Tháng 3/2007
 
 


24. THỬ THÁCH MỚI TẠI NAXARÉT

Khi Thánh Gia đã lưu ngụ tại Ai cập tới năm thứ bảy, như thánh Matthêu đã thuật lại trong Phúc âm, một hôm sứ thần đến báo tin cho Thánh Giuse đem Mẹ và Chúa Giêsu về Naxarét. Thánh Cả nói lại cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, mặc dầu Chúa và Mẹ đã biết trước thánh ý Cha trên trời rồi. Là gia trưởng, chính Thánh Cả có nhiệm vụ phải thi hành lệnh ấy, để dạy cho loài người biết: tất cả đều phải được cai quản theo trật tự tự nhiên Chúa Quan Phòng đã lập.

Trước khi lên đường, một cuộc lên đường gây rất nhiều đau đớn cho những người quen biết Thánh Gia, Chúa Giêsu phân chia cho người nghèo tất cả dụng cụ đã dùng; còn căn nhà đơn nghèo đã có mấy người đạo hạnh vui lòng nhận ở. Những người ấy cứ nhớ rằng mình được ở ngôi nhà mà ba người ngoại quốc thánh đức đã ở, là họ được vui mừng hạnh phúc. Họ đều được ánh sáng siêu nhiên soi cho đi mãi trong đường lành, và sau này đã được vinh phúc trên trời.

Thánh Gia ra khỏi Hêliôpôli để trở về Palestina. Người quen thuộc, kẻ nghèo khó đều đến vây kín lối đi. Nếu không có ơn trên giúp thật khó đi được. Mẹ ngồi trên lưng một con lừa, đặt Chúa Giêsu trên gối mình. Thánh Giuse đi bộ bên cạnh hai Mẹ Con. Tất nhiên có rất đông thiên thần hộ tống như lúc từ Palestina sang lần trước. Khi đi qua những nơi có dân cư ở Ai Cập, trước khi vào sa mạc, Thánh Gia đã để lại nhiều vết tích đức ái: nhiều việc lạ lùng xảy ra, từ trước đến bấy giờ chưa hề có. Cho nên những bệnh nhân, những người tàn tật, những người nghèo khó, đau khổ, đua nhau đến xin trợ giúp. Thánh Gia cứu giúp mọi người cả phần hồn phần xác. Tới khi vào sa mạc Thánh Gia lại gặp nhiều bất tiện như lần trước. Lúc thiếu lương ăn, có khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho một mẩu bánh nhỏ còn lại hoá ra nhiều, đủ dùng cho ba người; có khi Ngài ra lệnh cho các thiên thần đem đến, nếu cần kíp quá mà không còn đồ ăn.

Khi vào tới biên giới Palestina, Thánh Cả Giuse nghe nói vua Arkêlau lên kế vị Hêrôđê cai trị xứ Giuđêa. Vốn tính cẩn thận, Ngài ngần ngại không dám đi nữa, một Sứ Thần phải đến báo mộng cho Ngài cứ đưa Thánh Gia về Naxarét, như thánh Matthêu đã thuật lại, Ngài mới dám đi. Nhưng Ngài không đi vào địa hạt xứ Giuđêa, mà đi qua phần đất của chi tộc Đan và Issaka, dọc theo phía bờ Địa Trung hải, bỏ Giêrusalem về phía tay mặt, mà vào nam bộ xứ Galilê.

Sau cùng, Thánh Gia về tới Naxarét. Người phụ nữ bà con ba đời với Thánh Giuse trước kia từng giữ nhà cho Ngài hồi Mẹ Maria đi thăm bà Elisave, đã cẩn thận coi sóc căn nhà nghèo nàn của Thánh Cả suốt bảy năm qua. Bà rối rít vui mừng đón tiếp Thánh Gia. Căn nhà vẫn còn nguyên vẹn trong ngoài, đồ vật không mất mát hay bị xê dịch. Thoạt vào thánh cung của ơn Nhập Thể ấy, Mẹ Maria sấp mình thờ lạy và cảm tạ Thiên Chúa đã đưa mình về. Nhưng Mẹ không ngờ tới tại đây sẽ diễn ra một cuộc thử thách làm cho tâm hồn Mẹ phải đau tê tái.

Để nâng Mẹ lên một bậc thánh thiện và công nghiệp cao hơn, Chúa Giêsu không cho Mẹ xem thấy Linh Hồn Ngài nữa, sự xem thấy từng đổ tràn ngập lòng Mẹ những nguồn vui trên trời. Chúa lại ít khi ở bên Mẹ, còn tỏ ra bộ mặt nghiêm nghị, hoạ huần mới nói với Mẹ một câu, mà lại nói với một giọng cao kỳ cứng cỏi. Vẻ nghiêm nghị bất ngờ của Chúa đó thành nên lò lửa luyện lọc vàng tình yêu của Mẹ thêm tinh ròng hơn, rực rỡ hơn. Mẹ không hề phàn nàn vì phải mất những niềm an ủi trước, nhưng Mẹ cứ nghĩ rằng chắc vì mình đã tỏ ra tệ bạc hoặc khườn khĩnh cách nào đó mới xảy ra như thế. Ý tưởng đó như một mũi dùi nhọn đâm nhói vào Trái Tim Mẹ. Trong cơn sầu não đó, Mẹ muốn nói với Người Con chí ái của Mẹ một đôi lời, Chúa lại chỉ tỏ ra lạnh lùng hờ hững. Nhưng nhờ có sự thận trọng nhiệm mầu này, lửa mến yêu của Mẹ Maria bốc lên những ngọn nóng sáng như một lò lửa khi ta đem vài giọt nước nhỏ vào.

Nhất là Mẹ hạ mình xuống tận hư vô, tăng thêm nhiệt tâm, gấp bội những lời than thở và trào tràn châu lệ. Mẹ nói: "Ôi lạy Thiên Chúa của con, con chắc rằng con không giấu nổi Chúa vết thương lòng con, Chúa thấy rồi đó. Chúa biết rồi. Nếu con có làm phiền lòng Chúa cách nào, sao Chúa không đem tất cả những đau khổ của đời sống tạm này gia hình cho con? Có thể con không thể nhẫn nại được vì thấy Chúa nghiêm giận con mãi!"

Những lời âu yếm thiết tha ấy cũng không làm cho Chúa Giêsu đổi thái độ mà ban ân sủng ủi an xuống, nên Mẹ đến hỏi nơi các thiên thần hầu cận Mẹ. Các vị này trả lời Mẹ: "Ôi Nữ Vương của chúng con, tâm hồn của Mẹ rất cương nghị không bị thua gian khổ đâu. Mẹ biết rõ hơn chúng con là Chúa ở ngay bên cạnh người nào đau khổ cầu xin ơn Ngài giúp".

Quả thật, Chúa Giêsu lúc ấy cũng cảm xúc vì nỗi buồn sầu Mẹ phải chịu, và Ngài hân hoan với tình yêu Mẹ chứng tỏ. Nhưng vì muốn làm sống động tình yêu ấy hơn nữa, nên Chúa cứ tiếp tục tỏ ra những thái độ nghiêm nghị ơ hờ. Chẳng hạn, khi Mẹ mời Chúa đến dùng bữa, Chúa cứ ngồi yên không nhúc nhích, hoặc đến bàn ăn mà không ngó nhìn Mẹ, không nói với Mẹ một nửa lời. Trong trường hợp đó, giữa nước mắt chan hoà, Mẹ tỏ ra với Chúa nỗi đau thương tha thiết của mình, một cách hết sức khôn ngoan đến nỗi làm cả Thiên Chúa cũng thán phục.

Tuy nhiên, cuộc thử thách vẫn kéo dài. Từ khi thôi nôi, Chúa Giêsu chỉ nằm ngủ trên một tấm phản với một chiếc chăn thường. Nhưng Chúa không luôn nằm trên phản đó khi ngủ. Có lúc Ngài chỉ ngồi dựa tay trên một cái gối. Khi Mẹ xin đổi cho Chúa một cái giường đỡ cứng hơn, Chúa lấy giọng nghiêm thẳng mà trả lời rằng: giường của Chúa chỉ là khổ giá, ở thế gian này chỉ có khổ giá mới là một khoái thú. Từ đó, Mẹ Maria lại bắt chước Chúa mà hãm mình nằm phản cứng như Chúa, và mô phỏng Chúa trong mọi việc hãm xác khác của Chúa như vậy. Buổi chiều, khi đến giờ đi ngủ, Mẹ phủ phục trước mặt Chúa, khóc van xin Chúa tha thứ cho những khuyết điểm trong việc phụng sự Ngài. Mẹ cứ nằm phục mãi thế cho tới khi Chúa mời Mẹ dậy và ban phép lành cho, mới đứng lên. Ban sáng, Mẹ cũng làm y như thế, xin Chúa chỉ dạy cho biết phải làm gì trong ngày. Chúa Giêsu thường tỏ dạ hết sức hân hoan đáp lại những ước muốn đó của Mẹ. Nhưng trong cuộc thử thách này, Chúa cứ một mực nghiêm nghị, chỉ nói để truyền lệnh cho Mẹ lui ra thôi. Không thể nói được nỗi đau đớn Mẹ cảm thấy vì Chúa đổi thái độ như vậy, và không sao tả được vẻ cẩn thận Mẹ lúc xét lương tâm xem duyên cớ việc ấy tại đâu, mà không sao tìm ra, nhưng Mẹ cũng không thất vọng.

Cuộc thử thách này kéo dài ba mươi ngày. Đến ngày thứ ba mươi, Mẹ đến sấp mình xuống trước mặt Con chí thánh Mẹ, thiết tha nói: "Ôi Con Mẹ rất yêu dấu là kỷ vật duy nhất của linh hồn Mẹ, nếu Mẹ đã không đem hết nhiệt tâm phải có để phụng sự Con, xin Con thương tha cho Mẹ. Mẹ cứ nằm đây, nếu Mẹ không lại được thấy tấm gương Linh Hồn Con nữa". Chúa Giêsu vẫn muốn chấm dứt cuộc dày vò kỳ diệu linh hồn Mẹ hơn nhiều, nên đã hết sức dịu dàng trả lời Mẹ: "Mẹ ơi, Mẹ chỗi dậy lẹ đi!" Chúa vừa nói xong Mẹ được nâng lên, tham hưởng một thị kiến, đổi tất cả những u buồn cay đắng Mẹ đã chịu thành những khoái thú ngọt ngào khôn tả.

Ra khỏi thị kiến ấy, Mẹ lại sấp mình xuống trước mặt Chúa Giêsu. Chúa nâng Mẹ dậy mà nói: "Thưa Mẹ, Con rất hài lòng vì nhiệt tâm của Mẹ. con sẽ ghi tạc trong Trái Tim Mẹ giáo lý Con đến dạy cho loài người. Mẹ sẽ thực hành giáo lý ấy như Con muốn!" Mẹ trả lời: "Con là Thầy của Mẹ, Con cứ nói đi, nữ tì của Con đang lắng tai nghe Con nói đây". Trong cuộc đàm đạo dịu dàng ấy, Mẹ khám phá ra những công việc Chúa Giêsu làm và tất cả những vấn đề Chúa sẽ giảng dạy về sau, mà khám phá ra cách hết sức sáng sủa.

Những điều rất lạ lùng Mẹ được tham hưởng trong tâm hồn ấy, tuy nhiên, cũng không ngăn cản Mẹ chú tâm tới việc phục vụ Chúa Giêsu và Thánh Giuse về phần xác. Khi dọn bữa ăn cho hai Cha Con, Mẹ quỳ xuống hầu tiếp Chúa Giêsu. Mẹ vẫn xin Chúa đến với Thánh Giuse lúc Thánh Cả làm việc, để Thánh Cả được nhìn thấy Chúa mà hân hoan. Chúa vâng lời Mẹ. Càng lớn thêm tuổi, Chúa càng giúp đỡ Thánh Cả nhiều hơn; có khi Chúa còn làm phép lạ để giúp đỡ Thánh Cả nữa.

Trong thời gian đó, Mẹ Maria sống những ngày rất hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy sắp bị xáo trộn vào dịp Thánh Gia đi lễ tại Đền Thờ Giêrusalem. Việc dự lễ này, chỉ nam giới mới buộc phải trẩy mỗi năm ba lần vào lễ Lều Tạm, lễ Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Nữ giới và trẻ em không buộc phải đi lễ nào, nhưng nếu họ trẩy lễ sẽ rất được hoan nghênh. Khi Mẹ hỏi Chúa xem ý kiến Chúa thế nào về việc trẩy lễ ấy, Chúa quyết định cả ba người sẽ đi dự lễ Vượt Qua, còn hai lễ kia một mình Thánh Giuse đi thôi. Thế là mỗi năm vào lễ Vượt Qua, các thiên thần lại tháp tùng Thánh Gia trẩy lễ Đền Thờ, họ hát nhiều bài ca chúc tụng Ngôi Lời Nhập Thể. Đường từ Naxarét tới Giêrusalem xa chừng ba mươi dặm, nhưng Thánh Gia chỉ đi bộ. Lắm lúc Chúa Giêsu cũng mệt nhọc rã rời, mồ hôi nhễ nhãi. Mẹ Maria rất cảm thương, vừa khóc vừa quỳ xuống lau mồ hôi trên mặt Chúa. Lúc ấy, Chúa nói với Mẹ: "Con rất sẵn lòng chịu những vất vả này để làm vinh danh Cha trên trời của Con và cứu rỗi các linh hồn". Lúc đi đường, hai Mẹ Con ban ơn cải thiện rất lạ cho nhiều người, nhưng chỉ trong âm thầm kín đáo. Hai Mẹ Con không hề rời nhau bao giờ. Trong Đền Thờ, Mẹ Maria hân hoan khôn tả theo dõi những lời kinh nguyện Con Mẹ dâng lên Thiên Chúa để cầu cho Mẹ và cho cả loài người. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ những niềm an ủi ấy để chuẩn bị cho Mẹ chịu những đau khổ về sau. Thật vậy, trước mặt Mẹ bấy giờ đã diễn ra tất cả những sỉ nhục, những đau khổ Con Mẹ sẽ phải chịu trong cuộc Tử Nạn. Mẹ đã phải khóc rất nhiều. Và Chúa Giêsu khuyến khích Mẹ dâng lên Thiên Chúa những đau khổ mà cả hai Mẹ Con sẽ cùng phải chịu sau này. Cuộc trẩy lễ Vượt Qua nào Chúa Giêsu cũng tập luyện cho Mẹ như vậy cả.

Năm Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, Thánh Gia cũng trẩy lễ Vượt Qua như các năm trước. Lễ Vượt Qua kéo dài suốt bảy ngày. Ngày cuối cùng, khi mọi người phải ra về, Chúa Giêsu đưa Mẹ vào một cuộc thị kiến trí năng; giác quan Mẹ không còn cảm thấy những gì xảy ra chung quanh nữa. Còn Thánh Giuse, Chúa nâng lên chiêm ngắm cao xa, trầm tư mặc tưởng những sự trên trời, cứ tin chắc rằng Chúa Giêsu đi với Mẹ Maria. Trong lúc đó, ở ngay cửa thành, Chúa lìa khỏi Cha Mẹ mà ở lại, không về. Tại Do Thái thời đó có tục là trong cuộc kính viếng Đền Thờ ấy, lúc ra về, nam giới đi riêng một ngả, và nữ giới cũng đi riêng một ngả; còn trẻ con muốn đi với ai cũng được. Lúc thôi trầm mặc, không thấy Chúa Giêsu đi với mình, Thánh Giuse nghĩ rằng Chúa đi với Mẹ Maria, vì tin thật rằng Chúa và Mẹ không thể rời nhau được bao giờ. Còn Mẹ, khi ra khỏi thị kiến, không thấy Chúa Giêsu, lại nghĩ rằng Chúa tặng cho Bạn Thánh của mình được cái vui đồng hành. Với niềm tin đó, cả hai đều bình thản mà đi suốt một ngày đường, như thánh ký Luca đã thuật lại. Nhưng khi tới nơi đã định gặp nhau trước để qua đêm, Mẹ và Thánh Giuse mới chết lịm vì Chúa chẳng đi với ai cả. Thế là lạc mất Chúa rồi. Mẹ và Thánh Cả đau đớn quá không sao nói được nên lời, ai cũng nhận là tại lỗi mình mà lạc mất Chúa. Đôi Bạn liền trở lại thành thánh ngay, hỏi han khắp nơi về Chúa. Không một ai đã gặp Ngài. Mỗi lúc đau đớn một tăng thêm, Mẹ đành hỏi thăm các thiên thần hầu cận. Các vị này trả lời một cách lững lờ không dứt khoát, làm lòng Mẹ càng thêm đoạn trường trăm khúc, nước mắt càng tuôn chảy chan hoà. Mẹ tự hỏi không biết có phải là vua Arkêlau đã dò ra tung tích Chúa mà bắt giam rồi không; có lúc lại ngờ rằng Chúa đã vào sa mạc thăm Gioan tiền sứ của Ngài rồi. Mẹ nức nở trong lòng, than van những lời ảo não: "Ôi Con là Tình Yêu tha thiết của Mẹ, Mẹ biết tìm Con ở đâu bây giờ? Con lại muốn chia lìa Mẹ để Mẹ chết hay sao? Con hãy cho Mẹ biết phải làm gì để đáng tìm được Con đi! Con đi đâu, Mẹ cũng muốn theo đến sống ở đó, dầu là nơi rừng thiêng nước độc, dầu là nơi giáo nhọn gươm trần, dầu là chỗ đầy đau thương khốn cực. Lúc Con che khuất mắt Mẹ Thần Tính của Con, Mẹ còn được thấy ít là Nhân Tính của Con. Nhưng bây giờ cả Thần Tính cả Nhân Tính của Con, Mẹ cũng không thấy. Mẹ chỉ biết sợ hãi khóc than thôi, Con ơi!"

Nỗi đau khổ của Mẹ trong những ngày ấy thật cao vượt hơn hết tất cả những khổ hình các vị tử đạo đã phải chịu. Nhưng một điều lạ lùng là không bao giờ Mẹ mất sự bằng an trong tâm hồn, không ngớt ca tụng Thiên Chúa và trông cậy ở Ngài. Sau ba ngày tìm tòi uổng công, không ăn, không ngủ, không cả nghỉ ngơi, Mẹ có ý tưởng đi vào sa mạc tìm Chúa, nhưng các thiên thần ngăn cản lại. Mẹ liền định đi Belem, nghĩ rằng có thể Chúa Giêsu trở lại thăm nơi sinh hạ. Các thiên thần cũng khuyên Mẹ đừng đi. Thế là Mẹ phải quay về Giêrusalem, vừa đi vừa hỏi thăm người ta, và tả ra hình dáng dung mạo Con mình. Trong một phố nọ, có người đàn bà thưa lại: "Dạ, tôi có thấy một cậu trai như bà nói đó. Hôm qua, cậu ấy đến xin tôi làm phúc. Thật, trông thấy Cậu, lòng tôi khoái vui khác lạ lắm". Nhiều người khác cũng nói như thế. Bấy giờ lòng Mẹ mới bớt áy náy đôi chút, Mẹ vào một nhà tiếp rước người nghèo hỏi thăm, người ta nói có một con trẻ hình dung như Mẹ tả lại, đã ba hôm nay, ngày nào cũng đến đây giúp đỡ và an ủi người nghèo. Nghe vậy, nhưng bóng Người Con yêu dấu Mẹ vẫn biệt tích. Sau cùng, Mẹ nẩy ra ý tưởng là có lẽ Chúa ở trong Đền Thờ. Các thiên thần liền phụ hoạ ngay vào ý tưởng đó: "Thưa Đức Nữ Vương, xin Mẹ bước gấp lên. Mẹ sắp được an ủi rồi". Một thiên thần khác vội báo tin cho Thánh Giuse đang tất tả đi tìm Chúa ở một ngả đường khác. Ngài rất đau đớn, đến nỗi nếu Thiên Chúa không ban thêm sức mạnh, Ngài có thể nguy đến mạng sống. Sau nhiều ngược xuôi vất vả, Ngài gặp được Bạn Thánh mình vừa đi vừa khóc trên đường. Cả hai cùng nhau vào Đền Thờ.

Chúa Giêsu đang ở đó. Trong ba ngày trước, Chúa đã tự đi xin của bố thí để độ nhật, đi an ủi người nghèo khổ, chữa lành người bệnh tật, thánh hoá các linh hồn, nhất là những linh hồn đã tỏ lòng bác ái với Chúa. Sau cùng, ngày thứ ba, Chúa đến dự một cuộc hội họp của các nhà luật sĩ trong Đền Thờ. Trong cuộc họp này, họ tranh luận về việc Đấng Cứu Thế ra đời. Những biến cố khác thường xảy trong nước Do Thái ít lâu nay đã tăng thêm niềm tin của dân chúng về việc Chúa Cứu Thế đã xuất hiện, chẳng hạn việc Gioan sinh hạ, việc các Vương tước Đạo sĩ phương Đông đến chiêm bái ở Belem hơn mười năm trước. Nhưng các nhà tiến sĩ luật đó không đồng một quan điểm với nhau trong việc giải thích các lời tiên tri báo trước về Chúa Cứu Thế: lời tả Ngài dưới những nét quang vinh rực rỡ, lời lại tả Ngài bằng những nét nhục nhã ê chề. Chúa Giêsu là Thầy dậy muôn đời, là chính Chân lý, là chính Chúa Cứu Thế, mà thấy họ sai lầm về chân dung của Đấng Cứu Thế như vậy, Ngài không đành lòng để họ phải đi trong mờ tối. Ngài đem tình thương khai quang cho thần trí họ. Khi các nhà luật sĩ đó im tiếng, Chúa Giêsu đứng lên, với một vẻ uy nghi mĩ lệ, bắt mọi người phải tôn kính và chú ý. Ngài nói: "Làm thế nào mà dung hoà được những lời tiên tri có vẻ trái ngược nhau đó, nếu những lời ấy không có nghĩa là Đấng Cứu Thế phải đến hai lần? Lần thứ nhất, Ngài đến để giải phóng cho thế gian khỏi quyền ma quỷ thống trị, để dạy dỗ loài người, đền bồi thay cho tội lỗi của họ, và lập một nước thiêng liêng trên khắp hoàn cầu, chứ không phải là lập một nước trần tục. Việc người Roma thống trị Do Thái, việc hoàn tất bảy tuần năm mà tiên tri Đanien nói, những sự kiện lạ ở Belem, việc ba vị Vương tước Đạo sĩ từ phương Đông đến chiêm bái ở Belem, tất cả những việc ấy đều đã được báo trước cả; mà đến nay nó đã xảy ra. Vậy nó chẳng chứng tỏ là Chúa Cứu Thế đã đến rồi đó ư? Còn việc Ngài đến lần hai sẽ khác hẳn. Lần thứ nhất, Ngài đến cứu chuộc thế gian; lần thứ hai, Ngài đến phán xét thế gian. Ngài sẽ ban thưởng cho các bạn thân của Ngài, còn thù địch Ngài sẽ bị Ngài trừng phạt. Lần này Ngài mới tỏ ra uy quyền lẫm liệt mà các nhà tiên ri nói".

Chúa nói nhiều, nói dài, với những lời trích dẫn rõ ràng từ Thánh Kinh, khiến khi Ngài ngưng tiếng tất cả các luật sĩ đều kinh ngạc ngồi im, không biết nói lại cách nào. Các ông chỉ nói nhỏ hỏi nhau: "Cậu nhỏ giỏi quá! Ồ con cái nhà ai mà một tí tuổi đã thông thạo Thánh Kinh đến thế nhỉ? Cậu ta ở đâu đến đây vậy?"

Rồi họ ngưng tranh luận. Chính trong lúc đó, Mẹ Maria và Thánh Giuse trông thấy Chúa. Đôi Bạn Thánh chỉ nghe thấy có đoạn cuối lời Chúa nói thôi. Hai Ngài đến gần Chúa, đầy kinh ngạc, như thánh Luca đã viết. Các luật sĩ đã lần lượt im lặng bỏ đi, nên coi như chỉ còn có ba Đấng của Thánh Gia. Mẹ Maria thốt lên: "Con ơi! sao Con lại xử với cha mẹ như thế? Này cha Con và mẹ phải đau đớn hết sức đi tìm Con đây". Đó là một tiếng kêu thoát mọi nỗi ưu phiền, và tràn đầy hoan lạc. Một tiếng kêu nhuộm thắm vẻ tôn kính sâu xa nhất và tình yêu thắm thiết nhất. Chúa Giêsu trả lời: "Cha mẹ tìm Con làm gì? Cha mẹ không biết Con phải làm việc của Cha Con sao?"

Thánh ký Luca viết rằng Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse không hiểu được lời nói mầu nhiệm đó. Có như vậy là vì Mẹ và Thánh Cả đã đến quá muộn, nên không hiểu được mối liên lạc giữa lời nói ấy với bài dài Chúa nói trước. Ngoài ra, còn vì Mẹ và Thánh Cả được tràn ngập trong hạnh phúc tìm lại được Con mình; và sau cùng, vì tấm màn che khuất không cho Mẹ nhìn thấy nội tâm Con Mẹ, nội tâm mà một ít lâu sau mới được tỏ ra. Dầu vậy, khi Mẹ được ở một mình với Chúa, Mẹ đã ẵm hôn Chúa mà nói: "Con của Mẹ, nếu Mẹ đã lạc mất Con vì lỗi của Mẹ, xin Con tha cho Mẹ. Rồi, xin Con từ nay đừng bắt Mẹ phải vắng mặt Con nữa". Chúa Giêsu thoả lòng nhận lời Mẹ xin, và hứa sẽ là Thầy dạy, là Bạn thiết của Mẹ suốt trong thời gian còn lại cho tới khi Ngài tuân thánh ý Chúa Cha. Lúc Thánh Gia đã ra khỏi Giêrusalem một quãng xa, nơi cánh đồng vắng vẻ, Mẹ mới sấp mình xuống xin Chúa ban phép lành cho, vì lúc còn trong thành Mẹ chưa làm việc ấy. Chúa nâng Mẹ dậy cách nhân từ, và mở tâm hồn mình ra cho Mẹ xem. Mẹ đã thấy tất cả những gì xảy ra trong suốt ba ngày Chúa vắng mặt và trong cuộc đàm luận với các luật sĩ. Sau một lát nghỉ ngơi, ăn uống chút đỉnh, Thánh Gia lại lên đường. Vừa đi, Chúa vừa nói lại cho Mẹ nghe tất cả những gì Chúa đã nói với các luật sĩ, điều mà Chúa vừa mới cho Mẹ nhìn thấy trong Linh Hồn mình. Trong cuộc trở về Naxarét này, Chúa và Mẹ cũng cải thiện một số lớn tội nhân và chữa lành nhiều người bệnh tật, theo thói quen vẫn có khi đi đường.

Từ đó, như thánh Luca viết, Chúa Giêsu luôn luôn tùng phục Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Thiên Chúa đã ban xuống cho Mẹ Maria nhiều ân sủng đặc biệt, dàn dụa linh hồn Mẹ, tràn sang cả Thánh Giuse, Người Cha Đồng Trinh của Ngôi Lời Nhập Thể, để hai Đấng có đủ khả năng chỉ huy một Người Con cao trọng duy nhất trong loài người. Về phía Mẹ, Mẹ đáp lại sự Chúa tuân phục Mẹ bằng một đức khiêm nhượng, một lòng biết ơn, một sự mau mắn, một niềm tỉ mỉ và một tình yêu mến tế nhị làm Tâm Hồn Chúa phải ngây ngất. Chúa có thể sẽ ban cho Mẹ tràn ngập những khoái vui còn lớn lao hơn nữa, nếu Chúa chỉ nghe theo có xu hướng lòng yêu vô cùng của mình. Nhưng Chúa lại không muốn sự tràn ngập ấy ngăn cản Mẹ lập đầy những công nghiệp Chúa đã định cho Mẹ, nên Chúa đã không tỏ cho Mẹ hết mọi thoả nguyện như lòng Chúa mong muốn.

Lời Mẹ Huấn Dụ

Hỡi con, đã phản nguỵ Thiên Chúa không còn lấy lẽ gì mà bào chữa tội mình được. Thụ tạo chỉ phải tìm lý do để tùng phục trong thánh ý Đấng Sáng Tạo, Đấng an bài và xếp đặt mọi sự. Họ không được phép phân biệt những biến cố vui lòng họ với những biến cố không làm họ ưa thích. Thịnh vượng hay suy bại, giầu sang hay nghèo nàn, họ đều phải đón nhận với một tinh thần bình thản như nhau, không được vì may mắn mà vui mừng hợm hĩnh, vì rủi ro mà thất vọng buồn sầu. Lúc nào, họ cũng phải hỉ hoan trong thánh ý Chúa, không e ngại, không ước vọng khác đi.

Bổn phận của thụ tạo cũng là phải tuân giữ huấn giới Chúa truyền, một cách không hèn nhát nguội lạnh. Họ không được bằng lòng với một nhân đức thông thường, chỉ đủ cần thiết; nhưng phải chăm chỉ làm những việc vượt hơn lên, vì yêu mến Chúa mà thêm những việc Chúa không đòi hỏi. Lòng quảng đại ấy sẽ làm cho các bạn thân của Chúa nên đẹp lòng Ngài hơn nữa.

Giấu ẩn nhan thánh Ngài đi cũng là một kỹ thuật khôn ngoan Ngài dùng để thử xem họ có yêu mến Ngài thật không, và để nâng họ lên cao trong nhân đức, hạ thấp họ xuống trong khiêm nhượng, in sâu vào họ niềm e ngại hữu ích, sợ lỡ ra lạc mất Ngài, và sau cùng an ủi họ trong hân hoan khi Ngài trở lại với họ. Phần họ có trách vụ phải cẩn thận xa lánh những khườn khĩnh làm cho họ không còn được thấy Ngài nữa. Nếu không thấy Ngài nữa là một hình phạt rồi.

Nếu lỡ ra đã lạc mất Chúa, họ phải đi tìm Ngài, thao thức, âu lo cho tới khi lại tìm thấy, rồi hết sức cẩn phòng để tỉnh thức luôn mãi, hầu không lạc mất Ngài bao giờ nữa.

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)