Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B
 
 


Cuộc Vượt Qua của Vị Thiên Chúa Làm Người được bắt đầu từ lúc nào?

Tại sao Chúa Giêsu không trả lời?

Nếu các bài Phúc Âm ba Chúa Nhật Mùa Chay trước Chúa Nhật Thương Khó hay Chúa Nhật Lễ Lá, như đã nhận định ở hai bài suy niệm Chúa Nhật 3 và 4 trước đây, có một ý nghĩa đặc biệt liên hệ với nhau, chẳng những ở từng chu kỳ mà còn ở cả ba chu kỳ với nhau nữa. Riêng chu kỳ Năm B này, chúng ta thấy các bài Phúc Âm theo Thánh Ký Gioan được Giáo Hội chọn rất hợp với những gì Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết về cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc Vượt Qua bao gồm ba phần khổ nạn, tử giá và phục sinh (x Mk 8:31, 9:31, nhất là 10:34). Trước hết, về phần khổ nạn, Chúa Giêsu cũng đã xác nhận ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 3, khi Người thách dân Do Thái “hãy cứ phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày Tôi sẽ dựng lại”. Qua câu tiên báo này, dĩ nhiên Chúa Giêsu cố ý nói đến cuộc Vượt Qua của Người nói chung, thế nhưng, nếu so sánh với những gì Người sẽ tỏ cho biết thêm ở hai bài Phúc Âm Chúa Nhật 4 và 5, Người cũng có ý nói đến riêng việc thân xác Người sẽ bị hành hạ bởi đòn vọt, nhục nhã v.v. Sau nữa, về phần tử giá, Chúa Giêsu báo trước trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 4, khi Người cho Nicôđêmô biết rằng Người sẽ bị đóng đanh vào thập tự giá: “Moisen treo con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy”. Sau hết, về phần phục sinh, Chúa Giêsu cũng bóng bẩy nói đến trong bài Phúc Âm Chúa Nhật thứ 5 tuần này, khi Người nói với các môn đệ của Người về hình ảnh hạt lúc miến mục nát đi để sinh muôn vàn hoa trái, ở chỗ, Người chiến thắng quyền lực của tên vương chủ thế gian và làm cho con người tin tưởng nhận biết Người, như Người cho biết ở đoạn cuối của cùng bài Phúc Âm.

Thế nhưng, để làm cho nhân loại nhận biết Người, tức để làm cho cuộc Vượt Qua của Người như hạt lúa miến mục nát đi trổ sinh hoa trái, Người cần đến những chứng nhân, thành phần sẽ được Người ban cho Thánh Linh và sai đi rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi tạo vật tới tận cùng trái đất (x Jn 20:22; Mk 16:15; Acts 1:8). Đó là lý do chúng ta thấy trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã liên kết số phận của thành phần môn đệ chứng nhân của Người với chính thân phận hy sinh và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Đúng thế, nếu bài Phúc Âm tuần thứ 3 Chúa Giêsu nói với chung dân Do Thái (thành phần sau này vu oan cho Người để Hội Đồng Do Thái viện cớ sát hại Người – Mt 26:61) về việc khổ nạn của Người, và nếu bài Phúc Âm tuần thứ 4 Người nói với Nicôđêmô (nhân vật sau này sẽ giúp vào việc táng liệm Người trong mồ đá – Jn 19:39) về việc tử giá của Người, thì bài Phúc Âm tuần thứ 5 tuần này Người nói với các môn đệ (thành phần được kêu gọi làm chứng nhân cho Người – Jn 15:27) về việc phục sinh sau khi Người trải qua khổ nạn và tử giá. Chúa Giêsu quả thực đã liên kết thân phận của các môn đệ với thân phận của Người trong bài Phúc Âm hôm nay, ở chỗ, ngay sau khi nói đến thân phận của Người như hạt lúa miến là thân xác của Người được gieo xuống và mục nát đi ở mảnh đất Do Thái, Người liền nói ngay đến nguyên tắc chung để có thể theo Người, theo một Đấng Vượt Qua, đó là: “Ai yêu sự sống mình sẽ mất, còn ai ghét sự sống mình trên thế gian này thì giữ được nó cho sự sống trường sinh”. Sau đó, Người áp dụng nguyên tắc hay Đường Lối Vượt Qua này vào trường hợp môn đệ của Người, vì bấy giờ Người đang nói với các vị: “Ai phụng sự Thày thì hãy theo Thày, để Thày ở đâu, thì tôi tớ của Thày cũng ở đó”. Vấn đề “ở đâu” của Chúa Giêsu và “ở đó” của những ai theo Người, phục vụ Người đây, theo chiều hướng của bài Phúc Âm hôm nay, thì còn chỗ nào khác ngoài trên cây thập giá và trong mồ đá: “Họ tinh tuyền và theo Con Chiên đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới” (Rev 14:4); “Tôi tớ không hơn chủ của mình. Họ sẽ bắt bớ các con như đã bắt bớ Thày” (Jn 15:20). Tuy nhiên, chính nhờ thân phận trò hoàn toàn giống Thày như thế mà thế gian mới nhận biết Thày nơi họ, nơi chứng từ đẫm máu của họ.

Phải chăng đó là lý do, khi các môn đệ (Philip và Anrê) đến trình với Chúa Giêsu về điều các người Hy Lạp muốn xin được gặp Người, Người đã không trả lời với họ qua hai môn đệ này dứt khoát là Người có muốn gặp những người dân ngoại ấy hay không, mà lại lợi dụng dịp ấy để nói với các môn đệ về cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc Vượt Qua sẽ được thành phần môn đệ của Người, thành phần tôi tớ phục vụ Người, tham dự (x Jn 13:8;13:36;14:3), điển hình nhất là trường hợp của tông đồ Phêrô như được Người cho biết trước bên bờ hồ Tibêria (x Jn 21:18). Qua thái độ và lời lẽ của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta cảm thấy hình như Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ là Người thực sự và hết sức muốn gặp gỡ thành phần dân ngoại, thành phần chưa hề biết Người, nhưng Người sẽ không trực tiếp gặp họ, như Người vốn trực tiếp gặp gỡ dân Do Thái của Người với tư cách là một Đức Kitô Thiên Sai theo như những gì đã được Thánh Kinh của dân tộc này nói tới, mà là gián tiếp qua các môn đệ, thành phần chứng nhân của Người, thành phần có khả năng dẫn loài người đến với Người, đến gặp Người bằng đức tin của họ. Và, nếu cuộc tử nạn của Chúa Giêsu như hạt lúa miến mục nát đi sinh nhiều hoa trái thế nào, thành phần môn đệ chứng nhân của Người cũng thế, cũng trổ sinh hoa trái nơi việc tái sinh các linh hồn như vậy. “Ai phục vụ Thày sẽ được Cha tôn vinh” là ở chỗ này, như lời Chúa Giêsu nói tới trong bài Phúc Âm hôm nay, ngay sau khi Người nói đến việc Thày trò cùng ở một nơi, chịu chung số phận Vượt Qua.

Tuy nhiên, tại sao ngay sau khi nói câu ấy, tức sau khi nói về thân phận Vượt Qua của cả Thày lẫn trò, Chúa Giêsu liền thảm não than lên: “Giờ đây linh hồn Thày bối rối chẳng biết phải nói sao – Chẳng lẽ Cha ơi, xin hãy cứu Con khỏi giờ này? Thế nhưng, cũng chính vì giờ này mà Con đã đến. Lạy Cha, xin hãy tôn vinh danh Cha!”. Phải chăng, như trong Vườn Cây Dầu Người đã đau buồn đến nỗi chết được, đến nỗi xuất mồ hôi máu vì nghĩ đến thành phần hư đi thế nào, thì ở đây, vào lúc ấy, Chúa Giêsu nghĩ đến một tông đồ Giuđa vô cùng đáng thương sẽ bị hư đi (x Jn 17:12), vì người tông đồ này chẳng những ra tay phản nộp Người mà còn tuyệt vọng tử tử (x Mt 27:5) bởi không tin tưởng vào lòng thương xót tha thứ vô biên bất tận của Người như tông đồ Phêrô (x Mt 26:75). Cái đau khổ tận cùng của Vị Thiên Chúa Làm Người ở đây đó là bị loài người phủ nhận tình yêu thương toàn thiện, nhưng không, tận tuyệt và vô đối của Người, ở chỗ, họ không tin rằng Người có thể yêu thương họ đến như thế, một tình yêu Người giành cho từng người một, và tìm kiếm cho bằng được con chiên lạc duy nhất để mang về đàn của Người (x Lk 15:1-7). Thế nhưng, cũng như trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã chấp nhận uống cạn chén đắng vô cùng đau xót ấy.

Câu trả lời của Chúa Kitô là…

Như thế, nếu nỗi đớn đau vô cùng nhức nhối này cũng là những gì thuộc về cuộc Khổ Nạn hay Tử Giá của Con Thiên Chúa Làm Người, thì không phải cuộc Khổ Nạn và Tử Giá của Người chỉ được bắt đầu từ khi Người bị bắt trong Vườn Cây Dầu (x Jn 18:12), mà là được bắt đầu ngay từ khi Lời Nhập Thể, ngay từ khi Thiên Chúa Làm Người để Người có thể, qua nhân tính của nhân loại, cảm thấy cái xót xa của mình bằng con tim nhân loại, khi bộ óc của Người nghĩ đến tương lai của thành phần hư đi, và bộc lộ cái chua xót của mình nơi môi miệng loài người “bằng những lời than khôn tả” (Rm 8:26; x Jn 12:27; Mk 14:36). Nói một cách chính xác và thực tế hơn nữa thì cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô được bắt đầu từ lần đầu tiên khi Người tiết lộ cho các môn đệ biết về Cuộc Vượt Qua của Người (x Mk 8:31), và được bắt đầu từ chính tâm hồn của Người, một tâm hồn đã bị quằn quại bởi những giây phút “buồn rầu đến nỗi chết được” (Mt 26:38), những giây phút “linh hồn Thày hiện nay bối rối chẳng biết phải nói làm sao”, như Người đã thú thực trong bài Phúc Âm hôm nay. Và Cuộc Vượt Qua đã xẩy ra trước tiên ngay trong tâm hồn của Người, khi Người mong cho ý Đấng đã sai Người được nên trọn, như Người đã ngoan ngoãn thân thưa với Cha Người trong bài Phúc Âm hôm nay: “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh danh Cha”, một thái độ Vượt Qua của Người Con đẹp lòng Cha đến nỗi, khi nghe thấy như vậy, theo Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại, “bấy giờ từ trời có tiếng phán: ‘Cha đã tôn vinh danh Cha rồi và sẽ còn tôn vinh danh Cha nữa’”.

Thiên Chúa “tôn vinh danh” của Ngài đây nghĩa là gì và ra sao, nếu không phải Người muốn tỏ cho riêng dân Do Thái và chung loài người (mà đám đông trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy có cả dân Do Thái và những người Hy Lạp dân ngoại) biết Ngài thực sự là gì và như thế nào, như Ngài đã mạc khải tên của Ngài cho Moisen biết ở bụi cây bốc lửa song không bị thiêu rụi (x Ex 3:14), một danh xưng Ngài đã tỏ cho dân Do Thái biết tỏ tường qua cuộc vượt qua của họ, từ tình trạng họ bị làm tôi người Ai Cập cho tới khi vào Đất Hứa. Nếu danh Thiên Chúa là tất cả những gì diễn tả bản tính vô cùng chân thiện của Ngài, như Ngài đã từ từ tỏ ra cho dân Do Thái biết theo giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ cho đến khi Lời Nhập Thể là “hiện thân của bản thể Cha” (Heb 1:2) xuất hiện, thì việc Thiên Chúa tôn vinh danh Ngài đây, theo ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay nói riêng, cũng chính là việc Ngài tôn vinh Con Ngài, như Con Ngài đã thân thưa với Ngài khi mở đầu Lời Nguyện Hiến Tế kết thúc Bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha, giờ đã đến rồi! Xin Cha hãy tôn vinh Con Cha để Con Cha được tôn vinh Cha” (Jn 17:1). Vậy nếu Thiên Chúa tôn vinh danh mình là tôn vinh Con Ngài như thế thì “Cha đã tôn vinh danh Cha rồi”, như trong bài Phúc Âm nói đên đây là lúc nào, nếu không phải là hai lần điển hình được các Phúc Âm Nhất Lãm kể lại, lần thứ nhất ở sông Dược Đăng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thống hối bởi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (x Mk 1:11), và lần thứ hai ở trên núi biến hình (x Mk 9:7). Và “Cha sẽ còn tôn vinh nữa” đây sẽ là lúc nào và ra sao, nếu không phải lúc Cha làm cho Con sống lại từ trong kẻ chết (x Acts 2:24), làm cho Con trở thành “hoa trái đầu mùa của kẻ chết để Con được toàn quyền trong hết mọi sự” (Col 1:18; x Mt 28:18).

Vấn đề ở đây là tại sao Thiên Chúa cần phải tôn vinh danh Ngài? Theo bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã cho biết đó là để cho con người biết: “Tiếng phán đó không phải vì Tôi mà là vì quí vị”. Bởi vì, có nhận biết Thiên Chúa như Ngài là, qua Mạc Khải Thần Linh của Ngài nơi Cựu Ước cũng như Tân Ước, con người mới được sự sống trường sinh, mới được hiệp thông với Thiên Chúa. Thế nhưng, để con người có thể nhận biết danh của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này, Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô cần phải “tỏ Cha ra” (Jn 1:18). Ở chỗ nào, nếu không phải bằng việc Người đến không phải để làm theo ý mình mà là ý Đấng đã sai (x Jn 6:38), tức là “Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil 2:8), “để trở nên căn nguyên phần rỗi đời đời cho những ai tín phục Người” như được Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay xác tín (Heb 5:9), cũng là những gì chính Người đã khẳng định tiên báo ở câu cuối cùng của bài Phúc Âm hôm nay: “Một khi Tôi bị treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi”. “Tất cả mọi người” được Chúa Kitô Tử Giá “kéo lên” đây nghĩa là gì, nếu không phải là tất cả mọi người, dù là kẻ dữ, thành phần hư đi đời đời, đặc biệt trong ngày chung thẩm, đều nhìn nhận chân lý đã được Chúa Giêsu mạc khải cho Nicôđêmô trong bài Phúc Âm tuần trước, một chân lý cũng đã được Người chứng thực hùng hồn nhất và sống động nhất trên Thập Giá: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con duy nhất của Ngài, để ai tin vào Con sẽ không bị chết song được sự sống đời đời. Thiên Chúa không sai Con Ngài đến để thế để luận phạt thế gian, song để thế gian nhờ Con mà được cứu độ”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Đức Thánh Cha - Huấn Từ Truyền Tin CN V Mùa Chay 22/3/2015

Anh chị em thân mến, 

Trong Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay này, vị thánh ký Gioan làm cho chúng ta chú ý đến một chi tiết đáng tò mò, đó là có một số người "Hy Lạp", thuộc Do Thái giáo, bấy giờ cũng ở Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua, đến cùng Tông Đồ Philiphê mà nói cùng ông rằng: "Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu" (Gioan 12:21). Trong thành thánh này, nơi Chúa Giêsu đã đến lần cuối cùng đây, có nhiều con người ta. Có những con người bé mọn và những con người tầm thường, đã tỏ ra nồng hậu đón nhận vị tiên tri Nazarét này, nhìn nhận Người là vị sứ giả của Chúa. Có những vị Thượng Tế và thành phần lãnh đạo dân Chúa, những kẻ muốn loại trừ Người, vì họ coi Người là một tên lạc đạo nguy hiểm. Cũng có những người, như các người "Hy Lạp" ấy, những người tò mò muốn gặp Người và hiểu biết hơn về bản thân của Người cũng như về những công việc Người đã hoàn thành, mà việc cuối cùng đã từng gây chấn động là sự kiện hồi sinh của Lazarô. 

"Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu": Những lời này, như rất nhiều lời khác trong Phúc Âm, là những gì vượt ra ngoài tình tiết đặc biệt đây và bày tỏ một điều gì đó phổ quát; chúng cho thấy một ước vọng hiện diện nơi các thế hệ và văn hóa, một ước vọng hiện diện nơi tâm can của rất nhiều người đã nghe về Chúa Kitô, nhưng chưa được gặp Người.

Gián tiếp đáp lại một cách ngôn sứ lời yêu cầu muốn gặp Người này, Chúa Giêsu công bố một lời tiên báo về căn tính của Người và tỏ cho biết cách thức để thực sự nhận biết Người, đó là "Đã đến giờ Con Người được vinh hiển" (Gioan 12:23). Đó là giờ của Thánh Giá! Đó là giờ Satan bị đánh bại, tên chúa trùm sự dữ, và là cuộc chiến thắng tối hậu của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa. Chúa Kitô tuyên bố rằng Người sẽ "bị treo lên khỏi mặt đất" (câu 32), một bày tỏ có một ý nghĩa lưỡng diện: "bị treo lên - lifted" là vì Người bị đóng đinh, và "được nâng lên - lifted" là vì Người được Cha tôn vinh (exalted) khi Phục Sinh, để kéo hết mọi người đến cùng Người cũng như để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và với nhau. Giờ của Thánh Giá, giờ đen tối nhất trong lịch sử, cũng là giờ của nguồn mạch cứu độ cho những ai tin tưởng nơi Người. 

Tiếp tục tiên báo về Cuộc Vượt Qua sắp đến của mình, Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh đơn sơ mà gợi ý, đó là hình ảnh về "hạt lúa miến", một thứ hạt khi rơi xuống đất, chết đi để sinh hoa trái (câu 24). Nơi hình ảnh này chúng ta thấy một khía cạnh khác của Thánh Giá Chúa Kitô, đó là khía cạnh phong phú. Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu là một nguồn sự sống mới bất tận, vì nó chất chứa quyền lực tái sinh của tình yêu Thiên Chúa. Được dìm vào tình yêu này nơi Phép Rửa, Kitô hữu có thể trở thành "những hạt lúa miến" và sinh nhiều hoa trái nếu họ, như Chúa Giêsu, "mất sự sống của mình" vì yêu mến Thiên Chúa và anh chị em (câu 25). 

Thế nên, đối với những ai ngày nay cũng "muốn gặp Đức Giêsu", với những ai đang tìm kiếm dung nhan của Thiên Chúa; với những ai đã học giáo lý khi còn nhỏ mà sau đó chưa được hiểu biết sâu xa hơn, có thể lại còn mất đức tin nữa; với rất nhiều người bản thân chưa được gặp gỡ Chúa Giêsu...; với tất cả những ai chúng ta có thể cống hiến cho 3 điều là Phúc Âm, thập giá và chứng từ đức tin của chúng ta, tầm thường nhưng chân thành. Phúc Âm: nơi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nhận biết Người. Thập giá: dấu hiệu của tình yêu Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình vì chúng ta. Rồi đến một đức tin được chuyển thành những cử chỉ chân thành của đức ái huynh đệ. Thế nhưng, chính yếu đó là ở nơi cái gắn bó của đời sống, giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm. Việc gắn bó giữa đức tin của chúng ta với đời sống của chúng ta, giữa ngôn từ của chúng ta với việc làm của chúng ta: Phúc Âm, Thánh Giá và Chứng Từ. 

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta thực hiện ba điều này.

(Sau khi nguyện kinh truyền tin, ĐTC nói tiếp:)

Anh chị em thân mến,

Nhiều anh chị em đã đến đây bất chấp khí hậu ghê gớm. Chúc mừng anh chị em! Anh chị em đã tỏ ra rất can đảm. Tôi xin cảm mến chào anh chị em!

Hôm qua tôi đã thực hiện một chuyến viếng thăm mục vụ ở Naples... (Ngài ngỏ lời cám ơn và chào hỏi các phái đoàn hành hương khác hiện diện bấy giờ).

Giờ đây tôi sẽ lập lại một cử chỉ đã được thực hiện năm ngoái, đó là, theo truyền thống cổ kính của Giáo Hội thì trong Mùa Chay Phúc Âm sẽ được trao tặng cho những ai đang dọn mình lãnh nhận Phép Rửa; bởi vậy tôi cống hiến cho anh chị em đang ở Quảng Trường này hôm nay đây một cuốn Phúc Âm cỡ bỏ túi. Phúc Âm này sẽ được phân phối miễn phí bởi một số người vô gia cư sống ở Rôma. Ngay cả nơi việc này chúng ta cũng thấy được một cử chỉ rất đẹp đẽ được Chúa Giêsu yêu thích, đó là những ai thiếu thốn nhất là những người cống hiến Lời Chúa cho chúng ta. Anh chị em hãy nhận lấy Phúc Âm; hãy mang theo bên mình, hãy thường xuyên đọc, đọc hằng ngày. Hãy mang theo Phúc Âm trong xách tay, trong túi của anh chị em, thế nhưng hãy thường xuyên đọc Phúc Âm. Một câu, một đoạn hằng ngày. Lời Chúa là ánh sáng soi đường đi nước bước của chúng ta! Lời Chúa giúp ích cho anh chị em. Hãy đọc Lời Chúa. 

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật Tốt Đẹp. Xin đừng quên cầu cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon lành và xin tạm biệt anh chị em! 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)