dongcong.net
 
 


PHỤNG VỤ

Giáo Hội Công Giáo dành cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a một vị trí đặc biệt, và tôn sùng Mẹ một cách xứng đáng trong phụng vụ.

Về mặt lịch sử, sự kiện các tín hữu luôn lặp lại những lời Sứ Thần và bà Ê-li-sa-bét chúc tụng hoặc những lời ca khen Đức Ma-ri-a đã được ghi lại trong các Phúc Âm là điều rất tự nhiên. Ngay từ những thế kỷ đầu, Đức Ma-ri-a đã được tôn kính dưới các tước hiệu như Đấng Thánh Thiện, Trinh Nữ Thánh Đức, Đấng Toàn Thánh.

Đầu thế kỷ IV, chúng ta thấy chủ yếu có hai hình thức tôn sùng Đức Ma-ri-a trong Giáo Hội: thứ nhất là lễ kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa trong sách lễ Rô-ma; và thứ hai là việc các tín hữu đến nương nhờ lời Mẹ cầu bầu thể hiện qua bản kinh Trông Cậy (Sub Tuum) có rất lâu đời.

Cũng từ rất xa xưa, Giáo Hội đã mượn lời kinh Magnificat của Mẹ để dâng tâm tình thờ phượng chúc tụng lên Thiên Chúa Cha nhờ Đức Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.

Đặc biệt trong kinh Thần Vụ kính Đức Trinh Nữ cũng như trong lời chú giải các Thánh Vịnh và sách Khải Huyền, Giáo Hội đã phần nào tự đồng hóa với Đức Ma-ri-a khi nhìn nhận Mẹ là Nữ Tử Si-on, Mẹ các dân tộc, Tân Nương, Người Nữ, Giê-ru-sa-lem, Đền Thờ, và tất cả những hình bóng chỉ về chính Giáo Hội.

Như vậy lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a được khởi đầu bằng việc nhìn nhận nhiệm vụ của Mẹ trong công trình cứu chuộc và trong đời sống của Giáo Hội. Hơn nữa, còn bằng kinh nghiệm hiệp thông trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô, sự hiệp thông mà trong đó Đức Ma-ri-a giữ vị trí thứ nhất nhờ các tương quan đặc biệt giữa Mẹ và Con Mẹ trong tư cách là Mẹ Thiên Chúa và tương quan giữa Mẹ và Giáo Hội - trong tư cách là phần tử ưu tú nhất, và là Mẹ Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần.

Ngoài ra, Giáo Hội còn gặp nơi Đức Ma-ri-a một cung cách diễn tả hoàn hảo nhất và tấm gương “thờ phượng trong tinh thần và chân lý” mà Giáo Hội phải dâng về Thiên Chúa mỗi khi cử hành các mầu nhiệm thánh. Với ý nghĩa này, ta có thể nói rằng toàn bộ phụng vụ đều mang tính cách Ma-ri-a, ngay cả khi tính cách ấy không được thể hiện rõ ràng. Thật ra, muốn thấy được lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a trong Giáo Hội, ta chỉ cần xét đến lời cầu nguyện của Giáo Hội, gồm trong ba nguyên tắc sau đây:

1. Cùng Đức Ma-ri-a, Cầu Nguyện với Thiên Chúa

Ở đây Giáo Hội đưa Đức Ma-ri-a vào lời cầu nguyện của mình dâng lên Thiên Chúa. Giáo Hội chính thức thừa nhận Đức Ma-ri-a đã lắng nghe và tiếp nhận Lời Chúa, công nhận những gì Thánh Kinh nói về Mẹ ở điểm này. Giáo Hội có thể lặp lại bài ca tạ ơn của Mẹ hay đồng hóa mình trong Mẹ khi dâng hiến tế Chúa Ki-tô trên Thập Giá hoặc đến nương nhờ lời Mẹ chuyển cầu từ thiên quốc.

Kinh Tiền Tụng II lễ Đức Mẹ là một điển hình về hình thức cầu nguyện thứ nhất này. Trong phần lễ qui (ordinary) của sách lễ Rô-ma, chúng ta còn thấy được việc “kính nhớ” Đức Trinh Nữ mà kinh Tin Kính đã đề cập và xác định. Một số kinh tiền tụng và những biến thức khác trong kinh nguyện Thánh Thể mới cũng nhắc đến việc kính nhớ Mẹ.

Các mùa phụng vụ như mùa Vọng (nhất là từ ngày 17 tháng 12 trở đi) và mùa Giáng Sinh đều dành chỗ cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a hoặc trong phần, bài đọc, bài lễ hoặc Phụng Vụ Giờ Kinh.

Hơn nữa, một số lễ Đức Mẹ trong lịch phụng vụ như lễ Mẹ Dâng Con và lễ Đức Mẹ Truyền Tin được kể như lễ Chúa. Lễ Mẹ Thiên Chúa (ngày 1 tháng 1) cũng thế vì lễ này kính nhớ việc đặt tên cho Chúa. Đức Ma-ri-a còn được nhắc đến trong một số bài lễ như lễ Giáng Sinh, Hiển Linh, Thánh Gia, Thánh Giu-se (ngày 19 tháng 3), lễ thánh Gio-a-kim và thánh An-na (ngày 26 tháng 7). Đức Mẹ cũng được đề cập đến trong một vài dịp đặc biệt như lễ thánh hiến trinh nữ, lễ khấn dòng, lễ khai tâm ki-tô hữu, lễ an táng trẻ nhỏ, lễ cho những người di tản, và trong một số bài đọc các Chúa Nhật cũng như ngày thường (có mười lăm bài đọc mới trong phần lễ chung hay các lễ về Đức Mẹ).

2. Cầu Nguyện với Chúa để Tôn Vinh Đức Mẹ

Giáo Hội kính nhớ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a qua việc ca ngợi Thiên Chúa, vì Mẹ đã tham dự vào những biến cố cuộc đời Chúa Giê-su như các Phúc Âm và Thánh Truyền kể lại. Giáo Hội ca tụng Thiên Chúa vì những ơn đặc biệt Người đã chuẩn bị Đức Mẹ để thực thi sứ mạng của Mẹ, những ân thưởng Chúa đã ban cho hồn xác Mẹ, cũng như trong số biến cố Mẹ đã hoạt động rõ ràng trong đời sống Giáo Hội. Mỗi lần như thế, Giáo Hội có cơ hội nương nhờ lời chuyển cầu thần thế của Mẹ để con cái mình noi gương Mẹ hoặc hưởng nhờ sự che chở của Mẹ.

Sau đây là các lễ Đức Mẹ, có kinh tiền tụng riêng:

Các lễ trọng gồm lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (ngày 8 tháng 12), và lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (ngày 15 tháng 8); lễ kính gồm lễ Đức Mẹ Thăm Viếng (ngày 31 tháng 5), lễ Trái Tim Đức Mẹ (thứ bảy sau lễ Thánh Tâm Chúa), lễ Mẹ Trinh Vương (ngày 22 tháng 8), lễ Đức Mẹ Đau Thương (ngày 15 tháng 9), và lễ Đức Mẹ Mân Côi (ngày 7 tháng 10). Các lễ nhớ tùy ý gồm lễ Đức Mẹ Lộ Đức (ngày 11 tháng 2), lễ Đức Mẹ núi Ca-mê-lô (ngày 16 tháng 7), và lễ Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả (ngày 3 tháng 8).

Ngoài ra còn phải kể đến bảy bản văn (formularlies) phần lễ chung về Đức Mẹ với các bài đọc tương ứng (mười một bài đọc một trích từ Cựu Ước, bảy bài đọc hai trích từ Tân Ước, năm Thánh Vịnh hay Thánh Ca, mười hai bài Phúc Âm). Hầu hết ba mươi lăm bài đọc này còn được dùng trong các lễ mang tính chất lễ Đức Mẹ. Bên cạnh đó, có mười lăm bài đọc nữa cho các lễ kính Đức Mẹ.

Sau cùng, cũng phải đề cập đặc biệt đến phép lành trọng thể sách lễ Rô-ma đã đề nghị trong các lễ trọng về Đức Mẹ. Có ba lời xướng trước công thức ban phép lành có liên hệ phần nào đến hai hình thức cầu nguyện với Đức Ma-ri-a mà chúng ta đã trình bày ở trên là cùng với Đức Ma-ri-a cầu xin và ca ngợi Thiên Chúa; và dùng bài ca tạ ơn của Mẹ, cũng là lời mời gọi yêu mến đặc biệt và tôn vinh Mẹ để cử hành hy lễ hiệp nhất với Con Mẹ khi cử hành thánh lê,ỵ trong sự hiệp nhất với Con Mẹ.

3. Cầu Nguyện với Đức Ma-ri-a

Trong hình thức thứ ba này, Giáo Hội không trực tiếp hướng về Chúa nhưng về Đức Mẹ để ca tụng chúc mừng Mẹ bằng những lời Phúc Âm để được trực tiếp hưởng nhờ lời cầu của Mẹ.

Hình thức cầu nguyện phụng vụ này có liên hệ gần gũi với lòng sùng kính của cá nhân. Từ đầu thế kỷ XI đã thấy hình thức này xuất hiện trong các thánh thi (như Ave Maris Stella) và ca vãn (như Salve Regina) tôn kính Mẹ, sau đó ít lâu có thánh thi Stabat Mater, và đến thế kỷ XII có thêm kinh Cáo Mình (Confiteor) trong thánh lễ. Cho đến lúc đó, người ta mới có thể nói chính xác có “một lòng tôn sùng đặc biệt đối với Đức Ma-ri-a,” đúng hơn chỉ là “một vị trí đặc biệt dành cho Đức Ma-ri-a trong hành vi phụng vụ của Giáo Hội.” Thường thường bản văn trong các lễ kính Đức Mẹ, kể cả lời chúc tụng khi đọc Phúc Âm hay Đáp Ca cũng trực tiếp xưng thưa với Đức Ma-ri-a.

Trên quan điểm đại kết, đặc biệt đối với hình thức thứ ba này, “cầu nguyện với Đức Ma-ri-a” (có tính cách phụng vụ, hay không phụng vụ), người ta phải phân biệt rõ hình thức này luôn mang tính tùy phụ và không giống hình thức phụng thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Không một hình thức cầu nguyện nào được phép coi việc tôn sùng Đức Ma-ri-a là cùng đích. Tuy nhiên, lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a rõ ràng là vô cùng thích hợp giúp ta thực hiện tốt hành vi thờ phượng Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha tiếp nhận vinh dự và ca tụng vì những ý định khôn ngoan của Ngài được thể hiện nơi Đức Ma-ri-a. Qua vinh dự dâng về Mẹ, Chúa Con càng được hiểu biết và yêu mến. Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi Mẹ Ma-ri-a và Giáo Hội cũng được tán tụng và tuyên nhận. Lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a như thể thuộc về “vị trí trung tâm của hành vi thờ phượng Thiên Chúa.”

Ngay trong lời cầu trực tiếp hướng về Đức Ma-ri-a, kêu cầu Mẹ dưới các tước hiệu Đấng Trạng Sư, Đấng Phù Hội, Mẹ Hằng Cứu Giúp các tín hữu hay Đấng Trung Gian, cũng lấy Thiên Chúa làm cùng đích tối hậu. Vai trò trung gian của Đức Ma-ri-a không phải là phần phụ thêm vào vai trò trung gian của Chúa Ki-tô, vì Đức Ma-ri-a và Chúa Ki-tô luôn hợp nhất trong mầu nhiệm Thân Thể Chúa. Nhưng với những ai cầu nguyện cùng Mẹ, Mẹ ban cho họ sự trợ giúp từ mẫu bằng lời cầu nguyện của chính Mẹ, hợp nhất với lời cầu nguyện tối cao của Chúa Ki-tô Trung Gian.

Không rơi vào chủ nghĩa tình cảm hay đạo đức ủy mị, lòng tôn sùng chân chính Đức Ma-ri-a đem lại một dấu ấn “rất nhân loại” thêm vào cho hành vi phượng thờ chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha qua Chúa Ki-tô trong Chúa Thánh Thần, một ấn dấu của chiêm ngưỡng yêu mến, trầm lặng nội tâm, hiến dâng hoan lạc và mau mắn nội tâm. Mặc dù tùy phụ vào sự thờ phượng Thiên Chúa, nhưng lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a không phải vì thế mà mang tính “tùy ý.” Thật là “công bình và chính đáng” việc ca ngợi và tôn kính Đức Ma-ri-a, Mẹ thật của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng ta; “công bình và chính đáng” việc tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho cho Mẹ ân sủng ngoại thường, đặt Mẹ cao vượt trên hết mọi mọi thụ sinh trên trời; cảm tạ Thiên Chúa là việc công bình và chính đáng” vì Người đã đặt Mẹ làm Mẹ chúng ta và toàn thể Giáo Hội, và cho chúng ta được hưởng nhờ ơn ích vì lời chuyển cầu của Mẹ lên Con Mẹ trên thiên quốc.

Nhiệm vụ của chúng ta là tôn vinh uy phẩm trổi vượt của Đức Ma-ri-a và tính cách vô song của sứ mạng từ mẫu Mẹ trong chương trình Thiên Chúa; nhiệm vụ của chúng ta là đến nương nhờ và kêu cầu Mẹ là “Người Nữ âm thầm ẩn khuất với tinh thần phục vụ hằng quan tâm đến Giáo Hội và cẩn thận chăm sóc Giáo hội cho đến ngày trở lại vinh quang của Chúa” (MC, phần giới thiệu). Vì vậy, chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân hãy đến xin Mẹ trợ giúp nhiệm vụ tông đồ của chúng ta.
Lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a không hề cằn cỗi vô sinh bởi vì lòng tôn sùng ấy dẫn đến việc noi theo các gương mẫu của Mẹ, “người môn đệ hoàn hảo của Chúa, người xây dựng xã hội trần thế nhưng cũng mau mắn tiến bước về thánh đô trên trời, người hoạt động tích cực cho công trình bác ái để giải thoát kẻ bị áp bức và cứu giúp kẻ gặp cơn túng quẫn, nhưng trên hết, làm đắc lực cho tình yêu để xây dựng Chúa Ki-tô trong mọi cõi lòng" (MC 37).

Ngoài ra việc tôn kính mà phụng vụ đặc biệt dành cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a còn có chức năng hướng dẫn các hình thức tôn sùng và đạo đức cá nhân các tín hữu dâng về Mẹ. Lòng sùng kính cá nhân nên mang những dấu ấn qui về lòng tôn sùng Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Ki-tô và tính cách Giáo Hội. Đó là những điểm cốt yếu nơi lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a của Phụng Vụ.

B. Bi-ê

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)