January 15, 2024

 

Ở Cùng Chúa Chúa nhật II Thường niên, năm B-2024

Năm 2024 có lẽ do kinh tế đi xuống nên việc mua sắm, giao dịch cũng chậm lại. Trước đây nghề quảng cáo cũng hái ra tiền. Người mua đa phần dựa vào uy tín người quảng cáo để mua. Dẫn đến tình trạng mua hàng rồi không sử dụng được. Có khi chỉ là trò lừa đảo bằng hình thức quảng cáo sai sự thật. Giờ đây kinh tế xuống cấp nên người mua cân nhắc hơn, họ phải kiểm tra hàng trước khi mua và có khi còn phải đến tận nơi sản xuất để xem cụ thể mới dám mua.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật hai môn đệ Anrê và Gioan được thánh Gioan Tiền hô quảng cáo về Chúa Giê-su: "Ðây là Chiên Thiên Chúa" (Ga.1:36).  Anrê và Gioan liền đi theo Đức Giêsu để tìm hiểu.  Hai ông đi theo sau nhưng lại không dám mở lời. Ðức Giêsu thấy sự đơn sơ của họ nên Ngài đã hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Có lẽ Chúa Giê-su cũng từng hỏi nhiều người đi theo Chúa Các anh tìm gì”?  Vì Chúa biết những người đi theo Chúa không hẳn là cùng mục đích. Có người vì danh vọng, có người vì tiền, có người cũng chân thành theo Chúa. . .

Câu hỏi “Các anh tìm gì thế ?’ là câu hỏi bắt hai ông phải trở lại với lòng mình, phải ý thức về nỗi khát khao hy vọng trong lòng mình. Tôi đang tìm kiếm điều gì? Tiền bạc, tiếng tăm, danh vọng, thỏa mãn? Hay tôi đang tìm một “ai đó” cho đời tôi một hướng đi? 

Họ đáp: “Thầy ở đâu ?”. Họ không trả lời câu hỏi của Chúa Giê-su mà họ chỉ muốn đi đến tận nơi ở của Chúa để hiểu rõ hơn về Đấng mà thánh Gioan đã giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa”. Đến nhà một người là đi vào thế giới người đó. Ở lại nhà một người là đi vào sự thân mật riêng tư để có thể đồng cảm chia sẻ với nhau. Chúa Giê-su đã đáp ứng nguyện vọng của họ. “|Hãy đến mà xem”. Họ đã đến xem và đã ở lại. Từ đó họ trở thành những tông đồ gắn bó cùng Chúa suốt hành trình ba năm rao giảng tin mừng. Từ việc ở với Chúa, nghe Chúa nói, thấy việc Chúa làm giúp họ xác tín hơn để nói lên rằng"Chúng tôi đã thấy Ðấng Mêsia".(Ga.1:41).

Các môn đệ đã tin vào Chúa không chỉ nghe, không chỉ thấy mà còn là cảm nghiệm về Chúa khi được sống thân mật với Chúa. Đây cũng chủ đề mục vụ của Giáo Phận năm nay là muốn hiệp hành cùng Giáo Hội, cùng nhau thì phải biết nghe và thực hành lời Chúa, đồng thời còn phải có những giây phút ở với Chúa qua việc Chầu Thánh Thể và kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể nhiều hơn nữa. Từ đó ta mới có thể xác tín hơn về niềm tin của mình vào Đấng Cứu Chuộc trần gian. 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn lại hành trình đức tin của ta. Nhiều lúc ta tưởng đi lễ là đáp lại tiếng Chúa mời gọi nên ta cố gắng chu toàn. Ta coi việc đi lễ như là cách trả nợ cho Chúa, vì Chúa cho sống, cho nhiều ơn lành nên đi lễ để tạ ơn. 

Nhiều lúc ta tưởng mình tham gia các hội đoàn trong xứ, ta chăm chỉ đọc kinh, quét dọn, phục vụ để trả nợ Chúa, vì thời gian là của Chúa nên phải làm gì đó cho Chúa.

Nhiều lúc ta tưởng những người đi tu là dâng hiến đời mình tiếp nối công việc của Chúa, trao ban bí tich, rao giảng lời Chúa vì Chúa muốn nên Chúa chọn.

Đọc bài phúc âm hôm nay thì hình như ta đang thiếu phần cốt lõi mà Chúa luôn để dành sẵn cho chúng ta, chính là “ở với Chúa”. Chúa muốn ta thực sự gặp gỡ Người, tiếp xúc thân mật với Người, sống thân thiết với Người trong tình con thảo. Chúa không muốn chúng ta làm công việc của Chúa hay làm cho Chúa mà là đến với Chúa. Hãy trao vào tay Chúa những lao nhọc của mình. Hãy trao vào tay Chúa những dự định của mình. Hãy phó thác đời chúng ta cho Chúa. Chính nhờ những lần đến với tiếp Chúa , tâm sự với Chúa đã có biết bao người được thay đổi đời sống. Anre và Simon đã ở với Chúa và sẵn sàng đi theo Chúa. Gia Kêu và Maria Madalena đã mời Chúa vào nhà mình để từ đó họ thay đổi cách sống nên tốt hơn.

Ước gì chúng ta luôn biết dành thời giờ cầu nguyện với Chúa để nhờ  Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta bước đi con đường theo ý Chúa muốn. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 2024

 

Công Trình Vì Chúa Hay Vì Con?

Chúa nhật II thường niên, năm B-2021

Một giáo sư tại đại học đã ra một câu hỏi trắc nghiệm cho 37 học sinh với câu hỏi:

Ngày lễ giáng sinh là ngày gì?

Lần lượt được các em trả lời là ngày đi chơi, là ngày đi xem hang đá, xem cây thông, xem đèn sao lấp lánh, nhưng không một em nào nói đúng được trọng tâm ngày lễ giáng sinh. Cuối cùng vị giáo sư đó nói: ngày lễ giáng sinh là ngày Chúa sinh ra đời và ở cùng chúng ta.

Dường như ngày lễ Chúa giáng sinh đã bị chúng ta giản lượt thành lễ “giáng sinh” không có Chúa. Ở các con phố hay công viên người ta làm những cây thông thật đẹp để trang trí và chụp hình. Ở những quán ăn hay quán Cà phê người ta quấn dây đèn và trang trí thêm dây thông để tạo bàu khí ấm cùng cho mùa đông tuyết rơi.

Ở các nhà thờ ngày xưa người ta làm các hang đá thật lớn, thật đẹp để mọi người đi xem hang đá. Có khi Chúa thật nhỏ nhưng hang đá thì thật hoành tránh. . . Dần dần càng ngày với tâm lý “Con gà tức nhau tiếng gáy” là sự đua đòi, làm để thể hiện sự tài năng và giầu có của mình. Những năm gần đây người ta lại đua nhau làm ngôi sao chổi với lập trình cả hàng ngàn kiểu chạy lập lòe xanh đỏ. Xứ sau luôn phải làm to và siêu sao hơn xứ trước.

Và hôm nay thì sự biến thế đi quá xa khi nhiều xứ đạo bỏ hàng trăm triệu để đầu tư cho những ngôi sao chổi lập lèo, thậm chí hàng tỉ đồng cho một cây thông vĩ đại, và biết bao cung đường với hang động cả 1 cây số chỉ mục đích giúp cho người trẻ có nơi vui chơi và check in chụp hình.

 “Con gà tức nhau tiếng gáy” hình như  đang đi vào trong những sinh hoạt tôn giáo để đánh bóng tên tuổi mình. Giáng sinh là dịp để mọi người ca tụng cha xứ này, giáo xứ nọ hoành tráng, còn ý nghĩa thực của ngày Con Thiên Chúa giáng trần đang lu mờ trước những công trình vĩ đại của con người. gay trên các thiệp giáng sinh chỉ thấy dòng chữ “Chúc mừng Giáng sinh”. Người đời cố tình bỏ chữ Chúa giáng sinh và người có đạo vẫn mừng giáng sinh không có Chúa. Thế nên, ngày Chúa giáng sinh ta chỉ thấy cái tôi của ai đó được tôn vinh còn Thiên Chúa cũng vẫn lạc loài ở một nơi nhỏ bé âm thầm ít ai biết đến?

Tôi nhớ có một bài hát sinh hoạt với lời nhắc như thế này: “Hãy quên đi cái tôi để mang Chúa đi vào đời”. Xem ra để mang Chúa vào đời phải quên đi cái tôi của riêng mình để sống cho Thiên Chúa. Xem ra để mang Chúa vào đời phải từ bỏ tham vọng của cái tôi ích kỷ để Chúa được lớn lên trong đời sống chứng nhân của chúng ta. Vì ở đời ai cũng thích danh vọng. Ai cũng mong cho mình được nổi tiếng, được trở thành ân nhân của xã hội. Những con người ham danh thường tìm vinh quang về mình. Thích được tán thưởng. Thích được biết ơn. Và  được khao danh giữa đời.

Thánh Gioan Baotixita đã sống quên đi cái tôi của mình. Ngài được nhiều người yêu mến và tôn vinh. Nhưng ngài đã không nhận phần vinh dự về mình, khi ngài nói: “Có Đấng đến sau tôi. Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dây giầy cho Người”. Ngài đã từng mong ước cho đời sống chứng nhân của ngài luôn “nhỏ bé để Chúa được lớn lên”. Ngài chỉ muốn những việc ngài làm sẽ dẫn người khác đến với Chúa.

Phúc âm kể rằng khi đang ở cùng với các môn đệ thì bất chợt thấy Chúa Giêsu. Gioan đã giới thiệu cho các môn đệ về danh tính của Đấng Messia. Đây mới chính là Chiên Thiên Chúa. Đây mới xứng đáng là Thầy mà các ngươi cần đi theo. Ngài sẵn lòng để các môn đệ ra đi. Ngài biết phận mình chỉ là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Tinh nhân trần.

Ước gì ở đời có nhiều tâm hồn quảng đại sẵn lòng dấn thân làm chứng cho tin mừng của Chúa nhưng vẫn luôn khiêm tốn và ẩn mình đi. Dấn thân một cách vô vị lợi. Dấn thân một cách quên mình. Dấn thân để tôn vinh Thiên Chúa, chứ không tôn vinh bản thân. Dấn thân để làm vinh quang Thiên Chúa, chứ không làm thật to, thật hoàng tráng để mình được tâng bốc tán dương. Ước gì chúng ta luôn nhỏ bé, khiêm tốn, đừng đề cao mình quá đáng, đừng tìm cách tán dương mình mù quáng. Hãy để những công việc mình làm cho danh Chúa được cả sáng.

Lạy Chúa, ở đời ai cũng thích được tán dương, được khen thưởng, được đề cao giữa mọi người. Chính vì vậy mà cuộc đời không thiếu những thị phi, những bất công. . . Xin cho chúng con luôn khiêm tốn, bé nhỏ để Chúa được lớn lên trong cuộc đời chúng con. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền.

 

Truyền Giáo Trong Thế Giới Ảo

Chúa nhật 2 thường niên, năm B-2018

Ngày nay không ai phủ nhận sự tích cực của công nghệ thông tin. Con người ngày nay đang tận dụng rất nhiều về công nghệ để giải quyết công việc hằng ngày. Với thời đại hôm nay chỉ cần ngồi một chỗ là có thể làm được mọi thứ từ làm việc đến mua sắm, học tập, giải trí... Đặc biệt là công nghệ đã giúp con người giải quyết tốt các vấn đề việc làm nhờ sự phát triển đa phương tiện.

Tuy nhiên mặt tiêu cực của công nghệ thông tin cũng đưa con người vào một lối sống mới mà người ta gọi là “sống ảo”. Sống ảo là sống không thực với hiện tại, luôn có những suy nghĩ, ý tưởng dựa vào những gì xa vời mà internet mang lại. Với thế giới ảo này người ta cũng dễ phạm tội từ việc bêu xấu, đả kích nhau, lừa tiền, lừa tình . . . dẫn đến phạm pháp giết người cướp của tràn lan.

Theo số lượng thống kê mới đây nhất của Facebook thì Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng thường xuyên trên Facebook, và con số này còn tăng trưởng mỗi ngày. Như vậy với dân số hơn 90 triệu dân thì 1/3 dân số Việt Nam biết đến mạng xã hội Facebook.

Dù facebook có mặt tốt mặt xấu nhưng thực tế trong thế giới ảo đó hiện đang có số lượng người tham gia rất nhiều. Là người ky-tô hữu chúng ta có bao giờ nghĩ mình phải là gạch nối cho những con người trong thế giới đó biết Thiên Chúa, hiểu Thiên Chúa và sống gắn bó với Thiên Chúa hay không?

Thiết nghĩ đây là cánh đồng truyền mà Chúa đang nhắc nhở chúng ta nếu không nhanh tay gặt hái thì chim trời sẽ tha đi hết. Nếu người ky-tô hữu chúng ta không tận dụng những công nghệ hiện đại để tiếp cận với cánh đồng truyền giáo mênh mông này thì ma qủy sẽ cướp đi biết bao linh hồn. Ngày xưa các nhà truyền giáo phải lặn lội cả hàng tháng trời để tới những vùng sâu vùng xa mong tiếp cận với những người chưa biết Chúa để nói về Chúa cho họ. Ngày nay chúng ta chỉ cần một nút nhấn có thể gởi một thông điệp về Chúa cho hàng ngàn con người trong một giây. Tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội giới thiệu Chúa cho anh em đang khi chúng ta có khả năng để giới thiệu Chúa?

Thánh Gioan Tẩy Giả đã luôn tận dùng mọi thời cơ để giới thiệu Đấng Cứu Thế đến cho mọi người. Gioan đã giới thiệu Chúa cho hàng ngàn người đang đứng bên ông nơi hoang địa hay nơi sông Giordan. Ông tận dụng thời cơ để nói về Chúa cho các môn đệ của mình, cho bà con láng giềng của mình, và cho cả dân tộc của ông.

Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể tự tỏ mình ra cho nhân loại. Ngài không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng, Ngài đã không tự biểu dương mình. Ngài cần người giới thiệu. Ngài muốn con người là nhịp cầu cho Ngài đến với nhân loại. Nếu con người cảm nghiệm tình yêu ngọt ngào từ Ngài thì hãy giới thiệu tình yêu ấy cho nhiều người khác. Nếu con người cảm thấy tình yêu quan phòng kỳ diệu của Ngài thì hãy tuyên xưng Ngài cho thế trần. Đây là bổn phận của lòng biết ơn. Đây là cách chúng ta tỏ bày lòng biết ơn của mình với Đấng tạo thành khi đã nhận ơn của Ngài.

Ước gì chúng ta biết noi gương bắt chước thánh Gioan luôn nói về Chúa trong mọi hoàn cảnh. Trong hoang địa hay đường phố. Nơi người thân hay người xa lạ. Hãy tận dụng mọi hoàn cảnh Chúa ban để làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin khi mà một lượng người rất lớn đang sống ảo thì một sứ điệp về Chúa rất cần được chúng ta loan tải trên trang cá nhân của chúng ta. Một hành vi tưởng chừng như nhỏ nhoi nhưng chúng ta tin rằng Chúa sẽ làm điều kỳ diệu qua những nỗ lực của chúng ta. Một hành vi tưởng như dã tràng xe cát biển đông nhưng với quyền năng Chúa sẽ cứu rỗi được nhiều linh hồn. Điều quan yếu là ta đã biết tận dụng phương tiện truyền thông hiện đại để nói về Chúa cho con người hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

Nghề Mai Mối
Chúa nhật II thường niên, năm B-2015

Chuyện cưới xin ngày xưa ở Việt Nam thường lệ thuộc vào ông mai bà mối. Ông mai bà mối được xem là một nghề. Khi nhà trai muốn kiếm vợ cho con. Họ cần một bà mai để kiếm vợ cho con. Họ nhờ vả bà mai kiếm cho họ một cô con dâu vừa đẹp vừa ngoan. Có khi gia đình nào có con gái đến tuổi cập kê kiếm chồng không ra, hay gọi nôm na là ế chồng thì cũng nhờ đến bà mai. Sở trường nổi bật của bà mai là phải thật dẻo mồm dẻo miệng, nói dở thành hay, mới hy vọng kết mối tơ duyện cho đôi vợ chồng.

Điều hay nơi các bà mai mối thường đóng vai trò con thoi khiêm nhường. Nhiệm vụ của họ chỉ là giới thiệu hai gia đình quen biết nhau, đốc thúc gặp gỡ để hai họ đi đến việc thăm viếng làm quen rồi đề nghị đám hỏi, đám cưới. . .

Theo thời gian, với cuộc sống hiện đại, khi các mối quan hệ ngày càng mở rộng, toàn cầu, con người sẽ dễ dàng tìm được bạn đời ưng ý, song thực tế, chuyện mai mối vẫn là điều đang diễn ra hàng ngày, chỉ có điều ở hình thức khác, hiện tượng khác hơn và ông tơ bà mối cũng khác hơn ngày xưa.

Có một người bạn tâm sự: “Hôm vừa rồi, mình vừa giới thiệu cô bạn thân với anh bạn đồng nghiệp. Tưởng chỉ làm bạn, ai dè thành đôi đấy. Cũng khá đẹp đôi với nhau. Mà mình cũng mát tay thật. Đây là đôi thứ 3 đấy. Cứ không ngờ mà lại thành thật. Hai đôi trước cưới nhau rồi. Mà toàn là bạn thân thiết của nhau cả. Cũng thấy vui vui vì đã làm được điều có ích”.

Sự khác biệt của ông tơ bà mối ngày nay không còn là một nghề nữa, nhưng nó lại đa dạng nơi mọi thành phần. Có thể là một người bạn, người anh, người chị, thậm chí là một chiếc điện thoại, máy tính cũng thành bà mối tình duyên.

Tình yêu Thiên Chúa đến với con người cũng cần ông mai bà mối. Thiên Chúa cần một ai đó để giới thiệu về tình yêu Chúa cho con người. Thiên Chúa cần một bà mối nói thật hay, sống thật tốt để giới thiệu Chúa cho anh em của mình. Thiên Chúa cần chúng ta giới thiệu Chúa cho anh em lương dân đang sống bên cạnh mình. Hãy nói về tình yêu của Chúa. Hãy mạnh dạn giới thiệu Chúa đến cho bạn bè, cho đồng nghiệp và cho anh em của mình.

Ngày xưa là thời các nhà truyền giáo làm nghề giới thiệu Chúa, hôm nay không còn các nhà truyền giáo chuyên biệt mà là từng người chúng ta. Mỗi người phải có bổn phận làm ông mai bà mối cho anh em, bè bạn của mình.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng từng là ông mai bà mối cho Đấng Cứu Thế. Gioan đã giới thiệu Chúa cho hàng ngàn người đang đứng bên ông. Ông tận dụng thời cơ để nói về Chúa cho các môn đệ của mình, cho bà con láng giềng của mình, và cho cả dân tộc của ông.

Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể tự tỏ mình ra cho nhân loại. Ngài không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng, Ngài đã không tự biểu dương mình. Ngài cần người giới thiệu. Ngài muốn con người là nhịp cầu cho Ngài đến với nhân loại. Nếu con người cảm nghiệm tình yêu ngọt ngào từ Ngài thì hãy giới thiệu tình yêu ấy cho nhiều người khác. Nếu con người cảm thấy tình yêu quan phòng kỳ diệu của Ngài thì hãy tuyên xưng Ngài cho thế trần. Đây là bổn phận của lòng biết ơn. Đây là cách chúng ta tỏ bày lòng biết ơn của mình với Đấng tạo thành khi đã nhận ơn của Ngài.

Thế nên, , không phải chỉ Gioan mới được Chúa mời gọi làm người “mai mối” cho Ngài đến với nhân loại. Không phải chỉ Gioan mới có khả năng làm chứng cho Thiên Chúa, mà tất cả những ai mang danh kitô hữu. Qua bí tích rửa tội đều được mời gọi làm chứng cho Chúa. Làm chứng bằng lời nói và bằng cả hành động. Hãy mạnh dạn nói về Chúa. Hãy chia sẻ niềm vui làm con Chúa cho tha nhân. Nhất là hãy sống một đời nhân chứng khi biết nói không với tội lỗi, khi biết vượt lên những bon chen tầm thường để chọn Chúa làm gia nghiệp. Và chắc chắn điều mà chúng ta có thể thuyết phục tha nhân tin theo Chúa là hết mình sống vì Tin mừng qua giới luật yêu thương.

Ước gì chúng ta biết noi gương bắt chước thánh Gioan luôn nói về Chúa trong mọi hoàn cảnh. Trong hoang địa hay đường phố. Nơi người thân hay người xa lạ. Hãy tận dụng mọi hoàn cảnh Chúa ban để làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

"HÃY QUÊN ĐI CÁI TÔI .. . “
Chúa nhật 2 thường niên, năm B-2012

Có một bài hát sinh hoạt quen thuộc vẫn mời gọi chúng ta: “Hãy quên đi cái tôi để mang Chúa đi vào đời”. Xem ra để mang Chúa vào đời phải quên đi cái tôi của riêng mình để sống cho Thiên Chúa. Xem ra để mang Chúa vào đời phải từ bỏ tham vọng của cái tôi ích kỷ để Chúa được lớn lên trong đời sống chứng nhân của chúng ta. Vì ở đời ai cũng thích danh vọng. Ai cũng mong cho mình được nổi tiếng, được trở thành ân nhân của xã hội. Xem ra từ thích danh vọng đến hám danh hám lợi thật gần, gần đến nỗi nhiều người đã trơ trẽn nhận phần vinh quang về mình, cho dù vinh quang đó không do công của mình.

Ngày nay ai cũng sợ bệnh thành tích. Vì nó là nguyên nhân dẫn để ham danh hão huyền. Vì nó là nguyên nhân dẫn đến biết bao tiêu cực bởi sự gian dối, lường gạt. Những con người ham danh thường là sống giả dối, thiếu chân thật. Những con người ham danh thường tìm vinh quang về mình. Thích được tán thưởng. Thích được biết ơn. Nhưng đôi khi họ chỉ là một loại Lý Thông cướp công Thạch Sanh như trong truyện dân gian Việt Nam.

Có một nhà truyền giáo tâm sự rằng: ngài đã từng truyền giáo tại Đong Timor. Đó là một đất nước nghèo nàn và lạc hậu. Người dân còn thiếu rất nhiều phương tiện tối thiểu của cuộc sống. Ngài đã vận động rất nhiều các cá nhân và tổ chức từ thiện ở mọi nơi để giúp đỡ cho người dân Đông Timor. Nhiều nơi hưởng ứng và nhờ đó ngài đã có rất nhiều tặng phẩm để tặng cho người nghèo. Tự nhiên ngài được người dân kính nể, yêu mến và biết ơn. Thế nhưng, ngài lại mắc cở khi được người đời ca tụng. Vì ngài biết rất rõ, ngài chỉ là kẻ phân phát, là trung gian chứ không phải là chủ nhân. Ngài chẳng có chỉ ngoài đôi tay để đón nhận và trao ban. Ngài không có quyền nhận cái không phải của mình. Vì tiền bạc, của cải là của những nhà hảo tâm trao cho ngài để ngài trao đến cho anh em nghèo khó. Từ đó, ngài đã rút ra kinh nghiệm rằng: cái khó của người làm công tác từ thiện là làm sao đửng nhận mình là người ban phát, đừng tưởng rằng những tặng phẩm đó là của mình cho người nghèo. Hãy khiêm tốn đừng nhận phần đó về mình là những lời khen, những lới tán dương . . . Hãy biết cho đi cả danh dự của mình, vinh quang của mình. Hãy tự biết mình chỉ là tôi tớ hèn mọn được Chúa sử dụng mang lại niềm vui cho những anh em nghèo khó.

Đó cũng là cung cách của thánh Gioan Baotixita. Ngài luôn sống khiêm tốn trước mặt mọi người. Ngài đã từng không dám nhận phần vinh dự về mình, khi ngài nói: “Có Đấng đến sau tôi. Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dây giầy cho Người”. Ngài đã từng mong ước cho đời sống chứng nhân của ngài luôn “nhỏ bé để Chúa được lớn lên”. Ngài chỉ muốn những việc ngài làm sẽ dẫn người khác đến với Chúa. Ngài muốn dùng cuộc đời chứng nhân của mình để tôn vinh Thiên Chúa.

Hôm nay, ngài cũng sẵn sàng để các môn đệ của mình đến với Chúa. Ngài không dám giữ các môn đệ cho riêng mình. Ngài đã giới thiệu cho các môn đệ về danh tính của Đấng Messia. Đây mới chính là Chiên Thiên Chúa. Đây mới xứng đáng là Thầy mà các ngươi cần đi theo. Ngài sẵn lòng để các môn đệ ra đi. Ngài biết phận mình chỉ là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Tinh nhân trần.

Ước gì ở đời có nhiều tâm hồn quảng đại sẵn lòng dấn thân làm chứng cho tin mừng của Chúa nhưng vẫn luôn khiêm tốn và ẩn mình đi. Dấn thân một cách vô vị lợi. Dấn thân một cách quên mình. Dấn thân để tôn vinh Thiên Chúa, chứ không tôn vinh mình. Dấn thân để làm vinh quang Thiên Chúa, chứ không nhằm rạng danh mình. Dấn thân để mang anh em đến với Chúa, để tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa, chứ không phải đến với mình để tâng bốc tán dương. Ước gì mỗi người chúng ta luôn có lòng quảng đại để cho đi cái riêng của mình để làm giầu có cho Thiên Chúa, như Gioan đã cho các môn đệ đến với Thầy Giê-su, như Anre đã mang em mình là Simon đến với Chúa. Ước gì chúng ta luôn nhỏ bé, khiêm tốn, đừng đề cao mình quá đáng, đừng tìm cách tán dương mình mù quáng. Hãy để những công việc mình làm cho danh Chúa được cả sáng.

Lạy Chúa, ở đời ai cũng thích được tán dương, được khen thưởng, được đề cao giữa mọi người. Người đời thường đua nhau danh vọng. Chính vì vậy mà cuộc đời không thiếu những thị phi, những bất công. . . Xin cho chúng con luôn khiêm tốn, bé nhỏ để Chúa được lớn lên trong cuộc đời chúng con. Amen.

Jos Tạ duy Tuyền (11 tháng 1-2012)