dongcong.net
 
 

Chia sẻ Tin Mừng mùa vọng năm B

Chia sẻ Tin Mừng CN 3 MV NB (Ga 1, 6-8; 19-28)  

Tiếng kêu trong hoang mạc 

Mẹ Têrêsa có dịp qua Việt Nam hai lần, năm 1994 và năm 1995, và hai lần đó, tôi được may mắn tiếp kiến mỗi lần gần một giờ. Lạ lùng thay, hình ảnh Mẹ để lại trong tôi không có gì là của một vĩ nhân cả, mà của một người khiêm nhường đến độ quên đi bản thân mình. Điểm đầu tiên gây ấn tượng là cảm thức về Thiên Chúa nơi Mẹ. Khi đến Việt Nam, Mẹ tạm trú trên lầu 3, tại 38 Tú Xương. Người ta dành một phòng cho Mẹ và một phòng cho ba nữ tu theo Mẹ (trong số đó có vị Bề Trên tổng quyền hiện nay là Sr Nirmala Joshi). Thế nhưng Mẹ đã biến phòng của mình thành nhà nguyện với sự hiện diện của Mình Thánh Chúa, rồi cùng chia sẻ với ba chị em phòng còn lại. Mẹ đã hẹn anh chị Soi và tôi đến gặp Mẹ lúc 11 giờ trưa.  

Đúng hẹn, chúng tôi lên lầu 3. Vì không có chỗ tiếp khách, Sr. Nirmala mời chúng tôi ngồi ở hành lang và Mẹ ra tiếp chúng tôi tại đấy. Sau nụ cười chào đáp, Mẹ chỉ ngay vào nhà nguyện và bảo: “Chúa kìa,”với một thái độ tự nhiên, giống như một bà mẹ bảo con mình chào ông ngoại khi đi đâu về. Mẹ vào quì trước Thánh Thể với chúng tôi một vài phút, trước khi bắt đầu câu chuyện. Và cuối buổi nói chuyện, Mẹ cũng chỉ vào nhà nguyện bảo chúng tôi chào Chúa trước khi ra về. Thái độ Mẹ đơn sơ như thể Chúa luôn có mặt bằng xương bằng thịt ở bên Mẹ. Cái cảm thức về Chúa nơi Mẹ rõ rệt đến độ tôi có cảm giác rằng nó hùng biện hơn bất cứ bài giảng nào của bất cứ ai nói về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Điểm thứ hai gây ấn tượng là cách nói chuyện của Mẹ. Mẹ không nói chuyện với ba người, mà nói với từng người một. Mẹ cúi mình xuống và nhìn lên với cái nhìn thật trân trọng, cứ như là Mẹ muốn tiếp thu một bài học nào đó từ người đối thoại mà quên mất mình là ai. Nói chuyện với Mẹ mà trong đầu tôi cứ lờn vờn hình ảnh của Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho môn đệ mình. Qua thái độ lắng nghe và ánh mắt, Mẹ đã cho người đối thoại thấy rằng mình vô cùng giá trị… (Trần Duy Nhiên, Hình ảnh Mẹ Têrêsa đối với tôi) 

Bước vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, còn gọi là Chúa Nhật Vui (Gaudete Sundae), hay Chúa Nhật Hồng, vì Thánh Gioan Tiền Hô đem niềm vui cứu độ đến nhân loại. Ngài là chứng nhân của Ánh Sáng, cũng như Mẹ Têrêsa gần đây là chứng nhân hiện đại của Đức Giêsu. 

Chứng nhân Gioan đã làm gì để thuyết phục dân chúng tuôn đến nghe rao giảng và ăn năn sám hối? Nếu không phải là ngài đã dám nói thật, sống thật và chết cho sự thật.

 Nói thật

 Thánh Gioan liên tiếp ba lần thưa “Không,” khi các tư tế và các thầy Lêvi xét hỏi, điều tra về nhân thân. Ngài quyết liệt phủ nhận những danh xưng ngộ nhận. Nói thẳng, nói thật, nói đúng lúc, nói chính xác, là đức tính cần thiết và tiên quyết của người chứng. Danh chính, ngôn thuận, sự tất thành.

 Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải nói thật, huống chi chứng nhân: “Có” thì nói “có”, “không” thì nói “không.” Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5, 37) Thánh Giacôbê lập lại lời Chúa dạy và khuyên nhủ: “Nhưng hễ “có” thì phải nói “có’, “không” thì phải nói “không,” như thế anh  em sẽ không bị xét xử.” (Gc 5, 12)

 Chứng nhân Gioan không hề lợi khẩu, bẻo mép, xảo ngôn, ngụy biện hòng mê hoặc, hay mị dân như xưa nay người ta quen ứng xử. Ngài không bạc nhược, nể nang, sợ hãi, cũng chẳng ấm ớ hội tề, rằng, thì, là, mà, cũng như không hề giấu diếm nỗi bất bình, khi chỉ tận tay, day tận mặt nhiều người thuộc phái Pharisiêu và Sađốc đến với ngài, chịu phép rửa: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3, 7) 

 Sống thật

 Ngôn hành hợp nhất, nói sao làm thế, chứng nhân Gioan sống hoàn toàn chay tịnh, đơn giản từ cái ăn đến cái mặc, vô gia cư, vô sản chuyên chính nghiêm minh, chẳng hề môi mép, vờ vịt, giả vờ nghèo khó.“Rượu lạt, rượu nồng em sẽ đều không uống.” (Lc 1, 17) Nếp sống thanh bần tận cùng đã lay động lòng người, cảm hóa, thuyết phục mọi người vội vã tìm đến nghe giảng dạy, ăn năn sám hối và chịu phép rửa.

 Khổ tu với thái độ khiêm nhường, hãm mình, chuyên tâm cầu nguyện và thực hiện hoàn hảo Thánh Ý Chúa, Thánh Gioan chỉ dám đơn sơ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa, đánh động lòng người quay về đường ngay nẻo chính. Đức Giêsu ngợi khen thánh Gioan: “Tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa….Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan.” (Lc 7, 26-28)

 Chết cho Sự Thật

 Không những sống theo lời chứng, thánh Gioan còn sẵn sàng chịu chết cho Sự Thật, khi công khai can ngăn vua Hêrôđê lấy chị dâu làm vợ. “Ngài không được phép lấy bà ấy.” (Mt 14, 4) Không hề run sợ trước bạo quyền, Ngài không hèn nhác tránh né nhiệm vụ ngôn sứ. Cũng chẳng làm ngơ, giả mù sa mưa trước gương mù, gương xấu của nhà lãnh đạo, sẵn sàng đánh cược mạng sống để bảo vệ luân lý, đạo đức và Sự Thật.

 Thời nay càng khẩn thiết cần đến chứng nhân trung tín, nhiệt thành và dám hy sinh trọn vẹn, như Thánh Gioan Tiền Hô. ĐTC Phaolô VI đã thao thức trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi: “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy.” Bởi vì Giáo Hội quá dư thừa thầy dạy, thầy giảng, thầy lý thuyết, mà quá thiếu thốn chứng nhân hợp nhất ngôn hành.

 “Thủy thủ lặn dưới đáy biển, phi hành gia bay trên phi thuyền đều dấn thân mạo hiểm vì khoa học. Ngày nào con bỏ tất cả và bất cứ giây phút nào cũng sẵn sàng liều mình vì Chúa, người ta mới tin đời nội tâm con.” (Đường Hy Vọng, số 84)

 Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi, cải hóa tâm hồn chúng con, loại bỏ tất cả những gì thuộc về cái tôi, bản ngã, tất cả những đam mê thế gian, trần tục, của cải, danh vọng, chức tước, quyền lực, ham muốn, để xứng đáng đón Chúa ngự vào.

 Lạy Mẹ Maria, mẫu gương khiêm nhường và dấn thân xả kỷ, xin giúp chúng con thoát tục tòng thiên, biết ưu tiên chọn Chúa, theo Chúa và sống Lời Chúa luôn. Amen.

 AM Trần Bình An   

AM Trần Bình An - dongcong.net December 13, 2014

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)