"Tinh thần cầu nguyện là việc trả thời gian về cho Thiên Chúa, nó ra khỏi cái ám ảnh của một cuộc đời lúc nào cũng thiếu giờ, nó lấy lại bình an của những điều cần thiết và khám phá thấy niềm vui của các tặng ân bất ngờ".

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình bài 27 - Thứ Tư 26/8/2015


Xin chào Anh Chị Em thân mến!


Sau khi chia sẻ về cách thức gia đình sống thời điểm cử hành và làm việc, giờ đây chúng ta tiến đến thời gian cầu nguyện. Thật vậy, tiếng than vãn thường được nghe thấy nhất của Kitô hữu liên quan đến thời gian đó là: "Tôi cần phải cầu nguyện hơn nữa... Tôi muốn làm thế nhưng tôi thường không có giờ". Chúng ta liên lỉ nghe thấy như vậy. Niềm tiếc xót này thật sự là chân thành, vì con tim của con người luôn tìm kiếm việc nguyện cầu, mặc dù trong vô thức, và nếu không có giờ cầu nguyện thì họ cảm thấy bồn chồn khắc khoải. Tuy nhiên, để có giờ cầu nguyện, cần phải vun trồng trong tâm hồn một tình yêu "nồng nàn" đối với Thiên Chúa, một tình yêu cảm mến


Chúng ta hãy tự hỏi mình một vấn đề rất đơn giản. Cần phải tin vào Thiên Chúa với tất cả tâm can của mình; cần phải hy vọng rằng Ngài sẽ giúp chúng ta trong những cơn khốn khó; cần phải cảm thấy có nhiệm vụ cảm tạ Ngài. Tất cả những điều ấy đều tốt lành. Thế nhưng chúng ta cũng có yêu mến Chúa của chúng ta một chút hay chăng? Ý nghĩ về Thiên Chúa có tác động chúng ta hay chăng, có làm cho chúng ta bàng hoàng hay chăng, có làm cho chúng ta trở nên dịu dàng hay chăng?


Chúng ta nghĩ đến việc công thức hóa Giới Luật trọng đại là giới luật bao gồm tất cả mọi giới luật khác, đó là "Các người phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của các ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi" (Đệ Nhị Luật 6:5; Mathêu 22:37). Công thức này sử dụng thứ ngôn từ mạnh mẽ của tình yêu, hướng về Thiên Chúa. Đó, tinh thần cầu nguyện trước hết là ở chỗ này. Và nếu nó ở chỗ này thì nó liên tục ở đó và không bao giờ rời bỏ chỗ ấy. Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa như Đấng âu yếm ôm lấy chúng ta trong cuộc đời chứ không phải là những gì khác hay chăng? Một niềm âu yếm mà không gì, kể cả chết chóc, có thể tách biệt chúng ta ra khỏi nó? Hay chúng ta chỉ nghĩ về Ngài như là một Hữu Thể cao cả, như Đấng Uy Quyền làm được mọi sự, như Vị Thẩm Phán kiểm soát hết mọi hành động? Dĩ nhiên là tất cả những điều này đều đúng, thế nhưng chỉ khi nào Thiên Chúa là cảm xúc của tất cả mọi cảm xúc của chúng ta thì ý nghĩ của những điều ấy mời được trọn vẹn ý nghĩa của chúng. Bấy giờ chúng ta cảm thấy sung sướng, đồng thời cũng bị bối rối làm sao ấy, vì Ngài nghĩ đến chúng ta và nhất là Ngài yêu thương chúng ta! Điều ấy không phải là những gì ấn tượng hay sao? Không ấn tượng hay sao khi Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng mối tình của Người Cha? Thật là tuyệt đẹp! Ngài có thể tỏ mình ra như là một Hữu Thể Tối Thượng, ban bố các Giới Luật của Ngài và chờ đợi thành quả. Trái lại, Thiên Chúa đã thực hiện và đang thực hiện một cách bất tận còn hơn như thế nữa. Ngài hỗ trợ chúng ta trên con đường sự sống. Ngài bảo vệ chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta. 


Nếu lòng cảm mến Thiên Chúa không thắp lên một ngọn lửa, thì tinh thần cầu nguyện không làm nồng ấm thời gian. Chúng ta cũng có thể lảm nhảm nhiều lời, "như những người dân ngoại" được Chúa Giêsu nói tới, hay cũng có thể trình diễn các nghi thức của mình, "như những người biệt phái làm" (xem Mathêu 6:5-7). Một con tim có lòng cảm mến Thiên Chúa thì cũng làm cho một ý nghĩ không lời trở thành tác động cầu nguyện, hay thành một lời thỉnh cầu trước tấm linh ảnh, hoặc thành một cái hôn được gửi đến nhà thờ. Thật là dễ thương khi các bà mẹ dạy cho các đứa con nhỏ của mình gửi một nụ hôn cho Chúa Giêsu hay cho Đức Mẹ. Êm ái biết bao nơi việc làm ấy! Bấy giờ lòng của con trẻ được biến đổi thành một nơi cầu nguyện. Đó là một tặng ân của Thánh Linh. Chúng ta đừng bao giờ quên xin tặng ân này cho từng người chúng ta! Vì Thần Linh Chúa có cách thức đặc biệt để nói trong lòng chúng ta rằng: "Abba - Lạy Cha". Thật vậy, Thần Linh Chúa dạy chúng ta thân thưa "Lạy Cha" như Chúa Giêsu đã thân thưa, một cách thức chúng ta có thể không bao giờ tự mình có được (xem Galata 4:6). Chính ở trong gia đình mà người ta học biết cách cầu xin và cảm nhận được tặng ân này của Thần Linh. Nếu người ta biết thân thưa như thế một cách tự phát như người ta nói "cha" và "mẹ", thì người ta đã biết nó mãi mãi rồi. Khi điều ấy xẩy ra, thì thời giờ của toàn thể đời sống gia đình được bao bọc trong cung lòng tình yêu của Thiên Chúa và tự nhiên tìm giờ cầu nguyện thôi. 


Chúng ta biết rõ rằng thời giờ của gia đình là thời giờ phức tạp và đông đúc, một thời giờ bận bịu và bận tâm. Bao giờ cũng chỉ có một chút xíu. Không bao giờ đủ, có quá nhiều điều phải làm. Người nào có gia đình mới sớm biết cách giải quyết cái phương trình mà cho dù các đại toán gia cũng khó lòng mà giải quyết được, đó là trong vòng 24 tiếng đồng hồ làm sao để có thể gấp đôi lên số giờ này lên! Có những người làm cha làm mẹ có thể đoạt Giải Nobel về điều này: Từ 24 tiếng họ làm thành 48 tiếng. Tôi không biết làm sao họ có thể làm được thế nhưng họ vận động và làm được như thế! Có rất nhiều việc trong gia đình!


Tinh thần cầu nguyện là việc trả thời gian về cho Thiên Chúa, nó ra khỏi cái ám ảnh của một cuộc đời lúc nào cũng thiếu giờ, nó lấy lại bình an của những điều cần thiết và khám phá thấy niềm vui của các tặng ân bất ngờ. Các hướng dẫn viên lành nghề ở đây là Matta và Maria, được nói đến trong Phúc Âm chúng ta vừa nghe: cả hai học nơi Thiên Chúa cái hòa hợp của nhịp sống gia đình: vẻ đẹp của việc cử hành, tính thanh thản làm việc, tinh thần cầu nguyện (xem Luca 10:38-42). Việc Chúa Giêsu thăm viếng, Đấng được họ thật sự kính mến, là việc cử hành của họ. Tuy nhiên, một ngày kia Matta đã biết rằng việc tiếp đãi cho dù quan trọng cũng không phải là tất cả mà là lắng nghe Chúa, như Maria đã làm, mới thực sự là những gì thiết yếu, là "phần tốt hơn" của thời gian. Cầu nguyện xuất phát từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, từ việc đọc Phúc Âm. Mỗi ngày đừng quên đọc một đoạn Phúc Âm. Cầu nguyện xuất phát từ mối thân tình với Lời Chúa. Trong gia đình của chúng ta có mối thân tình này hay chăng? Chúng ta có cuốn Phúc Âm ở nhà hay chăng? Đôi khi chúng ta có mở Phúc Âm ra cùng nhau đọc hay chăng? Chúng ta có suy niệm Phúc Âm trong khi lần chuỗi Mân Côi hay chăng? Phúc Âm được đọc và suy niệm trong gia đình thì như là tấm bánh ngon nuôi dưỡng tâm can của hết mọi người. Vào buổi sáng hay buổi tối, khi chúng ta ngồi ở bàn, chúng ta hãy học cách cùng nhau đọc lời kinh hết sức giản dị rằng xin Chúa Giêsu đến giữa chúng con như Người đã ở với gia đình Matta, Maria và Lazarô. Có điều tôi rất lưu tâm và đã từng thấy trong thành phố này đó là có những con trẻ chưa biết làm Dấu Thánh Giá! Thế nhưng anh chị em là người cha người mẹ hãy dạy cho con cái mình cầu nguyện, dạy cho chúng làm Dấu Thánh Giá: đó là một công việc dễ thương của những người làm cha làm mẹ!


Trong việc cầu nguyện của gia đình, nơi tình trạng căng thẳng của gia đình và vào những thời buổi khó khăn của gia đình, chúng ta hãy nhớ đến nhau, nhờ đó mỗi người chúng ta trong gia đình được tình yêu thương của Thiên Chúa bảo vệ. 


(Sau khi chào hỏi các phái đoàn hành hương, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu mời đáp ứng Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên Tạo Vật mùng 1/9, như Giáo Hội Chính Thống giáo, một quan tâm bất khả thiếu vào lúc này như ngài vừa ban hành bức Thông Điệp về đề tài này hôm 24/5/2015):


Thứ Năm tuần tới, Ngày mùng 1 Tháng 9, Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên Tạo Vật được cử hành. Trong mối hiệp thông với anh chị em Chính Thống và với tất cả những người lành thiện tâm, chúng ta muốn thực hiện việc đóng góp của chúng ta vào việc thắng vượt cuộc khủng hoảng về môi sinh nhân loại đang trải qua.

Khắp nơi trên thế giới, các thực tại khác nhau của Giáo Hội đã hoạch định những sáng kiến thuận lợi về việc cầu nguyện và suy niệm, để mang lại cho Ngày này một thời khắc đặc biệt, cũng như nhắm đến việc mặc lấy những lối sống liên kết

Vào lúc 5 giờ chiều hôm ấy chúng ta sẽ ở trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với các Vị Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân ở Tòa Thánh Rôma để cử hành Phụng Vụ Lời Chúa, một cử hành tôi muốn mời dân thành Rôma, các khách hành hương và tất cả những ai muốn đến tham dự. 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự nhấn mạnh)