dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Gia Đình Sống Đạo
 
 
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
 
<<< <Giáo dân với Gia Đình  


Để giúp
GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM
sống đạo tốt hơn

VÀO ĐỀ

Trong phần THAY LỜI KẾT của bài trước tôi đã viết những dòng sau đây:

“Chắc chắn những người làm cha làm mẹ không thể một mình thực hiện được việc củng cố và tăng cường nền tảng Đức Tin cho con cái theo chỉ dẫn của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình. Họ rất cần sự hỗ trợ của giáo xứ, giáo phận, cụ thể là của các Ban Mục Vụ (Giáo Lý Đức Tin, Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Gia Đình, Truyền Giáo, Di Dân…) của các Hội Đoàn Tông Đồ và các Phong Trào Gia Đình, để chính bản thân họ:

  • được huấn luyện và đào tạo cách đầy đủ, sâu sắc hơn vế kiến thức, kinh nghiệm sống Đức Tin trong thế giới hôm nay.
  • có phương pháp, kỹ năng chuyển giao những hiểu biết, tình cảm, thực hành, tập quán và kinh nghiệm tôn giáo và tâm linh của mình cho con cái.
  • được hỗ trợ một cách hiệu quả trong những hoàn cảnh khó khăn tự mình không thể vượt qua nổi.”

Trong chiều hướng ấy tôi xin đề nghị bạn đọc hãy cùng tôi suy nghĩ thêm để nhận định tình hình thực tế, đáng giá nhu cầu và đề ra một số biện pháp căn bản có tính quyết định. Chúng ta khởi đi từ các biện pháp mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đưa ra cho các giáo phận, giáo xứ và cho các người làm cha làm mẹ, trong Thư Mục Vụ về Gia đình năm 2002, để xác định một số biện pháp cần thiết khác đối với đời sống Đức Tin và sứ mạng loan báo Đức Tin của và trong gia đình.

TRÌNH BÀY ĐỀ TÀI

I. Các biện pháp được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra cách nay 4 năm

Trong phần thứ ba của Thư Mục Vụ 2002 Hội đồng Giám Mục Việt Nam về Gia Đình, khi nói về các phương thế cụ thể và thiết thực, các Đức Cha có nêu một số biện pháp cho các vị hữu trách và một số biện pháp khác cho chính các gia đình.

1.1 Với các vị hữu trách, Hội đồng Giám Mục Việt Nam nêu lên định hướng chung cho Giáo hội Việt Nam là “chọn hôn nhân và gia đình như mục tiêu ưu tiên của chương trình mục vụ trong năm 2003” và đưa ra những phương thế cụ thể và thiết thực sau đây:

  • Các giáo phận nên có Văn phòng Mục vụ về hôn nhân và gia đình.
  • Các giáo xứ nên tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình, dựa trên tông huấn ‘đời sống gia đình’ của Đức Gioan Phaolô II.
  • Cần soạn thảo một chương trình giáo lý hôn nhân.
  • Đào tạo một đội ngũ giáo lý viên vững vàng.
  • Kêu gọi sự cộng tác của giáo dân cho khả năng chuyên môn và có kinh nghiệm trong các lãnh vực: tâm lý, xã hội, pháp luật, quản trị, ý khoa.
  • Có bộ phận chuyên trách về gia đình trong Ban Mục vụ giáo xứ.
  • Tổ chức các sinh hoạt Mục vụ gia đình vào những dịp đặc biệt và thích hợp (1).

1.2 Với các gia đình, Hội đồng Giám Mục Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò chủ chốt của gia đình: “Mục vụ gia đình chỉ thực sự có kết quả khi các gia đình tự ý thức, tích cực tham gia về các chương trình học hỏi và nhất là chủ động canh tân đời sống gia đình bằng đổi mới chính bản thân” và lưu ý các gia đình về một số việc cụ thể sau đây:

  • Cha mẹ làm gương sáng trong giáo dục con cái.
  • Cha mẹ lo phát triển đời sống đức tin cho con cái.
  • Cha mẹ hướng dẫn con cái biết sống tình liên đới trong các mối tương quan gia đình và xã hội.
  • Cha mẹ quan tâm đến việc làm trong sạch môi trường sách báo, phim ảnh, bạn bè của con cái.
  • Cha mẹ mở rộng mối quan hệ của gia đình với các gia đình chung quanh để kính trọng, yêu thương, trao đổi, học hỏi và quan tâm giúp đỡ, góp phần phát triển nền văn minh tình thương (2).

II. Nhận định về các biện pháp được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra cách nay 4 năm

Nếu quan tâm nghiên cứu, chúng ta phải nhìn nhận rằng các biện pháp mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đưa ra trong Thư Mục Vụ năm 2002 là những biện pháp rất sát với thực tế của tình hình Giáo Hội Việt Nam. Chỉ tiếc rằng các biện pháp ấy đã không được các cấp - từ các giáo xứ đến các giáo phận - thực hiện một cách nghiêm túc và đồng bộ, nên kết quả gặt hái được không bao nhiêu và tình hình chưa có thay đổi đáng kể.
Trước tình hình ấy thiết nghĩ có hai việc cần làm:

  1. Nghiên cứu, thảo luận xem giáo xứ, giáo phận cần phải làm gì để áp dụng vào thực tế các biện pháp của Thư Mục Vụ 2002 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
  2. Suy nghĩ, trao đổi để tìm xem giáo xứ, giáo phận cần phải làm gì hơn nữa để có được một chuyển biến vững chắc, cơ bản và lâu dài.

III. Đề nghị 5 biện pháp cơ bản mang tính quyết định

Theo nhận định cá nhân, tôi thấy có 5 biện pháp cơ bản mang tính quyết định trong lãnh vực mục vụ nói chung và mục vụ gia đình nói riêng của Giáo hội Việt Nam. Sau đây mỗi biện pháp sẽ được trình bày theo phương pháp Xem-Xét-Làm của Thanh Lao Công Quốc Tế là Phương Pháp đã được phổ biến rộng rãi, đặc biệt trong các Hội Nghị Quốc Tế hay Toàn Cầu cũng như trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới và trong việc biên soạn các Tài Liệu sau Hội Nghị hay Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ví dụ: “Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu” (1999), Tài liệu “Giáo Hội Á Châu hướng về Văn Hóa Sự Sống Toàn Diện” (2004) v.v…

Biện pháp thứ nhất: Tăng cường việc Học Hỏi và Chia Sẻ Lời Chúa trong các Giáo phận, Giáo xứ, Hội đoàn Tông đồ và các gia đình.

1. Xem (nhận diện thực tế):

Đại đa số giáo dân Việt Nam, kể cả người ở thành thị, còn khá xa lạ với Thánh Kinh. Đối với tuyệt đại đa số giáo dân, cầu nguyện là đọc kinh, chứ chưa phải là “đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện.” Cách giữ đạo “truyền thống” của giáo dân (đọc kinh, xem lễ) vẫn được xem là “chính thống”.

Tại các giáo xứ, trong sinh hoạt của các Hội đoàn Tông đồ hay của các giới, ít - thậm chí chưa bao giờ - có các Khóa Học Hỏi Thánh Kinh cho người lớn và các hội / đoàn viên. Các nhóm Chia Sẻ Lời Chúa trong các giáo xứ chưa nhận được sự cảm thông, đồng hành và hỗ trợ cần thiết của các vị lãnh đạo. Đôi khi còn bị nghi kỵ, thành kiến, vu khống một cách bất công và thiếu bác ái. Các nhóm cầu nguyện Thánh Linh còn bị nghi ngờ và thường bị gán cho hai chữ “Tin Lành”. Có lẽ do quan niệm hẹp hòi và sai lầm là Lời Chúa chỉ có thể đến được với giáo dân “một cách bảo đảm” khi thông qua hàng giáo sĩ.

2. Xét (đối chiếu với đòi hỏi của Giáo huấn):

Hiến Chế về Mạc Khải (Lời Thiên Chúa) của Công đồng Vatican II đã khẳng định tầm quan trọng của Lời Chúa đối với Giáo Hội và khuyến kích mọi Kitô hữu tiếp cận với Lời Chúa. Chúng ta hãy đọc một đoạn của chương VI Hiến Chế nói trên:

Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền, Kinh Thánh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Kinh Thánh phân phát cách bất di bất dịch Lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng các Tông Đồ.

Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Ki-tô phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cưông Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. Bởi thế, lời nói sau đây thật xứng hợp cho Kinh Thánh: «Thực vậy, Lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm» (Dt 4,12), «Có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hóa» (Cv 20,32; x. 1Tx 2,13).

Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Ki-tô hữu…. (3).

3. Làm (thực thi Giáo huấn):

Đề nghị ba việc:

  • Giáo Phận thành lập Ban Truyền Bá Thánh Kinh. Ban này sẽ tổ chức các Khóa Học Hỏi về Thánh Kinh và mở các Khóa tập huấn về các Phương Pháp Thực Hành giúp người giáo dân bình thường có thể tiếp cận với Thánh Kinh một cách an toàn và hiệu quả. Ban này cũng sẽ phổ biến những bài suy niệm Lời Chúa hằng ngày và cac Ngày Chúa Nhật bằng nhiều phương tiện: internet, sách…. đến tận các gia đình, các Hội đoàn Tông đồ và cá nhân.
  • Các Giáo xứ khuyến khích và hỗ trợ việc hình thành và sinh hoạt của các Nhóm Chia Sẻ Lời Chúa trong các khu xóm và Hội Đoàn Tông Đồ.
  • Các Giáo xứ và các Gia Đình tổ chức những buổi cầu nguyện tôn vinh Lời Chúa.

Biện pháp thứ hai: Có chương trình bồi dưỡng đức tin cho thanh thiếu niên và giáo dân trưởng thành.

1. Xem (nhận diện thực tế):

Đời sống Đức Tin của người tín hữu gồm 3 phần liên kết chặt chẽ với nhau: Mộ Đạo, Hiểu Đạo và Hành (Sống) Đạo. Sự Hiểu Đạo của tuyệt đại đa số giáo dân còn rất giới hạn. Vì cho đến nay chương trình giáo dục đức tin của các giáo xứ chưa mấy quan tâm đến việc bồi dưỡng Đức Tin cho thanh niên nam nữ và cho người trưởng thành, trong đó các những người làm cha làm mẹ. Chưa có mấy giáo xứ mở những khóa hay có chương trình nâng cao trình độ hiểu biết về Giáo Lý, Công Đồng, Thánh Kinh, Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội.

Càng ngày càng có nhiều giáo dân khao khát học hỏi nâng cao trình độ Giáo Lý và được tham gia nhiều hơn vào đời sống và công việc của Giáo Hội.

2. Xét (đối chiếu với đòi hỏi của Giáo huấn):

Công đồng Vatican II đã lên nêu nhu cầu và xác định tiêu chuẩn của một Giáo Hội trưởng thành là phải có một hàng giáo dân đích thực: “Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, cũng chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân.
Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành ”
(4).

3. Làm (thực thi Giáo huấn):

Xin đề nghị hai việc:

  • Mỗi giáo phận có Ban Giáo Lý và giao cho Ban này nhiệm vụ không chỉ soạn chương trình, tài liệu Giáo Lý cho thiếu nhi mà cả chương trình tài liệu Bồi Dưỡng Đức Tin cho người trưởng thành.
  • Các giáo phận nên đầu tư vào việc đào tạo Giáo Lý Viên trưởng thành và cán bộ giáo dân (như thành viên Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ / Giáo Phận, Lãnh Đạo các Hội Đoàn Tông Đồ, các Phong Trào Gia Đình v.v..).

Biện pháp thứ ba: Xây dựng đường hướng và cơ cấu Mục Vụ Gia Đình giáo phận, giáo xứ cho đến nơi đến chốn.

1. Xem (nhận diện thực tế):

Tình hình đạo đức gia đình xút giảm với bao thách đố của xã hội hiện tại, với bao vấn đề được đặt ra cho các gia đình.

Hội đồng Giám Mục Việt Nam chưa có Ban Mục Vụ Gia Đình. Nhiều giáo phận cũng chưa có Ban ấy. Riêng tại Giáo phận Sài gòn, Ban Mục Vụ Gia Đình đã được Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn thành lập vào tháng 6 năm 2000. Cho đến nay đã được 6 năm. Nhưng chúng ta chưa thấy những việc mà Ban Mục Vụ Gia đình ấy đã làm cho các gia đình và cho Mục vụ Gia đình Giáo phận. Chỉ nguyên về số các thành viên đã có nhiều điều phải nói: Từ ngày hình thành cho đến hôm nay Ban Mục Vụ Gia Đình Sài-gòn vẫn chỉ vỏn vẹn có 17 linh mục (15 của 15 hạt, 2 là chánh phó Ban), mà các linh mục này tham gia công việc của Ban cũng rất hời hợt.

Những biện pháp mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam đưa ra trong thư Mục Vụ 2002 cho các người hữu trách phần lớn vẫn nằm trên giấy.

2. Xét (đối chiếu với đòi hỏi của Giáo huấn):

Thư Mục vụ 2002 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đế ra những việc phải làm cho cấp giáo phận và giáo xứ một cách rất cụ thể và rõ ràng:

Có 5 công việc thuộc cấp giáo phận, là:

  • Xác định ‘hôn nhân và gia đình là ưu tiên hàng đầu’ trong đường hướng mục vụ năm 2003 của giáo phận.
  • Hình thành Văn phòng mục vụ về hôn nhân và gia đình trong giáo phận,
  • Soạn thảo một chương trình giáo lý hôn nhân.
  • Đào tạo một đội ngũ giáo lý viên vững vàng.
  • Kêu gọi sự cộng tác của giáo dân có khả năng chuyên môn về các ngành có liên quan tới đời sống hôn nhân và gia đình.

Có 4 công việc thuộc cấp giáo xứ, là:

  • Tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình, không chỉ cho những người sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình mà cho cả những người đang sống đời sống gia đình. Lý do là nội dung và thời gian dành cho lớp/khóa chuẩn bị hôn nhân gia đình rất hạn chế, không thể coi đó là đủ cho sự giáo dục gia đình về các lãnh vực nhân bản và tâm linh.
  • Mời gọi sự cộng tác của giáo dân chuyên môn.
  • Thành lập bộ phận chuyên trách về gia đình nằm trong Ban Mục vụ giáo xứ.
  • Tổ chức các sinh hoạt mục vụ gia đình vào những dịp thuận lợi (5).

3. Làm (thực thi Giáo huấn):

Xin đề nghị hai việc:

  • Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có Ủy Ban Gia Đình, các giáo phận có Ban Mục Vụ Gia Đình để đảm trách việc giáo dục Đức Tin và nâng đỡ các gia đình.
  • Các giáo phận nên đầu tư vào việc đào tạo Giáo Lý Viên Hôn Nhân Gia Đình cũng như các Nhân Viên Mục Vụ Gia Đình, mở các Phòng Tư Vấn Hôn Nhân Gia Đình.

Biện pháp thứ bốn: Giúp mọi người hiểu hơn nữa tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân gia đình: chuẩn bị gần và chuẩn bị xa.

1. Xem (nhận diện thực tế):

Hiện nay có thể tất cả các giáo xứ trong giáo phận đều có những lớp/khóa chuẩn bị hôn nhân gia đình cho các bạn trẻ. Nhưng mỗi giáo xứ có giáo án riêng và giáo phận khó mà có một chương trình huấn luyện thống nhất.

Nhiều cha mẹ và không ít các bạn trẻ không quan tâm đến việc chuẩn bị, coi đây là việc “bị bắt buộc” nên phải làm….

Trong số các bạn trẻ bước vào hôn nhân có trình độ văn hóa thấp (hệ lụy của những năm kinh tế khó khăn, chính sách tôn giáo khắc nghiệt).

Có một số đông giáo dân được tham gia vào việc phục vụ các lớp/khóa chuẩn bị hôn nhân gia đình nhưng chưa được đào tạo bài bản, chưa có cơ hội nâng cao hiểu biết và trao đổi kinh nghiệm.

2. Xét (đối chiếu với đòi hỏi của Giáo huấn):

Trong Tông Huấn Familiaris Consortio, Đức Gioan Phaolô II đã dạy rất đầy đủ về tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân và các giai đoạn chuẩn bị (xa, gần… liền trước cử hành bí tích).

a) Tầm quan trọng của việc chuẩn bị Hôn Nhân:

“Vào thời chúng ta, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết.” Lý do: “Những thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những chỉ gia đình mà cả xã hội và Giáo hội phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng, để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai. Nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình mà ngày nay người ta than phiền, đã xuất phát từ sự kiện này là trong những hoàn cảnh mới, các bạn trẻ không còn nhận ra được phẩm trật đúng đắn các gía trị (bậc thang các gía trị) và vì không còn những tiêu chuẩn chắc chắn để xử thế, họ không còn biết làm sao đương đầu và giải quyết các khó khắn mới. Kinh nghiệm cho thấy: các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác. “Điều đó còn đúng hơn nữa cho hôn nhân Ki-tô giáo, vốn có ảnh hưởng rất rộng đối với sự thánh thiện của biết bao người nam người nữ. Vì thế Giáo hội cổ vũ những chương trình chuẩn bị hôn nhân phong phú và hữu hiệu, để hết sức loại trừ những khó khăn mà trong đó biết bao gia đình đang phải chiến đấu, và hơn nữa, để tích cực dẫn đưa các cuộc hôn nhân đến cho thành công và trưởng thành trọn vẹn.

b) Các giai đoạn chuẩn bị: Việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục, qua ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích.

- Chuẩn bị xa “Bắt đầu từ thời thơ ấu, khoa sư phạm khôn ngoan của gia đình phải nhằm đưa trẻ em tới chỗ khám phá ra rằng mình được phú ban một tâm lý vừa phong phú vừa phức tạp, được phú ban một nhân cách đặc thù, với những sức mạnh cũng như những yếu đuối riêng của mình. Đây là giai đoạn mà trong đó người ta dần dần ghi khắc cho các em lòng quí chuộng đối với mọi gía trị nhân bản đích thực, trong đó tương quan liên vị cũng như các tương quan xã hội, với những gì hàm chứa trong đó để đào tạo tính tình, để biết tự chủ và biết sử dụng đúng đắn các xu hướng riêng của mình, để biết cách nhận xét và gặp gỡ những người khác phái, và những chuyện khác như thế. Ngoài ra, đặc biệt đối với các Ki-tô hữu, còn phải có sự đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và giáo lý, để hiểu được rằng hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, những vẫn không loại trừ khả năng tận hiến cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục hoặc tu sĩ.

- Chuẩn bị gần: Sẽ dựa trên nền tảng ấy và là một công cuộc lâu dài: bắt đầu từ lứa tuổi thích hợp và với việc dạy giáo lý tương xứng, tương tự phần nào như hành trình dự tòng. Công việc này sẽ gồm việc chuẩn bị chuyên biệt về các bí tích, như để giúp các bạn trẻ tái khám phá các bí tích. Việc canh tân giáo lý theo chiều hướng đó cho tất cả những ai đang chuẩn bị hôn nhân Ki-tô giáo là một điều hết sức cần thiết, để bí tích sẽ được cử hành và được sống với những dữ kiện luân lý và thiêng liêng thích hợp. Đến lúc thích hợp và tùy theo những đòi hỏi cụ thể khác nhau, việc đào tạo tôn giáo cho những người đính hôn sẽ phải được bổ túc bằng một sự chuẩn bị cho đời sống lứa đôi: khi trình bày hôn nhân như một tương quan liên vị phải được phát triển liên tục giữa người nam và người nữ. Người ta phải khuyến khích họ đào sâu những vấn đề về tính dục hôn nhân và về vai trò cha mẹ có ý thức trách nhiệm, cùng với những hiểu biết cốt yếu gắn liền với các vấn đề ấy trong lãnh vực sinh lý và y học, và đưa họ tới chỗ làm quen với những phương pháp tốt để giáo dục con cái, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ có được những yếu tố cơ bản cho một nếp sống gia đình ổn định (việc làm chắc chắn, đủ điều kiện tài chánh, biết điều hành sáng suốt, có khái niệm về kinh tế gia đình v.v.. Sau cùng, cũng sẽ không được coi thường việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ gia đình, cho tình huynh đệ và sự cộng tác với các gia đình khác, cho việc tích cực hội nhập vào các nhóm, các hiệp hội, các phong trào và các sáng kiến có mục đích đem lại thiện ích nhân bản và Ki-tô giáo cho gia đình”

- Chuẩn bị liền trước khi cử hành bí tích: “Phải diễn ra trong nhiều tháng và nhất là trong những tuần cuối trước lễ cưới để nhờ đó có thể đem lại một ý nghĩa mới, một nội dung mới và một hình thức mới cho việc quen gọi là điều tra hôn phối mà giáo luật đòi buộc. Một việc chuẩn bị như thế vốn cần thiết cho tất cả mọi trường hợp, lại càng khẩn cấp hơn cho những đôi hôn phối còn gặp nhiều thiết sót và khó khăn về mặt giáo lý và thực hành Ki-tô giáo. Trong số các yếu tố phải truyền đạt trong tiến trình đức tin này, tựa như ở thời kỳ dự tòng, cũng phải có việc đào sâu về mấu nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo hội, về ý nghĩa của ân sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Ki-tô giáo. Đó là chưa kể tới việc chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối” (6).

3. Làm (thực thi Giáo huấn):

Xin đề nghị hai việc:

  • Mỗi giáo phận nên có nhiều sách và tài liệu Hướng Dẫn về Hôn Nhân Gia Đình không chỉ về lãnh vực Giáo lý mà về cả các lãnh vực khác: tâm lý, sinh lý, xã hội, giáo dục, dưỡng nhi v.v...
  • Mỗi giáo phận đầu tư vào việc đào tạo Giáo Lý Viên Hôn Nhân Gia Đình và Nhân Viên Mục Vụ Gia Đình, nhất là đội ngũ Tư Vấn Hôn Nhân và Gia Đình.

Biện pháp thứ năm: Tăng cường vai trò “tiên phong” và “phục vụ gia đình” của các Hội Đoàn Tông Đồ và các Phong Trào Gia Đình.

1. Xem (nhận diện thực tế) :

Trong đời sống và hoạt động tông đồ của các giáo xứ, các Hội đoàn Tông đồ, các Phong Trào Gia Đình là một phần rất quan trọng.

Nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận tình trạng này:

  • Một số hội đoàn còn quá chú trọng đến đời sống đạo đức cá nhân và lòng Mộ Đạo mà chưa quan tâm đủ đến việc Hiểu Đạo của các hội viên, nên vấn đề học hỏi, nhất là về những lãnh vực chuyên môn về Gia Đình.
  • Một số hội viên các hội đoàn hay phong trào chỉ coi việc của hội đoàn phong trào của mình là chính mà chưa tích cực đóng góp xây dựng cho giáo xứ là giáo hội địa phương.

2. Xét (đối chiếu với đòi hỏi của Giáo huấn):

Mục đích của tất cả các Hội Đoàn Tông Đồ và Phong Trào Gia Đình đều nhằm hai mục đích:

  • Thánh hóa bản thân (cá nhân và gia đình mình).
  • Làm muối làm men trong môi trường, cộng đồng bằng đời sống chứng tá yêu thương, phục vụ.

3. Làm (thực thi Giáo huấn):

Đề nghị hai việc:

  • Các Hội Đoàn Tông Đồ và Phong Trào Gia Đình đặt nặng trọng tâm vào việc xây dựng và củng cố các gia đình trong giáo xứ nói chung và trong hội đoàn của mình nói riêng.
  • Các Hội Đoàn Tông Đồ và Phong Trào Gia Đình đi tiên phong lấy việc đào tạo chuyên môn (giáo lý hôn nhân, mục vụ gia đình, cán sự xã hội và giáo dục) làm ưu tiên số một trong hoạt động của mình, để cung cấp những giáo dân có chuyên môn cho các giáo xứ, giáo phận và cho cả xã hội nữa.

KẾT LUẬN

Trong Thánh Kinh Vườn Nho là hình ảnh của Dân Chúa, của Vương Quốc của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm Chúa Giê-su mời gọi hết mọi người làm việc cho Vườn Nho của Người. Chúng ta có thể hiểu mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận đều là Vườn Nho của Thiên Chúa. Và mọi người, nhất là các bậc cha mẹ, các người lãnh đạo giáo xứ, giáo phận đều được mời làm thợ trong Vườn Nho ấy: “Cả các anh nữa, các anh hãy vào làm cho vườn Nho của tôi” (Mt 20,3-4).

Ước mong lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu được nhiều người đáp trả, để mỗi gia đình công giáo sống đạo tốt hơn và trở nên “môi trường đầu tiên và chính yếu của việc chuyển giao Đức Tin” (7) như Giáo Hội vẫn dạy.

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Sàigòn ngày 21.06.2006

----------------

Chú thích:

(1) Thư Mục Vụ 2002 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 7.

(2) Thư Mục Vụ 2002 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 8.

(3) Hiến Chế “Lời Thiên Chúa”, số 21-22

(4) Sắc lệnh Truyền Giáo, số 21.

(5) x. Thư Mục Vụ 2002 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 7.

(6) Tông Huấn Familiaris Consortio, số 66.

(7) x. Chủ đề của Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế Các Gia Đình lần thứ 5 tại Valencia (Tây Ban Nha) đầu tháng 7.2006.

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)