dongcong.net
 
 


“Hãy leo lên núi Chúa,
tới nhà Thiên Chúa Giacóp"

Chúa nhật 1 Mùa vọng Năm A

Vâng, Chúa Kitô thật sự là một Con Người Lịch Sử, là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để “cứu dân mình khỏi tội”, đúng như ý nghĩa tên Giêsu của Người đã được thiên thần nói đến khi báo mộng cho Thánh Giuse trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 1 câu 21, cũng đúng như sứ mệnh của Người đã được tư tế Giacaria thân phụ của Gioan tiên báo trong Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 1 câu 77. Bởi thế Dân Do Thái của Người nói riêng, hơn ai hết, đã trông đợi Người tới, như được tỏ hiện rõ ràng hơn hết qua việc họ tuốn đến với Gioan Tẩy Giả để xin lãnh nhận phép rửa của thánh nhân, như Phúc Âm theo Thánh Mathêu cho Chúa Nhật thứ hai và thứ ba Mùa Vọng thuật lại, vì họ tưởng Gioan này là Đấng Thiên Sai, như Phúc Âm Thánh Gioan cho thấy ở đoạn 1 từ câu 19 đến 22. Tuy nhiên, cho tới nay, dân Do Thái vẫn trông đợi Đấng Thiên Sai của họ, vẫn sống trong một thời điểm như thời điểm Mùa Vọng Kitô hữu chúng ta hôm nay bước vào đây. Dân Do Thái sở dĩ tiếp tục mông đợi Đấng Thiên Sai của mình vì Con Người Lịch Sử Giêsu cách đây 2001 năm không phải là Đấng Thiên Sai họ đợi trông. Đúng thế, theo dự án cứu độ của Thiên Chúa, Con Người Lịch Sử Giêsu là Đấng Thiên Sai này không phải chỉ đến để “cứu dân mình khỏi tội”, mà còn cứu cả loài người khỏi tội lỗi và sự chết nữa, vì Người là Đấng Cứu Thế, chứ không phải chỉ là Đấng Cứu Tinh Dân Tộc Do Thái như một vị anh hùng thời thế vẫn xuất hiện trong giòng lịch sử của họ thôi. Đó là lý do vừa mở màn cho phụng niên để cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, hình ảnh nhân loại nói chung đã được Phụng Vụ Lời Chúa nhắc đến rồi, như bài đọc một của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng cho thấy: “Tất cả các dân nước sẽ tuốn về núi của nhà Chúa; nhiều người sẽ tới mà nói: ‘Hãy đến, nào chúng ta hãy leo lên núi Chúa, tới nhà Thiên Chúa Giacóp”, và bài đọc một của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng cũng cho thấy: “Vào ngày ấy, gốc Jesse mọc lên như một dấu hiệu cho các dân nước thấy, Các Dân Ngoại sẽ tìm kiếm, vì nơi Người cư ngụ sẽ được vinh quang”. Chính Con Người Lịch Sử Giêsu này là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis” đã làm sáng tỏ ý nghĩa của bốn tuần lễ Mùa Vọng, một thời đoạn tượng trưng cho 4 ngàn năm toàn thể nhân loại trông đợi Đấng Thiên Sai, Đấng ngay từ đầu lịch sử thế giới đã được Thiên Chúa Hóa Công hứa ban, như Sách Khởi Nguyên ghi nhận ở đoạn 3 câu 15 về giòng dõi người nữ đạp đầu rắn quỉ.

Tuy nhiên, nếu thực sự Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần đã đến rồi, cách đây 2001 năm trước, thì Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng còn cần gì phải cử hành Mùa Vọng để chờ đón Người đến thế gian lần thứ nhất này nữa mà làm gì, còn cần gì phải như Dân Do Thái cho tới bay giờ vẫn đợi trông Đấng Thiên Sai của họ, vì nhân vật Giêsu Nazarét ở giữa họ cách đây 2001 năm, một nhân vật đã hoàn toàn bị họ căm hờn phủ nhận, đến nỗi, họ thà nhận giặc làm vua còn hơn nhìn nhận nhân vật lộng ngôn phạm thượng này (xem Mt 26:65; Jn 19:7), như họ đã tuyên bố thẳng thắn với tổng trấn Philatô: “Chúng tôi không có một vua nào khác ngoài Cêsa” (Jn 19:15)? Thật vậy, theo lịch trình phụng niên, Mầu Nhiệm Chúa Kitô Giáng Sinh và Mầu Nhiệm Chúa Kitô Phán Xét hoàn toàn khác nhau, ở chỗ, một mầu nhiệm mở màn cho phụng niên và một mầu nhiệm kết thúc phụng niên. Thế nhưng, theo bản chất và ý nghĩa của mình, nếu phụng vụ là việc long trọng cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, cử hành những gì do Vị Thiên Chúa Làm Người đã thực hiện trong lịch sử loài người, như nhập thể, tử giá và phục sinh, những Biến Cố Thần Linh không thể qua đi như mọi biến cố lịch sử trần gian khác, trái lại, chúng sẽ muôn đời tồn tại như chính vị Tác Giả Thần Linh của chúng, với Tác Hiệu Thần Linh phát sinh từ những Biến Cố Thiên Chúa thực hiện này, thì qua việc cử hành phụng vụ, Chúa Kitô quả thực hiện diện nơi phụng vụ và tác động qua phụng vụ một cách mầu nhiệm.

Bởi thế, bởi “Chúa Kitô quả thực hiện diện nơi phụng vụ và tác động qua phụng vụ một cách mầu nhiệm”, mà khi cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô trong Mùa Vọng là thời đoạn trông đợi Người đến lần thứ nhất, Giáo Hội chẳng những muốn hướng con cái mình về biến cố Chúa Kitô đến lần thứ hai, mà còn muốn con cái mình, nhờ Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể, thực sự cảm nghiệm được việc Chúa Kitô đang hiện diện trong Giáo Hội cho tới tận thế, cho tới khi Người đến lần thứ hai. Như vậy, Kitô hữu chúng ta chỉ thực sự Sống Phụng Vụ nói chung và Sống Mùa Vọng nói riêng, khi chúng ta có được Cảm Nghiệm Thần Linh này, một cảm nghiệm về “Ơn cứu độ của chúng ta gần hơn khi chúng ta mới chấp nhận đức tin”, như Thánh Phaolô nhắc nhở một cách sâu xa trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma ở bài đọc thứ hai hôm nay. Đó là lý do, trong cả ba chu kỳ phụng vụ A, B và C, của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Giáo Hội bao giờ cũng chọn bài Phúc Âm về lời Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ của Người, (chứ không phải cảnh giác chung dân Do Thái hay cảnh giác riêng nhóm Pharisiêu hoặc cảnh giác thành phần thượng tế và kỳ lão lãnh đạo trong dân), về việc “hãy tỉnh thức” chờ Chúa đến. Bài Phúc Âm theo Thánh Mathêu Năm A hôm nay đã chứng thực điều này như sau: “Vậy các con hãy tỉnh thức! Các con không biết được ngày nào Chúa của các con đến”.

Đúng vậy, cho dù Chúa Kitô Cứu Thế đã đến với chung loài người và đang ở cùng Giáo Hội của Người cho tới tận thế, tức cho tới khi Người đến lần thứ hai, thế nhưng, nếu xét về con số, thì 4/5 nhân loại, tức đa số loài người vẫn chưa nhận biết Người, trong khi đó, chính thành phần mang danh Kitô hữu, thành phần 1/5 dân số nhân loại hiện nay đã chính thức chấp nhận Người qua Bí Tích Rửa Tội, cũng đã quay ra chối bỏ Người, một thái độ được bộc lộ tỏ tường nơi thế giới Kitô Giáo Âu Mỹ qua hiện tượng phá sản đức tin bằng văn hóa sự chết hiện nay. Như thế, đối với hầu hết nhân loại, kể cả thành phần ngoài lẫn trong Kitô Giáo, Chúa Kitô Cứu Thế đã trở thành vô nghĩa, không có giá trị gì cả, kể như không có, hay có chăng nữa, cùng lắm cũng chỉ là một nhân vật lịch sử thuần túy vậy thôi, giống hệt như các vị sáng lập những đạo giáo khác vậy. Chính vì để tránh khỏi tình trạng như Tiền Hô Gioan đã cảnh giác dân Do Thái ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 1 câu 26: “Có một Đấng ở giữa các người mà các người không biết”, một tình trạng chẳng những xẩy ra cho Kitô hữu thời chúng ta, thời 2001 năm sau Chúa Kitô Giáng Sinh, mà còn xẩy ra ngay cho cả Kitô hữu ở vào thời Giáo Hội sơ khai, thời Chúa Kitô vừa mới về trời, Thánh Phaolô đã kêu gọi Giáo Đoàn Rôma rằng: “Anh em biết thời gian chúng ta đang sống đây. Đó là thời giờ anh em phải tỉnh giấc… Đêm qua rồi; ngày gần đến. Chúng ta hãy loại trừ những việc làm tối tăm và hãy mặc lấy khí giới ánh sáng”.

Vâng, đúng thế, chính “những việc làm tối tăm” của Kitô hữu đã khiến cho họ, dù ở bất cứ thời nào, không còn thấy được hay thấy rõ Chúa Kitô “là ánh sáng thế gian” (Jn 8:12) nữa, đúng như Người đã cho Nicôđêmô biết ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 3 câu 19: “Aùnh sáng đã đến trong thế gian, song con người đã chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều là những việc gian ác”. Mà “những việc làm tối tăm” đây là gì, nếu không phải là những việc liên quan đến đam mê nhục dục, như Chúa Giêsu đã đề cập đến trong Phúc Âm hôm nay khi Người nhắc lại “thời Noe… người ta ăn uống, cưới vợ gả chồng… hoàn toàn không còn để ý gì nữa cho đến khi lụt xẩy đến mà hủy diệt họ”. Trong bài đọc hai hôm nay, Thánh Phaolô cũng khuyên Giáo Đoàn Rôma “anh em hãy loại trừ những việc làm tối tăm” là những việc liên quan đến đam mê nhục dục như sau: “Chúng ta hãy sống một cách đoan chính như giữa ban ngày; đừng chè chén say sưa, đừng dâm ô lăng loàn, đừng cãûi lẫy hờn ghen. Trái lại, anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo những ước muốn xác thịt”.

Vấn đề thực hành sống đạo: Để có được Cảm Nghiệm Thần Linh về thực tại Chúa Kitô là Lời đã nhập thể 2001 năm trước đây, cũng như về thực tại Người còn đang mầu nhiệm ở với Giáo Hội của Người cho đến tận thế, trước hết, chúng ta cần phải “tỉnh thức”, bằng cách “loại trừ những việc làm tối tăm”, như ý hướng của Thánh Phaolô trong bài đọc hai cũng như của chính Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay huấn dụ. Phải chăng chính lúc chúng ta “loại trừ những việc làm tối tăm” là lúc chúng ta đang “leo lên núi Chúa”, đang lên cao hơn, đang từ từ được tự do thanh thoát hơn, “cho tới khiù được mặc lấy quyền lực từ trên cao” (Lk 24:49), một tầm mức và trạng thái đã được tiên tri Isaia bóng bẩy diễn tả như một “đỉnh núi cao nhất” trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “Trong những ngày tới đây, ngọn núi của nhà Chúa sẽ được thiết lập như một đỉnh núi cao nhất, vượt trên các ngọn đồi… Chúng ta hãy leo lên núi Chúa, đến nhà Thiên Chúa của Giacóp”? Phải chăng chỉ khi nào chúng ta leo lên tới ngọn của “đỉnh núi cao nhất” này, tức lúc chúng ta được tràn đầy “quyền lực từ trên cao”, chúng ta mới đến được “nhà Thiên Chúa của Giacóp”, tức mới gặp được “Con Người Giêsu Kitô” (1Tim 2:5), Đấng “đã đến trong xác thịt” (1Jn 4:2), Đấng chính là “Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23)?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)