dongcong.net
 
 


Lễ Mẹ Thiên Chúa : Trầm Thiên Thu

Đức Mẹ và Hòa bình
(Lễ Mẹ Thiên Chúa – Ngày Hòa bình Thế giới)

Ngày 1 tháng 1 là ngày rất đặc biệt đối với thế giới, cả đạo và đời, vì đó là ngày khởi đầu năm mới. Với người Âu Tây, đó là ngày Tết; với quốc tế, đó là ngày Hòa bình Thế giới; với người Công giáo, đó là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta mới vừa mừng lễ Giáng sinh để tôn vinh Con Thiên Chúa, liền sau đó lại tiếp tục mừng lễ Mẹ Thiên Chúa để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa. Giáo hội tạo một nối kết tuyệt vời để đề cao Tình Mẫu Tử!

Không biết Thiên Chúa có “tiền định” hay không mà các ngôn ngữ đều mở miệng gọi Mẹ bằng âm bật mở đầu bằng M. Chẳng hạn cách gọi người sinh ra mình là Mẹ hoặc Má (tiếng Việt), Mother (Mom, Mum – tiếng Anh), Mère (Maman – tiếng Pháp), Mutter (Mumie – tiếng Đức), Madre (Mamá – tiếng Tây Ban Nha), Madre (Mamma – tiếng Ý), Moeder (Mummie – tiếng Hà Lan),… Nhưng khi gọi Cha thì các nước không dùng chung âm mở đầu, mỗi nước mỗi khác. Phải chăng đây là “đặc cách” mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ, Mẹ của những người Mẹ, và tất cả những phụ nữ làm Mẹ?

Nói đến mẹ thì luôn liên quan con. Tình Mẫu Tử có gì đó rất kỳ diệu, hầu như chúng ta không thể hiểu hết. Dù người con tật nguyền, không đẹp, thậm chí là hư hỏng, phản bội, nhưng vì “nước mắt luôn chảy xuôi” nên người Mẹ vẫn sẵn sàng tha thứ và vẫn yêu thương hết lòng. Người bàng quan có thể trách người Mẹ là nhu nhược, là sợ sệt, nhưng ai đã làm Mẹ mới khả dĩ hiểu thấu. Thế mới là Tình MẫuTử đích thực – trong đó Tình Phụ Tử đích thực cũng được “hiểu ngầm”. Không thể chỉ kính trọng Tình Mẹ mà “coi nhẹ” Tình Cha, vì người Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; người Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh.

Truyện kể rằng có một loài chim đặc biệt rất thương con đến quên cả bản thân mình. Khi không có mồi cho con ăn, loài chim này lấy chính thịt mình để cho con ăn. Loài vật còn như vậy huống chi con người – loại sinh vật cao cấp nhất. Xin được mở ngoặc: Giữa năm 1974, khi ĐGM Giuse Lê Văn Ấn (GM tiên khởi của giáo phận Xuân Lộc) qua đời, loài chim “lấy thịt mình nuôi con” kia đã đậu trên đỉnh nóc nhà thờ chính tòa Xuân Lộc từ khi ngài qua đời đến lúc an táng xong. Người ta cho đó là “dấu lạ” vì hợp với khẩu hiệu giám mục của ĐGM Ấn là “Hãy Giết Mà Ăn” (*).

Sách Dân số cho biết rằng Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh chị em hãy nói thế này: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em! Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta sẽ chúc lành cho chúng (Ds 6:22-27). Kinh thánh luôn rõ ràng và chính xác, nghĩa là những người làm cha làm mẹ – và những “người lớn” có trách nhiệm chăm sóc những “người “nhỏ” – cũng phải thực hiện như vậy. Cha Mẹ sửa dạy con cái hoặc người trên có sửa dạy người dưới thì phải sửa dạy bằng tình yêu thương.

Nói về Tình Mẹ, người ta có thể nhớ ngay đến ca khúc Lòng Mẹ, một ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Y Vân, viết về chính người Mẹ của ông: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”. Giai điệu đơn giản mà có hồn, ca từ đẹp và nhẹ nhàng như chất nữ tính dịu dàng của người Mẹ vậy. Còn thi sĩ Hồ Dzếnh lại mơ ước:

Kiếp sau xin lại làm người
Để nghe non nước vọng lời mẹ ru

Được làm người là niềm hạnh phúc lớn, được nghe lời ru của Mẹ cũng là một niềm vui sướng. Gà con được núp dưới cánh gà mẹ thì không còn sợ diều hâu. Con ở bên Mẹ thì không chỉ an toàn mà còn hạnh phúc, bình an cả tinh thần và thể lý.

Gà mẹ xòe cánh
Để đánh diều hâu
Ngọt ngào tình mẹ
Thương con dạt dào

Một em bé (con chị K.H.) nói: “Mẹ là người tốt nhất”. Em bé này thật may mắn vì em rất hạnh phúc khi có được người Mẹ “số dzách”. Bất kỳ ai sống an toàn dưới “đôi cánh” của Mẹ thì đều được an tâm, được tận hưởng nền hòa bình thực sự.

Tình mẹ yêu thương
Biển trời lai láng
Bên mẹ nép cánh
Con sống an vui

Thế giới luôn xảy ra những biến cố, hầu như hàng ngày, do đó thế giới luôn khao khát hòa bình đích thực để mọi người được vui sống. Thế giới thiếu hòa bình vì người ta còn tranh giành quyền lợi, vật chất, còn lắm Tham-Sân-Si; người Kitô giáo thiếu bình an tâm hồn vì còn hướng chiều tội lỗi, vẫn tranh giành quyền lực. Người ta muốn được phục vụ chứ không muốn phục vụ theo tinh thần Đức Kitô, muốn sáng danh con chứ chưa thực sự muốn sáng Danh Chúa. “Cái tôi” dù đáng ghét (như Pascal diễn tả) nhưng “nó” vẫn trỗi dậy bất kỳ lúc nào khiến cho tính ích kỷ “lớn” hơn tình người, muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình, muốn được Thiên Chúa xót thương nhưng lại không thể hiện Lòng Chúa Thương Xót. Quả thật, Chúa rất ghét “những người giả hình” (x. Mt 23:1-12).

Thiếu Tình Chúa và vắng Tình Mẹ thì chắc chắn không thể có hòa bình. Muốn tận hưởng hòa bình thì phải có công lý, đồng thời phải cầu nguyện: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết Ơn Cứu Độ của Ngài” (Tv 67:2-3). Đức Kitô đã từng xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Thánh vịnh 67 nói thêm: “Thiên Chúa cai trị toàn cầu theo lẽ công minh, Ngài cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này” (Tv 67:5). Ký thác đường đời cho Chúa, cũng là tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót, là thể hiện đức tin sống động. Đời người “cát bụi” chẳng là gì:

Thế gian ngắn ngủi – nơi sinh ký
Thiên quốc vĩnh hằng – chốn tử quy

Chân nhận như vậy để có thể chấp nhận bản chất yếu đuối của kiếp người. Chúa giáng sinh làm người là dấu hiệu “báo động đỏ” của thời cánh chung. Thật vậy, “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5). Không chỉ vậy, để chứng thực chúng ta là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4:6). Vì thế, chúng ta “không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4:7). Người ta có thể từ con, còn Chúa lại nhận nghịch tử làm con yêu. Quá “ngược đời”, quá kỳ diệu và quá tuyệt vời! Chúng ta chỉ là những “tử tội khốn kiếp” mà lại được nhận làm con cái. Còn hạnh phúc nào hơn chứ? Đó là vừa là điều kỳ diệu vừa là “ẩn số” của tình Cha, nghĩa Mẹ.(Lc 2:16-21)

Hang đá là cảnh gia đình hạnh phúc, dù đó là cảnh nhà “nghèo nhất thế gian”. Trong đó “cảnh nghèo” đó có cả Tình Mẹ và Tình Cha. Những người đến thăm “gia đình nghèo” này cũng lại là những người “nghèo rớt mồng tơi”: Các mục đồng. Thánh Luca kể rằng sau khi các mục đồng được thiên sứ báo tin, “họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Các mục đồng có phước vì đã ghé thăm “tệ xá” của Thánh gia thất. Còn ngày nay, người ta (cả đời và đạo) chỉ thích “thăm viếng” các biệt thự, các villa, các nhà cao cửa rộng, các đại gia, những người “thở ra tiền, cười ra bạc, khạc ra vàng, sàng ra đô-la”. Và người ta có nhiều “cách biện hộ”.

Chúng ta phải học động thái ít nói và e ấp đầy nữ tính của Đức Maria. Tại sao? Vì Đức Mẹ nghe mục đồng kể lại điều đã được nói về Hài Nhi, rồi Đức Mẹ “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2:17-19). Kinh thánh tường thuật: “Khi ra về, các mục đồng vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (x. Lc 2:20). Họ nghèo mà hạnh phúc, họ hạnh phúc vì họ được gặp Vua Nghèo Giêsu, thế là họ bình an, nghĩa là họ hưởng nền hòa bình đích thực. Đúng như ca đoàn thiên thần hát vang trong Đêm Giáng Sinh:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người lòng ngay (Lc 2:14)

Chỉ có người lòng ngay mới là người được Chúa thương, chỉ có người thiện tâm mới được tận hưởng nền hòa bình chân chính đúng nghĩa. Người đó là ai? Là người noi gương sống của Thánh Nhi Giêsu, Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse.

Thôn nữ Maria sinh Con Trẻ, bắt đầu thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Sau 8 ngày, đến lúc phải làm lễ cắt bì cho Con Trẻ theo luật Do Thái, Hài Nhi được đặt tên là Giêsu, tên mà sứ thần đã đặt cho Em Bé trước khi Em Bé được thụ thai trong lòng Mẹ. Bắt đầu có niềm hạnh phúc làm Mẹ thì cũng là lúc bắt đầu chuỗi ngày gian khổ, thậm chí là đẫm nước mắt…

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Thánh Phanxicô Assisi), luôn là “khí cụ bình an của Chúa”, biết bảo vệ công lý để có thể kiến tạo hòa bình đích thực. Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết “nói ít và làm nhiều” như Mẹ, để có thể vãn hồi hòa bình ngay từ trong gia đình hàng ngày. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Ai đó làm 2 câu thơ độc đáo: “Cây XUÂN nảy LỘC đầu Sáu sáu, Quả ĐỨC thành NHÂN giữa Bảy tư” – nghĩa là GP Xuân Lộc được thành lập đầu năm 1966, ĐGM Giuse Lê Văn Ấn qua đời giữa năm 1974.

Tôn giáo và Hòa bình
Thời gian là vĩnh viễn, vô tận, nhưng lại có những “khoảng” thời gian, nghĩa là có khởi đầu và kết thúc: Thế kỷ, năm, tháng, tuần, ngày, giờ, phút, giây,… Những khoảng thời gian đó liên kết với nhau tạo nên sự vô tận.

Kết thúc “khoảng” năm cũ để khởi đầu “khoảng” năm mới. Ngày 1 tháng 1 Dương lịch là ngày lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa, cũng là ngày Hòa Bình Thế Giới – ngày cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình cho thế giới. Trong cuộc sống đời thường, con cái luôn cảm thấy an toàn khi có mẹ, càng an toàn hơn khi được ở bên mẹ. Có Mẹ Maria thì thật hạnh phúc, chúng ta cũng xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp để thế giới có được nền hòa bình viên mãn.

Tại Fátima, vào các ngày 13 của các tháng, từ tháng 5 tới thánh 10 năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba em chăn chiên (Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto) và căn dặn các em phải siêng năng lần hạt Mân Côi để cầu hòa bình cho thế giới, tất nhiên chúng ta cũng cần phải “canh tân đời sống” và “tôn sùng Đức Mẹ” nữa. Đó là bí quyết tâm linh mà Đức Mẹ đã “bật mí” cho nhân loại.

Có sống trong cảnh hòa bình thì con người mới cảm thấy an tâm và hưởng hạnh phúc. Chưa có hòa bình đích thực nên người ta vẫn khao khát hòa bình để có hạnh phúc thật. Vâng, sống ở đời ai cũng miệt mài đi tìm hạnh phúc – vì “mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, 4-7-1776). Có thể quan niệm về hạnh phúc khác nhau theo mỗi người, cấp độ và mục đích cũng khác nhau, nhưng chung quy vẫn là “sự thanh thản” của cuộc sống, cả về tinh thần và thể lý. Hòa bình xã hội rất cần thiết, nhưng hòa bình tâm hồn còn quan trọng hơn. Và loại hòa bình này chỉ có được ở nơi Thiên Chúa.

Quan niệm hạnh phúc đa dạng. Có người cho rằng hạnh phúc là quên mình, dấn thân phục vụ, vì người nghèo, vì những người khốn cùng trong xã hội, với người đời thì đó là ngu xuẩn, điên rồ. Tuy nhiên, họ làm vậy để đạt được hạnh phúc đích thực trong chính Đức Giêsu Kitô: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:24-26). Nhưng ngược lại, có người quan niệm hạnh phúc là ăn chơi xả láng, thậm chí là giết người để cướp của để giành lấy phần hạnh phúc cho mình, không cần biết người khác ra sao, miễn sao họ “thoải mái” sống là được!

Tuy nhiên, hạnh phúc thật không thể có ở thế gian này. Chắc chắn như vậy. Có quyền rồi cũng hết, có tiền rồi cũng hết,… có bất cứ cái gì rồi cũng hết, vì chúng ta chẳng có gì sở hữu vĩnh viễn, có chăng chỉ là quản lý chúng một khoảng thời gian nào đó thôi. Rõ ràng là ai chết cũng chẳng đem theo được gì ngoài đôi tay trắng, giống như lúc mình ra đời. Có lẽ vì thế mà càng ngày người ta càng cảm thấy trống rỗng, bất an, nên những người khôn ngoan cần có niềm tin để sống. Niềm tin đó không là thứ gì khác ngoài niềm tin tôn giáo, tức là người ta rất cần tôn giáo. Nhiều kẻ vô thần cũng biết tìm đến tôn giáo, vì họ không thấy gì bền vững nơi thế giới vật chất này.

Tôn giáo khả dĩ dẫn tới hòa bình. Tuy nhiên, chỉ có niềm tin tôn giáo mà thôi cũng chưa đủ để có được hòa bình, vì còn liên quan những thứ khác: Có niềm tin tôn giáo thì người ta mới có thể biết yêu thương đồng loại, có yêu thương nhau thì mới khả dĩ tha thứ cho nhau, nhờ đó mà mới có được nền hòa bình đích thực. Trước tiên là tu thân để có cái tâm an, nhờ đó mà lan tỏa sang những người xung quanh.

Theo ước tính, hiện nay trên thế giới có khoảng 500.000 tôn giáo đang tồn tại. Trong số hơn 7 tỉ người trên trái đất, có 85% là những người có niềm tin tôn giáo. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 này có thể là sự xung đột giữa các tôn giáo. Và thực tế này cũng đang manh nha!

Nhưng thật may, ngày 20-9-2014, lần đầu tiên một Hội nghị Thượng đỉnh Liên tôn vì Hòa bình Thế giới đã được tổ chức tại Seoul (Hàn quốc), tham dự có khoảng 1.500 vị lãnh đạo thuộc các tôn giáo trên thế giới. Quả thật, sự kiện này đáng quan tâm vì là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hoạt động của các tôn giáo và lịch sử của một thế giới vì một nền hòa bình chân chính.

Ông Aleem Said Ahmad Basher (Philippines), thuộc Tổ chức Jamiatu Mindanao (Hồi giáo), cho biết: “Bản thân chữ Islam [Hồi giáo] cũng bao hàm ý nghĩa hòa bình. Chúng tôi, những người Hồi giáo, không bao giờ muốn chiến tranh. Người Hồi giáo sẽ vận động hơn nữa cho hòa bình để mỗi người đều luôn thường trực trong đầu một suy nghĩ rằng hòa bình là điều tốt. Chẳng hạn như những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo, họ đang mượn tôn giáo để thực hiện những âm mưu chính trị của mình. Hồi giáo phải ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đó”.

Thế nhưng trong chương trình phát thanh ngày 13-11-2014, Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh tụ Nhà nước Hồi giáo (IS – Islamic State), đã thề rằng phe đảng của ông sẽ tiếp tục cuộc chiến và sẽ tấn công Rôma: “Các tên lửa của thập tự quân sẽ không ngăn được chúng tôi tiến về Rôma”. Ông còn kêu gọi người Hồi giáo trên thế giới “làm cho cuộc thánh chiến bùng nổ như núi lửa ở khắp mọi nơi”. Thông điệp này đưa ra nhằm chứng minh rằng ông vẫn còn sống. Mọi tôn giáo đều phát xuất từ Thiên Chúa, tức là phải thể hiện yêu thương, vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16), tôn giáo không yêu thương thì chỉ là tôn giáo lệch lạc, tôn giáo của con người hoặc của ma quỷ!

Tuy nhiên, chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã hứa với Giáo hoàng tiên khởi Simon Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16:18). Ngài hứa gì thì luôn chắc chắn, như vậy chúng ta chẳng có gì lo sợ. Quyền lực tử thần còn chưa làm được gì, nói chi quyền lực thế gian này!

Ông Man Hee Lee (Hàn quốc), chủ tịch Tổ chức Vận động Hòa bình (HWPL – Heavenly Culture, World Peace, Restoration of Light), đã khuyến nghị: “Đừng tiếp tục chạy theo ngăn ngừa xung đột tại một khu vực nhất định. Chúng ta phải giải quyết tận gốc rễ của mọi cuộc xung đột trên toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo các quốc gia hãy đi đến một thỏa thuận thiết lập luật pháp quốc tế nhằm cấm phát động chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào”.

Sau 3 ngày nhóm họp, hội nghị đã kết thúc với việc ký kết một hiệp ước thống nhất giữa các tôn giáo nhằm thúc đẩy hòa bình thế giới, đặc biệt là bài trừ các cuộc chiến tranh mang danh nghĩa tôn giáo. Đây là “điểm son” đáng lưu tâm và duy trì.

Bản hiệp định đã được ký kết bởi 12 nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo (cả dòng Shiite và Sunni), Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, cùng một số giáo phái khác như Đạo Jaina (Ấn Độ), Đạo Sikh (Ấn Độ), Đạo Candomblé (Phi châu), Anh giáo, Bái Hỏa giáo (Iran, thờ thần lửa), và Đạo Baha’is.

Lễ ký kết được chứng kiến bởi khoảng 600 nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác. Cùng với việc ký kết hiệp định này, các tôn giáo cũng được yêu cầu cùng tiến tới thiết lập bộ phận thường trực cho sự hợp tác liên tôn. Hiện nay đã có 2 văn phòng được thành lập tại Philippines và Bosnia.

TGM Malkhaz Songulashvili, Giáo hội Tbilisi (Gruzia), cho biết: “Đã khá nhiều lần trong lịch sử, tôn giáo bị lợi dụng để gây chĩa rẽ con người. Vì vậy, rất cần thiết để làm cho các tôn giáo xích lại gần nhau, cùng hợp tác, cùng ngăn chặn các cám dỗ về hệ giá trị của riêng mình, thực sự hành động vì mục đích của người dân chứ không phục một số mưu toan chính trị nào đó”.

Sau lễ ký kết, hơn 200.000 người đã đổ về quảng trường Hòa bình thế giới tại Thủ đô Seoul để tham gia cuộc diễn hành vì hòa bình. Cũng tại đây, dịp Olympic Seoul năm 1988 đã phát đi bản “Tuyên Ngôn Hòa Bình”, kêu gọi liên kết Đông Tây giữa chiến tranh lạnh. Một lần nữa, Seoul khẳng định rằng khát vọng hòa bình không bao giờ ngủ yên.
Hòa bình phải phát xuất từ trái tim yêu thương của mỗi con người: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mỗi người phải thành tâm thay đổi thì mới mong thế giới thay đổi. Cái chung là tổng hòa của những cái riêng. Khởi đầu từ cái riêng để có thể trở thành cái chung.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ thi sĩ Bùi Giáng (1936-1998), một con người điên loạn mà lại tỉnh táo, lang thang khắp Saigon với phong cách rất “bụi”, chẳng qua là ông có nhiều “chất” nghệ-sĩ-tính, ông đọc nhiều quá, ông suy nghĩ nhiều quá, ông cao vời quá, cho nên thực tế cuộc sống và người đời không theo kịp (dù có thể cảm thông một chút). Vì vậy, ông thường xuyên tìm cách “bay bổng” để vượt lên khỏi cái tầm thường của cuộc đời này, ông như người đi tìm một thế giới khác để phủ nhận hoặc tránh né thực tại. Phàm phu tục tử tầm thường quá, không hiểu nổi ông, nhưng ông không thèm “chấp” vì có lẽ ông cảm thấy chẳng đáng gì đáng quan tâm. Ông “điên” mà thơ ông rất “tỉnh” và đầy triết lý:

Ta cứ ngỡ xuống trần chỉ một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ!

Ông ví mình như “người trời”, định xuống trần gian chốc lát rồi thôi, nào ngờ phải lưu trú 62 năm. Với ông, như thế là lâu quá! Và ông cứ tưởng trần gian là cõi thật, nào ngờ chỉ là cõi tạm, cõi-thật-mà-ảo. Ông cảm thấy chán nản lắm, vì người ta chỉ tranh giành nhau đủ thứ, giả dối quá!
Và cũng vì thế, Chúa Giêsu hướng chúng ta tới cõi-thật-vô-hình và những gì thuộc tâm linh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Lc 4:4). Ngài còn nói rõ ràng hơn: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6:19-21).

Biết Chúa thì biết yêu thương; có yêu thương thì có hòa bình. Ngược lại, không có Chúa thì không có yêu thương, không có hòa bình. Vâng, hòa bình rất cần thiết – mọi nơi, mọi lúc. Chúa Giêsu đã đề cập hòa bình trong Bát Phúc: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Chính tôn giáo chân chính (chứ không lệch lạc) là “hướng dẫn viên” đưa chúng ta đi tìm hòa bình đích thực.

Để phân tích kinh nghiệm về nỗ lực của tôn giáo đối với hạnh phúc, người ta đã sử dụng các dữ liệu từ 3 đợt (2002-2003, 2004 và 2006) của tổ chức Nghiên cứu Xã hội Âu châu (ESS – European Social Survey) đối với 114.019 cá nhân ở 24 quốc gia. Các dữ liệu này cung cấp thông tin về đặc tính cá nhân như giới tính, tuổi tác, thu nhập, sức khỏe tổng quát theo quan điểm cá nhân, tình trạng hôn nhân, hoạt động chính, số con và trình độ học vấn, và những phương diện khác,…

Khi trắc nghiệm thống kê tìm các mối tương quan các biến số giữa hạnh phúc và tôn giáo, người ta có kết quả này:

1. Có hệ quả quan trọng thuộc về tôn giáo đối với hạnh phúc. Những người theo một tôn giáo nào đó sẽ sống hạnh phúc hơn những người không có tôn giáo.

2. Tôn giáo hoặc giáo phái có hệ quả quan trọng đối với hạnh phúc. Các tín hữu Công giáo, Tin Lành, và các Kitô giáo khác đều cho biết rằng họ hạnh phúc hơn người theo Chính Thống giáo và các Giáo hội Đông phương.

3. Dường như có mối quan hệ tích cực giữa mức độ tôn giáo ở một người và sự hạnh phúc: Càng sùng đạo càng hạnh phúc. Tuy nhiên, những người tự coi mình là “không có tôn giáo” (0) có mức hạnh phúc tương đối so với những người có mức 5 về tỷ lệ sùng đạo.

4. Thường xuyên tham dự các nghi lễ tôn giáo cũng tương quan với hạnh phúc: những người hằng ngày tham dự các nghi lễ tôn giáo cảm thấy hạnh phúc hơn những người không tham dự.

Vâng, khoa học cũng không thể chối cải sự cần thiết của tôn giáo đối với con người. Hòa bình sẽ có nếu con người nhận biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Đó là lúc Nước Cha trị đến để “Triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72:7).

Muốn có hòa bình đích thực, chúng ta còn phải biết bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Vì một thế giới hòa bình, chúng ta cùng cầu nguyện bằng lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi, với giai điệu của Lm Ns Phêrô Kim Long:

Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

Thánh Augustinô đã cảm nhận sâu sắc về hòa bình nên ngài thân thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, hồn con còn mãi xao xuyến khôn nguôi cho tới khi nào được nghỉ yên trong Ngài”. Đó mới là sự hòa bình viên mãn và vĩnh cửu. Ước gì mỗi chúng ta cũng được tận hưởng sự bình an trọn vẹn, như tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3).

Lạy Thiên Chúa là Nguồn Bình An! Con tin kính, con thờ lạy, con trông cậy và con yêu mến Chúa. Con xin Chúa tha thứ cho những ai không tin, không thờ lạy, không trông cậy và không yêu mến Chúa. Con xin dâng mọi tội lỗi của con và cả thế giới, xin Ngài thương xót tha thứ và biến đổi để con được bình an tâm hồn và thế giới được hưởng nền hòa bình đích thực. Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho con và cả thế giới biết dùng Kinh Mân Côi để liên kết mọi người và nương theo Con Đường Mân Côi để đến Miền Hòa Bình vĩnh hằng. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU
Chào Tân Niên 2015

 

Sống khỏe mạnh theo Kinh Thánh

Táo, nho, dầu ô-liu, mật ong, hành, cá, lựu,… hoặc các gia vị như gừng, tỏi,… đều được coi là “siêu thực phẩm”, đồng thời cũng được Kinh Thánh đề cập.

Hãy cố gắng tìm hiểu và sống khỏe mạnh như Chúa muốn!

Ô-LIU
Dầu của lá ô-liu được dùng trong thời xưa để chữa lành các vết thương và được dùng làm chất khử trùng.

HẠT
Trái óc chó, trái hồ trăn và hạnh nhân có khả năng làm giảm cholesterol xấu. Chúng chứa nhiều protein, chất xơ, có thể duy trì thể trọng.
Ông Ít-ra-en bảo các con: “Các con cứ làm thế này: hãy đem trong bao bị một số đặc sản địa phương và đưa xuống làm quà cho ông ấy: ít nhũ hương, ít mật ong, nhựa thơm và mộc dược, đào lạc và hạnh nhân” (St 43:11).

LÚA MÌ
Lúa mì chứa nhiều protein, vitamin B2, đồng, chất xơ, và dễ tiêu hóa. Lúa mì giúp ngăn ngừa tiểu đường vì nó ít glycemic. Kinh Thánh nói: “Phần ngươi, ngươi hãy lấy lúa mì, lúa mạch, đậu tằm, đậu nâu, kê và lúa miến, rồi bỏ tất cả vào một cái vò mà làm bánh. Ngươi nằm nghiêng một bên bao nhiêu ngày - ba trăm chín mươi ngày -, thì trong bấy nhiêu ngày ngươi sẽ ăn bánh ấy” (Ed 4:9).

HÀNH
Hành cải thiện việc sản sinh vitamin C, làm giảm viêm nhiễm, điều chỉnh lượng đường máu, và ngăn ngừa một số chứng ung thư. Kinh Thánh cho biết rằng đám dân ô hợp sống giữa dân Ít-ra-en bắt đầu thèm ăn, cả con cái Ít-ra-en cũng khóc lóc mà nói: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi” (Ds 11:4-6).

GIẤM
Giấm tác dụng như chất khử trùng, làm sạch cơ thể, chứa các loại vitamin A, B1, B2 và B6. Giấm cũng có khả năng làm tăng chức năng nhận thức, làm giảm thèm ăn. Trong sách Rút có đề cập giấm: Đến bữa ăn, ông Bô-át nói với Rút: “Con lại gần đây, lấy bánh chấm vào nước dấm mà ăn” (Rút 2:14).

LỰU
Lựu có khả năng làm hạ huyết áp, làm giảm cholesterol, ngăn ngừa ung thư, và có lợi cho người bị trầm cảm.

ĐẬU
Kinh Thánh đề cập nhiều loại thực phẩm, trong đó có đậu : “Khi vua Đa-vít đến Ma-kha-na-gim, ông Sô-vi con ông Na-khát, từ thành Ráp-ba của con cái Am-mon, ông Ma-khia con ông Am-mi-ên, từ Lô Đơ-va, và ông Bác-di-lai người Ga-la-át, từ Rốc-lim, đem giường, chậu, bát đĩa, lúa mì, lúa mạch, bột, gié lúa rang, đậu tằm, đậu nâu, mật ong, sữa chua, chiên dê và bê sữa, đến dâng cho vua Đa-vít và dân ở với vua” (2 Sm 17:27-29). Đậu làm giảm cholesterol, giảm nguy cơ bệnh tim và bệnh loãng xương. Có nhiều loại đậu vừa ngon vừa bổ dưỡng như đậu nành, đậu vằn, đậu trắng, đậu tây,...

Cuộc đời mỗi người khác nhau, có thể dài hoặc ngắn, thậm chí rất ngắn, nhưng vấn đề là sống đúng Thánh Ý Chúa. Tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu” (Tv 90:12-15).

Mỗi ngày khởi đầu là một hành trình mới, chúng ta luôn cần sự hiện diện của Thiên Chúa: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con” (Tv 90:17). Lòng thương xót của Thiên Chúa là “món ăn” bổ dưỡng nhất để chúng ta có thể sống khỏe mạnh đúng nghĩa – cả tâm linh và thể lý. Lòng Chúa thương xót chính là Thánh Thể, siêu thực phẩm chúng ta phải dùng hằng ngày.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

 


Bài học kinh nghiệm

Khởi đầu rồi kết thúc, đó là quy luật tự nhiên. Mỗi năm qua đi là dịp để chúng ta nhìn lại một năm qua để rút ra những kinh nghiệm – cả ưu và khuyết điểm, nhờ đó mà cố gắng thêm để hữu ích cho chính mình và người khác. Thật khó để học hết các bài-học-đời, nhưng vấn đề là chúng ta có cố gắng học hay không.

Ngày đầu năm, dù Tết dương lịch hay Tết âm lịch, là ngày cả thế giới ước nguyện một nền hòa bình đích thực. Ước muốn hòa bình mà người ta chỉ ước muốn cho mình, nếu người ta cũng ước muốn cho người khác thì người ta đâu có gây hấn, tranh chấp, khủng bố, hận thù, hoặc khích bác nhau. Mâu thuẫn quá chăng? Chiến tranh vẫn xảy ra ở nhiều nơi, kẻ yếu vẫn chịu nhiều bất công! Chắc chắn một điều: “Không có Công lý, không có Hòa bình – No Justice, no Peace”.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2:14). Lời ca đó được các thiên thần hát vang trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh, và Thiên Chúa luôn rất muốn như vậy. Tuy nhiên, chúng ta chưa thiện tâm nên chúng ta chưa được bình an, chưa có hòa bình đích thực. Quả thật, Thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa nhất định là Đấng chân thật, còn mọi người đều giả dối” (Rm 3:4). Vì chúng ta giả dối, lừa lọc nhau, kèn cựa nhau, thế nên chúng ta bất an nhiều thứ!

Cánh chim bồ câu vẫn vắng bóng trên bầu trời nhiều nơi: Gia đình, giáo xứ, dòng tu, hội đoàn, đất nước,… Vắng bóng bồ câu vì bồ câu chưa thấy có những cành lá xanh biếc yêu thương, và chưa có chỗ đậu an toàn. Thật đáng báo động, vì Thánh Phaolô nói rõ: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7).

Cuộc đời tưởng dài mà ngắn ngủi lắm, như một thoáng qua mà thôi: “Thời gian thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi không chờ đợi ai” (ca dao). Còn trẻ tuổi, nhưng cố NS Y Vân đã cảm nhận được “sáu mươi năm cuộc đời”. Như một lời tiên tri, ông đã qua đời ở tuổi đó. Kinh Thánh nói: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10). Thế thôi, chẳng bao nhiêu! Vả lại, sinh ký – tử quy. Thiên luật là vậy, và Thiên Chúa đã ra lệnh: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3). Cuộc đời ngắn ngủi như đóa phù dung sớm nở tối tàn mà sao chúng ta không tận dụng để yêu thương nhau, tha thứ cho nhau? Ghen ghét và hận thù nhau có lợi gì?

Tình yêu rất cần thiết. Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34; Ga 15:12). Yêu thương rất có lợi, vì “lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4:8). Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường. Hãy làm mọi sự vì đức ái” (1 Cr 16:13). Thánh Phaolô “lưu ý” nam giới, nhưng không phải vì thế mà nữ giới cứ “vô tư”. Vấn đề là Đức Ái, là yêu thương, là thương xót, ai cũng phải thể hiện, nhờ đó mới có được sự hòa bình đích thực – trong tâm hồn, tại gia đình, ngoài xã hội, trên thế giới.

ĐGH Phanxicô thật tuyệt vời khi dám thẳng thắn giống như Chúa: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17). Thật vậy, sáng ngày 22-12-2014, khi mọi người chuẩn bị đón mừng Chúa giáng sinh, ngay tại Hội trường Clementê ở Vatican, ĐGH Phanxicô đã gặp gỡ giáo triều Rôma để ôn lại hoạt động trong năm qua cũng như gởi lời chúc mừng Giáng sinh đến các thành viên trong giáo triều gồm các giám mục và linh mục phụ trách cho các Thánh bộ, Văn phòng, Tòa án,… Nhưng đặc biệt là ngài đã liệt kê 15 căn bệnh trầm kha của giáo sĩ cần chữa trị ngay. Chúng ta đừng nghĩ là ngài nói các giáo sĩ của giáo triều, mà là tất cả mọi người, cách riêng là các giáo sĩ, riêng hơn nữa là các giáo sĩ tại Việt Nam.

Đây là các bệnh trầm kha của giáo sĩ mà “bác sĩ” Phanxicô đã “chẩn đoán” được:

1. Bệnh ảo tưởng. Chính ảo tưởng mà ngỡ mình là “bất diệt”, “miễn nhiễm” hay “rất cần thiết”. Thế nên họ làm lơ việc kiểm điểm mỗi ngày. ĐGH Phanxicô gọi đó là bệnh của người giàu, tưởng mình bất tử (Lc 12:13-21). Bệnh này thường phát sinh từ việc ham mê quyền bính, từ chủ thuyết “tự yêu mình” (narcissism), say mê hình ảnh của mình, không nhìn thấy Chúa nơi người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và túng thiếu nhất. Thuốc chữa bệnh dịch này là ơn thánh, ơn cảm thấy mình tội lỗi và chân nhận: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm những gì chúng tôi phải làm” (Lc 17:10).

2. Hội chứng Mát-ta (Marthaism). Đó là những người quá bận tâm đến công việc, chìm đắm trong công việc, lơ là với phần tốt là lắng nghe Chúa Giêsu dạy (Lc 10 :38). Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ “nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31), thiếu nghỉ ngơi sẽ dẫn tới tình trạng căng thẳng và dao động. Thời gian nghỉ ngơi cần thiết đối với các trách nhiệm, cần phải sống thanh thản để dành thời gian cho người thân, nghỉ ngơi để bồi bổ tinh thần và thể xác. Trong sách Giảng Viên, Cô-hê-lét đã nói: “Mọi việc điều có thời” (Gv 3:1-15).

3. Bệnh xơ cứng tinh thần. Đó là những người có tâm hồn chai đá, “cứng đầu cứng cổ” (Cv 7:51-6), bệnh “bàn giấy”, quan liêu, mất sự thanh thản nội tâm, mất sức sinh động và sáng tạo, nặng về thủ tục và pháp lý chứ không còn là “người của Thiên Chúa” nữa (Dt 3:12). Họ đánh mất “tâm tình của Chúa Giêsu” (Pl 2:5-11), vì thế mà tâm hồn họ trở nên khô cằn, không còn biết mến Chúa và yêu người vô điều kiện (Mt 22:23-40).

4. Bệnh ôm đồm. Lên kế hoạch tông đồ rất tỉ mỉ và sắp xếp rất chi tiết, y như một kế toán viên hay một con buôn. Chuẩn bị mọi sự là điều tốt và cần thiết, nhưng đừng bao giờ tưởng mình làm hết mọi chuyện, không để cho Chúa Thánh Thần tự do hoạt động. Chính Thánh Thần mới là Đấng hành động chính, quảng đại hơn mọi kế hoạch của con người (Ga 3:8). Thiên tài cũng chỉ giỏi một hoặc vài lĩnh vưc, không phải cứ thiên tài là biết hết mọi thứ, làm được tất cả. Thánh Thần mới là làn gió mát, Đấng khơi nguồn sáng tạo.

5. Bệnh hợp tác kém. Khi các chi thể đánh mất sự hiệp thông với nhau thì thân thể cũng mất đi sự hài hòa và chừng mực của mình, nó biến thành “ban nhạc chỉ tạo ra những tiếng ồn”, vì các nhạc công không còn ăn ý với nhau, không sống tinh thần hiệp thông và đồng đội. Khi chân không thể nói là không cần nhau, kể cả cái đầu cũng vậy thôi: “Phaolô trồng, A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3:6).
6. Bệnh Alzheimer tinh thần. Bệnh này khiến người ta quên lịch sử cứu độ, lịch sử cá nhân đối với Chúa, quên mối tình đầu (Kh 2:4). Tiến trình này làm suy thoái dần dần khả năng tinh thần, tạo nên tình trạng tật nguyền trầm, làm mất khả năng tự quyết, sống lệ thuộc vào những quan niệm do tưởng tượng. Đó là những người không còn nhớ cuộc gặp gỡ ban đầu với Chúa, không còn cảm thức trong cuộc sống, chỉ bám vào “thời hiện tại” với các đam mê của mình, họ trở nên nô lệ các thần tượng mà chính tay họ nắn nên.

7. Bệnh háo danh. Vẻ bề ngoài, màu áo và danh hiệu trở thành đối tượng ưu tiên, họ quên lời Thánh Phaolô: “Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hay háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2:1-4). Đó là căn bệnh khiến người ta giả dối và sống theo “thần bí” giả hiệu, một kiểu “tu kín” giả tạo. Thánh Phaolô đã định nghĩa họ là “những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” và “hư hỏng” (Pl 3:18-19).

8. Bệnh tâm thần phân liệt. Đó là bệnh của những người sống hai mặt, giả hình, tầm thường, dần dần bị trống rỗng tinh thần mà các văn bằng tiến sĩ hoặc bằng cấp khác không thể lấp đầy được. Bệnh này thường xảy ra nơi những người bỏ việc mục vụ, chỉ giới hạn vào những công việc bàn giấy, không va chạm thực tế, không tiếp xúc với những con người cụ thể. Họ tự tạo một thế giới hai mặt, họ dạy người ta nhưng sống kiểu khác và sống phóng đãng. Việc hoán cải là điều rất cần thiết và không thể thiếu được đối với căn bệnh trầm kha này (Lc 15:11-32).

9. Bệnh nói hành. Bệnh này thường bắt đầu bằng những cuộc chuyện trò, nó làm cho con người trở thành kẻ “gieo rắc cỏ lùng” (như Satan), và trong nhiều trường hợp, họ trở thành kẻ “giết người không vấy máu”, giết hại danh thơm tiếng tốt của linh mục đoàn và anh em cùng dòng tu. Đó là bệnh của những kẻ hèn nhát, không dám nói thẳng, chỉ nói sau lưng. Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Anh em hãy làm mọi sự mà đừng lẩm bẩm, không do dự, để không có gì đáng trách và tinh tuyền” (Pl 2:14-18).

10. Bệnh thần thánh hóa. Đó là bệnh của những kẻ a dua, xu nịnh Bề trên, hy vọng tìm chút ân huệ. Họ là kẻ tham lam, cơ hội, tôn vinh con người chứ không tôn vinh Thiên Chúa (Mt 23:8-12). Khi phục vụ, họ chỉ nghĩ đến tư lợi. Họ là kẻ bủn xỉn, nhỏ nhặt, cau có, hành động vị kỷ (Gl 5:16-25). Bệnh này có thể xảy ra với cả Bề trên khi họ chiêu dụ vài cộng tác viên chịu phục tùng, trung thành, lệ thuộc, nhưng hậu quả chỉ là sự đồng lõa.

11. Bệnh dửng dưng. Đó là khi người ta chỉ nghĩ đến mình và thiếu sự thành thật trong mối quan hệ chân thành với nhau. Người giỏi không mang kiến thức của mình để phục vụ người yếu kém hơn, người học được kiến thức nhưng chỉ giữ riêng cho mình chứ không tích cực chia sẻ cho người khác. Họ là người ghen tương, tinh ranh, cảm thấy vui mừng khi thấy người khác gục ngã, thay vì khích lệ và nâng người khác đứng lên.

12. Bệnh làm bộ. Đó là người cộc cằn và hung dữ. Để tỏ ra mình đạo mạo, họ làm bộ mặt rầu rĩ, khắt khe khi xử sự với người khác – nhất là những người lớp dưới. Họ luôn cứng nhắc, lỗ mãng và kiêu hãnh. Thật ra sự nghiêm khắc chỉ nhằm che đậy một tâm hồn bi quan, sợ hãi và bất an. Công tác tông đồ đòi buộc sự nhã nhặn, thanh thản, nhiệt thành và vui tươi, mang niền niềm vui đến nơi mình phục vụ. Một con tim đầy tràn Thiên Chúa là một con tim hạnh phúc, chiếu tỏa và làm lan rộng niềm vui cho tất cả những người quanh mình, người khác sẽ nhận thấy ngay điều đó. Đừng đánh mất sự vui tươi, tính hài hước, và phải viết tự phê phán chính mình. Một chút hài hước thật lòng là điều tốt biết bao! Rất lợi ích. Hãy ghi nhớ câu nói của Thánh Thomas More: “Tôi cầu nguyện hằng ngày và nó mang lại lợi ích cho tôi”.

13. Bệnh vơ vét. Làm việc tông đồ nhưng tìm cách lấp đầy khoảng trống bằng cách vơ vét của cải vật chất, không phải vì cần thiết mà chỉ vì để cảm thấy an toàn. Trong thực tế, của cải không thể mang theo mình vì “khăn liệm không có túi”, và mọi kho tàng vật chất của chúng ta không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống, trái lại nó càng làm cho người ta thêm nặng nề và chậm chạp hơn. Với họ, Chúa lặp lại: “Ngươi bảo: nay tôi giầu có, đã đầy đủ của cải rồi, tôi chẳng cần gì nữa. Nhưng ngươi không biết mình là kẻ bất hạnh, khốn nạn, một kẻ nghèo, mù lòa và trần trụi… Vậy ngươi hãy nhiệt thành và hoán cải!” (Kh 3:17-19).

14. Bệnh khép kín. Đó chính là dạng phe cánh, bè phái. Việc lôi kéo, quy tụ lập nhóm để thuộc về nhau coi còn quan trọng hơn thuộc về Thân Mình Chúa Kitô. Căn bệnh này khởi đi từ những ý hướng tốt, nhưng với thời gian nó trở nên xấu, biến thành “ung thư”, đe dọa sự hài hòa nơi Thân Mình Chúa Kitô, gây nên bao gương mù, nhất là cho những anh em mới bước vào đời tu. Bè nhóm là mối nguy hiểm nhất, là sự ác đánh từ bên trong, như Chúa Kitô đã nói: “Nước nào chia rẽ bên trong thì nó sẽ tự tàn lụi” (Lc 11:17).

15. Bệnh trục lợi. Khi công tác tông đồ biến việc phục vụ thành quyền lực, rồi quyền lực trở nên thứ hàng hóa để kiếm chác lợi lộc trần gian và củng cố quyền hành. Đó là bệnh của những người tìm cách gia tăng vô độ quyền lực và để đạt được mục tiêu đó. Họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh danh người khác, thậm chí đưa lên cả báo chí. Thường thì chính họ muốn biểu dương và chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác. Căn bệnh này cũng gây hại rất nhiều cho Thân Mình Đức Kitô, vì nó đưa người ta tới chỗ biện minh việc sử dụng bất kỳ phương tiện nào để đạt được mục đích, thường là nhân danh công lý và sự minh bạch. Có một linh mục đã gọi các ký giả đến để kể cho họ (điều mà linh mục này bịa đặt) về những chuyện riêng tư của các linh mục khác và của giáo dân. Linh mục ấy chỉ muốn được xuất hiện trên trang nhất của báo chí, và như thế cảm thấy mình có quyền hành và hấp dẫn, tạo ra bao đau khổ cho người khác và cho chính Giáo Hội. Ngày nay người ta muốn nổi tiếng bằng cách tạo xì-căng-đan!

Nếu nghiêm túc xét mình và tự chẩn đoán, có lẽ ai cũng mắc một hoặc vài chứng bệnh trầm kha mà ĐGH Phanxicô liệt kê. Vấn đề là chúng ta có chịu điều trị hay không. Dạng bệnh trầm kha như ung thư thì phải hóa trị hoặc xạ trị, đau nhức lắm, nhưng “thuốc đắng mới đã tật”, không thể có cách chọn lựa khác, nếu không thì… “chết” thôi!

Ca dao Việt Nam có câu: “Thài lài mọc giữa bờ sông, tuy không xanh tốt nhưng tông thài lài”. Cách nói của ca dao nhẹ nhàng mà thâm thúy, nhức buốt lắm!

Một năm mới lại khởi đầu, một hành trình dài lại bắt đầu. Gọi là dài nhưng nào có dài gì, quay đi quay lại đã thấy cuối năm, và lại sắp một khởi đầu mới. Cứ thế, cứ thế,… Có bệnh thì phải chữa trị, thời gian điều trị có thể dài hoặc ngắn, tùy loại bệnh và tùy mức độ bệnh nặng hay nhẹ, nhưng vấn đề là PHẢI CHỮA, càng sớm càng tốt!

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm (Tv 51:3-5).

TRẦM THIÊN THU
Tết Dương Lịch – 2015

 

DongCongNet December 27, 2014

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)