Suy Niệm Thường Niên

Chúa nhật 30 Thường niên, năm A

+ Lm Antôn Nguyễn Văn Độ +

 

Thương người cũng như mến Chúa

Suy niệm Chúa nhật XXX năm – A-2023

(Mt 22, 34-40)

Đoạn Tin Mừng hôm nay mô tả bầu khí tranh chấp đố kỵ của thời Chúa Giêsu. Người phe Biệt phái, kẻ nhóm Sađuđucêô. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng khi đối thủ gặp nạn. Tranh chấp từ lãnh vực chính trị xã hội đến tôn giáo. Nên "khi những người Biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Đađđucêô câm miệng, thì họp nhau lại. Một người trong nhóm họ hỏi thử Người rằng : "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất? " (Mt 22, 34-36). Họ hỏi như vậy là vì Luật pháp có tới 613 khoản: 248 lệnh truyền và 365 điều cấm. Nhưng khoản nào trọng hơn khoản nào và khoản nào quan trọng nhất là vấn đề nóng bỏng. Tùy theo người ta nghiêng về phụng vụ hay xã hội, Ðền thờ hay đền vua, mà người ta có thể biện minh cho thái độ Biệt phái hay phái Sađđcêô. Họ hỏi Chúa Giêsu cũng là để gài bẫy Chúa nữa. Ðược hỏi Chúa liền trả lời : "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy  là: "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22,37-39).

Mến Chúa là trọng nhất

Trong Kinh Thánh, những từ “lòng”, “tâm trí, “mình” và “sức lực” bổ túc cho nhau để miêu tả toàn bộ con người. Nghĩa là: Yêu mến Chúa bao gồm toàn bộ con người, mọi khả năng và của cải.

Khi dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Còn yêu thương kẻ khác, Chúa Giêsu không bảo ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ; nhưng"yêu kẻ khác như chính mình. Tại sao vậy ? Vì Chúa "là dũng lực, là Đá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù chúng ta "(x. Tv 17, 2-3), nên chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không những hết… mà còn trên hết mọi sự. Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi. "Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất" (Mt 22, 38).

Yêu người cũng giống như mến Chúa

Giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22, 39). Chúa Giêsu không đồng hóa hai việc mến Chúa và yêu người. Hai việc đó vẫn khác nhau và có thứ tự trước sau, nhưng quan trọng như nhau; vì thế không được sao nhãng nhiệm vụ nào. Nét độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu là thể hiện lập trường của Chúa.

Cứ sự thường, mến Chúa thì phải yêu người. Nhưng người ta vẫn coi đó là những nhiệm vụ rời nhau, những bổn phận không liên lạc gì với nhau. Có thể mến Chúa trong Ðền thờ và không thương người ngoài xã hội hoặc thương người nơi xã hội nhưng lại không mến Chúa trong Ðền thờ. Nhất là coi thương người không bằng mến Chúa.

Ðối với Chúa Giêsu thì không như thế. Phải thương người như mến Chúa. Mến Chúa thôi thúc chúng ta yêu người. Yêu người như chính mình, chúng ta sẽ đối xử với họ theo cách chúng ta muốn họ đối xử với mình (x.Mt 7,12). Ưu tiên là mến Chúa nhưng đồng thời cũng phải thương người. Sau này thánh Gioan sẽ giải thích: không thể có lòng mến Chúa vô hình nếu không thương người hữu hình (1Ga 4,20).

Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật "hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi", Chúa như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu "kẻ khác" hay không? Ai cũng yêu mình, không ai ghét mình bao giờ. Chúa Giêsu xem tình yêu " kẻ khác " như "mệnh lệnh của Người," mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. "Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15, 12).

Chúa Giêsu kết luận : "Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó" (Mt 22, 38). Điều răn thì có : thứ nhất mến Chúa, thứ hai yêu người, nhưng mến Chúa thì phải yêu người.

Vừa mến Chúa vừa yêu người

Chúng ta đừng tưởng, thời Cựu Ước dân sống như kiểu luật rừng. Không, lời Chúa trong bài đọc I cho thấy dân 3.000 năm trước đã sống rất nhân đạo.  Chúa truyền cho họ : " Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập" (Xh 22,20). Và Ni dạy : "Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi" (Xh 22,21-27).

Ngay cả khi cho vay cũng không được lấy lãi. Ðược giữ vật thế chân để tránh sự lạm dụng, nhưng những đồ cầm đó phải trả lại trước khi mặt trời lặn, kẻo đêm lạnh người nghèo không có áo che thân (x. Xh 22,25-26).

Như thế, yêu không phải vì mọi người là đồng loại, hoặc vì phải nhớ lại hồi trước dân đã từng là nạn nhân của nhiều sự bóc lột, nhưng nhất là vì Thiên Chúa là Ðấng lân tuất, luôn xót thương và bênh vực những kẻ khó nghèo và yếu thế, chống lại bóc lột. Chúa đòi cho mọi người được bình đẳng vì tất cả đều là hình ảnh Chúa. Ai muốn đẹp lòng Chúa thì phải săn sóc đến tha nhân. Chúa không tách rời lòng đạo đức và tình đồng loại, cũng không đồng hóa hai vấn đề mến Chúa và yêu người; Chúa chỉ chấp nhận những lòng mến Chúa đồng thời cũng yêu người.

Lạy Chúa, vì Chúa thì con yêu người như mình con vậy. Amen.

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

October 26, 2023