GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG VỚI ĐỨC
MA-RI-A
Xem:
- Ảnh Tượng Đức Ma-ri-a
1.
Những Cống Hiến Mang Tính Lịch Sử cho
Giáo Thuyết và Lòng Sùng Kính Đức Ma-ri-a
Giáo Hội Đông Phương xứng đáng được coi là nôi phát sinh những
giáo thuyết và lòng tôn sùng Đức Mẹ. Từ Giáo Hội Đông Phương đã
ra đời những ngụy thư (cụ thể là Tiền Phúc Âm Gia-cô-bê và các
dị bản, cũng như Phúc Âm Máát-thêu giả) và tác phẩm Mẹ Ly Trần.
Các lưu truyền trong những tác phẩm này đã cổ động lòng tôn sùng
Đức Mẹ rất nhiều.
Đồng thời, chúng ta cũng có bằng chứng cho thấy lòng sùng kính
Đức Ma-ri-a đã được thể hiện tại Đông Phương ngay từ đầu thế kỷ
III. Người ta đã tìm được tại Ai Cập một cuộn giấy chỉ thảo (papyrus)
chép kinh Trông Cậy (Sub Tuum Praesidium) bằng tiếng Hy Lạp có
từ đầu thế kỷ III. Đó là bằng chứng cho thấy rằng Mẹ Thiên Chúa,
“Theotokos” đã được tôn sùng ngay trước thời kỳ Công Đồng Ê-phê-sô,
thế kỷ IV.
Chúng ta cũng thấy những lời “Kính mừng Ma-ri-a” bằng Hy Ngữ được
khắc trên một chiếc cột trong nhà thờ Truyền Tin, nghi lễ Bi-dan-tin
tại Na-da-rét. Đó là kinh nguyện Đức Mẹ có từ thế kỷ IV.
Những lỗ lực của thánh A-ta-na-si-ô và thánh Xi-ri-lô A-lê-xan-ri-a
nhằm tôn vinh Đức Mẹ đã lên đến cao điểm khi Công Đồng Ê-phê-sô
chuẩn nhận tước hiệu Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) dâng kính Đức Ma-ri-a.
Từ tước hiệu quan trọng này, nhiều tước hiệu khác đã ra đời tại
Đông Phương và Tây Phương trong những thế kỷ sau đó kính dâng
Mẹ.
Phụng vụ Giáo Hội Đông Phương đóng một vai trò quan trọng trong
truyền thống tôn sùng Đức Mẹ. Ngay thời kỳ sơ khai đã có những
lễ kính nhớ các biến cố cuộc đời Đức Mẹ và dần dần lan truyền
sang Giáo Hội Tây Phương. Tại Rô-ma, các lễ ấy đã được mừng vào
thế kỷ VII. Đó là các lễ Hypapante, tức lễ Dâng Chúa trong Đền
Thờ (thế kỷ IV); lễ Mẹ Ly Trần hoặc Lên Trời (thế kỷ V); lễ Truyền
Tin (chưa xác định được niên ký); và lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (thế
kỷ VII). Sau đó, còn có các lễ khác như lễ Đức Ma-ri-a Đầu Thai
và lễ Mẹ Dâng Mình.
Các
thánh thi và kinh nguyện trong phụng vụ Đông Phương cũng có ảnh
hưởng đến lòng sùng kính Đức Mẹ của Tây Phương. Hai trong số những
kinh nguyện danh tiếng nhất trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh là kinh
Trông Cậy và thánh thi A-ca-thi (Akathist) đã tôn nhận uy lực
thiêng liêng Mẹ Thiên Chúa và dâng lên những lời ca ngợi tôn vinh
Ngài.
Hơn
nữa, Đức Ma-ri-a còn có một địa vị đặc biệt trong các nền phụng
vụ Đông Phương. Có cả từng chuỗi dài nhiều câu về Đức Mẹ trong
các lễ nghi, chẳng hạn phần Lời Nguyện Thánh Thể (Anaphora) về
Đức Mẹ trong nghi lễ Ê-ti-ô-pi.
Trong Phụng Vụ Thánh Thể Bi-dan-tin có nhiều chỗ sử dụng những
kinh về Đức Mẹ. Có đến bốn câu xướng về Đức Mẹ trong các kinh
cầu: “Đức Ma-ri-a Trọn Đời Đồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Toàn
Thánh, Rất Phước Đức và Vinh Quang,” và còn nhiều kinh về Đức
Mẹ.
Chỗ chính đề cập đến Đức Ma-ri-a là lời nguyện sau lời xướng xin
Chúa Thánh Thần đến khi hiến thánh lễ vật: “Chúng con dâng lên
Chúa việc tôn thờ trong tinh thần này nhân danh những tiền nhân
của chúng con... nhất là Đức Ma-ri-a Trọn Đời Đồng Trinh, Mẹ Thiên
Chúa, Mẹ Toàn Thánh, Mẹ Vô Nhiễm, Rất Phước Đức và Vinh Quang
của chúng con.” Sau đó là một bài thánh ca về Đức Mẹ. Đức Ma-ri-a
được xưng tụng là “Đấng Vô Tội” và “Mẹ Thiên Chúa” cao vượt trên
các minh thần và luyến thần, là Đấng “Sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa.”
Rồi kết thúc bằng câu: “ Chúng con ca khen Mẹ, Mẹ Thiên Chúa thực
sự.”
2. Lòng Sùng Kính Đức Ma-ri-a Hiện Nay
Các tín hữu Chính Thống Giáo Đông Phương hiện vẫn duy trì truyền
thống yêu mến và tôn vinh Mẹ Thiên Chúa. Ở điểm này, họ hợp nhất
với các giáo thuyết của Giáo Hội Công Giáo, ngoại trừ tín điều
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Các nhà thần học Chính Thống Giáo
cho rằng sự kiện vô nhiễm nguyên tội sẽ làm Đức Mẹ xa rời nhân
loại. Vì thế, họ coi Đức Mẹ được thánh hoá vào lúc Chúa nhập thể.
Một số khác còn phủ nhận giáo lý Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời
mặc dù giáo lý này đã bắt nguồn tại Đông Phương.
Việc phủ nhận hai giáo lý Thánh Mẫu trên có lẽ không phải là hậu
quả từ quan hệ băng giá thỉnh thoảng nảy sinh giữa hai Giáo Hội.
Tinh thần đại kết của Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã mở đường cho
những cuộc đối thoại nghiêm chỉnh về các dị biệt giữa đôi bên,
bao gồm cả những dị biệt về Thánh Mẫu học. Tuy nhiên, lòng tôn
sùng Mẹ Thiên Chúa chưa bao giờ lu mờ trong Giáo Hội Chính Thống.
Đức Phao-lô VI đã ca ngợi lòng yêu mến Đức Ma-ri-a của các tín
hữu Chính Thống Giáo, ngài nói: “Trong việc tôn sùng đầy tình
yêu mến đối với Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) vinh quang và ca ngợi
Mẹ là “Hy vọng của các tín hữu,” Giáo Hội Công Giáo hợp nhất với
anh chị em các Giáo Hội Chính Thống nơi lòng tôn sùng Đức Thánh
Trinh Nữ được biểu lộ qua nền thi ca xinh đẹp và giáo lý vững
chắc” (MC 32).
Chắc chắn lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a vừa là một điềm lành báo trước
vừa là một đà thúc đẩy hợp nhất Ki-tô giáo. Nguyên nhân của sự
hiệp thông Ki-tô giáo “đặc biệt liên hệ đến tình mẫu tử thiêng
liêng của Đức Ma-ri-a. Thực vậy, Đức Ma-ri-a đã có thể và đã thực
sự sinh ra những ai thuộc về Chúa Ki-tô trong đức tin và đức ái,
lẽ nào Mẹ lại phân rẽ Đức Ki-tô” (MC 33).
A. Buy-ô-nô
|