dongcong.net
 
   
 
 
 
   

 

 
Hỏi & Đáp
 
 
L.m. Francis Lương Minh Tri,CMC Phụ Trách
 
<<<    

7. Tại sao không được lần hạt trong thánh lễ?

Con năm nay 70 tuổi chẵn có một điều muốn trình bày xin cha giải đáp: 

Con có đi sinh hoạt Ðạo Binh Xanh của xứ đạo trong vùng con ở. Linh mục quản nhiệm nói về sự tôn thờ Thiên Chúa và lòng sùng kính Ðức Mẹ. Linh mục nói rằng: "Trong thánh lễ không ai được lần hạt riêng." Con thắc mắc, vậy cầm tràng hạt trong tay có được không? Con về suy nghĩ hoài. Mỗi thứ Bẩy trước thánh lễ con quì trước Mình Thánh Chúa lần hạt, cầu nguyện. Có lần con suy nghĩ: "Từ lúc Mẹ nhận làm Mẹ Thiên Chúa, rồi sinh Chúa ra trong khó nghèo, và theo Chúa 3 năm đi giảng đạo, nhìn Chúa chịu chết đau đớn trên thánh giá. Trong suốt cuộc hành trình, nhất là theo con đi chịu chết trên đồi Canvê, Mẹ đứng dưới chân thập giá, cũng như ẵm xác con vào lòng. Mẹ đã đồng công cứu chuộc nhân loại. Vậy thánh lễ cử hành hàng ngày trên bàn thờ chỉ diễn lại công cuộc cứu chuộc nhân loại. Tại sao linh mục lại nói là không được lần hạt trong thánh lễ?

Ý của con khi cầm tràng hạt trong tay là cùng với Mẹ để dâng thánh lễ trên bàn thờ cùng với linh mục đang diễn lại cuộc tử nạn của Chúa cho trọn. Chứ đâu tách rời Mẹ ra khỏi thánh lễ được? Không ai làm hai việc một lúc được. Theo con nghĩ trong thánh lễ chú ý đến các bài đọc, phúc âm, bài giảng của linh mục và lời truyền phép Mình Máu thánh, nhưng đôi lúc có chia trí về ngoại cảnh chung quanh. Tay mân mê tràng hạt lúc này lấy lại được sự ổn định tâm hồn để tiếp tục dâng lễ trên bàn thờ. Con thiết nghĩ không có trái. Vậy xin cha chỉ giáo cho một vài điểm để yên tâm phục vụ Chúa. (NVT, CA)

Cụ NVT mến,
Cám ơn Chúa và cám ơn cụ vì những tâm tình đạo đức cụ vừa chia sẻ.  Ðó là những tâm tình cao đẹp.  Cụ cứ an tâm.  Không ai cấm cụ cầm tràng hạt khi dự lễ đâu.  Nhiều ông dòng,  bà dòng đeo tràng hạt loảng xoảng khi dự lễ và đôi khi cũng mân mê tràng hạt.  Nếu có ai hiểu lầm là lần hạt thì giải thích cho họ thôi. 

Còn tại sao không lần hạt trong Thánh Lễ? Chúng ta biết Phụng vụ, nhất là Thánh Lễ, là việc tôn thờ chung của cả Giáo Hội.  Bởi Phụng vụ  là việc chung, chúng ta cần chú tâm tất cả và tích cực tham gia những gì được phép.  Trong Phụng vụ, Chúa Kitô ở giữa và cầu thay cho chúng ta.  Thiên Chúa Cha luôn nhậm lời Chúa Kitô cầu nguyện nên gía trị của Phụng vụ là Lời cầu của Chúa Kitô. 

Trong khi ấy, lần hạt Mân côi là việc đạo đức rất được yêu thích và rất phổ quát trong Giáo Hội Công Giáo.  Người ta lần hạt riêng một mình, chung trong gia đình, trong lối xóm, trong họ đạo, trong nhà thờ với nhiều người.  Nhưng dù thế, lần hạt không thuộc Phụng Vụ, không là lời cầu chính thức của Giáo hội,  nên vẫn là việc đạo đức "riêng" dù có làm chung cả mọi người trên thế giới.  

Cùng với Ðức Mẹ để tích cực tham dự Thánh Lễ là điều rất tốt lành.  Như cụ đã nói, " Không ai làm hai việc một lúc được,"  chúng ta chấp nhận sự giới hạn của con người, nên không lần hạt trong Thánh Lễ.  Phụng vụ chung có ưu tiên hơn việc đạo đức tư nên chúng ta nên chú tâm vào Thánh Lễ.  Dĩ nhiên chúng ta còn nhiều giờ để lần hạt ở nhà hay ở nhà thờ trước, sau Thánh Lễ rồi trên đường đến nhà thờ hay về nhà. 

Cũng nên nhắc là Phụng vụ được ưu tiên hơn cầu nguyện riêng nhưng không có ý thay thế cầu nguyện riêng.  Hơn thế,  Phụng vụ, cầu nguyện chung đòi phải có cầu nguyện riêng.  Thiếu cầu nguyện riêng, Phụng vụ nhiều khi chỉ là xác không hồn, chỉ là thờ kính Chúa bằng môi mép còn lòng thì xa Chúa.

8. Muốn tự tử có tội không? 

Thưa cha con là một giáo hữu Công Giáo sống tại Na Uy, có mấy điều tìm hiểu để sống đạo: 

a. Gia đình con không mấy thuận hoà. Mỗi lần sóng gió nổi lên thì con muốn tự tử, vì lý do chồng con nghi là con đem tiền cho gia đình con mà không hỏi anh. Ngay khi còn ở Việt Nam, gia đình bên con không giàu có nhưng cũng không đến nỗi nghèo đói mà phải nhận quà cáp của con mà không có sự đồng ý của rể. Vì vậy mỗi lần sóng gió là con muốn tự tử. Con cũng biết tự tử là chết khốn nạn lắm, mất linh hồn uổng công giữ đạo. Nên con muốn hỏi rằng: ý muốn tự tử chứ chưa thực hành, vậy có tội không thưa cha? 

b. Chồng con nghi oan cho con tức nhiên có tội hồ nghi. Khi đi xưng tội được Chúa tha rồi, nhưng nay mai nổi sóng gió nữa lại đem chuyện hồ nghi ra nói nữa, như vậy có phạm tội không dốc lòng chừa phải không cha? 

Con rất đau khổ, không được bình an mà sống đạo. Xin cha giải đáp và cầu nguyện cho chúng con. Cám ơn cha.  (Ẩn Danh, Na Uy

Chị Ẩn Danh thân mến, 
Vì có chuyện hồ nghi nhau về tiền bạc nên điều hay nhất để có chứng cớ rõ ràng không thể hồ nghi là sổ sách đàng hoàng, tiền vô tiền ra đều  có biên nhận.  Lúc đó, nếu còn hồ nghi là người bệnh tâm thần hay do ác ý. Tôi đề nghị chi mua ngay tập giấy làm sổ chi thu.  Một sổ đơn giản chỉ cần ba cọc: Ngày - Lý do  - Chi/Thu.  Ai chi tiêu cái gì, ghi sổ, giữ lại biên nhận.  Dù chưa quen, chúng ta gắng làm việc đó vì có lẽ chồng chị cần học biết điều hành tiền bạc rõ ràng minh bạch hơn.
 

Ðiều chị lo lắng hỏi về tội, nhưng tôi tự hỏi tại sao chị muốn tự tử?  Chị không cho biết nên tôi tạm kể các lý do sau: a- Ðể chứng minh chị không làm như ông chồng vu cáo?  b- Ðể thoát nợ đời, cái khổ nghi ngờ nhau? c- Ðể trả thù chồng, bắt ông và cả gia đình cha mẹ con cái cháu chắt, cả đời phải hối hận không kịp, dám nghi oan đến nỗi vợ phải tự tử cho thoát nợ đời.  Ðể gia đình đôi bên phải mang tiếng nhà có người tự tử. 

Hai lý do đầu không đòi chị phải tự tử, dù chị có tự tử không đủ minh oan mà còn bị coi là đã làm như vậy, không chối được nên lấy cái chết để tránh trả lời.  Mục đích thứ ba có thể thành công nhưng tôi không nghĩ chị dữ dằn như vậy.  Chị dữ thế chắc chị không hỏi về tội lỗi làm gì.  Nên tôi cho rằng còn một lý do khác:buồn chán (depression).  Chị đang bị buồn nản, nói theo kiểu Tây, đó là một "bệnh."  Buồn chán được dịp phát lộ là sự hồ nghi của ông chồng nhưng tôi sợ dù không có dịp này sẽ có dịp khác.  Ðã là bệnh thì phải chữa thôi.  Chị thử nói với một bác sĩ xem sao cũng nên nói với chồng con và người thân để họ biết mà đề phòng cơn bệnh này.  Tôi nghĩ ý muốn tự tử nơi chị là một dấu của bệnh này. 

Nói về tội, chúng ta biết mọi điều xấu xa thì từ trong lòng mà ra nên khi muốn tội thì đã phạm tội rồi, dù khi làm tội sẽ nặng hơn.  Tôi không hiểu cái muốn của chị thế nào?  Chỉ có tư tưởng cám dỗ thế hay đã ước ao hay quyết định?  Dù sao, chị cần thưa hết với cha giải tội, không chỉ vì tội mà còn vì bệnh tật của chị để xin sự linh hướng thực tế hơn xin ngài giải thích rõ ràng hơn và xin một lời khuyên, hơn nữa đây là cái bệnh. 

Vợ chồng khác nhau là lẽ tự nhiên. Khác nhau không để hơn thua nhưng để lắng nghe nhau và chia sẻ tâm sự với nhau.  Cả anh lẫn chị cần tu bổ thêm chuyện này.  Hạnh phúc gia đình không phải cứ lấy nhau là nó có đâu nhưng phải tăng bổ và cố gắng lắng nghe và chia sẻ với nhau. 

Chồng chị có lẽ mang hơi nhiều "nữ tính" nên dễ nhớ những  chuyện đã qua.  Có thể chị mong anh sửa lại và có lẽ anh cũng muốn thế nhưng có lẽ không dễ đâu.  Trước hết có lẽ chị cần cầu  xin Chúa cho chính chị biết chấp nhận nết xấu này của anh ấy trước khi anh ấy có thể sửa được.  Trong trường hợp này nhớ dai là nết xấu nhưng nhờ nhớ dai anh cũng nhớ ngày cưới, ngày sinh nhật của chị.  Nhiều ông chồng chỉ được tính hay quên, quên các ngày kỷ niệm đã đành mà đôi khi còn quên đã có vợ con đùm đề mới tội chứ!  So anh ấy với các ông như thế, số chị còn khá may, phải không?

 
<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)