Tình Mẹ Yêu Con
 
 


19. MẸ MARIA HÙNG DŨNG TUYỆT VỜI

Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Maria,

Chắc anh chị em còn nhớ: Trong kinh cầu Đức Bà mà anh chị em quen đọc, có tất cả 12 tước hiệu tôn nhận Đức Mẹ làm NỮ VƯƠNG, trong 12 tước hiệu Nữ Vương đó, thì tước hiệu thứ 5 là; NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO.

Nghe tới đây, chắc có người trong anh chị em lại thắc mắc:

- Ủa! Đức Trinh Nữ Maria chịu tử vì đạo bao giờ, mà tôn nhận Ngài làm Nữ Vương các Thánh Tử Vì Đạo?

Tôi xin nói rõ, để anh chị em được hiểu. Theo nghĩa thông thường, người bình dân quen hiểu, thì tử vì đạo là phải bị bắt bớ, bị giam cầm, bị tra tấn, và bị xử tử, tức là bị giết vì đạo, hoặc bị chết rũ tù vì đạo, như các Thánh Tử Đạo Việt Nam cha ông chúng ta xưa. Nếu xét theo nghĩa bình dân thông dụng này, thì Đức Mẹ Maria không được phúc tử vì đạo như các Thánh.

Thế nhưng, danh từ Tử Vì Đạo, tiếng Anh gọi là MARTYR, tức là người làm chứng cho đạo Chúa Kitô.

Đức Mẹ Maria không tử đạo theo nghĩa thông thường, nhưng Mẹ là CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC của CHÚA KITÔ. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng như Âu Mỹ, phần lớn các ngài đã lấy máu mình làm chứng cho Chúa Kitô vào cuối đời mình. Còn Đức Trinh Nữ Maria đã làm chứng cho Chúa Kitô trót cả cuộc sống đau khổ triền miên ở trần gian.

Các vị tử vì đạo đã từng chịu cực hình trên thân xác. Về phần Đức Mẹ Maria, Mẹ đã phải chịu đau đớn trong tâm hồn, như lời Tiên tri Simêon đã báo cho Mẹ ngày Mẹ dâng Con vào đền thánh: "Một lưỡi gươm sẽ xuyên thấu tâm hồn Bà" (Lc 2:35).

Vậy linh hồn cao trọng hơn thân xác bao nhiêu, thì những khổ đau của Mẹ đã chịu cũng vượt xa các thống khổ của các vị Tử vì Đạo bấy nhiêu.

ĐỨC HÙNG DŨNG TUYỆT VỜI CỦA MẸ

Kính thưa toàn thể anh chị em,

Có một số giáo dân chỉ nhận thấy nơi Đức Mẹ Maria là một thụ tạo vô cùng trong trắng và đầy ơn phúc, là một phụ nữ âu yếm nhất và dịu dàng nhất chưa hề có. Chỉ có vậy thôi. Cho nên, họ chỉ có lòng sùng kính Đức Mẹ theo cảm tình bên ngoài, chứ họ đâu để ý đến người Trinh Nữ dịu dàng trong trắng này cũng là một Phụ Nữ Hùng Dũng Tuyệt Vời và không hề có một đàn ông nào mạnh mẽ, can đảm và hùng dũng như Đức Mẹ Maria.

Đức Hùng Dũng này gồm hai tác động chính là Quyết Chí Hành Động và Nhẫn Nhục Chịu Đựng.

Như chúng ta đã biết con người phải có đức tính hùng dũng mới dám quyết tâm làm những việc gian lao.

Nếu trong lãnh vực siêu nhiên, người ta có thể cậy vào sự trợ lực của Thiên Chúa, thì người ta cũng cần phải có một sức mạnh anh hùng để đảm nhận một số trách nhiệm quan trọng. Nào chúng ta chẳng thấy những người coi có vẻ dũng cảm nhất, hoặc thánh thiện nhất, lại hoảng sợ hoặc lùi bước trước những sứ mệnh Thiên Chúa muốn trao phó cho họ đó ư?

Hãy nhớ lại chuyện ông Maisen lấy lý do nói cà lăm để chối từ Chúa, không dám đối diện với Vua Pharao (Ex 4:13). Hoặc chuyện Tiên tri Jona tránh Thiên Chúa, không dám vâng lệnh đi rao giảng cho dân thành Ninivê (Jona 1:3-16).

Cả trong thời Tân Ước, có những tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa đã lẩn tránh hay khước từ những chức vụ nặng nề như chức Giáo Hoàng, Giám Mục, Bề trên Dòng, v.v... mà người ta sắp đặt trên vai các ngài. Hoặc có những vị sau khi đã biết rõ là ý Thiên Chúa, đã chấp nhận, nhưng lại khóc lóc, hoặc tỏ ra run rẩy khiếp sợ.

Tại sao lại xảy ra như vậy? Tại các ngài quá khiêm nhượng ư?

Thưa, lý do đúng nhất là vì các ngài thiếu đức Hùng Dũng.

Đối với Đức Mẹ Maria thì khác hẳn. Khi Tổng Thần của Thiên Chúa đến loan báo cho Mẹ một sứ mệnh, vượt trên hết các sứ mệnh của tất cả các Tổ Phụ, Tiên Tri, Giáo Hoàng hay Giám Mục, một sứ mệnh vô song bên cạnh Đấng Cứu Thế, một sứ mệnh mà ơn cứu độ trần gian và sự thực hiện thánh ý đời đời của Thiên Chúa phải lệ thuộc vào đó. Thế mà, vừa khi biết rõ thánh ý Chúa, Đức Mẹ Maria đã sẵn sàng thưa FIAT: XIN VÂNG.

Chúng ta nên biết rằng: Nếu cần phải có đức Hùng Dũng mới dám đảm đương một công việc khó, thì càng cần phải có đức Hùng Dũng hơn để tiếp tục thi hành và nhất là để đưa công việc ấy tới đích một cách tốt đẹp. Một trăm người bắt tay vào việc gian khổ, liệu có được 5 người đủ bền chí để đưa công việc ấy đến hoàn thành không?

Như chúng ta thường thấy: trước những chướng ngại không ngừng tái diễn, làm cho những người dũng cảm nhất dần dần cũng sẽ chùn bước.

Về phần Đức Mẹ Maria, một Phụ Nữ có đức Hùng Dũng tuyệt vời, thì từ ngày Ngôi Hai Nhập Thể trong cung lòng Mẹ, đau khổ khốn khó càng ngày càng tăng, nhưng đức Hùng Dũng của Mẹ còn tăng mau hơn nữa.

Chúng ta nhận thấy ở Nazareth, Mẹ Maria đã chân thành và vui vẻ tuân theo ý Chúa để cộng tác với Chúa Kitô, Đồng Công Cứu Chuộc loài người, thì chúng ta thấy Mẹ Maria kiên trì hơn trong việc tuân hợp ý Chúa khi Mẹ đứng hằng giờ dưới chân cây Thánh giá, nơi Con của Mẹ đã bị tử hình.

Người đời thường cần đức Hùng Dũng để chịu đau khổ hơn là để hành động. Chính dưới khía cạnh này mà chúng ta thấy rõ hơn đức Hùng Dũng của Mẹ Maria nổi bật.

Anh chị em giáo hữu thường có thói quen tôn kính và suy ngắm 7 sự Đau Đớn Đức Mẹ. Số bảy đây chỉ là số tượng trưng mà thôi, và có ý nghĩa là một sự tràn đầy đau khổ, vì cả cuộc sống của Mẹ đã dệt bằng những thử thách khủng khiếp nhất chưa từng có. Chúng ta suy ngắm về mầu nhiệm thứ nhất Mùa Vui, Sứ Thần Truyền Tin cho Mẹ cũng chứa ẩn cả mầu nhiệm Đau thương, vì Mẹ biết trước tất cả những đau khổ, mà với tư cách là Mẹ Chúa Cứu Thế sắp xảy đến cho Mẹ. Và từ đó, hết thử thách này đến thử thách khác dồn dập xảy tới: Nào là những khổ tâm của Thánh Giuse khi thấy Mẹ có bầu. Nào là lời Tiên tri Simêon Xé nát tim Mẹ, nào là phải cấp tốc trốn sang Ai Cập, nào là việc lạc mất Chúa trong Đền thánh.

Trong cuộc đời hoạt động công khai của Chúa Cứu Thế, lúc nào Mẹ chẳng có những tin Con mình gặp đủ khó khăn, những âm mưu âm ỉ của bọn Biệt phái, những cuộc chống đối ra mặt của họ, hoặc những tin đồn có cuộc ám hại mạng sống Chúa Giêsu, và đến những màn thảm kịch hãi hùng của cuộc khổ nạn Con Mẹ trên đồi Golgotha!

Anh chị em thân mến,

Tất cả những biến cố này chỉ cho ta thấy khía cạnh bên ngoài của những đau khổ của Mẹ. Nếu chúng ta muốn hiểu thấu những gì xảy ra trong linh hồn Mẹ, thì phải hiểu thấu những gì xảy ra trong chính linh hồn Chúa Giêsu,những gì Chúa Giêsu đã chịu từ giây phút Nhập Thể để tận hiến cho Thiên Chúa Cha, cho đến giây phút Ngài tắt thở trên Thánh giá. Vì do một sự thông cảm vô cùng tinh tế, đã làm cho tất cả những nỗi đau đớn trong linh hồn Con dội lại trong linh hồn Mẹ.

Như thế, Mẹ Maria, người Mẹ yêu quí của chúng ta, đã phải có đức Hùng Dũng lớn lao đến mức nào, để có thể trải qua được những đau đớn vượt mức nhân loại như vậy.

Chúng ta đã biết: hành vi cao cả nhất của đức Hùng Dũng là chịu tử vì đạo. Đức Mẹ Maria không tử đạo theo nghĩa thông thường. Mẹ còn tử đạo hơn thế, siêu tử đạo cơ! Giáo Hội tôn vinh Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Vì Đạo thật là chí lý, vì cuộc tử đạo của Mẹ vượt xa vô hạn cuộc tử đạo của hết mọi nhân chứng của Chúa Kitô, lâu dài cả về thời gian lẫn cường độ.

Cuộc tử đạo của Mẹ là một cuộc Tử Đạo Tình Yêu, Mẹ yêu mến Chúa hơn hết mọi tình yêu các Thánh hợp lại. Mẹ cũng chịu đau khổ hơn hết các ngài.

Nếu ai đo lường được cường độ Tình Yêu của Mẹ đối với Chúa Kitô Con Mẹ, đối với Thiên Chúa Cha và đối với các con cái khác của Mẹ, thì mới đo lường được cường độ hùng dũng của Nữ Vương các Thánh Tử vì Đạo. Chính Tình Yêu đã làm cho Mẹ phải đau khổ, thì cũng chính Tình Yêu đã nâng đỡ Mẹ trong đau khổ vậy.

NOI GƯƠNG MẸ NHẪN NẠI CHỊU KHỔ

Kính thưa toàn thể anh chị em,

Chúa Kitô vô tội đã chịu đau khổ triền miên, vì như lời sách Gương Phúc nói: "Trót cuộc đời Chúa Giêsu Kitô là thánh giá và tử đạo" (GP 12). Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng đã chịu đau khổ trót cuộc sống, nên Giáo Hội mới tung hô Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử vì Đạo.

Phần riêng chúng ta, làm sao thoát được đau khổ khốn khó, trong khi chúng ta đã bị vướng lây tội Nguyên tổ và trăm ngàn tội riêng, là căn cớ gây ra các đau khổ trên đời? Vì thế, thánh Augustinô đã nói: "Cuộc đời người Kitô hữu là một cuộc đời vác thánh giá liên lỉ". Thánh Phaolô đã quả quyết rằng: "Những kẻ được tuyển chọn thì Thiên Chúa cũng tiền định cho họ được nên giống Con Mình" (Rm 8:29). Mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chịu đau khổ suốt cuộc sống trần gian, thì làm sao chúng ta là kẻ Chúa đã tuyển chọn để lên Thiên đàng tránh thoát được đau khổ?

Chỉ còn một cách duy nhất là hãy vui vẻ, bằng lòng đón nhận mọi đau khổ, trái ý, thử thách như món quà yêu Thiên Chúa ban tặng. Hãy bắt chước Mẹ Maria: đón nhận mọi đau khổ một cách hùng dũng can đảm và hãy nhẫn nại chịu đựng cho kiên gan bền chí, đừng chán nản, hay thất vọng bao giờ.

Chúng ta hãy luôn luôn nhớ lại lời khích lệ của Thánh Phaolô: "Hết mọi đau khổ trên đời, không thể so sánh được với sự vinh hiển chúng ta sẽ lãnh nhận ở đời sau" (Rm 8:18).

ĐAU KHỔ ĐỂ CỨU CÁC LINH HỒN

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy vui lòng chịu mọi đau khổ bất cứ từ đâu đưa tới để Đền tội và Lập công.

Chúng ta còn phải nhẫn nại chịu đựng mọi đau khổ để cứu rỗi các linh hồn nữa.

Thánh Phaolô đã quả quyết rằng: "Không đổ máu, không có ơn cứu chuộc" (Heb 9:22).

Anh chị em đừng tưởng rằng phải đổ máu như Chúa Kitô hay như các Thánh Tử đạo. Nếu Chúa ban ơn ấy cho chúng ta, thì hạnh phúc nào bằng. Nhưng xin anh chị em nhớ kỹ: ở đâu cũng có máu và ở đâu cũng có thể đổ máu được. Anh chị em hãy nhìn lên bàn tay của mình, nó lấm tấm những máu. Anh chị em hãy sờ lên ngực, trong đó có quả tim chứa đầy máu. Chúng ta hãy nhìn vào cuộc đời của mình, nó cũng đầy những máu là máu. Nghe nói đến máu, chắc anh chị em sợ quá nhỉ? Xin anh chị em đừng sợ. Máu đây là sự nhẫn nại của người vợ đối với người chồng tàn nhẫn, rượu chè, thất trung, lúc nào cũng bất mãn hành hạ vợ con. Máu đây là việc người chồng tha thứ cho người vợ lắm lời, nói giai, hay chấp nhất các chuyện lặt vặt, hoặc hay bỏ bê việc gia đình.

Máu đây là bị bỏ rơi nhục nhã, tủi thân, hoặc bị khinh dể, đối xử tàn nhẫn mà các người già lão, tàn tật phải chịu vì con cháu bạc bẽo.

Máu đây là những trái ý nghịch cảnh người ta gây cho anh chị em, hoặc những khó chịu, bực bội, hay đau khổ vì bị vu oan, bị hiểu lầm, bị bệnh tật. Nói tóm lại, máu là đau khổ, là thánh giá: nó hằng theo sát bên chúng ta, như bóng rượt theo bước chân người đi trên đường vắng: Đau khổ cho linh hồn, đau khổ cho thân xác, đau khổ cho trí khôn, đau khổ cho gia đình!

(Theo Ý Nghĩa Sự Đau Khổ của cha Antôn Tuyên).

Không đổ máu, không có ơn cứu chuộc hay nói rõ hơn không đau khổ, không có ơn cứu rỗi: Cứu rỗi cho chính mình và cứu rỗi các linh hồn.

Anh chị em nên nhớ kỹ: Thiên Chúa không dựng nên đau khổ, mà do tội lỗi Nguyên tổ đã đem nó vào thế gian. Vì thế, đau khổ hay thánh giá hay máu, là sản phẩm do tài nghệ nhân loại chế ra. Nhưng Thiên Chúa đã biến đổi đau khổ thành một linh dược chữa trị các tội lỗi của chúng ta. Chị nữ tu Joanna Baptista, tác giả cuốn Tin ở Tình Yêu Thiên Chúa, một cuốn sách rất thời danh, trong đó có đoạn nói về đau khổ như sau: "Chính Chúa Kitô đã chuốc lấy đau khổ, nên giống đau khổ, đến nỗi đau khổ đã trở nên như một Bí Tích ban Chúa cho chúng ta. Cũng như mọi Bí Tích khác, đau khổ là dấu bề ngoài mà là dấu đáng sợ hàm súc ơn thánh. Chúng ta nên nhớ rằng: Chẳng bao giờ đau khổ để chúng ta ở nguyên một chỗ trong trạng thái cũ đâu. Vì không một đau khổ nào chúng ta gặp trên đời mà lại không đưa chúng ta sát gần Thiên Chúa, hoặc đẩy chúng ta lìa xa Thiên Chúa. Hậu quả đó là do thái độ của chúng ta đối xử với đau khổ. Vì thế, cách cư xử của chúng ta đối với đau khổ sẽ định đoạt cho số phận chúng ta."

Anh chị em thân mến!

Nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ vì lòng yêu mến Chúa để đền tội lập công và cứu rỗi các linh hồn, thì đau khổ trở nên triều thiên vinh hiển cho chúng ta và trở nên giá cứu chuộc cho các linh hồn. Ngược lại, nếu chúng ta tránh xa đau khổ, hất hủi và từ chối đau khổ, hoặc bất mãn, bực tức với các đau khổ, thì chúng ta sẽ mất công phúc mà trở thành kẻ bất nhẫn, bất đắc chí, kẻ bi quan chán đời, rồi đau khổ vẫn phải gánh chịu, chẳng xua đuổi hay trốn lánh được nó!

Ngoài gương sáng rạng ngời của Chúa và Mẹ ra, chúng ta hãy noi gương đón nhận đau khổ của thánh nhân, các vị anh hùng.

GƯƠNG ĐAU KHỔ CỦA CÁC THÁNH

Bà thánh Gertruđê nói: "Những giờ được chịu đau khổ bà lấy làm khoan khoái bao nhiêu, thì những giờ không được chịu đau khổ bà lấy làm khốn cực bấy nhiêu."

Bà thánh Têrêxa Mẹ nói: Nếu người không chịu đau khổ thì người không đủ can đảm để sống. Vì thế, người năng kêu lên: "Tôi ước ao hoặc được chịu đau khổ hay là chết."

Còn bà thánh Maria Mađalêna đệ Pazzi lại nói mạnh hơn: "Xin chịu đau khổ mà đừng chết."

Ở nước Nhật có một thiếu phụ tên là Maxencia bị bắt vì đạo, bị tra tấn, bà vẫn cương quyết không bỏ đạo. Lý hình dí mũi gươm vào cổ bà hai lần mà đe dọa, thì bà đanh thép trả lời: "Ối giời ơi! Anh đe dọa thế tưởng làm cho tôi sợ hả, anh nên nhớ rằng: Tôi chỉ ước ao được chết vì danh Chúa Giêsu mà thôi. Nếu anh hứa cho tôi được sống, đó mới là điều làm cho tôi khiếp sợ."

Đó là gương can đảm hùng dũng của phái nữ. Sau đây là gương anh dũng của phái nam:

Thánh Procôpê nói với vua đang tìm cách làm khốn ngài rằng: "Vua muốn làm khốn tôi thế nào thì làm, vua phải biết, kẻ có lòng mến Chúa Kitô không ước ao gì, cho bằng ước ao được chịu đau khổ vì Ngài mà thôi."

Khi quân lính cưỡng bách thánh Gorđô chối đạo, chúng đe dọa nếu bất tuân sẽ phải chết rất khốn nạn. Thánh nhân trả lời: "Tôi rất tiếc chỉ được chết có một lần vì Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc tôi."

Thánh Simon Phan Đắc Hòa là con một gia đình lương dân quê ở Thừa Thiên, Trung Việt Nam, năm 12 tuổi mới gia nhập đạo Công Giáo. Thế mà khi bị bắt vì theo đạo Công Giáo, các quan dụ dỗ ngài bỏ đạo để được về sống với vợ con, thì thánh nhân đáp: "Dầu tôi phải mất vợ, mất con, mất hết của cải, và mất cả mạng sống nữa, thì tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi."

Trong Nguyệt san "Tiếng Vang Lộ Đức" năm 1918 có thuật lại câu chuyện sau đây:

Một người vô thần đã chịu cho đem một cô bé bất toại đến hang Đức Mẹ Lộ Đức nước Pháp và ông vô thần đó tuyên bố một câu rất là đanh thép: "Nếu tôi thấy em bé bất toại này khỏi bệnh và đứng dậy được thì tôi sẽ trở lại."

Người ta đưa em bé vào tắm trong suối Lộ Đức. Cha Bailly liền kêu to lên rằng: "Trong anh chị em hiện diện tại đây, có ai can đảm đủ, để dâng mình hy sinh cho linh hồn người này trở lại với Chúa không?"

Giữa sự im lặng đầy cảm động, một bà tàn tật chống nạng đứng lên nói: "Tôi xin vui lòng chấp nhận."

Cùng một trật, có một bà mẹ đứng gần hàng rào ngăn bàn thờ, đã 3 năm liền bà bế con đến Lộ Đức xin cho con khỏi bệnh câm và điếc. Bà ôm con giơ lên cao mà nói to: "Đây, con xin dâng con của con, xin cha hãy dâng nó cho Đức Mẹ, để cầu cho người vô thần ơn trở lại."

Bỗng nhiên, cô bé bất toại được khỏi bệnh ngay sau khi ra khỏi suối nước Đức Mẹ.

Trước cảnh tượng hy sinh anh hùng ấy và trước phép lạ nhãn tiền do bàn tay Từ Mẫu Vô Nhiễm Nguyên Tội, ông vô thần liền quì phục xuống trước hang đá, kêu to giọng đầy cảm động và thống hối: "Lạy Chúa, xin tha tội cho con. Con tin Chúa!"

(Trích Ý Nghĩa Sự Đau Khổ, tr 129).

Xin anh chị em nghe tiếp câu chuyện lạ lùng sau đây:

BÀ CHẰNG LỬA

Trong thời kỳ cách mạng đẫm máu của Pháp, ở đô thị Mirepoix có một phụ nữ rất độc ác, lấy tội ác làm một thú để sống, đúng là bà chằng lửa.

Trò tiêu khiển hay nói đúng hơn hạnh phúc của nàng là theo những tử tù tòa án Cách mạng Pháp, từ trại giam đến đoạn đầu đài, mà lăng mạ, nguyền rủa cho tới khi các nạn nhân bước lên máy chém.

Nhất là đối với các linh mục, nàng căm hờn đến cực độ và lăng nhục chửi rủa các ngài thậm tệ. Vẻ bình tĩnh nhẫn nhục của các tử tù lại càng làm cho nàng nổi tam bành hơn nữa!

Ngày 8.2.1795, cha Baclot, một linh mục ai cũng biết tiếng là đạo đức thánh thiện, bị điệu đi xử tử với nhiều vị khác vì đã tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa. Lẽ tất nhiên là mụ đàn bà hung bạo đó không vắng mặt khi các linh mục được dẫn đi qua nhà mụ. Mụ ta the thé:

- Để coi có ông cụ đạo nào trả lời tôi không?

Rồi mụ ta xỉa xói, phun nước bọt, mụ bắt đầu rống lên từng tràng nhục mạ quen thuộc! Lúc đó cha Baclot quay nhìn mụ bằng cái nhìn đầy hiền từ không thể tả nổi. Ngài nhỏ nhẹ nói với mụ:

- Thưa bà, xin bà cầu nguyện cho tôi với!

Mụ ta đanh đá rống lên:

- Cái gì? Ai?... Tôi hở? Ông nói tôi cầu nguyện cho ông hở?

Cha Baclot niềm nở trả lời:

- Phải, thưa bà, xin bà đọc cho tôi một kinh Kính Mừng để cầu cho linh hồn tôi sắp ra trước tòa Chúa.

Chắc chắn vị linh mục thánh thiện này đã cầu nguyện cùng Đức Mẹ cho kẻ ngược đãi và lăng nhục mình. Dầu sao chăng nữa cũng không thể diễn tả nổi hậu quả của lời cha xin mụ đàn bà dữ tợn đó.

Thật là tiếng sét ngang tai, mụ dừng lại, mặt đỏ bừng, rồi tái dần đi. Vẻ mặt đầy biến đổi của mụ tố cáo rằng hàng trăm ngàn tư tưởng đang quay cuồng trong đầu óc của mụ. Mụ ta cất tiếng trả lời với cha Baclot:

- Được, theo ý cha xứ, tôi sẽ đọc một kinh Kính Mừng cho cha.

Rồi mụ ta ngạo nghễ đọc rất lớn tiếng. Nhưng lạ lùng chưa bà con ơi, kinh Kính Mừng vừa đọc xong thì mụ ta cũng bắt đầu nức nở khóc nghẹn ngào! Rồi mụ cứ tiếp tục theo các cha cho tới chân máy chém. Tới nơi, mụ khoanh tay quì xuống đó. Khi các cha bị hành quyết xong, mụ ta im lặng trở về nhà. Mụ khóc lóc ròng rã như đứa con nít! Và từ hôm đó, mụ chỉ ra khỏi nhà khi có việc rất cần mà thôi.
Những ngày kế tiếp, khi đội lính Pháp khua trống đi qua cửa nhà mụ, dẫn đầu cho đoàn người sắp rơi đầu, người ta nghe thấy trong nhà mụ tiếng khóc xé lòng!

Từ đó mụ Mariane, tên gọi của mụ, không hề nói chuyện với ai nữa. Ai hỏi điều gì, mụ chỉ trả lời đủ điều cần. Không bao giờ mụ dám ngước mắt nhìn lên. Trước kia, mụ rất lắm điều và độc dữ, giống hệt bà chằng lửa, thì ngày nay dân làng thấy mụ nghiêm nghị, thẹn thùng, ít nói, ai cũng tưởng rằng mụ bị Trời phạt.

Nhưng chính là một phép lạ về ơn trở lại đấy bà con ạ! Vì từ ngày tự do được tái lập, việc thờ phượng được tự do thi hành, thì thiếu phụ Mariane đã cố gắng cải lại cuộc sống, lấy gương sáng và việc làm phúc bố thí rộng tay, để sửa lại gương mù thuở trước.

Hằng năm, thiếu phụ Mariane đi hành hương đền Đức Mẹ Ermites, bằng cách đi bộ, ăn xin của bố thí dọc đường, mặc dù tuổi đã cao và gia tài đầy đủ, thuận lợi, mụ không màng, chỉ muốn hãm mình đền tội.

Lúc thiếu thời, Mariane đã làm gương xấu cho dân thành Mirepoix bao nhiêu, thì trước khi chết, Mariane đã tỏ tình ăn năn thống hối và bác ái từ bi bấy nhiêu, để gương tốt lại cho dân chúng.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ hùng dũng tuyệt vời, xin giúp chúng con biết can đảm và hiên ngang vác khổ giá Chúa đã trao, để bước lên núi Sọ với Chúa và Mẹ.

Chân thành cám ơn toàn thể anh chị em.

Lm. An Bình, CMC

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)