Bài Giáo Lý 1

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ THÁNH THỂ

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 8 tháng 11-2017  

Bài 1 

"Thánh Thể là một biến cố tuyệt vời mà Chúa Kitô là sự sống của chúng ta biến Mình thành hiện thực. Việc tham dự vào Thánh Lễ 'là việc sống lại Cuộc Khổ Nạn và Tử Giá của Chúa'".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới, một loạt bài sẽ hướng cái nhìn của chúng ta vào "tâm điểm" của Giáo Hội,đó là Thánh Thể. Đối với Kitô hữu chúng ta thật là thiết yếu trong việc hiểu biết rõ ràng giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống trọn vẹn hơn bao giờ hết mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa.

Chúng ta không thể quên một số lớn Kitô hữu, trên toàn thế giới, qua hai ngàn năm lịch sử, đã chịu đựng cho đến chết để bênh vực Thánh Thể; và ngày nay vẫn còn biết bao nhiêu người dám liều mạng sống mình để tham dự Lễ Chúa Nhật. Vào năm 304, trong cuộc bách hại của hoàng đế Diocletian, một nhóm Kitô hữu ở Bắc Phi, trong khi cử hành Thánh Lễ tại gia, đã bị chộp bắt bất thình lình rồi bị giam nhốt. Trong cuộc tra vấn, vị phó lãnh sự Roma đã hỏi họ lý do tại sao họ làm như thế, khi biết rằng đó là một điều tuyệt đối cấm kỵ. Họ đã thưa lại rằng: "Chúng tôi không thể sống mà thiếu Chúa Nhật", tức là nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Thể thì chúng tôi không thể sống, đời sống Kitô hữu của chúng tôi sẽ triệt tiêu.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: "Nếu các con không ăn thịt Con Người và uống máu của Người thì các con không có sự sống ở nơi chúng con; ai ăn thịt Thày và uống máu Thày thì có sự sống đời đời, và Thày sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Gioan 6:53-54).

Những Kitô hữu ở Bắc Phi bị sát hại vì bấy giờ họ đang cử hành Thánh Thể. Họ lưu lại một chứng từ là người ta có thể từ bỏ sự sống trần gian của mình cho Thánh Thể, vì Thánh Thể ban cho chúng ta sự sống đời đời, làm cho chúng ta được thông phần vào cuộc vinh thắng của Chúa Kitô trên sự chết. Một chứng từ thách đố tất cả chúng ta và đòi chúng ta đáp ứng về những gì Thánh Thể nhắm tới từng người chúng ta trong việc tham phần vào Hy Tế Thánh Lễ và tiến tới Bàn Tiệc Chúa. Chúng ta có đang tìm kiếm nguồn mạch "vọt lên mạch nước sống" cho sự sống đời đời hay chăng? Nguồn mạch làm cho sự sống của chúng ta thành một hy tế thiêng liêng của việc chúc tụng và tạ ơn, và làm cho chúng ta nên một thân thể với Chúa Kitô? Đó là ý nghĩa sâu xa nhất của Thánh Thể, nghĩa là "tạ ơn": tạ ơn Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, Đấng bao gồm chúng ta và biến đổi chúng ta trong mối hiệp thông yêu thương của các Ngôi.

Trong các bài giáo lý tới đây tôi muốn trả lời một số vấn nạn quan trọng về Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái nhận thức, hay để khám phá thấy cách thức tình yêu của Thiên Chúa chiếu tỏa ra qua mầu nhiệm đức tin. Công Đồng Chung Vaticanô II đã được thôi thúc mãnh liệt bởi ý hướng muốn dẫn Kitô hữu đến chỗ hiểu được tính chất cao cả vĩ đại của đức tin và vẻ đẹp của việc hội ngộ với Chúa Kitô. Bởi thế, trước hết chúng ta cần phải thi hành, theo hướng dẫn của Thánh Linh, một cuộc canh tân thích đáng về phụng vụ, vì Giáo Hội liên tục sống bởi Thánh Thể và được canh tân đổi mới nhờ Thánh Thể.

Một chủ đề chính được các Nghị Phụ của Công Đồng này nhấn mạnh đó là việc đào luyện về phụng vụ cho tín hữu, bất khả châm chước cho một cuộc canh tân đổi mới thực sự. Và thực sự đó là mục đích của loạt bài giáo lý hôm nay chúng ta bắt đầu: đó là gia tăng kiến thức về đại tặng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nơi Thánh Thể.

Thánh Thể là một biến cố tuyệt vời mà Chúa Kitô là sự sống của chúng ta biến Mình thành hiện thực. Việc tham dự vào Thánh Lễ "là việc sống lại Cuộc Khổ Nạn và Tử Giá của Chúa. Đó là một cuộc thần hiển, ở chỗ Chúa biến Mình hiện thực trên bàn thờ để được hiến dâng lên Chúa Cha cho phần rỗi của thế giới" (Homily in the Holy Mass, St. Martha’s Residence, February 10, 2014). Chúa hiện diện ở đó với chúng ta. Chúng ta đi đến đó rất thường xuyên, chúng ta nhìn vào các sự vật, chúng ta nói chuyện với nhau khi linh mục đang cử hành Thánh Thể...., và chúng ta không cử hành một cách chặt chẽ với ngài. Thế nhưng chính Chúa đó! Nếu vị Tổng Thống Cộng Hòa đến đây hôm nay, hay có một nhân vật rất quan trọng trên thế giới đến đây, thì chắc chắn tất cả chúng ta đều muốn gần với họ, chúng ta đều muốn đến chào họ. Thế nhưng, hãy nghĩ mà xem khi anh chị em đi đến với Thánh Lễ, Chúa đang ở đó! Anh chị em bị phân tâm chia trí. Chính Chúa đó!

Chúng ta cần phải nghĩ đến điều này. "Thưa cha, chính vì Lễ lạy buồn chán" - "Này, anh chị em đang nói gì vậy, nói rằng Chúa buồn chán à?" - Không, không, không phải Thánh Lễ mà là các vị linh mục - "A thì ra các vị linh mục cần phải hoán cải, thế nhưng chính Chúa ở đó!" Anh chị có hiểu không? Đừng quên điều ấy. "Việc tham dự Thánh Lễ là việc sống lại Cuộc Khổ Nạn và Tử Giá của Chúa".

Giờ đây chúng ta hãy gắng tự hỏi một số câu hỏi đơn sơ giản dị thôi. Chẳng hạn, tại sao dấu Thánh Giá và cử chỉ thống hối lại được thực hiện khi bắt đầu Thánh Lễ? Ở đây tôi muốn mở ngoặc lần nữa. Anh chị em có thấy cách thức con cái làm dấu hay chăng? Anh chị em không biết chúng làm gì, hoặc là dấu Thánh giá hay là một dấu gì đó. Chúng làm như vậy đấy. Cần phải dạy cho con em làm dấu Thánh Giá đàng hoàng. Thánh Lễ bắt đầu như thế đó, sự sống bắt đầu là như vậy, ngày sống bắt đầu là như thế. Cử chỉ này có nghĩa là chúng ta được Thánh Giá Chúa cứu chuộc. Hãy nhìn vào con cái và dạy chúng làm dấu Thánh Giá đàng hoàng. Rồi những Bài Đọc trong Thánh lễ nữa, tại sao chúng có? Tại sao có 3 Bài Đọc vào Chúa Nhật và hai bài vào các ngày khác? Tại sao có các bài đọc, đâu là ý nghĩa của Bài Đọc trong Thánh Lễ? Tại sao chúng được đọc lên và chúng cống hiến những gì? Hay tại sao có lúc linh mục chủ tế nói: "Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên"? Ngài không nói: "Chúng ta hãy giơ các điện thoại của chúng ta lên chụp hình!" Không, đó là một điều tôn nghiêm! Tôi nói cho anh chị em biết rằng tôi cảm thấy thật buồn khi tôi cử hành ở Quảng Trường này hay ở trong Đền Thờ đây mà tôi thấy có quá nhiều điện thoại giơ lên, chẳng những tín hữu mà còn cả một số linh mục, thậm chí cả các vị Giám Mục nữa. Thôi nhé! Thánh lễ không phải là một màn trình diễn: Thánh lễ là đến để gặp gỡ Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa. Đó là lý do tại sao linh mục mới nói: "Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên". Nghĩa là gì? Hãy nhớ nhé - không phải là các thứ điện thoại.

Rất cần phải trở về với những gì là nền tảng, để tái khám phá ra những gì là thiết yếu, nhờ đó người ta có thể chạm tới và nhìn được ở nơi việc cử hành các Bí Tích. Câu hỏi của Thánh Tông Đồ Toma (xem Gioan 20:25), để có thể thấy và chạm được các thương tích đinh đóng nơi thân mình của Chúa Giêsu là một ước muốn có thể "đụng chạm" Thiên Chúa một cách nào đó để tin vào Ngài. Điều Thánh Toma xin Chúa là những gì tất cả chúng ta cần đến, đó là thấy Người, và chạm đến Người để có thể nhận ra Người. Các Bí Tích là những gì đáp ứng nhu cầu này của con người. Các Bí Tích, và đặc biệt là việc Cử Hành Thánh Thể, là các dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa, là những cách thức đặc biệt để chúng ta có thể gặp gỡ Ngài.

Bởi vậy, qua những bài giáo lý chúng ta hôm nay bắt đầu đây, tôi muốn cùng với anh chị em tái nhận thức vẻ đẹp được ẩn dấu nơi việc Cử Hành Thánh Thể, và một khi được tỏ hiện thì mang lại trọn vẹn ý nghĩa cho đời sống của mỗi người. Xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta nơi cái vươn giãn mới mẻ của đường lối này. Cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/popes-catechesis-on-the-heart-of-the-church/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

vietvatican.net

 

November 9, 2017