Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B
 
 

 

Chúa nhật XXX - Thường Niên - Năm B
CHỌN LỰA THIÊN CHÚA VÀ THÁNH Ý NGÀI
Phó tế Thiên Hương CMC
Tiên tri Giêrêmia loan báo Thiên Chúa sẽ qui tụ những người Israel sống sót từ các miền đất bị lưu đày trở về. Thiên Chúa sẽ là Cha của  họ và cả những người bệnh hoạn tật nguyền, những người đui mù què quặt, là những người bị loại bỏ, cũng được chung niềm vui đoàn tụ, để trở thành một dân đông đảo. Lời của tiên tri Giêrêmia mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một đã ứng nghiệm Thiên Chúa đã đưa dân Israel lưu lạc trở về.
Tuy nhiên, lời tiên báo trên đây như còn là điều báo trước về một dân mà Thiên Chúa sẽ qui tụ lại từ khắp mặt địa cầu. Một dân tộc được qui tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đấng mà chính Thiên Chúa sẽ xức dầu tấn phong, Đấng Messia, thuộc vương quyền Đa vít. Khi Ngài đến, Ngài sẽ tiếp nhận mọi người, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn…hay giai cấp xã hội.
Tin mừng hôm nay minh chứng Thiên Chúa không thiên vị, không loại trừ ai và đức tin là một hồng ân nhưng không.
Trên đường Chúa Giêsu lên Giêrusalem, có các môn đệ và đám đông theo Ngài.  Thế rồi bên vệ đường có một người mù ngồi ăn xin nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua. Bartimê tuy mù thể lý nhưng lại là người sáng mắt tâm hồn. Những người theo Chúa Giêsu chỉ nhận ra Ngài là Giêsu người Nagiaret, còn Bartimê lại nhận ra Ngài là Đấng Messia khi la lên : “Hỡi ông Giêsu, con vua Đa vít, xin thương xót tôi”. Rõ ràng danh xưng “con vua Đa vít” là danh xưng cho Đấng được xức dầu, như lời ngôn sứ Isaia: Đấng cứu thế thuộc dòng dõi Đa vít. (Is 11, 1-10). Tin mừng không nói lý do tại sao Bartimê nhận ra Chúa Giêsu là Con Đa vít, chắc chắn không bởi những người đang theo Chúa. Bởi vì dân chúng khi nghe anh kêu lên như vậy đã mắng anh, bắt anh phải im lặng. Phải im lặng vì không muốn anh quấy rầy Chúa hay vì sợ anh lầm lẫn về danh xưng “Con vua Đa vít”? Chắc chắn không phải vì sợ Chúa bị quấy rầy, vì trên đường rao giảng, Chúa Giêsu vẫn luôn quan tâm và cứu chữa những người bệnh hoạn tật nguyền. Như vậy, bắt anh im vì họ không nhận ra Đức Giêsu là Đấng được xức dầu như Bartimê đã tuyên xưng. Đám đông đang bị mù trong tâm hồn.
Còn Bartimê, lòng tin đã thôi thúc anh tiếp tục la to hơn.Và chính Chúa Giêsu đã nghe tiếng anh xin. Khi Chúa Giêsu gọi anh đến, những người vừa bắt anh im lại động viên; “Hãy vững tâm, Ngài gọi anh”. Họ động viên anh, họ thay đổi thái độ đối xử vì họ sắp có cơ hội chứng kiến những việc lạ lùng của Chúa. Vẫn chỉ là tò mò, hiếu kỳ. Vẫn chỉ là sự mù lòa tinh thần.
Chúa Giêsu hỏi anh : “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Câu hỏi này làm chúng ta nhớ đến ngay trước đó, Chúa Giêsu đã hỏi các con ông Giêbêdê: “Các con muốn Ta làm gì cho các con? “ Khi các ông đến xin Chúa ban ân huệ. Là những người theo Chúa Giêsu từ đầu, các ông được Chúa Giêsu yêu mến đặc biệt, được nghe mọi điều Chúa giảng dạy, được chứng kiến mọi phép lạ Chúa làm, được tham dự vào những biến cố đặc biệt trong cuộc đời Chúa…,Thế mà các ông cũng không thể hiểu rõ về sứ mệnh của Chúa. Các ông xin Chúa địa vị và danh dự, quyền lực và vinh quang: có lẽ các ông cũng không sáng mắt tâm hồn. Còn anh mù, một người bị loại bỏ, sống bên lề xã hội, lần đầu tiên nghe biết Chúa, đã được Chúa ban cho nhận ra Ngài là Đấng Messia. Anh không xin tiền bạc, không xin được cuộc sống hơn người. Anh chỉ xin Chúa Giêsu chữa lành cả thân xác và linh hồn anh. Và anh đã nhận được lời: “Đức tin của anh đã chữa anh”. Chúa Giêsu đã nói thế. Anh được sáng mắt, tâm hồn anh cũng sáng: anh nhìn thấy ánh sáng chân lý vĩnh cửu. Rồi anh theo Chúa như một người môn đệ.
Như vậy, khi chữa lành Bartimê, Chúa Giêsu một lần khẳng định điều Ngài đã mặc khải trước đó khi cầu nguyện: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những mầu nhiệm nước trời, mà lại chỉ mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy”. Nhiều người cho mình là khôn ngoan thông thái, biết mọi sự trên đời, nhưng lại không được ơn đức tin để nhận biết Thiên Chúa. Trong khi đó, những người hèn kém bé mọn, những người có vẻ như bị xã hội bỏ rơi… lại nhận được ánh sáng Tin mừng. Đức tin là một tặng ân, Thiên Chúa ban cho những người Ngài muốn, Đặc biệt là những người thành tâm, những người có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn.
Suy niệm Lời Chúa hôm nay, chúng ta xin Chúa cho hạt giống đức tin đã được gieo vào lòng chúng ta được vươn lên mạnh mẽ. Để giữa biết bao thăng trầm của cuộc sống, chúng ta luôn sáng suốt chọn lựa Thiên Chúa và Thánh ý Ngài. Amen.

Chúa nhật XXX - Thường Niên - Năm B
THIÊN CHÚA, ĐẤNG CHUYÊN GIA CHỮA LÀNH
Lm. Gioan M. Nguyễn Đức Hùng, CMC
Một thanh niên lập gia đình và có hai con. Vì là con một, nên ngay từ nhỏ, được cha mẹ nuông chiều muốn gì có đó. Trong một tai nạn, kính xe hơi của anh vỡ bể tan nát văng vào cả hai mắt anh, và dù gia đình tìm mọi cách chữa chạy, cuối cùng cũng phải chấp nhận cho bác sĩ khoét hai con mắt của anh. Lúc đó tất cả bầu trời như muốn sụp đổ xuống cuộc đời anh, anh tỏ ra tuyệt vọng và không còn muốn sống nữa. Thế nhưng, ngày kia có một nữ tu trước đây khi còn ở ngoài, học cùng lớp với anh đến thăm, động viên và tỏ lòng cảm thương với nỗi khốn khổ của anh; đồng thời trước khi ra về, chị nữ tu này đã tặng anh một đĩa audio cuốn sách Ý Nghĩa Sự Đau Khổ của Cha Tuyên dòng Chúa Cứu Thế, và cáo biệt ra về. Trong lúc buồn sầu chán sống, tự nhiên nhớ đến đĩa CD người bạn mới cho, liền nói bà xã cho vào máy mở nghe cho đỡ buồn thôi, nhưng không ngờ càng nghe càng thấy thấm thía thích nghe và tìm được niềm vui trở lại dần dần, nhất là anh đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống nhân sinh của con cái Chúa. Có lần anh tâm sự với tôi một cách rất tích cực rằng: Thưa Cha, nhờ bị mù hai mắt thể lý mà mắt tâm hồn con được mở ra, sáng lên và nhận ra đời thật vui tươi như Cha đang thấy nơi con đây. Lạ không, thưa bạn! 
Vâng đúng thế, tôi với bạn mỗi người chúng ta đều mang những tật nguyền và bệnh hoạn cả về tâm linh lẫn thể xác, và rất cần được chữa lành để sống khỏe, sống bình an hạnh phúc. Nhưng rất may mắn, loài người chúng ta có một Thiên Chúa là Cha, và Ngài không bao giờ mệt mỏi chữa lành những tật nguyền bệnh hoạn của con cái loài người hầu đem lại hạnh phúc đời này và đời sau trên nơi vĩnh phúc cho chúng ta.
Bài Tin mừng hôm nay soi dẫn cho biết mọi người chúng ta đều mắc những bệnh mù nguy hiểm, tuy mức độ khác nhau, nhưng không ai có thể tự hào là tôi không bị mù chút nào. Và tôi có thể tóm lại các bệnh mù thành ba loại như sau:
- Mù trong việc nhận biết Thiên Chúa là Cha Toàn Năng Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình...
- Mù trong việc nhận biết anh chị em của mình trên toàn thế giới.
- Mù trong việc nhận biết chính thân phận mình chỉ là hư vô bọt bèo, tất cả những gì mình có, mình là, mình làm được đều là do hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho. 
Vậy thì, Phải chăng mỗi lần chúng ta làm tôi phụng thờ Chúa,mỗi lần chúng ta tham dự cử hành phụng vụ,mỗi lần chúng ta cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, là mỗi lần chúng ta bớt bị mù hơn về Thiên Chúa là Cha hay yêu thương chúng ta?
Phải chăng mỗi lần chúng ta yêu thương,tha thứ, cảm thông và đối xử tử tế với một trong những người bé mọn của Thiên Chúa, là mỗi lần mắt tâm hồn chúng ta trở nên sáng hơn trong việc nhận ra anh chị em con cùng Cha, cùng Mẹ trên trời với mình?
Và phải chăng, mỗi lần chúng ta hạ mình khiêm tốn, không dám cho mình hơn ai,không dám nhận sức riêng mình có gì, vì tất cả đều là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho…,là mỗi lần chúng ta bớt bị mù,bớt bị hoa mắt hơn bởi những ảo tưởng muốn cho mình là cái rốn của vũ trụ này?
Thưa Bạn,
 Như vậy, có lẽ bạn và tôi cũng cần phải quỳ xuống mà cầu xin: Lậy Chúa xin cho chúng con được thấy, thấy Chúa, thấy anh chị em con,thấy chính mình con…để con dám can đảm sống như chúng con đã thấy.
Đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta có thể bị thử thách, bị cám dỗ,làm cho lời cầu nguyện có nguy cơ bỏ ngỏ dở dang, đứt đoạn vì thấy mãi mà chưa được thẩm nhận, làm chúng ta chán ngán muốn bỏ không tin, không cầu nguyện nữa, thì lúc đó, chính Chúa lại ra tay đích thân an ủi động viên khích lệ ta tiếp tục đi đến cùng của lời cầu nguyện với lòng tin tưởng hơn, như Chúa đã động viên người mù cứ vững tin khi thấy người ta ngăn cản không cho anh ta kêu gào to hơn lên tới Chúa.
 Nào bạn và tôi cứ tiếp tục gào lên, cứ tiếp tục gõ chiếc thùng hành khất của chúng ta cho đến khi nào Chúa đổ đầy ân sủng của Ngài vào, cho đến khi chúng ta nghe thấy Ngài nói với chúng ta lời đầy an ủi: “Lòng Tin của con đã cứu chữa con”, bạn nhé!  Chúc bạn thành công! 

Chúa nhật XXX - Thường Niên - Năm B
CHÚA CHỮA ANH MÙ BARTIMÊ
ĐGM. Nguyễn Khảm
Trong bài hát Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi, chúng ta hát lên: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục...” Chúng ta lại hát tiếp: “Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.
Lời kinh này không chỉ là một lời cầu nguyện mà còn là một lời kinh diễn tả lối sống đích thực của mỗi người Kitô hữu. Như vậy bổn phận của mình không phải chỉ là đem yêu thương vào nơi oán thù mà còn phải dọi ánh sáng vào nơi tối tăm.
Có một câu chuyện kể như thế này:
Một anh mù đi thăm một người bạn. Đã lâu không gặp nên đôi bạn hàn huyên mãi quên cả thời gian. Khi trời tối mịt thì anh mù mới cáo từ ra về. Anh bạn bảo: “Thôi để tôi thắp cho anh cái đèn, trời tối quá rồi”. Anh mù nghĩ là bạn muốn đùa nên trả lời: “Anh muốn đùa hả? Tôi mù thì ngày và đêm có khác gì nhau đâu”. Anh bạn vội vàng xin lỗi nói: “Tôi đâu có dám đùa với anh, ý tôi là anh nên cầm cái đèn để người ta sẽ thấy sáng và không đụng phải anh”. Anh mù nghe nói có lý liền vui vẻ hiên ngang xách đèn ra về. Đi được một đoạn thì có một người đi ngược chiều đụng phải, làm anh mù ngã xuống vệ đường. Quá tức giận, anh lồm cồm ngồi dậy chửi đổng: “Đồ đui, người ta cầm cái đèn sáng như thế này mà không thấy hả?”. Người kia liền mắng lại: “Mày mới là đồ đui, đèn tắt mẹ từ lúc nào mà còn chửi người ta”.
Coi chừng chúng ta lại rơi vào tình trạng như thế. Nếu mình rơi vào tình trạng đấy thì rất nguy hiểm. Làm sao có thể dọi ánh sáng vào nơi tối tăm khi mà chúng ta không có ánh sáng, hoặc ánh sáng chúng ta đã bị tắt ngấm từ lâu.
Đặt câu hỏi như thế thì chúng ta thấy anh mù Bactimê sẽ trở thành gần gũi với mình hơn. Anh ta không còn là khuôn mặt xa lạ của 20 thế kỷ trước, mà giờ đọc lại mình có cảm tưởng như là đọc truyện cổ tích. Anh ta giờ trở thành một khuôn mặt mời gọi mình suy nghĩ về vấn đề của chính cuộc đời mình.
Ngày nay người ta nói đến mù chữ, vài năm nay lại thêm mù vi tính. Một thứ mù về mặt trí tuệ. Phúc Âm kể cũng có lần Chúa Giêsu mắng các môn đệ: “Các ngươi có mắt mà cũng như mù”. Và đây là một thứ mù về mặt tâm linh.
Khi kể câu chuyện này tôi không nhắm đến mù thân xác, vì thời đó có rất nhiều người mù, nhưng Chúa Giêsu không chữa cho tất cả. Ngài chỉ chữa cho một số người mang tính biểu tượng. Cũng không phải thánh Maccô nói đến mù chữ, vì chúng ta không nghe kể Chúa Giêsu mở lớp tình thương để dạy học. Như vậy chắc chắn là thánh Macco nhấn mạnh mù về mặt tâm linh, mù về mặt tinh thần. Ta có thể hiểu như thế nào về tình trạng mù này?
Có một câu chuyện kể về các người mù rủ nhau đi xem voi. Xem xong thì cùng nhau ngồi lại bàn tán, mô tả xem con voi nó giống như cái gì?
Anh sờ được cái chân thì dõng dạc tuyên bố: con voi nó giống như cái cột nhà.
Anh khác thì oang oang: con voi nó giống như cái quạt. Vì anh này rờ được ngay cái tai của nó.
Còn các anh sờ cái bụng, cái vòi. Ta không biết họ sẽ mô tả con voi giống như cái gì.
Suy nghĩ kỹ chuyện này thì thấy cũng thấm thía lắm. Tôi muốn chia sẻ với anh chị em là: chúng ta có thể rơi vào tình trạng mù về mặt tinh thần, có nghĩa là ta không nhìn thấy được chân lý toàn diện về cuộc sống. Ta chỉ nhìn thấy chân lý phiến diện như anh mù mô tả con voi “nó giống như cái cột nhà”, như thế là rất phiến diện.
Từ 30 năm về trước, một nhà xã hội học Mỹ... đã lên tiếng về con người thời đại. Ông gọi: “Con người một chiều kích”. Tôi thấy nhận xét ấy vẫn đúng cho đến ngày nay và chắc có lẽ càng ngày sẽ càng đúng hơn.
Cuộc sống con người chúng ta được đan kết bằng nhiều chiều kích. Có một chiều kích hướng thượng, mình gọi là chiều dọc trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Có một chiều kích ngang nữa, trong quan hệ bình đẳng yêu thương đối với mọi người, và có một chiều quan hệ đối với thế giới vật chất.
Càng ngày con người ta càng quên mất cái chiều hướng thượng, quên mất mối quan hệ hàng ngang với anh em trong tình yêu thương, mà chỉ quan tâm đến quan hệ tình bạn với thế giới vật chất.
“Con người một chiều kích”. Chúng mình không khám phá, không sống được cái chân lý toàn diện về cuộc sống của con người. Nguyên nhân nào có thể dẫn đến tình trạng đó.
Trở lại với hoàn cảnh của những anh em khiếm thị. Hầu hết đều bị mù từ lúc mới sinh. Có một số do tai nạn sau này. Nếu hiểu mù là mình không thấy sự vật thì cũng có lúc mình cũng không nhìn thấy mặc dù mắt mình vẫn sáng. Chẳng hạn như có sự cố cúp điện hay lúc mình bị đau mắt phải lấy khăn che mắt cho đỡ chói, đỡ nhức. Những hình ảnh ấy khiến tôi nghĩ đến tình trạng mù về mặt tinh thần. Nếu bảo về tinh thần mù lòa từ lúc mới sinh thì không thể tin được.
Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa đều ban tặng cho mọi người khả năng nhận biết chân lý.
Ta có thể rơi vào tình trạng mù tâm linh là do nguyên nhân thứ 2, thứ 3. Nghĩa là mình thiếu ánh sáng. Do những hoàn cảnh và những môi trường sống.
Hiểu như vậy, ta thấy rằng hầu hết chúng ta đều là những người mù đáng thương về mặt tâm linh. Vì vậy, chúng ta hãy khiêm tốn chạy đến với Chúa để người chữa trị. Người sẽ giúp chúng ta nhìn thấy chân lý toàn vẹn. Người sẽ giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha của chúng ta và mọi người là anh em của ta. Người sẽ giúp ta nhận ra con đường tiến về nhà Cha trên Trời. Con đường đó là con đường Chúa Giêsu đã đi và đã tới đích. Và đó cũng là con đường hẹp, con đường ngược dốc, con đường thập giá nhưng là con đường dẫn đến sự sống vinh quang và vĩnh cửu. Amen.


**-dongcong.net 2012

Chúa nhật 30 thường niên, năm B-2015
Marco 10:46-52

“Con muốn Ta làm gì cho con? “ “Lạy Thầy xin cho con được thấy”.

Một linh mục bạn của tôi bị bệnh ung thư. Trong thời gian điều trị bệnh bằng hóa chất (chemotherapy), ngài bị mất khẩu vị. Vì muốn ăn để có sức đề kháng chống lại bệnh, ngài thường nghĩ tưởng về các món ăn hầu gia tăng khẩu vị đã bịt ê liệt do hóa chất gây ra. Sau khi xuất viện, ngài ngồi nghĩ về món gà luộc chấm muối chanh, và quyết định ra siêu thị mua gà về ăn.  Ngài luộc tất cả 3 con gà đã mua với ý nghĩ lạc quan và vui vẻ rằng sẽ ăn được càng nhiều càng tốt.  Sauk hi dọn gà lên bàn, ngài chỉ ăn được có một cái đùi gà mà thôi, rồi ngồn nhìn 3 con gà luộc phì cười mà nói: “Con gà trong đầu mình sao nó ngon thế, còn những con này sao nó giống vỏ cây trộn với nước sình!”

Đa số chúng ta đã từng kinh nghiệm, ở một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta muốn có ngay một cái gì hay một điều gì và thưởng thức liền. Chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự để có nó, Nhưng khi được rồi, chúng ta lại bị mắc cạn trong chính những ước muốn của mình, không thỏa mãn, ngong ngóng kiếm tìm cái khác và sau cùng bị rơi vào một tâm trạng trống rỗng! (Rm 13:14; Gl 5:16).

Để không trở thành nô lệ cho lòng ham muốn của mình, chúng ta nên tự hỏi cái mình muốn có phải là ý muốn của Thiên Chúa (1TX 4:3), là Đấng đã hứa rằng khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Ngài, Ngài sẽ nhận lời chúng ta không? Và trong bài Phúc âm hôm nay, Mc. 10:46-52, Chúa Giêsu đã làm điều này. Ngài nghe lời thỉnh cầu của người mù: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương con” (10:48). Nhưng trước khi đáp lại ước nguyện của anh, Chúa Giêsu đặt cho anh một câu hỏi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” (10:51). Tại sao Ngài lại hỏi câu hỏi này?

Câu hỏi này nghe giống như câu hỏi của linh mục hỏi cha mẹ mang con cái đến xin chịu phép rửa tội: “Ông bà hay Anh chị xin Hội thánh cho cháu điều gì?”

Theo linh mục Eugene Laverdiere, câu chuyện phúc âm hôm nay là đoạn kết luận của một phần khá dài và quan trọng trong phúc âm của Máccô, từ chương 8:22 đến chương 10:52. Chúa Giêsu nói ám chỉ về cuộc thương khó và phục sinh của Ngài, cũng như của những ai muốn bước theo ngài. Phần thứ nhất (8:31-9:29) : sự hy sinh phải có cho những ai muốn làm môn đệ ngài. “Ai muốn theo ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (8:34). Phần thứ hai (9:30-10:31) : liên hệ đến sự phục vụ trong cộng đoàn. “Ai muốn là người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (9:34). Phần thứ ba (10:32-46) : những đức tính để lãnh đạo trong cộng đoàn Kitô giáo. “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (10:38).

Kết hợp ba phần lại với nhau sẽ trình bày những đòi hỏi cần thiết cho những ai muốn đáp lại lời Chúa kêu mời để tạo thành người Kitô Hữu và được thanh tẩy trong phép Rửa tội. Câu chuyện anh mù Bartimê được Chúa Giêsu chữa lành có hai phần: anh mù đã được Chúa gọi như thé nào và anh đã đáp lại ra sao. Đây là câu chuyện của ơn kêu gọi để trở nên một người Kitô hữu. Câu chuyện của Phép Rửa Tội.

Theo Chúa Giêsu là chấp nhận thử thách.  Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem bước vào cuộc thương khó và sống lại. Anh mù ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe danh tiếng đồn thổi về Chúa Giêsu, anh la to: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương con” (10:48). Chúa Giêsu đã gọi anh lại.Anh vứt bỏ áo choàng, đứng dậy, đến với Chúa. Anh đã xin được nhìn thấy và đi theo Ngài cùng với các môn đệ trên đường lên Giêrusalem.

Anh mù được nhắc rõ tên là Bartimê, con ông Timê. Theo các nhà chú giải thánh kinh, đây là chỗ duy nhất rong Phúc âm nhất lãm – Maccô, Mathêu , và Luca – nhắc đến tên người được chữa lành. Sự nhấn mạnh bất thường đến tên người được chữa lành này ắt phải có một ý nghĩa.

Trong ngôn ngữ cổ của các sắc dân ở vùng ĐịaTrung Hải, một tên gọi không phải chỉ là một nhãn hiệu để nhận dạng một người, nhưng còn diễ tả cái nhân cách hay số mệnh cuả người đó. Theo tiếng Aramaic, Do Thái cổ, “Bartimaeus”, Bartimê có nghĩa là “người con trai, hay người ô uế.” Đây người ăn xin bị mù. Quan niện bình dân của người Do Thái cho rằng mù là một hình phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi hay sự ô uế (Ga 9:34).

Nhưng theo tiếng Hy Lạp, “Bartimaeus” cũng có thể hiểu là “người con trai, hay người vinh dự”. Nó chỉ cái bản chất và số phận nội tâm của một người. Với một tên mang hai ý nghĩa, Máccô có lẽ muốn nói với chúng ta rằng đây là một con người đáng được vinh danh nhưng đang sống trong một tình trạng bất hạnh. Và điều mà Chúa Giêsu đã làm cho anh, không phải chỉ là phục hồi cái nhìn thể lý, nhưng trên hết mọi sự, Ngài phục hồi cái phẩm giá và số phận đời đời của anh. Đây chính là ý nghĩa lời cầu xin của anh: “Lạy Thầy, xin cho con được thấy” (10:51).

Thật vậy, khi cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu gần tiến tới giai đoạn cuối cùng rồi mà các môn đệ vẫn chưa nhận ra sứ mạng của ngài là gì. Phêrô, các môn đệ và dân chúng giống như những người mù, có mắt để nhìn nhưng vẫn không thấy (8:18). Họ cần phải được chữa khỏi sự mù lòa tinh thần, để nhìn ra giá trị của ơn cứu rỗi qua cuộc thương khó và sống lại của Chúa Giêsu.

Helen Keler, một người mùa, câm và điếc, rất nổi tiếng với đời sống đức tin gương mẫu và mạnh mẽ, nhân ngày ra trường tốt nghiệp đại học đã nói: “Thà bị mù và nhìn bằng con tim còn hơn là có hai con mắt và chẳng nhìn thấy sự gì cả.”

Nghe tiếng Chúa Giêsu kêu gọi, anh mù Bartimê đã vứt bỏ áo choàng, đếng dậy, đến với Chúa. Trong phúc âm của Maccô (1:6) cũng như trong nhiều văn hóa áo choàng được kết hợp mật thiết với tư cách của một con người. Nó giống như tấm thẻ căn cước giúp nhận rạng ra một người là ai.  Để bước theo Chúa Giêsu, Bartimê đã phải cở bỏ chiếc áo cũ, biểu tượng của con người cũ, cách sống cũ.

Từ thời giáo hội sơ khai, mặc chiếc áo mới trong nghi thức Rửa tội đóng một vai trò biểu tượng rất quan trọng đối với người Kitô Hữu.  Theo sách Giáo Lý Công giáo, số 1243: “Y phục trắng tượng trưng cho sự người lãnh nhận phép Rửa tội ‘đã mặc lấy Chúa Kitô’” (Gl 3:27).

Chiếc áo trắng diễn tả một sự thay đổi sâu xa trên ba bình diện: Xét về hữu thể học hay nhân chủng học, sự thay đổi được diễn tả qua sự chết và sống lại, sinh ra và tái sinh. Xét về tâm lý, sự thay đổi được diễn tả qua những hình ảnh của ngày và đêm, bóng tối và ánh sáng. Xét về luân lý, nó diễn tả một sự biến đổi trong cách sống đạo đức và thánh thiện, trong lời nói, tư tưởng và hành động. Ở cả ba bình diện, phép Rửa Tội đưa một người từ bên này sang bờ bên kia, từ sự mù lòa của đêm tối tội lỗi qua ánh sáng của sự sống con cái Thiên Chúa (GLCG #1213, 1265).

Trong ý nghĩa này, chúng ta sẽ hiểu tại sao Chúa Giêsu lại hỏi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” (10:51). Như chúng ta biết, người mù là người đi xin ăn để sống.  Sự mù lòa là lý do duy nhất để anh kiếm tiền. Hiển nhiên là người mù ngồi bên vệ đường để xin tiền. Có người mù nào lại ngồi xin khách qua đường cho được nhìn thấy không?  Nếu có thì ắt hẳn người đó phải mang một ý muốn phi thường, một quyết tâm lớn lao, một ước muốn mà ít có người mù nào dám mơ ước, vì nó đã vượt ra ngoài khả năng của con người. Một ước muốn dựa trên niềm tin vào một Đấng Tối Cao. Do đó, khi Chúa Giêsu hỏi anh, câu hỏi của Ngài đã hàm ý: Anh có muốn tiền không? Hay là muốn được nhìn thấy? Anh có muốn mất tất cả mọi sự trong đời để chỉ lấy một điều tốt lành thôi không?  Anh có muốn nhẩy vào một thế giới mà anh không biết, nhưng lại là thế giới tốt hơn không? (Pl 1:23).

Có lần tôi vào thăm một trại cùi. Trước khi đến trại phải qua một khu phố chợ đông đức và kẹt xe, vì những người buôn bán và ăn xin lấn chiếm lòng đường. Nhìn thấy những người cùi ngồi ăn xin trên đường, tay chân băng bó với những vết máu đỏ, ruồi nhặng bu quanh thật ghe tởm, tôi quay sang hỏi một nhân viên làm việc trong bệnh viện cùi: “Bệnh cùi bây giờ đã chữa được chưa?” Anh cho biết với ngành y họchiện nay, bệnh viện đã có đủ thuốc chặn đứng được bệnh cùi rồi, nghĩa là bệnh cùi có thể chữa được.  Nhưng còn bệnh cùi tinh thần thì vãn chưa “khắc phục” được. Có nhiều người cùi tuy đã đượckhỏi bệnh rồi, nhưng vẫn nguỵ trang bệnh cùi bằng cách băng bó tay chân, lấy cá chết thối giã ra đắp lên cho ruồi nhặng bu lại, lấy thuốc đỏ bôi vào… để xin tiền! Xin tiền bằng bệnh cùi đã trở nên một nghề nghiệp để sống, mặc dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn không muốn vượt thoát ra khỏi cái lợi lộc vật chất do bệnh cùi mang lại. Họ bị bênh cùi tinh thần!

Anh mù Bartimê này thất khác thường! Anh không muốn tiền! Lời cầu xin của anh lại chẳng vĩ đại hơn lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan, hai môn đệ đã muốn xin Chúa cho một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả trong vinh quang của Ngài hay sao? (Mc 10:35-45). Anh lại không tốt hơn chàng thanh niên giàu có đến hỏi Chúa phải làm gì để được sống đời đời và sua cùng htì buồn bã bỏ đi vì ham mên của cải trần gian sao? (Mc 10:17-22).

Hôm nay nếu Chúa hỏi chúng ta: con muốn gì? Một cách thành thật chúng ta sẽ trả lời ra sao?  Giống như Giacôbê và Gioan, con muốn ngời bên hữu, bên tả, chỗ quyền lực tối cao trên thế giới này? Giống như người thanh niên giàu có, con cũng muốn giữ lại của cải trần gian? Con muốn xin những sự mà trong đời con chưa bao giờ thực hiện được? Con muốn có những cái mà con chưa bao giờ có?...

Con muốn Ta làm gì cho con?” Đây chính là câu hỏi phải suy nghĩ. Khi cầu nguyện: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” chúng ta nghĩ rằng lời cầu nguyện đó chỉ là một điểm nhỏ trong lời cầu nguyện của chúng ta, hay đó chính là lời cầu nguyện của cõi lòng ta? Thiên Chúa không phải là ông Già Noel – Santa Claus thích cho quà. Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ vui vẻ mà thôi, nhưng ngài muốn chúng ta nên thánh (Dt 12:14). Tất cả những gì Ngài ban cho chúng ta hay từ chối đều nhắm vào mục đích tối thượng này.

Chúng ta cứ tiếp tục cầu xin Chúa, nhưng không thể xem Chúa như “cái thẻ rút tiền ATM” – a divine ATM. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, và muốn ban cho chúng ta nhiều hơn là lòng chúng ta mong ước.

“Con muốn Ta làm gì cho con”? Một Thiên Chúa đầy hồng ân đang chờ đợi câu trả lời của chúng ta mỗi ngày.

Lm Nguyễn Thái -báo Hiệp nhất tháng 10-2015

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)