kính sợ, chỉ riêng Chúa Trời.

THỨ BẢY, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 8-12).
NHÂN CHỨNG
Phán cùng môn đệ lời này,
Xưng Thầy trước mặt, ra ngay người đời.
Đi làm nhân chứng cho Người,
Con Người xưng nhận, đón mời phúc vinh.
Thiên thần đón tiếp cung đình,
Trước ngai Thiên Chúa, an bình rạng danh.
Còn ai chối bỏ Thánh Danh,
Tội này tha thứ, thực hành ăn năn.
Con Người dong duổi nhọc nhằn,
Hy sinh cứu độ, xả lăn thế trần.
Nói năng phạm thượng Thánh Thần.
Tội này nghiêm trọng, nợ nần không tha.
Người ta bắt bớ mọi nhà,
Hội đường quan xét, thực thà đừng lo.
Thánh Thần Chúa dậy đắn đo,
Lời ăn tiếng nói là do ơn trời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.

 


CÁM ƠN- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Lời ‘cám ơn’ mang một nét văn hóa rất đẹp và trân quí. Hai chữ ‘cám ơn’ diễn tả tâm tình tri ân. Đã nhận ơn, chúng ta cần báo ơn, cám ơn và trả ơn. Đã hàm ơn, chúng ta cần có thái độ mang ơn. Mọi nền văn hóa cổ kim đều quan tâm về thái độ cám ơn này, nhưng hình như bên Âu Tây, người ta thực hành lời cám ơn nhiều hơn. Để học làm người, ngay từ tấm bé, các cha mẹ và thầy cô đã dậy con trẻ những lời nói rất thân thương: “Con chào ông, chào bà; con cám ơn và con xin lỗi.” Những lời đơn sơ được ghi sâu tận đáy lòng, để bất cứ trong hoàn cảnh nào, ai cũng có thể bộc phát lời tốt đẹp này trên môi miệng.

Cám ơn là một tâm tình biết ơn. Chúng ta thường dùng chữ ‘cám ơn’ trong văn viết, nhưng khi nói, dùng từ ‘cảm ơn’, thắm đượm tình cảm hơn. Thượng Đế trao tặng cho chúng ta một món qùa vô giá, đó chính là con người và sự sống. Hằng ngày, chúng ta vẫn thường đọc Kinh Cám Ơn: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…”. Được ơn làm người là một hạnh phúc tuyệt vời. Chúng ta phải luôn ghi tạc trong lòng để ta ơn Thiên Chúa mọi nơi và mọi lúc: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 107,1).
Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cũng đã không ngừng dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa Cha: “Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con” (Jn 11, 41). Trước khi từ giã cõi trần, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể để cảm tạ Chúa Cha và cho chúng ta cùng thông hiệp qua lời nguyện: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." (Lc 22, 19) “Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này” (Mt 26, 27).

Noi gương Thầy Chí Thánh, chúng ta luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ. Chúng ta còn có bổn phận biết ơn xã hội, tri ân Giáo Hội, đền ơn cha mẹ, biết ơn ân sư, báo ơn người đồng hành, cám ơn anh chị em, mang ơn bạn bè và cảm ơn mọi người. Cuộc đời của chúng ta là cả một chuỗi nhận ơn, hết ơn này tới ơn khác. Càng biết ơn, chúng ta càng trở nên người hơn. Từng giây phút sống, chúng ta chịu ơn, nên chúng ta có bổn phận phải cám ơn. Chúng ta quan sát thấy trong tất cả mọi tổ chức sinh hoạt lớn hay nhỏ, ở phần kết thúc, luôn luôn có những lời phát biểu bầy tỏ tâm tình tri ân và cám ơn. Đây là nét đẹp văn hóa mang đậm tình người.

Lời cám ơn không bao giờ dư thừa trong việc giao tế nhân sự. Lời cám ơn tạo nên sự liên đới ràng buộc, có qua có lại và có cho có nhận. Chúng ta hãy sống tâm tình biết ơn trong mọi nơi mọi lúc. Nhất là trong đời sống gia đình, mỗi người chúng ta đã nhận quá nhiều ân huệ từ những người thân yêu. Công cha như núi thái, nghĩa mẹ như nước nguồn. Phận làm con, chúng ta không bao giờ đáp đền ơn cha nghĩa mẹ cho đủ. Hôm nay, chúng ta hãy nói lời ‘cảm ơn’ cha mẹ của mình.
Đẹp biết bao khi vợ chồng biết tôn trọng và cám ơn nhau. Khi lập hôn ước, vợ chồng thề hứa yêu thương và chung thủy với nhau suốt đời. Đời sống vợ chồng phải kinh qua từng giây phút. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ và mỗi hành động đều biểu tỏ thái độ sống chung. Vợ chồng đừng tiếc lời cám ơn nhau. Một ly cà phê, một chén trà ấm, một bữa cơm ngon, một bộ quân áo sạch, một sự sắp xếp gọn gàng và một bầu khí ấm áp yêu thương đều có công góp nhặt của vợ, của chồng. Chúng ta biết, chẳng có sự gì nhưng không từ trên trời rơi xuống cả. Khi ngồi vào bàn ăn, chúng ta đừng tiếc lời ‘cám ơn’ hay một lời khen ngụ ý. Lời ‘cám ơn’ như giọt sương sa làm tươi mát lòng người.

Cha mẹ cũng đừng quên cám ơn con cái. Con cái là gia sản, là hy vọng và là niềm vui của cha mẹ. Cha mẹ cần cám ơn con cái của mình. Con cái vui vẻ, cha mẹ mừng rỡ. Chúng ta cũng cần cám ơn tất cả mọi người đang cùng hiện diện trong đời sống với chúng ta. Qua muôn vàn cách, chúng ta đã nhận lãnh và chịu ơn của tha nhân. Tâm tình ‘cảm ơn’ giúp chúng ta ý thức rằng cuộc sống này là một hồng ân vô cùng cao quý.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được ơn làm người, có sự sống, có linh hồn, có trí khôn, có tài năng, có thời giờ và có nguồn sống. Chúng con xin tạ ơn Chúa mãi muôn ngàn đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

sưu tầm October 8, 2016