February 1, 2024

 

SỐNG PHỤC VỤ NHƯ CHÚA
CHÚA NHẬT 5 TN-B-2024
By Lm. Tạ Duy Tuyền

Cuộc sống có đau khổ và hạnh phúc. Hai yếu tố này luôn lẫn lộn đan xen trong cuộc sống con người. Nhưng hình như con người thường hay ca thán về đau khổ hơn là oà lên niềm của hạnh phúc. Đức Phật cũng cho rằng “đời là bể khổ”. Đối với Vua Đavid thì cho rằng đau khổ là phần tất yếu của cuộc sống:

“Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ” (Tv 90 (89).

Đau khổ làm cho ta thất vọng và bi quan về cuộc sống, đến nỗi người xưa còn nói rằng: 

“Kiếp sau xin chớ làm người, 
Làm con chim nhạn tung trời mà bay…” 

Hoặc: 

“Kiếp sau xin chớ làm người, 
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…” 

Với cái nhìn ky-tô giáo thì đau khổ là một trong những hậu quả của Tội Nguyên tổ, dẫn đến sự mỏng dòn, yếu đuối, tội lỗi mà con người đã, đang và sẽ gây nên cho mình và cho nhau. Câu chuyện về ông Gióp là tiếng kêu thống khổ của con người khi đứng trước đau khổ, nhưng đồng thời cũng giúp cho những ai gặp đau khổ có thể đứng vững và vượt qua. Gióp là một người công chính, nhưng phải chịu không biết bao nhiêu đau khổ. Tuy nhiên, sau những giây phút phản tỉnh, hồi tâm lại ông Gióp thưa với Thiên Chúa: "Con hiểu rằng Chúa có thể làm được mọi sự, không gì mà Chúa không làm được, ai có thể dò thấu ý định của Thiên Chúa" (x. G 42, 2-3).

Cuộc sống nhân sinh chẳng mấy ai thoát được quy luật của cuộc đời là: “sinh, bệnh, lão,tử”. Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng chấp nhận kiếp sống như vậy để trở nên “giống con người chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi…” . Trong ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Ngài vẫn dành thời gian quan tâm, an ủi và chữa lành cho những mảnh đời bất hạnh đang đau khổ phần hồn và phần xác.

Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giê-su. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà nhạc mẫu Phê-rô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Dường như thời gian của Ngài luôn dành cho Chúa Cha và cho con nhân loại khổ đau.

Đây là cách sống mà Chúa Giê-su muốn mời gọi chúng ta nên một với Ngài. Con người chúng ta được tạo dụng để bổ túc, nâng đỡ chia sẻ với nhau. Đau khổ được chia sẻ sẽ vơi đi. Lo âu được chia sẻ sẽ tan đi và hạnh phúc sẽ đến khi cuộc sống quanh ta luôn được quan tâm và chia sẻ với nhau.

Ông Gióp khi đối diện với nghịch cảnh của dòng đời đã không tìm được sự nâng đỡ từ bạn bè và người thân, ông còn bị người đời chế giễu và vợ con bỏ rơi. Nỗi khổ đau và sự cô đơn đã khiến ông kêu lên trong u buồn, sầu thảm: “Số phận của tôi phải chăng là những đêm đau khổ ê chề?”. 

Hình ảnh ông Gióp vẫn tồn tại trong thế giới văn minh hôm nay. Vì vẫn còn đó những người chồng, người vợ đang tuyệt vọng khi không tìm được sự nâng đỡ chia sẻ từ  người bạn đời. Vì vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Người nghèo đói, bệnh tật, già nua vẫn bị bỏ rơi, cô đơn ngay chính trong gia đình của mình.

Ước gì mỗi người chúng ta có được trái tim như Chúa để có thể chạnh lòng thương xót những mảnh đời khổ đau của anh em. Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Amen 

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

PHỤC VỤ THEO GƯƠNG THẦY GIÊSU

Chúa nhật 5 thường niên, năm B-2018

Nhìn vào thực tế của nhiều đôi vợ chồng, người ta phải công nhận rằng cuộc sống lứa đôi không luôn luôn dễ dàng. Hạnh phúc gia đình luôn bị đe doạ bởi những áng mấy đen bất ngờ xông tới. Khiến cuộc sống chung luôn cảm thấy buồn nhiều hơn vui. Khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Đến nỗi ca dao đã từng nói:

Chồng gì anh, vợ gì tôi?

Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!

Mỗi người một nợ cầm tay,

Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.

Con đường tình yêu không êm xuôi nhưng luôn lên xuống gập ghềnh, suối thác. Vì, cuộc “trăm năm” nào cũng đầy những thử thách. Biềt bao cặp vợ chồng đang hạnh phúc rồi bỗng dưng cả hai cùng phàn nàn về nhau: không ngờ người ta đổi thay đến thế. Lúc đầu thì thế nào cũng được, miễn là yêu nhau. Nhưng rồi người ta thấy thế này là bất công, thế kia là khó chấp nhận: lẽ nào mình cứ phải quét nhà rửa bát mãi! Tại sao mình cứ phải nấu cơm đi chợ?
Rồi luôn nghĩ thiệt hơn và luôn tìm lợi cho mình mà chẳng ai chịu ai. 

Khi mà không còn yêu nhau, người ta thường dễ tố cáo nhau là ích kỷ, là hẹp hòi , chẳng bao giờ làm cho mình được như ý. Quả đúng như lời nhà tâm lý Jacques Dyssord: “Tình yêu thường mở đầu bằng khoa hùng biện và rồi đổi dần ra khoa triết lý”. Từ chỗ nói cho hay trở thành cãi cho hăng. Từ chỗ chín bỏ làm mười đến chỗ kết án hờn ghen.

Thế là đời sống gia đình trở nên như một nhà tù. Có khi vì danh dự gia đình, hay để tránh không cho con cái biết, hai vợ chồng cố gắng đóng kịch, một bi kịch rất não nề thê thảm, thường tệ hại hơn cả những cuộc cãi vã lớn tiếng. Vì cãi vã xong còn nói chuyện được với nhau nhưng khi không còn gì để nói với nhau thì cuộc sống dài lê thể trong đau khổ.

Sở dĩ hôn nhân thất bại là vì họ hết còn hy sinh cho nhau, hết quan tâm chăm sóc nhau. Nhiều người khi chiếm được nhau thì họ không còn quan tâm người bạn đời, có khi còn hắt hủi, bỏ rơi nhau, khiến người bạn đời cô đơn trong chính mái ấm gia đình mình.

Đây là lúc người ky-tô hữu cần sống tinh thần phục vụ quên mình của Đức Giê-su. Ngài đã yêu là yêu cho đến cùng. Tình yêu Ngài không so đo tính toán. Ngài chỉ dồn hết tâm sức để mang lại niềm vui, bình an cho người mình yêu.

Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giê-su. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà nhạc mẫu Phê-rô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Cả ngày dường như Ngài chẳng nghỉ ngơi. Ngài đã dùng cả thời giờ của một ngày để phục vụ cho lợi ích tha nhân.

Vâng, nếu cuộc đời hôm nay có nhiều tấm lòng phục vụ như Chúa, thì gia đình sẽ hạnh phúc biết bao! Nếu cuộc đời ai cũng sống có trách nhiệm với nhau, sẽ không còn những nỗi đau của cô đơn và tuyệt vọng. Nếu vợ chồng biết hy sinh cái tôi của mình để hy sinh cho nhau thì hạnh phúc sẽ ngập tràn trong mái gia đình.

Thế nhưng, dòng đời vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn và tuyệt vọng vì lối sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.

Ước gì mỗi người chúng ta có được trái tim như Chúa để có thể chạnh lòng thương xót những mảnh đời khổ đau của anh em. Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

Cúi Xuống Với Người Khổ Đau 2018
CHÚA NHẬT 5 TN-B-2018

Người xưa có câu: “ngước lên chẳng bằng ai nhưng cúi xuống vẫn còn hơn nhiều người”. Câu này không hàm ý để tự an ủi mình và xem thường người hèn yếu hơn mình. Câu này cha ông chỉ muốn nhắc nhở chúng ta được như vậy là tốt lắm rồi, hãy cúi xuống mà chia sẻ với những anh em nghèo khó hơn ta.

Trong hạnh các thánh ta thấy một con người đã sống như thế, đó là thánh Martino. Ngài sinh ra trong một hoàn cảnh chẳng bằng ai, một người da mầu trong một xã hội kỳ thị chủng tộc, một đứa con bị bỏ rơi, một hoàn cảnh gia đình khó khăn… thế nhưng thay vì nhìn lên để phẫn uất vì hoàn cảnh “đen đủi” của mình, Martino lại biết nhìn xuống những người nghèo khó hơn mình, và luôn thể hiện một tấm lòng bác ái, quảng đại. Nhiều lần được mẹ sai đi mua đồ lặt vặt hay đi chợ, cậu bé Martino đã giữ lại một ít tiền để bố thí cho những người nghèo khổ; cũng thế, khi là một người giúp việc trong nhà Dòng, một vị thế rốt bét nhất trong một tập thể, Martino lại vẫn biết nhìn xuống để khám phá thấy có nhiều người nghèo khổ cần giúp đỡ, nhiều người bệnh tật cần được chữa trị và chăm sóc…

Martin đã cúi xuống để khám phá ra sứ vụ của đời mình chính là chăm sóc cho những người nghèo khổ hơn. Chính vì thế mà cuộc đời của Martin trở thành cuộc đời của một người sống lòng bác ái, lòng bao dung với thái độ sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.

Martino đã họa lại chân dung đầy yêu thương nơi Thầy Chí Thánh Giê-su. Chính Chúa Giê-su đã luôn cúi xuống mọi phận người khổ đau. Ngài thấy và chạnh lòng thương xót. Ngài cúi xuống để xoa dịu nỗi đau cho họ. Phúc âm hôm nay tường thuật việc Ngài cúi xuống với người phong hủi với lòng thương cảm sâu xa. Ngài đưa tay chạm vào thân thể lở loét của anh. Một thân thể hôi hám và dơ bẩn mà người đời đã xa tránh. Hành động này không chỉ nhằm mục đích chữa bệnh cho anh mà còn xoa dịu nỗi đau trong lòng của anh. Anh bị người đời khinh chê. Anh bị xã hội loại trừ. Người đời xếp anh vào hàng tội nhân bị Thiên Chúa giáng hoạ. Khi chạm đến thân thể anh, Chúa Giê-su cũng chạm đến tâm hồn anh. Anh được chữa lành cả hồn lẫn xác. Thân xác anh khoẻ mạnh. Danh dự của anh cũng được phục hồi. Tâm hồn anh cũng bình an và tươi vui. Từ nay anh không bị người đời xa lánh, khinh chê. Từ nay anh không còn tủi hổ vì phận số bất hạnh của mình. Qua Chúa Giê-su, anh được cộng đồng đón nhận. Nhờ Chúa Giê-su, anh được xã hội nhìn nhận. Xã hội không còn lý do để khinh chê hay loại bỏ anh ra bên lề xã hội. Giờ đây anh có thể sống tươi vui như bao con người khác trong xã hội. Anh không còn mặc cảm về bệnh tật. Anh không còn mặc cảm bị khinh chê. Anh được quyền sống như bao con người khác, được tôn trọng và yêu thương.

Trong thời đại hôm nay người ta đang nói đến hiệu ứng cách sống của Đức Thánh Cha Phanxico. Nơi Đức Thánh Cha ta thấy dường như ngài không thích ngồi trên ngai tòa của mình mà lại thích cúi xuống, đến với những con người nghèo. Ngài không ngại tiếp xúc với những người khổ đau bởi bệnh tật, nghèo đói. Ngài cúi xuống ôm hôn từng phận người bất hạnh lầm than.

Chúa Giê-su năm xưa đã đưa tay chạm đến người bệnh để chữa lành cho anh. Ngài có thể phán một lời thì bệnh tật có thể tan biến. Thế nhưng, Chúa đã sử dụng đôi tay để trao ban tình yêu và sự quan tâm trìu mến dành cho anh. Ước gì từng người chúng ta hãy biết dâng tặng cho nhau những nghĩa cử yêu thương, những lời nói dịu dàng, những hành vi bác ái và vị tha. Ước gì người ky-tô hữu luôn ân cần cúi xuống để xoa dịu mọi nỗi đau cho anh em qua việc phục vụ, bác ái dấn thân đến mọi hoàn cảnh cuộc sống, hầu xây dựng một thế giới tràn đầy tình yêu và hạnh phúc. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

Sống Tình Liên Đới

CN 5 tn-b-2015

Cuộc sống cần sự liên đới. Vạn vật cũng liên đới với nhau để tồn tại. Con người cũng phải liên đới với nhau để phát triển và đem lại hạnh phúc cho nhau. Đó là chân lý, là lẽ sống của muôn loài.

Đó cũng là điều mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói:

Tôi hỏi đất:

–Ðất sống với đất như thế nào?

– Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước:

–Nước sống với nước như thế nào?

– Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:

–Cỏ sống với cỏ như thế nào?

– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào?

Thật khó để trả lời cho chân lý sống của con người. Con người dường như chẳng đi theo một quy luật nào. Đất sống với nhau luôn bồi đắp cho nhau để tạo thành những đồi núi trùng điệp thơ mộng. Những con nước luôn liên kết với nhau mới tạo thành những dòng chảy quanh xóm làng thanh bình. Từng nhánh cỏ đan xen với nhau mới làm nên một thảm cỏ xanh tươi bát ngát. Nhưng con người lại ích lỷ, thích sống cho bản thân hơn là liên đới tồn tại.

Dẫu biết rằng cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi con người biết sống bồi đắp cho nhau, biết sống làm đầy cho nhau những nghĩa cử yêu thương, và biết sống liên kết với nhau tạo nên một thế giới màu xanh của yêu thương và hòa bình. Cuộc đời sẽ bất hạnh nếu con người sống chia rẽ, hiềm khích và tranh giành nhau. Nhưng đáng tiếc con người sống với nhau chỉ toan tính lợi lộc cho bản thân hơn là chia sẻ nhường nhịn lẫn nhau. Vì thế, câu trả lời con người sống với nhau thế nào thật đa dạng.

- Người buôn bán thì bảo phải cạnh tranh để tồn tại, để kiếm lợi nhuận.

- Người làm chính trị thì bảo phải khôn ngoan để chiến thắng, để đẩy lui đối thủ.

- Những ca sĩ, những bác sĩ thì thích chê nhau nhiều hơn là khen nhau, thích loại trừ nhau nhiều hơn là liên đới với nhau.

Xem ra con người vẫn chưa liên đới đủ để tạo nên một sức sống hùng vĩ như đất đã tạo nên những dãy núi trùng điệp. Xem ra con người vẫn chưa xan xẻ với nhau đủ để tạo thành một dòng chảy tình yêu cho mát rượi lòng nhau. Xem ra con người vẫn con xa cách nhau khiến không thể gần nhau để cùng chung xây thế giới an bình thịnh vượng.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu con người biết liên đới với nhau. Sự liên đới sẽ làm giầu có cho nhau. Sự liên đới sẽ mang lại no ấm cho nhau. Sẽ không còn tiếng khóc lẻ loi trong cô đơn tuyệt vọng. Sẽ không còn những tranh chấp thị phi nếu con người biết tôn cao nhau và cùng dìu nhau đi tới.

Chúa Giê-su đã sống một cuộc sống yêu thương như thế. Ngài rất bận rộn. Cái bận rộn không phải của công việc cho bản thân mà là bận rộn làm việc cho tha nhân. Ngài sống liên đới với mọi người. Ngài liên đới với tội nhân để thay họ dâng hy lễ đền tội với Chúa Cha. Ngài liên đới với những mảnh đời lao động vất vả khi chính Ngài đã sống ẩn dật tại mái nhà Nagiaret. Nơi đó, Ngài sống như người nghèo khi kiếm sống bằng đôi bàn tay lao động. Ngài liên đới với mọi cảnh cơ hàn của con người khi Ngài dùng đôi tay để xoa dịu mọi nỗi đau của con người. Đôi chân trần của Ngài đã đến với mọi hạng người để nâng đỡ và ủi an họ.

Hôm nay, Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy sống tình liên đới với nhau. Hãy ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để đến với tha nhân. Con người sống là sống với ai đó để tồn tại thì hãy sống liên đới, xan xẻ và yêu thương nhau. Có như vậy chúng ta mới làm lên những kỳ công cho cuộc đời khi không còn những kẻ cơ hàn, đói rách bên cạnh chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta biết sống yêu thương như Chúa. Xin cho đôi chân của chúng ta luôn mau lẹ đến với tha nhân, và đôi tay luôn quảng để nâng đỡ, ủi an những ai đang mang gánh nặng nề vì cuộc sống lầm than. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền (2015)

 

"XIN CHO CON MỘT TẤM LÒNG NHƯ CHÚA”
CN 5 TN-B-2012

Văn hoá Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến, vẫn đề cao tình làng nghĩa xóm: “tối lửa tắt đèn có nhau”. Sự liên đới yêu thương đùm bọc lẫn nhau tha thiết đến độ: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Sự liên đới đó không chỉ dừng lại ở thôn xóm, dòng tộc mà bao quát cả dân tộc trong tình thương giữa người với người như câu ca dao ngày nào vẫn phảng phất du dương: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thế nhưng, truyền thống đó đang mất dần trong thế giới hôm nay. Một thế giới ích kỷ và hưởng thụ. Một thế giới theo chủ trương “Mackeno” đang làm tan rã tỉnh người. Người ta lo cho bản thân. Người ta sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà chà đạp lên người khác, mà chồng chất nỗi đau lên tha nhân. Con người hôm nay chỉ nghĩ đến mình nên nhẫn tâm bỏ rơi đồng loại trong khổ đau và tuyệt vọng. Sống bên nhau, nhưng thương nhau thì ít mà đầy đoạ nhau thì nhiều. Sống với nhau nâng đỡ nhau thì ít mà loại trừ nhau thì nhiều. Đỉnh cao của sự tàn nhân, vô tâm trước khổ đau của đồng loại chính là thái độ thiếu trách nhiệm với nỗi khỗ của anh em.

Có một tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1 A, một chiếc xe vận tải chở gỗ tràm đi theo hướng từ Bắc vào Nam, đã đâm trực diện một chiếc xe vận tải chở trái cây, chạy theo hướng từ Nam ra Bắc. Vụ tai nạn này đã khiến buồng lái của chiếc xe Bắc vào Nam bị bẹp dúm, còn chiếc xe từ Nam ra Bắc thì bị lật ngang, trái cây đổ tung tóe trên đường. Ðáng lưu ý là trong khi cả hai tài xế và hai phụ xe của hai chiếc xe cùng bị trọng thương, cần cấp cứu thì dân chúng quanh đó lại đổ đến để... cướp trái cây. Mặc người bị nạn. Điều người ta quan tâm chính là hôi của, là ăn cắp hội đồng.

Xem ra cuộc sống hôm nay quá vô tâm! Có phải vì đói, vì thèm khát một quả trái cây mà hành động như vậy chăng? Chắc chắn là không. Chắc chắn là không ai nghèo đói đến độ không có một quả trái cây mà ăn. Có chăng là vì họ thiếu vắng tình người, sự liên đới và trách nhiệm với tha nhân! Không ai nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm trước sự sống còn của tha nhân. Không ai bận tâm trước những rủi ro bất hạnh của anh em. Tình người xem như đang mất dần trong xã hội đề cao vật chất và hưởng thụ hôm nay.

Phải chăng cách hành xử thiếu tình người đó đang là vấn đề cần phải cải thiện của xã hội hôm nay? Phải chăng khi người ta đề cao vật chất thì tình người lại bị coi thường và chà đạp? Dường như là vậy. Nhiều người quá đau khổ vì không tìm được sự nâng đỡ cùa anh em trong những lúc gian nan. Nhiều người quá tuyệt vọng vì sự lạnh lùng, thờ ơ và bỏ rơi của gia đình và bạn bè.

Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giê-su. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà nhạc mẫu Phê-rô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Cả ngày dường như Ngài chẳng nghỉ ngơi. Ngài đã dùng cả thời giờ của một ngày để phục vụ cho lợi ích tha nhân.

Vâng, nếu cuộc đời hôm nay có nhiều tấm lòng vị tha như Chúa, thì dòng đời sẽ không còn những cái khổ triền miên như ông Gióp. Nếu cuộc đời ai cũng biết có trách nhiệm với nhau, sẽ không còn những nỗi đau của cô đơn và tuyệt vọng như ông Gióp. Ông Gióp khi đối diện với nghịch cảnh của dòng đời đã không tìm được sự nâng đỡ từ bạn bè và người thân, ông còn bị người đời chế giễu và vợ con bỏ rơi. Nỗi khổ đau và sự cô đơn đã khiến ông kêu lên trong u buồn, sầu thảm: “Số phận của tôi phải chăng là những đêm đau khổ ê chề?”.

Vâng, số phận của ông Gióp và số phận của hàng vạn người quanh ta vẫn đang cô đơn và tuyệt vọng vì lối sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Vẫn còn đó những người chồng, người vợ đang tuyệt vọng vì đời sống thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.

Ước gì mỗi người chúng ta có được trái tim như Chúa để có thể chạnh lòng thương xót những mảnh đời khổ đau của anh em. Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

June 14, 2018