SỨC KHOẺ LÀ VÀNG
    

Qua năm mới, bỏ thói quen xấu năm cũ
Monday, December 31, 2012 4:06:24 PM

(Nguoi Viet Tổng hợp) - Nếu chưa hài lòng với những gì làm được trong năm 2012, bạn có thể nhân dịp đầu năm để bắt đầu những thay đổi tích cực cho bản thân. “Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận” - Ghandi.

Thói quen ăn nhiều bánh kẹo, hay lười tập thể dục, đều có thể thay đổi được. (Hình minh họa: Cate Gillon/Getty Images)

Dù bạn ra quyết tâm tập thể dục đều đặn hay ăn nhiều trái cây hơn, việc nên làm trước tiên là loại bỏ những thói quen xấu của năm cũ.

Theo tạp chí khoa học Journal of Clinical Psychology, cứ hai người được hỏi thì có một nói không thực hiện được những “quyết tâm đầu năm” như bớt lo lắng hay bỏ thuốc. “Vấn đề là cơ thể chúng ta níu kéo các thói quen cũ”, tiến sĩ tâm lý Jeremy Dean nói, “60% các ‘quyết tâm đầu năm’ không kéo dài quá vài phút.”

Tiến Sĩ Dean cho rằng thói quen khó được từ bỏ vì hành động của con người nhiều lúc như các nhu liệu lập trình cho máy tính. “Ðiều này thuận theo tự nhiên, vì thói quen giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng tối đa,” ông nói, “để cơ thể tập trung vào những việc quan trọng hơn”.

Ðể từ bỏ thói quen xấu hoặc tập cho mình một thói quen mới, việc hiểu rõ cách hoạt động của não bộ sẽ giúp được phần nào. Sau đây là những mẹo nhỏ được khuyên bởi chuyên gia tâm lý, Tiến Sĩ Dean, khá đơn giản nhưng hiệu quả trong việc từ bỏ các thói quen xấu.

1. Nhìn lại quá trình hình thành thói quen xấu
“Mọi thói quen đều hình thành từ một thời điểm và hoàn cảnh nào đó,” Tiến Sĩ Dean khẳng định.
Theo ông, việc đầu tiên cần làm là nhìn lại quá trình thói quen cũ đã hình thành. Ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào mà bạn lại có những hành động không tốt đó. Ví dụ, nếu muốn bỏ bia rượu, bạn hãy nhớ lại mình đã bắt đầu uống nhiều vì phải giao tiếp trong công việc, hay do phiền muộn và dùng men say để giải sầu.
Khi đã biết được cơ nguồn dẫn đến thói quen xấu, tìm cách giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

2. Dùng một thói quen tốt để thay vào thói quen xấu
Tiến Sĩ Dean viết trong Making Habits, Breaking Habits, “việc từ từ lập ra một thói quen mới thực ra dễ hơn việc lập tức từ bỏ thói quen cũ”.

Có thể bạn chẳng dễ dàng hoàn toàn ngưng ăn đồ ngọt, nhưng việc thay một chiếc bánh ngọt bằng một trái táo hay chùm nho có lẽ không quá khó. Những bước nhỏ cần ít quyết tâm hơn, chỉ cần kiên trì tiếp tục giữ những việc này mỗi ngày, bạn sẽ tiến thật xa mà chẳng cần đổ mồ hôi.

Dùng thói quen tốt để thay vào thói quen cũ. Ví dụ, trữ một số trái cây trong tủ lạnh thay cho bánh kẹo. (Hình: Abid Katid/Getty Images)

3. Ðừng cấm bản thân nhớ về thói quen xấu
“Khi cố quên là lúc càng nhớ thêm.” Cũng theo ông Dean, việc cấm bản thân không nghĩ đến một việc gì đó sẽ gây tác dụng ngược. Nghĩa là, khi cố không nghĩ tới việc nào, não bộ của bạn sẽ càng tập trung tư tưởng vào vấn đề đó hơn, làm cho vấn đề càng thêm dai dẳng.
“Khi một người nói sẽ không nghĩ đến việc ăn bánh ngọt, tất cả những gì hiện lên trong đầu người đó là một chiếc bánh ngọt nào đó,” Tiến Sĩ Dean phân tích.

4. Thay đổi môi trường sống
Khi môi trường xung quanh thay đổi, bạn tiếp nhận một thói quen mới, cũng như từ bỏ thói quen cũ, dễ dàng hơn. Theo ông Dean, “những hoàn cảnh mới thôi thúc bạn suy nghĩ về lối sống và các sự lựa chọn của mình”.
Ðương nhiên bạn không cần phải chuyển nhà đi chỗ khác mỗi khi cần từ bỏ thói quen xấu. Tuy vậy, bạn có thể thay đổi môi trường sống bằng nhiều cách, ví dụ như đổi gym sẽ giúp bạn lấy lại hứng thú luyện tập thể thao, hay đổi tiệm ăn cuối tuần sang một nhà hàng chay.
Bạn có thể kết hợp nhiều thay đổi nhỏ, để tạo ra sự khác biệt lớn của môi trường sinh hoạt mới, ví dụ như nấu ăn với nhiều loại rau củ, gói lại trong túi ăn trưa kiểu mới, rồi mang chúng theo ăn cùng đồng nghiệp trong giờ trưa. Trong ví dụ đơn giản trên, bạn vừa ăn uống tốt hơn cho sức khỏe, tiết kiệm được tiền mua các loại thực phẩm bán sẵn, và có thêm giờ trò chuyện trao đổi với bạn bè.
Dùng thói quen tốt để thay thế thói quen xấu, một công đôi chuyện.

5. Chuẩn bị cho những phút “yếu lòng”
Hầu hết mọi người đều quá tin tưởng vào ý chí của bản thân trong việc gầy dựng hay từ bỏ thói quen. “Tự chủ là một khả năng có hạn,” Tiến Sĩ Dean viết.
Thay vì chỉ trông chờ vào sức mạnh của ý chí, ông Dean khuyên các khách hàng của mình nên chuẩn bị cho những lúc “xao nhãng hay yếu lòng”.
Nếu bạn muốn bỏ thuốc lá, bạn có thể suy nghĩ trước xem mình phải làm gì khi gặp lại đám bạn cũ thích hút thuốc. Ra nơi khác gọi một cú điện thoại, đi bộ một vòng xung quanh, hay bật một bài hát yêu thích để thưởng thức trong giây lát, là những ý tưởng không tồi giúp bạn tránh xa điếu thuốc lúc đó.
Lời cuối cùng, đừng quên tiếp tục duy trì những thói quen mới, để thói quen xấu bị loại bỏ một cách tự nhiên, dễ dàng. (T.A.)

Trích nguoi-viet.com online

( dongcong.net sưu tầm 1-1-2013)