Suy niệm Mùa chay của Huệ Minh

by Huệ Minh

Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay 2022

St 15:5-12,17-18; Tv 27:1,7-8,8-9,13-14; Pl 3:174; Pl 3:204; Lc 9:28-36

Thiên Chúa bày tỏ vinh quang

          Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng dưng biến đổi khác thường.

          Theo truyền thống Kinh Thánh cũng như hầu hết các tôn giáo, núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần linh và con người. Trong Kinh Thánh, những mạc khải quan trọng đều diễn ra trên núi cao. Môsê lên núi Sinai gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận 10 giới răn. Êlia gặp Chúa trên núi Horeb. Êlisê gặp Chúa trên núi Carmel... Trong Tân ước, Chúa Giêsu cũng khởi sự đời công khai bằng 40 đêm ngày chay tịnh nơi hoang địa, trên núi cao; khi rao giảng Tin Mừng, Ngài công bố Hiến Chương Nước Trời trên núi Bát Phúc; rồi trong 3 năm sứ vụ, Ngài vẫn thường lặng lẽ một mình lên núi để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Và đặc biệt hôm nay, Ngài đưa theo 3 môn đệ thân tín lên núi.

Tại sao Chúa Giêsu lại đưa ba môn đệ lên núi và biến hình trước mặt các ông? Cuộc lên núi này có ý nghĩa gì đối với các môn đệ và với mỗi người chúng ta hôm nay?

          Để hiểu biết lý do tại sao Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi và tỏ vinh quang cho các ông, chúng ta cần đọc bản văn trong toàn bộ bối cảnh của nó.

Vâng, đọc Tin Mừng, chúng ta được biết, sau một thời gian khá dài giảng dạy ở Galilea – miền bắc nước Israel, giờ đây, Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường tiến về Gierusalem – miền nam và cũng là thủ đô của đất nước.

          Thầy trò cùng đi trên một con đường nhưng mỗi người lại có ý hướng khác nhau. Chúa Giêsu biết rõ Ngài lên Gierusalem để chịu đau khổ và chịu chết. Các môn đệ lại không nghĩ như vậy. Họ cứ tưởng chuyến này lên Gierusalem, Thầy sẽ nổi danh, sẽ dành chính quyền, sẽ được tôn làm vua; khi đó, các ông tha hồ mà tranh nhau chức tước! Trên đường đi, Gioan và Giacobe đã tranh thủ xin Thầy hai chỗ tốt nhất là được ngồi bên tả và bên hữu Đức Giêsu khi Ngài được tôn vinh tại Gierusalem!

          Để tránh hiểu lầm đáng tiếc này, trước cuộc hiển dung 8 ngày, Đức Giêsu đã nói thẳng với các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”(Lc 9, 22). Nghe thế, các môn đệ ngỡ ngàng; Phêrô đã ra sức can ngăn: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22). Phêrô không muốn Thầy mình dấn thân vào con đường chịu chết khổ nhục. Ong không muốn chấp nhận bước theo Thầy trên con đường khổ giá. Ông đã bị Đức Giêsu khiển trách “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người”.

          Hôm nay, Chúa đưa 3 môn đệ thân tín lên núi và biến đổi dung mạo trước mắt các ông là có chủ đích. Người hé lộ thần tính của Người để các ông thêm niềm tin tưởng. Người cho các ông thấy vinh quang để các ông chấp nhận con đường gian nan đau khổ Người sắp trải qua cũng như mời gọi các ông bước theo.

Khi chứng kiến phép lạ, Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng cứu độ Cựu ước đã loan báo [với sự xuất hiện của hai vị đại diện cựu ước là Mose và Elia].

          Tuy nhiên, trong hạnh phúc ngất ngây, Phêrô đã xin với Thầy cho mình được ở mãi trên núi: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt quá; chúng con xin dựng 3 lều, một cho Thầy, một cho Mose và một cho Elia”. Chắc hẳn còn một câu nữa mà ông không nói ra hay thánh sử Luca không ghi lại, đó là “Chúng con không cần lều, ở đâu cũng được, miễn là trên núi!”. Đây là tâm lý chung của con người. Thật vậy, ai mà chẳng thích vinh quang; ai mà chẳng ngại gian nan đau khổ! Nhưng đường lối cứu độ của Thiên Chúa lại không phải như vậy. Cho nên, ngay lúc đó, Phero nghe được tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người”.

          Vì thế, sau những giờ phút vinh quang trên núi, mấy Thầy trò lại xuống núi. Và Phêrô cũng như các tông đồ khác đã theo Thầy tiến về Gierusalemtrên, chấp nhận bước vào con đường khổ nạn Thập giá; đường khổ nạn thập giá đã là đường đưa các ông đến vinh quang nước trời.

          Có thể nói, việc lên núi và chứng kiến Chúa biến hình đã thực sự biến đổi cuộc đời các tông đồ. Còn mỗi người chúng ta thì sao?

           Trong hành trình đức tin hôm nay, chúng ta cũng gặp biết bao gian nan thử thách do việc bổn phận, do những trái ý xảy ra hằng ngày; đó là những thập giá Chúa gửi đến và mời gọi chúng ta đón nhận để bước theo Ngài. Theo suy nghĩ tự nhiên của con người, chúng ta cũng dễ chán nản, buông xuôi, bỏ cuộc. Tuy nhiên, Chúa vẫn thường xuyên đưa chúng ta lên núi với Chúa: Núi của thánh lễ, núi của những phút giây ngất ngây cầu nguyện, núi của những dịp tĩnh tâm mùa chay…

Ước gì trong mùa chay thánh này, chúng ta hãy thường xuyên ‘lên núi’ với Chúa qua các thánh lễ, qua các giờ chầu và kinh nguyện để chúng ta vững tin, can đảm đón nhận thập giá mà không bỏ cuộc; để nhờ đã biết đón nhận và vác thập giá theo Chúa, chúng ta cùng được tiến vào vinh quang phục sinh với Người.

          Cuộc biến hình của Chúa Giêsu: Trình thuật của Lucas hôm nay muốn liên kết với trình thuật khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa và Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó sắp xảy ra tại Jerusalem của Ngài (Lc 9,18-22), qua việc đề cập đến “tám ngày sau.” Mục đích của Chúa Giêsu khi đem theo Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện là để cho các tông đồ chứng kiến thần tính thực sự của Ngài: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.”

          Chúa Nhật thứ II mùa chay Hội Thánh mời gọi chúng ta xét lại xem đã sống đức tin như thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Đức tin đã thực sự làm chúng ta nên công chính như tổ phụ Abraham chưa? Ngài đã hoàn toàn đặt tin tưởng vào Chúa, ngay chính lúc tuyệt vọng, không còn lý do để tin tưởng. Chính do lòng tin tưởng thuần phục đó, tổ phụ Abraham đã được toại nguyện, đúng như lời Chúa hứa.

          Đức Kitô chính là Đấng đến thực hiện trọn vẹn những gì Cựu Ước đã chuẩn bị và loan báo. Và như thế, Ngài trở nên Đấng Cứu Độ duy nhất mà muôn dân hằng mong đợi.

          Qua bài Tin Mừng các Tông Đồ biết Đức Giêsu có thần tính và là Đấng mà Môsê và các tiên tri loan báo mấy trăm năm về trước. Chính Ngài là Lời của Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa. Do đó, cùng với việc tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa duy nhất, phụng vụ mời gọi chúng ta cũng đặt trọn niềm tin của mình vào Đức Kitô qua việc lắng nghe lời Người.

Huệ Minh 2022

 

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM C-2016
St 15, 5-12. 17-18; Pl  3, 17 - 4, 1; Lc 9, 28b-36
BIẾN HÌNH VỚI CHÚA


Tinh thần của Mùa Chay là đi vào sa mạc của lòng mình để ở với Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện. Đối diện với Chúa, ta thấy rõ mình hơn và hiểu biết Chúa hơn.

Sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất về cuộc tử nạn và phục sinh, Người đưa ba tông đồ thân tín Phêrô, gioan và Giacôbê lên núi. Người biến hình trước mặt các tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông. Biến cố Chúa biến hình trên núi chuẩn bị cho các tông đồ đi vào mầu nhiệm vượt qua: Tử nạn và Phục sinh, để cho các tông đồ xác tín rằng theo Chúa Giêsu không chỉ có Thập Giá, mà còn có cả vinh quang nữa. Đó là ý nghĩa chính của cuộc biến hình này.
Ngang qua tương quan gần gũi với Chúa, chúng ta được Ngài biến đổi để trở nên rạng ngời hơn. Lời Chúa hôm nay thuật lại cho chúng ta rằng: “Hôm ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.” (Lc 9, 28-29)

Trang Tin mừng hôm nay là lời tuyên bố từ trong áng mây: “Đây là Con Ta, Người đã được tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Chính Thiên Chúa Cha giới thiệu Con của Người và xác nhận tư cách Thiên Sai của Chúa Giêsu, vị Thiên sai tôi tớ phải chết thay cho muôn người được cứu sống. Người kêu mời tất cả chúng ta hãy vâng nghe lời Con Thiên Chúa.

Gặp gỡ Thiên Chúa thực sự luôn đi kèm một thay đổi tích cực nào đó cho cả tâm hồn lẫn thể xác. Khuôn mặt phản ánh nội tâm. Nếu muốn thay đổi dung mạo của mình, cách hữu hiệu nhất là thay đổi tâm hồn.

Trong Mùa Chay, chúng ta có cơ hội tốt để đến gặp gỡ Thiên Chúa ngang qua nhiều hoạt động thiêng liêng với anh chị em trong đoàn thể của mình.

Cạnh đó, chúng ta cũng cần đi lên núi ở riêng với Chúa cách thân mật, để gặp gỡ Ngài diện đối diện. Đi lên núi là điều không dễ bởi nơi đó chỉ có một mình ta. Cuộc sống tấp nập khiến ta dường như không đủ tĩnh lặng để có thể một mình đi gặp Chúa. Nhiều khi chúng ta ngại phải đối diện với bản thân mình, ngại phải duyệt xét những vấp ngã của chính mình. Khi đó, ta thường hay thoái thác và miễn trừ cho mình những chuyến đi vào sa mạc của cõi lòng.

Khi nhìn thấy dung mạo sáng láng của Thầy, các tông đồ dường như muốn ở lại mãi trong vinh quang ấy và muốn “dựng lều” để ở lại nơi ấy. Các ông muốn ở lại trong vinh quang sáng ngời nhưng lại không hiểu hết về cuộc xuất hành Thầy mình sắp hoàn tất tại Giêrusalem. Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn chiêm ngắm dung mạo rạng ngời của Thầy Giêsu khi Ngài bày tỏ vinh quang, nhưng các ông lại trốn chạy không dám nhìn gương mặt đầy thương tích của Thầy trên núi Sọ.
Đi lên núi chiêm ngắm dung mạo rạng ngời của Chúa trong Chúa nhật hôm nay là lúc ta được bổ sức và biến đổi hầu có thể theo Chúa trong cả gian khó lẫn vinh quang. Biến cố biến hình và biến cố đồi Can-vê, cả hai  đều xảy ra trên núi. Hai biến cố này mang dáng vẻ bên ngoài khác nhau nhưng diễn tả cũng một thực tại là Đức Giêsu vinh quang.

Quả vậy, theo thánh sử Gioan, thì chính lúc ở trên thập giá là lúc Đức Giêsu diễn tả vinh quang Thiên Chúa và lòng nhân hậu của Ngài cách tuyệt vời nhất. Qua mầu nhiệm thập giá,  Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa vĩ đại và yêu thương đến thế nào! Một Thiên Chúa bị đánh đòn bầm dập và chịu treo trên cây gỗ cho đến chết. Một Thiên Chúa đã trở nên trò cười cho khách qua đường. Một Thiên Chúa không tìm cách trả thù, nhưng lại sẵn sàng lấp đầy yêu thương và tha thứ cho những bạo lực của con người. Chính vì thế mà chúng ta thấy Thiên Chúa cao cả và yêu thương ngay trong biến cố thập giá.

“Biến hình” cần thiết đối với các tín hữu trước hết là thay đổi cách sống. Mùa Chay là mùa sám hối canh tân, là thời điểm thuận lợi để lãnh nhận ơn Chúa. Rà soát lại hạnh kiểm của mình, mỗi tín hữu cần có những quyết tâm đổi mới cuộc đời dựa trên Lời Chúa. Qua cầu nguyện và chay tịnh, xin Chúa tăng sức và biến đổi tâm hồn mỗi người chúng ta hầu dung mạo chúng ta cũng được bừng sáng trong ân sủng và bình an.

 

Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay - 2019

St 15, 5-12. 17-18; Pl 3, 17 - 4, 1; Lc 9, 28b-36

BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI NHƯ CHÚA

          Với trang Tin Mừng hôm nay, ta bắt gặp Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, trong lúc Ngài biến hình thì các ông có lẽ đang ngủ và câu chuyện hình như xảy ra vào ban đêm. Đêm thường là biểu tượng của sự tối tăm khiến chúng ta không còn nhận ra cách trực tiếp những thực tại siêu nhiên.

          Rồi các môn đệ bắt gặp Ngài nói chuyện với Môsê và Elia. Sự hiện diện của hai vị này cũng như câu chuyện trao đổi liên kết một cách mầu nhiệm trong thân phận con người và vinh quang của cuộc đời mai hậu. Điều này chứng tỏ rằng giữa những đau khổ ở đời này, con người sẽ được sống lại và được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.

          Khi Phêrô đang nói thì có đám mây che các Ngài, và có tiếng từ trời: “đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài”. Thiên Chúa muốn con người vâng nghe Đức Giêsu. Thiên Chúa không muốn Con Ngài và những người theo Con Ngài ở hoài trên núi; Ngài muốn họ xuống núi để sống cuộc sống bình thường của họ giữa con người thời đại mình. Giây phút biến hình không biết kéo dài khoảng bao nhiêu phút, nhưng thất bại và thập giá còn hoài trong suốt cuộc sống của Đức Giêsu và các tông đồ, kể cả khi Đức Giêsu đã phục sinh từ cõi chết.

          Sau đó tầng trời mở ra và có tiếng nói: Này là con Ta. Cảnh tượng giống như lúc Ngài chịu phép rửa bên bờ sông Giođan. Vì thế, Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là Chúa Giêsu biến hình. Ngài là người đầy tớ thực hiện ý định của Chúa Cha, cho nên chúng ta phải tin tưởng, lắng nghe và thực thi những điều Ngài truyền dạy.

          Biến cố Chúa Biến Hình loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng đôi mắt con tim để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, nếu chúng ta muốn biến đổi thành công dân Nước Trời, phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Người. Có sẵng sàng vác thập giá Chúa gửi trao mới được theo Chúa là Đường là Sự Thật là Sự Sống để được hưởng vinh quang Phục sinh với Ngài.

          Chúa biến hình vinh quang sáng láng để nêu gương cho chúng ta, để chúng ta cũng biết biến đổi hình dạng như thế: biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người ; biến đổi từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.

          Với biến cố biến hình nay, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi từng ngày sống của mình không ngừng lột xác, không ngừng đổi mới để được trở nên giống Đức Kitô hơn. Đây cũng là ý tưởng câu thánh Phaolô, ngài nói: Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của chúng ta cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài. Đồng thời ngài rất đau buồn khi nhận thấy có những kẻ sống thù nghịch với thập giá. Hãy góp phần vào sự biến hình của chính thân xác mình bằng cách khử trừ tội lỗi, uốn nắn sửa đổi lại những thói hư tật xấu, để trong ngày sau hết chúng ta sẽ được mặc lấy ánh vinh quang của Thiên Chúa.

          Trong thư gởi giáo đoàn Philipphê 3,17-4,1 thánh nhân khuyến khích mọi người bắt chước ngài và theo gương các anh chị em có lòng tin vững mạnh, sống phù hợp với giáo huấn Tin Mừng của Chúa. Thánh Phaolô không tự cho mình là người hoàn thiện, vì Ngài cũng đang phải chiến đấu với thân xác yếu hèn của chính mình, với mọi đam mê và chước cám dỗ như tất cả mọi Kitô hữu khác. Cũng như mọi người, ngài đang chạy đua với hết sức lực mình để đạt đích.

          Thánh Phaolô cũng không khuyên nhủ tín hữu tôn thờ thần tượng một ai đó trong cộng đoàn. Bởi vì những người này cũng đang chạy đua và cố gắng như mọi người khác, chiến đấu với những thiếu sót bất toàn và tội lỗi của họ, và bởi vì vị thầy duy nhất đáng tôn thờ là chính Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là mẫu gương duy nhất cần phải theo và Tin Mừng của Ngài là kim chỉ nam duy nhất có thể đảm bảo cho con thuyền cuộc đời của người tín hữu đến bến bình an. Khi khuyến khích tín hữu cộng đoàn Philipphê bắt chước mình, thánh Phaolô mời cố gắng chạy, cố gắng chiến đấu như ngài, luôn hướng tấm lòng về tới đích cuộc đời là Thiên Chúa, là hạnh phúc mai sau. Đừng để các thú vui mau qua của đời này níu kéo mà khiến cho họ quên đi mục đích tối hậu của cuộc sống là ơn gọi Kitô.

          Nói cách khác, thánh nhân nhắc nhở cho chúng ta biết rằng cuộc sống của chúng ta trên trần gian này là cuộc hành trình tiến về quê hương vĩnh cửu, là quê trời nơi Thiên Chúa đang chờ đón để ban cho chúng ta cuộc sống thần thiêng vĩnh cửu. Do đó phải luôn biết ý thức và tỉnh thức, đừng để cho các thú vật chất hay bất cứ thứ gì trên đời này trói buộc và cầm chân chúng ta. Ngoài ra, thánh nhân cũng khuyến khích tín hữu cũng noi gương ngài không chạy theo các điều luật, các cấm đoán tỉ mỉ và các hình thức lễ nghi bề ngoài, mà chỉ lấy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh làm chỉ huy duy nhất và làm bánh lái sống lòng tin mà thôi.

          Cuộc đời luôn có khó khăn, nhưng lại luôn mở ra những lối đi để chúng ta vượt qua. Khó khăn nào cũng sẽ qua đi. Sau bóng đêm là ánh bình minh. Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm đi vào thử thách với niềm tín thác vào Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Thập giá là nhịp cầu đưa ta tới vinh quang Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã đi trước trên con đường thập giá. Chính Chúa đã đi qua thập giá để tiến vào vinh quang phục sinh. Chính Chúa vẫn đang chờ đợi để trao phần thưởng Nước Trời cho những ai trung tín theo Ngài.

          Để có thể trung thành bước theo con đường Chúa Giêsu đã sống và vạch ra, người Kitô hữu không thể coi nhẹ hay dửng dưng với tâm tình cầu nguyện. Chính trong giây phút cầu nguyện, chìm sâu trong cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Cha như lẽ sống của đời mình, đây cũng là lúc Ngài biến hình vinh quang; được tỏ lộ khi Ngài chấp nhận cái chết như một phương thế tuyệt hảo để tỏ lòng vâng phục Cha và yêu thương nhân loại đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình.

          Vì thế, trong cuộc sống còn lắm vất vả bon chen và không hề thiếu vắng những cạm bẫy thử thách hôm nay, chỉ có sự chuyên cần cầu nguyện, thường xuyên đón nhận ánh sáng soi dẫn, và sức mạnh đỡ nâng của Chúa, người Kitô hữu mới thoát khỏi sự hoang mang sợ hãi hay trạng thái mê ngủ, trốn tránh thực tại trần thế với những bổn phận và trách nhiệm phải thi hành. Đành rằng quê hương vĩnh cửu ở trên trời nhưng đường lên trời lại khởi đi từ mặt đất, từ chính cuộc sống mà chúng ta phải xây dựng và làm cho phát triển mỗi ngày.

 

Thứ Hai Tuần II Mùa Chay 

Đn 9, 4b-10; Lc 6, 36-38

HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ NHƯ CHA ANH EM LÀ ĐẤNG NHÂN TỪ

          Với trang Tin Mừng hôm nay, ta nhận thấy Thánh Sử Luca đặt vào trọng tâm của một chuỗi bài giáo huấn của Chúa Giêsu. Sau khi Ngài nói về các mối phúc và mối hoạ, là một bài giảng về lòng yêu thương với anh em đồng loại , đặc biệt là đối với kẻ thù. Và ta đi tiếp đến câu 36,37,38, Thánh Sử như muốn tóm kết bài giảng yêu thương ấy bằng một câu trả lời gọn ghẽ, chính xác về gương lòng nhânvà hậu quả của việc xét đoán anh em mình.

          “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” ( c 36 ). Chúa Giêsu không nói về mình nhưng Ngài chỉ cho các môn đệ một Đấng đầy lòng nhân hậu. Đấng ấy chính là “Cha anh em”.

          Và rồi ta thấy ở đây Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Cha anh em”, khác với Tin Mưng của Thánh Gioan “Cha Ta, Cha Tôi...” ý muốn nhấn mạnh rằng: Cha nào, thì  con phải như thế. Tục ngữ Việt Nam ta có câu:” Con nhà tông, không giống lông thì cũng giống cánh”. Thiên Chúa lúc này không phải là Đấng Siêu việt, Đấng ở trên cao, cách biệt chúng ta ngàn trùng nhưng là Người Cha nhân từ. Mối tương quan cha con sâu đậm được nhắc ở đây duy chỉ mục đích: hãy bắt chước Cha anh em (Mt 5, 48 ).

          Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Cách nhân từ của Ngài là “chậm bất bình và giầu yêu thương”. Thánh vinh 102 diễn tả những tâm tình rất ngọn ngào và chan chứa lòng nhân từ của Thiên Chúa: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Ngài đại lượng và chan chứa tình thương. Ngài không xử với ta như ta đáng tội, và không trả ta theo lối của ta”. Phải chăng đây chính là niềm an ủi và khích lệ cho người tín hữu, để mùa chay thánh này can đảm quay trở về giải hòa cùng Thiên Chúa.

          Trong câu 37, chúng ta thấy Chúa Giêsu dùng 2 từ “đừng”, : Đừng xét đoán...Đừng lên án” như muốn nhấn mạnh: Anh em chớ có dại dột mà làm điều ấy. Đây là lời cảnh cáo chứ không còn là lời khuyên bảo nhắc nhở như trong câu 36 nữa vì chính Thiên Chúa sẽ đặt lên cán cân cho thăng bằng: Nếu con xét đoán người khác, thì  đừng trách: Tại sao Chúa lại tính toán, chi li với con?. Nếu con lên án người khác thì đừng trách Ta sao lại nặng tay, trừng phạt nghiêm khắc trong cách đối xử với con?

           Nhiều khi trong đời sống chung, chúng ta thường hay mắc phải điều này. Chúng ta nhận xét, phê bình, đánh giá và thậm chí kết tội người khác theo cái nhìn chủ quan. Cùng một sự kiện xảy ra với người mà ta thân thiện, thì ta cho rằng: Chẳng sao đâu, đó chỉ là do lầm lỗi. Còn nếu việc đó xảy ra với người , chúng ta thù ghét, thì lại bảo: Tội đó thật đáng chết, phải trừng phạt đích đáng để làm gương. Nhiều khi chúng ta đóng vai quan toà để kết án người khác mà quên mất cái đà trong mắt mình. Chúng ta quên rằng chỗ đứng của chúng ta là: tội nhân và chúng ta thường ngồi nhầm ghế quan toà khi xét xử người khác. Chúng ta quên mất Thiên Chúa và chỉ có Ngài là Vị Thẩm phán chí tôn, công thẳng. Ngài sẽ xét xử chúng ta theo như công việc chúng ta đã làm cho người anh chị em.

          “Hãy tha thứ... sẽ được thứ tha. Hãy cho...sẽ được nhận lại”. Và chính Thiên Chúa là người trả lại những gì chúng ta đã làm cho Ngài. Ngài trả lại gấp trăm, gấp vạn những điều chúng ta làm  cho người anh em bé mọn, nghèo khổ. Thiên Chúa giàu lòng quảng đại, Ngài cho chúng ta gấp ngàn lần điều chúng ta cầu xin hay nghĩ tới. Ngài là người Cha của chúng ta.

           Trong câu 38, Thánh sử dùng một hành vi tượng trưng để minh hoạ cho việc Thiên Chúa đối xử với những ai yêu mến và tuân giữ lời Ngài “Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn đã lắc và đầy tràn...” Chúng ta thấy cái đấu của Thiên Chúa không ? Không những đong đủ, mà còn dằn xuống cho được nhiều hơn, còn lắc qua lắc lại để không còn một chỗ trống, khe hở nào và đầy tràn: đã đầy, còn tràn ra ngoài nữa. Ý nói: tình thương bao la, lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Đâu là lý do Thiên Chúa đối xử với chúng ta như vậy: “ Vì  anh em đong bằng đấu nào, Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy”. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự công thẳng của Thiên Chúa trong ngày sau hết được mô tả ở đây: Ai sống sao, Ta sẽ trả cho như vậy.

          Và thật sự chỉ có Thiên Chúa là Ðấng toàn trí toàn năng mới hiểu rõ hết mọi ngọn nguồn của tâm hồn chúng ta, và mới có thể phán xét chúng ta một cách chính xác trăm phần trăm. Còn chúng ta, ngay cả việc xét đoán mình, chúng ta cũng hoàn toàn có nguy cơ rơi vào sai lầm. Xét đoán mình đã khó đến thế, nói chi đến việc xét đoán kẻ khác. Nhờ ý thức được giới hạn của mình, chúng ta sẽ không chủ quan khi nhận xét những người chung quanh. Chúng ta không xét đoán được chính xác thì làm sao chúng ta có thể lên án họ một cách hồ đồ được chứ. Và nếu chúng ta không lên án họ thì chúng ta sẽ làm gì đây? Xin thưa: chúng ta sẽ thông cảm bao dung với họ, sẽ nhìn họ với đôi mắt yêu thương và con tim nhân ái. Và dù họ có thực sự là con người băng hoại đi nữa, chúng ta cũng sẽ thực lòng tha thứ cho họ và cầu nguyện giúp họ cải tà qui chính. Chúng ta không xét đoán chính mình, chúng ta cũng không xét đoán anh chị em chung quanh, nhưng chúng ta hãy phó thác tất cả cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.

           Và rồi ta thấy Tin Mừng nhắc chúng ta nhớ đến ngày phán xét chung thẩm trong Tin Mừng tuần qua: Mt 25, 31-46. Lúc đó, Thiên Chúa cứ theo những hành động bác ái ta đã đối xử với anh em mà thưởng phạt tuỳ theo mỗi người.

          Tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, người tín hữu được mời gọi như Tiên tri Đaniel, can đảm xưng thú tội mình trước nhan Đức Chúa, Cân cứ vào ba yếu tố sau: đã làm điều sai lỗi, không sống theo lề luật của Thiên Chúa, và không nghe theo lời dạy bảo của các ngôn sứ. Tất cả những điều này lẽ ra con người phải bị oán phạt, vi đã phá vỡ giao ước với Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Ngài sẵn sàng tha thứ, bỏ qua và đón nhận khi con người quay trở về.

          Ta được mời gọi trở nên giống Chúa Cha, là Đấng nhân từ, huấn lệnh của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Anh em đừng đoán xét, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Đừng lên án để khỏi bị Thiên Chúa lên án và hãy cho thì được Thiên Chúa cho lại”. Nhờ sự biến đổi để trở nên nhân từ, mà mùa chay Thánh này, người Kitô hữu mở rộng vòng tay nhân ái với tha nhân, lấp đầy những rạng nức ngăn cách, xóa tan đi những nghi kị, mà bấy lâu ta tự trói chính mình.

Thứ Ba Tuần II Mùa Chay 

2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16; Rm 4, 13. 16-18. 22;  Mt 1, 16. 18-21. 24a

THÁNH GIUSE, BẠN THANH KHIẾT ĐỨC MARIA

          Trong dòng chảy của lịch sử cứu độ, ta thấy Thiên Chúa đã chọn Thánh Giuse cộng tác vào chương trình cứu chuộc, chương trình mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, nên có thể nói, người được Thiên Chúa chọn hẳn phải là một người đủ phẩm cách đẹp lòng Thiên Chúa. Và điều đẹp lòng Chúa nhất là Tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa.

          Quả thế, nếu đức tin của Mẹ Maria được thể hiện bằng sự khiêm tốn và vâng phục để Thiên Chúa thực hiện mầu nhiệm nhập thể: “Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như Lời sứ thần truyền. Xin hãy thành sự trong tôi, như Lời Ngài đã phán”,  thì Thánh Giuse âm thầm không nói gì, không trả lời gì, mà Ngài chỉ làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà: ‘Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần’. Điều Thánh Giuse đã làm là một câu trả lời  “vâng phục” bằng “đức tin” hùng hồn nhất (Rm 1,5; 16,26; 2Cr 10,5-6).

          Nhìn vào cuộc đời thánh Giuse, ta thấy Ngài thể hiện niềm tin tôn giáo qua việc tuân hành lề luật được ban hành dưới thời Môsê. Luật là kim chỉ nam đời sống, luật cao trọng hơn cả bạc vàng, luật quý giá hơn những lời tinh hoa, luật nên như ánh sáng soi đường công chính. Sự công chính của một người được đánh giá xếp hạng tuỳ vào sự tuân giữ lề luật này. Luật lệ với những quy định rạch ròi, càng tuân thủ khít khao bao nhiêu, càng được đánh giá ở mức độ cao trên đàng công chính bấy nhiêu. Nhưng bước vào chương trình của Thiên Chúa, Giuse được mời gọi phải lên đường ra khỏi ý riêng vốn được luật lệ khuôn định để đến với thánh ý Chúa, đón nhận và tuân hành.

          Thánh Giuse và Mẹ Maria đã đón nhận và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa là đón nhận nhau, và cả hai cùng đón nhận Phôi Thai Đấng Cứu Thế bằng một đức tin. Từ đó, làm thành một cộng đoàn mới của Thiên Chúa, trong kế hoạch của Thiên Chúa.

          Việc thánh Giuse đón Đức Maria về làm vợ trong lúc Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế, quả là một gương đức tin hùng hồn vào Thiên Chúa quyền năng: Thiên Chúa chọn cho Giuse một người vợ. Thiên Chúa chọn cho Maria một người chồng. Thiên Chúa chọn cho Đấng Cứu Thế những người làm Cha Mẹ. Vì quả thực, nếu để tự Giuse chọn, có lẽ Giuse không chọn Maria, vì ngại những tiếng đời dị nghị. Nhưng việc ấy không xảy ra theo ý của Giuse, mà đã xảy ra ngược lại theo ý của Thiên Chúa.

          Thánh Giuse là con người của niềm tin và phó thác, một người được chia sẻ để hiểu biết Mầu Nhiệm của Thiên Chúa. Thánh nhân là con người thinh lặng. Nhưng được Thiên Chúa chọn làm Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ và được trao phó việc chăm sóc con Thiên Chúa, như một người cha.

          Sự vâng phục của thánh Giuse trước thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa cũng như lời thưa “fiát” của Đức Maria đã phần nào thấm nhập vào đời sống kinh nguyện và lời rao giảng của Đức Giêsu sau này. Chúa Giêsu đã từng có một quyết định thể hiện sự vâng phục triệt để thánh ý Chúa Cha trong lúc Ngài đau khổ, cảm thấy bị xao xuyến, bị bỏ rơi trong Vườn dầu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”(Mt 26, 40). Thư Do thái cũng đã diễn tả rất hay sự vâng phục của Chúa Giêsu: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Ngài cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 6, 8). 

          Cuộc sống của thánh nhân là cả một cuộc đời âm thầm, khiêm nhượng. Ngài đã tận tụy gìn giữ gia đình Nagiarét mà Chúa trao phó cho Ngài coi sóc, trông nom. Sự tận tụy hy sinh của Ngài còn được thể hiện qua việc lo lắng cho Đức Mẹ lúc nở nhuỵ khai hoa, khi trốn sang Ai Cập, lúc trở về Nagiaret… Ở đâu và trong hoàn cảnh nào, Ngài cũng lấy đức tin để soi chiếu vào mọi suy nghĩ, hành động và việc làm của mình.

          Một niềm tin được cắm rễ sâu trong việc lắng nghe vâng phục ý Chúa, đã không chỉ làm sáng danh gia đạo, nhưng còn góp phần rất nhiều vào việc hình thành nhân cách của Chúa Giêsu, và giúp Chúa Giêsu thực hiện và hoàn tất sứ mạng cứu thế, đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao với tất cả lòng tin, sự hiền lành và khiêm nhượng.

          Hình ảnh người con mà đức tin cho biết là “Con Thiên Chúa” trong gia đình, có thể nói là yếu tố quan trọng vào bậc nhất trong việc hình thành đức cậy trông nơi Thánh Giuse. Người “con làm việc của Cha trên trời” và “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan” là hoa trái của đức cậy trông mà Thánh Giuse đã miệt mài ký thác.

          Thánh Giuse trong cách sống công bằng, chấp nhận cuộc sống đơn nghèo của mình để sẻ chia. Có thể thấy trong đời sống tự nguyện nghèo khó, một tâm hồn đã tôi luyện khỏi những ích kỷ, cái tôi, biện luận cho lối sống gây bất công. Cội rễ của bất công nằm trong tâm khảm của mỗi người khi “muốn ở trên và đối kháng với người khác” (Sứ Điệp Mùa Chay 2010, Benedicto XVI). Đón nhận tự nguyện đời sống nghèo khó để cùng với người nghèo khó xây dựng đời sống bảo vệ cho phẩm giá cao quý của con người, đó là chứng nhân cho công bằng giữa những bất công. 

          Điều quan trọng nhất là nên nhớ trong mọi tình huống của cuộc đời, chúng ta hãy chạy đến cùng thánh cả Giuse để van xin Ngài cứu giúp, nâng đỡ, chở che và bảo vệ, giúp chúng ta vượt mọi gian nguy của cuộc đời, thoát khỏi những cảm bẫy của thời đại.

          Trong sách Sáng Thế có kể chuyện Tổ Phụ Giuse trong hoàn cảnh đói khổ mất mùa của toàn dân, nhà vua Ai-cập đã bảo với thần dân của mình: ”Hãy đến với ông Giuse, người dạy sao, hãy làm như vậy”. Và từ đó, “hằng ngày ông Giuse đã mở công lẫm để phân phát thực phẩm cho dân”.Hôm nay, chúng ta cũng nhìn nhận hình ảnh Tổ Phụ ấy nơi Thánh Cả Giuse để đến với Ngài. Thiên Chúa như thể muốn nhắc bảo chúng ta: ”Hãy đến với Thánh Giuse, Người dạy sao hãy làm như vậy”.

          Thánh Têrêxa thành Avila đã tâm sự: “Chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng Thánh Cả Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bầu của Vị Thánh Cả vinh phúc này”.

          Thánh nữ tha thiết mời gọi tất cả những ai không tin hoặc chưa tin, hãy thử mà cậy nhờ, hãy thử cầu khẩn Thánh Cả Giuse vinh hiển, thì đoan chắc không có ơn nào mà ngài lại từ chối ! Hãy tin và tín thác vào Ngài.

 

Thứ Tư Tuần II Mùa Chay 

 Gr 18, 18-20; Mt 20, 17-28

ĐẾN VÀ PHỤC VỤ

          Chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra mối bận tâm lớn lao nhất của Ngài chính là vâng phục thánh ý Chúa Cha (Mt 26, 39.42.44). Ngài đã vâng phục Chúa Cha đến cùng để hoàn tất công trình cứu chuộc đầy yêu thương của Chúa Cha (Pl 2, 8-9; Ep 1, 7-8). Ngài dâng hiến mạng sống mình để mang lại sự sống mới dồi dào cho con người. Ngài mời gọi các môn đệ hãy bước theo Ngài, sống khiêm nhường phục vụ.        

          Trang Tin Mừng mà Thánh Matthêu thuật lại hôm nay như đi ngược chiều dòng lịch sử ấy, Nói đúng hơn Thánh sử đang trình thuật về một vương quốc khác hẳn thế giới này: Một vương quốc mà Đức Vua phải chịu tử hình bởi con dân Ngài. Một vương quốc mà mọi thần dân phải bước trên con đường đau khổ, vác thập giá cuộc đời thì mới đến ngai tòa vinh hiển. Một vương quốc lấy dân làm gốc, lấy tình yêu làm luật, lấy sự phục vụ chăm sóc người khác làm dây thắt lưng... Thoạt nghe, chúng ta chắc hẳn sẽ nghi ngờ và cho rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trong mộng tưởng. Nhưng có một con người đã sống chết cho vương quốc ấy và đang mời gọi chúng ta tiếp bước là Đức Giêsu- Chúa chúng ta.

          Ta thấy được bài học khổ nạn trong phần đầu Tin Mừng. Trên đường lên Giêrusalem (vì sắp tới lễ Vượt Qua là lễ mà mọi người Do Thái đến tuổi thành niên về Giêrusalem để tham dự), Chúa Giêsu tách riêng những môn đệ thân tín đi với Ngài. Ngài nói với các ông như  lời tiên báo và cũng là lời tâm sự : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người... bị nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh.... và sẽ chỗi dậy” (c.18-19).

          Ta thấy với tin động trời như vậy, thế mà chẳng có môn đệ nào phản ứng, ngay cả Phêrô, Gioan... là những người đứng đầu bảng tuyên xưng niềm tin và được Chúa Giêsu thương mến. Hình như các ông chẳng quan tâm và cho rằng đó là chuyện của người nào đấy... và không dính dáng đến mình. Thánh sử còn nói rõ : đây là việc tiên báo về cuộc thương khó lần thứ ba của Chúa Giêsu. Thật vô tình quá ! Bài học này đã không được các môn đệ tiếp nhận.

          Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta hai chữ "phục vụ" ý nghĩa đích thực của nó: phục vụ như Chúa Giêsu đã sống là sống như một người tôi tớ. Người tôi tớ trong thời phong kiến chỉ có một hiện hữu duy nhất, đó là sống cho và sống vì người khác. Như vậy, phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại trong Tin Mừng.

          Những dân chài Galilê đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, nhưng các ông từ bỏ mọi sự với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Ngài. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: "Tôi cho đi để được lấy lại," "tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn," "tôi phục vụ để được phục vụ lại." Quyền bính, danh vọng vẫn luôn là cám dỗ đối với Giáo Hội qua mọi thời đại. Dưới lớp áo thâm chùng của từ bỏ vẫn còn ẩn núp những tham sân si. Đội lốt tôn giáo, lời tố cáo ấy xem ra không phải là quá đáng, bất công đối với không biết bao nhiêu thành phần được gọi là người của Giáo Hội.

          Và rồi ta thấy Chúa Giêsu đang buồn rầu vì các môn đệ không hiểu bài học Ngài vừa truyền đạt, thì Ngài lại phải giải quyết một vấn đề khá quan trọng xảy ra với hai môn đệ thân tín của Ngài: Mẹ của Gioan và Giacôbê đến gặp Đức Giêsu. Một bà mẹ như đoán trước thời cuộc. Thời lên ngôi của Chúa Giêsu nên bà vội vã đến quì lạy xin giành “chỗ nhất” cho hai đứa con yêu quí của bà được ngồi bên tả, bên hữu Chúa.    (c.20-21)

          Thế nhưng mà rất tiếc bà đã đi lệch hướng. Đức Giêsu liền kéo bà và mọi người quay trở về đường lối của Thiên Chúa: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” chẳng biết có hiểu “chén của Chúa” là cuộc tế hiến trên đồi Canvê của Ngài hay không, họ cũng đáp liều : Thưa uống nổi. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định rõ với họ: Môn đệ theo Thầy là phải giống như Thầy là uống chén đắng, nhưng còn việc ngồi ở đâu là do quyền Chúa Cha định đoạt. Ý nói : chúng ta được cứu độ không phải là do công trạng mình lập ra, nhưng là do lòng thương xót của Chúa.

          Có lẽ mười môn đệ kia tức tối với hai anh em Giacôbê và Gioan là vì : mình không chạy nhanh, không tính toán bằng. Đó có thể là sự ganh tị... và Chúa Giêsu, nhân cơ hội này đã giảng một bài về phục vụ cho những người muốn làm thủ lãnh, làm đầu, làm nhất, làm lớn trong thiên hạ. Chúa trưng dẫn lối lãnh đạo theo Người đời : Lấy quyền thống trị, dùng uy cai quản (x. c. 25). Ngài khẳng định : Giữa anh em không được như vậy : làm lớn để phục vụ (c. 26). Làm đầu phải là đầy tớ (c. 27). Một lối sống đối nghịch với những gì người đời mong đợi.

          Sống ở đời, mỗi người có những bận tâm và mục đích sống khác nhau. Có người chỉ mải mê kiếm tiền, bao nhiêu tiền cũng không đủ; người khác thì chạy đua tìm quyền lực, địa vị; có người chỉ lo vun vén cho mình mà dửng dưng, vô cảm với người khác; nhưng cũng có người chọn lý tưởng sống vì người khác, tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc đời khi mang lại hạnh phúc cho tha nhân. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống khiêm nhường phục vụ như Chúa. Đó là bí quyết hạnh phúc mà Chúa truyền lại cho con cái Ngài.

 

Thứ Năm Tuần II Mùa Chay 

Gr 17, 5-10; Lc 16, 19-31

XIN ĐỪNG VÔ CẢM

          Vô cảm mà có thể chúng ta vướng phải trong cuộc đời, khi chúng ta dửng dưng trước những con người đáng thương. Đó cũng là thực trạng nơi trái tim chai cứng của nhân loại thời nay trước những đau khổ của đồng loại quanh mình. Suy nghĩ của bạn sinh viên một lần nữa lại gợi lên trong chúng ta hình ảnh của Tin mừng Lc 16, 19-31: Người phú hộ giàu có, ngày ngày yến tiệc linh đình, cao lương mỹ vị, nhưng ngay bên lại tồn tại một anh Lazarô nghèo nàn chết trong đói khổ, không được trợ giúp.

          Ta thấy rằng không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Khi mắt ta không để  ý sự đau khổ, tâm hồn ta không chút xót thương đến những người phận nhỏ, lòng trắc ẩn không hề rung động trước bi thương của anh em đồng loại sẽ tạo nên hố ngăn cách sâu thẳm giữa ta với tha nhân và với nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa. Và như cành nho không gắn liền với thân nho, nó sẽ bị khô héo mà chết đi, mất đi sự sống thần linh, sự sống viên mãn.

          Trang bài Tin Mừng hôm nay, sở dĩ người phú hộ không được vào Nước Trời, vì ông đã không tỏ lòng thương xót đối với Ladarô, cho dù đó chỉ là một chút nhỏ nhoi dành cho con người khốn khổ ngày ngày lê lết ăn mày trước cổng nhà ông.

          Người phú hộ phải “chịu cực hình” không phải vì ông còn nhiều của cải, nhưng vì ông đã không biết “sử dụng của cải mà mua lấy bạn hữu Nước Trời”, mà bạn hữu ở đây không ai khác là chính Lazarô nghèo khó mà ông gặp hang ngày. Thực sự, tiêu chuẩn để vào Nước Trời không phải ở chỗ giàu hay nghèo, nhưng hệ tại nơi việc sống bác ái với anh chị em.

          Thực tế trong cuộc sống ta thấy thay vì sống thương yêu, cảm thông, con người lại trở nên vô cảm, ích kỷ. Câu chuyện anh Ladarô nghèo khó và người phú hộ giàu sang là một hiện trạng rất thực tế của xã hội chúng ta hôm nay: dửng dưng, thiếu lòng thương xót. Chính sự vô cảm đã tạo ra những vực thẳm ngăn cách trong mối tương quan giữa con người với nhau, dẫn đến chia rẽ, hận thù… Nếu cuộc sống không có đức ái, con người chẳng khác gì một cỗ máy vô tri. Thiếu lòng xót thương, con người tự đóng khung cuộc đời mình trong sự cô độc. Mất lòng thương cảm, con người tự tách biệt mình ra khỏi cộng đồng và nhất là tự mình tách lìa khỏi lòng thương xót của Chúa. Vì ai không biết yêu thương, thì không ở lại trong tình thương của Thiên Chúa (1 Ga 4, 16b).

          Tội của người phú hộ chính là tội vô tâm, làm ngơ, phớt lờ, không nhìn, không nghe, không thấy người nghèo, Ladarô đang van xin cứu giúp trong cơn đói khổ. Tội của người phú hộ chính là tội thiếu sót, tội đã không làm những gì lẽ ra mình phải làm cho người đang cần mình trợ giúp. Sẽ có một ngày tất cả chúng ta bước vào một thế giới mà giấy thông hành không phải là tiền của nhưng chính là tình yêu. Chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em mới được bước vào.

          Thánh Augustinô có lần đã nói rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn mày đang cần đến hồng ân Thiên Chúa: “Anh em giàu có với những của cải tạm bợ, nhưng anh em cần những thứ vĩnh cửu. Điều mà anh em làm với những ai khẩn cầu anh em thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện như thế với anh em... Hãy đong đầy cho những người anh em đang túng thiếu, để sự túng thiếu của anh em cũng được đong đầy”.

          Là những người cần đến lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa, những người cầu nguyện với đôi bàn tay mở ra như những cái bát của người ăn mày, tôi và bạn đến lượt mình, ta phải cố gắng sống nhân từ, quảng đại và thương xót những người khác, bởi vì mức độ ta cho sẽ trở thành mức độ mà ta nhận.

          Quả thực tình yêu thương, lòng trắc ẩn là những đức tính làm cho chúng ta trở thành con người đúng nghĩa. Khi tâm hồn thiếu vắng tình yêu thì phải thấy rằng chúng ta đang tụt hậu. Còn ai biết sống yêu thương thì lại là những người đang cùng nhau tiến nhanh trên hành trình của ơn cứu độ. Đây chính là những người mà Chúa Giêsu nói đến trong bài giảng trên núi : “Phúc thay ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

          Thiên Chúa không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn thấu tâm can. Ngài dựa vào những công việc đẹp, những hành động tốt lành mà chúng ta dành cho Chúa và cho nhau. Thật vậy, tác giả Luca diễn tả hai con người, hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau từ đời sống này cho đến đời sống sau. Họ khác nhau từ cách thức họ dành cho nhau và dành cho Chúa. Sự khác biệt, tương phản ấy khởi đi từ đời sống vật chất. Anh nhà giàu, vinh hoa phú quý, ngày ngày yến tiệc linh đình. Sống trong nhung lụa, thưởng thức sơn hào hải vị. Anh ta rất hạnh phúc và sung sướng với những gì mà mình đang có. Trái lại, anh nhà nghèo Lazaro, khố rách áo ôm, người đầy những ghẻ lở hôi thối, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đang đau đớn vì bệnh tật, mong được hưởng chút canh thừa cơm cặn từ ông chủ nhà này...

          Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương nhưng cũng rất mực công bằng vô cùng. Người ghét tội nhưng Người thương kẻ có tội. Người vui khi thấy kẻ có tội thật lòng thống hối ăn năn. Người còn vui hơn khi chứng kiến con người biết yêu thương và quan tâm đến nhau, xót thương nhau. Anh nhà giàu trong tin mừng Mát-thêu đã giữ luật “mến Chúa yêu người” rất hoàn trọn, anh muốn được nên trọn lành giống như Chúa; thế nhưng khi Ngài đề nghị anh bán tất cả tài sản cho người nghèo, anh đã bỏ đi. Anh không biết cảm thương người khác. Anh không thể nên trọn lành như Cha trên trời. 

          Và rồi ta thấy người phú hộ giàu có ấy có thể là hình ảnh của mỗi chúng ta hôm nay. Mỗi khi ta sống dửng dưng, thờ ơ trước những nhu cầu của người xung quanh hay khi ta sống ích kỷ, ghen ghét làm mất phẩm giá của người khác… là lúc chúng ta cũng đang tự đẩy mình xuống nơi cùng cực, đau đớn như người phú hộ hôm nay phải chịu. Xin cho chúng ta ý thức rằng: chính lúc cho đi là khi nhận lãnh. Gieo nụ cười sẽ gặt về niềm vui. Gieo tình thân, sẽ được ân tình…

 

Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay 

St 37, 3-4. 12-13a. 17b-28; Mt 21, 33-43. 45-46

THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN

          Vườn nho là nhà Israel và gia chủ là chính Thiên Chúa. Các tá điền là những người lãnh đạo trong Israel: tư tế, kinh sư, và biệt phái. Đầy tớ của chủ là các tiên tri qua các thời đại. Điểm khác biệt giữa hai câu truyện Vườn Nho là sự sai đi của Người Con. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.

          Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu kể cho cử tọa của Ngài nghe dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” (Mt 21, 33-43). Trong dụ ngôn này Ngài ví ông chủ như là Chúa Cha. Vườn nho là tất cả những tâm hồn khao khát theo Chúa, là Giáo Hội. Những tá điền canh tác là các tư tế, thủ lãnh trong dân. Các đầy tớ đi thu hoa lợi là các tổ phụ, các ngôn sứ. Còn con trai yêu dấu của chủ là chính Ngài

          Chúa Giêsu biết rõ những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ có một cái tôi rất lớn được xây dựng bằng thành trì của sự kiêu ngạo, tự phụ, tự tôn, luôn coi mình là đạo đức hơn người. Thế nên, bản thân họ rất khó nhận ra con người thực chất của chính mình để sám hối. Vì thế, Đức Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn: “Những tá điền sát nhân”.

          Ngài kể về những người làm công ác nhân, thất đức khi đối xử bất nhân với những người nhà của chủ được sai đến, không những thế, sự bất nhân của họ còn được sử dụng ngay với chính con của ông chủ, nên họ đã giết luôn cả đứa con thừa tự và cướp luôn vườn nho.

          Qua dụ ngôn người làm vườn nho sát nhân, không những Chúa Giêsu ám chỉ đến cái chết dã man mà các Thượng tế và Biệt phái sẽ gây ra cho Ngài, nhưng Ngài còn loan báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện cho Ngài. Với sự phục sinh âý, Thiên Chúa như tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, yếu đuối đã trở thành sức mạnh, thất bại biến thành khơi nguồn của ân ban. Chúa Giêsu đã gói ghém tất cả các mạc khải ấy trong câu trích từ Tv 118: “Chính viên đá thợ xây loại bỏ, đã trở nên viên đá góc tường”. Cái bị loại bỏ đã trở thành chuẩn mực, cái yếu đuối đã trở thành sức mạnh, cái điên dại đã trở thành lẽ khôn ngoan, cái chết đã trở thành cửa ngõ và khởi đầu nguồn sống mới.

          Chúa Giêsu muốn cho các thính giả đang nghe Ngài cũng như các đọc giả hôm nay, những người đang tìm kiếm Ngài, bước theo Ngài thấy được tình yêu Thiên Chúa đối với con người, Thiên Chúa luôn yêu thương con người và yêu thương đến cùng.

          Người đã yêu thương tuyển chọn và chăm sóc dân Người thật chu đáo (x.Mt 21,33), sai các Ngôn sứ đến để nâng đỡ, dẫn dắt họ. Nhưng tất cả đều bị dân Người bội phản, bất trung, đối xử tàn bạo khủng khiếp (Mt 21,35-36). Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn yêu thương đợi chờ và cuối cùng sai chính Con Một yêu dấu của Người (Mt 21,37), là Ngôi lời Nhập thể đến, Ngài đã dùng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài để bảo vệ, cứu chuộc dân Ngài, tái tạo dân mới, một dân biết làm cho nước Thiên Chúa sinh hoa lợi ( Mt 21,43).

          Trãi qua những thăng trầm của lịch sử và những chuyển biến của xã hội, sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội có lúc đã gặt hái được kết quả lớn lao, nhưng cũng có khi gặp những trở ngại khó khăn. Người tông đồ như là những viên đá bị người đời loại bỏ, gây cản trở, nhưng Thiên Chúa lại dùng những viên đá ấy để xây dựng Giáo hội của Người. Khi ra đi thi hành sứ mạng, người tông đồ luôn gặp khó khăn thử thách. Điều này chính Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ của Ngài. Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.

          Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Trong mọi thời, người tông đồ luôn phải đối diện với khó khăn, bách hại. Thế nhưng, ngay trong những lúc khó khăn ấy thì tinh thần người tông đồ lại càng hăng say nhiệt thành với sứ mạng, với lệnh truyền của Thầy Giêsu. Giáo hội chưa bao giờ thiếu những tông đồ nhiệt thành. Thời nào cũng có những con người trẻ sẵn sàng hy sinh và dấn thân để loan báo và làm chứng cho tin mừng.

          Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương con người đến tột cùng. Một tình yêu mà xét trên bình diện con người tự nhiên có thể nói là tình yêu mù quáng “Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (I Ga 4, 10). Nhưng xét trên bình diện siêu nhiên chúng ta mới thấy được tình yêu vô biên, nhiêm mầu của Thiên Chúa.Vì không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu. Hơn nữa Ngài đành mất tất cả miễn là để cứu chúng ta, để chúng ta được sống (1Ga 4, 9). và sống dồi dào, sung mãn, hạnh phúc.

          Thiên Chúa đã yêu thương tuyển chọn và chăm sóc dân Người. Nhưng những con người bất tín, điển hình là các nhà lãnh đạo Do thái đã đưa dẫn vào con đường bội nghĩa. Người đã sai các ngôn sứ đến và các ngài đã bị đối xử tàn tệ. Cuối cùng Thiên Chúa đã sai chính Con Một của Người đến. Ngài đã bị họ xỉ nhục, đánh đòn và đóng đinh trên Thập Giá. Nhưng chính nhờ Ngài, ơn cứu độ đã được thực hiện cho muôn người. Qua cái chết của Ðức Giêsu, một dân tộc mới được khai sinh, Giáo hội được chào đời.

          Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sai các ngôn sứ này đến các ngôn sứ khác đến khuyên bảo dân Ítraen, nhưng họ không hề thay đổi, vẫn cư xử  một cách tồi tệ và giết các ngài. Thế nhưng lòng nhẫn nại của Thiên Chúa vẫn không hề vơi, cuối cùng Ngài sai chính Con Một của Ngài với hy vọng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng lòng gian ác của họ đã đạt đến cực điểm. Họ đã tra tay bắt lấy “Người Con Một” của Ngài và lôi ra ngoài thành thánh Giêrusalem mà giết đi.  Nhưng chính nhờ “Người Con Một” đó mà ơn cứu độ đã được thực hiện cho muôn người. Qua cái chết của Đức Giêsu, một dân tộc mới được khai sinh, Giáo hội được chào đời.

          Ngày nay, giáo hội đang đối diện với nhiều khó khăn thử thách mới của thời đại, nhiều hình thức bách hại mới đang diễn ra và gây nhiều thiệt hại cho Giáo hội. Giáo hội hôm nay đang rất cần những tông đồ sẵn sàng lên đường làm chứng cho Tin mừng, làm chứng cho sự thật.

huệ minh March 12, 2022