November 1, 2024

NHỮNG BÀI VIẾT XÃ HỘI

by NGƯỜI GIỒNG TRÔM


CHÚT CẢM VỀ ĐỜI SỐNG ĐẠO VÀ LÒNG ĐẠO 1 tháng 11-2024

Nhìn dòng người đổ về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng để lãnh bí tích Giao Hòa, lòng tôi chan chứa một niềm vui. Vui bởi lẽ có nhiều tâm hồn trở về với Chúa và tìm đến Chúa qua hòa giải.
Tôi có lẽ suy nghĩ khác người.
Tôi vẫn thích và quý những người nguội lạnh và có khi xa Chúa. Bởi vì sao ? Vì lẽ trong cuôc sống có khi họ chán nản điều gì đó nhưng đến khi họ gặp Chúa rồi thì lòng họ bừng cháy.
Ta hình dung ra một người sắp chết đuối giữa dòng nước xiết, bỗng dưng họ thấy cái phao và họ bám chặt vào cái phao ấy không rời bỏ. Chúa cũng vậy, có khi những năm tháng lạc xa Chúa đó nhưng họ nhận ra Chúa chính là nguồn ơn cứu độ của họ và họ quay về và không bao giờ bỏ Chúa nữa.
Tôi rất sợ những người có nhiệt nóng quá quá về sự yêu mến Chúa. Yêu mến cũng vừa vừa, cũng từ từ vì cái gì nó quá nó cũng chưa hẳn là tốt. Như uống thuốc, đúng liều đúng lượng chứ nếu như uống quá liều cũng sẽ phản tác dụng.
Điều mà tôi muốn chia sẻ là có những người xem chừng ra nhiệt tâm lắm nhưng khi đụng chuyện thì họ bỏ ngay và luôn. Có những người rất nhiệt tình, rất hăng say chuyện Hội Đoàn, chuyện Nhà Thờ nhưng đến một lúc nào đó ca trưởng hay ca viên hay Cha Sở làm không vui lòng họ hay không theo sự điều khiển của họ là họ quay lưng ngay và luôn. Họ không cần suy nghĩ bởi lẽ khi đó họ muốn các đấng các bậc phải làm theo ý của họ và họ bảo thủ ý của họ luôn luôn đúng. Tôi rất sợ thể loại này.
Nhiệt tình cũng tốt nhưng nhiệt tình quá tôi cũng sợ ! Tôi sợ nhiệt tình đó nhưng đến lúc bỏ là bỏ Chúa luôn như không hề quen biết. Với tôi, tương quan giữa con người với Chúa cũng như tương quan giữa con người với con người. Chúa là Chúa nhưng cũng là người rất thân tình và chân tình với ta. Thế nhưng có những mối tương quan xem chừng da diết lắm nhưng đến lúc họ quay lưng đi thĩ mãi mãi không bao giờ tìm thấy. Chúa cũng vậy, đến lúc họ quay lưng rồi thì họ coi như chưa bao giờ biết Chúa.
Tôi nói điều này không phải là vu vơ vớ vẩn hay bâng quơ thôi. Thực tế là thế ! Dám nói điều này vì lẽ có những người trước đây là lễ sinh, là ca viên, là thành viên hội đoàn này hội đoàn nọ nhưng khi họ bất mãn rồi thì coi như cuộc đời họ tuột dốc.
Kinh nghiệm đó qua những người đến chia sẻ rất thật với tôi. Họ được sinh ra trong gia đình đạo đức đó chứ ! Thậm chí có những người tu ra nữa. Sau khi họ không còn ở trong môi trường tu nữa thì họ sống có khi còn tệ hơn người bình thường. Đơn giản là họ bất mãn và bất đồng ý kiến cũng như dưới con mắt của họ ai ai cũng xấu chỉ trừ một mình họ tốt.
Đời sống đạo xem chừng ra không đơn giản. Chỉ đến phút cuối mới ăn nhau thôi chứ chả ai nói hay được. 70 chưa gọi là lành mà ! Có những người dường như cả đời nhiệt huyết nhưng như đã nói khi đụng chuyện hay khi không làm theo ý họ thì họ coi như Chúa không hề có trong cuộc đời. Đơn giản và dễ hiểu vì lẽ những người đó chúa của họ chính là cái bụng.
Tôi cảm thấy có gì đó sợ sợ với những người nhiệt huyết. Có lẽ do mẫn cảm hay sao đó ! Thà cứ tà tà sống đạo qua ngày xem chừng dễ thương. Có người theo hội đoàn, ca đoàn hay từ thiện nhưng ngầm bên dưới là đánh bóng tên tuổi của họ. Cứ hở đi đâu hay làm bất cứ điều gì họ cũng có thể đưa lên mạng để khoe. Nếu ai nào đó đụng chạm đến danh vọng của họ hay quyền lợi của họ là họ chặn ngay và luôn. Ai làm phật ý họ là họ khóa luôn liên hệ xem như người không quen biết.
Trong đời sống Kitô hữu, dễ dàng thấy được tính người nhất đó là về việc bác ái. Dường như nhiều người có cái máu khoe ! Mà khi khoe thì không còn đi theo con đường của Thầy Giêsu nữa. Thầy Giêsu dạy rất rõ : Tay trái không biết việc tay phải làm. Thế nhưng thực tế ta lại thấy người ta làm bác ái không phải là tay trái tay phải biết mà cả làng cùng biết.
Ví dụ như ai đó chia sẻ thì chỉ cần báo cáo cho người đó trong tin nhắn cá nhân hay nhóm. Nhưng không, hợ cứ tơ hơ cho cả làng biết rằng thì là họ là người chuyên làm bác ái. Hễ ai nói đến họ là họ chặn tương quan ngay. Thế thì ta hiểu được ý tưởng làm việc bác ái của họ là gì rồi. Có những người hàng tháng lo cho các mái ấm và trẻ em khuyết tật cũng như đồng bào thiểu số mỗi tháng đến bạc tỷ nhưng họ chả bao giờ khoe ai và họ còn dặn ai nào đó biết và nhận xin đừng khoe làm gì hết vì khi khoe coi như họ mất ơn.
Phải chăng đó là những người có tâm tình sống đạo và sống tình bác ái tuyệt hảo như Chúa dạy.
Sống đạo xem chừng là con đường gian truân chứ không phải là con đường bằng phẳng. Để tin và theo Chúa như vận động viên thao trường chạy đường dài chứ không phải là người ba hoa chích chòe sống bề ngoài và diễn suất. Chỉ đến lúc gặp gian nan thử thách đau bệnh thì mới biết được lòng tin vào Chúa của người đó.
Nhìn dòng người tìm đến Tòa Hòa Giải ngày hôm nay lòng tôi thầm mừng lắm ! Vì lẽ vẫn còn đó những tâm tình biết quay trở về với Chúa vì lẽ có những người trả lời tỉnh bơ sau khi được hỏi đi xưng tội chưa thì họ nói tôi có làm gì nên tội đâu mà xưng !
Để theo Chúa cần có một đức tin mạnh mẽ và kiên cường cũng như kiên trường chứ không một ngày một bữa hay kiểu dở dở hâm hâm. Theo Chúa phải chăng là vác thập giá đời mình mà theo mà không đơn giản vì lẽ có người vác thánh giá gỗ, có người vác thánh giá sắt và có người vác thánh giá bùn
Lm. Anmai, CSsR 1 tháng 11 năm 2024

CHÚA Ở ĐÂU RỒI ANH CHỊ EM ? (18-11-2021)

          Một linh mục chia sẻ : Trong thời gian đại dịch bùng phát. Đi đâu người ta cũng bàn tán về dịch bệnh. Hỏi thăm anh chị có khỏe không thì họ nói là nhờ bác sĩ này, nhờ thuốc kia nên khỏe. Trước đây thì đa phần nói nhờ ơn Chúa. Nay thì không nghe câu đó nữa. Cũng vậy, khi gặp nhau hỏi thăm về công ăn việc làm thì người ta không còn nói nhờ ơn Chúa nữa mà nhờ tư thương dạo này mua được giá ..."

          Vâng ! Tâm tình chia sẻ rất thực trong thực tại mà cuộc sống bị con Covid đe dọa từng giây, từng phút trong cuộc đời. Và với những người yếu đức tin sẽ dễ buông xuôi cũng như oán hờn Chúa nên rồi dù không cố ý nhưng họ vẫn có chút gì đó hờn mát Thiên Chúa.

          Thật vậy, cuộc sống của con người vốn dĩ đã khó khăn, đã mong manh thì nay còn khó hơn nữa vì dịch bệnh. Khó chồng khó ! Khổ chồng khổ để rồi dễ dẫn đến cảm thức mất hay chai lỳ trong đời sống đức tin.

          Đến nay, chưa có ai dám đứng ra lý giải đại họa Covid dưới cái nhìn thần học. Tất cả chỉ thấy đổ nát và hoang tàn cũng như chết chóc mà sao Chúa vẫn im lặng.

          Tại sao Chúa im lặng ? Phải chăng là câu hỏi của nhiều người trong chúng ta. Thiên Chúa thấy con người lầm than, bơ vơ vất vưởng và mạng sống rình rập như kẻ trộm nhưng tại sao Chúa im lặng.

          Chúa lặng im không phải Chúa vô cảm. Chúa lặng im không phải Chúa không nhìn thấy những khổ đau của con người.

          Chúa ở đâu rồi anh chị em ? Phải chăng là dấu chấm hỏi của nhiều người cũng như nhiều người muốn Chúa trả lời.

          Với tất cả những biến cố của cuộc đời xem chừng ra Chúa thinh lặng. Kèm theo đó là thử thách đức tin, thử thách niềm tin vào Chúa đến tột cùng đến độ bây giờ hỏi thăm sức khỏe, công ăn việc làm ... người ta quên cả Chúa.

          Thật sự Chúa im lặng cũng có cái lý của Chúa. Đơn giản và trước nhất là sự dữ này không đến từ Thiên Chúa. Nếu như trước đây con người đổ lỗi hay ai oán kiểu như kêu Trời, than Chúa thì sự dữ đang đè lên nhân loại không phải do Thiên Chúa mà do lòng người.

          Nhiều nhà khoa học đi tìm sự thật thật của con Covid quái ác nhưng dường như lặng lẽ và lặng lẽ chào thua. Ngay như vị bác sĩ phát hiện ra sự ác độc cũng đã không còn tồn tại trong cõi nhân sinh này.

          Nếu như con người cứ dựa vào khoa học để đối chứng với sự việc thì sự dữ đang mang này khoa học không thể chứng minh. Chả phải khoa học không đủ điều kiện hay năng lực nhưng do bởi lòng người. Sự dữ và sự ác khởi đi từ lòng người và do cái lòng người quái ác đó mà ngày nay toàn thể nhân loại phải đón nhận.

          Nên nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ làm ra sự dữ cũng như không muốn tiêu diệt con người. Chỉ có con người ác với nhau nên rồi ngày hôm nay ra cớ sự như thế này.

          Thiên Chúa im lặng để nhìn con người cấu xé nhau cũng như con người chân nhận ra quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Giữa cái thế giới đang bị hủy diệt và hận thù như thế này ta lại dễ thấy được sự thật, được lòng người.

          Giữa cơn khốn cùng của sự dữ, con người lại cứ phải đón nhận sự dữ nối tiếp nhau bởi sự ác tâm của con người.

          Ngày hôm nay, tình đồng loại, tình gia đình dường như khó tìm thấy. Con người ngày hôm nay bị chứng bệnh vô cảm xâm nhập vào người để rồi sự dữ và sự ác tăng gấp bội.

          Giữa sự dữ này, lẽ ra những người có trách nhiệm, những người cầm cương trị quốc phải tỉnh táo, phải nhân hậu trong cách hành xử với dân. Thế nhưng rồi đi đâu ta cũng thấy man mác buồn những tắc trách để rồi người dân cam chịu khổ đau. Chỉ cần mở miệng ra nói tiếng lòng của mình là có thể bị quy chụp ngay dù đó là những tâm tư chính đáng. Tất cả khởi đi từ sự vô thần cũng như loại trừ Thiên Chúa.

          Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai yêu thương nhau thì ở lại trong Thiên Chúa. Chân lý ngàn đời là như vậy để rồi ai loại trừ Thiên Chúa đồng nghĩa với chuyện không yêu thương anh em mình.

          Thiên Chúa im lặng để cho con người tự nhận ra chân đích của đời mình cũng như tự nhìn thấy con người đang sát hại lẫn nhau. Thiên Chúa mãi mãi là Thiên Chúa yêu thương chứ không sát hai con người như con người đang tìm đủ mọi cách để loại trừ nhau.

          Nhân loại, thế giới sẽ vẫn còn khổ khi loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời này. Con người còn khổ mãi nếu không chân nhận Thiên Chúa là cùng đích của đời mình.

          Giữa thế giới đầy sự dữ và sự ác này, những ai tin vào Chúa có lẽ phải trả một giá khá đắt về đức tin của mình. Giữa thế giới mà người ta loại trừ nhau thì những người theo Chúa thật sự lại phải chứng mình về niềm tin có Chúa trong cuộc sống bằng hành động, cử chỉ yêu như Chúa đã yêu.

Lm. Anmai, CSsR

 

 

THƯƠNG QUÁ PHẬN NGHÈO ƠI ! (16-11-2021)

          Cơn đau thắt ngực nó làm cơ thể khó chịu trong nhiều ngày qua.

          Sáng hôm nay nó lại dày xéo "tấm thân tàn tạ" nên rồi quyết định đi khám. Ở cái thời điểm ngại di chuyển về Sài Gòn thì đi khám tại chỗ quả là điều ngán ngẫm cho dạng "lâm trọng bệnh" như bỉ nhân. Dĩ nhiên theo y khoa thì cơn đau đến mà đi khám là thời điểm tốt nhất để định bệnh.

          Lần mò đến nơi cần đến.

          Cái máy đo tim ở phòng khám đã "phiêu diêu miền cực lạc". Nhanh trí, bác sĩ Công Giáo hàng xóm dẫn lên khu điều trị bệnh đê đo tim.

          Cứ ngỡ rằng lên đây là an tâm chắc chắn vì đây là khu nằm bệnh của những người bị Nội. Thế nhưng rồi tất cả đều diễn ra trong âu lo và phập phồng.

          Chuyện là con máy đo tim duy nhất ở đây có lẽ như đã "nhiễm" virus. Như lời chị nhân viên đo tim thì phải nhờ anh bác sĩ trong khoa vỗ vỗ đập đập thì nó mới chạy.

          "Bệnh" nhân quen quá ! Sau khi bác sĩ gõ "tóc tóc" vào cái vỏ máy thì nó chạy. Thế nhưng rồi nó chạy không như ý muốn vì kết quả bị nhòe. Thế là phải lay lay vài cọng dây quanh đó thì mới cho ra kết quả như mong muốn tìm : Đau thắt ngực.

          Dĩ nhiên là dùng thuốc tạm trong thời gian chưa cho phép về nơi cần đến để khám. Nơi đó máy móc cũng như bác sĩ dường như an tâm hơn trong việc chẩn đoán bệnh.

          Chiều đến, thi thoảng cơn đau lại thắt lên và cứ mỗi lần đau là lại nhớ đến con máy đo điện tâm đồ.

          Nghĩ đến cái máy dường như nghĩ đến cả Trung Tâm Y Tế. Thương quá cho những y công ở nơi đây khi phải đương đầu với những trang thiết bị y tế như thế này.

          Nói ra chả phải ai oán hay trách móc bởi lẽ cũng chả rảnh hơi để càm ràm như ai nào đó vẫn càm ràm. Nói ra cái suy nghĩ chân thành và rất thực này để thấy nơi cái vùng nghèo này dường như nghèo đủ thứ. Người ở đây dường như phải đối đầu với cuộc sống bôn ba lam lũ để tìm miếng cơm manh áo đã đành. Đến khi sức khỏe cần khám hay bảo dưỡng "công cụ" lao động thì gặp biết bao nhiêu vấn đề nan giải.

          Người có tiền một chút thì lên tỉnh. Có tiền hơn nữa thì chạy tới Sài Gòn. Còn dĩ nhiên bao nhiêu cái thân phận nghèo thì cũng đành đón nhận sự chữa trị ở nơi đây.

          Nhìn nơi mà sáng nay tôi đến cảm thương hơn là oán giận, tiếc nuối cho phận người hơn là thù ghét. Đơn giản là chính những vị lương y ở nơi đây họ cũng phải đón nhận với tất cả những gì mà cuộc sống mang lại. Giả như họ muốn tốt hơn cũng chả ai cho vì hoàn cảnh chỉ có thế thôi.

          Nghĩ về cái nơi phồn hoa đô thị, ở Sài Thành rực rỡ là nhớ đến biết bao nhiêu máy móc cũng như dụng cụ và cả nhân lực tốt nhất để lo sức khỏe cho con người. Ở cái vùng nghèo này vậy thôi. Cái phận người gói ghém trong cái hoàn cảnh cũng như thực trạng của nền y khoa của nó.

          Đói ăn khổ mặc lam lũ trong cuộc sống đã đành. Mạng sống con người ở đây nó cheo leo là vậy đó. Thế nhưng rồi nghĩ cũng lạ. Rồi thì ơn trên cũng an bài để rồi sao cũng được. Nhân viên, bác sĩ và cả bệnh nhân cùng đồng cảm với cái máy cà tàng đo nhịp thở của con người.

          Con người được cái cũng dễ thích nghi : Có sao sống vậy và có sao sử dụng vậy. Đơn giản là họ cũng phải bằng lòng với những gì họ có chứ có cầu mong cũng chẳng hơn.

          Vậy đó ! Đi khám bệnh để cảm và thấu hơn cái phận nghèo. Có đến những nơi như cái vùng như thế này mới thấm được những mảnh đời đau khổ. Có khi mình ở trên cao quá hay mình được phục vụ cũng như hưởng thụ quá mà mình quên đi cái phận nghèo.

          Cũng nhờ cơn bệnh, cũng nhờ đến đến "vùng ngoại biên" như thế này thì may ra được cảm, được thấu hơn như thế nào với những con người bị bỏ rơi. Thương một cái là cái nghèo, cái khổ và cái thiếu thốn nó cứ như ôm chầm lấy con người ở nơi đây. Và dường như có điều lạ là họ quen quá với cái nghèo và cái khó ở nơi đây để rồi họ cảm thấy bình thường như đã có và cuộc sống như chả có gì làm phiền họ dù họ được trao ban cho những thứ thua cả cái bình thường.

          Thương quá phận nghèo ơi !

Lm. Anmai, CSsR

 

HẠNH PHÚC GIÁ BAO NHIÊU ? (16-11-2021)

          Xoẹt !

          Chiếc xe chở người quá ký dừng lại.

          Trời mờ sáng, chỗ vá xe tìm khó thấy. Thế là cả tài xế lẫn khách cùng dông bộ.

          May quá ! Đi được một quãng thì đã có chỗ "cứu sinh".

          Trong lúc chờ vá xe thì hành khách cùng anh chàng chạy Grab "buôn chuyện".

          Anh vui vẻ kể về Anh. Lập gia đình được 6 năm nhưng đến nay vẫn hiếm muộn dù 2 vợ chồng cũng rất muốn. Anh nói Anh vẫn may mắn hơn nhiều người đó là Anh có một người vợ tuyệt vời.

          Hàng ngày vợ ở nhà may vá. Ngoài cái chuyện may vá ở nhà, vợ anh "kiếm thêm" với công chuyện không ai nghĩ đến đó là chăm cho đứa em chồng chậm phát triển.

          Em chồng trong hoàn cảnh bệnh tật vẫn làm thuê làm mướn đôi chút nhưng dường như không tự lo nổi cho bản thân. May thay chị dâu đã hết tình để chăm cho người em chồng không may mắn.

          Anh kể như trút bầu tâm sự và như là thân quen lắm về mảnh đời của Anh. Điều mà Anh cảm thấy vui nhất đó là Anh bình an và hạnh phúc.

          Hỏi thăm lý do thì Anh chia sẻ : "Với người khác, người ta có mưu cầu cao quá. Ai ai cũng như vậy thôi vì trong phận người. Với em, như thế là quá hạnh phúc cũng như bình an rồi. Vợ em nhân hậu không chỉ với em mà cả đứa em kém may mắn của em nữa ...".

          Vừa nghe kể vừa chờ vá xe và câu chuyện về đời Anh thật cuốn hút với nhiều chi tiết nữa nên rồi chuyện vá xe sao nhanh quá. Tiếp tục hành trình chở khách về với câu chuyện đời.

          Dĩ nhiên chia tay nhau trong vui vẻ vì người được kể kẻ được nghe.

          Hạnh phúc của Anh chạy Grab xem chừng như đơn giản quá.

          Lần nọ, vừa lên xe 4 bánh để vào sân bay đi về quán trọ thì không nghĩ ra là người tài xế đã hơn một lần chở.

          Chú em nói ngay :

          - Lần trước em chở Anh bằng Grab 2 bánh, vẫn đón ở địa chỉ này. Lần này em lên xe 4 bánh.

          - À ! Thì lần này đi có hàng nên anh đi 4 bánh. Anh vẫn đi phương tiện 2 bánh cho nhanh và tiện cũng như rẻ nữa. Chỉ khi có hnàng mới đi 4 bánh thôi.

          - Trước em làm hãng, sau em chạy 2 bánh. Em để dành và mới mua con xe này.

          - Ồ ! Chúc mừng em.

          Tưởng câu chuyện dừng ở đó nhưng em kể một lèo :

          - Nhà em ở Buôn Ma Thuột ! Em lấy vợ và làm ăn ở đây. Tháng trước má em thay khớp gối hết hơn trăm. Tụi em cũnh dành dụm có miếng đất ở Buôn Ma Thuột. Ba em bỏ má em đi với bà khác. Ba đánh đập má hoài nên tụi em nói má ra riêng để tụi em lo. Anh biết không ? Em cày dữ lắm ! Hồi Grab 2 bánh mới ra em kiếm ngày có khi 2 triệu hay hơn nữa. Em chỉ ăn bánh mì và xôi thôi. Thôi kệ Anh ơi ! Ráng cày thôi ! Cực chút mà em vui ...

          Câu chuyện về cuộc đời em cách khái quát. Câu chuyện cũng vừa khép lại khi xe lăn bánh đến sảnh chơ của sân bay Tân Sơn Nhất.

          Cuộc đời em quá vất vả nhưng em thấy vui và hạnh phúc khi em lo cho gia đình và lo cho cả Mẹ của em nữa.

          Với người khác thì có thể sẽ than thân trách phận nhưng với em, em cảm thấy như thế là hạnh phúc lắm rồi !

          Câu chuyện của 2 người chạy Grab hé mở cho tôi cái định nghĩa về hạnh phúc của cuộc đời họ. Hạnh phúc của họ chỉ đơn giản như thế thôi.

          Thật vậy, thang giá trị của hạnh phúc cũng tùy nơi mỗi người đặt ra. Có người chỉ cầu mong có một mái ấm gia đình và cơm no ngày 3 bữa. Thế nhưng rồi có người để cái thang giá trị hạnh phúc của mình ở mức cao hơn để mãi đi tìm cũng như không bằng lòng với những gì mình có.

          Hạnh phúc hóa ra rằng quá đơn giản hay như có khi nó ở ngay dưới chân của ta mà ta cứ loay hoay mãi để đi tìm.

          Đừng định nghĩa “hạnh phúc” là điều gì đó quá xa xôi, phù phiếm ngoài kia. Hạnh phúc đôi khi đơn giản là được làm điều mình thích mỗi ngày. Có nhà để ở, có cơm để ăn, có gia đình để yêu thương, có công việc để làm như vậy là hạnh phúc. Nếu bạn có tất cả những thứ đó mà vẫn chưa thấy mình hạnh phúc thì có phải là bạn đang quá tham lam không?

          Với cái thời đại mà con Virus cay nghiệt cứ như muốn ôm chầm lấy con người thì ai chưa lây nhiễm nó là hạnh phúc cũng như như người ta nói là hạnh phúc là khi mở mắt dậy thấy y tế phường chưa tới để giăng dây phong tỏa nhà mình. Hay như có ai đó nói là hạnh phúc là sau đỉnh điểm của dịch mà ta còn đùa đùa nói nói để trêu nhau.

          Cuộc đời là vậy đó. Hạnh phúc cũng vậy đó. Đơn giản hay không cũng do chính mình.

           Nhiều người cứ sống và luôn băn khoăn, trăn trở đi tìm đáp án cho câu hỏi “hạnh phúc là gì”. Chẳng có ai định nghĩa được chính xác điều này mà nó phải do tự bạn cảm nhận bằng cả trái tim. Đôi khi, hạnh phúc cũng giống như chiếc đồng hồ, loại ít phức tạp nhất cũng là loại ít hỏng nhất.

Lm. Anmai, CSsR

 

VÔ THƯỜNG - THƯƠNG VỒ (15-11-2021)

Chiều hôm nay, không phải mình tôi mà chắc có lẽ nhiều người khác nữa lặng đi khi nghe tin bác sĩ Andre Lương Lễ Hoàng về nhà Cha sau thời gian đối chọi với con virus quái ác. Lại thêm một bác sĩ Công Giáo có nhiều đóng góp cho Xã Hội và Giáo Hội. Trước bác sĩ Andre, nhiều người đã ngậm ngùi chia tay nhà giáo Công Giáo Antôn Trần Đình Dũng.

Sự ra đi của Anh Andre, của Anh Antôn, của thân phụ mẫu và của nhiều người khác nữa cho ta thấy cuộc sống quá mong manh, mạng sống của con người quá vô thường.

"Hôm nay người vui cười rồi mai đây lệ rơi ! Đời là giấc điệp qua mau nuối tiếc chi bóng sầu ...". Lời bài hát ai oán như bảo rằng con người chỉ như giấc điệp qua mau cũng như đừng tiếc nuối làm gì. Nói như vậy chứ con người đâu phải con chim con cò đâu để không tiếc nuối nhất là những người đã đóng góp quá nhiều công sức cho Giáo Hội và Xã Hội.

Con Covid quái ác chợt đến đã mang đi mạng sống của quá nhiều người và nhiều người ra đi đã để lại bao nuối tiếc cho cuộc đời.

Nếu như trước đây cái định mệnh sinh lão bệnh tử đã làm cho con người thấy thân phận mình mong manh cùng với những biến cố trong đời làm cho người ta thấy lúc có đó và lúc lại mất đi thật vô thường thì nay sự chết có thể đến với con người bất cứ lúc nào. Giờ đây, chỉ cần thoáng qua đời nhau thì cũng đã để lại cho con người bao tiếc nuối.

Với dịch bệnh, dĩ nhiên con người cũng đã cố gắng hết sức tránh né con Virus quái ác nhưng nào ai biết được. Chính vì vậy, ngày mỗi ngày ai ai cũng lo nơm nớp về sức khỏe của mình.
Thật vậy, quá mong manh để không biết ngày mai.

Vài ngày nữa thôi là giỗ giáp năm của ông Chú. Tháng sau là giỗ cha và giỗ Mẹ. 

Sự ra đi của những người thân thương trong gia đình thật bất ngờ. Căn bệnh ung thư đến thời di căn đã lấy đi mạng sống của Mẹ như tưởng chừng chỉ có trong mơ. Cha già dù đã yếu nhưng qua đi cũng quá nhanh và quá vội sau giấc ngủ của đêm dài. Còn người Chú thì chỉ đôi ba tháng thôi thì cơn ung thư não ập đến. Chú ra để để lại vợ vài 2 con và đặc biệt mất đi trước cái ngày nhìn thấy người con út tuyên lời khấn dòng.

Vậy đó ! Nỗi đau này chồng nỗi đau khác trong cái thân phận làm người.

Chuyện ra vào bệnh viện trong những ngày này dường như phổ biến vì con Virus. Cha anh đưa chai nước biển cùng với những tâm tình thao thức để rồi cứ ngỡ rằng anh đang chịu cảnh cách ly hay điều trị. Bàng hoàng đến chua xót khi hay tin từ một người quen là Cha anh đang chịu những cơn đau đớn dày vò vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Đời là vậy thôi : Vô thường lắm lắm luôn !

2 chữ vô thường như nó gắn liền trong cái thân phận mong manh của con người. Cha giáo Đặng San (Giuse Đặng Chí San, O.P.) có lẽ là vị tôn sư luôn hướng học trò mình về cái ngày cùng tận và cách riêng về chuyện vô thường. Cha thường dạy sinh viên của mình rằng đời là vô thường để rồi ta hãy sống cung cách "thương vồ". Cung cách thương vồ" mà Cha hay chuyển đạt đó là cả nghiệm về tình yêu của "đồng chí Giêsu", của "anh Hai Giêsu" nhập thế và nhập thể dành cho con người. Từ tình yêu của "đồng chí Giêsu" hay của "anh Hai Giêsu, Cha Đặng Không Sơn đã mời đệ tử của minh yêu thương anh chị em đồng loại của mình cách nhưng không, tha thiết và da diết như là vồ lấy để mà thương cũng như thương cả kẻ thù của mình.

Ý tưởng của Cha giáo Đặng San thật hay ! Đời là vô thường để rồi ta thương vồ ! Thương vồ là ôm hết tất cả vào trong lòng mình như "anh Hai Giêsu"  ôm hết tội nhân vào trong cuộc đời mình.

Mà cũng đúng ! Khi ta lặng nhìn lên Cây Thập Tự, ta sẽ chiêm ngắm được Con Người thương vồ, thương chầm và thương lấy thương để cái cõi nhân gian đầy hơn thua hận thù ghen ghét.
Cuộc đời là như vậy ! Cõi nhân sinh là như vậy để rồi những ai cảm thấu được sự vô thường cũng như tình yêu từ Cây Thập Tự Giá mà "anh Hai Giêsu" chịu treo trên đó thì người đó dễ thấu cảm cũng như thương vồ anh chị em đồng loại của mình.

Chỉ những ai chân nhận cuộc đời là mong manh, phận người là vắn vỏi và cuộc sống là vô thường thì sẽ thấy cuộc đời này dễ thương và thoải mái để thương người đồng loại. Những ước mong mỗi chúng ta lắng và lặng để thấy cuộc đời này là vô thường để ta có thể "thương vồ" tất cả anh chị em của chúng ta.

Lm. Anmai, CSsR

LÊN ĐƯỜNG
          Trước khi ngủ trưa, người bạn cho biết Cha xứ thân quen với gia đình sẽ chuyển xứ. Vậy là nay mai gì đó Cha phải lên đường theo sứ vụ.
          Gọi điện cho cha bạn, cha cũng xác minh lệnh lên đường không chỉ của Cha mà còn một số Cha khác nữa. Vậy là sau hơn 3 năm làm phó, tiếp tục lên đường làm phó nơi một nhiệm sở khác nữa. Có vị là phụ tá chỉ mới 1 năm thôi cũng nhận lệnh lên đường.
          Gần 10 năm linh mục, cha bạn dời đi đâu cũng 4, 5 chỗ. Mỗi lần chia tay là mỗi lần bịn rịn đầy những dòng nước mắt tễn đưa. Mỗi lần dời đi là mỗi lần dọn đồ đạc cá nhân và những thứ cần dùng lỉnh kỉnh. Ai nào đó thanh thoát và nhẹ nhàng thì cuộc ra đi càng thanh thoát.
          Đời linh mục là vậy đó ! Chẳng có nơi nào là mãi mãi. Cùng lắm vài chục năm như cha xứ ở gần nhà rồi cũng phải cất bước ra đi. Rồi ai ai cũng đi vào cõi lặng của cuộc đời. Linh mục thì dùng những ngày tháng còn lại của cuộc đời để kết hiệp mật thiết hơn với Chúa trong đời sống cầu nguyện sau chuỗi ngày dài mục vụ.
          Linh mục như tấm bánh bẻ ra cho đời. Thế nhưng rồi lao đao lắm khi cầm trong tay lệnh lên đường. Anh em thường hay chọc nhau bài sai chứ có phải bài đúng đâu ?
          Nói như thế cũng không phải. May mắn cho ai nào đó nếu như cha và con cơm lành canh ngọt. Và chẳng may nếu cơm không lành canh không ngọt thì cha con khó mà nhìn mặt nhau. Cũng đã có những cha rời xứ trong âm thầm và lặng lẽ vì tình cha chẳng có mà tình con cũng chẳng còn.
          Giá như người ta nhìn vào chiều kích thiêng liêng và tâm linh thì chắc có lẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc. Đàng này, họ hành xử như thể là cách hành xửa của con mà thiếu đi phần người cũng như đánh mất đi ý nghĩa thiêng liêng của sứ mạng mục tử.
          Ngay trong gia đình của mỗi người, liệu rằng có gia đình nào hoàn hảo và như lòng mong ước. Gia đình nào cũng có vấn đề của gia đình đó và dĩ nhiên giáo xứ cũng như một gia đình của Hội Thánh thu nhỏ thì cũng có những chuyện của nó. Thế nhưng nếu như ai nào đó biến vun vén, biết thu xếp cũng như nhường nhịn nhau thì thật dễ thương.
          Trong hành trình sứ vụ, ta thấy có những vị ở luôn một giáo xứ từ ngày xa xưa lắm cho đến bây giờ tạm gọi là êm ấm. Dĩ nhiên có vấn đề nhưng cha con vẫn ở được vớ nhau. Ngược lại, có những vị về xứ có khi chưa được 1 năm thì đã đổ chuyện. Và khi đó, lệnh thuyên chuyển có lẽ hợp lý và chính đáng để tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc.
          Dù lâu hay mau thì giáo xứ cũng chỉ là nơi mà linh mục ở một thời gian nào đó. Chỉ có giáo dân là ở mãi vì đó là nơi gia đình họ sinh sống. Có chăng đôi ba trường hợp nào đó vì hoàn cảnh phải di dời nơi sinh sống.
          Mỗi lần lên đường là một lần nhọc nhằn với hành trang mang vác. Đơn giản dù là ai cũng cần có những vật dụng cá nhân hay những thứ để trang bị cho công việc để rồi đi thì lại phải mang theo.
          Ai nào đó có kinh nghiệm dọn nhà sẽ thấy được nổi khổ của dọn nhà. Lệnh lên đường kèm theo đó là lần "dọn ổ".
          Đời linh mục với những lần "dọn ổ" như vậy như nhắc nhớ rằng chẳng ai ở mãi một nơi suốt cả đời.  
          Thật vậy ! Đời là cõi tạm mà thôi ! Đời linh mục cũng thế ! Rày đây mai đó xứ này xứ kia và cuối cùng là nhà hưu dưỡng. Chưa hết ! Sau cùng là dúm tro tàn của phận người.
          Những ngày này, đâu đó ta thấy có những lệnh lên đường. Người thì vui nhưng cũng có những người đầy nước mắt. Đơn giản là vì bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu lo lắng đã dành cho nơi mình dấn thân và gắn bó. Thế nhưng rồi không ai tránh khỏi lệnh lên đường,
          Mỗi lần di dời như vậy, âu cũng là lần nhắc nhớ hành trang của con người. Người nào càng nhẹ nhàng và thanh thoát với vật chất của cải thì khi lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát.
          Cũng như đời người, khi ta càng nhẹ nhàng với tất cả vật chất, tiền tài và danh vọng thì ta thấy ta ra đi thật nhẹ nhõm. Khi ta càng bám víu thì cuộc ra đi sẽ càng day dứt và đắng lòng hơn.
          Ở cái cõi tạm này có ai mà sống mãi. Nhìn cảnh lên đường của các đấng là cảnh nhắc nhớ đến hành trình của mỗi người. Thân phận con người vốn dĩ đã mong manh nay còn mong manh hơn nữa vì cơn dịch. Có khi không phải chết vì tuổi già sức yếu nhưng cơn dịch đến thật bất ngờ
          Lên đường như dấu chỉ dọn hành trang về nhà Cha. Tưởng nghĩ mỗi người dù bất cứ là ai cũng luôn luôn tỉnh thức và sẵn sàng hành trang của mình để lên đường. Lên đường có khi không phải là về xứ mới, đến nơi ở mới mà lên đường để về trình diện với Cha trên Trời. Ý thức như vậy để rồi ngày mỗi ngày sống ta thanh thoát và nhẹ nhàng hơn với những bám víu làm nặng cuộc đời ta.
Lm. Anmai, CSsR 11 tháng 10 năm 2021
NGUYỆN ƯỚC CHƯA TRÒN
          Tôi vẫn thường có thói quen đưa thiệp tang hay cáo phó của người thân quen, của các cha các thầy trong Dòng lên trang cá nhân để như bày tỏ lòng tiếc nuối phân ưu cũng như cầu nguyện. Sợ rằng lời cầu nguyện của mình chưa trọn vẹn, chưa đầy đủ nên tôi nhờ thêm nhiều người cầu nguyện nữa.
          Thiệp tang, cáo phó mà tôi chuyển, tùy vào vị thế hay sự ra đi bất ngờ đau đớn thì lời nguyện, lời chia buồn khác nhau. Dĩ nhiên với các cha, các thầy hay quý tu sĩ thân quen thì lượt chia sẻ và cầu nguyện nhiều hơn.
          Gần đây, có một thiệp tang mà khi nhìn lại thì thấy lời cầu nguyện và lượt chia sẻ khá nhiều và nhiều hơn cả linh mục tu sĩ nữa. Thiệp tang đó báo tin về tang lễ của Cụ Phanxicô Xaviê Võ Tòa.
          Ai ai cũng biết nhưng cũng chưa được một lần gặp mặt người quá cố này. Thế nhưng vì lòng trân quý núm ruột của Ông để rồi khi hay tin Ông mất nhiều người ngậm ngùi thương tiếc. Dĩ nhiên với tôi thì dâng Lễ cầu nguyện cho linh hồn Phanxicô Xaviê Võ Tòa cũng với những ý nguyện khác mà hàng ngày vẫn dâng.
          Cụ Võ Tòa mà nhiều người nhớ đến đó chính là thân phụ của nghệ sĩ Hoài Linh.
          Những ai thân quen với gia đình đều biết được rằng Ông là một người chồng, một người ông và là một người cha mẫu mực.
          Đến ngày về nhà Chúa, Ông và Bà đã sinh thành và dưỡng dục 6 người con phải nói là thành công, thành tài và thành danh nhất là nghệ sĩ Hoài Linh. Hoài Linh cũng chính là người anh cả trong đại gia đình có truyền thống đạo đức do Cha của Anh gầy dựng.
          Cả cuộc đời, cụ Võ Tòa là người Kitô hữu gương mẫu. Ông có tình yêu đẹp với Bà và con cháu.
          Nói về Cha, Hoài Linh nói : "Bố tôi là người Bố đạo đức, thánh thiện. Thương yêu gia đình hết mực". Thế nhưng tiếc thay lời Anh nói khác với những gì Anh sống và hành động để rồi chắc có lẽ không chỉ mình Cha của Anh nhưng cả gia đình cũng đau đáu về đứa con lắm tài nhưng cũng có những khuất tất về niềm tin, về đạo đức.
          Vẫn minh mẫn sáng suốt để dõi theo từng bước chân của con để rồi Cha của Anh vẫn ước mong Anh trở về với niềm tin tông truyền của gia đình. Ông ra đi nhưng còn đó nguyện ước của Ông về đứa con cả của mình.
          Tâm nguyện trước khi qua đời của Ông thật tuyệt vời : Con à ! Tuyệt đối đừng mê tín dị đoan rằng năm nay là năm hạn con bị sao thái bạch chiếu. Hoặc bị năm xui tháng hạn mà trong hoàn cảnh này con quay về với Thiên Chúa, với Mẹ Maria với đức tin con đã theo học thì chắc chắn tâm hồn con bình an. Một khi quỷ Satan dùng đồng tiền làm con lu mờ về đời sống Kitô hữu như nghệ sĩ ưu tú, giải mai vàng ... để biến con trở thành nô lệ của đồng tiền. Bằng chứng là suốt thời gian qua con nổ lực kiếm tiền để xây nhà thờ tổ nghiệp. Con nên nhớ tại Gò Vấp đã có chùa nghệ sĩ. Việc xây nhà thờ tổ nghiệp của con là không sai nếu con biết tuân giữ những gì về Thiên Chúa và những gì thuộc về truyền thống hay phong tục tập quán.. Bản chất cái nhà đó đã biến con thành một kẻ đồng bóng mê tín dị đoan. Satan đang hiện diện trong chính tài sản mà con từng tự hào đã tạo dựng nên nó. Nó đang níu kéo và lợi dụng con để chống lại Thiên Chúa.  Như nó từng làm với tổ tiên loài người. Con đừng quên trong cuộc sống ở trần thế của mỗi người những gì mình có được là do Thánh Ý Chúa. Vậy những cái của con có chưa chắc là của con"
          Nhiều người ngỡ rằng Mẹ Hoài Linh khác đạo với Cha để Anh rẽ đi niềm tin khác thế nhưng không. Mẹ Hoài Linh xác minh Bà là đạo dòng. Bà cũng chia sẻ rằng Hoài Linh làm nghệ sĩ và theo đạo khác : "Gia đình tôi không phản đối, không cấm cản nhưng cũng không ủng hộ"
          Dĩ nhiên không cha mẹ nào ủng hộ cho con mình làm điều trái ngược với niềm tin truyền thống của gia đình. Không phải chỉ cha mẹ của Anh nhưng cả bản thân tôi một người khán giả không quen biết cũng không hề muốn Anh dính dáng gì đến những chuyện mà nhiều người đồn đãi là mê tín dị đoan. Có thể là Anh bị oan đi nhưng chẳng lẽ là người của công chúng thì Anh cũng có thể minh oan như chuyện Anh giải trình về từ thiện.
          Thật sự với Anh, tên tuổi và vị thế của Anh nhiều người nằm mơ cũng không có. Để đạt được những gì như Anh có phải chăng là tài năng và bên dưới tài năng đó chính là ân huệ của Thiên Chúa. Chỉ tiếc rằng Anh đã không nhận ra điều đó để rồi Anh đánh mất đi hình ảnh đẹp mà Thiên Chúa tạo dựng nơi Anh.
          Giờ này thì mọi sự đã hoàn tất về Cha của Anh. Vấn đề còn lại là nguyện ước của Cha Anh vẫn còn đó và chưa trọn.
          Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót vẫn chờ đón những người con quay về với Ngài. Mỗi người không là ngoại lệ và trong đó cũng có Anh. Anh quay lại với Chúa vẫn còn kịp chứ chưa muộn.
          Hoài Linh đã có một vị thế trong lòng khán giả. Vị thế đó sẽ đẹp hơn, sẽ tròn hơn nếu như Anh trở về với niềm tin vào Thiên Chúa của gia đình cũng như làm tròn nguyện ước về Anh của người Cha thương mến của gia đình.
Lm. Anmai, CSsR 11 tháng 10 năm 2021
QUANG GÁNH CUỘC ĐỜI
          Quang gánh là hình rất thân thương của người Việt Nam. Dù xã hội phát triển nhưng ở nhiều nơi vẫn còn được sử dụng. Nhiều bà, nhiều cô dùng chiếc gánh để đi bán chén chè, gói xôi.... Cũng nhờ những gánh hàng rong đó mà đã tạo nên sự nghiệp của biết bao nhiêu người.
          Khi người nào đó gánh trên vai của mình thì hiểu được sức nặng đè trên đôi vai. Hình ảnh quang gánh không chỉ nói đến gánh nặng vật chất mà còn nói đến gánh nặng tinh thần của cuộc đời.
           Mỗi người, dường như ai ai cũng có quang gánh và có khi gánh quá nặng rồi. Gánh nặng mỗi người dường như cũng khó chia san hay có chăng chỉ là một chút gì đó.
          Ngày hôm nay, thời buổi thông tin phát triển hay có thể nói là cơn bão của truyền thông để rồi cuộc sống có quá nhiều ảnh hưởng. Những ảnh hưởng trong cuộc sống có thể nói do truyền thông mang lại. Nếu như sự việc đó, câu chuyện đó người ta không biết thì đâu có gì để bàn tán xôn xao. Thế nhưng rồi khi đưa lên câu chuyện nào đó thì y như rằng nhiều người vào tranh luận.
          Một linh mục thân quen nói : "Cậu thấy dạo này có nhiều người khóc mướn hay không ? Cứ có chuyện gì chả phải chuyện của mình mà người tha nghe xong là người ta khóc mướn".
          Quả thật ! Có nhiều câu chuyện xem chừng ra chẳng ảnh hưởng gì đến mình nhưng khi nghe thấy chưa hề phân định đúng sai tốt xấu nhưng cứ loan tin và nhanh tay bình luận. Kiểu tay nhanh hơn não thì thế nào cũng có những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
          Ngày nay, thật sự rất lo lắng cho kiểu khóc mướn như thế này. Có những kiểu người xem chừng ra rất rảnh và cứ dùng thời gian để lên mạng. Lên mạng thế là đào bới thông tin từ Đông sang Tây, từ Nam ra Bắc mà có khi ra đến hải ngoại nữa. Dường như không có thông tin nào là không đọc và cứ thế mà chia sẻ xem chừng như ta là người giỏi thông tin.
          Thế nhưng rồi quay qua quay lại, nhìn tới nhìn lui thì tất cả những thông tin đó xem chừng ra chả dính dáng gì đến đời mình cả. Những câu chuyện như chó cán xe xe cán chó nhan nhản mỗi ngày trong cuộc sống nhưng họ lấy làm thích thú khi biết những thông tin như vậy.
          Kèm theo chuyện khóc mướn là chuyện khen đểu.
          Có khi đưa thông tin nào đó lên là ngồi đó để chờ like và chờ view. Đưa tin lên là ngồi đếm xem cái tin của mình giật được bao nhiêu người để rồi họ like và share cho mình. Thế nhưng rồi tiếc thay rằng những người thân thiện đúng nghĩa thì chả bao giờ like hay share. Tất cả những người cứ thích canh me để like là mình thích thôi. Những cái like đó có khi là vô nghĩa vì người like chả biết gì mà cứ like đại. Có những người rất rảnh để đi like dạo.
          Kiểu ca tụng như thế thì Cha Tập Sư của chúng tôi dùng ngôn từ là xông hương. Xông hương nghĩa là tâng bốc, nghĩa là khen đểu. Từ ngữ xông hương cũng hay !
          Mỗi khi anh em khen cái gì Cha thì Cha nói : Đừng xông hương cho Bố nhé !
          Với cái suy nghĩ thiển cận, cuộc đời mỗi người xem chừng còn đó và có đó bao nhiêu gánh nặng của cuộc đời, can chi mô mà lại cứ lấy những chuyện đâu đâu mang về nhà cho nó nặng thêm. Kiểu cái gì cũng mang vào trong người thì ông bà ta hay nói : "ôm rơm nặng bụng".
          Thật vậy ! Cơn dịch đã, đang và tiếp tục đến. Nó đã quá nặng đề đè lên cuộc đời của mỗi người rồi để con người cần bỏ bớt đi những gánh nặng đâu đâu cũng như những câu chuyện chả dính dáng hay ăn nhập gì đời mình.
          Buồn cười là những câu chuyện bên lề xã hội đó mình cũng chả giải quyết được vì cũng chả phải bổn phận và trách nhiệm của mình. Tiếc thay là có những câu chuyện ngay trong gia đình mình hay bản thân mình mình còn chưa giải quyết xong mà cứ thích lo tham mưu cho câu chuyện của người khác.
          Như ông bà cũng nói : "việc nhà nhì nhác mà việc chú bác thì siêng" là vậy. Có khi mình để giờ để lưu tâm vào những chuyện chả phải là chuyện của mình hay dính dáng gì đến mình để rồi không còn thời gian cũng như tâm trí chuyện của chính gia đình hay của chính bản thân.
          Tưởng nghĩ quang gánh đời ta qua nặng rồi để rồi những chuyện bên lề xã hội, những chuyện chẳng dính dáng gì đến đời của ta thì ta bỏ đó để đừng mang vào trong đời. Quẳng gánh lo đi mà vui sống phải chăng là lời đề nghị rất chân thành và tha thiết cho cuộc đời của ta.
Lm. Anmai, CSsR 11 tháng 10 năm 2021
CUỘC ĐIỆN THOẠI ẤM LÒNG
          Nghỉ trưa xong, ông anh kết nghĩa gửi cho nghe cuộc điện thoại đang "hót" và được cho là cắt ghép. Thì ra là cú điện thoại trao đổi giữa 2 người.
          Cuộc điện thoại nếu như ai nghe được sẽ cảm thấy ống lòng và cảm phục vị lãnh đạo vừa có tâm và có tầm.
          Vị lãnh đạo ấy đã phát biểu rõ ràng và rành mạch :"Bây giờ không cho dân người ta đi ra. Không cho dân người ta đi vào. Thì bây giò phải có đường dây nóng. Mà đường dây nóng này người ta cần cái gì ? Một là người ta cần an sinh xã hội. Nhà người ta có gạo hay không ? Nhà người ta có nhu yếu phẩm không. Và các vật dụng cần thiết của gia đình. Như vậy thì tất cả cái ban chỉ huy này phục vụ. Bây giờ mình phải làm như vậy chứ mình buộc dân ở trong nhà không cho người dân đi ra ngoài mà mình không giúp dân thì không làm được gì.. Tôi nói thật các đồng chí. các đồng chí làm đi. Bao nhiêu ? 1 tháng cũng khôn xong đâu. Dân đi tới đi lui hoài. Làm sao mình quyết tâm : 10 ngày, 20 ngày mình trả lại cuộc sống bình yên cho người dân. Nếu mình không giúp dân thì giải. Tôi nói thật các đồng chí nếu không xong mình có lỗi người dân. Chúng ta phong tỏa hoài mà chúng ta không xử lý, chúng ta phong tỏa hoài mà chúng ta không có biện pháp ..."
          Cũng cung giọng người miền Nam chân chất ấy, hình như trong một hội nghị nào đó cũng đã làm dậy sóng mạng xã hội vì tâm tình đơn sơ, chất phác, lo cho dân của ông.
          Cuộc điện thoại được cho lò rò rĩ, cắt ghép có chút nội dung như thế này với người tiền nhiệm : "Tui nói với Anh. Ổng không cho nhưng tôi giải quyết. Sáng hôm nay hơn hai ngàn mấy rồi ! Tụi em từ tối tới giờ liều mạng rồi ! Tụi em báo cáo Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng hết rồi ! Làm gì dân mình mà đi bỏ. Người già con nít, phụ nữ có thai đi mấy trăm cây số. Có cái là phát biểu kêu công an và quân đội ra trấn áp. Tôi ra lệnh không trấn áp dân. Dân người ta đi về quê mà. Áp lực trong vòng 5 ngày 10 ngày nó hết thôi! Trời đất ơi ! Ổng lên báo chí nói không cho dân về, ngăn cản đầu này đầu kia. Ổng chửi em tan nát. Bây giờ em nói thiệt với Anh. Làm gì mình cũng phải có tổ chức, kỷ luật. Em báo cáo thứ trưởng Bộ Công An, mấy ổng nói cứ tiếp nhận đi. Ổng lên báo chí nói là không tiếp nhận. Lúc dầu sôi lửa bỏng bỏ người ta. Người ta có ăn có mặc người ra đi về làm gì. Dân của mình có 2.600 chứ nhiêu. Bây giờ tập trung lo làm tốt 10 ngày là xong chứ nhiêu. Sáng giờ chửi tui rùm hết trơn. Làm quá tắt điện thoại. Làm sao lo cho dân chứ có con mẹ gì".
          Nghe xong cuộc điện thoại "hot" này thì vô tình lại thấy được nơi những tờ báo với nhiều nguồn tin như :
          Tờ Thanh Niên đưa tin nói rằng lời nói Đại tá Đinh Văn Nơi bị cắt ghép, bịa đặt: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=565274021445118&id=100038875746157
           VTC đưa tin xác nhận clip phát tán là cuộc điện thoại "của cán bộ, anh em đồng chí" gọi đến Đại tá Đinh Văn Nơi.
https://vtc.vn/dieu-tra-vu-cat-ghep-ghi-am-cua-giam-doc...
          Tờ Tuổi Trẻ đưa tin, công an An Giang nói rằng "cuộc điện thoại mang tính chất trao đổi cá nhân (không phải những chủ trương hay chỉ đạo)".
          Ờ thì cứ như báo nói đi, nhưng dù gì đi chăng nữa thì nội dung cũng như tâm tình của vị lãnh đạo đáng yêu này đã để lại trong lòng người dân sự trân quý ông. Ờ thì cứ cho là trao đổi cá nhân không phải chủ trương hay chỉ đạo đi chăng nữa nhưng ta lại thấy lòng nhân hậu nơi vị lãnh đạo này.
          Ông nói đúng ! Dân về quê mà ! Không cho về thì đi đâu ? Có chăng cùng chung sức và chung lòng để đón họ về sao cho ổn thỏa thôi mà.
          Cùng hòa theo dòng chảy của người về quê đó, không chỉ có vị lãnh đạo đáng yêu này mà còn nhiều người khác nữa của ít lòng nhiều nghĩ ra cách tốt nhất để lo cho dân trở về.
           Trưa nay, Cha Sở hỏi chuyện gạo ! Còn mà ! Đơn giản là lúc nào cũng thủ để phòng "thân" (lo cho người già, khuyết tật và neo đơn trong giáo xứ) mà !
          Vậy là sáng mai, Cha sẽ khăn gói quả mướp vác gạo đem đi vô khu cách ly tập trung gần giáo xứ.
          Vậy đó, giữa cái cơn bĩ cực của những người dân xa xứ nay trở về ta lại thấy nhiều cung cách, nhiều tấm lòng khác nhau. Chỉ những ai có trái tim chai đá hay vô cảm mới không cho hay tìm phương án cho dân về.
          Ta cứ đặt ta vào hoàn cảnh của họ thì ta mới cảm thấy thật sự sự chênh vênh của cuộc đời. Ở lại cũng không xong mà về thì đường về ôi xa quá !
          Đúng như lời vị lãnh đạo có tâm nói, chứng 5 bữa nửa tháng chứ mấy ! Ráng chung chia với nhau một chút thì mọi sự đều ổn thỏa cơ mà.
          Lòng nặng lòng và cứ đau đáu hình ảnh những anh chị em di dân đang tìm cách để về quê nương náu trong cơn đại dịch
Lm. Anmai, CSsR 5 tháng 10 năm 2021
Sài Gòn : Hoa và Lệ
          Địa chỉ bây giờ nơi Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đang tọa lạc là một địa thế trắc lợi. Chỉ những người cao tuổi, những ai nghiên cứu về lịch sử, về địa dư thì mới biết rằng nơi đây ngày xa xưa lắm chỉ là đám sình lầy.
          Ngày mỗi ngày khi xã hội tăng tiến và phát triển cũng như đất chật người đông, mảnh đất gần hố rác ấy trở nên sầm uất và nhộn nhịp như mọi người thấy. Rồi những năm gần đây, với nhịp độ phát triển, nhiều cao ốc đã mọc lên làm áng ngữ đi cái khung cảnh đẹp mà từ xưa người ta vẫn thấy tháp chuông cao.
          Đàng sau tháp chuông cao và những tòa cao ốc mọc lên ấy vẫn là nhiều dãy nhà tạm gọi là tươm tất hơn một chút nhưng vẫn tọa lạc trong những con hẻm chằng chịt lối đi. Trong những con hẻm nhỏ đó, đa phần vẫn là những con người nghèo cùng với xóm trọ cho anh chị em di dân.
          Quanh quanh cái khu đô thị xem chừng sầm uất này lại là nơi nương náu của nhiều anh chị em sống bằng nghề buôn gánh bán bưng. Đa phần anh chị em ở đây là những người sống bằng và với cái mẹt nho nhỏ trong đó là vài quả xoài xanh, ít cái trứng cút luộc và ít cái bánh phồng tôm. Với cái mẹt nho nhỏ này, họ đủ để đắp đổi ngày qua tháng lại ở chốn tha phương.
          Những ngày phong tỏa, những "thị mẹt" trong những con hẻm nhỏ này có lẽ là khổ hơn ai hết. Dường như tất cả các quán ăn và nhậu đóng cửa để rồi cái mẹt cũng buồn theo và buồn nhất vẫn là những "thị mẹt" ngày đêm rong ruỗi trên mọi nẻo đường đời để kiếm sống.
          Từ lâu, những ngày sống trong mảnh đất thân yêu của Nhà Dòng, đôi khi đi ra ngoài có việc hay rong ruỗi trên đường vẫn thấy những cái thúng, những cái mẹt, những gánh hàng rong cứ chiều chiều túa ra đường như con chim đi tìm mỗi lo cho tổ ấm. Và nay cũng vậy, những con người nghèo ấy vẫn tá túc trong xóm trọ để đắp đổi qua ngày.
          Như vậy, ta lại bắt gặp được một Sài Gòn không phải chỉ là hoa lệ mà Sài Gòn vừa có hoa và vừa có lệ.
          Tưởng nghĩ chẳng phải chỉ quanh cái khu vực ga Sài Gòn mới có những con người nghèo như vậy nhưng đâu đó còn nhiều và nhiều người nghèo lắm.
          Bỏ quận 3, vòng qua Bình Thạnh hay như quận 4 và nhiều quận khác nữa ta cũng bắt gặp những con người nghèo sống trong lệ giữa thành phố tưởng chừng như đầy hoa.
          Giữa cơn dịch bệnh này, không chỉ người nghèo mới khóc nhưng cả người giàu cũng phải khóc. 4 tháng trời ròng rã và tiếp theo những ngày úp úp mở mở kín kín hở hở là chuỗi ngày dài chôn vùi cuộc sống của những anh chị em di dân.
          Chẳng ai muốn bỏ quê vào Sài Gòn và cũng chẳng ai muốn bỏ Sài Gòn để về quê nếu như nhà quê trước khi họ rời đi được yên ổn hay như Sài Gòn được bình yên khi họ rời bước. Sài Gòn xem chừng như là mảnh dất của dễ sống nhưng thật sự không phải dễ sống.
          Nhìn những cao ốc mọc lên như nấm thì chắc hẳn nhiều người vui nhưng cũng không ít những người buồn. Thật sự bên dưới của Sài Gòn hoa lệ đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng một lớn. Dĩ nhiên có những tầng lớp ngày mỗi ngày càng giàu thêm nhưng lại còn đó những người bơ vơ vất vưởng kiếm sống.  
          Có những câu chuyện mà người ta khoe nhau với khối tài sản ngàn tỷ và đi trên con xe vài chục tỷ sao lại thấy chạnh lòng : "Cái bánh xe của chị thôi bằng giá chiếc xe của nó. Xe của chị mấy chục tỷ mà cưng ! Hột xoàn của chị cả rồ ! Sổ đỏ của chị đem đi cân ký ...".
          Nghe những lời đó sao mà chua cay quá ! Họ đâu biết rằng cái sung sướng, cái phủ phê của họ đằn lên nỗi đau của kiếp nghèo của không biết bao người. Phận đời nổi trôi để rồi còn đó và có đó những kiếp nghèo. Cái nghèo dường như thương nhiều người lắm và thương cả chính tôi.
          Vậy đó, giữa Sài Gòn xem chừng ra đầy hoa nhưng cũng không thiếu lệ !
          Thương và thương lắm cho những lệ giữa phố đầy hoa.
Lm. Anmai, CSsR 4 tháng 10 năm 2021
NẶNG LÒNG VỚI TẤM BIỂN BÊN VỆ ĐƯỜNG
          Những ngày qua, nhiều và nhiều người còn "kẹt" lại ở Sài Gòn muốn trở về quê nhà.
          Đất lành thì chim đậu. Đất không lành thì chim đi cho đến khi đất lành thì chim quay lại.
          Cũng không có gì khó hiểu cho lắm ! 4 tháng trời ròng rã không có công ăn chuyện làm mà tiền thuê nhà, điện nước vẫn trả và tiền ăn vẫn phải chi. Thu nhập thì không có mà bỗng dưng cuộc sống ngừng lại thì biết bao nhiêu gánh nặng chồng chất lên họ và họ phải rời đi thôi.
          Nghẹn lòng với đôi vợ chồng nọ phải bán đôi bông tai được mấy trăm bạc để đóng tiền test và đổ bình xăng để về quê. Trên con đường về đó thì còn bao chi phí khác nhưng giờ kiếm đâu ra.
          Còn đó hình ảnh đôi vợ chồng phải nai lưng trên con "xế điếc" để về nhà. Chồng mệt và vợ cũng mệt vì chị đang mang thai. Đi xe máy cũng đã là mệt rồi, đàng này đạp xe đạp thì chịu sao cho thấu.
          Giữa cảnh đời chênh vênh đó, giữa đoàn người về quê đó chắc chắn có người không đủ tiền nhưng về đại. May thay lại có những tấm lòng quảng đại nghĩ đủ mọi cách để chia sẻ trên đường về. Bên vệ đường, ta chợt nhận thấy những hộp cháo, những ổ bánh mì và chai nước cho người về quê. Sáng kiến hay hơn nữa đó là xăng 0 đồng.
          Dễ thương lắm khi bắt gặp tấm biển thật dễ thương : Bạc Liêu 2 chai ! Cà Mau 3 chai !
          Xăng đó ! Cứ về quê thì vào đổ để mà về !
          Thương nhau là vậy đó ! Thương người là như vậy cơ ! Lòng bảo lòng những chai xăng cứ để ở vệ đường để chia sẻ.
          Nhìn những hình ảnh như vậy lại nghĩ đến chuyện thử chuyện test !
          Chi phí cho mỗi lần test có cái giá cao hơn nhiều lần với một mũi chích. Tính quân bình có khi 3, 4 lần chích mới bằng giá 1 lần thử.
          Tình hình dịch bệnh thì ai ai cũng biết ! Đến bây giờ tạm gọi là sống chung với dịch ! Và rồi chuyện cần thiết nhất bây giờ phải chăng là phủ mật độ tiêm chủng càng nhanh càng dày càng tốt. Thế nhưng rồi trong thực tế thì hoàn toàn khác.
          Dịch bệnh, ai ai cũng biết là không phải do tự nhiên mà do lòng quái ác của con người. Chính con người đã làm ra nó để làm hại cho người khác.
          Giữa cơn bĩ cực ấy, ta lại thấy giằng co giữa sự thiện và sự ác. Điều bi đát đó là sự dữ dường như mãnh lực mạnh hơn vì nó lại nằm trong tay những kẻ có quyền.
          Báo chí chính thống vừa rồi bỗng dưng đưa tin về chuyện ai đó đầu nậu 25 triệu bộ kit test ! Phận nhỏ nhoi thấp cổ bé miệng cũng ngạc nhiên và thấy làm lạ là tại sao không đầu tư thuốc để tiêm cho cộng đồng.
          Bên dưới 25 triệu bộ kit test đó và nhiều chuyện nhiễu nhương khác đã, đang và sẽ xảy ra cũng chỉ đè lê cái đám dân nghèo đau khổ. Nếu như người ta có lương tâm và thương và lo cho dân thì người ta sẽ tìm đủ mọi cách để cho dân mình được hưởng những phúc lợi tốt nhất và nhanh nhất.
          Nghe tin như vậy, lòng cứ ước ao quy đổi số tiền đó để mua thuốc để chích cho dân dù mang về bán bởi nhiều người cũng chấp nhận chích tốn phí. Giờ có người muốn bỏ phí chích nhưng cũng không được như lòng mong muốn.
          Nhìn dòng người đổ về quê như trẩy hội sao mà thấy thương quá ! Ở cũng không được mà về cũng không xong. Kèm theo nặng đôi bờ vai của chuyện kế sinh nhai là gánh nặng của chuyện chích choác.
          Người quen ở thành thị của thành phố ở vùng cao vẫn ngao ngán vì chưa được chích. Và như vậy, cũng dễ hiểu cho những người nghèo nơi vùng xa xôi hẻo lánh. Biết bao giờ những người nghèo đó được đối xử một cách công bằng hơn.
          Những ước mong lòng người thay đổi để họ có những chương trình, có những kế hoạch như thế nào đó để chăm lo cho dân hơn. Về rồi nhưng để hội nhập lại bình thường với cuộc sống quả là một bước gian nan.
          Lòng lại nặng lòng khi thấy những người về quê không đủ kinh phí cho mỗi ngày 120 ngàn đồng để ở trong khu cách ly với thời gian như quy định.
Lm. Anmai, CSsR 4 tháng 10 năm 2021

ĐƯỜNG TÌNH GIÊSU 27-4

 

ĐƯỜNG TÌNH GIÊSU

Ở những thành phố lớn như Sài Gòn, ngày hôm nay để di chuyển từ điểm nào đó đến điểm kia không còn là chuyện khó. Đơn giản rằng có phần mềm thông minh định vị để hướng dẫn người ta đi đến điểm người ta cần.

Cũng vậy, nhờ xã hội phát triển, ngày nay, người ta có thể tiến lại gần nhau hơn nhờ đường sá mở rộng hơn và đẹp hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì để đáp ứng nhu cầu thực tế của con người.

Để tìm đến địa chỉ nào đó thì cần đường, cần phần mềm. Còn địa chỉ ở trên trời hay nối trời với đất người ta đi bằng con đường nào ? Xin thưa đó là con đường mang tên Giêsu. Con đường mang tên Giêsu này vô hình nhưng lại là con đường của sự thật và là sự sống để dẫn con người đến với Chúa Cha.

Con đường mang tên Giêsu chính là con đường nối đất với Trời, con đường mang lại ơn cứu độ cho con người.

Con người, tuy rất cần con đường xi măng cốt thép, trải nhựa nóng để di chuyển nhưng con người không dừng lại ở thực tại trần gian nên rồi lại băn khoăn, khắc khoải đi tìm một con đường của tâm linh.

Nhạc sĩ Đức Huy rất thật để nói về nỗi khắc khoải của đời mình. Ông rất hiện sinh khi nói :

Tìm một con đường tìm một lối đi 

Ngày qua ngày đời nhiều vấn nghi 

Lạc loài niềm tin sống không ngày mai 

Sống quen không ai cần ai 

Cứ vui cho trọn hôm nay 

Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi 

Một mình tôi về, nhiều lần ướt mi 

Chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai 

Xóa tan màn đêm u tối 

Cho tôi biến đổi tâm hồn thành một người mới 

Và con tim đã vui trở lại 

Tình yêu đến cho tôi ngày mai 

Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời 

Tôi hy vọng được ơn cứu rỗi 

Và con tim đã vui trở lại 

Và niềm tin đã dâng về người 

Trọn tâm hồn nguyện yêu mãi riêng người mà thôi... 

Và bây giờ, ngày buồn đã qua 

Mọi lỗi lầm, cũng được thứ tha 

Tình yêu đã đến trong ánh nắng mai 

Xóa tan màn đêm u tối 

Cho tôi biến đổi tâm hồn thành một người mới 

Và con tim đã vui trở lại... 

Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối 

Tôi vẫn không sợ hãi gì vì Người gần bên tôi mãi.

Thì ra rằng con tim ông vui trở lại và cảm thấy bình an dù có bị biết bao nhiêu tội lụy nhưng vẫn được thứ tha và dẫu có đi qua vực sâu tối ông không sợ hãi gì vì Người gần bên tôi mãi.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, ông đã tìm ra con đường Giêsu mới là con đường thật dẫn ông đến bến bờ bình an.

Và thật, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đa ban Con Một của mình cho thế gian và chính Giêsu là con đường dẫn về quê hương đích thực, con đường dẫn về Thiên Đàng.

Ai muốn vào Nước Thiên Chúa, chỉ có duy nhất một con đường để đi đó là đi qua con đường Giêsu.

Vui cũng như tiếc thay rằng người Do Thái đã không tin và khước từ Giêsu và đã treo Giêsu lên thập giá và giết cho bằng được.

Xưa cũng thế mà nay cũng vậy. Vẫn nhiều người không tin Giêsu vì con đường Giêsu là con đường thập giá, con đường khiêm hạ, con đường tình yêu : “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Xưa kia, Ađam đã đi trên con đường của kiêu ngạo, của bất tuân thì nay, Giêsu ngược lại, đã đi trên con đường khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa Cha để rồi nhưng ai đi theo con đường Giêsu thì được cứu độ chứ không bị hư mất.

Một Maria là người nữ tiên khởi trong trần gian này đã tin, đã yêu và đi theo đường tình Giêsu :

Ðời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh

Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Vâng ! Con đường tình Giêsu là như vậy để rồi ai khiêm nhường bước theo thì mới được hưởng vinh phúc Nước Trời.

Ngày hôm nay, người ta ngại thập giá và người ta cũng ngại luôn cả khiêm nhường. Khi ngại thập giá và khiêm nhường thì người ta cũng sẽ không còn biết yêu nữa.

Thập giá treo con người mang tên Giêsu nên mới gọi là thánh giá. Còn nếu thập giá treo con người hận thù, căm ghét, ai oán thì không thể nào gọi là thập giá được. Và rồi, Chúa mời gọi mỗi người hãy vác thập giá đời mình để bước theo Chúa.

Có người, dường như lúc nào cũng mắc bệnh than để rồi cứ mãi than van với Chúa về thập giá Chúa trao ban cho mình. Khi và chỉ khi ta vác thập giá gói ghém với tất cả tấm lòng và tình yêu của ta thì ta thấy nhẹ nhàng. Còn khi ta căm thù hờn giận thì dù thập giá có nhẹ đến đâu cũng ai oán.

Có những câu chuyện đùa về thập giá đời mình và có khi được minh họa bằng hình ảnh hết sức dễ thương. Đời người ai cũng có thập giá, để theo Chúa thì phải vác. Có người thấy nặng quá và cưa cho ngắn bớt. Chúa vẫn không nói gì và để cho tự do. Thế nhưng, chặng cuối để bước vào vinh quang thì đi qua một cái vực sâu nhưng đáng tiếc cây thánh giá mà Chúa trao ban đã bị ngắn quá và không tài nào qua được. Thế là người đó nuối tiếc ở lại phía bên đây.

Cũng chỉ là hình ảnh minh họa về con đường về Trời với thập giá đời mình nhưng đã nhắc nhớ về thánh giá mà Chúa trao ban cho mỗi người để rồi khi và chỉ khi bước theo Chúa trọn vẹn trên con đường thập giá thì được cứu rỗi.

Thật vậy, con đường thập giá mà Chúa trao ban cho mỗi người tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Nếu ta nhìn ra đó là tình yêu mà Chúa trao ban cho ta thì ta vác thấy nhẹ nhàng và ta dùng tình yêu của ta thì ta đủ sức mạnh để vác. Còn khi ta thấy đó là cay đắng thì không bao giờ có thể vác được.

Trong thân phận làm người, đã hơn một lần Chúa Giêsu than thở với Chúa Cha : “Lạy Cha nếu có thể được, xin Cha cất cho con khỏi chén này nhưng đừng theo ý con mà xin theo ý Cha”.

Xin cho mỗi người chúng ta nhìn lên Giêsu chịu treo trên thập giá và xin cho ta cùng thưa với Chúa Cha xin cho ta vâng theo ý Cha để rồi ta cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản bước theo Chúa. Có như vậy, ngày sau ta sẽ được hưởng Nước Trời như Chúa đã dành sẵn cho những ai bước đi theo con đường tình Giêsu.

November 1, 2024