dongcong.net
 
 

SUY NIỆM - chia sẻ
2018, 2021, 2024

Thế giới Tục Hóa

Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm B-2018

Ngày nay người ta nói nhiều đến tục hóa. Thế giới tục hóa, con người tục hóa, nhà thờ, nhà chùa cũng tục hóa! Vậy tục hóa là gì?

Người xưa hay dùng chữ “hoàn tục” để nói về người bỏ tu để về với thế gian. Thực ra, tục hóa không chỉ là hoàn tục của người đi tu mà còn nói về một trào lưu loại bỏ sự hiện diện của thần linh để đưa tinh thần thế tục vào chính  sự linh thánh.

Cụ thể ta vẫn thấy ở Việt Nam rất nhiều ngôi Chùa hoàn toàn để tham quan du lịch, người ta còn cổ vũ cả một tour du lịch tâm linh tại Bái Đính. Các nước phương tây đã sử dụng các ngôi nhà thờ cổ kính để làm nơi tham quan du lịch và tìm lợi nhuận như nhà thờ Đức Bà Pari . . . Sự tục hóa len lỏi trong cả những việc bác ái từ thiện. Trước đây việc bác ái hoàn toàn dựa vào sự hảo tâm của bá tánh, ngày nay nhiều nhà thờ, nhiều hội dòng cũng biết kiếm tiền bằng cách kinh doanh buôn bán nhân danh gây quỹ từ thiện. Ở thời đại này ta rất dễ thấy bóng dáng các nữ tu, các đệ tử, các thầy dòng đứng bán tranh ảnh, băng dĩa, đồ dùng ở những nơi hành hương hay những ngày lễ hội lớn nơi các giáo xứ. . .

Nhiều nhà thờ nhân danh người nghèo để biến sân nhà thờ thành nơi thuê mướn mặt bằng để đám tiệc linh đình, ca hát, nhảy nhót trên cả lễ đài vẫn để dùng làm lễ Chúa nhật! Điều tệ hại là khuôn viên nhà thờ thì không có khu vệ sinh để đáp ứng nhu cầu tối thiểu nên ta vẫn vô tình nhìn thấy những cách thiếu tôn kính nơi tường rào chung quanh hay một góc khuất nào đó quanh nhà thờ của những người say sỉn, thiếu ý thức. . . Đây là điều mà Đức Cha Giuse giáo phận Xuân Lộc đã thấy nhà thờ bị tục hóa nên đang đề nghị các giáo xứ chấm dứt dùng sân nhà thờ để cho thuê đám cưới.

Phúc âm kể rằng ngày hôm ấy Chuá Giêsu vào trong Đền Thờ, Ngài thấy người Do Thái đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán. Họ lợi dụng Đền thờ để kiếm lời. Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền. Ngay cả các tư tế cũng chủ trương kiếm lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên. Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ.

Chính vì Đền thờ bị lạm dụng., Chuá đã hành động thẳng thắn để thanh tẩy Đền thờ. Chuá đã đòi hỏi họ phải trả lại ý nghiã đích thực của Đền thờ. Chúa bảo rằng “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Ngài đã tẩy chay một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chuá, mà là thờ quyền lợi của mình.

Thế giới tục hóa vẫn là lời mời gọi chúng ta đem đạo vào đời. Đem ánh sáng lời Chúa thánh hóa thế gian đang hư đốn bởi tham sân si. Hãy dùng lời Chúa để canh tân xã hội. Người ky-tô phải làm sao dậy men tin mừng trong đời sống của mình. Đừng vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm, mà tục hóa những nơi linh thánh, nhất là trong chính thân xác con người là đền thờ của Chúa. Xin đừng tục hóa đến độ xem thường thân xác để chỉ tìm thú vui bất chính, để thỏa mãn tính xác thịt mà tìm lợi nhuận trên thân xác.

Muà Chay là muà mợi gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống. Có thể nói mùa chay là mùa giúp chúng ta nhìn lại đến thờ tâm hồn của mình để xin ơn Chúa thanh tẩy tâm hồn khỏi những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng là Đền thờ cho Chuá ngự trị.

Lạy Chúa, tâm hồn con là đền thờ của Chúa, thế mà con đã để tâm hồn mình hoen ố bởi biết bao thói hư tật xấu, biết bao đam mê thấp hèn. Xin Chuá hãy thanh tẩy tâm hồn con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, hầu xứng đáng là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chuá ngự trị. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Hãy Chống Lại Cái Xấu
Chúa nhật 3 mùa chay, năm B-3-3-2024

Napoleon từng nói rằng: “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Đọc câu này xong, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng: “Nói thì dễ lắm, nhưng lỡ lên tiếng lại thiệt vào thân thì sao? Tôi muốn được an toàn. Thế giới để tính sau.” 

Nhưng cũng có người cho rằng: “Nếu bạn im lặng trước bất công, ngày mai có thể chính bạn sẽ là nạn nhân".

Điểm chung khi đối mặt với những bất công và những điều phi lý làm càn của kẻ có quyền, người ta thường tránh né bằng sự im lặng, nhưng thái độ này là nguyên nhân nảy sinh nhữngđiều xấu hơn. Im lặng trước điều xấu là sự che chở cho tội ác.

Chúng ta nói nhiều về sự im lặng trước bất công của xã hội, nhưng hôm nay, chúng ta thử nói về những điều bất cập vẫn tràn lan trong Giáo Hội mà bao lâu nay chúng ta vẫn im lặng.

Ví dụ về sự im lặng về tình trạng giáo sỹ trị, lộng quyền, tự đưa ra luật lệ để hành dân như : có con ngoài hôn phối thì không rửa tội cho bé, không lễ cưới vào mùa vọng, không lễ an táng cho người xì ke, tông xe, sống rối hốn phối . . . Im lặng khi thấy những người dùng bằng cấp giả từ đời lẫn đạo để ngồi mâm trên lãnh đạo người khác. Im lặng khi thấy nhiều người dùng bí tích để kiếm tiền từ xưng tội, rước lễ đến hôn phối đều có thể giải quyết bằng tiền. Im lặng khi thấy nhiều nhà thờ, nhà dòng buôn bán sản phẩm gọi là thực phẩm chức năng không kiểm định, nhưng luôn được quảng cáo là do tự mình sản xuất . . . 

Chúng ta đang đối mặt với tình trạng vô cảm, thậm chí là sự thản nhiên trước cái sai, cái bất cập của người khác hay không? Tình trạng giáo sỹ trị ở một Đền Thánh luôn là đề tài nóng trên mạng xã hội, người dân thì bị xem thường. Linh mục thì chống tay vào hông rồi quát mắng. Đất ông Thánh bao đời thì mang bán. Ngày tết thì dân kéo đến biểu tình . . ..

Đôi khi lên tiếng có thể bị chụp mũ , bị đe doạ: “rằng không ai có quyền lên tiếng, mà chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét đúng hay sai” vân , vân và vân vân . .. Có lẽ vì thế mà nhiều người chọn im lặng để được an phận hầu tránh bị chụp mũ, chế tài . . .  

Người làm điều xấu thì đáng ghét và người im lặng trước sự xấu thì đáng khinh. Thế nên, khi nhìn thấy người làm điều xấu mình cũng cảm thấy nuối tiếc cho họ. Họ đã đánh mất đi hình ảnh đẹp của họ nơi chúng ta. Nhưng còn đáng buồn hơn khi nhìn thấy người tốt dửng dưng với cái xấu, với tệ nạn xấu đang tràn lan.

Làm người phải biết phân biệt cái đúng, cái sai. Khi nhỏ, ta thấy bạn bè quay cóp trong giờ kiểm tra trong khi chính mình phải học vất vả, ta dễ xem thường bạn bè. Khi ra đường ta thấy ai đó vượt đèn đỏ, lượn lách đánh võng, thấy đám côn đồ dối trá, lừa lọc bà cụ bán nước ven đường, ta thấy chướng mắt. Đó là những cái sai, cái xấu mà ta không bao giờ chấp nhận. Nhưng liệu rằng, bản thân ta đã bao giờ làm điều gì đó ngăn chặn những cái xấu ấy, hay chúng ta vẫn yên lặng cho qua để yên ổn bản thân?

Năm xưa Chúa Giê-su đã không dửng dưng trước cái xấu. Ngài đã hành động trong giận dữ mà người ta nói là “cơn giận thánh”. Ngài không thể khoanh tay nhìn cái xấu hoành hành. Phúc âm kể rằng: khi Chúa Giê-su vào trong đền thờ và Ngài thấy người ta buôn bán, cãi nhau, lừa đảo làm ô uế đền thờ. Chúa đã tức giận. Chúa đã xua đuổi con buôn khỏi đền thờ. Chúa không chấp nhận biến nhà Chúa thành nơi buôn bán, lừa lọc. Cho dù việc làm của Chúa đụng đến cái ăn của nhiều người. Từ các thượng tế đến dân buôn. Họ sẽ mất mối lợi từ đền thờ. Họ sẽ cùng nhau chống lại Chúa. Nhưng Chúa không lùi bước khi phải đương đầu với sự dữ. Ngài đã làm tất cả để bảo vệ đền thờ.

Cuộc sống này sẽ bớt đi cái xấu nếu chúng ta dám nói không với tội lỗi. Và càng đẹp hơn nếu chúng ta cùng liên kết với nhau xua đuổi cái xấu, cái bất công ra khỏi môi trường. Xin đừng lãnh cảm. Hãy dám nói sự thật để bảo vệ công lý. Hãy can đảm ngăn chặn những việc xấu của anh em, của bè bạn và của những người đang chung sống với chúng ta. Có thể chúng ta sẽ bị thiệt thòi. Nhưng chân lý sẽ thắng. Sự dữ sẽ bị đẩy lui nếu ai ai cũng đồng lòng tiêu diệt sự xấu để trả lại nền văn minh tình thương cho cuộc sống. Nhất là cho Giáo Hội luôn mang vẻ đẹp của sự thánh thiện tinh tuyền do Chúa Giê-su thiết lập. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 3-3-2024

 

 

Hãy Chống Lại Cái Xấu (CN 3 Mùa chay)

Có một người mang biếu tôi mấy quả quýt, họ nói: “Quýt này con để dành ăn nên không có thuốc đâu!”. Nghe mà xót xa! Hóa ra quýt bán cho khách hàng thì phun thuốc, bất chấp độc hại, miễn là lợi nhuận kinh tế ra sao? Còn quýt để dành ăn mới sạch, mới bảo đảm an toàn thực phầm? Xem ra vì lợi nhuận mà người ta bất chấp tất cả, họ coi thường tính mạng của tha nhân.  Phải chăng đạo đức xã hội đã xuống cấp đến mức con người không còn áy náy khi làm hại người khác để thu quén cho bản nhân?

Biết xấu vẫn làm là căn bệnh nan y của thời đại hôm nay. Nhưng còn một căn bệnh nữa đó là thấy việc xấu vẫn làm ngơ, dửng dưng, bàng quan cũng không kém phần trầm kha.

Có rất nhiều người thấy kẻ xấu ăn trộm nhà hàng xóm hay người bạn đi cùng vẫn làm ngơ, coi như không thấy. Họ là người ích kỷ.

Có rất nhiều cha mẹ thấy con cái đi đàng tội lỗi, vẫn im lặng như đang đồng lõa. Họ là người thiếu trách nhiệm.

Có rất nhiều bạn trẻ thấy bạn bị hãm hại, đánh đập vẫn đứng yên, khoanh tay đứng nhìn. Họ là người nhu nhược.

Sự lạm dụng thân xác
(CN 3 MC-B-2012)

Từ ngày 06 – 11.02.12  vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan Singgapor và Malaysia. Ở đất nước của họ thật văn minh hiện đại, nhưng xem ra lại không có cái nhìn tích cực về người con gái Việt Nam. Tôi đã chứng kiến một cô gái Việt Nam bị từ chối nhập khẩu tại hải quan Singgapor vì nghi ngờ qua đây làm nghề mại dâm. Điều này khiến tôi cảm thấy khó chịu với nhân viên hải quan Singgapor khi từ chối cô gái vào Singapor chỉ vì cô ta mang theo quá ít tiền (200 USD) mà cho rằng qua đây để bán thân. Nhưng rồi vào tối ngày 09.02.12 khi ngồi xem tivi đài Malaysia, tôi mới cảm thấy thật xấy hổ khi đài truyền hình của họ thông báo đã bắt được một ổ mại dâm toàn là các cô gái Việt Nam. Quả thực, nhìn lên truyền hình tối thấy có tất cả 11 cô gái Việt Nam bị dắt lên xe cảnh sát vì tội hành nghề mại dâm.

Thật đau xót cho hình ảnh người con gái Việt Nam: Công – dung – ngôn – hạnh của truyền thống Việt Nam nay còn đâu! Những đức tính này đang bị lu mờ bởi nhiều cô gái Việt nam hôm nay đang cố gắng tu sửa thân xác của mình để kiếm tiền chứ không trau dồi nhân đức. Người ta dùng thân xác để kiếm tiền mà bỏ qua nhân phẩm con người. Người ta trau truốt vẻ đẹp thân xác hơn là vẻ đẹp tâm hồn. Người ta cũng bỏ công sức nhiều cho sắc đẹp nhưng trau dồi nhân cách thì lại dửng dưng xem thường. Cha ông ta bảo rằng: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng đời con cháu hôm nay thì dường như: “cái đẹp đang đè bẹp cái nết”. Người ta chuộng cái đẹp nhiều hơn cái nết vì cái đẹp mang lại lợi nhuận còn cái nết đâu mang lại lợi nhuận kinh tế cho ai? Trong các lễ hội, kể cả cưới xin người ta đều tôn vinh trai tài – gái sắc nhưng có mấy ai tôn vinh vẻ đẹp tôn hồn? Cái đẹp là dấu chỉ của giầu sang và cũng là cơ hội giầu sang của biết bao cô gái chân dài? Vì thế mà người ta bất chấp lợi nhuận miễn sao có thể lợi dụng vẻ đẹp thân xác thành một món hàng để trao đổi, mua bán, làm ăn .  . .

Ngày nay, người ta nói nhiều về việc suy thoái đạo đức, nhưng điểm suy thoái nguy hiểm nhất vẫn là suy thoái về nhân phẩm con người. Thân xác con người là đền thờ của Chúa đã bị tục hoá vì thói đời hưởng thụ hôm nay. Người ta xem thân xác chỉ là một món hàng để có thể trao đổi, mua bán, lạm dụng . .  . mà không cần bàn tới luân thường đạo lý. Khi thân xác chỉ là món đồ hàng thì người ta cố gắng trang trí cho đẹp, cho lộng lẫy, cho kiêu sa để bắt mắt, để thu lời mà quên rằng cái đẹp chỉ được tôn vinh khi có duyên thắm đi cùng. Người đẹp nhưng lòng dạ xấu xa chắc chắn cũng bị xem thường.

Sự lạm dụng thân xác để hưởng thụ không chỉ ở chợ đời mà còn len lỏi vào cả trong sân Chúa, Nhà Thờ là nơi trang nghiêm, linh thánh cũng bị tục hoá bởi những lối sống của một số thành phần suy thoái như câu ca:

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho Sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.

Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu cũng chứng kiến sự ô uế của một môi trường được xem là thánh thiêng, là nơi cực thánh, thế nhưng đã bị tục hoá từ vật chất đến tinh thần. Đền thờ là nơi linh thánh đã bị lạm dụng vào việc làm ăn, buôn bán, trao đổi tiền. Nhìn vào Đền thờ Giêrusalem bị tục hoá mà lòng Chúa Giêsu quặn đau. Ngài đã không thể chần chờ. Ngài đã hành động dứt khoát để thanh tẩy đền thờ, để mang lại vẻ đẹp ban đầu của đền thờ là nơi Chúa ngự, là nơi linh thánh cho con người gặp gỡ Thiên Chúa. Phúc Âm nói rằng: Chúa Giêsu bện roi xua đuổi tất cả những ai can dự vào việc làm ô uế đền thờ như: những người buôn bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người đã đổ tung và lật nhào bàn ghế của họ. Người khuyến cáo họ: “Đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán”. Đó là đền thờ vật chất, con người cũng phải tôn trọng sự linh thánh của đền thờ, huống chi là một đền thờ linh thánh hơn nửa, đó chính là thân xác con người.

Thực vậy, thân xác chúng ta là đền thờ Thiên Chúa hãy biết kính trọng thân xác mình và anh em. Đừng lạm dụng thân xác trong những đam mê bất chính. Đừng lạm dụng thân xác để tìm thú vui xác thịt và kiếm tiền. Đừng phá huỷ đền thở tâm hồn trong những xa hoa truỵ lạc. Hãy biết sống đúng với phẩm giá con người là “nhân linh ư vạn vật”. Hãy sống cao thượng hơn các loài sống theo bản năng hoặc các loài vô tri vô giác. Hãy thanh tẩy từ chính tâm hồn chúng ta khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những ước muốn gian dâm và trộm cắp. Hãy loài trừ trong tâm hồn chúng ta những cái nhìn bất chính, những ước muốn tầm thường, những đam mê vô độ. Hãy để Chúa ngự trị và chiếm đoạt tâm hồn chúng ta. Hãy sống thanh sạch. Hãy thanh tẩy tâm hồn mình thường xuyên bằng các bí tích nhất là bí tích Hoà Giải và Thánh Thể. Nhờ bí tích Hoà Giải mà ta luôn làm mới lại tâm hồn, và nhờ bí tích Thánh Thể mà ta luôn có Chúa ở trong mình.

Nguyện Xin Chúa luôn nâng đỡ và trợ giúp để chúng ta biết thanh tẩy mình mỗi ngày nên tinh tuyền, xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự, và là viên đá sống động xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô mỗi ngày một vững mạnh hơn. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Người mình vẫn tự coi là con của chim Tiên, mà sao có điều lạ là tự đáy lòng mỗi người đều cảm thấy một cái gì chận lại khiến không làm sao bay lên nổi, hoặc là mỏi mệt rã cánh không muốn bay nữa. Chắc phải có lý do sâu xa của nó? 

Du Tử Lê trong bài thơ ”Lưu Vong Khúc” đã diễn tả cái cánh mỏi này khi chứng kiến những màn lố lăng của cảnh đổi đời:

Chính vì tan tác nên nhăng nhố
Đến cả sân chơi cũng bẩn rồi
Cố mà chơi nốt trò chơi dở
Đến lúc đi thì đi thảnh thơi...
Bạn nói thêm chi về mối nhục,
Ta hiểu vô cùng chuyện áo cơm.
Mặc ai khất thực mà vênh váo
Luýnh quýnh canh thừa, ngố chợ đông...

KHI CHIM BỊ  RẮN THÔI MIÊN

Trong cuốn Xả Buông Nỗi Sợ (Let go of Fear) tác giả Carlos Valles đã kể lại việc chứng kiến một cảnh thật xẩy ra khi ông đang đi trong khu vườn bên bờ rừng Ấn Độ. Hôm đó ông tình cờ thấy một con chim đang đậu trên cành. Thân nó cứng đờ ra như bị thôi miên. Nó muốn bay lên mà bay không nổi. Và cái mỏ nó run lẩy bẩy đập vào nhau không cách nào hót nổi. Ông lấy làm lạ về hiện tượng này, nên chú tâm tìm hiểu. Thì ra lý do kia rồi. Ở mãi xa dưới gốc cây, một con rắn rung chuông đang cất cao cổ như toan tính phóng lên. Con rắn biết sức mạnh của nó. Con chim có cả một bầu trời thênh thang mà không thể nào thoát nổi. Thấy cảnh tượng tội nghiệp, Carlos Valles liền ho lên mấy tiếng . Con rắn thấy tiếng động của loài người liền rụt cổ xuống và có vẻ thèm thuồng và tức bực bò đi. Còn con chim thì vừa sực hoàn hồn. Nó vừa thấy một điều mà trong cơn sợ hãi tột cùng nó đánh mất. Đó là kiến tính, là phút giây bỗng thấy được sự thật, thấy được niềm tin vào chính mình, là nhận ra rằng con rắn ở xa như vậy, mà nó thì có cánh. Chỉ cần vỗ cánh bay lên là con rắn hết đường làm ăn. 

Giờ đây con chim thảnh thơi như tìm lại được đôi cánh. Nó hân hoan hót vang làm vui cả một bầu trời và thênh thang bay vút lên thật nhẹ nhàng. 

CHỜ ĐÓN MÙA HOA 

Trina Paulus với cuốn sách tu đức bán chạy nhất trong nhiều năm liền: Hope For the Flowers, tạm dịch là Chờ Đón Mùa Hoa. Cái đặc biệt của cuốn sách này là rất ít chữ mà chỉ có hình vẽ thôi. Mà lại toàn là hình sâu róm, sợ quá! 

Con sâu róm sinh ra trên một cành cây trong một ”gia đình êm ấm”. Một hôm nó nhận ra mình đã trưởng thành, cần ”đi xuống cuộc đời”. Và nó đã bò xuống. Nó lấy làm lạ là tại sao nó toàn gặp những con sâu đang đi hối hả về phía trước. Nó hỏi đi đâu, thì những chú sâu không có giờ trả lời, chỉ ngoắc tay thật nghiêm trọng. Nó cũng sinh tò mò đi theo. Một lúc lâu thì nó thấy một cái cột thật cao, ngọn chạm tới trời. Nhìn kỹ hơn, nó nhận ra đó là một cái cột toàn sâu lúc nhúc đang chen nhau bò lên. Nó hỏi trên đó có gì thì không đứa nào trả lời. Thấy đông đứa hăm hở như vậy chắc là có gì hồ hởi lắm. Vậy là nó cũng hòa mình vào đám đông ”ai sao tôi dzậy” mà cố sức leo lên, đạp văng nhiều thằng khác mà đạt mục tiêu. Lên đến lưng chừng thì nó ”thấm mệt cuộc đời”, ”ngựa nản chân bon”, bèn nghĩ chuyện bỏ cuộc. Chắc là chả có gì đâu. Và nó bò được xuống đất. Hú hồn. 

Nhưng rồi nó đâm hồ nghi chính nó. Hay là mình chẳng giống ai. Nó quan sát thấy ”người ta” miệt mài tranh nhau bò lên thế kia, ắt là phải có cái gì chứ. Thế là nó lại ra sức trèo lên một lần nữa. Lần này nó hung hãn hơn trước. Đấm đá kỹ hơn. La hét kỹ hơn. Tỏ ra ta đây lắm. Và cuối cùng nó đã leo lên được đỉnh cao chót vót. Nhưng cũng chính là lúc nó thất vọng nhất. Chẳng có gì. Thì ra cái cột ”danh vọng” cuộc đời này được tạo bằng chính những con sâu. Nhìn sang rừng cây bên canh, nó thấy một đàn bướm đủ màu tung tăng vỗ cánh thảnh thơi. Nó có dịp ”tĩnh tâm” để phát giác một điều lạ là ở cành cây đang đeo lủng lẳng những cái tổ kén. Một vài con sâu đang chịu nằm trong "mồ tối" đó. Ở một tổ khác nó thấy rõ một con bướm vừa bung ra. Thì ra cái tổ kén là nơi con sâu chịu bị vùi giập để lột xác.  

Đúng rồi. Nó là ”con của chim Tiên.”  Mặc dù đang thấy hiện trạng là con sâu, nhưng nó biết bản chất của nó là có thể mọc cánh thành bướm bay lên được. Với điều kiện nó phái lột xác. Tiến trình thật gay go. Nhưng đâu còn con đường nào khác nữa! 

TIN VUI GỬI NHỮNG CÁNH CHIM RÃ MỎI 
(Chúa nhật 3 Mùa Chay)


Quả thực, mình không bay lên nổi, không vươn lên được, trước hết là vì bị những thống khổ cuộc đời đánh cho mờ cả mắt, tối tăm mặt mày! Người ăn đòn lại sinh hung hãn đấm đá gỡ gạc chôm chỉa cho bớt tủi, cho vơi nỗi sầu, bớt trống rỗng hụt hẫng, thành ra cái vòng hệ lụy nghiệt ngã hành hạ đầy đọa nhau không lối thoát. Việc gỡ gạc chôm chỉa như kiếp sâu phát sinh như một phản ứng tự động từ trong máu, cho nên ngay cả những sinh hoạt tôn giáo cũng có thể bị làm cho méo lệch thành nơi kiếm chác chút phù du thay vì tìm được đường giải thoát thảnh thơi. Đức Giêsu đã có lần cảnh cáo mạnh tay với những hạng người này: "Đừng làm nhà Cha ta thành nơi buôn bán." (Gioan 2:16) 

"Nhà Cha Ta" không nhất thiết chỉ là ngôi nhà thờ nơi xứ đạo, mà có thể là nhà thờ trong tâm hồn mỗi người. Hành động của Đức Giêsu như một chấn động mạnh có sức thay đổi cả một lối nhìn và một lối sống, làm nên một cuộc hoán cải tận gốc rễ (metanoia). Mình không thể tiếp tục đi con đường hiện tại chỉ khiến mình lệt bệt không vươn lên được mà còn làm khổ nhiều người. Và cuộc lột xác lúc này thật cần thiết, dám bắt đầu lại. 

Xả buông là một bí mật của đời sống. An Nguyên đã tâm sự trong "Bí Tích Buông Ra": "Khi mùa thu đến, nhiều lúc tôi muốn ôm lấy thân cây, tựa đầu vào chúng và hỏi xem chúng cảm thấy thế nào khi bị mất mát, khi phải từ bỏ, khi chịu trơ trụi và đứng chờ đợi để được đong đầy lại. Nghe thì đơn giản, thật dễ dàng, nhưng thực tế lại rất khó... 

Từ từ, chậm rãi,
Nàng ăn mừng "Bí Tích Buông Ra".
Trước hết, nàng bằng lòng
để màu xanh thắm của nàng phai đi,
đổi thành màu cam. màu vàng và màu đỏ;
Cuối cùng là màu nâu, màu úa;
Và nàng buông ra chiếc lá cuối cùng.
Bị tước đoạt trơ trụi, nàng đứng lặng im.
Đứng dựa vào bầu trời mùa đông...
Nàng đứng nhìn chiếc lá cuối cùng rời nàng
nhẹ nhàng rơi xuống đất.
Nàng đứng lặng im,
mặc một màu trống rỗng trơ trụi.
Là cành cây, nàng tự hỏi:
Những chiếc lá bỏ đi hết rồi,
Tôi còn cho bóng mát thế nào được,
không lẽ tôi trở nên vô ích từ đây?! 

Ban mai và hoàng hôn nhìn nàng âu yếm. Chúng củng cố niềm hy vọng của nàng. Chúng giúp nàng hiểu rằng sự phụ thuộc và cần thiết của nàng, sự trống rỗng và sẵn sàng đón nhận của nàng sẽ đem lại cho nàng một vẻ tươi đẹp mới. Mỗi ngày nàng kiên nhẫn, vui vẻ đứng "Bí Tích Chờ Đợi". 

Bầu trời mùa xuân nhẹ tới, đem lại cho nàng sự tươi mát, thoải mái. Và từ từ nàng nhìn thấy những cành cây khô cằn bật lên những chồi non, rồi lá xanh. Một sức sống mới bừng lên, một niềm tin mới xác quyết. Nàng nhảy mừng cử hành "Bí Tích Sự Sống". 

Này nhé: Sâu có thể trở thành bướm. Những mô đất đá cằn cỗi nay bỗng bật lên những mầm nụ mới. Vậy tại sao con người lại không được như thế, cứ cố bám lấy lớp dầy vỏ cứng khiến đời sống mỗi ngày mỗi tàn tạ?! Nhà thơ Luân Hoán thấy cảnh như vậy liền cất lời tự tình: 

Cám ơn đất đá trổ thơ
Lòng ta hạt bụi vu vơ bám hoài. 
Liệu tôi đã bắt đầu dám lột xác vươn mình lên hay vẫn tiếp tục bám vào lớp bụi bặm phù du tự đầy đọa mình và làm khổ nhiều người? Những gì tôi đang cần xả bỏ để bắt đầu sống thảnh thơi hơn? Và tôi muốn đổi lời thơ Luân Hoán thành lời phản tỉnh cho chính mình: 

Cám ơn đất đá trổ hoa
U mê hạt bụi lòng ta bám hoài.

CHÚA NHẬ III MUÀ CHAY
“Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16)

Các em thiếu nhi thân mến,

Có bao giờ các em đọc kinh hay hát thánh ca trong nhà thờ mà không suy nghĩ gì đến lời kinh, tiếng hát cuả mình không? Có khi nào ngồi đây nghe giảng mà tâm trí các em đang bay ở mãi tận khung trời xa xôi nào đó không? Ðó chính là lối thờ phượng máy móc, vụ hình thức của những nguoi đi đạo lâu năm. Họ đọc kinh theo thói quen. Họ hát theo thói quen. Họ nghe giảng theo thói quen. Họ không còn ý thức đến hành vi của mình nữa, và cũng không có một cảm xúc hay một tâm tình thờ phượng đích thực nào trong những việc làm của mình.

Người ta kể rằng: một người kia nằm mơ, thấy thiên sứ dẫn mình đến một ngôi nhà thờ trong một ngày chúa nhật. Tại đó người này thấy người nhạc sĩ đang đàn phong cầm nhưng không nghe thấy tiếng âm nhạc, ca đoàn và cộng đoàn hát nhưng không nghe có âm thanh nào cả. Rồi đến khi linh mục đứng lên giảng, môi mấp máy, nhưng không ra tiếng nói nào cả. Người ấy rất đỗi ngạc nhiên hỏi thiên sứ, thì thiên sứ nói: "Ông không nghe thấy gì, vì không có gì để nghe cả. Những người trong nhà thờ không tham dự vào buổi thờ phượng, mà chỉ dự phần vào hình thức thờ phượng mà thôi. Tâm hồn họ trống rỗng. Họ không thờ phượng Chuá từ trong cõi lòng. Họ chỉ là những chiếc máy vô hồn phát ra. Họ nếu không nói là giả hình thì cũng là những loại người thờ Chuá bằng môi bằng miệng, còn lòng dạ họ đã xa Chuá lâu rồi.

Qua câu chuyện này, người ta muốn nói điều gì? Thưa, câu chuyện này dậy ta một bài học quan trọng: khi nào ta vào nhà thờ, thờ phượng Chúa, ta hãy đến đó với một tấm lòng ước muốn ra mắt Chúa, và tôn kính Ngài trong mọi việc ta làm trong nhà thờ. Ta hãy đọc kinh với thái độ tin tưởng và yêu mến. Ta hãy hát với thái độ ca ngợi Chúa thật, dù là hát trong ca đoàn hay chung với cộng đoàn. Nếu ta đứng lên nói, hãy nói với thái độ tôn thờ Chúa. Cầu nguyện cũng phải chân thành tập trung vào Chúa, ngay cả khi nghe lời Chúa cũng phải có thái độ thờ phượng. Khi nào ta ý thức được như thế thì giờ thờ phượng mới có ý nghĩa. Và chỉ những lúc đó, tiếng ca ngợi của ta từ nơi đất thấp, mới bay lên tận trời cao được.

Hôm nay Chuá Giêsu vào trong Đền Thờ, Ngài đã thấy gì trong đó? Họ đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán. Họ lợi dụng Đền thờ để lợi dụng lẫn nhau. Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền nhằm lợi nhuận. Kẻ mua để dâng cúng trong đền thờ chỉ nhằm mục đích phô trương giả hình. Ngay cả các tư tế cũng chủ trương như thế, để họ thu lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên. Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ. Chính vì Đền thờ bị lạm dụng., Chuá đã hành động thẳng thắn để thanh tẩy Đền thờ. Chuá đã đòi hỏi họ phải trả lại ý nghiã đích thực của Đền thờ. Vậy ý nghiã đích thực của Đền thờ là gì?

Thưa, Đền thờ là nơi cầu nguyện. Chuá bảo rằng “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Ngài đã tẩy chay một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chuá, mà là thờ quyền lợi của mình. Đồng thời, khi Chuá Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Ngài ám chỉ đến Đền thờ mới chính là thân thể Ngài. Như vậy qua hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chuá Giêsu còn cho biết thêm: sự thờ phượng đích thực của thời Tân ước là thờ phượng Thiên Chuá trong Thần Khí và Sự Thật. Thế nên, “đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chuá Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem, vì Thiên Chuá là Thần Khi và những kẻ thờ phượng Người phải thờ trong Thần khí và sự thật” (Ga 17, 23).

Ngày hôm nay, người ta vẫn có thể lạm dụng Đển thờ bằng nhiều cách:

  1. Có những người đến nhà thờ nhưng lại lo ra chia trí trong lòng. Đó là những người có xác mà không có hồn. Họ chỉ là những thây ma trơ trẽn và nguội lạnh. Họ xem lễ chứ không dự lễ, vì họ không đóng góp tấm lòng của mình vào việc thờ phượng Chuá.
  2. Có những người đi lễ vì người khác đi mình cũng đi hay chỉ vì cha mẹ bắt phải đi. Đó là những người thờ phượng giả hình. Họ không sống những điều mình tin. Họ lấy “vải thưa che mắt thánh”. Họ chỉ che được mắt thế gian nhưng không che dấu được Thiên Chuá. Họ đến nhà thờ nhưng không gặp được Chuá nên đời sống họ cũng không có gì thay đổi.
  3. Nhưng điều quan trọng mà hôm nay sứ điệp Lời Chuá muốn nhắn gởi chúng ta, chính là hãy chỉnh đốn lại đền thờ tâm hồn chúng ta. Tâm hồn chúng ta có Chuá ngự trị hay không? Chúng ta đang tôn thờ Thiên Chuá hay tôn thờ những danh lợi thú trần gian?

Muà Chay là muà mợi gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống. Có thể nói muà chay là muà giúp chúng ta nhìn lại đến thờ tâm hồn của mình để xin ơn Chuá thanh tẩy tâm hồn khỏi những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng là Đền thờ cho Chuá ngự trị.

Lạy Chuá, tâm hồn con là đền thờ của Chuá, thế mà con đã để tâm hồn mình hoen ố bởi biết bao thói hư tật xấu, biết bao đam mê thấp hèn. Xin Chuá hãy thanh tẩy tâm hồn con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, hầu xứng đáng là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chuá ngự trị. Amen.

Chúa nhật tuần 3 chay -B-2009
Nhà Cha là nhà cầu nguyện

Có một người nằm mơ, thấy thiên sứ dẫn mình đến một ngôi nhà thờ trong một ngày Chúa Nhật. Tại đó, ông thấy người nhạc sĩ đang đàn phong cầm nhưng không nghe thấy tiếng nhạc, ca đoàn và cộng đoàn hát nhưng không nghe có âm thanh nào cả. Rồi đến khi linh mục đứng lên giảng, môi mấp máy, nhưng không ra tiếng nói nào cả. Người ấy rất đỗi ngạc nhiên hỏi thiên sứ, thì thiên sứ nói: "Ông không nghe thấy gì, vì không có gì để nghe cả. Những người trong nhà thờ không tham dự vào buổi thờ phượng, mà chỉ dự phần vào hình thức thờ phượng mà thôi. Tâm hồn họ trống rỗng. Họ không thờ phượng Chuá từ trong cõi lòng. Họ chỉ là những chiếc máy vô hồn phát ra. Họ nếu không nói là giả hình thì cũng là những loại người thờ Chuá bằng môi bằng miệng, còn lòng dạ họ đã xa Chuá lâu rồi!

Đôi khi chúng ta cũng đến với Chúa bằng hình thức bên ngoài mà chằng có tâm tình bên trong. Ðó chính là lối thờ phượng máy móc, vụ hình thức của những người đi đạo lâu năm. Họ đọc kinh theo thói quen. Họ hát theo thói quen. Họ nghe giảng theo thói quen. Họ không còn ý thức đến hành vi của mình nữa, và cũng không có một cảm xúc hay một tâm tình thờ phượng đích thực nào trong những việc làm của mình.

Hôm nay Chuá Giêsu vào trong Đền Thờ, Ngài đã thấy gì trong đó? Người Do Thái đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán. Họ lợi dụng Đền thờ để lợi dụng lẫn nhau. Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền nhằm lợi nhuận. Kẻ mua để dâng cúng trong đền thờ chỉ nhằm mục đích phô trương giả hình. Ngay cả các tư tế cũng chủ trương như thế. Họ thu lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên. Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ.

Chính vì Đền thờ bị lạm dụng., Chuá đã hành động thẳng thắn để thanh tẩy Đền thờ. Chuá đã đòi hỏi họ phải trả lại ý nghiã đích thực của Đền thờ. Chuá bảo rằng “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Ngài đã tẩy chay một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chuá, mà là thờ quyền lợi của mình. Đồng thời, khi Chuá Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Ngài cũng ám chỉ đến Đền thờ mới chính là thân thể Ngài. Thân thể Ngài cũng bị phá huỷ bởi sự gian ác của con người, nhưng rồi Ngài sẽ sống lại sau ba ngày trong mồ.

Ngày hôm nay, người ta vẫn có thể lạm dụng Đển thờ bằng nhiều cách:

-Có những người đến nhà thờ nhưng lại lo ra chia trí trong lòng. Đó là những người có xác mà không có hồn. Họ ví tựa như những thây ma trơ trẽn và nguội lạnh. Họ xem lễ chứ không dự lễ, vì họ không đóng góp tấm lòng của mình vào việc thờ phượng Chuá.

-Có những người đi lễ vì người khác đi mình cũng đi hay chỉ vì cha mẹ bắt phải đi. Đó là những người thờ phượng giả hình. Họ không sống những điều mình tin. Họ lấy “vải thưa che mắt thánh”. Họ chỉ che được mắt thế gian nhưng không che dấu được Thiên Chuá. Họ đến nhà thờ nhưng không gặp được Chuá nên đời sống họ cũng không có gì thay đổi.

-Nhưng điều quan trọng mà hôm nay sứ điệp Lời Chuá muốn nhắn gởi chúng ta, chính là hãy chỉnh đốn lại đền thờ tâm hồn chúng ta. Tâm hồn chúng ta có Chuá ngự trị hay không? Chúng ta đang tôn thờ Thiên Chuá hay tôn thờ những danh lợi thú trần gian?

Muà Chay là muà mợi gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống. Có thể nói muà chay là muà giúp chúng ta nhìn lại đến thờ tâm hồn của mình để xin ơn Chuá thanh tẩy tâm hồn khỏi những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng là Đền thờ cho Chuá ngự trị.

Lạy Chuá, tâm hồn con là đền thờ của Chuá, thế mà con đã để tâm hồn mình hoen ố bởi biết bao thói hư tật xấu, biết bao đam mê thấp hèn. Xin Chuá hãy thanh tẩy tâm hồn con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, hầu xứng đáng là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chuá ngự trị. Amen.

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Lm. Tạ Duy Tuyền - dongcong.net

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)