NHỮNG BÀI VIẾT XÃ HỘI
by NGƯỜI GIỒNG TRÔM
1 MẸ NUÔI 10 C0N – 10 CON KHÔNG NUÔI ĐƯỢC 1 MẸ
29 tháng 6 năm 2024
Tạm gọi là có điều kiện, mình xem “Điều ước của mẹ” đến lần thứ 2.
Trên các mặt báo, nhiều người đã khóc khi xem “Điều ước của mẹ”. Có người viết, có người khóc ... biểu lộ cảm xúc xem chừng thật lòng lắm. Khóc là một chuyện nhưng thực tế lại khác. Có khóc cho nhiều nhưng thực tế vẫn hoàn toàn khác.
Phim, ai đã xem thì biết được câu chuyện của gia đình bà Hai. Bà Hai có 5 đứa con và rồi mỗi đứa mỗi cảnh để rồi không ai có khả năng nuôi mẹ. Thế là bà lủi thủi ở một mình. Có đứa thứ 3 ở gần nhưng gia cảnh éo le nên cũng không thể nào lo cho mẹ.
Mẹ bị tai nạn và gãy chân phải bó bột. Mẹ không có thể ở 1 mình trong hoàn cảnh như thế. Sau cuộc hội nghị đặc biệt của gia đình. Quyết định cuối cùng là mỗi đứa nuôi mẹ 1 tuần.
1 tuần ở với 1 gia đình là bao nhiêu cảnh đời thật của gia đình đó được diễn ra rất thật.
Len lén nói với nhau về lý do là đưa mẹ đi thăm nhà mỗi đứa 1 tuần vì không có ai có thể chăm toàn thời gian nhưng mẹ đã biết và bà về quê. Bà Hai vế quê thu xếp chuyện gia đình bằng cách bán hết đất của gia đình và chia thành 5 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 2 tỷ) và bà vào viện dưỡng lão.
Cả nhà đi tìm bà và cuối cùng gặp bà ở viện dưỡng lão.
Vậy đó ! 1 mẹ nuôi cho 5 đứa con khôn lớn nhưng không ai có thể chăm mẹ. Điều bi hài nhất đó là phim chiếu cảnh các con còn nhỏ, khi mẹ hỏi lớn lên ai nuôi mẹ thì 5 cánh tay đều giơ lên. Thế nhưng rồi khi con khôn lớn thì mọi sự thay đổi.
Tưởng chừng chuyện xảy ra ở trong phim nhưng nó lại quá thực ở cuộc đời.
Thằng bạn, mới sáng sớm ở bên Mẽo đã gọi để rên chuyện ông bà ở Việt Nam ở cái tuổi già không ai chăm sóc.
Bạn hỏi thăm về chuyện thuê người chăm sóc người già. Mình nói rằng muốn thì dễ thôi. Có tiền thì thuê thôi. Nhưng ngặt nỗi là có người cháu không muốn ai vào nhà vì sợ mất phần lợi của gia đình (gia đình gửi về cho ông bà).
Chuyện đơn giản là mua những dụng cụ vệ sinh cho ông bà mà chả có đứa cháu nào lo cả. Mình trêu nó : Chả lẽ tớ về tớ mua dùm cậu cho ông bà sao ?
Nghĩ cũng lạ ! Nói với hắn : “Ủa ! Mấy đứa đó sao hài vậy ! Tiền gửi về được và biết nhận tiền nhưng sao không lo cho ông bà được ?”
Hắn bảo đời là vậy đó !
Hắn nói : Gia đình ông bà đúng vô phúc thật ! 7 đứa con ở bên Mỹ và 3 đứa ở VN nhưng lại không ai chăm sóc ông bà. Ông bà ngoài 90 và ở cùng với người dì tâm trí không bình thường.
Ngưng một lát hắn nói thêm : Ai cũng thế ! Qua Mỹ thì lo làm. Làm thì lại lo tích lũy. Ai cũng có lý do của mình để rồi không ai xả thân làm cả. Sao cuộc sống nó bạc bẽo quá đi !
Ờ thì bạc nhỉ ?
Đúng là bạc ! Ông bà đã bao công khó nuôi con khôn lớn để rồi ngày hôm nay sống trong cái cảnh như thế.
Cũng may là 7 gia đình con của ông bà ở Mỹ chứ nếu như ông bà cũng ở Mỹ thì cũng sẽ như phim “Điều ước của mẹ” thôi. Ông bà sẽ đến ở với mỗi gia đình 1 tuần và cuối cùng ông bà cũng sẽ vào viện dưỡng lão như bà Hai thôi.
Đời nó là vậy ! Xem phim, xem cảnh ngộ của người khác người ta dễ mũi lòng nhưng họ lại không mũi lòng cho bản thân họ.
Tôi mường tượng cái ngày mà ông bà nằm xuống thì đám tang thật là to và khi đó người ta cũng sẽ khóc như chưa từng khóc vậy.
Đời nó trớ trêu nhỉ ? Mẹ lúc nào cũng vĩ đại bao la và mẹ nuôi ngần ấy con mà không hề tính toán. Ấy vậy mà khi cha mẹ về già thì người ta oảnh tù xì để ai phải chăm mẹ.
Cảnh trong phim không khác gì ngoài đời rằng khi còn nhỏ thì đứa nào cũng hứa nuôi mẹ nhưng khi về già thì ... dù người mẹ ấy có bao nhiêu con đi chăng nữa nhưng về già thì mãi mãi vẫn cô đơn.
Lm. Anmai, CSsR
BÁC ÁI CÂU LIKE 18-6-2024
Tiếng Anh Like, tiếng Việt được hiểu là thích !
Từ lâu lâu lắm rồi, con người vẫn thích được người khác khen mình thế này thế kia.
Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Gêsu nói rõ ràng không úp mở về chuyện làm việc bác ái hay bố thí.
Không có lằng nhằng : Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Dù ai nào đó cho là ít chữ cũng hiểu được điều Chúa muốn nói về chuyện làm việc lành phúc đức.
Thế nhưng rồi trong thực tế cuộc sống, nói ra có vẻ đụng chạm nhưng cũng chịu vì lẽ chúng ta vẫn thấy đâu đó có cái kiểu bác ái phô trương, bác ái khoe mẽ hay là bác ái câu like.
Có thể ngại nói hay không dám nói nhưng cách bộc lộ nó cũng để cho người ta hiểu được tâm trạng.
Có một người bị té và bị trật chân. Thế là anh ta phải dùng đến xe lăn. Dòng trạng thái trên trang của anh đại loại là đã bao lần mua xe lăn cho người khác giờ đến mình mua xe lăn cho chính mình.
Đọc dòng trạng thái đó ít nhiều người ta cũng hiểu được anh muốn khoe rằng mình đã từng mua xe lăn cho người khác. Thế nhưng mà cái chữ từng đó nó làm cho người ta suy nghĩ. Từng đó là như thế nào ? Bao nhiêu chiếc trong 1 tháng, 1 năm hay chỉ là ...
Cũng thế, một người kia khoe với người nọ rằng người ấy hay giúp cho cha kia mỗi khi cha kia có chương trình từ thiện hay làm cái gì đó. Hỏi ra thì có giúp 1 lần để làm bàn thờ cho giáo dân. Ngoài ra thì không có chia sẻ hay giúp gì cả. Thế nhưng họ can đảm đi khoe với người kia rằng họ vẫn giúp cho cha. Đến khi điều tra ra thì cha nực cười vì lẽ cha không hề nhận gì và cha cũng chả kêu gọi chương trình gì.
May mà cha không kêu gọi gì mà người ta còn câu like với người khác bằng cái chuyện là cho cha cái này cái kia. Nghĩ cũng vui ! Giá như cho thật mà đi nói thì cha kia chịu tiếng cũng được. Đàng này không có mà bị tiếng như thế.
Và rồi, có người thì cho 1 nhưng khoe thật nhiều. Có người tự hao : “Năm nào con cũng đi từ thiện hết Cha. Năm nào cũng đi hết. Bữa nào con đi con ghé Cha nhé !”
Thật thế, đi là đi như thế nào ? Đi ké hay chủ xị ? Có phải mình đứng ra tổ chức hay không cùng với nhiều sự khác nữa. Ngang qua cung giọng đó là hiểu rằng người đó tự đánh bóng tên tuổi mình rằng thì là con hay đi từ thiện lắm Cha.
Cũng tốt thôi nếu thật sự hy sinh để đi từ thiện. Thế nhưng, có lẽ hay hơn là cũng chả cần khoe. Đến khi nào có điều kiện đến giúp xứ của Cha thì hẳn nói. Có người bỗng dưng biến mình thành con ma nhà họ hứa vì hứa thì dễ nhưng chả bao giờ thực hiện.
Có người thích khoe cũng như đánh bóng tên tuổi của mình và ngược lại. Có những người chẳng bao giờ họ nói gì cả và cứ thi thoảng có dịp thì họ lại trao quà cho người nghèo trong tâm thế âm thầm.
Chuyện này cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống vì lẽ tự do của mỗi người. Bản thân Chúa Giêsu, Chúa Giêsu không hề cấm đoán chuyện phô trương khoe mẽ. Chúa Giêsu cũng chẳng kết án chuyện khoe mẽ phô trương. Chúa chỉ nói là nững ai sống kiểu như thế thì đã được thưởng công rồi. Vậy thôi.
Bài học Kinh Thánh mãi mãi là bài học hay nhưng có khi người ta quên hay cố tình không chịu hiểu.
Có những Nhà Thờ, có những bàn thờ có những vật dụng này nọ khi dâng cúng người ta cũng khắc tên của người ta vào. Âu cũng là sở thích của người ta thôi.
Có những hàng ghế hay bàn thờ được khắc tên của người dâng cúng. Xem thì cười thôi chứ biết nói gì bởi lẽ như Chúa Giêsu, mình tôn trọng cung cách dâng cúng của họ.
Chắc có lẽ nhiều người không quên cung cách của bà góa với 2 đồng xu. Bà lặng lẽ nhẹ nhàng dâng cúng và không muốn ai thấy. Thế nhưng mà “thánh soi” ngày hôm ấy đã thấy. Chính vì thấy nên “thánh soi” khen ngợi công việc của bà ấy.
Bài học của bà góa với 2 đồng xu có lẽ là bài học của mỗi chúng ta. Tiếc thay là có người không thuộc hay là không muốn thuộc để rồi khi làm bất cứ việc gì đó cũng phải phô trương để cho người khác thấy mình đã làm điều này điều kia. Nhưng nên nhớ là người đó đã trả công rồi.
Con cái của Thiên Chúa thì lại khác. Con cái Thiên Chúa được mời gọi khi làm việc lành phúc đức thì tay trái không biết việc tay phải làm. 2 cái tay ở 2 bên con người và rất gần. Hình ảnh này là hình ảnh đẹp để nói cho con người biết rằng ngay chính bản thân người ấy cũng cần kín kẽ không phô trương.
Ngày hôm nay hơn bao giờ hết với sự phát triển của mạng xã hội để rồi người ta cứ khoe bất cứ lúc nào có thể để kiếm like và kiếm càng nhiều càng tốt : “Hay quá chị ơi ! Giỏi quá chị ơi ! Đẹp quá chị ơi ! Chị ơi Chị đẹp quá !”.
Ờ thì đẹp ! Nhưng cái đẹp ấy nó đâu có tồn tại mãi với thời gian hay cái đẹp ấy nhờ son phấn hay dao kéo. Con người cần cái đẹp nhưng tưởng nghĩ cần cái đẹp trong tâm hồn. Và có khi người ta cũng quên rằng có khi cái like là cái like thảo mai, cái like ủng hộ tinh thần. Mà khổ một nỗi là người ta lại thích tìm like và đếm like mới khổ.
Và rồi cái đẹp đó có mài ra tiền hay không hay chính cái người được khen đẹp ấy còng lưng ra để kiếm sống. Cái đẹp ấy rồi nó cũng tàn tạ với thời gian.
Nói qua nói lại cũng chả có ý gì hơn đó là tự nhắc nhở mình qua lời Chúa là nếu mình có làm từ thiện hay làm việc lành phúc đức thì nên chăng giấu càng kỹ càng tốt cũng như đừng có làm vì like. Mọi sự hãy làm như để Chúa biết thôi.
Cũng nhân đây xin chân thành cảm ơn những tấm lòng ẩn danh luôn đồng hành với những người bất hạnh. Cảm ơn cũng là phép lịch sự vì chính những người chia sẻ với kẻ mọn này luôn ý thức rằng chuyện mình làm thì Chúa biết.
Sẵn tiện cũng nói luôn là Cha không đưa hình Cha lên mạng để nhận được : “Cha đẹp lắm Cha ơi ! Cha đẹp quá Cha ơi !”. Già rồi ! Ngoài 50 rồi ! Tóc bạc da mồi và nhiều nếp nhăn rồi ! Cần là cần cái đẹp trong tâm hồn chứ không phải cái đẹp ngoài da nên chả cần phải khoe hình.
Cha sợ khen thảo mai và like thảo mai lắm ! Cái đẹp mà Cha tưởng nghĩ đó chính là cái đẹp trong tâm hồn. Thay vì đưa hình để nhận lời khen thì nhớ và cầu nguyện cho Cha để ngày mỗi ngày Cha đẹp trong tâm hồn và trở nên mục tử như lòng Chúa mong muốn thôi.
Lm. Anmai, CSsR
LẶNG HAY NỔI 19-6-2024
Ở đời, với tất cả những biến cố vui buồn của cuộc sống như ma chay cưới hỏi, gia chủ thường hô lên để người thân quen cùng đến chung chia niềm vui hay nỗi buồn của gia đình. Có những người thì nhân hay qua biến cố ấy khuếch trương thân thế và ngược lại.
Vừa rồi, tang lễ của Mạ của người thân quen. Với tấm lòng trân quý, nếu được tin cũng sẽ hiện diện cùng gia đình trong những ngày đại tang.
Vẫn biết Mạ như ngọn đèn đã cạn dầu và chuẩn bị hành trang về gặp Thiên Chúa là Đấng mà Mạ đã tín thác. Bẵng một thời gian thấy cô con gái cưng của Mạ không động tĩnh gì cứ tưởng chừng là Mạ cầm cự với một khoản thời gian. Nào ngờ Mạ đã ra đi trong âm thầm lặng lẽ và tang lễ của Mạ cũng thật lặng lẽ âm thầm như di nguyện.
Mãi đến ngày tang lễ hoàn tất thì cục cưng của Mạ mới đưa ra một ít hình ảnh tang Lễ. Đây cũng trầm buồn vì lẽ không hiện diện trong những ngày ấy nhưng giờ đây vẫn không muộn để hiệp nguyện cho cụ bà Martha.
Tính theo lẽ thường tình, với số “hoa quả” mà Mạ để lại cho đời không phải là ít. Con cháu của Mạ ít nhiều gì cũng đã thành danh, thành công và thành người như lòng Mạ mong muốn. Với tất cả những điều đó, tang lễ của Mạ có thể như người đời là hoành tráng. Đơn giản là vì bao nhiêu đối tác, bao nhiêu người thân quen của Mạ cũng như con cháu nhưng Thánh Lễ cũng nhu tang lễ của Mạ thật âm thầm. Tưởng nghĩ rằng nếu như những người khác thì lẵng hoa cùng với sự hoành tráng trong tang lễ của Mạ cũng không phải dạng vừa. Nhưng tất cả diễn ra trong âm thầm lặng lẽ.
Chọn lựa và quyết định của gia đình theo chúc nguyện của Mạ cũng là hay ! Mạ không muốn phải rườm rà cũng như làm phiền người khác vì lẽ dù sao đi chăng nữa cũng đã chết rồi.
Nhớ đến nhà văn Kim Dung nổi tiếng cũng vậy. Bà chúc nguyện cho con cháu của Bà là khi mà mất đi thì tang lễ thật gọn gàng và đừng làm gì rườm rà cả. Bà chúc nguyện về những ngày cuối đời của Bà mà ta lại càng trân trọng.
Nhớ đến Thủ Tướng nước Sin lân cận ta cũng vậy. Dù có công rất lớn với người dân Sin nhưng rồi chúc nguyện của ông là kể cái nhà tổ cũng bỏ đi chứ không cần giữ lại. Ông không muốn để lại một chút gì gọi là đền đài, dinh thự hay lăng tẩm như những kẻ háo danh vẫn thường làm.
Thủ Tướng muốn mình ra đi một cách thanh thản và không ai nhớ đến những cái gọi là vật chất như nhà của của ông. Thế nhưng thử hỏi bất cứ người dân Sin nào có thể quên được ơn của ông. Ông đã làm tất cả và sống hết mình với đất nước để rồi Sin có được ngày hôm nay cũng phần lớn là do công khó của ông. Ông đã sống hết mình và hết tình với dân Sin và khi ra đi ông không muốn để lại một cái gì gọi là cho ông như dinh thự hay lăng tẩm.
Ở đất nước nào đó, ta lại thấy ngược lại. Xét cho bằng cùng thì chả làm được gì, chỉ cần một góc như Thủ Tướng Sin thôi thì cũng đỡ. Chết đi lại là xây lăng tẩm và đền đài cùng với bao nhiêu chi phí tốn kém để bảo dưỡng. Tiếc thay là người dân ở đất nước đó chả có một chút gì trong lòng về những người được xây lăng tẩm đó. Có chăng là bị ép buộc tỏ lòng kính mến mà thôi.
Và như thế, ta thấy có những người khi chết đi muốn tang lễ của mình lặng lẽ chứ không phô trương bề thế bên ngoài.
Ngược lại, chúng ta lại thấy có những người có khi là nghèo mà thích phô trương hay thích thể hiện.
Buồn và buồn lắm khi người ta vịn vào cái cớ giữ truyền thống văn hóa để rồi có khi cái chết của một thành viên trong gia đình để lại gánh nặng cho gia đình ngang qua việc tổ chức tang lễ.
Có những nơi nghèo nhưng khi đám tang là phải làm sao cho bằng chị bằng em và phải lớn hơn nhà khác thì mới chịu. Chỉ cần gia đình có người qua đời là coi như heo và trâu cũng như bò bỗng dưng cũng lăn đùng ra chết vì họ giết thịt để tổ chức tang lễ.
Cái nghèo dường như nó lại càng nghèo hơn và lại yêu quý những người nghèo hơn khi họ cứ khăng khăng đi theo cái văn hóa của họ.
Cũng chưa cần nói đến chết. Cứ có cơ hội là người ta bày tiệc ra ăn mừng. Cái chuyện ăn mừng ở những nơi nghèo bỗng dưng trở thành cái lệ để rồi nó phát sinh ra nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Nghèo, thất nghiệp, mất mùa ... ấy vậy mà cứ phải đáp lễ mãi thôi. Trong làng có khi tuần nào cũng có tiệc. Hết tiệc thọ đến tiệc sinh nhật, hết sinh nhật đến đầy tháng thôi nôi rồi ăn mừng nhà mới. Mà có khi cái nhà chả xây mới, chỉ là làm lại cái chái hay cái kho thôi người ta cũng bày ra ăn mừng. Và cũng thế, vì sĩ diện nên nhiều người tổ chức phải làm sao hơn nhà khác mới chịu.
Ta lại thấy mỗi người có tự do để chọn lựa cho mình cuộc sống. Người thì đủ điều kiện hay dư điều kiện để tổ chức những biến cố của gia đình nhưng họ không làm. Họ chọn cung cách sống âm thầm và lặng lẽ như tang lễ của Mạ của người quen vừa rồi.
Cũng lạ ! Có người gọi là đẳng cấp của họ như thế để rồi họ cũng chẳng cần phơi bày công danh sự nghiệp hay thân thế của họ. Họ thấy họ đủ và bằng lòng với cuộc sống để chả cần phải phô trương. Và cũng có cái hay nếu như họ làm hoành tráng thì người này người kia đến thì sau này họ phải trả lễ lại cũng là đuối. Có khi gói gọn không ai biết đến cũng là hay vì lỡ sau này họ không có khả năng đáp lễ thì bị trách móc. Chọn lựa tang lễ âm thầm cũng là một chọn lựa hay cho cuộc sống. Làm hoành tráng cho lắm đi thì người chết cũng không hề biết. Có chăng là đánh bóng tên tuổi của thân nhân và gia đình đó thôi. Người nào thấy gia đình mình đủ thì họ không cần đánh bóng qua những sự kiện hay biến cố cuộc đời của họ nữa.
Cũng có những đám cưới. Họ chăm chút từng li từng tí. Từ cái áo cái quần đến việc trang điểm. Có khi họ phải nhờ thợ trang điểm trước và chọn tiệm nào làm hài lòng thì họ mới thuê.
Nghĩ cũng buồn cười ! Cái đẹp ai ai cũng cần, cái hình thức ai ai cũng thích nhưng đôi khi vì chạy theo cái bề ngoài và cái hình thức quá mà người ta lại quên cái nội dung bên trong. Đời sống hôn nhân là để sống với nhau trọn đời và cả đời chứ không phải là vài năm vài tháng nên cũng không cần phải quá chú trọng những cái hình thức bề ngoài. Thực tế là có những đám cưới mà có thể nói lá có 1 không 2 nhưng 3 lần 7 là 21 ngày thì họ đã chia tay. Như thế, có lẽ nội dung cần hơn hình thức là vậy. Và điều này luôn luôn đúng như kiểu nói của ông bà. Nhưng theo thời cuộc và khoe mẽ nên người ta cứ mãi chạy theo hình thức phô trương.
Trong cuộc sống, nghèo cũng có năm bảy cách nghèo. Có khi vì lười biếng hay có khi chạy theo thời cuộc thấy nhà này nhà kia tổ chức nên nhà mình cũng tổ chức theo nên mãi mãi ở chung với cái nghèo.
Vì thiên tai, vì hoàn cảnh mà nghèo thì còn thương chứ vì chạy theo người này người kia hay sống ảo và khoe mẽ để nghèo chắc có lẽ muốn thương cũng khó được thương.
Lm. Anmai, CSsR
CÂY MỖI HOA – NHÀ MỖI CẢNH
7 tháng 6 năm 2024
Không ai được chọn nơi mình sinh ra ... để rồi có những phận đời và phận người không may mắn.
Em và chị lớn lên trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Mẹ tần tảo nuôi Em và chị khôn lớn.
Không được phúc, cha của em là một người nát rượu. Thể loại nát của cha của Em chòm xóm đều biết để khi Mẹ của em không thể chung sống được thì đến độ người hiền nhất ở trong xóm cũng nói : “Thôi thì ly dị cũng là đúng ! Cha có gia đình nào chấp nhận một ông chồng nát rượu như thế !”.
Nghiện cũng đã là cay đắng cho gia đình lắm rồi ! Đàng này nát thì mọi người đành phải chịu thua.
Cái nghèo nó ôm lấy gia đình của Em cho đến ngày Em không còn sống nữa.
Nai lưng ra lắm, cày cho sâu cuốc cho bẫm nhưng Em và chị của Em không đi trọn con đường học vấn. Em phải dang dở ở cái bằng tốt nghiệp lớp 9. Chẳng ai muốn phải bỏ lỡ ước mơ đến trường nhưng hoàn cảnh không cho phép.
Thế là từ ngày đó, Em lam lũ phụ Mẹ kiếm cơm đắp đỗi qua ngày. Phận đời và phận người của em oan nghiệt là thế.
Gia cảnh là thế nhưng được một cái là hai chị em của Em ngoan có tiếng. Hiền lành và khiêm nhường cũng như chịu thương chịu khó để bước vào đời với đôi bàn tay trắng thiếu bóng Cha và chỉ còn tình thương của Mẹ.
Ai nào đó có thể trách người phụ nữ - người mẹ đã cưu mang Em nhưng đâu ai hiểu được cái sự bạc bẽo của cuộc đời và không may mắn khi có người chồng không như mong đợi. Phận con gái mà ! 12 bến nước trong nhờ đục chịu.
Cái nghèo, cái khổ ở đây nó nhiều lắm. Nó cứ như yêu thương người nghèo và vây quanh đời người nghèo như không hề buông bỏ. Cứ nói đến đồng bào thiểu số là nghĩ ngay đến cái đói, cái khổ từ con chữ đến vật chất. Họ không đủ sinh nhai thì làm sao nghĩ đến con đường đi học.
Đámg tang của em lặng lẽ và lặng lẽ. Hình như có ai đó cũng muốn tìm cha của em về để cha của em nhìn mặt em lần cuối nhưng rồi cũng bặt vô âm tín.
Cuộc đời là vậy đó ! Cay đắng và oan nghiệt đến tận cùng. Đến nỗi cái chết cũng không lo cho nên sự mà phải dựa vào kẻ này người kia.
Cái chết của Em thật cay đắng. Em ra đi nhẹ nhàng không lời trăng trối ! Có người nói vu vơ rằng đôi khi Em ra đi như thế mà đời thanh thản. Em còn sống thì lại cứ nặng gánh vai mang. Em ra đi như cuộc đời em được giải thoát khỏi bụi trần. Một lần đau cho vạn lần không xót. Từ nay em không còn phải lo toan với cuộc đời.
Chẳng ai biết được cuộc đời và chẳng ai mong cuộc đời mình như thế. Đời ! Kẻ ăn không hết người lần không ra. Chả ai muốn rơi vào cái cảnh như gia đình Em đang có nhưng sao cuộc đời oan nghiệt quá !
Những chiếc áo quan miễn phí được chuyển đến những người nghèo trong đó có Em. Sao mà cuộc đời cay nghiệt thế !
Với lòng thơm thảo, những chiếc áo quan từ thiện đâu đó đã trao đến cho những mảnh đời bất hạnh. Và dù sao đi chăng nữa cũng chẳng có người nào ngoảnh mặt làm ngơ.
Sinh bệnh lão tử vẫn biết là phận người nhưng có người sinh ra trong nhung lụa nhưng có người sinh ra trong nghèo khó. Nhìn những mảnh đời đâu đó không có ngày mai sao mà chua xót quá. Họ sinh ra và lớn lên trong cái nghèo và cái nghèo như ôm lấy cuộc đời của họ. Thà không nghĩ thì thôi, nghĩ đến thì lòng lại cứ nặng lòng vì lẽ không tìm ra lối thoát cho cuộc đời.
Suốt đời, người nghèo ở cái vùng nông này thì bán mặt cho đất và bán lưng cho trời để tìm kế sinh nhai. Có bao giờ ma người nghèo làm nông được sướng đâu. Dù cà phê có tăng giá nhưng cuộc đời của họ vẫn vậy thôi.
Chỉ có con đường học vấn mới có thể cho họ thoát được cái nghèo và kiếp khổ. Thế nhưng rồi câu chuyện quá xa xôi. Một em rời nhà lên phố để thử gọi là bám trụ nhưng sau 1 năm em lại trở về. Em lại tiếp tục với công việc đồng áng với gia đình. Đời cha em đã khổ và đến đời em cũng khổ và chả biết ngày nào tìm được lối ra.
Những đứa trẻ ăn ngon mặc đẹp và lao vào những cuộc chơi vô bổ sao mà thấy thương quá. Bù lại một chút cho lũ trẻ ở nơi đây.
Cầm cây súng pặt pặt trên tay. Hỏi thăm tình hình giá cả thì được biết cây súng đó được bán với cái giá 1.000 đồng. Chả phải súng. Kẹo hay đồ chơi khác cũng 1.000 mà thôi. Ngay cả cây kem đá nhưng thực chất là phẩm màu mà trẻ nhỏ ở đây chia nau mút cũng chỉ có giá 1.000.
Học thì học cho có chứ cùng lắm hết cấp 2 là nghỉ. Giỏi và khá lắm thì bò được đến cấp 3.
Lòng nặng lòng với những mảnh đời cơ khổ.
Biết kêu trời kêu đất hay kêu ai.
Xin Trời thương cho người nghèo bớt khổ
Để cuộc đời họ buông gánh nặng đời mang.
Có lẽ Chúa để mình ở đâu đó với người nghèo và quanh người nghèo để mình cảm được cái nghèo để mình bớt đi cái sân hận của cuộc đời. Ở với người nghèo để mình nhận ra rằng mình dư và đủ để rồi mình sẵn lòng biết chung chia.
Và lạy Chúa, xin cho con đừng quá nghèo để con đừng than trách Chúa và xin cho con thấy con đủ để con dễ sẻ chia.
Lm. Anmai, CSsR
ĐẮNG : LÀ LINH MỤC MÀ LẠI KHÔNG PHẢI LÀ LINH MỤC
2 tháng 6 năm 2024
Mở máy làm việc, thấy stt của chú em :
Là nhà sư mà lại không phải nhà nhà sư
Là linh mục mà lại không phải là linh mục
Stt chỉ có vài từ thôi nhưng tôi đọc tôi thấy nhột và đau lắm bởi lẽ đâu đó cũng nhắc chính bản thân tôi
Là linh mục mà lại không phải linh mục !
Đau lắm chứ ! Bởi lẽ ai ai cũng biết là linh mục thì mình phải là linh mục chứ không phải là linh mục thì quả là điều nuối tiếc và xót xa cho ai đó.
Trước khi lãnh chức linh mục thì tiến chức lãnh chức phó tế.
Trong nghi thức phong chức Phó tế, sau khi đọc lời nguyện phong chức, còn có phần Nghi thức diễn nghĩa. Giám mục chủ sự trao sách Phúc Âm cho từng Phó tế và nói: “Con hãy nhận lấy Phúc Âm của Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy”.
Lời của vị chủ phong dù đã trôi qua khá lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ và vẫn sợ cũng như tự răn chính bản thân mình : thi hành điều con dạy.
Chuyện đọc, chuyện giảng, chuyện tin và nhất là chuyện dạy xem chừng ra khá dễ nếu như ta đầu tư nghiên cứu. Nhưng, chuyện thi hành điều con dạy mãi mãi vẫn là thách đố trong đời sống linh mục của bản thân tôi.
Và rồi lời dặn dò cuối cùng của Giám mục trong nghi thức truyền chức: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện và rập đời sống con theo khuôn mẫu thánh giá Chúa”.
Nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, các linh mục nên giống Chúa Kitô Linh Mục. Như thừa tác viên của những Việc Thánh, nhất là trong Hiến Tế Thánh Lễ, các linh mục đặc biệt đóng vai Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến chính mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại. Và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi tật xấu và dục vọng. Trong sắc lệnh chức vụ và đời sống linh mục, Công đồng đã nói: “Các linh mục cũng vậy, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến bởi việc xức dầu và được Chúa Kito sai đi, các ngài hãm dẹp những việc của xác thịt nơi chính bản thân và hoàn toàn tận tâm phục vụ nhân loại; nhờ thế các ngài có thể tiến tới sự hoàn thiện mà các ngài đã được tô điểm trong Chúa Kitô, để thành con người hoàn toàn”.
Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu đồng nghĩa với việc khước từ niềm vui và chấp nhận thập giá (Dt12, 2b). Đây là điều mà thánh Phaolô đã khẳng định với cộng đoàn tín hữu Cônrintô: “Chúng tôi không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2, 2)
Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, nghĩa là biết vâng phục thánh ý Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết (Pl 2, 6 -11), linh mục được mời gọi rập khuôn đời mình theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá Chúa. Đến độ người linh mục chỉ biết hãnh diện về thập giá “Ước chi tôi chẳng hãnh diện điều gì, ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta !” (Gl 6, 14) và cuối cùng linh mục có thể tuyên tín như thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Nhớ về cội nguồn của mình là “những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3, 12), để linh mục loan báo lời hằng sống cho con người theo kế hoạch mà Thiên Chúa ủy thác. Linh mục trở nên người “có phúc” vì luôn trung tín và khôn ngoan, biết phân phát lương thực cho gia nhân đúng giờ đúng lúc. Để linh mục trở nên “ông cha nhà thờ” luôn đóng trọn vẹn vai trò trung gian để chuyển cầu ơn thánh Chúa cho con người. Như thế, đời linh mục mỗi ngày nên giống Chúa Giêsu Thượng Tế, Đấng tự hiến đời mình cho Thiên Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền và hiến thân cho Thiên Chúa nhằm cứu độ con người. Và sau cùng linh mục có thể nói như Thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20) vì tất cả những gì khấn hứa cùng Chúa, linh mục luôn giữ trọn. (Tv 64, 2)
Tôi vẫn sợ và vẫn ý thức tôi như chiếc bình sành lọ đất chứa đựng ơn Thiên Chúa. Để lấy lại bình an tôi lại nhớ lời Thánh Phaolô trong thư của Ngào : “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. (Rm 5,20)
Nói như thế để thấy ân huệ của Chúa cứ trào tràn trên cái thân phận tội lỗi này. Càng nhìn càng thấy ân sủng của Chúa như mưa tuôn đổ trên cái phận hèn này để rồi tự nhủ mình ngày mỗi ngày phải sống tốt hơn để xứng với ân sủng của Chúa.
Nghĩ về stt chú em đăng trên trang cá nhân. Tôi lại phải đấm ngực để nhìn lại bản thân của mình trong ơn gọi cũng như sứ vụ linh mục. Tôi tự hỏi mình là linh mục nhưng thật sự mình có phải là linh mục không ?
Giữa dòng chảy của cuộc đời, bao nhiêu cái vinh loa lợi danh nó dễ làm lung lay và đánh mất chất đời tu nên câu nói của chú em đánh động tôi. Đôi khi mình chạy theo thế gian để rồi mình chỉ còn là cái mác linh mục chứ mình không sống căn tính đời linh mục.
Câu nói này nhắc nhớ lại ơn gọi mà Chúa ban cho mình để rồi ngày mỗi ngày mình cân chỉnh cuộc đời làm sao đó để mình ngày mỗi ngày rập mình theo khuôn mẫu thánh giá Chúa.
Để sống điều này, cạnh nỗ lực cũng như cầu nguyện của bản thân, tôi vẫn xin và nhờ anh chị em thêm lời cầu nguyện để ngày mỗi ngày tôi trở nên giống Chúa hơn để qua tôi, phảng phất hình ảnh của một Đức Kitô để ai nào đó đến với mình họ nhận được sự bình an, ân sủng của Thiên Chúa ngang qua cái bình sành lọ đất mong manh và dễ vỡ này.
Lm. Anmai, CSsR
ĐỪNG XÁT MUỐI VÀO VẾT THƯƠNG CỦA NGƯỜI KHÁC
31 tháng 5-2024
Những ngày qua, lan tràn trên mạng xã hội về sự ra đi của một diễn viên – MC ở cái tuổi đời còn khá trẻ cũng như ra đi quá đột ngột. Sự ra đi đấy đã để lại bao nỗi đau cho khán giả, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là vợ và đứa con thơ của Anh.
Anh ra đi là nỗi đau không thể nào bù đặp được cho vợ, con và cả mẹ của Anh nữa. Thế nhưng rồi, dựa vào những dữ kiện nào đó người ta lại viết về gia cảnh của Anh để cho cái đắng và cái đau đó nó lại cay và đắng cũng như đau nhiều hơn nữa.
Thật thế, khi nhìn lại cuộc đời của mỗi chúng ta. Có ai trong chúng ta không có vết thương lòng hay những nỗi đau nào đó. Có khi vết thương lòng ấy người ngoài thấy được nhưng cũng có những vết thương nó nằm ở trong ruột gan và trong lòng của người đó. Chính vì thế, trước những nỗi đau đó, nên chăng người ngoài khi không biết hay chỉ nghe ở một góc cạnh nào đó cũng nên chăng im lặng. Với người Công Giáo thì thêm lời cầu nguyện cho nhau để đủ sức ôm cái nổi đau đó trong cuộc đời.
Mang trong thân phận con người, tôi cũng có nỗi đau của tôi nhưng đâu ai hiểu được và có khi nói ra để làm chi. Cùng với nỗi đau của cuộc đời, nhiều anh chị em tìm đến tôi như một ông lái đò để đưa người đó qua khúc sông nào đó của đời họ.
Với nỗi đau của mình, có người gọi điện và nước mắt ràn rụa. Có người không nói được bằng giọng nói thì họ trải dài những dòng chữ viết đầy đớn đau của phận người.
Chưa già và không còn trẻ, tôi hiểu và cảm được nỗi đau của cuộc đời, của phận người. Ai nào đó tìm được chỗ để họ trải lòng thì họ sẽ bớt được chút nào đó. Cùng với niềm tin vào Thánh Lễ, lời cầu nguyện của linh mục, anh chị em hàng ngày đến với tôi và tôi cùng anh chị em dâng lên nỗi cay đắng của kiếp người.
Mỗi Thánh Lễ, những dòng tâm sự, những nỗi đau của kiếp người mà anh chị em gửi tới, cùng với nỗi đau của cá nhân, tôi chậm rãi và sốt sắng dâng lên Chúa lời nguyện xin tha thiết để xin Chúa giúp sức cho chúng ta vác nỗi đau của đời. Chẳng ai giống ai, mỗi người đều mang nỗi đau riêng mình có khi là thể xác, có khi là tinh thần.
Đời là bể khổ hay bể khổ là đời ! Có người nói vui là qua khỏi bể khổ là qua đời ! Đúng như thế ! Chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay thì con người mới thanh thoát được “nợ trần gian”.
Thật dễ thương khi nghe anh chị em bạn hữu nói về người nghệ sĩ vừa quá cố. Ý thức mình có gia đình và với trách nhiệm, Anh không nề hà bất cứ một công việc gì miễn sao có tiền để lo cho vợ con (công việc tốt lành). Anh không dành riêng cho mình điều gì cả, tất cả dành cho vợ cho con.
Với mẫu gương sống như thế, với tấm lòng như thế, tôi cũng dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Anh và những ước mong Anh mau hưởng Nhan Thánh Chúa, Tình Yêu Chúa, Tình Yêu mà cả đời Anh dâng hiến cho gia đình, cho vợ và con của Anh.
Anh dù sao cũng mãn phần. Anh đã xuôi tay giã từ cuộc đời. Còn lại là vợ Anh cũng đứa con thơ chưa đủ lớn.
Nhìn đứa trẻ khi dự tang lễ của Ba mình mà thấy chua xót quá ! Bé cứ nghĩ rằng Ba mình ngủ một giấc ngủ thật lâu và thật sâu.
Anh ra đi, gia đình còn lại bao nỗi đau. Chả ai có thể giúp được cái nỗi đau của các thành viên trong gia đình của Anh. Vật chất dù sao cũng chỉ là một khoản nào đó để trám vào những khoản chi cho đám tang của Anh. Còn một tương lai rất dài của đứa bé.
Như thế, họ đã quá đau và dư nỗi đau rồi. Nên chăng đừng ai nhắc đến hay nói đến bất cứ điều gì nữa để cho gia đình Anh được thanh thản.
Nhìn lại mình đi. Có ai là không có nỗi đau sao lại cứ khơi lên nỗi đau của người khác và xát thêm muối vào nỗi đau của họ. Nhiều người không ngần ngại nói, cào phím để khơi lên nỗi đau của anh chị em đồng loại.
Thay vì nói những lời cay đắng, thay vì nói những lời thêm mắm dặm muối, thay vì đồn đoán thì hãy lặng và lắng để cầu nguyện cho linh hồn của Anh cũng như nhìn lại đời mình.
Đàng sau cái hào nhoáng của con người là cả nỗi đau. Đời nghệ sĩ có lẽ đau gấp bội đàng sau ánh đèn sân khấu. Người nghệ sĩ mang niềm vui, mang nụ cười cho khán giả nhưng đàng sau sàn diễn là cả một đời lo lắng nặng gánh vai mang.
Đời nghệ sĩ xem chừng ra cũng bạc lắm ! Sau ánh đèn màu là một cuộc đời lam lũ.
Hôm qua, mới nhìn thấy hình ảnh Chú Mạc Can trong căn phòng nhỏ đầy hiu quạnh. Nghĩ tới đời của Chú thật là hay. Cả đời cống hiến cho khán giả nay lui lại hậu trường chờ ngày về với Chúa. Chú là người Công Giáo (trong cái phòng nhỏ của Chú vẫn có đó Tượng Chịu Nạn cùng với Mẹ Maria).
Cuộc đời, ai cũng già nua tuổi tác và ai ai cũng có nỗi đau. Thôi thì thông cảm cho nhau và đừng sát muối vào những vết thương của nhau nữa.
Lm. Anmai, CSsR
CỤC ĐÁ 31 tháng 5-2024
Ai ai cũng biết đá có thể dùng làm móng, làm nền nhà, làm đường ... chung chung nó có công dụng trong việc xây dựng. Thế nhưng ngoài công dụng chung chung đó nó còn là công cụ để người ta choảng nhau.
Lần nọ, đi về Tây Nguyên, 2 xe giành khách như thế nào đó để rồi có 1 cục đá khá to “chui” vào xe. May mà chỉ có trầy xướt nhẹ chứ chưa đến độ đổ máu. Chuyện nhà xe giành khách nhau trên đường thì ai hay đi xe thì sẽ hiểu.
Cục đá oan nghiệt ngày hôm đó may mà chỉ gây thương tích nhẹ.
Và, chắc có lẽ chúng ta khó quên được hình ảnh những cục đá mà người ta lăm lăm trên tay trong câu chuyện Tin Mừng theo Thánh Gioan kể đầu chương 8. Câu chuyện ấy rất quen thuộc với chúng ta. Câu chuyện kể về chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo luật thì dĩ nhiên người phụ nữ ấy bị ném đá cho đến chết.
May cho chị ! Ngày hôm ấy có Chúa Giêsu ở giữa chị và đám đông đó nên chị thoát chết.
Những hòn đá ngày hôm ấy bị bỏ xuống vì những người chuẩn bị ném đá nhận ra rằng mình là người có tội.
Sáng hôm nay, nói chuyện với người thân thì người thân nhắn : “Coi chừng chuẩn bị ăn đá đó nha !”
Câu nhắc này xem chừng chả có gì lạ vì lẽ trong cuộc sống, khi mình đứng về phía ai đó bị oan khiên thì sẽ bị những người hùng hùng hổ hổ ném đá người đó thì mình cũng sẽ bị ăn đá cùng với người đó. Âu cũng là chuyện bình thường trong cuộc đời.
Bình thường trong cuộc đời thì đá rất dễ kiếm và bất cứ ai cũng có thể tìm cho mình một cục đá nơi gần nhất. Chuyện quan trọng là mình có can đảm dùng hòn đá đó để ném vào ai đó hay không đó mới là chuyện quan trọng.
Ở đời mà ! Ai hoàn hảo, ai vô tội để rồi đi ném đá người khác. Có chăng là mình quá khôn khéo để mình che đậy con người của mình để không ai biết rằng mình là ác nhân thôi.
Có nhiều người trong cuộc sống là ác nhân và là sát nhân nhưng luôn tỏ vẻ ra mình nhân từ và đạo đức. Cuộc đời rất sợ những người như thế. Những người như thế họ sẵn sàng ném đá vào người khác bất cứ khi nào và bất cứ lúc nào. Hễ cứ có cơ hội là họ sẵn sàng ném đá vào người đồng loại chứ không hề thương tiếc.
Hòn đá cơ bản là thứ vô tri. Người cầm đá trên tay là người có tri. Thế nhưng lại là người có lương tri hay vô lương tri khi cầm đá thì lại khác.
Người có lương tri sẽ là người nhìn lại con người của mình trước khi ném đá vào người khác. Người bất lưng sẽ ném khi nào có thể và ném thật mạnh sức.
Với tất cả những trải nghiệm trong cuộc đời, ai ai cũng có đá ở trên tay nhưng rồi mình có ném hay không lại là chuyện khác.
Sống thẳng, sống thật, sống bênh vực lẽ phải thường thì bị ăn đá và ăn đá âu cũng là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng rồi thà chết vinh còn hơn sống nhục. Thà sống thẳng thắn chân thành còn hơn giả tạo.
Chân thành hay giả tạo cũng là chuyện tự do của mỗi người. Người chân thành thường hay phản tĩnh hay nhìn lại chính mình để rồi không bao giờ ném đá người khác cả.
Chuyện ăn gạch đá xem chừng cũng đã quen vì thường hay nói lên chính kiến của mình. Những người thường nói chính kiến của mình âu sẽ có kinh nghiệm về sự bạc bẽo của cuộc đời.
Thầm nghĩ nên chăng bình tĩnh và để hòn đá xuống để đừng ném ai. Có khi mình ném người nhưng đến một ngày nào đó người ném lại mình thì thật đau khổ.
Những người trong câu chuyện Tin Mừng Gioan cũng là kinh nghiệm cho chúng ta trong cuộc sống. Từ người già bỏ đi hết sau cùng đến người cuối cùng. Chỉ còn lại ở cái “hội đồng xử án” ấy chỉ là mình Chúa Giêsu và người phụ nữ. “Thẩm phán” đã nói với tội nhân “Hãy đi và đừng phạm tội nữa. Tôi cũng không kết án chị đâu”.
Chúa không kết án chúng ta, hà cớ làm sao chúng ta lại đi kết án người khác ?
Thôi thì tự do, mỗi người chọn lựa cho mình một lối sống. Xem chừng sống thẳng, sống chân thành sẽ bình an hơn là giả tạo và điêu ngoa.
Lm. Anmai, CSsR
NHỮNG ĐÁM TANG LẶNG VÀ MỐI NỢ ÂN TÌNH
28 tháng 6 năm 2021
Ngày Lễ an táng của Cha Micae Nguyễn Hữu Phú đã gọi là lặng lẽ âm thầm rồi. Ngày lễ an táng của Cha Cố đáng kính Giuse Trần Ngọc Thao còn lặng hơn nữa. Cha Cố Giuse Hoàng Văn Bính cũng ra đi và để lại trong lòng anh em nỗi thương niềm nhớ càng sâu lắng hơn khi anh em không thể về tham dự.
Và cứ như thế, trong hoàn cảnh dịch bệnh, chẳng ai mong muốn sự ra đi mất mát của người thân cần có chút tình người bên cạnh nhưng hoàn cảnh không cho phép. Lòng thì muốn đi nhưng không thể nào lê bước vì đường đời còn mang nặng gánh gian truân.
Mẹ của ông anh cũng là mẹ của mình mà mình không về được. Nhức nhối lắm nhưng không biết phải làm sao.
Ngày Anh làm nghi thức tiễn biệt Cho ba của mình xong cũng là ngày Anh dặn : "Em. Anh ở xa, Ba Mẹ của Anh có chuyện gì là em về lo cho Anh đó. Anh mít ướt lắm đó !"
Cùng hùng hổ như Phêrô vậy : "Anh an tâm. Em cũng ở xa nhưng em bay độ 1 tiếng là có mặt bên Bà Cố hay Ông Cố. Anh an tâm nhé !"
Lời hứa dường như trở thành món nợ ân tình. Giờ có muốn bay bay cũng chả được mà có đi xe thì cũng chả có xe nào chạy. Thôi thì xin hiệp ý cầu nguyện cho Mẹ Lucia của Anh cũng là của Anh Em trong Dòng Thánh do Thánh Anphongsô thành lập.
Rồi đến trưa nay, thân mẫu Anna của người anh kế trong ngày khấn cũng về nhà Cha.
Thường thì như một quy luật bất thành văn, anh em hiện diện và hiệp thông với nhau trong Thánh Lễ cầu nguyện cho Cha hay Mẹ của anh em cùng lớp. Ngày ba của mình mất, anh em đã hiện diện đông đủ không thiếu một ai, vậy mà nay anh em lại về không được. Với quy định giãn cách, cả nhà dòng và Cha Giám Tỉnh cũng khó mà có thể hiện diện để hiệp thông dù lòng rất muốn.
Vậy đó, thân phận con người mong manh và bi đát là như thế.
Thế nhưng rồi trong Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan chương 1 phần nào an ủi cũng như hướng dẫn đời sống đức tin của người Kitô hữu :
Thiên Chúa không làm ra cái chết,
chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.
Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu,
mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh,
chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại.
Âm phủ không thống trị địa cầu.
Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử.
Phải, Thiên Chúa đã sáng tạo con người
cho họ được trường tồn bất diệt.
Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.
Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị
mà cái chết đã xâm nhập thế gian.
Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.
Còn nhớ tâm tình của Cha Phó Giám Tỉnh dòng Đaminh gửi thật hay và bồi dưỡng đức tin :
"Xin cảm ơn người anh em đã có những tâm tình thấm đẫm nỗi buồn về sự ra đi lần lượt và dồn dập của những "người tình" trong đó mình đã từng sống và làm việc với ba vị: Bố Già Phú, Cố Thao và Cha Thụy. Buồn lại thêm buồn khi tình cảnh dịch bệnh bùng phát nên bản thân mình cũng chỉ đến viếng các vị rồi lặng lẽ lui về thực hiện giãn cách cộng đồng!
Tuy người đã khuất chẳng cần chi kèn trống rước sách lễ lạy sầm uất nhưng xót xa cho người ở lại. Ta đành lấy đức tin mà bù lại cho cái vô thường và nhiều khi rất "vô lý" của cái sống chết đời người. Xin gửi gắm những "người tình bỏ ta đi" cho điểm đến quê trời và nguyện cầu cho những "người tình" còn ở lại "được mạnh mẽ can đảm vác thánh giá theo chân Chúa Cứu Thế và Mẹ Sầu Bi"
Vâng ! Từng "người tình" của chúng ta ra đi, không tránh khỏi những ngậm ngùi thương tiếc của con người nhưng âu cũng là số phận của con người. Dẫu sao đi chăng nữa, khi ta không về được, ta không hiện diện được thì đồng nghĩa ta nợ một món nợ ân tình. Món nợ ân tình ấy ta cũng có thể trả bằng và với những Thánh Lễ misa thật sốt sắng ở xa nhưng lòng vẫn hướng về người ra đi trước về nhà Cha.
Với niềm tin của sự hiệp thông và thông cảm với hoàn cảnh dịch bệnh. Mỗi người lại cảm thông cho nhau và nhớ nhau cùng nhau cầu nguyện cho người thân của chúng ta nhiều hơn nữa.
Người ra đi trước, phần chúng ta cũng lần lượt theo sau. Ý thức như vậy để ta sống ngày mỗi ngày tốt hơn để khi ta nhắm mắt ta mỉm cười và mọi người khóc ta.
Kỷ niệm ngày thụ phong linh mục
Lm. Anmai, CSsR
CHA CHẾT CHA MUỐN CON BỎ VÔ HÒM CHO CHA CÁI GÌ ?
28 tháng 6 năm 2021
"Cha chết Cha muốn con bỏ vô hòm cho Cha cái gì ?" ! Đó là câu nói trao đổi chiều hôm nay với đứa bạn.
Nói về khó khăn của Covid, nói về những người đã ra đi về nhà Cha trong mùa Covid. Những khó khăn do con virus quái ác gây ra đã để lại trong tâm trí của bao người sự lo lắng đến tột cùng. Đứa bạn trong câu chuyện chiều nay cũng lo lắng như bao người khác vậy.
- Con hỏi thiệt ! Cha chết Cha muốn bỏ vô hòm cái gì ? Bỏ phân vàng nha !
- Ê ! Bớt giỡn nha ! Bỏ vô chi !
- Tại con thấy có người khi chết bỏ vô hòm vàng ... hay Cha thích xe thì con đốt chiếc xe của Cha
- Bớt giỡn nha ! Đốt chi ?
- Thì để Cha đi chứ chi !
- Bớt giỡn nha ! Đó là một số người nghĩ vậy. Ta mà chết thì ta muốn đơn giản. Đem chôn càng sớm càng tốt, quấn chiếu chôn cũng được. Để chi lâu ngày mắc công cái thây ma này thúi lắm ! ... Chết có mang theo được cái gì đâu mà tính chi cho mệt. Như các cha đi trước đó, có ai mang theo được cái gì không ? ...
Đó là nội dung câu chuyện chiều nay khi vừa xay cần tây uống giảm cho giảm béo và giảm mỡ !
Thật thế ! Con người khi còn sống thì cố gắng tìm đủ mọi cách để vun vén nhưng rồi khi xuôi đôi tay xuống ta thấy có mang theo được cái gì. Những gì quý giá nhất cũng để lại và ngay cả người mà mình yêu thương nhất mình cũng phải buộc lòng để lại. Chính vì thế, ta luôn luôn tập đứng trong tư thế mất tất cả để không còn gì để bám víu như tâm tình bài hát "Mong chẳng còn gì".
Với tâm tình thanh thoát với vật chất, thật thiếu sót nếu không nhắn đến ông Giob. Ai nào đó đã nghe, đã đọc qua cuộc đời ông Giob sẽ thấy ông nhẹ nhàng thanh thản với vật chất vô cùng. Sự thanh thoát của vật chất khi ta nghe hay đọc ta cũng thấy khó hiểu. Chỉ đến khi ta nghe Giob nói câu này là ta thấy ông có lý : Thân trần truồng sinh ra khỏi lòng mẹ thì khi chết đi ta trần truồng cũng chả có gì phải suy nghĩ.
Kèm theo đó, trong khi không còn gì để mất, từ đầy tớ cho đến bà vợ đầu tối tay ôm của ông cũng càm ràm về Thiên Chúa. Thế nhưng rồi giữa những cơn càm ràm của bà vợ, ông Giob "nhẹ nhàng" nói : "Im đi cái mụ điên ! Khi Thiên Chúa cho thì mỉm cười vui vẻ. Giờ Chúa lấy đi có gì để mà kêu ca".
Ơ hay ! Ông Giob là vậy đó ! Ông nhẹ nhàng và thanh thoát với tất cả những gì mà ông có. Đặc biệt ông Giob có niềm tin đặc biệt vào sự sống ở đời sau và trên tất cả mọi sự là ông tin vào Thiên Chúa.
Nghĩ cũng hay ! Cuộc đời, có khi ta đọc, ta nghe nhiều quá mà ta không suy cũng chẳng niệm. Cứ nghĩ và tâm tình như ông Giob hóa ra đời ta lại hay.
Ta cứ nhìn những người đi trước. Có khi tài sản của họ để lại ăn đến đới chắt cũng không hết nhưng khi ra đi họ cũng chả mang theo được gì.
Phận con người, tôi cũng thế ! Tôi cũng như bao nhiêu người khác rồi cũng sẽ ra đi và rồi cũng chả mang theo gì đến mộ phần. Như người ta vẫn thường nói là con người chúng ta có mang theo đến mộ phần 2 điều đó là tội và phúc. Những ngày còn sống, dù ta làm bất cứ chuyện gì thì đều phân ra rõ rệt là tội hay là phúc. Nếu như ta tin vào đời sau hay muốn có cuộc sống bằng yên thì ta sẽ gieo những việc phúc đức và bác ái. Ngược lại, khi ta không tìm sự bình an hay không tin vào đời sau thì ta sẽ sống bất chấp.
Trong thân phận làm người, ai dám nói về "ngày mai" của mình. "Ngày mai" của mỗi người chúng ta chỉ một mình Thiên Chúa biết. Và như vậy, mỗi người cần ở và sống trong tư thế "ngày mai" có thể là đêm hôm nay. Biết bao nhiêu người không bao giờ ngờ trước "ngày maai" của mình lại là đêm hôm nay và đêm hôm nay có thể là đêm cuối. Hay như là có khi ngày hôm nay ta còn có tí tài sản của ăn của để nhưng đâu biết được ngày mai hay một ngày nào đó ta sẽ trắng tay. Kinh nghiệm này cũng đã có ở một số người chứ không phải là ít.
Nằm xuống chả mang theo được gì đến mộ phần. Có chăng là công và tội như đã nói. Với ý thức như vậy, ngày mỗi ngày ta sống với những phúc đức của ta thì ngày sau ta mới có được phần phúc ở Nước Trời và gần nhất ngày hôm nay ta được bình an.
Để có sự bình an thật sự, không có con đường nào khác là con đường buông bỏ. Khi ta biết buông bỏ thì ta thật sự sẽ bình an.
Với tất cả tâm tình, ngày mỗi ngày ta suy gẫm câu chuyện của đời ta dựa trên ý tưởng "Mong chẳng còn gì". Với tâm tình buông bỏ như vậy, chắc chắn sự bình an sẽ về với chúng ta :
Chỉ mong Ngài lấy đi
Mong chẳng còn gì thuộc về con
Mong chẳng còn gì là của con
Để con được trắng tay, con chỉ còn Ngài để giữ lấy
Con được chọn Chúa mãi là của con
Để rồi con biết chỉ có Chúa hạnh phúc muôn đời
tình yêu Chúa tín trung cao vời
là đường đi dẫn đưa con về Quê Trời.
Và rồi con muốn được có Chúa là chốn dung thân
là kho báu lớn lao vô ngần
Và là gia nghiệp trọn cuộc đời con ước mong
Chỉ mong Ngài xóa đi
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu
Mong chẳng còn gì ràng buộc con
Để con được ngước lên, con tìm được Ngài là chân lý
Con được cùng Chúa đồng hành luôn
Chỉ mong Ngài cất đi
Mong chẳng còn gì để nắm giữ
Mong chẳng còn gì mà tự tôn
Để con chỉ biết yêu, yêu một mình Ngài trọn đời con
Con nhìn nhận Chúa chính nguồn tình yêu
Tối ngày kỷ niệm thụ phong linh mục 2021
Lm. Anmai, CSsR
VÒNG LUẨN QUẨN VÀ LỐI ĐI KHÔNG CÒN CÁCH THOÁT
29 tháng 6 năm 2021
Trời chang chang nắng, mồ hôi như đổ lửa cũng như muốn thiêu hủy cái thân "còm cõi" 85 ký làm thêm rát cả lòng người. Rời khỏi cái nơi "mát mẻ" để đi đến cái nơi mà na ná như lò thiêu là đích đến.
Hồi lâu, những người có trách nhiệm ngồi chung quanh nghe chuyện Cha Xứ giải thích cũng như trao đổi về tương lai gần nhất cho bọn trẻ, Chúng yêu nhau rồi thì giờ chỉ còn cách làm thủ tục nhanh nhất có thể để cho chúng đến với nhau hợp tình và hợp lý cũng như không phạm luật.
Chưa "giỗ" 1 năm cái này mà mấy đứa trọ học tá túc trong Nhà Thờ rời khỏi những năm dài đèn sách để rồi chúng lại mon men ... lấy chồng. Cô dâu hơn chú rể một "nồi bánh tét". Cả 2 đường như chả có cách gì tìm kế sinh nhai ngoài cái chuyện nhờ "gấu mẹ".
Nhìn con nhỏ vừa xong 12 lấy chồng có lẽ ai ai cũng ngao ngán. Người Kinh thì đã khó huống hồ chi người đồng bào thiểu số. Thế nhưng rồi đế tuổi và ưng thuận thì đành chấp thuận chứ chẳng lẽ can ngăn. Có điều nhìn về tương lai của đôi vợ chồng trẻ này sao nó mù tối quá.
Chả biết chú rể "cào" được bao nhiêu con chữ. Cô dâu thì cũng ráng "cày" cho hết lớp 12.
Ở cái vùng nghèo này, 12 là "ngon" lắm rồi đó ! Đơn giản là "tuổi thọ" trung bình của học tập chỉ là lớp 7 hay là 8. Cứ cái tuổi thơ ngây ấy nhưng gia đình túng quẩn thì làm ngay cái lợi trước mắt là đi ... chăn bò.
Nhìn thấy cậu nhỏ thon thon lấp liếm cười dưới nhà sàn gỗ, hỏi thăm bé học được hết lớp 5. Vừa đùa vừa muốn cho bé học thêm nên đành nói : "Ngày xưa ma học hết có lớp 3 trường làng nên giờ con ráng đi học nha ! Đừng bỏ học sớm như ma thì chán lắm !"
Nói thì nói vậy thôi nhưng lòng muốn đẩy cho chúng học được cao hơn. Thế nhưng rồi dù có là Trung Cấp Y tá đi chăng nữa cũng nằm võng đưa con ở cái dày nhà sau cạnh. Đung đưa giọng buồn nuôi con nhỏ vì để có đủ số tiền chung chi gì đó để được vào làm đúng bằng cấp thì nhà nghèo không chạy nổi. Thế thì đành về nhà giúp cha mẹ đắp đổi qua ngày bữa đói bữa no.
Nhỏ Y tá còn như vậy huống hồ chi nhỏ 12. Học như thế cũng là giỏi lắm rồi vì cái đầu ra của bọn nhỏ coi như không lối thoát giống như đời chúng vậy. Cứ quanh quanh quẩn quẩn trong cái làng và cái nghèo như ôm chầm lấy cuộc đời của bọn nhỏ cũng như bà con trong xóm nhỏ nơi đây.
Dù có ai đó nâng đỡ cho đi học cao hơn nữa nhưng rồi có cao hơn nữa cũng chẳng biết làm chi. Người Kinh nghèo mang cơn khổ thì người đồng bào khổ còn rát hơn người Kinh biết là bao.
Hình như bọn trẻ ở đây được ăn học tới nơi tới chốn tìm được như đếm trên đần ngón tay vậy. Cứ lứa sau nhìn lứa trước ôm trọn cái tương lai mịt mù nên rồi chẳng có cách nào khác là chúng lập gia đình khi tuổi chưa đủ lo và âu lo chưa kịp biết tính ra sao.
Nhìn về phía trước, đôi vợ chồng trẻ này cũng như bao đôi vợ chồng trẻ cùng trang lứa mãi cứ vất vả lao đao. Cứ suốt ngày cây mì với quả bắp thì làm sao cuộc đời lên nổi. Đất cát thì khi túng thiếu cứ dè người Kinh mà bán, Vô hình chung người đồng bào lại giúp ích cho người kinh vì những cây lúa non và những cây cà phê chưa đậu quả.
Cuộc đời của những người ở đây cứ loanh quanh luẩn quẩn như không tìm được lối thoát.
10 năm trước, 20 năm trước là sao thì năm nay cũng là vậy.
Nhìn những đứa trẻ lem luốc không có đến đôi dép để mang tôi chạnh lòng đến không suy nghĩ nổi. Trời ban cho chúng như vậy nhưng chẳng hề thấy ốm đau. Có khi giàu sang phú quý và dư thừa quá để rồi đau bệnh. Ở cái vùng nghèo này không đau thì thôi chứ đã đau rồi thì vô phương cứu. Nguồn nước và môi trường sống cứ như bao trọn gói cả cõi nhân sinh của họ.
Xe lăn bánh về lại nơi "êm ấm". Nhìn những cánh đồng mạ non nếu không khéo thì vội nghĩ đó là của những anh chị em đồng bào thiểu số. Nhưng không, mảnh ruộng, con bò mà ai thấy đó nay đã là sở hữu của người Kinh. Kiếp nghèo nó cứ như muốn ôm chầm không buông tha những mảnh đời đau khổ ở cái chốn nghèo này.
Cánh cổng Nhà Thờ khép lại cũng là lúc bầu trời chập tối. Cuộc đời của những người nghèo, của những đứa trẻ ở đây cách riêng 2 đứa trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân cũng có một tương lai khép lại và bầu trời sập tối như cảnh tượng chiều nay nghe thấy.
Biết sao được khi cuộc đời của những người nghèo ở cái vùng này quanh quanh luẩn quẩn với cái nghèo và hình như cái nghèo thương những người dân ở đây lắm vậy. Miên man suy nghĩ và nghĩ suy cũng miên man nhưng chưa tìm ra được ngõ thoát cho những mảnh đời lam lũ quanh năm và dường như họ không tài nào thoát khỏi cái kiếp nghèo.
Lễ Thánh Phêrô & Phaolô Tông Đồ
Lm. Anmai, CSsR
Mùa phải nói lời tạ ơn trong thầm lặng !
30 tháng 6 năm 2021
Với bất cứ nghĩa cử thánh hiến nào từ tuyên lời khấn đầu, khấn trọn hay hồng ân phó tế và nhất là linh mục, điều đầu tiên mà thụ nhân nhớ đến đó chính là hồng ân Thiên Chúa. Thật sự, với một nhân bản và nhân cách bình thường thì người thụ ơn phải biết nói lời cảm ơn, lời tri ân, lời tạ ơn tự đáy lòng mình.
Còn nhớ trong tất cả các lời cảm ơn sau Thánh Lễ, sau khi tạ ơn Thiên Chúa thì tân chức, tân khấn mới cảm ơn gia đình, ông bà cha mẹ, gia đình và bạn hữu. Lời đầu tiên mà tân khấn hay tân chức nói đó chính là : "Nhờ hồng ân Thiên Chúa, chúng con đã ...".
Thật vậy, khi tuyên lời tuyên khấn lời khấn dòng hay tuyên lời hứa lãnh chức linh mục, tất cả thụ nhân đều khiêm tốn thỏ thẻ : "Nhờ ơn Thiên Chúa, con muốn !" Con người mỏng giòn và yếu đuối thì làm sao đủ sức để đảm trách những lời khuyên, lời khấn xem chừng ra ngược dòng với cuộc sống.
Lời tuyên khấn trong dòng Chúa Cứu Thế thật dễ thương : "Nhờ Thánh Thần Cha hướng dẫn, con là ... xin tuyên 3 lời khuyên Tin Mừng : Khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục cùng lời thề bền đỗ (nếu là khấn trọn) trong Dòng Chúa Cứu Thế. Nguyện xin ơn Thánh Chúa, sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria Hằng Cứu Giúp, của các Thánh trong dòng và sự hợp tác của anh em luôn luôn ở với con".
Thật vậy ! Khi bước vào đời sống thánh hiến, ý thức được phận hèn để xin ơn Chúa, ơn Mẹ, ơn các Thánh và cũng không quên xin cái ơn đặc biệt đó là "sự hợp tác của anh em luôn luôn ở với con".
Và như vậy, nhờ ơn của Chúa và nhờ ơn của nhiều người để rồi nói lên lời cám ơn chưa đủ. Phải chăng kèm theo lời cảm ơn bằng môi miệng đó chính là Thánh Lễ tạ ơn.
Như mọi người đều biết, tình hình dịch bệnh nên một số dòng tu đã hoãn lại ngày khấn hay ngày truyền chức. Có một số Giáo Phận hay Dòng Tu vẫn cử hành nghi lễ tuyên khấn hay truyền chức cho các ứng sinh trong hoàn cảnh âm thầm và nhỏ bé. Dĩ nhiên kèm theo đó là chuyện không thể đưa ra những hình ảnh trong khung cảnh tế nhị này và nhất là những Thánh Lễ tạ ơn.
Có lẽ cùng chung nhịp đập của con tim, của xã hội để rồi nếu như mùa dịch trong hoàn cảnh khó khăn như thế này mà tổ chức ăn uống hay yến tiệc thì hoàn toàn không hợp lý và nhất là gây thêm dịch bệnh. Ai ai cũng muốn có những bữa cơm gia đình, có những Thánh Lễ tạ ơn của tân chức nhưng rồi đành phải nói tiếng không.
Dĩ nhiên vì là dịch bệnh nhưng tưởng nghĩ trong hoàn cảnh này, ai ai cũng nói lời tạ ơn Chúa vì dù dịch bệnh nhưng Chúa không ngăn chận ước mơ đời tận hiến cùng với lòng thành muốn trao gửi cuộc đời cho Chúa. Trong hoàn cảnh không tạ ơn công khai nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người đều dâng lời tạ ơn Chúa vì lẽ như ông bà xưa đã nói "nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống không ai bằng mình".
Có khi lời tạ ơn trong hoàn cảnh dịch bệnh này chân thành hơn, thắm thiết hơn. Và như vậy, có lẽ là điều làm đẹp lòng Chúa hơn là lời cám ơn với những lời sáo ngữ hay không có chất ở bên trong.
Bản thân tôi cũng thế thôi ! Trong mùa dịch, cả tháng trời ghi dấu nhiều ngày hồng phúc, vốn đã lặng lẽ nay càng lặng lẽ hơn. Lời tạ ơn vẫn không ngớt trên môi và luôn thấm đẫm trong lòng bởi lẽ tôi luôn ý thức cũng như chân nhận về cuộc đời mình rất đơn giản như tâm tình của Thánh Phaolô : "Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa"
Có thể nói có một chút gì đó man mác buồn của những tiến chức, của những tân chức nhưng rồi trong chiều kích nào đó mỗi người hãy nhìn đến thánh ý của Chúa nói với mỗi chúng ta ngay trong hoàn cảnh dịch bệnh này. Đây có lẽ là cơ hội tốt để chúng ta tìm đắm với Chúa hơn giữa thời gian giãn cách và cuộc sống đầy gian nan thử thách như bây giờ.
Có lẽ, với biến cố đau thương này, trước hết, Chúa muốn mời gọi chúng ta gần nhau hơn trong tình liên đới, tình hiệp thông và cầu nguyện.
Có lẽ giữa cuộc đời mà người ta đi tìm danh vọng và nặng nề nhất là tính háo danh, Thiên Chúa để cho sự dữ tự con người làm ra để con người càng nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời.
Có lẽ khi con người đan tâm loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời thì đây chính là lúc mà con người phải nhìn nhận Thiên Chúa mới thật sự là chính chủ trái đất này.
Có lẽ khi con người vô ơn thì đây chính là lúc mà con người cần phải nhớ lại tất cả những gì con người có là do Thiên Chúa.
Và đặc biệt, Thiên Chúa muốn con người trở về với chính mình, trở về với cô tịch và lặng lẽ để thêm giờ cầu nguyện. Trong chính cái cõi lặng riêng tư mỗi chúng ta được gặp Chúa cách sâu lắng hơn.
Cuộc đời của mỗi người kitô hữu chúng ta được dệt nên từ biết bao ân huệ Chúa đã thương ban. Ân huệ này nối tiếp ân huệ khác. Chính vì thế, chúng ta hãy sống tâm tình tạ ơn như Thánh Phaolô: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (Tx 5, 18).
Vâng ! Đúng là ta tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Thật hay và ý nghĩa khi ta cùng hiệp ý với linh mục nhạc sĩ Thành Tâm để ngân nga với Chúa với tất cả tâm tình:
Hát khen danh Người chiều mưa gió hay ngày đẹp tươi. Hát mừng danh Chúa khúc ca vui hay cung nhạc sầu. Hát khen danh Người dàn muôn phím tấu cung vang lừng. Mừng danh Chúa Trời trần gian hỡi hát khen Người đi.
Hỡi địa cầu bể dâu nào lên tiếng ca ngọi khen Thiên Chúa. Hỡi vũ trụ nguy nga. Ðàn ca lên chúc tụng danh Người.
Hỡi sương mù tuyết rơi nào lên tiếng ca ngọi khen Thiên Chúa. Hỡi gió mây trăng sao. Ðàn ca lên chúc tụng danh Người.
Hỡi sông ngòi biển khơi nào lên tiếng ca ngọi khen Thiên Chúa. Hỡi núi non cheo leo. Ðàn ca lên chúc tụng danh Người
Ngày cuối tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lm. Anmai, CSsR
NỖI KHỔ CỦA NHỮNG VỊ CHỦ CHĂN
'Con hư tại mẹ. cháu hư tại bà !". Câu cửa miệng từ ngàn xưa ông bà ta đã dạy. Thế nhưng rồi đâu hẳn chuyện gì cũng đổ thừa cho cha mẹ. Phần con cái thì chẳng lẽ không có trách nhiệm sao.
Làm việc mệt, nhiều khi cũng chả để ý đến những tin tức này nọ không ảnh hưởng hay liên quan đến bản thân. Mà thật, có những chuyện chả liên quan gì đến mình nhưng rồi cũng có những chuyện làm cho mình suy nghĩ.
Chiều và tối hôm qua, một linh mục và một bạn trẻ và hình như cũng vài bạn trẻ gửi đến bản tin chuyện 2 giáo xứ nào đó bị phạt vì không thi hành lệnh giãn cách. Kèm theo bản tin ấy là những lời không hay lắm cho những người có trách nhiệm và liên quan.
Trong tư cách là linh mục, cha bạn nói : "Làm kiểu này là làm khổ các Đấng rồi ! Hành xử kiểu này là đau đầu các Đấng ở ngoài đó !"
Và cũng chỉ biết nói với cha bạn là thôi thì thêm lời cầu nguyện.
Với bạn trẻ, có lẽ bức xúc hơn nên có những lời không hay về kiểu vi phạm luật định trong thời gian giãn cách xã hội để bảo vệ sinh mạng con người. Âu cũng là suy nghĩ bình thường trước những hành vi mà xem chừng ra gây bất bình đó.
Như lòng của cha bạn, những chuyện xảy ra như thế mới thấy thế nào nỗi lòng của các Giám Mục - của những vị chủ chăn Giáo Phận. Cũng cơm ngày 3 bữa như bao người khác nhưng trách nhiệm của các Ngài không phải chuyện giỡn. Cũng như mọi người đều biết về những quyết định xem chừng ra không bình thường của Giám Mục này, Đức Cha nọ nhưng có ai hiểu được rằng các Ngài phải đắn đo, cầu nguyện và suy nghĩ thật nhiều trước khi đặt bút ký.
Những chuyện xảy ra như thế vừa qua về chuyện vi phạm luật giãn cách chắc có lẽ ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến vị Cha chung của Giáo phận. Đây là điều mà chẳng ai muốn xảy ra trong thời gian phải đối đầu với dịch bệnh.
Vừa qua, cũng trong một bức thư gửi cho linh mục đoàn. Thế nhưng rồi cũng có những ý kiến trái chiều và săm soi. Trong tư cách là Giám Mục Tổng Giáo Phận thì chắc chắn Đức Tổng Giuse phải có những lời nhẹ nhàng và dung hòa từ nhiều phía chứ không thể nào chụp mũ cho ai đó hay cho một nhóm người nào đó. Cũng chả vừa lòng người, cũng có những người tìm cách chống trả lời văn đó.
Giám mục luôn luôn muốn những điều tốt nhất cho giáo phận mình nhưng rồi lại không tránh khỏi những va chạm, những điều không ai muốn. Thật cay đắng cho những người con đã không kiềm lòng được đã làm cho Cha của mình phải đau đầu.
Điều gì không vừa ý thì coi như tìm đủ mọi cách để dèm pha công kích, còn điều tốt thì thử hỏi mấy ai can đảm thực hiện theo.
Cũng Tổng Giáo Phận Sài gòn, Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận vừa gửi thư cho các linh mục nói về Trái Tim Chúa Giêsu với tiêu đề Linh Mục nên thánh.
“Sự thánh thiện đích thực không dừng lại ở danh mục các việc phải làm mà còn là tâm hồn khao khát nên thánh. Nên thánh không chỉ là làm những việc đạo đức tối thiểu, thực hành đức tin tối thiểu và giữ luật tối thiểu, nhưng là hành trình hoán cải liên tục và khao khát nên giống Chúa mỗi ngày một hơn, “cho tới khi Đức Kitô được hình thành trong anh em” (Gl 4, 19). ...”
Rất hay, Đức Tổng nói : ” Nếu không thánh thiện, sẽ chẳng có hồn tông đồ và lòng nhiệt thành truyền giáo.”
Tất cả tâm tình Linh Mục nên Thánh được Đức Tổng dựa trên Lời Chúa cũng như tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Như vậy, từ ngày xưa, Chúa Giêsu, qua các vị chủ chăn luôn luôn muốn hướng các linh mục nên thánh.
Để kết bức thư, Đức Tổng chân tình : “Xin quí cha thương cầu nguyện cho tôi để chính tôi cùng với quí cha có khả năng dẫn đầu đoàn Dân thánh thiện của Chúa. Xin Chúa ban bình an và dồi dào ân sủng cho quí cha và các cộng đoàn của quí cha, đặc biệt trong thời gian đại dịch này.”
Thế đó, điều mà các vị Chủ Chăn luôn muốn như Đức Tổng Giuse đó là nếu không thánh thì chẳng có hồn tông đồ và lòng nhiệt thành truyền giáo. Để có hồn và lòng không phải đơn giản. Nếu ai ý thức đủ thì sẽ cùng và với Đức Tổng nên thánh, ngược lại thì ...
Mãi mãi cứ phải cầu nguyện cho các Chủ Chăn bởi gánh nặng trách nhiệm về công việc, về sứ vụ đè nặng trên vai. Và trên tất cả mọi điều đó là ước muốn nên thánh.
Mỗi chúng ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục giáo phận để các Ngài hoàn thành sứ vụ chủ chăn mà Thiên Chúa trao phó nơi các Ngài.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu 2021
Lm. Anmai, CSsR 8 tháng 6 năm 2021
LẶNG LẼ NHƯ CUNG CÁCH CHA ĐÃ SỐNG
Ai ai cũng biết tình hình dịch bệnh để rồi mọi người bất kể ai phải tuân giữ quy định của y tế không chỉ để bảo vệ mình mà còn bảo vệ cộng đồng nữa. Những Thánh Lễ an táng của bất cứ ai trong những ngày này thật lặng lẽ.
Như những đám tang khác, anh em sẽ được "từ giã khỏi căn nhà mà bao nhiêu năm Cha / Thầy chung sống với anh em để đến căn nhà lớn lơn ...". Hình ảnh anh em rước linh cửu với ánh nến lung linh huyền nhiệm ấy đến nay đã không còn do dịch bệnh.
Nhìn cảnh vài người tiễn đưa Cha Cố Giuse Trần Ngọc Thao rời khỏi Tu Viện Kỳ Đồng - Tu Viện mà Cha như gắn bó cả cuộc đời trong các cương vị là Giám Tỉnh, Giám Đốc Học Viện ...) ai cũng chạnh lòng. Một vài người đứng xa xa quay cảnh tiễn đưa mà ngấn lệ. Đơn giản là mọi người đều dành cho Cha Giuse sự trân quý mà không phải ai cũng có. Dành tình cảm như vậy chỉ vì Cha quá yêu thương mọi người và nhất là những người cô thế cô thân, những người xem chừng ra loại bỏ như tâm tình trong bài giảng Lễ an táng mà Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích giảng sáng hôm nay.
Khung cảnh trầm buồn khi Cha ra đi cánh cửa nhà thờ mới mở bởi lẽ giãn cách. Thánh Lễ an táng của Cha được 3 Cha đồng tế (Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích chủ tế, 2 Cha nữa là cha Phó Giám Tỉnh Đaminh Nguyễn Đức Thông và cha Phêrô Đinh Ngọc Lâm - Bề Trên Chánh Xứ Kỳ Đồng).
Và, chắc chắn, con đường Cha đi đến trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa hôm nay cũng không còn cảnh kẹt xe như bao đám tang khác. Cha lặng lẽ rời Tu Viện, Cha lặng lẽ rời khỏi những người anh em, những người con yêu quý Cha.
Nỗi đau ấy kéo dài từ con đường tiễn Cha đi đến tận trung tâm hỏa táng. Theo quy định chung, không kinh hạt, không nghi thức. Chiếc áo quan trong đó chất chứa Cha Giuse đáng kính đã vội đưa xuống lò hỏa táng đến độ anh em không đủ thời gian thắp nén hương tưởng nhớ.
Ơ mà ! Buồn thì có buồn nhưng hình như cả đời Cha Giuse lặng lẽ là như vậy đó.
Biết "nó" được lãnh sứ vụ phó tế, vì tình thương, Cha Cố đến bảo "nó" Chúa Nhật này (sau ngày lãnh sứ vụ phó tế) ra nhà thờ giảng nhé !
Ở cái tòa giảng Kỳ Đồng, đâu phải dễ đứng đó. Bài giảng được Cha Cố yêu thương sửa đỏ choét. Và rồi nhờ ơn Chúa, nhờ sự hướng dẫn chân thành và nhỏ nhẹ, "nó" đã hoàn thành lời mời yêu thương của Cha Cố.
Nặng nợ lắm với chiếc áo Lễ màu đỏ thêu chân dung Mẹ Hằng Cứu Giúp. Rất chuẩn mực của sự vâng lời và lối tu cổ. Cha Cố đến xin phép Cha Giám Đốc Học Viện để trao tặng Cha mới chiếc áo Lễ đỏ.
Thương lắm những ân tình lặng lẽ mà "nó" nhận được từ nơi Cha Cố Gius.e Mà cũng chả phải mình "nó". Hình như là nhiều và nhiều người lắm cứ âm thầm kéo đến Cha để xin nép mình vào lòng Cha như người Mẹ hiền.
Chiều hôm trước khi Cha rời cõi tạm, kịp thưa với Cha vài lời : "Bố ơi ! Bố đón nhận những cơn đau dâng lên Chúa và cầu nguyện cho con, cho Nhà Dòng Bố nhé !"
Rất tỉnh táo, Bố nhớ "nó" đang ở phương xa cùng với đứa con thân yêu của Cha trong nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ gửi lời thăm Cha. Cha nhớ chứ ! Nhớ sơ Thanh Nga mà !
Lặng lẽ vậy thôi !
Có lẽ Chúa muốn diễn tả sự lặng lẽ như vậy nơi Cha Cố Giuse để rồi thu xếp cho Cha Cố ra đi trong ngày thứ Bảy đầu tháng Kính Mẹ cũng như là thứ Bảy đầu tháng trong tháng Kính Thánh Tâm Chúa cũng như áp Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Chúa như để dấu chỉ lòng thương xót nơi Cha Cố để mọi người cùng tạ ơn Chúa với quãng đời 86 năm làm người và làm con Chúa, 68 năm khấn dòng và 62 năm làm linh mục Dòng Chúa Cứu Thế.
Giữa cái cuộc đời mà người ta thích huênh hoang tự cao tự đại, khoe mẽ đó thì lại có những khuôn mặt âm thầm và lặng lẽ hy sinh phục vụ ơn cứu độ cho người khác, đặc biệt anh em trẻ trong Nhà Dòng được Cha đào tạo : “Các anh em trẻ là những con người tôi muốn đặc biệt chú tâm đến với mục đích huấn luyện, đào tạo những thế hệ tu sĩ và linh mục DCCT có một tinh thần và một lối sống mới khác hẳn với những tranh chấp và tham vọng, để hướng họ về lý tưởng hết mình dấn thân phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ trong DCCT.”
Với ơn gọi thì Cha Cố thổ lộ như thế này : “Tôi cảm thấy thoải mái trong ơn gọi và đời tu DCCT. Gương hy sinh và tận tâm của các bậc đàn anh cũng như tinh thần phục vụ của các anh em khác đã khích lệ tôi rất nhiều trong cuộc sống, khi tôi phải thực hiện những công việc trong Tỉnh Dòng và trong Giáo Hội. Những kinh nghiệm cụ thể về con người và đời sống cộng đoàn cũng giúp tôi ngày càng trưởng thành hơn về nhân bản và đời tu.”
Cha cố Giuse kính mến ! Con và Nhà Dòng cùng nhiều người khác mang ơn Bố nhiều, tri ân Bố vì tất cả những gì âm thầm và lặng lẽ mà Bố đã làm cho chúng con. Hình ảnh và tấm lòng của Bố vẫn còn đâu đó với chúng con, hình ảnh của một người Bố nhân hiền khiêm hạ.
Bố đi bình an Bố nhé ! Xin thương cầu nguyện cho anh em trong Nhà Dòng và những người thân thương với Bố, Bố nhé ! Hẹn gặp Bố trên Nước Trời.
Ngày lễ an táng Cha Giuse Trần Ngọc Thao, CSsR
Lm. Anmai, CSsR 7 tháng 6 năm 2021
QUÝ DZỊ THẤY EM ĐẸP HÔNG QUÝ DZỊ ! EM ĐẸP !
"Quý dzị thấy em đẹp hông quý dzị ! Em đẹp !" Là câu nói của một nữ doanh nhân thành dạt.
Câu nói này hình như là cửa câu cửa miệng của chị ta. Nhiều người thấy làm thú vị và chua thêm điều này điều kia cho câu nói này.
Nghe vậy, bỉ nhân thầm nghĩ con người có đẹp đi chăng nữa thì được mấy mươi năm. Cái đẹp ấy liệu chăng có tồn tại mãi với thời gian.
Bỉ nhân, chả phải doanh nhân mà cũng chả thành đạt gì trong cuộc sống. Chỉ được cái là làm người, làm con Chúa và làm tu sĩ linh mục. Vậy thôi nhưng bỉ nhân thường hay chọc những người gặp bỉ nhân và cả trên tòa giảng : "Ma hờn bà cố vì bà cố sinh ra ma đẹp trai !"
Mấy đứa nhỏ vui và Lễ xong hay nói : "Con chào ma đẹp trai !"
Thật sự thì cái mặt mình có đẹp gì đâu. Chém gió chút cho vui thôi. Thi thoảng soi gương thì cũng có đẹp mà là đẹp hơn Chí Phèo trong ngòi bút của Nam Cao thôi. Nhìn cái mặt có khi ớn vì na ná như anh Chí Tài kia "mặt xệ".
Kệ, mặt xệ hay không không biết nhưng khi hiện diện bất cứ ở đâu mang lại tiếng cười là được,
Ơ hay ! Đẹp gái hay đẹp trai cũng chỉa là cái trời cho mỗi người. Thế nhưng hình như cái nhan sắc của mỗi người đều tàn phai theo năm tháng.
Thực tế là có nhiều cụ ông cụ bà khi xem hình lại không tin vào mắt mình. Đơn giản là hồi trẻ các cụ nhìn xin lắm cơ. Mẹ của nhỏ bạn chí cốt cũng thế ! Năm bay bà ngót ghét tám chục chứ thuở thanh xuân bà đẹp lắm. Mẹ bỉ nhân cũng vậy thôi. Hồi còn sinh thời phải nói là : Mẹ đẹp !
Chuyện đẹp khuôn mặt, đẹp vóc dáng có lẽ là niềm mong nỗi ước không phải của riêng ai. Những ai sở hữu khuôn mặt không đẹp hay vóc dáng dị dạng một chút chắc có lẽ vừa đau khổ vừa mặc cảm.
Thế nhưng rồi ta thấy cái xấu hay là cái dị dạng chưa hẳn là xấu. Chuyện quan trọng nhất là làm gì cho đời và cho người và nhất là tâm hồn như thế nào.
Nhiều và nhiều lắm những con người khuyết tật nhưng họ đã vượt lên chính mình, vượt lên thân phận và giúp ích cho đời.
Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Thảo Vân là hai anh em bị tật nguyền nhưng là hiệp sĩ công nghệ thông tin.
Hẳng ta còn nhớ anh chàng Nguyễn Sơn Lâm – chinh phục Phan xi păng với chiếc nạng gỗ. Cô gái “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Anh và - Kỷ lục gia châu Á 12 tuổi chơi 7 nhạc cụ cùng nhiều người khác nữa.
Chắc mọi người không quên Stephen Hawking . Nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học Stephen Hawking sinh ngày 8 tháng 1 năm 1942. Năm 21 tuổi, khi đang theo học tại Đại học Cambridge, ông bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ với tiên lượng chỉ có thể sống thêm 2 năm nữa.
Tuy nhiên, tình yêu với Jane Wilde, người vợ đầu đã trở thành động lực giúp Stephen Hawking vượt qua nỗi ám ảnh bệnh tật và theo đuổi niềm đam mê khoa học.
Hawking là người đầu tiên đặt nền móng cho nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử.
Và đặc biệt với Nick Vujicic – Người không tay và chân “chạm tay” vào hạnh phúc. Nick Vujicic mặc dù được sinh ra với thân thể khuyết tật nhưng anh vẫn luôn khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Anh định nghĩa cuộc đời mình mang sứ mệnh đem đến hy vọng cho mọi người và rồi anh đã sống với định nghĩa đó trong cuộc đời của anh.
Hơn cái đặc biệt là đi bất cứ đâu và nhất là vào Việt Nam, khi thuyết trình, anh mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của mình. Điều bi hài là có những người khỏe mạnh, thành đạt lại chối bỏ Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, không ít những người sở hữu khuôn mặt đẹp, khả ái lại đi làm điều bất chính. Nhiều người đã bị đánh lừa bởi quần áo lụa là gấm vóc bên ngoài cũng như son phấn mà quên đi cái nội dung. Dĩ nhiên cái hình thức, cải vẻ bên ngoài của con người cũng quan trọng nhưng nó không "định giá" giá trị của một nhân cách. Đó chính là cung cách lựa chọn sống của mỗi người.
Thế cho nên đẹp xấu, giàu nghèo, sang chảnh hay đơn giản không quan trọng. Đời con người quan trọng nhất vẫn là sự cống hiến, sự chia sẻ cho người khác và sống hết lòng hết mình cho người khác và vì người khác.
Nhiều người vì chỉ dự vào vể bề ngoài để rồi bị đánh lừa. Chỉ đến khi khám phá ra sự thật thì vẻ đẹp bề ngoài chả phải là điều để "định giá" giá trị của một tâm hồn.
Bà mẹ già Teresa Calcutta da nhăn nheo nhưng Mẹ Thánh lại có tâm hồn bao dung và bác ái mà ít ai có được. Nếu như bình thường nhận định hay đánh giá Mẹ Thánh chắc là lầm chết nhất là khi còn sống Mẹ lại lang thang rong ruỗi nhưng khu bẩn thỉu dơ dáy, ổ chuột của người nghèo Ấn Độ.
Phúc thay cho những ai có khuôn mặt đẹp lại sở hữu tâm hồn đẹp là sống biết cho đi, sống vì và sống cho người khác.
Lm, Anmai, CSsR 7 tháng 6 năm 2021
LĂNG XĂNG QUÁ !
Cả ngày mệt, già nên vào giấc cực khó.
Vừa lim dim một chút thì chú em ở miền Tây nhắn tin hỏi : "Cha ơi ! Chuyện chú HL có thật không cha ? Con hoang mang quá ! Con không nghĩ Chú như vậy !".
Chưa kịp trả lời thì chú tiếp tục : "Cha ơi ! Chuyện cô PH sao Cha ? Cô ấy theo như Cha nghĩ thế nào Cha ơi !"
Như bao lần trả lời cho những câu hỏi đại loại như thế. Không khó để người nhắn lời xem ra thẳng và đắng : "Con ơi ! Chuyện những người đó Cha không biết, Cha cũng không nhận định gì. Có những chuyện có khi mình nhìn thấy trước mắt nó là vậy nhưng nó không phải là vậy đâu con".
Chù em nhắn : "Dạ".
Tiếp tục nhắn thêm : "Con à ! Theo Cha nghĩ, những chuyện đó chả ăn nhập gì chuyện đời con, chuyện ơn cứu độ của con và gia đình con. Chuyện quan trọng là bây giờ Covid đã đến gần sát nhà con. Kinh tế bây giờ khó khăn rồi nè ! Chuyện cần hơn theo Cha nghĩ là con lo cho gia đình con, cho bản thân con đi. Những chuyện khi nào ảnh hưởng đến con và gia đình thì hẳn lo. Con lo phần mình đi con. Con ngủ ngon nhé !"
Chú em nhắn : "Con hiểu rồi ! Con cám ơn Cha ! Cha ngủ ngon !"
Vậy đó, vẫn được nhắc hỏi những câu như thế !
"Cha ! Con thấy có người kia đi Lễ mà không rước Lễ. Họ lên quỳ xuống và xin Cha đặt tay vó vẻ khẩn thiết lắm ! Con thấy lo cho họ quá !"
Chuyện là trả lời luôn : "Chị ! Nói chuyện với Cha kiểu này là Cha xin phép không trao đổi. Tính Cha cực kỳ ghét nói xấu người khác. Chị cũng như Cha hãy lo chuyện của bản thân mình, của gia đình mình của cộng đoàn mình thôi ạ ..."
Ơ hay nhỉ ! Tính mình là vậy đó mà mình lại gặp những người hay lo chuyện bao đồng, hay xen vào chuyện người khác cũng như lăng xăng bao chuyện không phải của mình.
Cách đây cũng vài năm, một cô hỏi : "Cha ơi ! Sao cha đó hồi tục vậy cha ?"
Nghe xong hồi âm ngay : "Muốn thì con hỏi Đức Giám Mục của giáo phận Cha đó nha ! Cha nghĩ nên chăng chuyện con cần lo là con em con không có chồng mà chữa kìa. Còn đứa kia đi ở với người đang có vợ kìa ! Con nên lo chuyện của chính gia đình con hơn là chuyện người khác".
Dĩ nhiên là người đặt câu hỏi chịu thua.
Đời ! Có ai can đảm nói mình không có thập giá đời mình và gia đình mình bằng phẳng. Ngay cả gia đình của tu sĩ linh mục cũng như bao gia đình khác cũng ôm trong mình những gánh nặng của cuộc đời. Có những gia đình mà ông bà cố đau khổ đến chết được và đã chết sớm khi gạp phải điều tiếng về con của mình.
Thế đó ! Cây mỗi hoa và gia đình mỗi cảnh. Hóa ra rằng gia đình nào cũng có hoành cảnh riêng của mình và nhiều người lo cho gia đình mình không xong nhưng lại thích lo chuyện gia đình người khác như người ta hay nói "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" là vậy.
Gia đình mình gặp phải những chuyện thật éo le và khó giải quyết mà mình lại cứ phải lo chuyện thiên hạ. Nhiều người đã lăng xăng lo chuyện thiên hạ một cách quá đáng.
Chuyện ai nào đó sai phạm gì về chuyện từ thiện hay chuyện này chuyện kia là chuyện của họ. Ai dính dự thì họ sẽ giải quyết với đương sự. Mình chả dính dáng gì đến những chuyện đó mà mình cứ tự giải quyết thay họ là phải thế này, phải thế kia ...
Mới sáng sớm, cha bạn gọi nhờ cầu nguyện cho gia đình vì đứa cháu ruột nghi là nhiễm Covid và gia đình ông bà cố cũng nghi và đang bị khoanh vùng giãn cách. Trước đó vài năm, gia đình ông bà cố đã phải rơi vào cảnh khốn quẫn với đứa em làm giấy tờ bán nhà tự hồi nào không biết để rồi ông bà cố phải dọn ra ngôi nhà thân thương bao năm ông bà cố sống trong tiếc nuối và hụt hẫng.
Ba cố già ngoài 80 tuổi. Một ngày đẹp trời con gái yêu của mình giã từ đời tu và về đời thường. Giữa giáo xứ to đùng và bao nhiêu tương quan họ hàng cùng lời ra tiếng vào, bà cố đau đớn đón nhận vì con của mình thấy không hợp với ơn gọi dù ngoài 50 tuổi. Dĩ nhiên mỗi người có một lý do và một hoàn cảnh, nên chăng mình thêm lời cầu nguyện thay vì xét đoán và bình phẩm.
Cũng lạ ! Ai ai cũng có những nỗi đau của mình mà không lo thanh lý nỗi đau đó mà lại cứ thích thanh lý nỗi đau của người khác. Có lẽ do lối sống ảo của ngày hôm nay nó đi vào ngõ ngách tâm hồn của mỗi người để rồi không ai can đảm đối diện với sự thật và thay vì cân chỉnh đời mình thì lại thích đi cân chỉnh đời của người khác.
Tưởng nghĩ mỗi chúng ta cần lặng và lắng để nhìn lại cuộc đời của mình.
Tề gia trị quốc bình thiên hạ ! Cần và cần lắm chuyện tề gia. Hơn cả có lẽ là bình cái lòng bất nhất và hay đổi thay của mình.
Ước gì những chuyện bên ngoài như là những câu chuyện thời sự không thể nào làm xáo động lòng ta. Và, ước gì mỗi chúng ta có cái tâm : tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến.
Lm. Annai, CSsR
6 tháng 6 năm 2021
Ơ HAY ! CÁI ÔNG CHA "BÁN"TRỨNG GÀ O ĐỒNG !
Sáng hôm nay, Chúa Nhật Mình và Máu Thánh Chúa ! Chẳng cần phải nói nhiều, ai ai là người Kitô hữu đều cảm, đều hiểu, đều thấu được cái Bí Tích huyền diệu ấy !
Lời nguyện Nhập Lễ của ngày hôm nay đậm ý nghĩa của mầu nhiệm Tình Yêu : "Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình Và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời".
Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này đó là gì ? Đó là phải chăng người Kitô hữu tôn kính và thờ lạy Tình Yêu tự hiến mang tên Giêsu. Kèm theo đóm Tính Yêu tự hiến ấy mời gọi mỗi người và nhất là linh mục của Chúa : Anh em hãy cho họ ăn !
Cũng sáng hôm nay, ở góc đường vòng xoay Lăng Cha Cả, ở cái giáo xứ Mẫu Tâm nhỏ bé, người đi ngang bắt gặp cái ông cha xứ Martinô bán trứng với giá "0 đồng".
Ơ hay ! Ông cha xứ này lạ nhỉ ! Không chịu ở trong cái phòng máy lạnh giữa khí trời nóng bức và cô Côvy tung tăng mà lại ra lề đường "bán trứng".
Hay lắm chứ ! Cha Xứ Mẫu Tâm và nhiều ông cha khác nữa thuộc Dòng trợ tá Camilo ở trong cái giáo xứ "Từ Mẫu" ấy ngày mỗi ngày dong duỗi trên mọi nẻo đường đời để chia sẻ, để băng bó vết thương lòng cho những tâm hồn tan vỡ.
Có lẽ sự khó khăn bởi sự hoành hành của con Côvy 19 đang bắt đầu bùng phát để rồi lòng nhủ lòng Cha Xứ Mẫu Tâm và nhiều Cha khác nữa đã ra "vùng ngoại biên" để làm chút gì đó cho đời.
Ở đời ! Ta vẫn nghe nười này oán trách cha này, hờn giận cha nọ ! Ơ mà hay ! Làm sao sống vừa được hết lòng người. Mà nè ! 12 tông đồ còn có người bán Chúa cơ mà ! Hơi đâu mà xỉa xói, vạch lá tìm sâu. Tại sao không nhân rộng những mục tử tốt lành mà cứ đi bới lên những linh mục có tì vết. Mà xét cho bằng cùng họ cũng chả đụng chạm gì mình.
Thay vì tìm cách để kết án, nên chăng ta nhân rộng những nhân cách sống, những tấm lòng mục tử nhuốm mùi chiên.
Trải qua những mối tương quan này nọ, ít nhiều gì bỉ nhân cũng đã thấy và học theo những vị mục tử đã sống hết mình, hết lòng với đoàn chiên chứ không hề vun vén cho bản thân mình.
Cố linh mục Henri Bạch Văn Lộc, một cây đại thụ của Dòng Chúa Cứu Thế về lòng nhân hậu. Cha cố đã cho đi, cho đi cả tính mạng của mình khi phải đi trong đêm đen để đến các bệnh viện để xức dầu bệnh nhân.
Cố linh mục Matthêu Vũ Khởi Phụng thì chả biết phải ví Ngài thuộc dạng gì đây ? Ai sống chung với Ngài đều biết mà ! Tay trái nhận gì thì tay phải cho đi hết. Đến khi con cái nói trong túi quà có Bác thì mới biết là Cha đã cho người nghèo rồi. Cha cố Matthêu là vậy đó ! Cho đi tất, cho đi tất !
Cố linh mục Michel Nguyễn Hữu Phú là một "hiện tượng". Cha Cố đã giao nộp tất cả cho Nhà Dòng những huê lợi, những gì Cha có.Cha ra đi trong thanh thản, bình an và nhẹ nhàng. Cha Giuse Kha gọi Cha cố Michel là thiên thần của Chúa.
Cố linh mục Giuse Trần Ngọc Thao cũng vậy. Khi nằm xuống, Cha đã cho đi tất cả. Không phải ngày nằm xuống mà ngày mỗi ngày, Cha đã chia và chia cho hết những gì Cha có.
Là thân phận của mục tử, bỉ nhân cũng được lời mời gọi của Thầy Chí Thánh mời gọi : Anh em hãy cho họ ăn !
Giữa dân làng nghèo này, con có gì cho họ ăn đây Chúa ?
Nhiều lần đã hỏi Chúa như vậy nhưng rồi trong thinh lặng, trong lắng đọng, người tín hữu đôi khi họ không cần cho họ vật chất mà họ cần linh mục cho họ tấm lòng, cho cả sự hy sinh chịu đựng ở với "đám dân" hỗn loạn như "đám dân" hỗn loạn xưa hô hào treo Chúa lên Bàn Thờ thập tự vậy. Họ không mong mục tử đến cho họ cái ăn của thân xác dù rất cần nhưng họ cần mong mục tử cho họ Lời Chúa, cho họ Bánh Thánh qua bí tích truyền chức mà Thiên Chúa trao ban.
Lòng mục tử là vậy đó ! Chục trứng gà, ổ bánh ... chả là gì cả nhưng nó gói ghém cả tấm lòng của Cha Chính Xứ Mẫu Tâm, của thầy giúp xứ. của nhiều cộng tác viên âm thầm của Cha ở Giáo Xứ Mẫu Tâm. Mẫu Tâm, từ Cha đến con đã sống đúng lòng từ mẫu của Mẹ Maria giữa cơn đại dịch.
Cơn đại dịch dường như chưa dứt hẳn. Đời sống kinh tế của nhiều người và nói chung của cả xã hội sẽ phải điêu đứng. Chính vì vậy, trong lúc này và tương lai gần nhất cần lắm những tấm lòng.
Đâu đó ta thấy những chuyện lem nhem bác ái, từ thiện ... Đừng bận tâm chuyện đó vì chuyện đó chả dính dáng gì đến ta và ai làm sai thì người đói chịu trách nhiệm trước Chúa và lương tâm. Phần ta, diện đối diện với Chúa và trong sâu lắng của cuộc đời, ta bớt ly cà phê, bớt tô phở để chia chút gì đó cho anh chị em cơ nhỡ là quý lắm rồi !
Mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, một lần nữa nhắc nhớ ta mầu nhiệm Tình Yêu mà Chúa Giêsu đã hiến tặng cho nhân loại. Trong, qua và với Bí Tích Tình Yêu, ta nhận tình yêu của Chúa để rồi ta cũng chia sẻ tình yêu đó cho đồng loại. Phải chăng đó là cách thiết thực nhất mà ta mừng Lễ hôm nay.
Mỗi khi rước Mình và Máu Thánh Chúa, xin cho ta cảm nghiệm được Tình Yêu Chúa thẩm thấu trong xương thịt của ta để rồi từng lời ăn tiếng nói, từng cung cách hành xử của ta cũng man mác tình yêu của Thiên Chúa. Khi và chỉ khi ta là tấm bánh cho người khác ăn thì khi đó ta mới là môn đệ thật của Đức Kitô và là tấm bánh mà Chúa mời gọi chúng ta.
Xin cho mỗi người chúng ta trở nên bánh của nhau như Đức Kitô là Bánh bởi Trời ban cho nhân loại.
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô 6-6-2021
Lm. Anmai, CSsR
KHIÊM TỐN NHẬN LỖI
Trong cuộc sống, mỗi khó khăn, biến cố như một cánh cửa, mà cánh cửa này lại không vừa khớp kích thước của Ta. Có lúc nó sẽ thấp hơn một cái đầu, có lúc chật chỉ bằng nửa thân người. Muốn vượt qua, người thấu hiểu sẽ biết cúi đầu, khom lưng hoặc lách người; Còn kẻ cố chấp thì sẽ đụng tường vì không chịu tránh, tự gây thương tích, và chẳng đi nổi qua cánh cửa ấy.
Làm người, ai không từng phạm phải sai lầm. Có thể gập vào thì mới có thể duỗi ra, có thể lui mới có thể tiến, có thể nhu mới có thể cương. Có những người chỉ luôn thích kiễng chân, vươn cao cổ để vượt trên người khác, nổi danh trong thiên hạ. Kỳ thực, những suy nghĩ đó chỉ khiến bản thân họ càng trở nên mệt mỏi hơn thôi.
Khiêm tốn, cúi đầu - không phải là chỉ biết cúi xuống cam chịu, mà đó là cách ứng xử. Hết thảy chúng ta luôn có ý thức khẳng định mình, nuôi dưỡng ý chí và khát khao, đó là điều rất đáng quý, nhưng cũng dễ có những nhược điểm tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn .… Vì quá tự tôn nơi chính mình nên Ta không chấp nhận học tập sự thành công nơi người khác.
Có lẽ hình ảnh của cô Hồng Vân và anh Quyền Linh đã để lại trong lòng khán giả sự trân quý như đã trân quý vốn có từ thuở trước. Đã nhận ra những gì mình làm sai để rồi 2 nghệ sĩ nổi tiếng đã can đảm nhận cái sai của mình để nói lời xin lỗi.
Để có được thái độ, hành động, lời nói xin lỗi trước hết con người phải có sự khiêm tốn.
Ta thấy nhiều nguyên thủ quốc gia hay những vị lãnh đạo cao cấp trong nhiều quốc gia cũng như lãnh đạo nhiều công ty hãng xưởng, khi họ làm lỗi họ không ngần ngại đứng lên xin lỗi công chúng. Phải nói thái độ khiêm tốn nhận lỗi không phải ai cũng làm được.
Hẳn ta còn nhớ Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã không ngần ngại gửi lời xin lỗi ;
Tội diễn ra trong quá trình chinh phục châu Mỹ nhân danh Giáo hội Công giáo.
Việc kết án oan nhà khoa học Ý Galileo Galilei trong khi bản thân ông là một tín đồ ngoan đạo (xin lỗi vào ngày 31 tháng 10 năm 1992).
Sự dính líu của Giáo hội trong việc buôn bán nô lệ châu Phi (ngày 9 tháng 8 năm 1993).
Vai trò của Giáo hội trong việc thiêu sống những tín đồ dị giáo và các cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra sau cuộc cải cách Kháng cách (tháng 5 năm 1995, tại Cộng hòa Séc).
Sự đối xử bất công đối với phụ nữ, sự vi phạm quyền phụ nữ cũng như việc bôi xấu, gièm pha, phỉ báng vai trò của phụ nữ (viết trong một bức thư gửi cho toàn bộ giới phụ nữ trên hoàn cầu vào ngày 10 tháng 7 năm 1995).
Sự im lặng của nhiều chức sắc Công giáo trước các hành động diệt chủng của chế độ phát xít (16 tháng 3 năm 1998)
Thừa nhận sai lầm của Giáo hội trong việc xử tử Jan Hus (18 tháng 12 năm 1999 tại Praha).
Ngày 12 tháng 3 năm 2000, trong bài giảng tại Thánh lễ Ngày Tha thứ, Giáo hoàng đã xin Chúa tha thứ về những tội lỗi mà người Công giáo đã thực hiện trong lịch sử Tờ The Guardian xếp những tội lỗi đó thành bảy loại: tội chung; tội gây ra nhân danh chân lý; tội về sự hiệp nhất Kitô giáo; chống lại người Do Thái; thiếu tôn trọng tình yêu, hòa bình và văn hóa; tội về phẩm giá phụ nữ và các nhóm thiểu số; tội về nhân quyền.
Xin lỗi về tội của quân Thập Tự chinh trong việc xâm lược và tàn phá thành phố Constantinoplis. (4 tháng 5 năm 2001, trong cuộc gặp gỡ với Thượng phụ Đại kết của Constantinopolis Vartholomaíos I).
Ngày 20 tháng 11 năm 2001, Đức Giáo hoàng đã gửi thư điện tử đầu tiên của mình có nội dung xin lỗi về các tội của Giáo hội đối với các vụ án lạm dụng tình dục trong giới Công giáo, đối với thế hệ bị đánh cắp trong cộng đồng người bản địa ở Úc, và về những lỗi lầm của các nhà truyền giáo tại Trung Quốc trong quá khứ.
Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra hòa giải với Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo và Anh giáo. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật Giáo, Khổng Giáo, Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo, Cao Đài và Hồi Giáo. Ngài còn là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm một ngôi đền Hồi Giáo ở Syria, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên tổ chức ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm vùng Thánh Địa Jerusalem.
Trên thế giới, chẳng có ai can đảm như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã để lại cho thế giới mẫu gương của sự khiêm tốn thú tội. Để được ơn tha thứ, trước tiên con người phải nhận ra những sự sai trái của mình.
Cuộc sống này, để đi từ mong muốn đến thực tế là một chặng đường dài cần phải nhẫn chịu và kham khổ. Có câu: “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”. Lúa càng chín, hạt càng chắc, đầu sẽ rủ xuống. Còn cỏ dại lúc nào cũng ngẩng đầu lên. Nhưng bông lúa luôn được coi trọng, cỏ dại lại chẳng được đoái hoài ....
Mỗi người chúng ta, ngày mỗi ngày, giờ mỗi giờ, phút mỗi phút, giây mỗi giây hãy đắm chìm trong sự khiêm tốn để nhìn nhận cũng như xin lỗi về những sai trái khuyết điểm mà mình đã làm tổn thương anh chị em đồng loại của mình. Có xin lỗi, có nhận lỗi trước hết lòng chúng ta được thanh thản và bình an.
Lm. Anmai, CSsR 3 tháng 6 năm 2021
TRIỆU NGƯỜI QUEN CÓ MẤY NGƯỜI THÂN, KHI LÌA TRẦN CÓ MẤY NGƯỜI ĐƯA ...
Sáng nay, anh bạn gửi cái video một tang Lễ có lẽ ở gần nhà Anh với hình ảnh thật đìu hiu. Dường như chỉ có 8 anh nhân viên khiêng cỗ quan tài nặng trĩu và ai đó đứng gần đưa cái điện thoại di động gần đến chiếc xe tang để quay.
Nếu như không dịch bệnh, có lẽ ít cũng có người thân trong gia đình hay là ít là hàng xóm chạnh lòng thương. Thế nhưng rồi dịch bệnh thì không thể và không thể.
Tuần trước, qua chiếc màn hình vi tính nhìn 2 tang lễ thật âm thầm. Tang Cha Xứ trước khi luật định nên còn được các cha trong hạt và một số giáo dân. Cha giáo già chỉ có được 10 cha dâng Lễ. Còn nhiều Cha gần đó nhưng không thể vì luật đã định.
Nhìn Tang Lễ vị giáo già 92 tuổi đáng kính chắc có lẽ không ai khỏi ngậm ngùi.
Và ngày mai đây, xêm nhau vài giờ đồng hồ. 2 Tang Lễ của một Cha già và một cha còn quá trẻ cũng sẽ được diễn ra và cũng chỉ trong bầu khí âm thầm và lặng lẽ. Miền Trung và miền Tây sông nước cũng ảnh hưởng do dịch bệnh nên đành chịu vậy mà thôi.
Trong tâm tình ấy, bỉ nhân gửi lời của cố nhạc sĩ Vũ Thành An cho linh mục nhạc sĩ đàn ông xem : Triệu người quen có mấy người đưa. Cha Thành Tâm hỏi lại như không biết : "Sao tủi vậy ? Có chuyện gì vậy ?"
Chẳng lẽ Tí Ti không biết vì sao ư ? Từng "người tình" rồi cũng sẽ lần lượt bỏ ta ra đi dù muốn dù không vì không qua khỏi cái quy luật xem chừng ra nghiệt ngã của đời người. Rồi gần đây, 2 "người tình" của anh em Dòng Chúa Cứu Thế sẽ về lòng đất mẹ ở cái tuổi già nua tuổi tác và với Cha giáo đáng kính của nhiều người cũng sẽ ra đi. Cha đã quá xuống sức mặc dù Nhà Dòng, mặc dù mọi người tận tâm chăm sóc cũng như muốn giữ lại khuôn mặt của Cha.
Bỉ nhân có chọc Tí Ti tí : "Giờ chỉ có ma Down thương và nhớ Tí Ti thôi ! Giờ hổng ai còn nhớ Tí Ti đâu mà lo ! Nhiều người quen lắm nhưng ai là người nhắn tin thăm Tí Ti mỗi ngày nè !"
Thật thế ! Khi còn trẻ, khi còn chức còn quyền thì kẻ đón người đưa. Khi tuổi xế chiều thì lúc đó mới biết đá biết vàng và lúc đó mới hết tơ vương.
Có người nói : "Chả lẽ tháng này Dòng Chúa Cứu Thế là chịu nhiều đại tang như thế sao ?". Nghe câu nói đó mà lòng chạnh lại. Thật tình chẳng ai muốn chia xa những khuôn mặt thân quen đã hơn một lần sống cùng, sống chung và sống với.
Điều mà cố nhạc sĩ Vũ Thành An nói như lời tiên tri vậy : "Khi lìa trần có mấy người đưa ?".
Thật ra thì chuyện mấy người đưa cũng có gì là quan trọng đâu. Khi chết rồi thì có biết gì về cái đám tang của mình đâu. Có chăng do cách mình ăn ở mà được nhiều người tìm đến để như chào lời chào từ biệt cũng như nhắc nhớ mỗi người chúng ta "nay người mai ta".
Với người Kitô hữu, có lẽ chuyện mấy người đưa không quan trọng bằng chỉ cần một người đưa. Một người đó là ai ? Người đó chính là vị Vua Tình Yêu, là Giêsu Kitô, là Đấng Hằng Sống đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha mà thôi.
Với xác tínvà niềm tin như vậy thì dữ dội và dịu êm, ồn ào và lăng lẽ của cái cõi tạm này chả là gì.
Sáng nay, một "đồng chí em" ở bên Lào nhắn gửi : "Linh mục Th là người sống hay gây gỗ với anh em, hay gây bất hòa với anh em và không sống chung với ai được. Cha đã dành những ngày cuối đời sống với anh chị em nghèo miền Thượng".
Ghi lại với chú em những dòng này : "Thôi thì thật chú em ! Cứ ghi vậy cho dễ thêm lời cầu nguyện chứ không chỉ là sáo ngữ !"
Nghĩ thế, nói thế để cân chỉnh đời mình sống làm sao để cho người khác dễ sống chút. Ai cũng có cái tôi của mình để rồi bớt bớt chút sao cho người sống chung dễ chịu để như là dễ người dễ ta vậy. Khó tính khó nết quá mai mốt về nhà Hưu cũng chả ai dòm.
Đời người là vậy đó, cả đời loanh qoanh mỏi mệt, cuối cùng cũng chả còn gì ngoài hai bàn tay trắng cũng như những tội lụy do cái phận người mỏng manh. Với những biến cố của những ngày đại dịch, của những ngày giãn cách này, tưởng nghĩ mỗi chúng ta có thời gian để nhìn lại đời mình vì nhìn qua nhìn lại đời đã xanh rêu rồi. Với ý thức như vậy, nên chăng đời ta bớt nhí nhố hơn.
Trong những ngày dịch bệnh này, nên chăng mỗi người hãy trở về : về với gia đình mình, về với chính mình và nhất là về với Đấng yêu thương và là Chủ của đời mình. Khi và chỉ khi lòng ta lặng đủ để ta kết hiệp với Chúa thì tất cả những cái tang lễ bề ngoài kèn trống cũng chả là gì cả. Chuyện quan trọng nhất của ta không phải là có mấy người đưa hay triệu người quen nữa mà là được ơn cứu độ, được sự sống vĩnh cửu bên Chúa mà thôi.
Lm. Anmai, CSsR
4 tháng 6 năm 2021
TRIỆU NGƯỜI QUEN CÓ MẤY NGƯỜI THÂN, KHI LÌA TRẦN CÓ MẤY NGƯỜI ĐƯA ...
Sáng nay, anh bạn gửi cái video một tang Lễ có lẽ ở gần nhà Anh với hình ảnh thật đìu hiu. Dường như chỉ có 8 anh nhân viên khiêng cỗ quan tài nặng trĩu và ai đó đứng gần đưa cái điện thoại di động gần đến chiếc xe tang để quay.
Nếu như không dịch bệnh, có lẽ ít cũng có người thân trong gia đình hay là ít là hàng xóm chạnh lòng thương. Thế nhưng rồi dịch bệnh thì không thể và không thể.
Tuần trước, qua chiếc màn hình vi tính nhìn 2 tang lễ thật âm thầm. Tang Cha Xứ trước khi luật định nên còn được các cha trong hạt và một số giáo dân. Cha giáo già chỉ có được 10 cha dâng Lễ. Còn nhiều Cha gần đó nhưng không thể vì luật đã định.
Nhìn Tang Lễ vị giáo già 92 tuổi đáng kính chắc có lẽ không ai khỏi ngậm ngùi.
Và ngày mai đây, xêm nhau vài giờ đồng hồ. 2 Tang Lễ của một Cha già và một cha còn quá trẻ cũng sẽ được diễn ra và cũng chỉ trong bầu khí âm thầm và lặng lẽ. Miền Trung và miền Tây sông nước cũng ảnh hưởng do dịch bệnh nên đành chịu vậy mà thôi.
Trong tâm tình ấy, bỉ nhân gửi lời của cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh cho linh mục nhạc sĩ đàn ông xem : Triệu người quen có mấy người đưa. Cha Thành Tâm hỏi lại như không biết : "Sao tủi vậy ? Có chuyện gì vậy ?"
Chẳng lẽ Tí Ti không biết vì sao ư ? Từng "người tình" rồi cũng sẽ lần lượt bỏ ta ra đi dù muốn dù không vì không qua khỏi cái quy luật xem chừng ra nghiệt ngã của đời người. Rồi gần đây, 2 "người tình" của anh em Dòng Chúa Cứu Thế sẽ về lòng đất mẹ ở cái tuổi già nua tuổi tác và với Cha giáo đáng kính của nhiều người cũng sẽ ra đi. Cha đã quá xuống sức mặc dù Nhà Dòng, mặc dù mọi người tận tâm chăm sóc cũng như muốn giữ lại khuôn mặt của Cha.
Bỉ nhân có chọc Tí Ti tí : "Giờ chỉ có ma Down thương và nhớ Tí Ti thôi ! Giờ hổng ai còn nhớ Tí Ti đâu mà lo ! Nhiều người quen lắm nhưng ai là người nhắn tin thăm Tí Ti mỗi ngày nè !"
Thật thế ! Khi còn trẻ, khi còn chức còn quyền thì kẻ đón người đưa. Khi tuổi xế chiều thì lúc đó mới biết đá biết vàng và lúc đó mới hết tơ vương.
Có người nói : "Chả lẽ tháng này Dòng Chúa Cứu Thế là chịu nhiều đại tang như thế sao ?". Nghe câu nói đó mà lòng chạnh lại. Thật tình chẳng ai muốn chia xa những khuôn mặt thân quen đã hơn một lần sống cùng, sống chung và sống với.
Điều mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói xưa như lời tiên tri vậy : "Khi lìa trần có mấy người đưa ?".
Thật ra thì chuyện mấy người đưa cũng có gì là quan trọng đâu. Khi chết rồi thì có biết gì về cái đám tang của mình đâu. Có chăng do cách mình ăn ở mà được nhiều người tìm đến để như chào lời chào từ biệt cũng như nhắc nhớ mỗi người chúng ta "nay người mai ta".
Với người Kitô hữu, có lẽ chuyện mấy người đưa không quan trọng bằng chỉ cần một người đưa. Một người đó là ai ? Người đó chính là vị Vua Tình Yêu, là Giêsu Kitô, là Đấng Hằng Sống đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha mà thôi.
Với xác tínvà niềm tin như vậy thì dữ dội và dịu êm, ồn ào và lăng lẽ của cái cõi tạm này chả là gì.
Sáng nay, một "đồng chí em" ở bên Lào nhắn gửi : "Linh mục Th là người sống hay gây gỗ với anh em, hay gây bất hòa với anh em và không sống chung với ai được. Cha đã dành những ngày cuối đời sống với anh chị em nghèo miền Thượng".
Ghi lại với chú em những dòng này : "Thôi thì thật chú em ! Cứ ghi vậy cho dễ thêm lời cầu nguyện chứ không chỉ là sáo ngữ !"
Nghĩ thế, nói thế để cân chỉnh đời mình sống làm sao để cho người khác dễ sống chút. Ai cũng có cái tôi của mình để rồi bớt bớt chút sao cho người sống chung dễ chịu để như là dễ người dễ ta vậy. Khó tính khó nết quá mai mốt về nhà Hưu cũng chả ai dòm.
Đời người là vậy đó, cả đời loanh qoanh mỏi mệt, cuối cùng cũng chả còn gì ngoài hai bàn tay trắng cũng như những tội lụy do cái phận người mỏng manh. Với những biến cố của những ngày đại dịch, của những ngày giãn cách này, tưởng nghĩ mỗi chúng ta có thời gian để nhìn lại đời mình vì nhìn qua nhìn lại đời đã xanh rêu rồi. Với ý thức như vậy, nên chăng đời ta bớt nhí nhố hơn.
Trong những ngày dịch bệnh này, nên chăng mỗi người hãy trở về : về với gia đình mình, về với chính mình và nhất là về với Đấng yêu thương và là Chủ của đời mình. Khi và chỉ khi lòng ta lặng đủ để ta kết hiệp với Chúa thì tất cả những cái tang lễ bề ngoài kèn trống cũng chả là gì cả. Chuyện quan trọng nhất của ta không phải là có mấy người đưa hay triệu người quen nữa mà là được ơn cứu độ, được sự sống vĩnh cửu bên Chúa mà thôi.
Lm. Anmai, CSsR
3 tháng 6 năm 2021
CƯ DÂN MẠNG VÀ CHUYỆN THÔNG TIN
Chuyện mới xảy ra về một bài viết nào đó được loan truyền trên mạng cách chóng vánh và mang tính thời sự. Bút tích bài viết đó khi được vị linh mục phụ trách về Truyền Thông của Giáo Phận viết thư minh định bài viết đó không phải là của Đức Cha Giuse thì mọi người mới vỡ lẽ.
Thật ra, sự kiện vừa qua cũng chỉ là giọt nước tràn ly cho thời buổi bùng nổ thông tin. Với cái không gian mạng rộng lớn bao la, người ta tha hồ mà nhiễu nhương trên đó để như đánh bóng tên tuổi của mình hay là vì lợi ích nhóm của mình.
Giữa thời đại thông tin bùng phát như thế này, có thể nói rằng khi nào nghe chính từ miệng của người đó nói ra (có video, có âm thanh, có hình ảnh) thì khi đó mới xác thực được người đó nói. Còn không, ta thấy cả một tập thể làm nhân viên cho đài cnn (có người nói)
Ta quá kinh nghiệm về cái chuyện bỏ vạ cáo gian hay chuyện thổi phồng sự việc trong công chúng. Có khi sự việc chả là gì cả nhưng rồi người này nói qua, người kia nói lại thì sự kiện nó bừng cháy lên lúc nào không biết.
Những câu chuyện buồn về cái chuyện "Phương Hằng tôi" có thấy có nhiều chuyện để nói. Những gì Cô ta đưa ra ánh sáng những sự gian dối hầu cảnh tỉnh cũng như tìm sự công bằng cho con người và xã hội. Thế nhưng rồi xung quanh Cô, có những người xem chừng ra không dính dự gì nhưng cứ cái kiểu "thừa giấy vẽ voi" để rồi thêu dệt lên những câu chuyện cho lâm ly bi dát.
Không phải chỉ một mình Cô Chủ Đại Nam nhưng ai ai trong chúg ta hơn một lần cáy đắng về những câu chuyện thêu dệt không thành có và có thành không. Đúng là miệng lưỡi thế gia.
Ngay cả những người loan tin nhanh chóng, có khi thực sự họ chưa đọc, chưa suy về bản tin đó mà hễ cứ thấy là like và share.
Một Nữ Trợ Tá Tông Đồ lòng trầm buồn khi nói về ơn gọi Nữ Trợ Tá Tông Đồ mà mình đang theo. Cô muốn cho có nhiều ơn gọi nữa nhưng dường như không thấy dù đã dùng mọi kiểu mọi cách để quảng bá cho cái ơn gọi thầm lặng này. Dù in tờ bướm và phát nhưng nhiều năm qua ơn gọi không có. Đơn giản là người ta vẫn đi tìm vinh quang của thế gian, đi tìm cái bề nổi của cuộc đời. Và điều này dễ hiểu cho tâm lý đám đông
Nhiều khi hiệu ứng đám đông đã áp đảo những điều chưa kiểm chứng thậm chí bao che cho sự giả tạo.
Cuộc đời cũng thế ! Đâu phải thấy nước lặng là hồ không có sóng hay thấy gió hiu hiu lại cứ ngỡ không có gì. Có khi từ những ngọn gió hiu hiu ấy mang theo những luồng khi độc giết hại con người mà không ai hay biết. Có khi cái hồ nước tuy lặng nhưng bên dưới chất chứa những dòng nước xoáy sẵn chực nuốt chửng những con người ngây thơ vui vẻ.
Và ở đời, đôi khi người ta dán nhãn cũng như "bắt hình dong" cách quá đáng. Xã hội ngày hôm nay nhiều lần minh chứng cho chúng ta lung linh chưa hẳn là vàng và vàng nhìn thấy đó nhưng chưa hẳn là thiệt. Dựa vào tâm lý đám đông và ảo để rồi một số người tranh thủ lừa đảo niềm tin của người khác.
Ngay cả thực phẩm, thuốc, chất tạo mỡ rút dáng gì đó mà người quảng cáo có bao nhiêu phần trăm là thật. Thế nhưng rồi TV cứ nói tới nói lui riết người ta cứ nghĩ là thật.
Tiếc thay bao nhiêu lần TV nói nhưng thực tế như thế nào con người quá hiểu. TV nói là thịt heo giá 90 nhưng khi ra chợ là cứ phải 140. Tranh luận giữa người bán và người mua đến cực độ để rồi người bán nói : "Chị cứ lên TV mà mua". Điều hay là có nhiều người tin TV sái cổ.
Chúng ta thấy chưa bao giờ mà truyền thông lại chi phối đòi sống con người ngày hôm nay. Con người ngày hôm nay đã đánh mất rất nhiều thời gian cho mạng xã hội ảo và không chân thực.
Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta hơn bao giờ hết và hơn ai hết phải thận trọng khi sử dụng về truyền thông. Cần có những kiến thức cơ bản về truyền thông cũng như có đầu óc để phân định trang nào giả trang nào thật, trang nào câu view câu like kiếm tiền quảng cáo. Những trang đó, họ chuyên đi xào nấu thông tin cũng như đưa ra những cái tít giật gân làm cho người ta bu vào để xem.
Ta thấy có những trang gọi là mang "mùi" Công Giáo hay những cây bút ghi là người Kitô hữu nhưng kỳ thực những trang đó là những trang xào nấu thông tin và giật tít thông tin. Còn mang danh là Kitô hữu nhưng người ta tìm đủ mọi cách để soi cũng như dèm pha đời tận hiết. Họ vui vẻ công kích đời tu để rồi một số người cứ vui vẻ nghe và tin theo.
Qua chuyện người ta để tên bài viết nào đó do Đức Cha Giuse chủ bút như một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta về đạo dức truyền thông, về sự biện phân các trang mạng xã hội. Chúng ta cần và cần lắm ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp để ta phân biệt tin nào là tin giả và tin nào là tin thật. Chỉ có mình Đức Kitô là tin thật và là Tin Mừng của Thiên Chúa. Đơn giản, mỗi Kitô hữu hãy đọc Tin Mừng, nghe Tin Mừng và sống Tin Mừng chứ đừng sống theo kiểu cnn hay kiểu xào nấu thông tin hay là vội vã thông tin khi thông tin chưa kiểm chứng.
Mỗi Kitô hữu phải ý thức và góp phần mình để làm trong sạch truyền thông giữa cơn bão xô của sự thật và sự giả. Mỗi Kitô hữu cần cân nhắc xem nguồn tin trước khi đọc và hơn thế nữa là trước khi share tin.
Lm. Anmai, CSsR
2 tháng 6 năm 2021
NHẬN LỖI KHÔNG NHỤC ! NHỤC KHI KHÔNG NHẬN LỖI !
Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
Nhớ lại ngày xưa Mẹ Thịnh có kể lại câu chuyện như thế này cho nhiều người : Bé Thịnh làm vỡ mấy cái cốc của ông, lo sợ bị mắng, bé khóc toáng lên khi chưa ai kịp phát hiện: “Ông ơi, con mèo làm vỡ cốc của ông… hu hu…”. Lần khác, Thịnh chạy nhảy chơi đùa cùng chị Bống bị ngã rớm máu ở đầu gối, lúc về nhà, Thịnh khóc mách với mẹ tại chị Bống đẩy bé ngã. Nhiều lần khác nữa, bé Thịnh mắc lỗi nhưng luôn đổ cho người khác, lúc thì tại cái ghế, tại con chó, con mèo, tại các anh, các chị lớn, và chưa ai đánh bé cái nào bé đã khóc ầm ĩ lên, thế là ông bà, bố mẹ, các anh chị của Thịnh đều chịu thua Thịnh cả, phải vừa thí vừa nịnh, miễn sao cho Thịnh nín…
Lớn lên, nghe Mẹ bé Thịnh kể rằng thì là từ lúc Thịnh sinh ra đã được nuông chiều, nhà Thịnh cũng rất khá về kinh tế, ông bà nội thương bé nên cứ giữ ở nhà, bé Thịnh đã ba tuổi mà không đi học mẫu giáo như chúng bạn.
Ở nhà không ai muốn làm “phật ý” bé Thịnh, bởi như thế cũng giống như làm phật ý ông bà nội, vì ông bà nội yêu chiều Thịnh lắm, Thịnh muốn gì được nấy, và mọi người trong nhà luôn phải chịu trách nhiệm mỗi khi Thịnh khóc…
Có lẽ chính vì vậy mà Thịnh hay vòi vĩnh, nhõng nhẽo, bướng bỉnh, đặc biệt là bé không biết xin lỗi và luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Điều này chứng tỏ, bé Thịnh hoàn toàn có nhận thức tốt về hành vi của mình, nhưng vì bé hiểu rằng nếu bé đổ vấy lỗi cho ai đó và khóc toáng lên là không ai động đến Thịnh nữa.
Và rồi, câu chuyện của bé Thịnh cũng chỉ là một ví dụ trong cuộc sống của chúng ta. Thường ta thấy thói quen đổ lỗi cho người khác khi mắc lỗi thường bắt gặp ở rất nhiều trẻ, kể cả những trẻ sinh sống trong gia đình không có điều kiện về kinh tế. Trẻ đổ lỗi cho người khác để tìm sự an toàn cho bản thân, để khẳng định “giá trị” của mình, hoặc để kiếm cớ thỏa mãn những đòi hỏi vô lý…
Lớn rồi, nghe Mẹ kể cái tật xấu khi còn nhỏ của mình rất ư là buồn cười.
Thi thoảng, đi đến nhà này nhà kia, thấy trẻ con chạy nhảy té thì thay vì rầy la con cái đừng chạy nhảy thì ngược lại, cha mẹ lạ đập chỗ bé té hay ở góc bàn nơi mà bé đập đậu vào bảo "cái bàn này hư lắm ! làm em đau". Chả phải mình bỉ nhân nhưng cũng nhiều người thấy có nhiều gia đình dạy con lạ như vậy.
Phận làm cha làm mẹ thì cha mẹ ngày hôm nay phải nhận lỗi trước các con vì đã không làm được nhiều hơn như bố mẹ đáng phải làm, để gửi lại cho con môi trường sống sạch sẽ hơn, để đặt những nền móng cho xã hội không chỉ giàu hơn, mà cần văn minh và an toàn hơn. Cha mẹ phải nhận lấy trách nhiệm của mình, ngày hôm nay, chứ không đùn đẩy nó cho con ngày mai.
Là cha là mẹ thì chúng ta đừng tạo cho trẻ thói quen xấu, bởi chính những thói quen đó sẽ hình thành nhân cách, theo các bé đến suốt đời. Hãy nghiêm khắc và công bằng trong cách giáo dục trẻ. Môi trường mẫu giáo rất tốt cho sự phát triển của trẻ, vì vậy không nên viện bất cứ lý do gì để giữ trẻ ở nhà, nên tạo điều kiện cho trẻ đến trường, sự kết hợp giáo dục chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình là cách hoàn thiện trẻ tích cực nhất.
Những ngày này, trên mạng xã hội, hầu như nhiều người bị cuốn theo kênh của chị Hằng. Nơi cái kênh này, mọi người mới tá hỏa tam tinh ra những chuyện mà xem chừng ra từ trước đến nay mọi người cứ ngỡ nó là thật nhưng nó là giả. Những người được chị Hằng đưa ra hơn ai hết thẩm định chính con người của mình chứ không phải ai khác.
Chị Hằng đã nhận ra những điều sai của mình, những giây phút tạm gọi là mộng mị của mình để rồi khi bừng tỉnh chị đã sửa sai. Chị can đảm nói cả nhân thân của mình và không hề giấu diếm. Có lẽ ít người can đảm để nói trước công chúng về con người, tính cách của mình và Chị là người can đảm nhận búa rìu của dư luận với mục đích muốn làm sáng tỏ nhiều vấn đề nghi vấn về thật thật giả giả.
Là con người, ai trong mình cũng mang phận người yếu đuối và chắc chắn ai cũng hơn một lần vấp ngã.
Quả thật, để đấu tranh cho con người yếu đuối của mình, để nhìn nhận những sai lỗi của mình không hề dễ. Đơn giản vì ai ai cũng trọng danh dự của mình và tìm mọi cách để bảo vệ danh dự của mình. Chính vì thế thay vì nhận lỗi thì con người ta ngụy biện mà càng ngụy biện thì người khác sẽ thấy được sự giả dối, sự sai phạm trong con người của mình.
Thật sự thì sự thật chắc chắn cũng sẽ được đưa ra ánh sáng. Chỉ có điều là lâu hay mau mà thôi. Và chuyện quan trọng nhất trong cuộc đời dù theo tôn giáo nào thì cũng không tránh khỏi luật nhân quả theo như Phật Giáo hay như nhãn tiền theo góc nhìn của Công Giáo. Mình cứ sống và mình cứ gieo. Hễ mình sống và mình gieo điều gì thì mình sẽ được gặt điều đó.
Hễ là con người, khó có tránh được sự sai lầm vì lẽ người ta nói 70 chưa gọi là lành là có thật. Chuyện thực tế đang diễn ra trước mắt bỉ nhân về những câu chuyện 70 chưa gọi là lành. Những câu chuyện ấy như là bài học cho cuộc đời của bỉ nhân. Còn lại thời gian nào đó trong cái cõi tạm này thì hãy cố gắng sống tốt nhất có thể và nhất là hãy yêu thương nhau hết sức có thể. Đời nó vô thường và mong manh lắm để rồi ta hãy cố gắng trở về với chính mình, hãy can đảm nhận sự sai lầm, nhận trách nhiệm của mình để sửa sai. Có như thế thì mọi người sẽ trân quý mình biết bao.
Bản thân bỉ nhân cũng thế thôi ! Chả phải một lần ngã nhưng nhiều lần ngã. Được cái là chấp nhận cũng như nhận ra những cái sai của mỉnh để đứng dậy bước tiếp. Tiếc thay cho những ai không can đảm nhận ra lỗi của mình. Nhận lỗi chắc chắn sẽ không nhục và thật nhục nếu như mình không nhận lỗi.
Lm. Anmai, CSsR 2 tháng 6 năm 2021
VIẾT TIẾP TÂM TÌNH "VỀ NHÀ ĐI ANH"
Từ sáng đến giờ, nhiều người đã chuyển gửi bài viết hay đó là tâm tình của một người rất chân thành và có thể nói là rất chân thành gửi đến anh Hoài Linh. Như ông bà ta đã dạy : "đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại". Đây có lẽ là tâm tình của bao khán thính giả dành cho Anh.
Bản thân em từ lâu đã ngưỡng mộ Anh qua các tác phẩm Anh diễn. Trân quý tài năng, nghệ thuật cũng như cung cách sống giản dị của Anh. Mê cái tâm tình thật và rất thật của Anh trong bài trả lời của ai nào đó về cuộc đời của mình. Anh không chối bỏ cái hình ảnh, cái thân phận của một trẻ bán mía ghim ở bến xe thuở thiếu thời. Thương cái thật là thật như vậy đó nơi Anh.
Thế nhưng rồi, cũng tai này tai kia, cũng miệng này miệng kia người ta nói Anh là người Công Giáo nhưng rồi.
Và, chuyện gần đây nhất, khi nhiều người đặt vấn đề về chuyện tiền nong nơi Anh. Nghe nhiều đến độ dường như không muốn nghĩ, không muốn nhắc và cũng chả muốn mở những vỡ diễn của Anh để xem mỗi khi mệt mỏi.
Bi đát nhất đời Anh khởi đi từ chỗ quay lưng với Thiên Chúa. Anh là người Công Giáo, thế nhưng rồi chả hiểu làm sao Anh lại quay lưng lại với Thiên Chúa như vậy. Nhà thờ Tổ Anh có quyền làm, Nhà thờ Tổ Anh có quyền vun đắp vì theo tín ngưỡng dân gian đó là Tổ Nghiệp. Với ai thì không biết, với Anh,Tổ Nghiệp đời anh đó chính là Thiên Chúa. Thế nhưng rồi như có thể nói theo kiểu bình dân "ma đưa lối, quỷ đưa đường" để đưa Anh đến tình trạng như ngày hôm nay.
Phần còn lại, như Thiên Chúa đã nói Ngài không nỡ dập tắt tim đèn còn khói hay bẻ gãy cây lau bị dập để rồi từ lời đó, Anh có thể trở về, về với Thiên Chúa là nguồn cội của Anh.
Khi Anh công khai trở về, chắc có lẽ ít nhất là hơn hàng triệu người yêu thương và ủng hộ Anh. Và, không phải là một vài triệu mà là 7 cái lần vài triệu người đó vì ai ai cũng thích cũng như tôn trọng những ai sống đúng lương tâm và tín ngưỡng của mình.
Hẳn Anh còn nhớ ngày khánh thành Đền Thờ Tổ, cha mẹ Anh vui thì cũng có vui nhưng chắc trong lòng cũng buồn lắm. Và, nhất là thời điểm này, chắc cũng đắng lòng lắm khi phải hứng chịu bao nhiêu chuyện thị phi của cuộc đời. Dĩ nhiên sống không ai tránh được thị phi Anh ạ ! Chuyện quan trọng nhất vẫn là sự bình an trong tâm hồn. Bình an thật sự chỉ có ở trong cung lòng của Thiên Chúa mà gia đình Anh đã tin và theo.
Chuyện ma quỷ, chuyện gì đó mà người ta đồn đãi Anh. Thật sự nếu có đó chính là chuyện của ma quỷ. Ma quỷ cho người ta rất nhiều điều nhưng không cho người ta sống lại và nhất là sự sống đời sau.
Có lẽ, lý thuyết một chút nhưng đó là sự thật, sự thật là nơi con người có linh hồn dù cho ai chối cãi hay không tin. Anh là người Công Giáo, Anh có thể làm sai và Anh có quyền trở về với Thiên Chúa.
Giờ này đây, nhiều người mến mộ Anh, trong đó có em, cũng nhớ, cũng thương và cầu nguyện cho Anh để Anh trở về.
Anh thấy đó !Trong tang lễ Anh Chí Tài, dù thế nào đi chăng nữa, gia đình vẫn muốn chôn cất Anh theo nghi lễ Công Giáo. Bạn bè, gia đình càng trân trọng Anh Chí Tài hơn nữa khi Anh có những bài hát thốt lên tự đáy lòng về sự Lặng cũng như nhiều bài Thánh Ca khác nữa.
Mọi người có lẽ vẫn chờ Anh, mọi người vẫn mong Anh đó Anh Hoài Linh. Giờ này đây, mọi người có lẽ không chỉ mong Anh lý giải về những điều mà người ta nghi ngờ mà còn mong Anh tuyên xưng niềm tin của mình, quay lại với Chúa và trở lại từ đầu. Có như vậy, có lẽ Anh là người làm chứng cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương Xót. Mà em tin rằng Anh dư sức, dư khả năng để nói về một Thiên Chúa xót thương Anh.
Nhiều nhiều triệu người khác vẫn mến mộ Anh, vẫn yêu thương Anh và nhất là mong Anh hãy trở về với Giáo Hội, trở về với Thiên Chúa. Vòng tay yêu thương của Thiên Chúa luôn rộng mở để ôm ấp một nghệ sĩ tài hoa Hoài Linh vào trong lòng.
Cùng với dòng tâm sự này là những lời Kinh nguyện, những Thánh Lễ cầu xin cho Anh được ơn trở lại. Trở về bên Chúa trước khi quá muộn Anh Hoài Linh nhé ! Hãy sống làm sao để chứng minh mình là người Công Giáo và hãy sống làm sao để cái tên Hoài Linh thật dễ thương mãi mãi ở trong lòng khán thính giả Anh nhé !
Rất trân trọng !
Lm Anmai, 1 tháng 6 năm 2021
ĐỂ ĐƯỢC GÌ ?
13 tháng 11 năm 2018
Chiều nay, từng bước chân bên mộ Mẹ cũng như những người nằm chung quanh Mẹ.
Mẹ nghèo, con của Mẹ cũng nghèo để rồi chỉ là mộ được xây bằng đá rửa phủ bám rêu phong vì Mẹ đã tạm trú nơi đây hơn 24 năm ròng. Quanh Mẹ, mộ sang có, mộ hèn có, mộ đại gia có, mộ tiểu gia có ... và mộ đại đại gia cũng có.
Dòng ký ức và hồi tưởng về Mẹ cũng như gia đình nội ngoại ùa về.
3 tuổi rưỡi, ông bà ngoại theo Công Giáo Tiến Hành và một chiều nọ "được" Việt Minh dẫn đi biền biệt tự nơi mô.
Từ ngày ấy, 10 đứa con bơ vơ không nơi nương tựa lại dựa bám vào anh chị em của ông bà ngoại.
Từ từ, được các nữ tu dòng Vinh Sơn cho hội nhập ... và rồi ơn gọi tu trì không đến để Mẹ bước sang đời sống hôn nhân.
Cũng có nhà có cửa, cũng lập nghiệp như ai kia nhưng sau biến cố 75, Mẹ lê bước cùng các con nhỏ về vùng kinh tế mới Bưng Riềng. Sau nhiều năm bám sống nhưng không qua khỏi cái nghèo cái khổ để rồi trở về nơi phồ hoa đô thị sinh sống. Nhà mất cửa tan, thế là dắt díu nhau về ở chung với gia đình người chị.
Và, vật vã với đời để nuôi con khôn lớn và đặc biệt tặng hiến cho Chúa một đứa con thơ trong đời tận hiến.
Cả cuộc đời bôn ba bươn chải, cuối cùng Mẹ nằm đây bất động như bao tiền nhân khác.
Dòng suy nghĩ lại đến đó là để được gì sau nhiều năm chống chõi với cõi nhân sinh :
Hãy nói về cuộc đời,
khi tôi không còn nữa,
sẽ lấy được những gì,
về bên kia thế giới,
ngoài trống vắng mà thôi ...
Hay như là :
"Bao năm miệt mài, tay vẫn trắng tay,
con không có gì tiến dâng lên Ngài,
Lạy Chúa, con có tấm linh hồn này
vướng bụi đời nên đắng cay
Dâng Ngài phút ân tình này ..."
Cuối cùng có mang theo được gì đâu để rồi nhiều lần nhiều lúc con người cứ :
Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ !
Nói như thế, nghĩ như vậy để rằng ta chả mang theo được gì. Chính vì thế, mỗi khi ta làm gì, ta nói gì nên chăng ta nghĩ về ngày cùng tận để ta hành xử ít là có tính cách nhân văn hơn người khác chứ chưa nói hành xử trong tư cách là một người Kitô hữu hơn.
Hồi còn bé, cứ me me những câu chuyện trong Lẽ Sống của Đức Ông Tài. Một trong những câu chuyện còn nhớ mãi đến bây giờ đó chính là câu chuyện Chiếc Quan Tài con. Câu chuyện như thế này :
Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời: "Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì... Mỗi khi có việc không được như ý, tôi nhìn ngắm quan tài, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay".
Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp lên nhau là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá... Trong tất cả mọi sự, người khôn ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích là cái chết để sống thanh thoát hơn với cuộc sống hiện tại.
Tháng 11, ta lại được mời gọi nhìn về ông bà cha mẹ ta một cách đặc biệt hơn, không chỉ thương nhớ, cầu nguyện mà còn phải nghĩ đến cùng đích của đời mình.
Sau những trận cãi vã, sau những lần tran chấp, sau những lần thù hận ghen ghét, sau những lời nói hành nói xấu chà đạp người khác, vu khống, đổ vạ cáo gian cho người khác ... ta được gì ?
Để được gì khi ta nằm xuống với hai bàn tay trắng.
Bước vào cõi mộng đôi tay trắng
Trở về cõi thật trắng đôi tay
Lăn tăn nhiều chuyện để làm gì ?
Chỉ cần trong cung lòng Thiên Chúa
Ấy vậy mà lắm kẻ chạy vay
Cứ ngỡ trần gian là cõi thật
Thiên Đường là chỗ ta nhớ mong.
July 8, 2024