suy niệm hàng ngày

+++

*Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 29 Thường Niên C (17/10 -> 22/10/2016)

 

Thứ hai, 17/10/2016

Đề tài: ĐỪNG CẬY DỰA VÀO CỦA CẢI

KÍNH THÁNH IGNATIO ANTIOCHIA – GM.TĐ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca  (Lc 12,13-21)

13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi."14 Người đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? "15 Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!18 Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

SUY NIỆM:

1/ Nhiều người tích trữ của cải, sau đó vì không chịu tính toán kỹ lưỡng nên đã đầu tư vào những lãnh vực mà nhà nước cấm. Cuối cùng thì họ bị trắng tay.

2/ Hôm nay qua bài Tin Mừng, Chúa Yesus đã cho rằng cái cách tích trữ của cải của ông phú hộ là ngu dại. Bởi ông tích trữ cho thật nhiều để rồi cuối cùng khi chết ông chẳng mang theo được một đồng xu nào, tiếc rằng ông đã phải bỏ lại tất cả.

3/ Trong cuộc sống con người, Chúa không cấm chúng ta đi tìm lương thực để nuôi sống bản thân, cũng như làm ra của cải vật chất để nuôi sống gia đình. Thế nhưng Chúa không muốn chúng ta quá cố gắng trong việc tìm kiếm những thứ đó, để rồi cuối cùng chúng ta phạm nhiều thứ tội gian dối, lỗi phép công bình, sau đó đánh mất sự sống đời đời.

4/ Vì thế Chúa dặn chúng ta đừng cố tìm kiếm một chỗ dựa an toàn nơi của cải vật chất, mà nên biết dùng tiền của để mua nước thiên đàng. Có nghĩa là hãy biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa, bởi cái kiểu làm giàu trước mặt thế gian như ông phú hộ thì rõ ràng ông ta đã tính toán ngu dại.

5/ Sống ở đời ai cũng muốn có được một đời sống vật chất dư dật để tha hồ hưởng thụ. Nhưng vì con người càng ngày càng bị lây nhiễm cách sống thực dụng nên họ chỉ lo nhà cửa, xe cộ, ăn sang mặc sướng và có nhiều tiền vàng rủng rỉnh trong tài khoản ở nhà băng.

6/ Họ cố gắng tích trữ được nhiều của cải như ông phú hộ trong bài Tin Mừng,nhưng Chúa Yesus lại gọi những hạng người giống ông ta là những kẻ ngu dại. Bởi vì ông không chịu nhìn xa hơn chính bản thân mình, ông chỉ quanh quẩn ở cái tôi thấp kém, nên lúc nào cũng lẩm bẩm một chữ “mình” (mình sẽ làm thế này, mình sẽ làm thế kia).

7/ Ông ta đại diện cho những kẻ ích kỷ, tự đặt mình, tự đặt cái bụng mình làm cái rốn của vũ trụ. Ông ta tôn thờ chính mình mà không hề liếc nhìn hay suy nghĩ đến ai.

8/ Một lý do khác khiến cho ông phú hộ bị gọi là ngu dại, vì ông chỉ nghĩ đến kiếp sống trần gian mà không hề nghĩ đến số phận vĩnh cửu trên thiêng đàng. Ông chỉ lo làm giàu mà quên mất rằng: tiền bạc của cải chỉ là hư vô.

9/ Tất cả những gì ông có trong hiện tại, không thể nào mang nó theo trong cuộc sống vĩnh cửu. Nhiều người hiểu cuộc sống mong manh như thế nào, nên họ diễn tả cuộc đời như vó câu qua cửa sổ, như đám mây bay trên bầu trời, như bông hoa sớm nở tối tàn.

10/ Nếu ai muốn tránh đi những bước chân ngu dại của ông phú hộ, thì cần phải ghi nhớ rằng: Người giàu có thật sự không phải là những kẻ có nhiều tiền, vì thế cho nên cuộc sống hôm nay chỉ là tạm bợ, là chiếc cầu nối bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy cứ bình thản đi lướt qua, chứ đừng nên xây nhà trên đó, vì đó chỉ là điều vô ích thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết rằng, của cải vật chất chỉ thích hợp khi ở kiếp sống hôm nay mà không có chút giá trị nào ở kiếp sống mai sau. Xin cho con biết quy đổi từ tiền giấy ra vàng và từ vàng ra thứ tiền công phúc, để khi chúng con chết đi chúng con có thể mang nó theo vào nơi vĩnh cửu. Amen. **R

 

Thứ ba, 18/10/2016

Đề tài: THÁNH HIẾN VÌ SỨ VỤ

KÍNH THÁNH LUCA THÁNH SỬ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 10,1-9)

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : ‘Bình an cho nhà này !’ 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’.”

SUY NIỆM:

1/ Theo hãng thông tấn Fibes thuộc bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, thì trong năm 2011, có 26 nhà truyền giáo thuộc Giáo hội công giáo bị giết chết. Họ là những chứng nhân của Tin mừng trong những  hoàn cảnh đau khổ, bị bách hại, căng thẳng do bất ổn xã hội; họ chết vì mục tiêu duy nhất là loan báo Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô.

2/ Chúa Yesus sai các Môn đệ ra đi như Chiên đi vào giữa sói. Ơn gọi của người Môn đệ là chấp nhận sự bách hại vì sứ vụ; đó cũng chính là con đường để trở nên giống Chúa Ki-tô là vâng lời cho đến chết để chu toàn sứ mạng.

3/ Ngày nay cũng có biết bao người tín hữu bị bách hại vì niềm tin vào Đức Yesus;Nhưng họ vẫn bình thản, tha thứ và sống lạc quan qua các nghịch cảnh đó.

4/ Chúng ta cũng được mời gọi dâng những hy sinh hằng ngày, để làm bằng chứng cho sự hiện diện của nước Thiên Chúa tại trần gian.

5/ Thánh Luca là người ngoại giáo, sinh tại Antiokia nước Syria. Vì nghe Thánh Phao-lô giảng nên Ngài xin theo đạo và đi theo làm Môn đệ vào năm 49 CN. Như thế có nghĩa là Ngài không được chứng kiến đời sống của Chúa Yesus, không được trực tiếp nghe Chúa giảng dạy, cũng không được ở trong nhóm các Tông đồ, các Môn đệ của Chúa.

6/ Trước khi trở lại đạo, Luca là một y sĩ nên trong các sách Tin mừng của Ngài có nhiều tiếng thường gặp trong các loại sách y học thời đó nhất là trong sách Công Vụ Tông Đồ của Ngài cho biết rõ: Ngài là một thầy thuốc, chính Ngài đã săn sóc , giúp đỡ Thánh Phao-lô trong những lúc ốm đau, tù đày; ngoài ra Ngài còn là một họa sĩ, và là người đầu tiên vẽ chân dung của Đức Maria.

7/ Luca là Môn đệ, là cộng sự viên, là một người bạn đồng hành thân tình của Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai tới Troa và Philiphê, Ngài thường sống bên cạnh Phao-lô cả những lúc tù đày cũng như khi phải ra trước tòa án Roma, và đã ở bên cạnh cho tới khi Thánh Phao-lô chết.

8/ Chính Luca cũng bị giam tù 2 lần, sau khi Thánh Phao-lô chết. Ngài đến rao giảng cho dân chúng thành Akai-da và viết sách Tin Mừng vào khoảng năm 63, viết sách Công vụ Tông đồ vào năm 70. Ngài qua đời lúc 84 tuổi, theo truyền khẩu thì Ngài chịu tử đạo ở Bacti-ca.

9/ Như vậy, Thánh Luca là tác giả 2 cuốn sách. Qua các tác phẩm ấy, chúng ta thấy Ngài là một Ki-tô hữu có học thức nhất thời Giáo hội sơ khai; dù vậy Ngài rất khiêm tốn, chỉ muốn sống âm thầm, đến nỗi dù một chút gì nếu chúng ta muốn biết về Ngài, cũng phải đọc những dòng chữ của Ngài bằng kính phóng đại.

10/ Ngài là con người dịu dàng, hiền hòa. Tất cả lối hành văn của Ngài đều quan tấm đến con người, thông cảm con người, liên hệ tới người nghèo, hào hiệp với phụ nữ.

11/ Ngài đã thu thập và kể lại những lời nói và việc làm đầy nhân nhân hậu của Chúa Ki-tô, Ngài nhấn mạnh: Đức ki-tô nhân từ vô cùng, những người tội lỗi là đối tượng tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa.

12/ Chúng ta biết ơn Ngài. Vì nhờ Ngài mà chúng ta có được những Dụ Ngôn cây vả khô chồi, đứa con hoang đàng, người Samari nhân hậu. Chúng ta biết ơn Ngài vì câu chuyện người trộm thống hối, và cả 5 mầu nhiệm mùa vui Mân Côi, vì chỉ có một mình Ngài tường thuật những sự kiện ấy.

13/ Ngoài ra sách Công vụ Tông đồ của Ngài được coi là cuốn Lịch sử đầu tiên của Giáo hội Công giáo, kể lại mọi hoạt động của các Tông đồ, nhất là Phê-rô, Phao-lô. Điều quan trong mà sách Luca muốn chứng minh là: Mặc dù có nhiều nhân vật hoạt động nhưng đó chỉ là những vai phụ, còn vai chính là Chúa Thánh Thần; nên sách Công vụ Tông đồ được gọi là sách Tin mừng của Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sống ngây thơ, hiền hòa và ngay thẳng như Thánh Luca của con .   Amen.

 

Thứ tư, 19/10/2016

Đề tài: HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 12,39-48)

39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? "42 Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa,46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. 47 "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

SUY NIỆM:

1/ Hằng ngày báo vẫn đưa tin những cái chết thật bất ngờ, có đủ mọi kiểu, mọi hoàn cảnh. Chính những cái chết bất ngờ đã để lại những hậu quả cho chính bản thân và cho những người thân của các nạn nhân. Người chết thì tan thương, còn người sống thì đau xót.

2/ Kiếp con người có sinh có tử, ai cũng phải đối diện với cái chết trên cõi đời này, nhưng không ai có thể biết trước ngày giờ và cách thức chết.Lại còn có quá nhiều nguyên nhân!.

3/ Người Kito giáo coi cái chết như thời khắc Chúa gọi về, đây cũng là giây phút quyết định hoặc chúng ta lên thiên đàng, hoặc sẽ xuống địa ngục, hay luyện ngục.

4/ Cần diễn tả như thế để chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng. Việc này đồng nghĩa với mọi người phải luôn có một cuộc sống lương thiện, làm lành lánh dữ.

5/ Sự sẵn sàng còn phải thể hiện qua thái độ sống: Phải sống tích cực, vui vẻ, yêu thương, bác ái. Nghĩa là sống sao có ích cho mọi người.

6/ Giáo lý dạy chúng ta: Mỗi người có hai kiếp sống: một kiếp tạm bợ và một kiếp sống vĩnh cửu, một cuộc sống hiện tại và một cuộc sống tương lai. Một cuộc sống hành hương và một cuộc sống quê thật, một đời sống trần gian và một đời sống thiên đàng, hay hỏa ngục.

7/ Từ cuộc sống này qua kiếp sống kia mỗi người phải qua một cái chết. Đó là điều hiển nhiên, kiếp sống trần gian chỉ diễn ra có 1 lần.

8/ Sự chết mà người công giáo thường gọi là giờ Chúa đến. Và việc Chúa đến thường xảy ra bí mật, trừ một vài trường hợp hiếm họa lắm Chúa mới cho biết trước, còn hầu hết thì không có ai hay biết gì cả.

9/ Thiên Chúa muốn giữ bí mật để không ai hay biết gì cả. Chúa làm vậy để chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng, do đó cũng phải cố gắng sống thánh thiện.

10/ Chúng ta thường nghĩ: chúng ta còn trẻ, khỏe mạnh nên còn lâu mới chết, nhưng không thiếu những trường hợp người trẻ chết trước, người già chết sau. Chẳng có ai biết chính xác độ tuổi sống của mình, và khi nào mình sẽ từ biệt để vào cõi đời đời. Đó là quyền phép ở trong tay Chúa.

11/ Chúa còn bảo chúng ta hãy khôn khéo khi sử dụng các ơn lành Chúa ban. Chúng ta là những người quản lý, được Chúa trao vốn, kẻ ít người nhiều. Nhiều hay ít không quan trọng, nhưng quan trọng ở chỗ là biết trung tín, khôn ngoan, để chúng ta luôn làm đúng theo ý Chủ, làm sinh lời số vốn đó. Bởi vì ai cũng phải tính sổ với Chúa.

12/ Khi chúng ta nhắm mắt lìa trần, Chúa sẽ căn cứ vào sổ sách mà các Thiên thần đã ghi chép để thưởng hay phạt chúng ta.

13/ Người đời vẫn có câu hát vè “Thiên đàng hỏa ngục hai quê, ai khéo thì nhờ ai vụng thì sa”. Có được mấy người khôn ngoan, biết xây dựng cuộc sống hiện tại cho  tốt đẹp để bảo đảm phần phúc ở trên thiên đàng, đồng thời cũng có biết bao kẻ dại đến nỗi phải sa vào chốn bất hạnh muôn đời. Mọi sự đều tùy thuộc ở ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng, để trong giây phút cuối đời, con sẽ không ân hận vì đã không chuẩn bị , xin Chúa mau đến cứu giúp con. Amen.**R

 

Thứ năm, 20/10/2016

Đề tài: TIN CHÚA SẼ BỊ THIỆT THÒI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 12,49-53)

49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! 51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."

SUY NIỆM:

1/ Một câu hỏi được đặt ra trong thế kỷ 21: “Vì sao thế giới này ngày càng chia rẽ trầm trọng?” Nguyên nhân chính là do khủng hoảng kinh tế nên đời sống của một đại đa số người dân quá khó khăn. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý thì nguyên nhân chính là do có sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nước nói chung và các vị lãnh đạo nói riêng.

2/ Loài người luôn ước mơ có được hòa bình. Người ta chỉ nói mà không hiểu phải cư xử làm sao để có hòa bình. Chúa Yesus tuyên bố: sứ mạng của Ngài là đem lại bình an cho trần gian, nhưng không hiểu sao hôm nay Chúa Yesus lại nói rằng Ngài đến để mang lại sự chia rẽ. Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào?

3/ Sự chia rẽ mà Chúa Yesus muốn nói đến chính là sự căng thẳng, sự xáo trộn, sự bắt buộc phải có một sự chọn lựa, hay nói cho rõ hơn là nó phải có một sự thay đổi.

4/ Sự lựa chọn, sự thay đổi mà chúng ta muốn đề cập ở đây chính là vì có sự căng thẳng, sự đối đầu với nhau khi phải lựa chọn giữa sự thiện và ác, giữa cuộc sống theo Chúa và sống theo kiểu thế gian.

5/ Ngày nay khi chúng ta lựa chọn sống trung thành với giáo huấn của Thiên Chúa nên giáo hội nói chung và mỗi chúng ta nói riêng cũng đang bị nhiều người chống đối. Vì chúng ta không chấp nhận ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính, sống thử...

6/ Hôm nay qua bài Tin Mừng, Chúa Yesus muốn báo trước cho những ai tin theo Chúa: vì đức tin, vì sống đạo, họ có thể bị chính những người thân yêu trong gia đình ruồng rẫy, chống đối, khinh ghét.

7/ Thực ra điều này cũng đã xảy ra nơi các cộng đoàn Kito hữu tiên khởi. Nhiều khi chỉ có một vài phần tử trong gia đình quyết định đi theo Đức Kito thì lại bị chính những người thân còn lại trong gia đình ngăn cản, chán ghét, từ bỏ.

8/ Nếu xét trên lĩnh vực rộng lớn hơn như trong một quốc gia chẳng hạn. Lịch sử các thánh tử đạo VN đã minh chứng cho điều này, những người can đảm chấp nhận niềm tin vào Chúa Kito, thường bị chính quyền và đồng bào mình ghét bỏ, bắt bớ, giam cầm, tù đày, vu khống, tra tấn, kết án tử.

9/ Điều thứ hai là ý nghĩa của tiếng lửa! : Lửa ở đây cũng có cùng ý nghĩa với câu: lửa thử vàng, gian gian thử đức. Lửa ở đây đồng nghĩa với đau khổ, và cũng đồng nghĩa với chữ phép rửa mà Chúa Yesus có nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay.

10/ Phép rửa mà Chúa nói đến hôm nay cũng có nghĩa là đau khổ, để ám chỉ về cuộc khổ nạn đẫm máu, là cái chết tủi nhục trên thập giá của Chúa Yesus.

11/ Như vậy vị thầy của chúng ta là chính Chúa Yesus, Ngài cũng đã trải qua sự đau khổ, đó cũng là con đường, là cách thức chính Chúa đã chọn để cứu chuộc chúng ta, thì hôm nay đến lượt chúng ta cũng phải như vậy.

12/ Là Kito hữu, khi chúng ta chọn Chúa, chúng ta chọn đi theo đạo Chúa. Đây là một chọn lựa căn bản làm nền tảng cho nếp sống đạo. Vì thế những thứ lựa chọn khác đều phải đặt ở hàng thứ yếu, vì thế mọi thứ trở ngại, mọi nguy hiểm, mọi khổ đau… không làm cho chúng ta thay đổi sự lựa chọn căn bản đó.

13/ Chúng ta chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn nước trời hay chọn tiền bạc, chúng ta chọn bác ái yêu thương hay chọn ghen ghét, ích kỷ? Nếu chúng ta chọn cho đúng sẽ rất có lợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám từ bỏ những thứ mau qua, những thứ bất chính để chọn nước thiên đàng, chọn thiện hảo. Xin cho con chấp nhận tất cả để có được Chúa và được sống theo lời Chúa dạy. Amen.**R

 

Thứ sáu, 21/10/2016

Đề tài: DẤU CHỈ THỜI ĐẠI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 12,54-59)

54 Đức Giê-su cũng nói với đám đông rằng: "Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: "Mưa đến nơi rồi", và xảy ra đúng như vậy. 55 Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: "Trời sẽ oi bức", và xảy ra đúng như vậy. 56 Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? 57 "Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? 58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. 59 Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng."

SUY NIỆM:

1/  Mọi biến cố xảy ra trên trời dưới đất đều có những điềm báo. Điềm báo khi Chúa Cứu Thế sinh ra là ngôi sao lạ, điềm có mưa lớn là mây đen kéo đến ở phương Tây, chuồng chuồng liệng thì nắng, chim én liệng thì mưa.

2/ Chúa Yesus mở miệng khen người Do Thái khi thấy họ biết nhìn những hiện tượng trong thiên nhiên để đoán được thời tiết xảy ra như thế nào.

3/ Chúa Yesus cũng chê trách họ không chịu nhận ra ý nghĩa lời Người rao giảng và những việc Người làm. Để biết rằng: thời lịch sử cứu độ đã đến, thời của sự chuẩn bị, sự sám hối, ăn năn.

4/ Chúng ta sống trong thời đại văn minh hôm nay, cũng có vài nét sống giống người Do Thái năm xưa, tất cả đều nhờ vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.  Nhờ đó chúng ta có thể dự báo trước các cơn giông bão, thiên tai, hạn hán, sóng thần, ngay cả tình hình kinh tế chính trị cũng đều có thể dự báo trước được.

5/ Trên bình diện tôn giáo, đức tin cũng thế. Nếu chúng ta có thái độ lơ là, làm ngơ trước những lời mời gọi thì hãy tỉnh thức, sám hối, trở về với Chúa.

6/ Ngày xưa vì chưa có phương tiện khoa học kỹ thuật tiến bộ, như khinh khí cầu hay vệ tinh nhân tạo để dự báo thời tiết, nên người ta chỉ dựa vào những hiện tượng trong thiên nhiên. Như tục ngữ Việt Nam có câu “ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì gió, ráng đỏ thì mưa”, “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

7/ Trong bài Tin Mừng ta thấy Chúa khen người Do Thái có biệt tài đoán thời tiết, khi nhìn vào những dấu hiệu thiên nhiên, họ sẽ đoán thời tiết như thế nào.

8/ Chúa trách họ vì chỉ biết căn cứ vào các dấu hiệu thiên nhiên, mà không biết căn cứ vào các việc Chúa làm và lời Chúa giảng dạy để mà nhận ra thời kỳ Thiên Sai, thời kỳ cứu độ đã đến.

9/ Chúa bảo họ phải lo tính đến việc hòa giải, là nhìn nhận Chúa và mau ăn năn trở lại. Chúa chỉ dùng Dụ Ngôn để cảnh báo họ, họ không khác gì những kẻ đang đi đến tòa án, mà tòa án chính là nơi Thiên Chúa phán xét.

10/ Thời gian trên đường đi chính là thời gian ta đang sống ở trần gian, ta mau cố gắng giải quyết mọi khúc mắc, đền bù mọi tội lỗi vì thời giờ không còn nhiều. Hãy mau trở lại với Chúa kẻo không còn kịp nữa, vì đời này có thể sám hối nhưng đời sau chỉ còn đền tội mà thôi.

11/ Bài học thứ nhất Chúa muốn dạy: hãy tìm hiểu những biến cố xảy ra trong thời đại, dù biến cố lớn hay nhỏ cũng đều là những dấu chỉ mang một ý nghĩa cảnh báo nào đó mà Chúa muốn nói với chúng ta. Mỗi biến cố đều có mang một sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến chúng ta.

12/ Bài học thứ hai Chúa muốn dạy chúng ta: Mau thu xếp cho ổn thỏa mọi sự ở đời này khi ta còn sống, nếu không xong thì khi chết rồi ta vẫn phải tiếp tục thanh toán cho xong.

13/ Điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ: Sau khi chết rồi chúng ta không còn có thể lập công phúc gì nữa, nghĩa là không còn khả năng tự mình đền bù tội lỗi của mình nữa, mà chỉ còn có nước trông cậy vào những người còn sống trên dương thế mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn mau mắn thực thi thánh ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Ngõ hầu chúng con có thể chuộc lại mọi lỗi lầm, cố gắng lập công phúc để mai sau khi đối diện trước tòa Chúa, con sẽ không còn thiếu sót điều gì. Xin Chúa luôn xót thương con. Amen. **R

 

Thứ bảy, 22/10/2016

Đề tài: PHẢI THAY ĐỔI ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 13,1-9)

1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." 6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? 8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."

SUY NIỆM:

1/ Hằng ngày vẫn luôn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Chỉ vì một sự kiện xảy ra đột xuất mà phần đông những người gặp nạn là những nạn nhân vô tội, không phải cứ có tai nạn xảy ra cho ai thì đó là do ông trời chức dữ cho họ đâu?

2/ Đứng trước những điều không hay xảy ra đến cho người khác, chúng ta thường nghĩa xấu hay kết án họ mà quên đi rằng: ai cũng là những kẻ có tội, và cũng nhiều lúc chúng ta còn phạm những tội tày trời hơn, đáng chết hơn, nhưng chúng ta đâu có chết.

3/ Chúa mời gọi chúng ta đừng nhìn những điều không may của người khác để rồi lên án chỉ trích họ. Nhưng qua những sự kiện đó, chúng ta phải mau chóng nhìn lại mình, lắm lúc chúng ta cũng phạm nhiều tội ác như vậy. Vì thế chúng ta cần sám hối, thay đổi lối sống của mình.

4/ Cả hai câu chuyện được kể lại mang tính thời sự, cả hai câu chuyện có cùng một kiểu cách và một kết luận rất giống nhau. Chúa Yesus muốn dùng 2 câu nguyện này để mời gọi mọi người hãy mau mắn ăn năn sám hối.

5/ Sau đó Chúa muốn nhấn mạnh thêm chủ đích của mình, nên Chúa đã đưa ra hình ảnh cây vã không sinh trái sẽ bị chặt kể khích lệ người Do Thái hối cải.

6/ Mọi người chúng ta đều như cây vã lâu ngày không sinh trái, nên Thiên Chúa có ý định muốn chặt đi. Nhưng người làm vườn là Chúa Yesus xin khất lại một hạn kỳ, nhưng họ vẫn cứng lòng nên cuối cùng Thiên Chúa sẽ phải ra tay.

7/ Bốn mươi năm sau, lời Chúa Yesus nói trong bài Tin Mừng hôm nay đã ứng nghiệm: Thủ đô Yerusalen bị tàn phá, dân Do Thái bị bắt đi lưu đày, tản mác khắp nơi.

8/ Đọc bài Tin Mừng này, chúng ta thấy Thiên Chúa tỏ lộ hai tính cách rất khác nhau: Thiên Chúa từ bị, đầy lòng thương xót, nhưng cũng rất công bình chính trực. Ngài không thể dung túng tội lỗi, Ngài không thể im lặng để cho tội lỗi gia tăng. Nhưng Chúa cũng tỏ ra đầy lòng thương xót đối với tội nhân, Thiên Chúa kiên nhẫn cho tới phút chót, Ngài thông cảm tha thứ cho sự yếu đuối của con người chỉ với điều kiện con người phải biết ăn năn hối cải.

9/ Qua bài Tin Mừng, Chúa Yesus muốn dạy chúng ta phải ăn năn sám hối vì ai trong chúng ta cũng đều là tội nhân, vì thế chúng ta đừng nên nghĩ ai đó tội nhiều hơn ai, ai có thân thì người ấy phải tự lo, hồn ai nấy giữ, ta có tội ta phải tự lo cho bản thân mình.

10/ Từ năm 1917, Mẹ Maria cũng gởi sứ điệp cho chúng ta: Mẹ Fatima đều kêu gọi mọi người hãy cải thiện đời sống, hãy siêng năng lần hạt. Như vậy Mẹ Maria cũng gởi đến chúng ta lời kêu gọi như Chúa Yesus: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

11/ Kinh Mân Côi gắn liền với lòng sám hối, bởi vì lời kinh và 20 ngắm là bản tóm lược của Tin Mừng ơn cứu độ.

12/ Đọc Kinh Mân Côi là chúng ta ôn lại lịch sử cứu độ, là chúng ta đi lại con đường lữ hành đức tin của Mẹ Maria, là cuộc lữ hành của một con người luôn sống trong tâm tình khiêm hạ, tín thác, vâng lời, đó cũng là con đường sám hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lại mình, để nhận ra rằng, bản thân chúng con tội lỗi, yếu đuối, ngõ hầu chúng con biết thống hối, đền tội và sửa đổi sao cho đời sống của con luôn đẹp lòng Chúa. Amen.

trích từ ditimchanly.org/

http://ditimchanly.org/chia-se-loi-chua/cs-lchua-hang-ngay-b/chia-se-loi-chua-tuan-29-thuong-nien-c-2016-yuse-luca.html

October 13, 2016