ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Kinh Truyền Tin Với ĐTC- CN 33 TN-B-2024

 

Kinh Truyền Tin 17/11/2024 : ĐIỀU GÌ QUA ĐI VÀ ĐIỀU GÌ CÒN LẠI

Trưa Chúa Nhật ngày 17/11/24, sau khi dâng Thánh Lễ tại Đền thờ thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thức 8, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, ngài đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 33 thường niên.

Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Trong Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay, Chúa Giêsu mô tả một cơn hoạn nạn: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng” (Mc 13,24). Đối mặt với cơn thống khổ này, nhiều người có thể nghĩ đến ngày tận thế, nhưng Chúa nhân cơ hội này đưa ra cho chúng ta một cách giải thích khác: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ không qua đâu” (Mc 13,31).

Chúng ta dừng lại ở diễn tả này: điều gì qua đi điều gì còn lại.

Trước hết, điều gì qua đi. Trong một số trường hợp của cuộc sống, khi chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng hoặc gặp một thất bại nào đó, hoặc khi chúng ta nhìn thấy nỗi đau do chiến tranh, bạo lực, thiên tai xảy ra xung quanh, chúng ta có cảm giác rằng mọi thứ đang đi đến hồi kết, và chúng cảnh báo chúng ta rằng ngay cả những điều tốt đẹp nhất cũng sẽ qua đi. Tuy nhiên, những khủng hoảng và thất bại vẫn quan trọng, dù nó đau đớn, bởi vì chúng dạy chúng ta phải coi trọng mọi thứ, không gắn chặt trái tim mình với những thực tại của thế giới này, bởi vì chúng sẽ qua đi: chúng sẽ tàn lụi.

Đồng thời Chúa Giêsu nói với chúng ta về điều gì còn lại. Mọi sự đều qua đi, nhưng lời Người sẽ không qua đi: Lời Chúa Giêsu còn lại mãi mãi. Do đó, Người mời gọi chúng ta hãy tin vào Tin Mừng, trong đó có lời hứa về ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu, và không còn phải sống trong nỗi thống khổ của sự chết nữa. Thực ra, trong khi mọi sự trôi qua, Chúa Kitô vẫn ở lại. Trong Chúa Kitô, một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm lại được những điều và những người đã qua đi và những người đã đồng hành cùng chúng ta trong hành trình trần thế. Dưới ánh sáng của lời hứa phục sinh này, mọi thực tại đều mang một ý nghĩa mới: mọi thứ đều chết và một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết, nhưng chúng ta sẽ không mất bất cứ điều gì mà chúng ta đã xây dựng và yêu thương, bởi vì cái chết sẽ là khởi đầu của một cuộc sống mới.

Anh chị em thân mến, ngay cả trong những hoạn nạn, khủng hoảng, thất bại, Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và lịch sử mà không sợ mất đi những gì kết thúc, nhưng vui với những gì còn lại. Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta một tương lai của sự sống và niềm vui.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta gắn bó với những thứ trần thế đang qua đi, chóng vánh, hay với Lời Chúa vẫn trường tồn và dẫn đưa chúng ta về cõi trường sinh? Chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này, nó sẽ giúp chúng ta.

Và chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Rất Thánh: Đức Maria, Đấng đã hoàn toàn phó thác cho Lời Chúa, để chuyển cầu cho chúng ta.

----

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc rằng, hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Người nghèo, với chủ đề là “Lời cầu nguyện của người nghèo vang lên tới Chúa” (Hc 21,5). Ngài cám ơn những sáng kiến tại các giáo phận để liên đới với những người thiệt thòi nhất. Và trong ngày này, “chúng ta cũng nhớ đến tất cả các nạn nhân trên đường: chúng ta cầu nguyện cho họ, cho gia đình của họ, và dấn thân ngăn ngừa tai hoạ này”.

Đức Thánh Cha cũng nhớ đến tất cả các ngư dân, nhân dịp Ngày Đánh cá Thế giới, được cử hành vào Thứ Năm này: Xin Đức Maria, Sao Biển, xin bảo vệ các ngư dân và gia đình của họ.

Cuối cùng ngài xin mọi người cầu nguyện cho hoà bình ở Ucraina, Palestine, Israel, Lebanon, Myanmar và Sudan. Ngài nhấn mạnh: “Chiến tranh khiến chúng ta trở nên vô nhân đạo, khiến chúng ta dung túng những tội ác không thể chấp nhận được. Các chính phủ phải lắng nghe tiếng kêu của người dân yêu cầu hòa bình.

 

 

THÁNH LỄ NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ 8

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật ngày 17/11/2024, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 8 cùng với rất đông các tín hữu tham dự, với các bài đọc Sách Thánh của Chúa Nhật tuần 33 thường niên, trong đó Chúa nói với các môn đệ về ngày Chúa quan lâm. Và “bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.

Vatican News

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời chúng ta vừa nghe có thể khơi dậy trong chúng ta cảm giác muộn phiền; thực ra, những lời ấy là một lời loan báo tuyệt vời về hy vọng. Thật vậy, một mặt Chúa Giêsu mô tả tâm trạng của những người đã chứng kiến ​​sự tàn phá thành Giêrusalem và nghĩ rằng đã đến thời tận thế, nhưng đồng thời Người lại công bố một điều lạ thường: chính vào giờ tối tăm và hoang tàn, đúng lúc mọi thứ tưởng chừng như sụp đổ thì Chúa đến, Chúa đến gần, Chúa tập họp chúng ta lại để cứu chúng ta.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta có một cái nhìn sắc bén hơn, với đôi mắt có khả năng “đọc được bên trong” các biến cố lịch sử, khám phá ra rằng, ngay cả trong nỗi thống khổ của tâm hồn và thời đại chúng ta, thì một niềm hy vọng không gì lay chuyển được vẫn toả sáng. Vì vậy, trong Ngày Thế giới Người nghèo này, chúng ta hãy chú ý đến hai thực tại này: nỗi thống khổ và niềm hy vọng, vốn luôn thách thức nhau diện đối diện trong tâm hồn chúng ta.

Trước hết là nỗi thống khổ. Đây là một cảm nhận phổ biến trong thời đại chúng ta, nơi truyền thông xã hội khuếch đại các vấn đề và vết thương, khiến thế giới trở nên bất an hơn và tương lai trở nên bất định hơn. Ngay cả Tin Mừng hôm nay cũng mở đầu bằng một bức tranh phóng chiếu nỗi đau khổ của con người vào vũ trụ, bằng ngôn ngữ khải huyền: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (Mc 13,24-25).

Nếu ánh mắt của chúng ta chỉ dừng lại ở tin tức về sự kiện thì nỗi thống khổ sẽ xâm chiếm chúng ta. Quả thực, ngay cả ngày nay, chúng ta thấy mặt trời tối sầm và mặt trăng tắt hẳn, chúng ta thấy nạn đói và túng quẫn đè nặng trên rất nhiều anh chị em không có gì để ăn, chúng ta thấy sự khủng khiếp của chiến tranh và những cái chết vô tội; và trước viễn cảnh này, chúng ta có nguy cơ chìm vào chán nản và không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thảm kịch của lịch sử. Vì vậy, chúng ta tự kết án mình vào tình trạng bất lực; chúng ta thấy sự bất công đang gia tăng xung quanh chúng ta, gây ra nỗi đau cho người nghèo, nhưng chúng ta lại hòa mình vào dòng chảy cam chịu của những người, vì sự thoải mái hoặc lười biếng, đã nghĩ rằng “thế giới là như thế” và “tôi cũng chẳng làm gì được”. Khi đó, ngay cả đức tin Kitô giáo cũng bị giảm xuống thành một lòng sùng kính vô hại, không làm xáo trộn các quyền lực của thế giới này và cũng chẳng có một dấn thân cụ thể nào đối với lòng bác ái. Và trong khi một phần thế giới bị buộc phải sống trong những khu ổ chuột của lịch sử, trong khi sự bất bình đẳng gia tăng và nền kinh tế vẫn luôn trừng phạt những người yếu thế nhất, trong khi xã hội hết mình chạy theo việc tôn thờ tiền bạc và tiêu dùng, thì điều xảy ra là người nghèo và những người bị loại trừ không thể làm gì khác hơn là tiếp tục chờ đợi (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 54).

Chúa thắp nên niềm hy vọng

Nhưng ở đây, Chúa Giêsu, giữa bức tranh khải huyền đó, đã thắp lên niềm hy vọng. Người mở ra chân trời, mở rộng cái nhìn của chúng ta để chúng ta học cách nhìn thấy, ngay cả trong sự bấp bênh và đau đớn của thế giới, thì sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa gần bên, không bỏ rơi chúng ta, hành động vì ơn cứu rỗi của chúng ta. Thực ra, khi mặt trời tối sầm, mặt trăng ngừng chiếu sáng và các ngôi sao từ trời rơi xuống, Tin Mừng nói, họ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Và Người “sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (c. 26-27).

Với những lời này, trước hết Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến cái chết của Người sẽ diễn ra ngay sau đó. Thật vậy, trên đồi Can-vê, mặt trời sẽ tối tăm và bóng tối sẽ bao trùm thế giới; nhưng ngay lúc đó, Con Người sẽ ngự trên mây mà đến, vì quyền năng phục sinh của Người sẽ phá tan xiềng xích của sự chết, và sự sống đời đời của Thiên Chúa sẽ trỗi dậy từ bóng tối và một thế giới mới sẽ được sinh ra từ đống đổ nát của một lịch sử bị tổn thương bởi sự ác.

Anh chị em thân mến, đây là niềm hy vọng mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta. Và Người cũng thực hiện điều đó bằng một hình ảnh rất đẹp. Người nói: hãy nhìn cây vả bởi vì “khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần” (c. 28). Tương tự như vậy, chúng ta cũng được mời gọi đọc các hoàn cảnh lịch sử trần thế của chúng ta: nơi dường như chỉ có sự bất công, đau khổ và nghèo đói, chính trong thời điểm bi thảm đó, Chúa đến gần để giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ và làm toả sáng sự sống (xem câu 29). Người trở nên gần gũi bằng sự gần gũi Kitô giáo của chúng ta, với tình huynh đệ Kitô giáo của chúng ta. Không phải là ném một đồng xu vào tay người đang cần được giúp đỡ. Tôi hỏi hai điều khi anh chị em bố thí: “Anh chị em chạm vào tay người khác hay vứt đồng xu mà không chạm vào họ? Anh chị em nhìn vào mắt người được giúp đỡ hay nhìn đi chỗ khác?”.

Chính chúng ta, những môn đệ của Người, nhờ Chúa Thánh Thần mới có thể gieo rắc niềm hy vọng này cho thế giới. Chúng ta là những người có thể và phải thắp lên ngọn đèn công lý và tình liên đới trong khi bóng tối của một thế giới khép kín đang bao phủ dày đặc (xem Enc. Fratelli tutti, 9-55). Chính chúng ta là những người được ân sủng của Người chiếu sáng, chính cuộc sống của chúng ta thấm đượm lòng thương xót và bác ái trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, luôn gần gũi với nỗi đau khổ của người nghèo, để xoa dịu vết thương của họ và thay đổi số phận của họ.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên: niềm hy vọng Kitô giáo, được nên trọn nơi Chúa Giêsu và được thể hiện trong Vương quốc của Người, cần đến chúng ta và sự dấn thân của chúng ta, cần một đức tin hành động trong đức ái, cần những Kitô hữu không ngoảnh mặt làm ngơ.

Một ví dụ cụ thể

Đức Thánh Cha kể một câu chuyện: “Tôi nhìn thấy một bức ảnh do một người Roma chụp: vào mùa đông lạnh, một cặp vợ chồng đứng tuổi rời khỏi một nhà hàng; người phụ nữ ăn mặc kỹ lưỡng với áo da và người đàn ông cũng vậy. Trước cửa có một bà nghèo ngồi dưới đất xin ăn, cả hai người đều nhìn lơ về hướng khác... Chuyện này xảy ra hàng ngày. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có nhìn lơ đi hướng khác khi nhìn thấy cảnh nghèo khó, những nhu cầu, nỗi đau của người khác không? Một nhà thần học thế kỷ 20 nói rằng đức tin Kitô giáo phải tạo ra trong chúng ta “một nền thần bí với đôi mắt mở rộng”, không phải là một nền linh đạo trốn tránh thế gian mà - trái lại - một đức tin mở mắt chúng ta trước những đau khổ của thế giới và nỗi bất hạnh của người nghèo, để thể hiện cùng lòng thương xót của Chúa Kitô. Tôi có cảm thấy có cùng một lòng thương xót như Chúa đối với người nghèo không, đối với những người không có việc làm, không có gì để ăn, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội không? Và chúng ta không chỉ phải nhìn vào những vấn đề lớn của tình trạng nghèo đói toàn cầu, mà còn phải nhìn vào những điều nhỏ nhặt mà tất cả chúng ta có thể làm hàng ngày với lối sống của mình, với sự quan tâm và chăm sóc đến môi trường nơi chúng ta đang sống, với sự kiên trì tìm kiếm công lý, với sự chia sẻ của cải của chúng ta với những người nghèo hơn, với những dấn thân chính trị và xã hội nhằm cải thiện thực tế xung quanh chúng ta. Đối với chúng ta, đó có thể là chuyện nhỏ, nhưng điều bé nhỏ của chúng ta sẽ như những mầm non đầu tiên nhú lên trên cây vả, điều bé nhỏ của chúng ta sẽ là báo hiệu cho mùa hè đang đến gần”.

Giáo hội trở nên chính mình qua phục vụ

Anh chị em thân mến, nhân Ngày Thế giới Người nghèo này, tôi muốn nhớ lại lời cảnh báo của Đức Hồng Y Martini. Ngài nói rằng chúng ta phải cẩn thận khi nghĩ rằng trước tiên phải có Giáo hội, vốn đã vững chắc, và sau đó là những người nghèo mà chúng ta chọn để chăm sóc. Thực ra, chúng ta trở thành Giáo hội của Chúa Giêsu trong mức độ chúng ta phục vụ người nghèo, bởi vì chỉ bằng cách này “Giáo hội mới ‘trở nên’ chính mình, nghĩa là Giáo hội trở nên một ngôi nhà rộng mở cho tất cả mọi người, một nơi của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với cuộc sống của mọi người” (C.M. MARTINI, Thành phố không có tường thành. Các thư và bài phát biểu gửi giáo phận 1984, Bologna 1985, 350).

Tôi nói điều đó với Giáo hội, tôi nói điều đó với các Chính phủ, và các Tổ chức quốc tế, tôi nói điều đó với mỗi người và mọi người: xin vui lòng, chúng ta đừng quên người nghèo.

 

ĐTC Phanxicô mời gọi Giáo hội Ý đồng hành cùng nước Ý vượt qua sự sợ hãi và khép kín

Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp đến Đại hội hiệp hành đầu tiên của Giáo hội Ý và khuyến khích các tham dự viên chuyển những điều đã suy tư trong những năm gần đây thành những lựa chọn và quyết định mang tính Phúc Âm, như một Giáo Hội cởi mở để lắng nghe Chúa Thánh Thần. Ngài thách thức Giáo hội Ý đáp ứng nhu cầu của xã hội và “chuẩn bị cho tương lai, vượt qua những thái độ phi Kitô giáo như vô vọng, nạn nhân hóa, sợ hãi và cố chấp”.

Vatican News

Đại hội hiệp hành đầu tiên của Giáo hội Ý được tổ chức tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành từ ngày 15 đến 17/11/2024, với sự tham dự của 943 người, gồm các Hồng y, Giám mục, Viện phụ, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và giáo dân, sau 3 năm đối thoại và phân định tròng Hành trình Hiệp hành.

Đừng sợ hãi

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc gặp gỡ vào tháng 5 năm nay, trong đó ngài đã chia sẻ ba hướng dẫn: tiếp tục bước đi, cùng nhau trở thành một Giáo hội và là một Giáo hội cởi mở.

Ngài nhận xét rằng các bản tóm tắt được các Giáo hội địa phương thu thập là bằng chứng về tính sống động được thể hiện trong cuộc hành trình, trong việc vun trồng tổng thể và trong phong cách cởi mở. Đó là những câu chuyện trong đó Chúa Thánh Thần hành động, nêu bật những chiều kích ưu tiên để khởi động lại một số tiến trình, thực hiện những lựa chọn can đảm, quay trở lại việc loan báo lời ngôn sứ của Tin Mừng, trở thành môn đệ truyền giáo. Đừng ngại căng buồm đón gió Thánh Thần!

Đưa ra những lựa chọn và quyết định mang tính Phúc Âm

Đề cập đến thái độ của vị ngôn sứ sống trong thời gian với cái nhìn đức tin được Lời Chúa soi sáng, một lần nữa Đức Thánh Cha nhắc lại vai trò thiết yếu của Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng, định hướng và làm cho cuộc đối thoại có kết quả. Do đó, vấn đề là chuyển những gì đã thu thập được trong những năm gần đây thành những lựa chọn và quyết định mang tính Phúc Âm. Và điều này được thực hiện trong sự vâng phục Thánh Thần.

Đồng hành bằng tình phụ tử và lòng nhân hậu

Hành động ở cấp độ hiệp hành, theo Đức Thánh Cha, có nghĩa là đặt các Giáo hội vào vị thế có thể “thực hiện tốt nhất” “sự dấn thân cho đất nước” của mình bằng cách bắt chước phong cách của Chúa Giêsu, Đấng biết cách hiểu những đau khổ và mong đợi của đám đông, nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Ngài mời gọi các vị Mục tử hãy tiếp tục đồng hành với cuộc hành trình này bằng tình phụ tử và lòng nhân hậu, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, đảm nhận trách nhiệm về những gì sẽ được quyết định.

 

 

7 tháng 11 năm 2021

ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B 

Thân ái chào anh chị em,

Cảnh tượng được bài Phúc Âm của Phụng vụ hôm nay xẩy ra ở bên trong Đền thờ Jerusalem. Chúa Giêsu nhìn, nhìn xem những gì xẩy ra ở nới ấy, nơi rất thánh, và thấy được cách thức thành phần luật sĩ thích đi đứng làm sao để cho người khác chú ý tới mình, chào hỏi mình, kính trọng mình và ngồi vào những chỗ danh dự. Chúa Giêsu đã cho biết thêm rằng "họ nuốt trửng nhà cửa của các bà góa và cầu nguyện lâu giờ để cho mọi người thấy" (Mk 12:40). Đồng thời mắt của Người cũng chú ý đến một cảnh tượng khác nữa, đó là cảnh một bà góa nghèo, một trong những kẻ bị khai thác lạm dụng bởi thành phần quyền lực, bỏ vào kho bạc của Đền thờ "hết mọi sự bà có để sống" (v.44). Bài Phúc Âm viết như thế, bà bỏ hết mọi sự bà có để sống vào kho bạc của Đền thờ này. Bài Phúc Âm cho chúng ta thấy cảnh tưởng phản khắc kịch liệt này: người giầu thì cống hiến những gì thặng dư để được nhìn thấy, còn người đàn bà nghèo, vô danh tiểu tốt, cúng vào tất cả những gì nhỏ mọn của bà. Hai biểu tượng về các thái độ của con người.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy hai cảnh tượng này. Chính động từ này - "nhìn xem" - bao gồm giáo huấn của Người: từ những ai sống đức tin một cách nhị trùng, như những tay ký lục, "chúng ta cần phải coi chừng" để không trở nên giống như họ; còn người đàn bà góa bụa thì chúng ta cần phải "nhìn xem" để theo gương của bà. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: hãy coi chừng thành phần giả hình và hãy nhìn xem bà góa nghèo.

Trước hết, hãy coi chừng thành phần giả hình, tức là hãy cẩn thận đừng sống theo kiểu sùng bái hình thức, bề ngoài, chú trọng quá đáng đến hình ảnh của mình. Nhất là hãy thận trọng đừng uốn cong đức tin theo các thứ lợi lộc của mình. Những tay ký lục đã che đậy vinh quang của họ bằng danh thánh của Thiên Chúa, thậm chí còn tệ hơn nữa, đã sử dụng tôn giáo để làm thương mại, bằng việc lạm dụng quyền bính của mình và khai thác bóc lột người nghèo. Ở đây chúng ta thấy thái độ ấy xấu xa đến nỗi ngày nay chúng ta vẫn còn thấy ở nhiều nơi, ở nhiều chốn, thứ giáo sĩ trị này, thái độ ở trên kẻ thấp hèn, khai thác họ, "đánh đập" họ, cho mình là thiện hảo. Đó là sự dữ của thứ chủ nghĩa giáo sĩ trị. Nó là một cảnh báo cho tất cả mọi thời đại và cho tất cả mọi người, cả Giáo Hội lẫn xã hội: không bao giờ được lợi dụng vai trò của bạn để chà đạp người khác, không bao giờ được kiếm chác trên xương máu của thành phần yếu kém nhất! Hãy tỉnh táo để đừng bị rơi vào những gì là hư ảo, nhờ đó chúng ta không dính liền với dáng dấp bề ngoài, mất đi những gì là bản chất, và sống một cách nông nổi. Chúng ta hãy tự vấn xem rằng có ích cho chúng ta hay chăng nơi những gì chúng ta nói và làm. Chúng ta có muốn được tri ân cảm tạ hay chúng ta chỉ muốn phụng vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân thôi, nhất là thành phần hèn yếu nhất? Chúng ta hãy coi chừng những lầm lạc của tâm can, hãy coi chừng những gì là giả hình, một căn bệnh nguy hiểm của linh hồn! Nó là một thứ suy nghĩ nước đôi, một phán đoán hai mặt, kiểu "che đậy", bề ngoài thì thế này mà "ẩn nấp" một cái gì đó, mà lại có ý đồ khác. Con người có tâm hồn hai mặt, sống giả hình, một chứng bệnh nguy hiểm của linh hồn!

Để chữa cho khỏi thứ bệnh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn xem bà góa nghèo. Chúa cho chúng ta thấy việc người đàn bà này bóc lột bản thân mình, đến độ để thực hiện việc dâng cúng vào kho bạc của Đền thờ, bà trở về chẳng còn gì để sống. Quan trọng biết bao trong việc giải thoát những gì là linh thánh cho khỏi những ràng buộc với bạc tiền! Chúa Giêsu đã nói về điều này ở một chỗ khác, đó là người ta không thể làm tôi hai chủ. Một là bạn phụng sự Thiên Chúa - và chúng ta nghĩ rằng Người nói "hai là ma quỉ", không phải thế - một là Thiên Chúa hay là tiền bạc. Tiền bạc là chủ tể, và Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không được phục vụ nó. Thế nhưng Chúa Giêsu đồng thời ca ngợi sự kiện là bà góa này đã bỏ hết mọi sự bà có vào kho bạc của Đền thờ. Bà chẳng còn lại gì, nhưng bà lại có hết mọi sự trong Thiên Chúa. Bà không sợ mất đi cả một chút bà có, vì bà tin tưởng vào những gì là phong phú của Thiên Chúa, và cái phong phú này của Thiên Chúa làm tăng bội niềm vui của những ai biết cống hiến. Điều này cũng làm cho chúng ta nghĩ đến bà góa khác, bà góa với tiên tri Elia, bà góa sắp sửa làm một chiếc bánh với chút bột và dấu cuối cùng bà có; Elia bảo bà: "Xin bà cho tôi ăn" và bà đã đáp ứng; thế rồi bột đã không bao giờ cạn, đúng là một phép lạ (cf. 1 Kings17.9-16). Chúa luôn luôn, để đối lại với lòng quảng đại của con người, còn đi xa hơn thế nữa, Ngài rộng lượng hơn thế nữa. Thế nhưng, Ngài  chứ không phải là lòng tham lam. Bởi thế mà ở đây Chúa Giêsu mới coi bà góa này như là một bậc thày dạy đức tin, ở chỗ bà không đi đến Đền Thờ để lương tâm của bà được tỏ tường minh bạch, bà không cầu nguyện cho người ta thấy, bà không phô trương đức tin của bà, nhưng bà dâng cúng bằng cả tấm lòng, một cách quảng đại và vô tư. Những đồng bạc cắc của bà còn có giá trị hơn cả những dâng cúng dồi dào của thành phần giầu có, vì những đồng bạc cắc ấy thể hiện một đời sống chân thành sống cho Thiên Chúa, một đức tin không sống theo dáng vẻ bề ngoài mà là bằng một lòng tin tưởng vô điều kiện. Chúng ta học được từ bà một đức tin không bị vướng víu hình thức bề ngoài, mà là thành tâm; một đức tin do bởi lòng khiêm hạ kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em.

Giờ đây chúng ta hãy hướng về Trinh Nữ Maria, vị đã biến toàn thể cuộc sống của Mẹ, bằng một tấm lòng khiêm hạ và trong sáng, thành một của hiến dâng cho Thiên Chúa cũng như cho dân của Ngài.  

https://www.vatican.va/content/francesco/it/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20211107.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

 

 

 

Chúa nhật 33 thường niên, năm B

18 tháng 11-2018

ĐTC PHANXICÔ - BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN,

lễ cung hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Đền Thờ Thánh Phaolô

CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO II 2018 (18/11)

 

"đường lối Chúa Giêsu bảo chúng ta tiến bước: đó là đi lên với Thiên Chúa và đi xuống với anh chị em của chúng ta".

"Cái bí quyết lèo lái là ở chỗ mời Chúa Giêsu lên thuyền.

Cái bánh lái của cuộc sống cần phải được trao cho Người, để Người có thể lèo lái...

Có Người ở trên thuyền sẽ chẳng bao giờ có chuyện chìm xuồng!"

"Bất công là gốc rễ sâu xa ung độc của nghèo khổ.

Tiếng kêu của người nghèo hằng ngày càng to lơn những lại càng được đáp ứng ít hơn.

Hằng ngày tiếng kêu đó to hơn, nhưng hằng ngày lại được đáp ứng ít hơn,

bị chìm lỉm bởi cái ầm ĩ của thiểu số giầu sang, những con người càng ít hơn mà lại giầu hơn".

Chúng ta hãy để ý đến 3 điều Chúa Giêsu làm trong bài Phúc Âm hôm nay.

Điều thứ nhất đó là đang lúc còn ban ngày thì Người "bỏ đi". Người bỏ đám đông ngay vào lúc thành công nhất của Người, được hoan hô vì việc Người hóa bánh ra nhiều. Mặc dù các môn đệ muốn hưởng vinh quang Người đã bảo các vị là hãy đi trước đoạn Người giải tán đám đông (xem Mathêu 14:22-23). Được dân chúng tìm kiếm, Người đã ẩn mình đi; khi cơn sốt mến mộ hạ xuống thì Người lên núi cầu nguyện. Sau đó, vào lúc nửa đêm, Người xuống núi và đến cùng các môn đệ, bằng việc bước đi trên nước đang cơn gió động. Qua tất cả những điều ấy Chúa Giêsu đều lội ngược giòng: trước hết, Người bỏ lại thành công sau lưng, rồi cả những gì là tĩnh lặng nữa. Người dạy chúng ta hãy can đảm lìa bỏ: bỏ lại sau lưng cái thành đạt kiêu hãnh và cái tĩnh lặng sát hại linh hồn.

Đi đâu? Đi đến với Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện, cũng như đến với những ai đang cần bằng tình yêu thương. Đó là những kho tàng trong đời sống: Thiên Chúa và tha nhân của chúng ta. Và đó là đường lối Chúa Giêsu bảo chúng ta tiến bước: đó là đi lên với Thiên Chúa và đi xuống với anh chị em của chúng ta. Người tách chúng ta ra khỏi việc lang thang trong những đồng cỏ thoải mái của đời sống, khỏi sống một cuộc đời dễ dãi giữa những thú vui nho nhỏ hằng ngày. Các môn đệ của Người không được tìm kiếm sự tĩnh lặng chẳng còn biết đến chung quanh của một đời sống bình thường. Như Chúa Giêsu, các vị đang đi theo đường lối rạng ngời thì hãy sẵn sàng bỏ lại những vinh quang trong chốc lát, cẩn thận đừng dính bén với những sản vật mau qua. Kitô hữu biết rằng quê hương của mình ở một nơi khác, nơi mà ngay hiện tại họ - như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta ở Bài Đọc 2 - "là các công dân cùng với các thánh và các phần tử của gia đình Thiên Chúa" (xem Epheso 2:19). Họ vốn là thành phần lữ hành. Chúng ta không sống để tích lũy; vinh quang của chúng ta là ở chỗ bỏ lại những gì qua đi để nắm lấy những gì vững bền. Chúng ta hãy xin Chúa làm cho chúng ta như Giáo Hội được diễn tả ở Bài Đọc 1: luôn chuyển động, tốt lành khi lìa bỏ và trung thành nơi phục vụ (xem Tông Vụ 28:11-14). Lạy Chúa, xin khuấy động chúng con lên cho khỏi cái trầm lặng nhàn rỗi của chúng con, cho khỏi cái khoảng vắng lặng lẽ nơi những bến bờ an toàn của chúng con. Xin hãy giải thoát chúng con khỏi những cái cột neo trầm mình nhận chìm đời sống; xin hãy giải thoát chúng con khỏi việc liên lỉ tìm kiếm thành công. Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết "lìa bỏ" để lên đường mà Chúa đã cho chúng con thấy, đó là đến cùng Thiên Chúa và cùng tha nhân của chúng con. 

Điều thứ hai đó là Chúa Giêsu trấn an giữa đêm trường. Người đến cùng các môn đệ của Người, trong bóng tối, bằng cách bước "đi trên biển" (câu 25). "Biển" ở trường hợp này thực sự là một cái hồ, nhưng ý nghĩ về "biển" này, theo chiều sâu u ám của nó, ám chỉ quyền lực sự dữ. Thật vậy, Chúa Giêsu đến gặp các môn đệ của Người bằng việc đạp lên những kẻ thù ác hiểm của nhân loại. Và đó là ý nghĩa của dấu hiệu, ở chỗ, thay vì là một quyền lực tỏ ra vinh thắng lại là một mạc khải về niềm tin tưởng vững chắc rằng Chúa Giêsu, và chỉ có một mình Chúa Giêsu mà thôi, chiến thắng các kẻ thù hung dữ nhất của chúng ta, đó là ma quỉ, tội lỗi, tử thần, sợ hãi, thế tục. Hôm nay, Người nói với cả chúng ta là: "Thày đây, cứ an tâm, đừng sợ" (câu 27).

Con thuyền của đời sống chúng ta thường bị ngả nghiêng và bị vùi dập bởi phong ba bão tố. Ngay cả khi nước có yên thì nó chẳng mấy chốc lại động lên. Khi chúng ta bị lọt vào những cơn bão tố này, chúng dường như chỉ là vấn đề của chúng ta. Thế nhưng vấn đề ấy không phải là con bão tố chốc lát ấy, mà là chúng ta làm thế nào để lèo lái cuộc đời của mình. Cái bí quyết lèo lái là ở chỗ mời Chúa Giêsu lên thuyền. Cái bánh lái của cuộc sống cần phải được trao cho Người, để Người có thể lèo lái. Chỉ có một mình Người mới cống hiến sự sống nơi cái chết và niềm hy vọng khi khổ đau mà thôi; chỉ có một mình Người chữa lành tâm can của chúng ta bằng việc tha thứ của Người và giải thoát chúng ta khỏi nỗi lo âu sợ hãi bằng cách thông ban niềm tin tưởng cậy trông. Hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Như các môn đệ, chúng ta sẽ nhận ra rằng một khi Người ở trên thuyền thì giông tố liền lặng yên (xem câu 32), và không thể nào có chuyện chìm xuồng. Có Người ở trên thuyền sẽ chẳng bao giờ có chuyện chìm xuồng! Chỉ với Chúa Giêsu chúng ta mới có thể cống hiến niềm an ủi đích thực. Nó không phải là những lời phấn khích trống rỗng, sự hiện diện của Chúa Giêsu là nhũng gì ban sức mạnh. Lạy Chúa, xin hãy trấn an chúng con: được Chúa an ủi, chúng con mới có thể mang niềm ủi an thực sự đến cho người khác.

Điều thứ ba Chúa Giêsu làm đó là giữa sóng gió ba đào Người đưa bàn tay của Người ra (xem câu 31). Người nắm lấy Thánh Phêrô, vị mà vì sợ hãi và ngờ vực, đang chìm xuống và kêu lên rằng: "Chúa ơi cứu con với!" (câu 30). Chúng ta có thể đặt mình vào trường hợp của Thánh Phêrô: chúng ta là thành phần kém đức tin, khẩn xin được cứu độ. Chúng ta đang mong muốn trong đời sống thực sự và chúng ta cần đến bàn tay đưa ra của Chúa để cứu chúng ta khỏi sự dữ. Đó là khởi điểm của đức tin: là dẹp bỏ niềm kiêu hãnh khiến chúng ta cảm thấy tự mãn mà nhận rằng chúng ta cần được cứu độ. Đức tin tăng trưởng ở nơi trạng thái ấy, một trạng thái chúng ta thích ứng bản thân mình bằng việc chiếm lấy chỗ của mình bên cạnh những ai không làm chủ mình hơn là cần kêu van được cứu giúp. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta cần sống đức tin của chúng ta liên kết với những ai cần giúp đỡ. Đó không phải là một chọn lựa có tính cách xã hội học, không phải là kiểu cách của một giáo triều này; mà là một đòi hỏi có tính cách thần học. Nó đòi phải nhận biệt rằng chúng ta là thành phần ăn mày ăn xin ơn cứu độ, là anh chị em của tất cả mọi người, đặc biệt là của người nghèo được Chúa yêu thương. Có thế chúng ta mới ấp ủ tinh thần của Phúc Âm. "Tinh thần nghèo khó và tinh thần yêu thương thật sự là vinh quang và là chứng từ của Giáo Hội Chúa Kitô" (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng 88).

Chúa Giêsu đã nghe thấy tiếng kêu của Thánh Phêrô. Chúng ta hãy xin ơn biết nghe thấy tiếng của tất cả những ai bị nghiêng ngả bởi sóng gió cuộc đời. Tiếng kêu của người nghèo: đó là tiếng kêu tắc nghẹn của thai nhi, của trẻ em bị đói khổ, của giới trẻ thường được sử dụng nổ bom hơn là la hò vui chơi. Nó là tiếng kêu của các vị lão thành, bị loại trừ và bị bỏ mặc. Đó là tiếng kêu của tất cả những ai đang đương đầu với bão tố của cuộc đời mà không có bạn bè tâm giao. Nó là tiếng kêu của tất cả những ai tháo chạy khỏi nhà cửa và quê hương của mình cho một tương lai bất định. Đó là tiếng kêu của tất cả những dân nước, bị hụt hẫng ngay cả chính những nguồn lợi thiên nhiên dồi dào ở trong tay họ. Đó là tiếng kêu của mọi Lazarô đang khóc lóc trong khi một thiểu số đang hoan hưởng những gì thuộc về tất cả mọi người theo công bằng. Bất công là gốc rễ sâu xa ung độc của nghèo khổ. Tiếng kêu của người nghèo hằng ngày càng to lơn những lại càng được đáp ứng ít hơn. Hằng ngày tiếng kêu đó to hơn, nhưng hằng ngày lại được đáp ứng ít hơn, bị chìm lỉm bởi cái ầm ĩ của thiểu số giầu sang, những con người càng ít hơn mà lại giầu hơn.

Trước sự khinh khi nhân phẩm của con người, chúng ta thường cứ khoanh tay lại hay giơ lên như dấu hiệu đầu hàng trước quyền lực hung dữ của sự dữ. Tuy nhiên, Kitô hữu chúng ta không thể đứng khoanh tay một cách dửng dưng lạnh lùng, hay giơ lên một cách vô vọng. Không. Là thành phần tín hữu, chúng ta cần phải giơ tay ra, như Chúa Giêsu đã làm đối với chúng ta. Tiếng kêu của người nghèo được Thiên Chúa lắng nghe. Tuy nhiên, tôi xin hỏi nhé, còn chúng ta thì sao? Chúng ta có mắt để thấy, có tai để nghe, có tay để giơ ra cứu giúp hay chăng? Hay chúng ta cứ lập đi lập lại rằng: "Xin trở lại ngày mai?" "Chính Chúa Kitô, nơi bản thân của người nghèo, kêu gọi môn đệ của Người yêu thương " (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, loc. cit.). Người xin chúng ta hãy nhìn nhận Người ở nơi tất cả những ai đói khát, nơi kẻ xa lạ và những ai bị tước mất phẩm giá, nơi người yếu bệnh cũng như nơi những tù nhân (xem Mt 25:35-36).

Chúa giơ tay của Người ra, một cách tự nguyện chứ không phải vì phận sự cần phải làm. Chúng ta cũng cần phải như thế nữa. Chúng ta không được kêu gọi để hành thiện chỉ cho những ai yêu thích chúng ta. Điều đó là chuyện bình thường, nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta làm hơn thế nữa (xem Mathêu 5:46): đó là cống hiến cho những ai không có gì đền trả, yêu thương một cách nhưng không (xem Luca 6:32-36). Chúng ta hãy nhìn chung quanh trong ngày sống của mình. Đối với tất cả những gì chúng ta làm, chúng ta có làm bất cứ điều gì hoàn toàn vô tư hay chăng, làm một điều gì đó cho một người không thể đền đáp chúng ta? Đó mới là bàn tay giơ ra của chúng ta, kho tàng đích thực trên trời của chúng ta.

Lạy Chúa, xin hãy giơ tay ra cho chúng con, và nắm lấy chúng con. Xin hãy giúp chúng con biết yêu thương như Chúa đã thương yêu. Xin hãy dạy chúng con biết bỏ lại tất cả những gì đang qua đi, biết trở nên nguồn bảo toàn cho những ai quanh chúng con, và biết cho đi một cách nhưng không những ai cần giúp đỡ. Amen.

cao tấn tĩnh dịch

Bài giảng hôm nay của ĐTC Phanxicô không theo PVLC của Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm B mà là theo Lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.

Vua Constantin Cả (270-337) đã chiến thắng quân Maxence dưới tường thành Rôma năm 312, nhờ sự xuất hiện lạ lùng của cây Thánh Giá lơ lửng giữa không trung với hàng chữ: "In hoc signo vince" (Tin vào dấu này, ông sẽ thắng). Năm 313, ngài đã ban hành chiếu chỉ (Edit de Milan) chấm dứt cuộc bách hại người Công Giáo và cho tự do tôn giáo. Sau đó, năm 323, nhà vua mới thật sự trở lại Công giáo. Ðể tỏ lòng biết ơn về chiến thắng Maxence, ngài đã xây cất nhiều đại thánh đường nguy nga, trong số đó phải kể vương cung thánh đường thánh Phêrô và thánh Phaolô.Ðền thờ thánh Phêrô được xây cất năm 326 và Ðền thờ thánh Phaolô được xây cất trên đường Ostie, bên "ngoài thành" Vatican, và được thánh hiến cũng cùng một ngày với đền thánh Phêrô.  

Trong bài giảng của mình, ở phần dưới, 1/3 bài giảng, ngài cũng căn cứ vào một cử chỉ của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm để nói về Ngày Thế Giới Người Nghèo.  Tuy nhiên, trong Bài Huấn Từ Truyền Tin sau Thánh Lễ, ngài cũng đã nói qua một chút về ý nghĩa của Bài Phúc Âm CN 33 này như sau:

"Trong đoạn Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này (xem Marco 13:24-32), Chúa muốn hướng dẫn các môn đệ của Người về các biến cố tương lai. Trước hết, nó không phải là một bài nói về ngày cùng tháng tận của thế giới; đúng hơn nó là lời mời gọi sống hiện tại một cách tốt đẹp, và tỉnh thức cùng luôn sẵn sàng khi chúng ta được gọi trẻ lẽ về đời sống của chúng ta" 

Sau Huấn Từ Truyền Tin, ngài có đề cập đến Ngày Thế Giới Người Nghèo 2018 như thế này:

Nhân dịp Ngày Thế Giới Người Nghèo hôm nay, tôi đã cử hành Lễ sáng hôm nay ở Đền Thờ Thánh Phêrô có sự tham dự của người nghèo, được đồng hành bởi các Hiệp hội và các nhóm giáo xứ. Chốc lát nữa đây tôi sẽ dùng bữa trưa với họ ở Sảnh Đường Phaolô VI với nhiều người nghèo. Các sáng kiến cầu nguyện và chia sẻ tương tự như thế đang được tổ chức ở các giáo phận trên thế giới, hầu bảy tỏ sự gần gữi của cộng đồng Kitô hữu với tất cả những ai đang sống thân phận nghèo khổ. Ngày này đây, một ngày bao gồm cáng nhiều giáo xứ, các Hội đoàn, và các Phong trào của Giáo Hội, muốn trở thành một dấu hiệu của niềm hy vọng và là một kích tố trở nên khí cụ thương xót nơi guồng máy xã hội".

 

+ November 18, 2024