dongcong.net
 
 

Suy niệm & Hiệp sống Tin Mừng - Lm Đan Vinh

HIỆP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA BA NGÔI

1.LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” ( 1 Cr 13,4-7).

2.SUY NIỆM:
Với trí khôn tự nhiên, lòai người chúng ta chỉ nhận biết có Đấng Tạo Hóa là Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật thiên nhiên và an bài mọi sự trật tự và ngày càng tiến hóa nên hòan thiện hơn. Tuy nhiên chính nhờ Lời Chúa mặc khải mà lòai người chúng ta mới biết về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Vậy mặc khải nói gì về mầu nhiệm này? Vai trò của mỗi Ngôi thế nào trong công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và ban ơn cứu độ lòai người? Các nhà thần học đã dùng những hình ảnh nào để diễn tả về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hầu giúp chúng ta lãnh hội được phần nào về mầu nhiệm quan trọng này? Cuối cùng các tín hữu chúng ta phải sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như thế nào?
1)MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI TRONG THÁNH KINH:
1-Cựu Ước nhấn mạnh về một đức tin độc thần: Chỉ một Đức Chúa là Thiên Chúa độc nhất hiện hữu và là Đấng ban ơn cứu độ. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chưa mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Điều răn trọng nhất trong mười điều răn được Đức Chúa ban cho Ít-ra-en qua ông Mô-sê như sau:: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3). Ngôn sứ I-sai-a cũng tuyên sấm lời Thiên Chúa: “Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành. Và sau Ta cũng vậy. Chính Ta đây là Đức Chúa. Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ” (Is 43,10-11).
2-Tân Ước mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:
+Tin Mừng Mát-thêuthuật lại câu chuyện Đức Giê-su chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, trong đó bắt đầu đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, thì các tầng trời mở ra. Người thầy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa, có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16). Tiếng phán từ trời là lời của Chúa Cha (Ngôi I), Đức Giêsu đang đứng dưới lòng sông là Chúa Con (Ngôi II) và chim bồ câu ngự trên Người là biểu tượng Chúa Thánh Thần (Ngôi III). Ngòai ra Tin mừng Mát-thêu cũng ghi lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ trước khi lên trời nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
+Thánh Lu-ca trong Công vụ Tông đồđã thuật lại bài giảng của Tông đồ Phê-rô nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: “Thiên Chúa Cha (Ngôi I) đã ra tay uy quyền nâng Người lên (Ngôi II), trao cho Người Thánh Thần (Ngôi III) đã hứa, để Người (Ngôi II) đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33).
+Tin Mừng Gio-annhiều lần đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Thầy (Ngôi II) sẽ xin Chúa Cha (Ngôi I), và Người (Ngôi I) sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác (Ngôi III), đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14,16). - “Mọi sự Chúa Cha có (Ngôi I) đều là của Thầy (Ngôi II). Vì thế, Thầy (Ngôi II) đã nói: Người (Ngôi III) lấy những gì của Thầy (II) mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Nơi khác: “Tôi (Ngôi II) và Chúa Cha (Ngôi I) là Một” (Ga 10,30).
+Thánh Phao-lôdiễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong lời chào như sau: “Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi II), tình yêu của Chúa Cha (Ngôi I) và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (Ngôi III) ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13). Trong thư Ga-lát, Phao-lô viết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa (Ngôi I) đã sai Thần Khí (Ngôi III) của Con mình (Ngôi II) đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên“Áp-ba, Ba ơi!” (Gl 4,6).- Trong thư Ê-phê-sô: “Thật vậy, nhờ Người (Ngôi II), cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí (Ngôi III) duy nhất, mà đến cùng Chúa Cha (Ngôi I)” (Ep 2,18) ; “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí (Ngôi III), cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa (Ngôi II), một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người (Ngôi I), Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). -Trong thư Ti-tô: “Thiên Chúa (Ngôi I) đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần (Ngôi III) xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi II) Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6).
2)NỘI DUNG MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:
1-Chỉ có Một Thiên Chúa và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7), nhưng Người lại có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn.
2-Về vai trò của Ba Ngôi:
+Chúa Cha sáng tạo: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phònggìn giữ để các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Người cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục chương trình cứu độ lòai người qua Hội Thánh.
+Chúa Con cứu chuộc: Khi tới Giờ đã định, Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại để ban ơn cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Người luôn hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22).
*Về phẩm chức là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su ngang hàng với Thiên Chúa Cha như Người đã nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30.33).
*Về vai trò là Đấng Thiên Sai, Đức Giê-su luôn lệ thuộc vào Chúa Cha trong mọi sự (x. Ga 5,19), và không thể lớn hơn Chúa Cha: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16), “Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28).
*Về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Phao-lô dạy: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa (Ngôi II), mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Ngôi I), nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa (Ngôi I) đã siêu tôn Người (Ngôi II) và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,6-11).
+Chúa Thánh Thần thánh hóa: Thánh Thần tuôn đổ thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ mệnh của Chúa Giêsu: Một là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng; Hai là làm tư tế thánh hóa loài người nhờ cử hành các phép bí tích do Chúa Giêsu thiết lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao…Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba, là Chúa Thánh Thần, Thánh Linh hay Thần Khí.
3)MỘT SỐ CÁCH DIỄN TẢ MẦU NHIỆM BA NGÔI KHI DẠY GIÁO LÝ:
Một Chúa Ba Ngôi là chân lý đức tin do Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người đã dạy, nhưng lại khó hiểu đối với tr1i khôn hữu hạn của lòai người. Nhằm giúp các tín hữu hiểu biết phần nào về mầu nhiệm này, các nhà thần học đã cố gắng diễn giải bằng các hình ảnh có trong thực tế đời thường dù chỉ là bất tòan như sau:
1-Thánh Pa-trick dùng hình ảnh lá cây “Tam diệp thảo”: tuy chỉ có một lá, nhưng do ba lá nhỏ dính liền với nhau.              
2-Thánh I-nha-xi-ô dùng hình ảnh một hợp âm trên dòng nhạc, gồm ba nốt nhạc chồng lên nhau.
3-Ngoài ra, chúng ta có thể diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng mấy hình ảnh đời thường như:
+Nước tuy chỉ là vật chất nhưng có thể xuất hiện dưới ba dạng là: Thể hơi, thể đặc và thể lỏng;
+Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình, nhưng có ba góc và ba cạnh bằng nhau.
+Một người đàn ông trong gia đình tuy chỉ là một người nhưng có 3 vai trò: là “cha” đối với con cái, là “con” đối với bố đẻ, là “chồng” đối với vợ.
4)SỐNG HIỆP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI:
1-Hiệp thông bằng việc năng tuyên xưng đức tin Một Chúa Ba Ngôi: Mỗi lần làm dấu thánh giá và đọc kinh Sáng Danh, người tín hữu tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
2-Hiệp thông bằng việc năng cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi: Người tín hữu cần năng cầu nguyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha như Chùa Giêsu đã dạy (x Mt 6,9-13). Năng thưa chuyện với từng Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con Giêsu và Chúa Thánh Thần, ít nhất 5 lần mỗi ngày: buổi sáng khi vừa thức giấc, trước ba bữa ăn và trước lúc nghỉ đêm.
3-Nội dung những lời cầu nguyện với Thiên Chúa: có thể quy về 5 điều chính sau:
+Một là ngợi khen Cha: noi gương Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25) và như Đức Maria đã tôn vinh Thiên Chúa sau khi được bà Ê-li-sa-bét khen có phúc “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi…” (Lc 1,46-55).
+Hai là tạ ơn Cha: mỗi khi được may lành noi gương một trong mười người phong cùi đã quay lại tạ ơn Thiên Chúa sau khi được ơn chữa lành như lời Đức Giêsu trách những kẻ vô ơn: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngọai bang này” (Lc 17,17-18).
+Ba là xin lỗi Cha: như đứa con thứ đã hồi tâm quay về nhà bày tỏ lòng sám hối vời cha trong dụ ngôn người cha nhân hậu: “Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15,18-19).
+Bốn là vâng lời Cha: noi gương Chúa Giêsu đã cầu nguyện phó thác nơi Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39), hoặc như Đức Maria đã thưa với sứ thần truyền tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
+Năm là cầu xin Cha: xin Chúa ban bánh ăn phần xac cũng như ơn cứu độ phần hồn : “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”(Lc 6,9b-13).
4-Sống yêu thương tha nhân noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Người ta thường ví Chúa Ba Ngôi giống như một gia đình với ba Ngôi vị phần là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi yêu thương nhau làm khuôn mẫu cho các thành viên trong gia đình tín hữu và tình yêu vị tha mở rộng đến hết mọi người. Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”(1 Ga 4,20-21).
3.LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊSU, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng con bài học này : “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,7). Từ trước đến nay, con vẫn chưa sống được giới răn yêu thương như Chúa dạy: con còn hay nghĩ xấu cho người khác. Con thường tỏ ra ích kỷ, không quan tâm đến người bên cạnh, con thường làm ngơ và không mau mắn đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người nghèo đói bệnh tật đau khổ... Từ nay con quyết tâm sẽ sống yêu thương để nên con ngoan hiếu thảo của Chúa Cha. Xin giúp con luôn biết quảng đại tha thứ những lỗi phạm của người khác, vâng lời cha mẹ và thày dạy, thuận hòa với anh chị em trong gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Xin cho con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi nơi những người bất hạnh, để thể hiện tình thương bằng những việc làm cụ thể như: viếng thăm để an ủi và quảng đại chia sẻ cơm áo gạo tiền… giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn gặp phải, như Chúa dạy được tóm lại trong kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối” và kinh “Hòa Bình” của thánh Phan-xi-cô.

LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com

02 HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IX TN- LỄ CHÚA BA NGÔI

Đnl 4,32-34.39-40 ; Rm 8,14-17 ; Mt 28,16-20.
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI

 

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 28,16-20.
(16) Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
2.Ý CHÍNH:
Trong bài Tin mừng của thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Ở đó sau khi tuyên bố đã được Chúa Cha cho toàn quyền trên trời dưới đất, Người sai các ông đi khắp nơi thâu nạp môn đồ cho Người, làm phép rửa cho họ “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.
3.CHÚ THÍCH:
-C 16-17: + Mười một môn đệ: Đây là Nhóm Mười Hai, nhưng thiếu Giu-đa, kẻ phản bội, và Mát-thi-a chưa được bổ sung vào danh sách thế chỗ cho Giu-đa (x. Cv 1,15-26). Nhóm này là Tông Đồ Đoàn được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Còn về Giu-đa Ít-ca-ri-ốt: khi thấy Thầy Giêsu sắp bị kết án tử hình, Giu-đa đã bị hối hận. Hắn liền đem ba mươi quan tiền trả lại cho các đầu mục Do thái nhưng đã bị họ từ chối. Giu-đa thất vọng nên đã ném tiền vào cung thánh Đền thờ rồi đi thắt cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Tức là đến miền đất dân ngoại theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh qua bà Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Mt 28,10), và cũng để noi gương Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại xứ Ga-li-lê (x. Mt 4,12-17), + Đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến:Ngày nay người ta không thể xác định đây là núi nào. Nhưng có lẽ Mát-thêu chỉ muốn nói đến quả núi với ý nghĩa tượng trưng: Núi là nơi Thiên Chúa gặp gỡ và mặc khải cho loài người. Chẳng hạn : Đức Chúa đã trao Thập Giới cho Mô-sê trên núi Khô-rép (x. Xh 24,13.15.18). Đức Giêsu cũng đã công bố Hiến Chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc Thật trên núi, nên còn gọi là “Bài Giảng Trên Núi” (x. Mt 5,1-7,27). +Thấy Người, các ông bái lạy: Sau nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin cho môn đệ, trước khi về trời Chúa Phục Sinh đã hiện ra để trao sứ mệnh loan Tin mừng phổ quát cho các ông. Cử chỉ bái lạy nói lên các ông đã tin Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa”. + Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: Câu này xem ra mâu thuẫn với thái độ bái lạy vừa nói. Thực ra, hoài nghi là thái độ phải xảy ra nơi các môn đệ trước khi các ông đạt tới đức tin hoàn hảo. Chắc là Mát-thêu muốn nói đến sự hoài nghi đã xảy ra trước đó mà ngài chưa lần nào đề cập đến. Như vậy đây chỉ là một sự trục trặc về lối hành văn, chứ không mâu thuẫn về mặt tư tưởng. Ngoài ra cũng có người cho rằng:Vì đây là cuộc hiện ra để “trao sứ mệnh” cho Nhóm Mười Một đại diện Hội Thánh, nên sự hoài nghi ở đây chính là sự hòai nghi nói chung của Hội Thánh xưa nay: Mầu nhiệm Phục Sinh tuy là một sự thật hiển nhiên, nhưng bao giờ cũng vẫn có người còn hoài nghi.
-C 18-19: +Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất:Lúc khởi đầu sứ mệnh, cũng trên núi cao, Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian do Xa-tan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng giờ đây Người tuyên bố: Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ứng nghiệm lời tuyên sấm của Ngôn sứ Đa-ni-en về sứ mệnh của Con Người như sau: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn 7,14). + Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Hội Thánh phải dùng quyền Đức Giê-su ban để nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Trước hết là dân Do Thái (x. Mt 10,5-6), rồi đến mọi dân nước trên thế giới (x. Mt 8,11). +Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Để người ta trở nên môn đệ Đức Giê-su, các Tông đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước và Thần Khí (x. Ga 3,3.5). Phép rửa được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19).

-C 28,20: +Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em: Sứ mệnh các Tông đồ gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng viên mãn (x. Ep 1,23).+Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế:Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh cho đến tận thế nhờ Thánh Thần và qua các mục tử, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh “được sai đi”. Như vậy Đức Giê-su chính là “Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

4.CÂU HỎI:

1)Tại sao chỉ có mười một Tông đồ hiện diện lúc Chúa lên trời?

2)Số phận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt thế nào sau khi phản nộp Thầy?

3)Tại sao Chúa Phục Sinh  truyền cho các Tông đồ trở về Ga-li-lê?

4)Ngọn núi Chúa truyền cho các Tông đồ đến là núi nào?

5)Mấy kẻ còn hoài nghi gồm những ai và hoài nghi về điều gì?

6) Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian, do Xa-tan hứa ban khi nào?

7) Đức Giê-su đã được ai trao toàn quyền trên trời dưới đất, hầu ứng nghiệm với sấm ngôn của vị Ngôn sứ nào? Lời tuyên sấm ấy nội dung ra sao?

8)Chúa truyền cho Hội Thánh phải làm cho những ai trở thành môn đệ của Người?

9)Sau khi thâu nạp môn đệ, Hội Thánh cần tiếp tục làm gì cho họ?

10)Câu nào trong đọan Tin mừng trên chứng minh Chúa Giêsu mặc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: “Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2.CÂU CHUYỆN:

1) BA NGÔI CÙNG MỘT BẢN TÍNH VÀ MỘT QUYỀN NĂNG:
Một cuộc thảo luận của nhóm thanh niên diễn ra rất sôi nổi về đề tài Chúa Ba Ngôi. Họ đã cùng thống nhất trong giáo lý căn bản như sau: Chỉ có Một Thiên Chúa duy nhất nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi vị là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vậy Ba Ngôi hành động thế nào ? Đây là một vấn đề mầu nhiệm khó hiểu nên cả nhóm đã xin cha linh hướng giúp đỡ:
          Cha linh hướng đã giải đáp bằng cách hỏi một anh bạn trong nhóm:
          - Này anh bạn, anh có biết chơi đàn vi-ô-lông không ?
          - Dạ, con chơi được. Anh ta trả lời.
          Và cha nói tiếp :
          - Cây đàn vi-ô-lông phát ra âm thanh ra sao? Sau khi người chơi đã cầm cây đàn đặt vào đúng vị trí, tâm trí của anh sẽ phải nghĩ về bản nhạc định chơi, và ra lệnh cho tay cầm cán dây kéo qua kéo lại vào các dây đàn thì âm thanh du dương mới có thể phát ra. Tâm trí của anh không làm ra tiếng đàn, bàn tay của anh cũng không tạo ra tiếng đàn, nhưng cả hai kết hiệp với dây đàn mới tạo ra tiếng đàn. Tuy cả ba công việc đều làm một lúc, nhưng chỉ sự cọ sát giữa các sợi dây mới làm cho cây đàn phát ra âm thanh du dương theo bản nhạc. Thiên Chúa Ba Ngôi cũng hành động phần nào giống như thế: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha đã dùng sự khôn ngoan để sai Ngôi Lời là Chúa Con thực hiện công việc sáng tạo và cứu độ loài người với sự kết hiệp với Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần.
       Nghe cha linh hướng giải thích nên mọi người trong nhóm đã hiểu hơn về mầu nhiêm Một Chúa Ba Ngôi.

        (Theo sách Bài Giảng Tin Mừng Chúa Nhật năm A, tr 75 của Gm Arthur Tonne)

 

2) CHÀNG SINH VIÊN VÀ ÔNG GIÀ.
Trên chuyến xe lửa từ Ly-ông đi Pa-ri (Lyon-Paris), một thanh niên ăn mặc sang trọng, ngồi bên một ông già có dáng vẻ hơi nhà quê. Bấy giờ ông cụ tay cầm cỗ tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng đang lẩm bẩm đọc kinh. Chờ cho ông cụ đọc kinh xong, chàng thanh niên liền gợi chuyện: “Cháu có thắc mắc là không biết tại sao đến giờ này mà ông vẫn còn tin vào những điều huyền hoặc của tôn giáo như thời Trung cổ? Chắc ông cũng tin mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh và những chuyện đại loại như thế mà mấy ông cha sở vẫn nhai đi nhai lại trong nhà thờ chứ gì?” Ông già trả lời: “Đúng vậy! Thế còn cậu thì sao?” Chàng trai liền cười rộ lên và nói: “Cháu mà lại tin vào những điều nhảm nhí đó sao? Cháu đã khám phá ra sự thật khi học đại học. Thiết tưởng ông cũng nên bắt đầu bỏ xâu chuỗi kia đi là vừa, để dành thời giờ đọc các sách báo khoa học tiến bộ!” Ông lão liền nói: “Tôi cũng muốn được như vậy, nhưng lại không biết tìm đâu ra các sách báo khoa học đó!” Chàng thanh niên đáp: “Được rồi, cháu sẽ gửi biếu ông một số sách báo khoa học. Thế ông có biết đọc không?”. Ông cụ trả lời: “Cám ơn cậu, tôi biết đọc”. Chàng thanh niên nói: “Thế thì tốt. Nhưng xin ông cho cháu biết địa chỉ để cháu sẽ gửi sách đến cho ông”. Bấy giờ ông già liền rút từ trong túi áo ra một tấm danh thiếp trao cho chàng thanh niên. Cậu ta ngạc nhiên trố mắt lên nhìn vào mấy hàng chữ trên tấm danh thiếp: “Lu-y Pát-tơ (Louis Pasteur) - Viện nghiên cứu khoa học Pa-ri (Paris)”. Thì ra ông cụ mà chàng thanh niên kia đánh giá là kẻ mê tín hủ lậu, không ai khác hơn, lại chính là nhà bác học lừng danh Lu-y Pát-tơ, người đã có nhiều bằng sáng chế khoa học và đã viết nhiều đầu sách nghiên cứu khoa học, mà anh ta rất say mê đọc với lòng khâm phục!

3.SUY NIỆM:

1) Đạo Công Giáo có nhiều chân lý mầu nhiệm, là những điều mặc khải của Thiên Chúa, đã được Đức Giê-su cho biết, được Hội Thánh giảng dạy. Các chân lý đức tin ấy tóm lại trong kinh Tin Kính. Trong số các mầu nhiệm đức tin thì Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất và là nền tảng của các mầu nhiệm khác. Đã là mầu nhiệm thì đương nhiên người ta khó lòng thấu hiểu được. Tuy nhiên nếu biết khiêm tốn xin ơn Thánh Thần soi sáng, và cố gắng tìm tòi học hỏi thì người ta cũng có thể lãnh hội được phần nào ý nghĩa, và sẽ không thấy có gì đối nghịch giữa khoa học và đức tin tôn giáo, như câu chuyện về nhà bác học Lu-y Pát-tơ nói trên đã cho thấy.

2) Cũng có nhiều chân lý đức tin mà những người vô tín khó lòng chấp nhận. Chẳng hạn khi nghe Đức Giê-su giảng về bí tích Thánh Thể, thì một số môn đệ đã chê trách: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”… Và “từ lúc đó có nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,54-66). Cũng có một số chân lý đức tin khác được Đức Giê-su dạy như mầu nhiệm tử nạn và phục sinh… mà do thiếu đức tin nên các môn đệ không hiểu ngay được. Phải đợi đến khi được Chúa Phục Sinh nhiều lần hiện ra dạy dỗ cho các ông am hiểu Kinh thánh và nhờ tham dự nghi thức Bẻ Bánh, các môn đệ mới tin vào mầu nhiệm này (x Lc 24,13-35). Ngòai ra còn nhiều mầu nhiệm khác, trong đó có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, khi nghe Đức Giêsu rao giảng, các môn đệ chưa thể hiểu ngay, phải đợi đến khi Thần Khí của Chúa Phục Sinh tác động vào lễ Ngũ Tuần, các ông mới lãnh hội được sự thật tòan vẹn, đúng như lời Đức Giêsu dạy như sau: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không còn sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

3) Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Dựa vào lời Chúa Giêsu mặc khải trong Tân Ước Hội Thánh đã rút ra chân lý mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như sau:
Chỉ có Một Thiên Chúa và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7), nhưng Người lại có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần (x Mt 3,16-17; Mt 28,19). Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn (x Ga 14,10). Vai trò của mỗi Ngôi như sau:
-Chúa Cha sáng tạo nên ta: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phònggìn giữ để các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Người cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục chương trình cứu độ lòai người qua Hội Thánh.
-Chúa Con cứu chuộc ta: Khi tới Giờ đã định, Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại để ban ơn cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Người luôn hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22).
-Chúa Thánh Thần thánh hóa ta: Thánh Thần tuôn đổ thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ mệnh của Chúa Giêsu: Một là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng; Hai là làm tư tế thánh hóa loài người nhờ các phép bí tích do Chúa Giêsu thiết lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao phó…Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba, là Thánh Thần, Thánh Linh hay Thần Khí.
4)Sống tình yêu thương noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Dây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”(1Ga 4,20-21)..

4.THẢO LUẬN:

1)Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì để đào sâu về giáo lý đức tin công giáo?

2) Để sống mầu nhiệm tình yêu của Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi sẽ thể hiện tình thương thế nào đối với những người tôi không ưa hoặc có ác cảm?     

5.CẦU NGUYỆN:

LẠY CHÚA. Thánh Phao-lô dạy: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7). Xin Chúa giúp chúng con năng đến thăm những người nghèo khổ bệnh tật…như Mẹ Ma-ri-a đã mang thai nhi Giêsu đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a khi xưa. Xin cho con biết vui vẻ chào hỏi người khác noi gương Mẹ Ma-ri-a đã lên tiếng chào hỏi bà Ê-li-sa-bét trước để chia sẻ miềm vui ơn cứu độ cho thai nhi Gio-an trong lòng mẹ. Trong những ngày này, xin Chúa giúp chúng con biết sống hiệp thông với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi qua thái độ khiêm nhường phục vụ tha nhân noi gương Chúa đã sai Con Một nhập thể làm người để ở cùng chúng con và nêu gương yêu thương phục vụ lòai người chúng con.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com

dongcong.net 31-5-2012

Lễ Chúa Ba Ngôi - Lm đan Vin - 01/02/2005

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

Mt 28,16-20

I.TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1) Ý chính : Mầu nhiệm “Tam Vị Nhất Thể” hay Một Chúa Ba Ngôi.

Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Mát-thêu : Đức Giêsu Phục Sinh hẹn các Tông Đồ đến một ngọn núi miền Galilê. Ở đó Người tuyên bố rằng : Người đã được Chúa Cha trao cho toàn quyền trên trời dưới đất và Người sai các ông đi khắp nơi thâu nạp môn đồ, làm phép rửa cho họ “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

2) Chú thích :

- Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi (Mt 28, 16-17) :

+ Mười một môn đệ : Nói về Giuđa Ít-ca-ri-ốt : khi thấy Thầy Giêsu là người vô tội do mình bán nộp đã rơi vào tay các đầu mục Do Thái và sắp bị kết án tử hình, Giuđa cảm thấy hối hận. Hắn liền đem ba mươi quan tiền được trả công để trả lại cho các đầu mục Do Thái. Khi không được nhận lại, Giuđa đã ném số bạc đó vào gian Thánh Đền Thờ và đi thắt cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). Nhóm 12 Tông Đồ do thiếu mất Giuđa, và Mátthia lúc đó chưa được bổ sung (x. Cv 1,15-26), nên hóm chỉ còn 11 ông. Từ đây, Nhóm này trở thành Tông Đồ Đoàn, được trao nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh Chúa.

+ Đi tới miền Galilê : Tức là đến với dân ngoại, giống như Đức Giêsu vào lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng (x. Mt 4,12-17), và cũng để vâng theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh truyền cho các ông qua bà Maria Mácđala và bà Maria khác (x. Mt 28,10).

+ Đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến : Xét về địa điểm thì không thể xác định cụ thể. Nhưng ở đây Mátthêu chỉ muốn nói đến núi theo ý nghĩa tương trưng mà thôi : Núi là nơi Thiên Chúa mặc khải. Chẳng hạn : Đức Chúa trao Luật Giao Ước cho Môsê trên núi Khô-rép (x. Xh 24, 13.15.18). Khởi đầu sứ mệnh thiên sai, Đức Giêsu đã trao Hiến Chương Nước Trời trên Núi và gọi là Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5,1-7,27).

+ Thấy Người, các ông bái lạy : Sau nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin của các môn đệ và các Tông Đồ, lần này Chúa Giêsu hiện ra để trao sứ mệnh phổ quát cho các ông trước khi về trời. Cử chỉ bái lạy của các ông nói lên đức tin của các ông : Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa”.

+ Nhưng có mấy ông lại hoài nghi : Câu này thật khó giải thích, vì xem ra mâu thuẫn với thái độ bái lạy trước đó. Có mấy cách giải thích lý do các ông hoài nghi như sau :

*Ý thứ nhất : sự hoài nghi nói đây không phải là hoài nghi Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết, nhưng là hoài nghi rằng Đấng hiện ra đây có phải là Thầy Giêsu thực sự hay chỉ là hình bóng ma quái như các lần hiện ra trước đó (x. Lc 24,37).

* Ý kiến khác lại cho rằng : hoài nghi là thái độ phải xảy ra trước khi đạt tới đức tin hoàn hảo. Có điều chắc là Mát thêu không có ý nói đến thái độ hoài nghi vào lúc này, nhưng nhắc đến sự hoài nghi đã xảy ra trước đó mà ông chưa có dịp nhắc đến. Như vậy đây chỉ là một sự trục trặc về cách hành văn, chứ không co mâu thuẫn về tư tưởng.

* Sau cùng có ý kiến cho rằng : Vì đây là cuộc hiện ra để “trao sứ mệnh” cho Nhóm Mười Một là đại diện của Hội Thánh, nên sự hoài nghi nói đây không phải là sự hoài nghi của riêng các Tông Đồ, mà là thái độ của Hội Thánh nói chung. Mấy kẻ còn hoài nghi ám chỉ Hội Thánh vào thời Tin Mừng đang được hình thành, và cũng ám chỉ Hội Thánh hôm nay : Mầu nhiệm Phục Sinh tuy là sự thật hiển nhiên, nhưng vẫn luôn bị người ta hoài nghi.

+ Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần(Mt 28,18-19) :

+Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất : Lúc khởi đầu sứ mệnh, cũng ở trên núi cao. Đức Giêsu đã từng từ chối quyền trên mọi nước thế gian do Xatan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng giờ đây Người lại tuyên bố : Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ứng nghiệm lời sấm của Đanien về sứ mệnh của con Người như sau : “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn 7, 14). Ở đây, quyền của Đức Giêsu còn bao trùm cả trên trời dưới đất nữa (x. Rm 1,4; Pl 2,9-11).

+ Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ : Hội Thánh phải dùng quyền của Đức Giêsu trao cho, nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người. Trước hết là dân Do Thái (x. Mt 10,5-6; 15,24), rồi đến mọi dân tộc trên thế giới (x. Mt 8,11; 22,8-10; 24,14; 25,32).

+ Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần : Để làm cho người ta nên môn đệ Chúa Giêsu, các Tông Đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước bề ngoài và bằng Thần Khí bên trong (x. Ga 3,3.5). Phép rửa đó được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19).

- Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20) :

+ Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em : Sứ mệnh các Tông Đồ còn gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng viên mãn (x. Ep 1,23), nghĩa là trở thành một Dân Riêng Mới của Giao Ước Mới, sống Giới Răn Mới của Đức Giêsu đã ban là : “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13,34).

+ Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế : Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh nhờ Thánh Thần của Người và trong các mục tử của Người, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh “được sai đi” khắp nơi cho đến ngày tận thế. Như vậy Chúa Giêsu đã mặc khải Người chính là “Đấng Emmanuen : Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

** Thắc mắc

1: Thánh Kinh nói gì về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ? Nội dung Mầu Nhiệm ấy thế nào ? Có cách diễn tả nào giúp hiểu phần nào về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hay không ?

Giải đáp :

a) Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong Thánh Kinh :

- Cựu Ước : Muốn nhấn mạnh đến đức tin độc thần : Chỉ có Đức Chúa mới là Thiên Chúa độc nhất, chỉ mình Người mới hiện hữu và có thể ban ơn cứu độ. Do đó, trong Cựu Ước Thiên Chúa chưa mặc khải về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

* Trong Mười Điều Răn được ban cho dân Israen, điều răn quan trọng nhất là : “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3).

* Ngôn Sứ Isaia cũng tuyên sấm lời Thiên Chúa : “Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành. Và sau Ta cũng vậy. Chính Ta đây là Đức Chúa. Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ” (Is 43,10-11).

- Tân Ước :

* Thánh Mátthêu thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chịu phép Rửa. Trong đó mặc khải về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau : Khi Đức Giêsu chịu phép Rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa, có tiếng từ trời phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16). Tiếng phán từ trời là của Chúa Cha (Ngôi I ), Đức Giêsu là Chúa Con (Ngôi II ) và chim bồ câu là hình ảnh của Chúa Thánh Thần (Ngôi III ). Mátthêu cũng ghi lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh cho các Tông đồ, trong đó mặc khải rõ ràng nhất về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

* Thánh Luca trong Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại bài giảng của tông đồ Phêrô, trong đó có câu : “Thiên Chúa Cha (Ngôi I ) đã ra tay uy quyền nâng Người lên (Ngôi II ), trao cho Người Thánh Thần (Ngôi III ) đã hứa, để người (Ngôi II ) đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33).

* Thánh Gioan nhiều lần đề cập đến Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong Tin Mừng thứ tư : “Thầy (Ngôi II) sẽ xin Chúa Cha (Ngôi I ), và Người (Ngôi I ) sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác (Ngôi III ), đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14,16). - “Mọi sự Chúa Cha có (Ngôi I ) đều là của Thầy (Ngôi II ). Vì thế, Thầy (Ngôi II ) đã nói : Người ( Ngôi III ) lấy những gì của Thầy (II) mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15).- “Tôi (Ngôi II ) và Chúa Cha (Ngôi I ) là Một” (Ga 10,30).

* Thánh Phaolô diển tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong một số đoạn thư như sau : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô (Ngôi II ), tình yêu của Chúa Cha (Ngôi I ), và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (Ngôi III ) ở cùng anh chị em” (2 Cr 13,13).- Nơi khác, Phaolô viết : “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa (Ngôi I ) đã sai Thần Khí (Ngôi III ) của Con mình (Ngôi II ) đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Ap-ba, Ba ơi !” (Gl 4,6).- Trong thư Ephêsô : “Thật vậy, nhờ Người (Ngôi II ), cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí (Ngôi III ) duy nhất, mà đến cùng Chúa Cha (Ngôi I )” (Ep 2,18);- Cũng trong thư Ephêsô : “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí (Ngôi III ), cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa (Ngôi II ), một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa (Ngôi I ), Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6).- Trong thư Titô : “Thiên Chúa (Ngôi I ) đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần (Ngôi III ) xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô (Ngôi II ) Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6).

b) Nội dung Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi : Chỉ có Một Thiên Chúa là Tình Yêu Thương (1 Ga 4,7), nhưng Người có Ba Ngôi : Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính Thiên Chúa và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi không có vấn đề Ngôi nào lớn hơn.

* Chúa Cha đã dựng nên ta: Khi sáng tạovũ trụ vạn vật và loài người, Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng làm cho vạn vật từ hư không xuất hiện (x. St 1,3.6.8.11.14.20.24.26). Và Người tiếp tục quan phòng gìn giữ để các tạo vật ấy được tồn tại và phát triển biến hóa ngày một tốt đẹp hơn. Người cứu độ loài người bằng cách sai Con Một nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần thánh hóa loài người.

* Chúa Con đã cứu chuộc ta : Khi thực hiện chương trình cứu độ loài người, Chúa Cha đã sai Con Một mình là Ngôi Hai xuống thế làm người là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc công bố Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay loài người và sống lại vinh quang để cứu rỗi loài người. Đức Giêsu chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Ngài luôn hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22). Nếu phẩm chức làm Con Thiên Chúa đặt Đức Giêsu ngang hàng với Thiên Chúa : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30.33), thì với tư cách là Đấng Thiên Sai, Đức Giêsu luôn hành động lệ thuộc vào Chúa Cha (x. Ga 5,19; 14,10) : “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16); “Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28). Về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Phaolô dạy như sau : “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn lại hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên húa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).

* Chúa Thánh Thần thánh hoá ta : Khi tuôn đổ Thần Khí ân sủng xuống trên các Tông Đồ và các Môn Đệ, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Giáo Hội, tiếp tục trợ giúp Giáo Hội chu toàn ba sứ mệnh của Đấng Thiên Sai : Một là làm Ngôn Sứ để rao giảng Tin Mừng; Hai là làm Tư Tế để thánh hóa loài người nhờ cử hành các phép Bí Tích; Ba là làm Vương Đế để chăm sóc và phục vụ đoàn chiên của Chúa trao phó …thì Thiên Chúa đó là Chúa Ngôi Ba, được gọi là Chúa Thánh Thần hay Chúa Thánh Linh.

c) Một số cách diễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi :

Các nhà thần học đã cố gắng diễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi nhằm giúp các tín hữu hiểu biết được phần nào về Mầu Nhiệm này, cụ thể như sau :

* Thánh Patrick dùng hình ảnh lá cây Tam diệp thảotuy chỉ có một lá, nhưng lá ấy lại có ba lá nhỏ dính với nhau. Thánh Inhaxiô thì dùng hình ảnh một hợp âm trên dòng nhạc, gồm ba nốt nhạc chồng lên nhau.

* Ngoài ra, có thể diễn tả Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng mấy hình ảnh sau : Nước tuy chỉ là một chất nhưng có thể xuất hiện dưới ba dạng khác nhau là : hơi, đặc và lỏng ; Hình Tam Giác Đều tuy chỉ là một hình tam giác, nhưng lại có ba góc và ba cạnh bằng nhau; Một người đàn ông kia tuy chỉ là một người nhưng lại có 3 vai trò khác nhau : là “cha” đối với con ông ta; là “con” đối với cha mẹ của ông; là “bạn”, “ông” hay “chú” đối với người khác.

** Thắc mắc 2 : Phải chăng ngay từ khi lên trời, Đức Giêsu đã trao cho Hội Thánh sứ mệnh phải lập tức đi rao giảng Tin Mừng khắp muôn dân ngay ? Phải chăng công thức làm phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đã được chính Chúa Kitô truyền cho các Tông Đồ trong đoạn Tin Mừng hôm nay ?

Giải đáp :

- Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng khắp muôn dân :

Quả thật, Công Vụ Tông Đồ, là sách lịch sử về Hội Thánh thời sơ khai, do Luca biên soạn, ra đời vào khoảng từ năm 80 đến 90, dưới ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần. Trong sách này, Hội Thánh sơ khai được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn và ban ơn phù trợ, đã phải qua một thời gian dài và gặp nhiều kinh nghiệm đau thương, mới dần dần ý thức được tầm mức phổ quát của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng là phải đến với mọi dân tộc (x. Cv10,42.44-48; 13,44-52).

- Rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi : Trong Sách Công Vụ Tông Đồ, tác giả Luca mới chỉ nói tới việc ban phép rửa nhân danh Chúa Giêsu (x. Cv 2,38; 10,48). Từ những nhận định này, ta có thể kết luận như sau : Mệnh lệnh được trao cho các Tông Đồ trong đoạn Tin Mừng này đúng thật là của Chúa Kitô Phục Sinh. Nhưng tính phổ quát của mệnh lệnh đó đã được Hội Thánh lãnh hội dần dần nhờ ơn soi dẫn của Thánh Thần và nhờ kinh nghiệm thực tế gặp phải trên đường truyền giáo.

- Như vậy : Mãi đến cuối thế kỷ thứ nhất, từ năm 80 đến năm 90, sau nhiều năm sưu tập và biên soạn, Tin Mừng Mátthêu mới được hình thành cách hoàn chỉnh như hiện nay. Vậy khi thuật lại lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các Tông Đồ, Mátthêu đã đặt vào miệng Chúa Giêsu câu công thức rửa tội “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28,19; 1Cr 6,11), mà trong thời gian ấy, Giáo Hội đã xử dụng trong nghi lễ phụng vụ phép Rửa, thay thế cho công thức phép rửa ban đầu “Nhân danh Chúa Giêsu”, như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại (x. Cv 2,38; 8,16; 10,48; 19,5).

II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA

1) “Làm phép Rửa cho họ Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19) :

- Câu chuyện : Chàng sinh viên và ông già Lu-y Pát-tơ :

Trên chuyến xe lửa Ly-ông Pa-ri (Lyon Paris), một thanh niên ăn mặc sang trọng, ngồi bên một ông già với vẻ bề ngoài đơn giản và hơi nhà quê. Bấy giờ ông cụ đang cầu nguyện bằng cách nhắm mắt, tay cầm cỗ tràng hạt và miệng lẩm bẩm đọc kinh. Chờ cho ông cụ đọc xong, chàng thanh niên bắt đầu gợi chuyện : “Tôi có nhận xét là tại sao đến giờ này mà ông còn quá tin tưởng như thời trung cổ ! Chắc ông cũng tin Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh và những chuyện đại loại được ghi trong Thánh Kinh, và được mấy ông linh mục nhai đi nhai lại trong nhà thờ chớ gì ?” Ông già trả lời : “Đúng như vậy đó! Thế còn cậu thì sao ?” Chàng trai liền cười rộ lên và nói : “Tôi mà lại tin những điều vớ vẩn đó sao ? Tôi đã khám phá ra sự thật ở trường Đại Học. Thiết tưởng ông nên bắt đầu bỏ xâu chuỗi đi, để có giờ đọc các sách báo khoa học tiến bộ !” Ông già nói : “Tôi cũng muốn như vậy, nhưng lại sợ khó lòng hiểu nổi khoa học !” Chàng thanh niên liền đáp : “Được rồi, tôi sẽ gửi biếu ông một số sách khoa học. Thế ông có biết đọc không ?”. Ông cụ trả lời: “Cám ơn cậu, tôi biết đọc”. Chàng thanh niên nói : “Thế thì tốt. Nhưng xin ông cho địa chỉ để tôi gữi sách”. Bấy giờ ông già rút trong túi ra một tấm danh thiếp có ghi mấy hàng chữ : “Lu-y Pát-tơ” (Louis Pasteur) -Viện nghiên cứu khoa học - Pa-ri (Paris)”. Ông cụ mà chàng thanh niên đánh giá thuộc loại mê tín và hủ lậu, không ai khác hơn lại chính là nhà bác học lừng danh Lu-y Pát-tơ, đã từng viết nhiều sách nghiên cứu khoa học mà anh ta say sưa tìm hiểu và rất khâm phục !

- Suy nghĩ và quyết tâm :

Đạo Công Giáo có nhiều chân lý đức tin, là những điều mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được Đức Giêsu mặc khải, được Hội Thánh giảng dạy lại cho các tín hữu. Các chân lý Đức Tin ấy được tóm lại trong kinh Tin Kính. Trong số các mầu nhiệm đức tin thì Một Chúa a Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất và là nền tảng của mọi mầu nhiệm khác. Đã là mầu nhiệm thì đương nhiên con người khó lòng thấu hiểu được. Tuy nhiên nếu biết khiêm tốn cầu xin Thánh Thần soi sáng, và cố gắng học hỏi nơi các vị Chủ Chăn, thì người ta cũng có thể lãnh hội được phần nào các mầu nhiệm ấy, và sẽ không thấy có sự đối nghịch giữa khoa học và đức tin như nhà bác học Lu-y Pát-tơ trong câu chuyện trên.

Vậy trong những ngày này, tôi sẽ làm gì để đào sâu về giáo lý đức tin ?

2) Khi nào thần khí sự thật đến, người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13) :

- Câu chuyện: Con người bất lực trước những mầu nhiệm :

Thánh Au-gút-ti-nô một hôm đi bách bộ trên bãi biển và tâm trí thì luôn suy nghĩ về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi : Làm sao chỉ có Một Thiên Chúa và Người lại có Ba Ngôi khác nhau : Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con và Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Như vậy lẽ ra phải có Ba thay vì chỉ có Một Thiên Chúa mới hợp lý ? Au-gút-ti-nô không sao lý giải được điều mầu nhiệm này : Một mà lại là Ba, và Ba lại chỉ ở trong Một ? Bấy giờ Au-gút-ti-nô trông thấy có một bé trai đang ngồi trên bãi biển, tay cầm một cái vỏ sò múc nước biển rồi đổ vào một cái lỗ nhỏ hang còng ở trên bãi cát. Vị giám mục hỏi cậu bé : “Này em ! em đang làm gì vậy ?” - Cậu bé trả lời : “Cháu đang cố múc tất cả nước của đại dương này để đổ vào lỗ hang của con còng này !” - Vị Giám Mục nói : “Sao em lại làm một điều vô lý như vậy ? Em hãy nhìn xem : Nước biển bao la như vậy thì làm sao cái lỗ hang còng nhỏ bé kia có thể chứa hết nước của nó được !”. Nhưng Au-gút-ti-nô thật bất ngờ, khi nghe cậu bé đáp : “Việc cháu làm đây cũng không vô lý bằng việc Ngài đang làm : làm sao Ngài có thể dùng trí khôn nhỏ bé của Ngài mà hiểu thấu được Mầu Nhiệm vô cùng lớn lao của Thiên Chúa ?” Nói xong cậu bé biến mất. Bấy giờ Giám Mục Au-gút-ti-nô hiểu rằng Chúa đã sai thiên thần đến để giúp mình ý thức sự giới hạn và bất lực khi phải đối diện với những mầu nhiệm cao cả vô cùng của Thiên Chúa.

- Suy nghĩ và quyết tâm :

+ Có nhiều chân lý đức tin mà những người vô tín, hay chưa có kiến thức về giáo lý khó lòng chấp nhận, như khi Đức Giêsu giảng về mầu nhiệm Bánh Hằng Sống : “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời… Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”, thì một số môn đệ Đức Giêsu đã chê trách : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?”…Và “từ lúc đó có nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6, 54-66). Cũng có một số chân lý đức tin được Đức Giêsu dạy, nhưng lúc đó các Tông Đồ chưa hiểu. Phải chờ đến khi Thánh Thần hiện xuống, họ mới hiểu rõ ràng. Đúng như Chúa Giêsu đã nói : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

+ Vậy để mừng kính Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cách cụ thể, tuần này tôi quyết tâm sống tình yêu thương thế nào đối với những người tôi không mấy ưa thích ?

Đáp : Năng nhớ cầu nguyện điều tốt cho họ, đi bước trước để bắt chuyện với họ, âm thầm làm một việc gì tốt và ích lợi cho họ cả về vật chất cũng như tinh thần mà tránh không cho họ biết.

III. HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU

1) Lạy Chúa Giêsu, Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hôm nay dạy cho chúng con bài học về tình yêu thương vì : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (x. 1 Ga 4,7). Lạy Chúa, từ trước đến nay, con vẫn chưa sống tình thương của Chúa, con thường hay nghĩ xấu cho người khác. Con ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà không quan tâm đến tha nhân, làm ngơ trước nỗi đau của đồng loại, không đáp ứng nhu cầu của người nghèo đói bệnh tật sống bên con.

Lạy Chúa Giêsu. Trong những ngày này, con quyết tâm sống tình bác ái yêu thương để nên con cái Thiên Chúa là Tình Yêu. Xin giúp con quảng đại tha thứ những lỗi phạm của tha nhân, ăn ở hiếu thảo với Cha mẹ, thuận hòa với anh em ruột thịt. Xin cho con biết nhìn thấy Chúa đang bị đau khổ bỏ rơi nơi những người bất hạnh…để con thể hiện tình thương qua sự thăm hỏi an ủi tinh thần, chia sẻ vật chất giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria. - Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2) Lạy Mẹ Maria. Xin giúp con ý thức rằng : loài người chúng con đã được dựng nên giống hình ảnh “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Thánh Phaolô dạy : “Tình yêu thì nhẫn nhục hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7). Vậy xin Mẹ giúp con đi bước trước đến thăm những người nghèo khổ bệnh tật…như Mẹ đã đến với gia đình Giacaria xưa. Xin cho con biết chào hỏi người khác trước như Mẹ đã chào bà Elisabét, làm cho con trẻ Gioan được vui mừng. Trong những ngày này, xin Mẹ giúp con sống tình yêu thương qua thái độ khiêm nhường phục vụ người khác như Mẹ đã phục vụ giúp đỡ bà Elisabét xưa.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria. - Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Lm. Đan Vinh -
dongcong.net May 29, 2015

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)