Chúa Nhật lễ thánh gia, Năm B
 
 


Suy tư ngày lễ rất Thánh Gia, thấy có giòng chảy những bảo rằng:

“Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải” 
Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!"

Ngâm thế rồi, người lại hát:

“Rồi đây, mây trên đồi vắng,”
Lang thang tìm phiến đá xưa rêu mòn
Rồi đây, mưa ru ngàn lá
Mây bay mờ xoá, rừng thông lắng buồn.”

Xem thế thì, người có ngâm thơ hay hát nhạc cũng chỉ để nói lên rằng: "Rừng thông lắng buồn" và "Ngày xuân (sẽ) trống trải" nếu ta và người cứ thiếu vắng tình thương, ngày lễ hội. Thế đó, là tâm tình ngày lễ xin được chuyển đến bà con trong họ/ngoài làng rất thánh hội.

Mai Tá

từ Sydney xin trân trong

www.giadinhanphong.com

Suy Tư Tin Mừng Chúa NhậtLễ Thánh Gia năm B 28-12-2014

“Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải”


Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!

(dẫn từ thơ Xuân Diệu)

Lc 2: 22-40

 

Nhà thơ nay đà biết nói: ông cần tin. Và, ông cũng khao khát được nhầm lẫn, có ảo tưởng. Rất thâm trầm. Nhầm lẫn – ảo tưởng - thâm trầm, thế mà ông vẫn cần đến niềm tin. Dám hỏi nhà thơ, ông nay có tin, như tin vào tình yêu của Đức Chúa. Tin rất nhiều, hơn tình của đôi ta. Rất uyên ương. Không oan trái. Như trình thuật nay diễn giải.

Trình thuật hôm nay, diễn giải là diễn nghĩa và giải thích về thánh gia. Gia đình của Chúa tuy rất thánh nhưng vẫn giống mọi gia đình. Tức, có thăng có trầm. Có lúc vui buồn, nhiều trầm lắng. Lắm ưu tư. Ưu tư nhất, là khi Mẹ chứng kiến nỗi chết nhục hình của Con Mình, trên thập giá. Ưu tư không kém, như thánh cả Giu-se âm thầm suy tư về ý định của Thiên Chúa.

Là thành viên của Thánh Gia, Mẹ và thánh cả Giuse cũng đã hốt hoảng khi Con của Mẹ “biến mất” nơi Đền thánh, những 3 ngày. Sau buổi ấy, Con của Mẹ, nay thuộc về gia đình mới. Gia đình thế giới. Chí ít, của những người quyết noi theo phương cách Ngài hằng chỉ dẫn. Ngài chỉ dẫn bằng dụ ngôn, truyện kể. Bằng diễn giải, nhủ khuyên khi Ngài quả quyết: là mẹ và là anh chị, chỉ những người biết lắng nghe và làm theo ý của Cha. Là, những người trong đó, có cả Mẹ. Bởi, không ai nghe và giữ Lời Chúa, cho bằng Mẹ.

Trình thuật hôm nay, đích thực kể về việc dâng tiến Chúa nơi Đền thánh. Là người con lớn trong gia đình, Đức Giêsu cũng phải thi hành luật lệ của người Do Thái, tức: dâng tiến chính mình Ngài cho Đền Thờ cho Cha Ngài. Điều này, để biết rằng: cả cuộc đời Ngài còn là quà tặng từ Thiên Chúa. Rằng, Thiên Chúa là Đức Chúa của mọi cuộc sống, mọi sinh vật trong cõi đời. Người thiếu niên Giêsu, một khi thuộc về Thiên Chúa, lẽ đáng cũng phải theo nghi tiết mang tiền vàng, dâng Chúa Cha, nơi Đền thánh.

Và lần này, thiếu niên Giêsu lên Đền, lại được gặp các đấng thánh như cụ Simêôn và Anna đón tiếp vồn vã, thân mật. Và cụ ông Simêôn, tràn đầy Thánh Thần Chúa, giữ lời hứa ban xưa, nên đã nói: 

 

“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo như lời Ngài hứa, xin để tôi tớ Chúa được ra đi trong an bình. Vì chính mắt con nay được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân: Đây chính là nguồn sáng soi dọi cho dân ngoại. Ngài là vinh quang của Ít-ra-en con Dân Ngài." (Lc 2: 29-32)

 

Nhưng sự thật, thì tất cả đều đã không là ánh sáng. Bởi, người thiếu niên đây sẽ “là duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống, hay trỗi dậy. Như thế, có nghĩa: Đức Chúa là cội nguồn của sự sống. Ngài chính là ơn cứu thoát cho muôn dân. Đồng thời, Ngài lại là cớ vấp phạm cho những người tự khiến mình đui mù, bằng những cản ngăn con đường Ngài đưa dẫn mọi người đến sự thật. Đến, tình yêu thương. Như cụ ông Simêôn, từng nói trước.

Với ngôn sứ Anna cũng thế. Nhìn thiếu niên Giê-su, oai phong dũng mãnh, bà cũng nói về Ngài thay cho hết mọi người lâu nay từng mong chờ ngày Ngài “giải cứu Giê-ru-sa-lem”. Có nhà thần học tu đức nọ, từng nói về cách thức thánh Luca viết sử, như sau:

 

“Thánh sử Luca, qua sắp xếp bố cục trình thuật Kinh Thánh, để nói lên rằng: cả nam lẫn nữ, ta đều có thể đứng thẳng người lên và đến gần bên Thiên Chúa. Là nam hay nữ, ta vẫn ngang đồng hưởng vinh quang và ân sủng của Thiên Chúa. Bởi cả hai, ta đều được phú ban, cùng một ân huệ. Nhận lãnh cùng một trọng trách.”

 

 Trong bầu khí đầy tràn tình thương yêu và niềm hy vọng, thân phụ và thân mẫu Đức Chúa thời niên thiếu, đã về lại Nadarét với Con của Mẹ. Ở nơi đó, Ngài lớn lên trong khôn ngoan và tràn đầy ân sủng cùng tình thương yêu của Chúa Cha. Ở nơi Ngài, nền tảng vững bền cho công việc mai sau, được dựng xây. Điều này, chứng tỏ cho ta thấy: trải bao năm tháng, Đức Giê-su đã trưởng thành trong cung lòng đầy tình thương của thân phụ và thân mẫu, dẫu người phàm.

Và những gì là sự thật về Đức Giê-su, cũng là sự thật cho chúng ta. Nghĩa là, môi trường sống có gia đình yêu thương trân trọng, vẫn là môi trường quan yếu cho cuộc sống. Nhiều người có cảm tưởng, là: nhiều nơi trên thế giới, tại các nước được gọi là “đã phát triển”, đời sống gia đình đang ở vào tình cảnh khốn khó, có vấn đề. Nhưng ngược lại, những ai thường xuyên tiếp cận với giới trẻ hôm nay, đều thấy được tình hình của nhiều người trẻ, vẫn tương quan tốt, với gia đình.

Vấn đề là, các bậc cha mẹ nào kỳ vọng rằng con cái mình, chúng biết kính trọng, có hiếu đễ, dễ vâng lời cha mẹ, mà lại chẳng cần đòi hỏi gì nhiều về các xử sự của chúng, cho đúng cách? Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ ngày hôm nay lập ra các tiêu chuẩn gấp đôi, hy vọng rằng ít ra con cái mình cần thực thi chỉ một thôi, cũng mãn nguyện.

Thế nhưng, thực tế cuộc sống hôm nay, đòi hỏi nhiều nơi cha mẹ biết kềm chế rất nhiều, mới mong tạo gương mẫu cho các con. Kềm chế cãi vã, và tranh luận. Kềm chế, trong việc bỏ quá nhiều thì giờ để làm ăn thay vì gần gũi với con cái. Đôi khi, còn phải biết hy sinh thì giờ và tiền bạc, cố lắng nghe lập trường và ý kiến của con mình.

Một số người cha trong gia đình, còn có kinh nghiệm thương đau, như một ông bố vẫn muốn giáo dục con trai mình, cho nên người. Nhưng hễ ông bước vào phòng để nói chuyện với con, thì con ông lại bỏ đi chỗ khác, để khỏi nghe. Đến độ, bạn bè khuyên ông: hãy tìm cách cảm thông với ước muốn của con mình, hơn là bắt con mình làm theo ý muốn của riêng ông.

Ông bố cứ bảo: “Tôi cảm thông với tính tình của con tôi, lắm đấy chứ. Nhưng vấn đề ở đây, là: phận làm con, là phải biết tôn kính cha mẹ, biết trân trọng những gì chúng tôi làm cho chúng.” Bạn bè đành đề nghị một phương án khác:

 

“Nếu con ông không cởi mở/dễ bảo, thì hãy cứ cho đi là ông chưa cảm thông với con cái và có lẽ chưa bao giờ ông biết cảm thông, và cũng chưa từng muốn thử, và dự định sẽ thử. Nếu thế, hãy tìm cách, một lần nữa, biết cảm thông với chúng.” Nghe điều đó, người cha nọ, đã làm thử. Ông chịu khó lắng nghe con mình, một cách vô điều kiện. Thế rồi, cả hai cha con đã học hỏi lẫn nhau. Học nhiều bài học, hơn trước”.

Cuối cùng thì, cấu trúc gia đình của tín hữu Đức Kitô phải được thiết lập theo ánh sáng Tin Mừng, như một thị kiến của cuộc sống. Thế giới hôm nay, có quá nhiều áp lực từ xã hội. Đôi khi, ta cũng quá đeo bám vào truyền thống cứng ngắc, của người xưa. Có lẽ, cả Hội thánh nói chung, chứ không là từng gia đình riêng lẻ, cũng nên giải quyết vấn đề thông cảm không chỉ giữa các thế hệ thành viên trong gia đình mà thôi; mà là, cho toàn thể xã hội nữa.

Chẳng cần phải tranh cãi, phẩm chất của bất cứ xã hội nào cũng tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống gia đình. Xã hội hiện hữu vì gia đình. Gia đình cũng hiện hữu vì và cho xã hội. Trừ phi tương quan của hai phần này liên đới phụ thuộc vào nhau đều được biết đến, còn không thì thị kiến của Vương quốc Nước Trời, sẽ lại trở nên ngang trái, đối nghịch.

Cảm nghiệm điều đó, ta quyết duy trì niềm tin yêu, hăng say mà vui hát; hát rằng:

 

“Cùng đi lay Trường Sơn

Cùng đi xoay Hoành Sơn

Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm

Vượt khơi ra đảo xa,

Lướt ngàn nước sang nhà

Ta đắp bồi cho Mẹ Cha.” (Nguyễn Đức Quang – Về Với Mẹ Cha)

 

Cùng đi, đi để về với Mẹ, với Cha. Với gia đình, có Chúa Cha. Cũng vẫn là, lý tưởng của mọi người con. Con trong gia đình. Con Chúa. Con của Mẹ Hiền, có thánh gia. Chẳng cần “trông đợi”, chẳng mơ về “những ảo tưởng thâm trầm”, của cuộc sống.

 

Lm Frank Doyle sj

 Mai Tá diễn dịch

Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Thánh Gia năm B 28-12-2014

 

“Rồi đây, mây trên đồi vắng,”


Lang thang tìm phiến đá xưa rêu mòn
Rồi đây, mưa ru ngàn lá
Mây bay mờ xoá, rừng thông lắng buồn.”

(Phạm Mạnh Cương -

-Mắt Lệ Cho Người Tình)

 

(Kh 7: 3/2 Cor 2: 14-16)

 

Mây trên đồi vắng, mà lại thấy “mắt lệ cho người tình”, ôi thôi điều này chỉ thấy có ở thi-ca, âm-nhạc, mà thôi. Mắt lệ cho người tình, có khi cũng hơi khác như các đấng bậc ở nhà Đạo cũng từng nói. Thế nhưng, người nghệ sĩ ở ngoài đời, lại vẫn nói bằng câu ca/tiếng hát rất tình như sau:

 

“Tình anh, như thông đầu núi
Trăng thanh chìm suối, tháng năm vời vợi
Tình em, như sương chiều xuống
Mênh mông đồi núi, mờ trong bóng đêm.

Biệt ly, hôn nhau lần cuối
Trông nhau lần cuối, giá băng tơ trời
Bài hát chia phôi ban đầu
Vắng tiếng kinh chiều cầu cho tình ái.

Biệt ly, hôn nhau lần nữa
Xa nhau lần nữa, nói sao cho vừa
Chỉ thấy ánh mắt u hoài
Nuối tiếc ân tình, trọn đời khó phai.”

(Phạm Mạnh Cương – bđd)

 

Nơi nhà Đạo, các đấng bậc có nói nhưng không hát và cũng chẳng ngâm, nên các ngài vẫn nói hoài nói mãi những tiếng/giọng như sau:

 

“Khi nghe trong Bài Đọc Thứ Nhất tiếng của vị Thiên Thần kêu vang vang cho 4 Thiên Thần được ban cho quyền hủy-hoại cả đất liền lẫn biển khơi rằng: "Đừng hủy-hoại đất-đai, biển-khơi hay cây-cối" (Khải Huyền 7:3), thì chúng ta nhớ đến câu nói không phải ở Sách Khải Huyền mà ở trong lòng của mọi người: con người có khả năng làm điều ấy hơn thiên thần nữa kìa. Chúng ta có thể tàn phá Trái Đất này còn giỏi hơn các Thiên Thần. 

Đó, thực sự là những gì chúng ta đang làm. Đó, là những gì chúng ta đang thực-hiện, ở chỗ chúng ta đang hủy-hoại thiên-nhiên tạo-vật, chúng ta đang tàn-phá sự sống, chúng ta đang tàn-phá các nền văn-hóa, chúng ta đang tàn-phá các thứ giá-trị, chúng ta đang tiêu-diệt niềm hy-vọng.

Chúng ta cần đến sức mạnh của Chúa biết bao, để chúng ta được niêm-ấn bởi tình-yêu của Ngài và quyền-năng của Ngài trong việc ngưng lại cuộc đua hủy-diệt điên-cuồng này!

Việc hủy-diệt những gì Ngài đã ban cho chúng ta, những gì tuyệt-vời nhất Ngài đã làm cho chúng ta, để chúng ta canh-tác, duy-trì, sinh lợi... Khi tôi ở trong hậu-cung-thánh nhìn thấy các bức tranh vẽ 71 năm trước (vẽ cảnh dội bom hồi Thế Chiến Thứ II ở miền San Lorenzo là nơi nghĩa-trang này tọa-lạc), tôi nghĩ rằng:

"Đó thật trầm trọng, thật đau thương. Nhưng vẫn không thể nào sánh với những gì đang xẩy ra hiện nay. Con người chiếm-hữu hết mọi sự, tin mình là chúa tể, tin rằng mình là vua chúa.

Rồi chiến-tranh, các cuộc chiến-tranh tiếp-tục bùng nổ, thật sự không phải là để giúp gieo-vãi hạt giống sự sống mà là hủy-hoại. Nó là một thứ kỹ-nghệ hủy-diệt. Nó cũng là một guồng máy của sự sống để rồi không chỉnh-sửa được sự vật thì loại-bỏ chúng đi, ở chỗ chúng ta đang loại-bỏ trẻ em, chúng ta đang loại-bỏ người già, giới trẻ bị loại-bỏ bởi chẳng có công ăn việc làm... 

Cuộc tàn-phá này là hậu-quả của một thứ văn-hóa phế-thải. Chúng ta loại bỏ con người.”

(X. Lời Giảng Lễ Các Thánh Nam Nữ của ĐGH Phanxicô 1/11/2014 ở Nghĩa Trang Verano Rôma)

 

Nghe thế rồi, mời bạn và mời tôi, ta nghe tiếp lời ca do nghệ sĩ hát thêm, như sau:


“Rồi đây, anh như ngàn gió

Phiêu du từ đó biết đâu hẹn hò.

Rồi đây, em phương trời cũ,

Quê hương tình ái còn vương mắt lệ.

Tình yêu mong manh là thế,

Xa xôi là thế xót xa tình buồn.

Tình yêu thương đau từ đấy,

Dư âm còn đấy lệ trong mắt ai.”

(Phạm Mạnh Cương – bđd)

 

Và đây, khi nghe câu hát: “Anh như ngàn gió, phiêu du từ đó”, nên anh và tôi hoặc ai đó, lại sẽ phiêu du vào đất miền thần-học, có những vấn-đề thời-sự cần suy-tư như sau:

 

“Mọi đổi thay trong văn-hoá/xã hội ở thời này là vấn-đề lớn, rất khó giải. Vấn-đề ở chỗ: rất nhiều người, hôm nay lại cho rằng: mình có niềm tin đích-thật và cũng có người nghĩ rằng: mình chẳng có theo “đạo” nào hết. Những người này chỉ muốn bảo: chẳng tôn-giáo nào ta được biết lại tỏ-bày kinh-nghiệm về niềm tin sâu-sắc của chính mình, cách phù-hợp.

Thế nên, trong thống-kê dân-số gửi đến nhà cứ 5 năm một lần, khi được hỏi bạn theo tôn-giáo nào, thì nhiều câu trả-lời lại đề: không gì hết. Điều này không có nghĩa là: họ không có niềm tin. Điều này cũng có nghĩa: phương-cách cổ xưa để diễn-tả và rao-truyền niềm tin nay không còn như xưa nữa.

Điều này thực sự nói về niềm tin và tôn-giáo và mối giây liên-hệ của hai thứ. Tin là nhận-thức rằng mọi hữu-thể đều hiện-hữu. Với người có niềm tin, thì việc này nói về quan-hệ riêng-tư giữa con người và Thiên-Chúa.

Và, đó là kinh-nghiệm. Tôn-giáo là tập-hợp các truyền-thống, tin-tưởng, huyền-nhiệm, nghi-thức, đạo-đức/chức-năng, vv. Từng nói lên ký-ức tập-thể của niềm tin sống động kéo dài mãi như thế. Tôn-giáo và niềm tin không cùng một thứ. Tôn-giáo là việc tỏ-bày kinh-nghiệm ngày càng sâu sắc và phong-phú hơn bất cứ sự bày-tỏ nào cũng thế. Tôn-giáo là một tỏ-bày và là bày-tỏ niềm tin. Cả hai thứ đi chung với nhau và thường thì trộn-lẫn vào nhau.

Khi niềm tin lên cao tại một số nơi hoặc ở một số nền văn-hoá, niềm tin ấy mặc lấy văn-hoá theo nghĩa những sự-thể rất đạo-giáo đang diễn ra ở nơi đó. Niềm tin ấy mang dáng dấp hình-hài của những thứ và những sự xảy ra tại nơi đó. Niềm tin ấy còn mặc lấy thứ ngôn-ngữ địa-phương.

Và, thời-gian trôi mau, niềm tin lại sẽ biến môi trường này trở-thành của chính mình. Nó trở thành chiếc xe chuyên-chở mọi kết quả đạt được đem đến nhiều nơi khác. Và đi như thế, tôn-giáo cũng mang theo niềm tin với mình, nữa. Chìa khoá chính cho tương-quan giữa niềm tin và tôn-giáo là nắm bắt được rằng: niềm tin là kinh-nghiệm, còn tôn-giáo là việc bày-tỏ kinh-nghiệm ấy ra ngoài.

Niềm tin mà không có tôn-giáo cưu-mang và tỏ-bày, sẽ thiếu nhiều hỗ-trợ, giùm giúp. Tôn-giáo mà lại không có niềm tin sâu-sắc đích-thực ở bên trong, lại sẽ chết dần trong nguồn nước…

Có hai vấn-đề ở đây: Niềm tin như kinh-nghiệm nội-tâm mà không có sự tỏ-bày nhờ vào tôn-giáo sẽ đi đến kết-cuộc như một thứ tôn-thờ chủ-nghĩa Narcisse. Và, tôn-giáo mà không niềm tin sâu-sắc nội-tại, thì cũng sẽ chìm đắm biến mất trong các tín-ngưỡng chính-trị đang vượt trội ở nền văn-hoá địa-phương, sở tại.

Vậy thì, Hội-thánh/Giáo-hội thực sự cống-hiến những gì? Câu trả lời sẽ là việc sẻ-san trong đối-thoại chuyện-trò về kinh-nghiệm tin-tưởng. Một san-sẻ được tôn-giáo giúp đỡ bằng việc tiếp-nhận và thông-cảm.

Bằng vào ý-nghĩa của sự-thể mong-mang đầy tính người như thế, Thiên-Chúa yêu-thích đi vào nền văn-hoá có niềm tin tôn-giáo và có thể, Ngài cũng khởi-sự cuộc chuyện trò/trao-đổi với mức độ cũng rất mới.”

(xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San Chúa nhật Cung hiến Đền thờ Latêranô năm A 9/11/2014)

 

Xem như thế, thì: niềm tin, tôn-giáo và văn-hoá luôn tháp-tùng, gộp chung trong cuộc sống vui tươi đằm thắm rất chất-lượng. Thế đó là thần học đi Đạo và ở trong Đạo. Thần-Học về kinh-nghiệm có niềm tin tôn-giáo đầy chất văn-hoá về Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu ở ngoài đời lại cũng  khác. Khác, theo cung-cách thực-tiễn và thựa-hành như sau:

 

Ở một đất nước giàu có của Châu Âu, có một cô ca sĩ rất nổi tiếng. Tuy mới chỉ 30 tuổi nhưng danh tiếng cô đã vang dội khắp nơi, hơn nữa cô có một người chồng như ý và một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Một lần, sau khi tổ chức thành công một đêm diễn, cô ca sĩ cùng chồng và con trai bị đám đông người hâm hộ cuồng nhiệt bao quanh. Mọi người tranh nhau chuyện trò với cô. Những lời lẽ tán tụng khen ngợi tràn ngập cả sân khấu.


Có người khen cô tuổi nhỏ chí lớn, vừa tốt nghiệp đại học đã bước chân vào nhà hát tầm cỡ quốc gia và trở thành nữ ca sĩ trụ cột của nhà hát. Có người tán tụng rằng mới có 25 tuổi mà cô đã được lựa chọn là một trong 10 nữ ca sĩ có giọng háy opera xuất sắc nhất thế giới. Có người lại ngưỡng mộ cô có người chồng tuyệt vời, một cậu con trai kháu khỉnh, dễ thương.


Trong khi mọi người thi nhau bàn luận, cô ca sĩ này chỉ im lặng lắng nghe, không thể hiện thái độ gì. Khi mọi người nói xong cô chậm rãi nói: “Trước tiên, tôi cảm ơn những lời ngợi khen của mọi người dành cho tôi và những người trong gia đình tôi.

Tôi hy vọng có thể chia sẻ niềm vui này với mọi người. Nhưng các bạn chỉ nhìn thấy một số mặt trong cuộc sống của tôi còn một số mặt khác, các bạn vẫn chưa nhìn thấy. Cậu con trai của tôi mà mọi người khen là bé kháu khỉnh, đáng yêu, thật bất hạnh, nó là 1 đứa trẻ bị câm. Ngoài ra, nó còn có một người chị tâm thần và thường xuyên bị nhốt ở nhà."


Mọi người đều ngơ ngác, sửng sốt nhìn nhau, dường như rất khó chấp nhận một sự thật như thế. Lúc này, cô ca sĩ mới điềm tĩnh nói với mọi người: “Tất cả những chuyện này nói lên điều gì? Có lẽ chúng nói lên một triết lý, đó là, Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai quá nhiều thứ bao giờ.”


Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai quá ít, cũng không cho ai quá nhiều. Vì thế, đừng nên chỉ nhìn thấy hoặc ngưỡng mộ những thứ người khác có, mà nên nghĩ và trân trọng những thứ bạn đang có, cho dù đó không phải là những vinh quang tột đỉnh.

Vậy nên, nếu ai hỏi bạn “Bạn có hạnh phúc không?” Bạn hãy trả lời rằng : ”Mình hạnh phúc. Hạnh phúc theo cách mình sống và những gì mình đang có trên đời này".
(sưu-tầm và trích dẫn truyện kể của một người ký tên là ST trên mạng vi-tính, rất phổ-biến)

 

Suy-tư về kinh-nghiệm sống trong cuộc đổi đời ngày hôm nay, có thể là như thế. Như thế, cũng nói lên đôi điều về sự-kiện thực-tế chưa có giải-đáp cho thế hệ của kẻ tin ở đầu thế-kỷ 21 hiện giờ.

Cuộc đổi-đời thế-kỷ, nay lại được đấng bậc ở trên cao có nhận-dịnh rất đặc-thù nhân buổi họp mặt của thành-viên trong Bộ Dòng Tu hôm 27/11/2014, hôm ấy Đức Phanxicô có nói:

 

“Đi từ đề tài “Rượu mới trong các bầu mới”, Đức Thánh Cha khẳng-định rằng:

Chúng ta đừng sợ từ-bỏ các bầu rượu cũ, nghĩa là cần đổi mới những thói quen và cơ-cấu trong đời sống Giáo Hội, cũng như trong đời sống thánh-hiến, mà chúng ta nhận thấy không còn tương-ứng với những gì Thiên-Chúa yêu-cầu chúng ta ngày nay, để mở rộng Nước Chúa trong trần-thế: đó là những cơ-cấu mang lại cho chúng ta một sự bảo-vệ giả-tạo và ảnh-hưởng tiêu-cực tới năng-động bác-ái: đó là những tập-quán làm cho chúng ta xa lìa đoàn chiên mà chúng ta được sai đến và ngăn-cản không cho chúng ta nghe tiếng của những người đang chờ đợi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những nhược-điểm có thể gặp thấy trong đời thánh-hiến ngày nay, như: sự kháng-cự của một số thành-phần chống lại sự thay-đổi, sự suy-giảm sức thu-hút, nhiều người bỏ tu, sự mong manh của một số hành-trình đào-tạo, những cơ-cực vất-vả vì thi-hành các công tác và thừa-tác-vụ làm thương-tổn đời sống thiêng-liêng, sự khó hội-nhập vào các môi-trường và thế-hệ khác, sự thiếu quân-bình trong thực-thi quyền-bính và sử-dụng của cải…”

(xem G. Trần Đức Anh, op dịch tin Vatican 27/11/2014, đăng trên www.chuacuuthe.com trang chính ngày 27/11/2014)

Cảm-thông với lời nhận-định của đấng chủ-quản Hội-thánh một cách rộng và đem vào đời, còn là cảm-thông rằng: thời nào, cũng có đổi-thay. Đổi và thay, cả trong niềm tin, văn-hoá và tôn-giáo. Thay và đổi, không có nghĩa ta đi dần vào sự chết hoặc vào cái-gọi-là “văn-hoá của sự chết”. Đổi-thay/thay-đổi là lý-lẽ cuộc sống rất năng-động. Có như thế, cuộc sống của mọi người mới đứng vững và khá hơn lên.  

Vẫn cứ mong, mọi thay và đổi sẽ theo hướng tích cực, rất tốt đẹp, hơn bao giờ. Trong chiều-hướng đó, cũng nên đi vào vườn hoa Lời Chúa, có những nhủ khuyên như sau:

 

Tạ ơn Thiên Chúa,

Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô,

tạ ơn Người là Đấng đã dùng chúng tôi

mà làm cho sự nhận biết Đức Kitô,

như hương thơm, lan toả khắp nơi.

Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa,

toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất.

Đối với những người bị hư mất,

chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong;

nhưng đối với những người được cứu độ,

chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống.“

(2 Cor 2: 14-16)

Trong chiều hướng nhận-định về cuộc đời có đổi thay như thế, cũng lại mời bạn và mời tôi, ta cứ thế hiên-ngang cất bước và hát lên rằng:

 

Rồi đây, anh như ngàn gió

Phiêu du từ đó biết đâu hẹn hò.

Rồi đây, em phương trời cũ,

Quê hương tình ái còn vương mắt lệ.

Tình yêu mong manh là thế,

Xa xôi là thế xót xa tình buồn.

Tình yêu thương đau từ đấy,

Dư âm còn đấy lệ trong mắt ai.”

(Phạm Mạnh Cương – bđd)

Hát thế rồi, ta bồi thêm cho bài viết bằng một đoạn truyện kể ngăn ngắn để minh-hoạ cho những chuyện được đề-cập, hôm nay:

 

“Trong Dòng khắc-kỷ/khổ-tu nọ, các thày sống ở đây luôn luôn phải tịnh-khẩu để cầu nguyện trong thinh-lặng. Duy, chỉ được phát-biểu khi được phép, chí ít là không bao giờ được yêu-cầu có được điều gì để trau-dồi bản thân.

Trong bữa cơm thân-mật hôm ấy, một thày Dòng thấy trong tô cháo mình ăn có con chuột nhắt chết phỏng từ hồi nào. Gặp sự thể như thế, hỏi rằng thày phải làm gì bây giờ? Than-phiền ư? Đổ đi hay tiếc rẻ nuốt vào bụng, sau một ngày mệt nhừ vì lao-động công-ích. Bất chợt, thày Dòng ấy bèn ngồi im, nhắm tịt mắt và suy-nghĩ một hồi.

May quá, thày tìm ra được giải-đáp để có được bát cháo khác mà không lỗi luật Dòng. Thày bèn giơ tay xin phép nói, thấy thế Bề Trên hỏi:

 

-Thày A…, thày có điều gì muốn nói, thế?

-Dạ thưa Bề Trên, các thày ngồi quanh bàn con đây đều thiếu con chuột chết trong bát cháo…”

(tiếu-lâm chay/mặn kể  trên mạng…)

 

Thế đó, là văn-hoá thời xưa cũ. Thế đó, còn là tinh-thần tu-trì tu-đúc rất văn-minh, của một thời. Thời đại ít thấy đổi-thay nhưng mọi người vẫn sống văn-minh, văn-hoá sống cả kinh-nghiệm niềm tin tôn-giáo rất tốt đạo, đẹp đời. Ở muôn nơi.

 

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn nhớ ngày xưa cũ

Có văn hoá, văn minh

Của niềm tin tôn-giáo

Rất thời-thượng. 

 

 

vhd sưu tầm - January 6, 2015

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)