dongcong.net
 
 

SUY NIỆM - chia sẻ

Dừng Bước Chiêm Ngắm Thập Giá Chúa

thứ sáu tuần thánh 2021  

Khi hình dung quang cảnh ngày Thứ Sáu Tử Nạn của Chúa Giê-su cách đây hơn 2000 năm, cha nhạc sỹ Kim Long đã mô tả một quang cảnh thật ảm đảm, hãi hùng. Cả một bầu trời tang tóc, sợ hãi, lo âu bao trùm khiến các môn đệ và nhiều người thân đã bỏ trốn, chỉ còn lác đác ven đường vài người hiếu kỳ đứng xem cảnh tượng thê lương ấy.

Lời ca như mời gọi người xưa và cả người ngày nay đang đi qua con đường đau khổ ấy hãy dừng lại để chiêm ngắm cái chết của Con Chúa Trời. Đây là cái chết vì yêu nhân loại, nhưng đi qua cái chết vì yêu, Con Chúa Trời mở ra cho nhân loại một chân trời mới,  một quê trời vinh phúc dành cho những ai đã cùng đi qua với Chúa con đường khổ giá sẽ đạt tới bến bờ hạnh phúc. Nơi đó không còn nước mắt khổ đau. Nơi đó, là bình minh mang lại ánh sáng sau đêm dài tối tăm.

Hỡi ai qua đường ngừng bước đây mà chiêm ngắm 
Chúa Chí Tôn cam chịu muôn nỗi khổ đau. 
Vì thương toàn nhân loại muôn chốn muôn đời
Ngày đêm khóc than mong chờ vinh phúc quê Trời

Thực vậy, Chúa Giê-su khi bước lên Thập giá dường như Ngài đã nghĩ tới nhân loại, vì yêu nhân loại mà Ngài chấp nhận cái chết đền tội cho nhân loại. Ngài biết sự dữ rất mạnh nhưng chỉ có cách đối đầu và chiến thắng sự dữ mới mang lại bình an cho nhân loại.

Có lẽ, chỉ mình Chúa mới nhìn thấy hết nỗi thống khổ của nhân loại khi sự dữ thống trị con người. Ngài rất đau buồn khi nhìn thấy những khổ đau của nhân loại. Và Ngài vẫn đang chờ mong con cái Ngài hãy đừng quên trên thập giá Chúa đang nghĩ đến chúng ta. Chúng ta không cô đơn. Hãy tin tưởng và tín thác vào tình thương của Thiên Chúa.

Và chính trong tâm tình đó, Chúa cũng đang mời gọi “hỡi tất cả những ai đang mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta”. Chúa đang nhìn thấy biết bao nỗi khổ của nhân loại đang trải qua bởi dịch bệnh, bởi đói nghèo. Chúa cũng đang nhìn thấy biết bao người đang mang gánh nặng nề bởi cuộc sống mưu sinh khó khăn, vất vả, có khi còn bệnh tật đeo bám thân thể. Chúa mời gọi hỡi những ai đang đi qua con đường thập giá với Chúa hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Ngài đã chiến thắng sự dữ. Ngài sẽ thêm sức mạnh để chúng ta đủ sức đón nhận mọi thập giá. Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận mọi sự trong thánh ý Chúa để ngày sau cùng được hưởng vinh phúc quê trời.

Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy dừng lại chiêm ngắm cái chết vì yêu của Chúa trên thập giá. Hãy dâng lên Chúa chính khổ giá của chúng ta để kết hợp với hiến tế tình yêu của Chúa dâng lên Chúa Cha để cứu độ trần gian.

Ước gì chúng ta luôn biết sống trong tâm tình tri ân tình yêu cao vời của Chúa. Ước gì chúng ta luôn biết trân trọng quà tặng tình yêu của Chúa bằng việc trung thành với giao ước của Chúa, và biết noi gương Chúa mà tận hiến hy sinh cho tha nhân.

  Lạy Chúa, Chúa đã chết để cho chúng con được sống. Xin giúp chúng con luôn sống trong ân nghĩa của Chúa. Amen

  Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

https://www.youtube.com/watch?v=nXagNALsU-k

 

Tôi đang đứng đâu trong cái chết của Chúa?

thứ sáu tuần thánh 2018

Thứ Sáu Tuần Thánh gợi lại cho ta khung cảnh đồi Calve. Nơi ấy Chúa chịu bao đớn đau khổ sầu và cuối cùng là cái chết đơn côi. Nơi ấy ta cũng thấy sự thay lòng đổi dạ của những người đã từng nhận ân lộc Chúa. Nơi ấy ta cũng thấy dã tâm con người chỉ vì quyền lợi bản thân mà dám giết người công chính. Nơi ấy ta cũng thấy sự thiếu trung thành nơi các môn đệ là những người đã từng thốt lên sẽ “cùng chết với Người”. Chỉ còn lại một số ít rất nhỏ là Mẹ Maria và người môn đệ Chúa yêu luôn âm thầm đi bên cạnh Chúa.

Xem ra trong nỗi đau của một người luôn có những bàn tay toa rập với nhau để làm hại anh em. Trong nỗi đau của bản thân lòng ta cũng tan nát bởi sự vô ơn, vô tâm của người thân như toa rập nhau nhận chìm ta trong cô đơn khổ đau.

Nhìn vào xã hội hôm nay ta thấy có quá nhiều con người đang quằn quại trong nỗi đau bị người thân hãm hại, bỏ rơi, hành hạ, loại trừ.  . . Mỗi ngày trên trang mạng ta cảm thấy sao xã hội hôm nay tình người đang mất dần khi vì cái tôi họ sẵn sàng làm hại đến nhau! Con cái bất hiếu là nỗi đau lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Vậy mà vẫn còn đó những đứa con "trời đánh" sẵn sàng hắt hủi, chửi mắng, đánh đập, thậm chí sát hại những người từng sinh ra mình cũng không hiếm! Ông Môn ở Lạng Sơn thấy đứa con tên Nghĩa ăn chơi lêu lổng đã lên tiếng nhắc nhở liền bị đứa con cãi lại, rồi nổi cơn điên loạn lấy dao đâm cả cha mẹ khiến người mẹ tử vong.

Điều đáng buồn trong xã hội hôm nay người ta còn dùng cả phương tiện truyền thông để người thân có dịp tố cáo nhau, hay “vạch áo cho người xem lưng” như trong chương trình “Sau ánh hòa quang”. Điển hình là nghệ sĩ Lê Giang đã công khai tố cáo chồng cũ là Duy Phương đánh đập, bị tẩy chay, từng phải uống thuốc tự tử. . .

Duy Phương cũng phải lên mạng đính chính là không hề có. Con cái chung của hai người cũng cho rằng mẹ là người nói không đúng sự thật. Không biết chương trình làm với mục đích gì nhưng điều chắc chắn là vết thương nơi từng người trong gia đình lại càng hằn sâu thêm. Và nỗi đau của những con người từng sống chung một mái nhà càng đau khổ hơn. . .

Cuộc đời chúng ta ai cũng sợ cô đơn. Vì cô đơn làm cho chúng ta hụt hẫng giữa biển người bao la mà chẳng tìm được ai yêu thương, cảm thông với chúng ta. Sự cô đơn đưa chúng ta đến ngõ cụt cuộc đời, đến ngõ vắng đơn côi khiến chúng ta thất vọng, buông xuôi. Những lúc như thế chúng ta cần lắm một bàn tay chìa ra nâng đỡ. Cần lắm một lời an ủi, động viên của đồng loại. Cần lắm sự quan tâm khích lệ từ những người thân trong gia đình.

Cảm nhận sự cô đơn làm tê tái cõi lòng để chúng ta đồng cảm với Chúa Giê-su trong tuần thương khó. Đồng cảm với Ngài trong sự cô đơn bị bỏ rơi, bị khước từ của đồng loại. Chúa Giê-su đã trải qua những cay đắng tủi nhục khi bị người đời bỏ rơi. Ngài cô đơn giữa biển người, vì dường như ai cũng quay lưng lại với Ngài.

Hôm nay Chúa Giê-su vẫn có thể cô đơn khi chúng ta sống thiếu hiệp thông với Ngài bởi tội lỗi, bởi đam mê. Chúng ta vẫn đẩy Ngài ra khỏi cuộc đời bởi tranh dành danh lợi thú trần gian. Chúng ta vẫn có thể gào thét đóng đinh Chúa khi chúng ta không dành cho Ngài quyền tối thượng được tôn thờ trên hết mọi sự.

Xin Chúa giúp chúng ta biết đi vào những ngày thánh này trong sự hy sinh hãm mình để đồng cảm với Chúa Giê-su. Xin cho chúng ta cũng đừng bao giờ đẩy anh em mình vào đường cùng của sự cô đơn khước từ. Ước gì chúng ta luôn là người môn đệ Chúa yêu đi bên cạnh Chúa trên đường thương khó khi vì Chúa mà từ khước những phù vân tội lỗi. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 2018

 

Ngắm nhìn thập giá
Thứ Sáu Tuần thánh 2012

Chết là hết. Sự thường là vậy. Sau cái chết mọi sự sẽ nguôi ngoai. Không gì tồn tại và bền lâu. Thế nhưng sau cái chết của Chúa Giêsu thì không vậy. Lời các ngôn sứ đã nói từ xưa: “Họ sẽ ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu qua”. Ai sẽ ngắm nhìn. Nhân loại của thời đó hay nhân loại hôm nay? Phải chăng họ ngắm nhìn một thây ma trơ trụi trên thập giá ? Chắc là không. Vì thây ma chỉ làm người ta khiếp sợ. Thế mà hơn 2000 năm nay họ vẫn đang ngắm nhìn. Ngắm nhìn một tình yêu tự hiến chết cho người mình yêu. Ngắm nhìn để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu.  Ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu, để giục lòng ăn năn sám hối. Ngắm nhìn để thấy sự sống đang chồi sinh sau cái chết của Con Thiên Chúa.  

Ngắm nhìn một tình yêu tự hiến: đó là cái nhìn của Mẹ Maria. Mẹ nhìn con đau khổ. Mẹ cảm thương nỗi đau của con. Thân xác con tan nát. Trái tim Mẹ lại se thắt từng cơn, nuốt nghẹn đến tận tâm can. Máu con tuôn rơi trên cây thập tự. Nước mắt Mẹ tuôn rơi trên đồi Calvê. Mẹ đã dâng nỗi đau của mình nên một với nỗi đau của con để làm hiến tế tôn vinh Chúa Cha. Ngày hôm nay cũng có biết bao ngừơi đang đau khổ, đang nhìn lên thập giá Chúa để tìm sự nâng đỡ ủi an. Đón nhận đau khổ như Đức Giêsu và Mẹ Maria là đón nhận thập giá của bổn phận, của trách nhiệm trong hy sinh, tự hiến cho gia đình, xứ đạo và cộng đồng nhân loại.

Ngắm nhìn để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu: Đó là cái nhìn nuối tiếc của các môn đệ. Tiếc nuối vì cả một đời theo Thầy, nhận được biết bao ân huệ của Thầy, thế mà chỉ một chút nghi nan đã bỏ mặc Thầy cô đơn trong đau đớn tột cùng. Nhìn để làm lại cuộc đời. Nhìn để chuộc lại lỗi lầm, để dám chết cho niềm tin của mình. Điển hình là Phêrô. Dù ông muốn bỏ chạy vì sự truy sát của Nêrón, nhưng ông đã kịp quay trở lại thành để chịu tử đạo, vì nhìn thấy Thầy một lần nữa vác thập giá vào thành. Ngày nay có biết bao người vẫn đang sống trong nuối tiếc ân hận, mặc cảm vì một quá khứ lầm lỡ. Mặc cảm vì một lần vô ơn bạc nghĩa đã gieo vãi sầu đau cho tha nhân. Hãy ngước nhìn lên Chúa để sám hối ăn năn, chuộc lại lỗi lầm. Hãy đền đáp tình yêu bằng trao tặng tình yêu của mình cho tha nhân.

Ngắm nhìn để giục lòng ăn năn: đó là cái nhìn của đám đông dân chúng bị mua chuộc, xúi giục la ó “đóng đinh nó vào thập giá”. Đó là cái nhìn thống hối của Philatô. Một người có chức có quyền nhưng hèn nhát, thiếu bản lĩnh, và nhu nhược đã để đám đông lấn áp đến nỗi chẳng dám nói một câu bênh đỡ cho người công chính khỏi án chết bất công. Dù  ông biết rõ “người này vô tội”. Ngày nay cũng có biết bao người đang đóng đinh cuộc đời nhau vì xu thời, hèn nhát, thiếu trách nhiệm đã và đang dầy xéo cuộc đời anh chị em mình. Liệu rằng có mấy ai biết nhìn lại để cúi mình ăn năn? Vì tội lỗi tôi mà Chúa mang thảm sầu. Vì lối sống thiếu trách nhiệm của tôi mà gia đình tan nát, xào xáo, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt chăng?

Ngắm nhìn để thấy sự sống đang chồi sinh sau cái chết của Con Thiên Chúa. Đó là cái nhìn của viên đội trưởng Rôma, của các người phụ nữ, của các môn đệ. Trong cái chết nhục hình, họ đã nhận ra một sụ chiến thắng của Chúa Giêsu. Thập giá đã không còn là biểu tượng của tủi nhục mà là dấu chỉ một tình yêu. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu dám tha thứ cho cả kẻ hành hạ, giầy xéo cuộc đời mình cho đến chết. “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Một tình yêu bằng lòng chịu chết để tôn vinh Chúa Cha và cứu độ nhân loại. Nhân loại ngày nay vẫn đang cần những con người dám hy sinh cho nhau, dám quên đi sự an nhàn bản thân để hiến thân cho bạn hữu của mình. Nhân loại ngày nay vẫn đang cần một tình yêu thứ tha để có thể giải hoà những đổ vỡ, những ngăn cách đang làm cho các gia đình đau khổ, đang làm cho xã hội bất an vì những thù oán nhỏ nhoen.

Ngắm nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu. Chúng ta có nhận ra tội lỗi của mình đang tiếp tục làm khổ Chúa, làm khổ nhau? Khi ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu chúng ta có áy náy lương tâm hay vẫn dửng dưng bàng quang như khách qua đường tại thành Giêrusalem?  Ngắm nhìn xem Đấng đã bị đâm thâu để chúng ta thấy mình cũng có trách nhiệm trong cuộc thương khó của Chúa, trong nỗi đau của anh chị em mình. Ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu để chúng ta biết sống bù đắp những lỗi lầm của mình đã và đang gây đau khổ cho anh chị em mình.

Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh giúp chúng con mỗi lần ngắm nhìn Chúa biết giục lòng ăn năn thống hối và can đảm đứng lên làm lại cuộc đời. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Lm. Tạ Duy Tuyền - dongcong.net 2012

March 31, 2021

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)