Chúa Nhật 3 mùa Vọng A
 
 


MẮT THẤY TAI NGHE (Mt 11, 2-11)

“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe...”

Tôi rất yêu thích câu trả lời đầy hiện thực của Đức Giêsu, vì đó là một thực tại trong cuộc sống thực dụng hiện nay. Câu trả lời của Người làm tôi liên tưởng đến cách diễn giải rất ư là thực tế của thánh Gioan tông đồ vì:

“Nếu ai có của cải thế gian
và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu,
mà chẳng động lòng thương,
thì làm sao tình yêu Thiên Chúa
ở lại trong người ấy đựơc?
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi trót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật
và bằng việc làm.”
(1Ga 3, 17-18)

Suy tới đây, tôi nhớ lại thời gian cách đây 2 tháng, tôi đã phải phân vân và day dứt để tìm một câu giải đáp cho lời đề nghị quá đỗi làm tôi ngỡ ngàng về sự bất ngờ nhưng hàm chứa lời tha thiết ân cần.

Số là một độc giả mà tôi chưa hề quen biết gửi đến tôi một thư điện tử với lời mời tôi đến thăm Mái Ấm Phan Sinh gồm gần 20 người mang chứng bệnh gẫy rồi liệt tủy sống. Phần đông phải ngồi xe lăn, gặm nhấm nỗi đau thương tê tái và chịu đựng những di chứng của căn bệnh ác liệt mỗi ngày mỗi phát tăng. Họ rất đỗi cô đơn và có lúc chán chường vì cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì đối với họ nữa. Độc giả trên khuyến khích tôi đến đó thăm họ, mặc dù người này biết tôi cùng mang mầm bệnh như họ qua những bài chia sẻ Lời Chúa hằng tuần của tôi. Cuối thư, chị còn dứt khoát để lại cho tôi địa chỉ và số phôn của Mái Ấm đáng yêu ấy.

Và thế là tôi tự hỏi: tôi làm gì đựơc cho họ khi tôi cũng còn đang sống nhờ vào lòng hảo tâm của người khác tốt bụng? Tôi nói về Chúa Giêsu với họ sao được khi họ đang quá đau khổ? Câu hỏi cứ thế làm tôi vấn vương, xao xuyến và trăn trở. Rồi cuối ngày, về đêm, trong tĩnh lặng, tôi bỗng chợt nhớ đến câu chuyện về ông Gióp và tôi vội mở Kinh Thánh để lắng nghe lại ghi chép trong sách của ông. Tôi đọc đi đọc lại và suy gẫm những lời sau đây:

“Ba người bạn của ông Gióp nghe biết tất cả những tai họa xảy ra cho ông, liền kéo đến .... Họ bàn nhau đến để chia buồn và an ủi ông.... Rồi họ ngồi xuống đất, bên cạnh ông, suốt bảy ngày đêm, chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá lớn.” (G 2, 11-13)

Quả là trước nỗi đau khổ quá lớn của ông, ba người bạn làm sao nói được gì! Nhưng họ vẫn ở lại để lắng nghe, để nhìn thấy. Sự hiện diện của họ, ngay vào thời điểm đó, là tối cần thiết để xoa dịu nỗi đau của ông mà ông đang rất cần có người đồng cảm, sẻ chia lo lắng.

Sau khi tìm đựơc sự khích lệ cùng sức sống mới qua Lời Kinh Thánh, tôi đã hiểu ra và rồi tôi đã quyết định đến với Mái Ấm Phan Sinh quí yêu ấy bằng sự cố gắng vượt lên phía trước, không cần phải hỏi độc giả đã viết thư mời gọi tôi. Đến với người đau khổ, tôi chỉ cần chấp nhận lắng nghe, lắng nghe tiếng kêu, lắng nghe nỗi thống khổ, đo lường chiều dài vô tận của nó, và thấu hiểu cũng như chấp nhận rằng: ngôn từ không thể nào đáp ứng được mà phải dấn thân cả cuộc đời mình vào. Có như thế mới có thể trở nên một Tin Mừng hữu hiệu.

Khi chiêm ngắm lại bài Tin Mừng CN 3 Mùa Vọng, tôi đã hiểu thêm được lời ngợi khen của Đức Giêsu khi nói về ông Gioan Tẩy Giả:

“Chính ông là người Kinh Thánh nói tới khi chép rằng:
Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con,
người sẽ dọn đường cho Con đến.”
(Mt 11, 10)

Gioan Tẩy Giả đã thể hiện những hoạt động rất cụ thể để “dọn đường” cho Đấng Cứu Thế đến. Ngài không chỉ kêu gọi sám hối suông bằng lời nói, mà chính ông đã dấn thân trọn vẹn con người của ông vào việc sửa lối cho thẳng để Chúa đi, bằng những hy sinh hãm mình. Ông đã ra “đi” đến với nhiều ngưới nghèo đang chờ đợi Đấng Messia đến. Ông mời gọi họ đi vào thực hiện:

“Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” (Lc 3, 11)
Ông đã mạnh dạn đấu tranh cho chân lý để rồi phải ngồi tù trước sự ghen tương đố kỵ của kẻ khác. Ngay trong khi tù tội, ông vẫn giới thiệu Đức Giêsu cho các môn đệ của ông để những người này nhận ra Người là Đấng Phải Đến chứ không phải ông mà họ lầm tưởng. Quả thật, Gioan đã từ bỏ được cái tôi vị kỷ của mình bằng nhiều cách để quyết tâm làm cho nhiều người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Messia như lời Kinh Thánh đã tiên báo. Ông hăng say và miệt mài làm chứng cho Ánh Sáng.

Con đường Nhập Thể của Đức Giêsu được Người mời gọi rất tha thiết trước khi ra đi về với Chúa Cha là:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới
là anh em hãy yêu thương nhau;
anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em.
Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết
anh em là môn đệ của Thầy:
là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 34-35)

Quả là huyền nhiệm khi ĐTC Gioan Phaolô II nói về Mẹ Têrêsa Calcutta, người đã sống trọn vẹn cho Tin Mừng:

“. . Thấm nhuần sâu xa tinh thần bác ái Phúc Âm, Mẹ xác tín: khát tình yêu là khát các linh hồn, đụng vào thân xác của người đau khổ là đụng vào thân xác Đức Kitô. Mẹ muốn mang ơn Cứu Độ đến cho dân nghèo, cho lớp người bị bỏ quên. Mẹ muốn đem các linh hồn về cho Thiên Chúa và đem tình yêu của Thiên Chúa cho các linh hồn”.

Lạy Cha yêu thương và nhân hậu,
Xin mở đôi mắt của con để con nhìn ra những người anh em đang gặp khó khăn hoạn nạn là hiện thân của Chúa Giêsu, Con Cha.
Xin mở tai con để con lắng nghe được những tiếng than thở của họ và rồi xin dẫn con đi theo con đường Nhập Thể mà Con Cha đã mời gọi là “anh em hãy có lòng yêu thương nhau.”
Có mắt thấy tai nghe, có dấn thân đi vào hiện thực cuộc sống như Mẹ Têrêsa, chúng con mới có thể làm chứng cho Sự Hiện Diện đích thực của Chúa nơi tha nhân. Amen.

Phêrô Vũ văn Quí CVK64
Email: peterquivu@gmail.com

Phêrô Vũ văn Quí

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)