dongcong.net
 

 

 
CHIA SẺ TIN MỪNG
 
 
Alphonse Marie Trần Bình An
 
<<<    

Chia sẻ Tin Mừng CN Lòng Thương Xót năm 2016 (Ga 20, 19-31)

Hồng Ân Đức Tin

Từ 4 tuổi, cậu ấm Nguyễn Văn Thích đã được Thân phụ dạy chữ Hán, rồi lớn lên vác lều chỏng thi Hương, đến trường ba thì hỏng (chuẩn bị bằng Cử nhân). Thời gian nầy, cậu Thích cũng học chữ quốc ngữ và chữ Pháp rồi vào trường Pèlerin gọi là «Trường Dòng» do các Sư huynh Lasan điều khiển và giảng dạy, ở Huế. Trường nầy được thành lập năm 1904 và học sinh Nguyễn văn Thích thuộc thế hệ đầu tiên được các Sư huynh truyền dạy kiến thức cả đời lẫn đạo. Nơi đây cậu ấm được học hỏi, trau dồi tiếng Pháp và được khai tâm về Giáo lý Kitô giáo. Không chỉ những lời giảng dạy, mà còn gương sống hy sinh tận tụy của các «Thầy Dòng» đã giúp học sinh con nhà Nho thấy được phần hòa âm tuyệt diệu giữa Nho giáo và ánh sáng Tin Mừng. Về sau, khi Thân phụ là Cụ Thượng Mại chống đối mạnh mẽ đạo Công giáo, thì cậu giải thích cho Thân Phụ rằng chữ TRỜI là THIÊN của Khổng giáo cũng là THIÊN CHÚA của đạo Công giáo. Sau khi trưng dẫn 30 câu trong các sách Nho về chữ THIÊN, thầy Nguyễn Văn Thích trình bày: chữ Thiên đây không phải là bầu trời với trăng sao vằng vặc, hay mặt trời chói lọi, mà là một Ngôi vị thiêng liêng, là Đấng Tạo Hóa Tối Cao và Toàn Năng Toàn Ái.

Nhưng từ lòng Tin vào Đấng Tối Thiện đến thể hiện niềm Tin ấy đối với đứa con một gia đình thâm nho, như gia đình của cụ Thượng Mại là Thượng Thư Bộ Lễ, không phải là chuyện đơn giản. Thời đó Giáo hội Công giáo không chấp nhận việc thờ kính tổ tiên, ngăn cấm người Công giáo thi hành nghi lễ này. Trong khi đó đối với truyền thống đạo đức Việt Nam, chữ HIẾU, với lòng thảo kính tổ tiên, ông bà cha mẹ là thiêng liêng, là nền tảng của đạo làm người. Do đó, Thầy Thích vô cùng khắc khoải, vì trở nên Công giáo sẽ bị xem là bất hiếu, nhất là trong một gia đình nổi tiếng, vị vọng của đất thần kinh. Ông Bà Nguyễn văn Mại khi biết con mình muốn theo đạo Công giáo thì quyết liệt ngăn cản.

Sau 3 năm suy tư, trở trăn và cầu nguyện, cậu ấm Thích chờ thời điểm thuận lợi. Với bằng Cao đẳng Tiểu học và một năm Sư phạm, Thầy Thích được bổ làm trợ giáo tỉnh Khánh Hoà tháng 2-1911. Bốn tháng sau, ánh sáng Đức tin tỏ rạng trong tâm hồn, thúc giục thầy quyết định nhận bí tích Rửa tội để trở nên con cái Thiên Chúa. Linh mục Charles Eugène Saulcoy, tên Việt là Cố Ngoan, ngày 29 tháng 6, tại Nhà thờ Bình Cang, xã Vĩnh Trung, Nha Trang, đã ban phép Thanh Tẩy cho Thầy giáo Thích với tên thánh là Giuse Maria. Được tin sét đánh, cụ Thượng không cầm nổi tức giận, dùng roi gậy đánh nhừ tử «đứa con bất hiếu». Khi cơn gia biến dịu dần với thời gian, Cụ Thượng thân phụ nghĩ đến việc lập gia đình cho con trai đã 26 tuổi. Cụ mời Đức Cha Lý (Cố Allys) đến nhà, xin Đức Cha làm mai mối với con gái Cụ Thượng Công giáo Nguyễn Hữu Bài, để con mình yên phận, không còn gây thêm tai vạ nữa. Ngờ đâu, khi được «hung tin» này, môn đệ của Đức Giêsu lấy quyết định từ giã gia đình qúy tộc…

Một đêm thanh vắng, thầy Giuse Maria hoá trang làm cô gái đội nón lá, mặc áo dài tha thướt ra đi, sáng sớm tháng 9 năm 1917, trực chỉ đến Tiểu chủng viện An Ninh tại Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Muốn được nhận vào Tiểu chủng viện thường là 12 đến 14 tuổi, mà thầy Thích đã 26 tuổi thì phải làm sao đây? May mắn là Giám mục Lý (Allys) nắm rõ hoàn cảnh, nên nhận ngay người chủng sinh rất độc đáo nầy, vừa học tiếng Latinh và chương trình đào tạo linh mục, vừa được mời làm giáo sư Pháp văn, Hán văn, Quốc văn cho chủng sinh. Sau 2 năm tu tập vừa làm trò vừa làm thầy nơi đây, thầy giáo «tiểu chủng sinh» được gửi vào Đại chủng viện Phú Xuân, Huế, và 6 năm sau được thụ phong Linh mục ngày 18 tháng 12 năm 1926. (Lm GM Nguyễn Văn Thích, Gương sống đức tin, web GP Nha Trang)

Hành trình đến với Đức Tin của Lm GM. Nguyễn Văn Thích, vốn được các môn sinh tôn xưng là “Hiền Nhân của thời đại,” trải qua bao khó khăn, gian nan, thử thách. Nhưng nhờ ơn Thiên Chúa, ngài đã thủ đắc đức tin và làm rạng danh Nước Chúa qua cuộc đời chứng nhân ngời sáng đạo hạnh, tài năng và đặc sắc.

Trong Tin Mừng Chúa nhật Lòng Thương Xót hôm nay, thánh sử Gioan phác hoạ đôi nét về Đức Tin, qua sự kiện ông Tôma cứng lòng, yêu cầu được xỏ ngón tay vào cạnh sườn Chúa Giêsu Phục Sinh, thì mới chịu khẳng định Người sống lại thật.

Đức Tin vượt giác quan

Bà Maria Mắcđala và quý bà đạo đức đã ra ngôi mộ táng xác Đức Giêsu. Nhưng không còn xác Người, thiên sứ báo tin Người đã Phục Sinh. Nghe tin lạ, hai môn đệ Phêrô và Gioan cũng vội vã chạy đến quan sát. Nhưng ngôi mộ trống rỗng, chỉ còn khăn liệm và khăn trùm đầu xếp gọn ghẽ. Thế mà trong bấy nhiêu người chứng kiến tỏ tường sự việc, chỉ duy nhất Người Môn Đệ Được Chúa Yêu Thương “đã thấy và đã tin” Chúa Giêsu phục sinh. Mặc dầu ai cũng đều sáng mắt, chứng kiến cùng một cảnh ngộ, một sự kiện nhãn tiền, thì tại sao chỉ mình ông Gioan nhận được đức tin?

Qua những dấu chỉ trong thiên nhiên, dấu chỉ từ các sự kiện xã hội, hay những diễn biến lịch sử, Thiên Chúa dẫn dắt vào niềm tin những người hướng thượng, thành tâm và thiện chí. Như ba vị chiêm tinh, khao khát đấng minh quân xuất hiện, đã tìm thấy ngôi sao dẫn đường, đến Bêlem thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Như môn đệ Gioan, đã mỹ mãn thành công giải mã dấu chỉ ngôi mộ trống.

Như thế, đức tin không thể nào kiểm chứng, vì vượt qua giác quan, vượt qua cảm nhận thông thường. Đức tin thuộc lãnh vực siêu nhiên, phi vật chất, không thể thấy, nghe, nếm, ngửi, đụng chạm, hoặc cân đo đong đếm. Nếu khoa học kiểm chứng được thì đâu cần đến nhân đức tin. Nói như ông Tôma thì cũng chẳng cần viện đến niềm tin, vì đã là một sự thật hoàn toàn."Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." (Ga 20, 25)

Vì thế Đức Giêsu mới chúc lành cho ai thực sự có đức tin bền vững, không mảy may nghi ngờ, chao đảo cám dỗ, đầy lửa mến, đức cậy: “Phúc thay những người không thấy mà tin.” (Ga 20, 29)

Đức Tin vượt tri thức

Khi hai môn đệ sầu buồn thê thảm, ê chề thất vọng, lê gót chân trên đường Emmau, đều thiếu lòng tin tưởng, trông chờ vào Chúa, dù đã được loan báo tin vui từ nhiều nguồn.“Ðã hẳn, có vài người phụ nữ trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi hoảng hồn. Tảng sáng họ đi đến mồ; và không gặp xác Ngài, họ về phân phô là đã thấy thiên thần hiện ra nói rằng Ngài đang sống.  Có vài người trong chúng tôi đã đi tới mồ, và đã gặp thấy y như các phụ nữ đã nói, còn Ngài thì họ không được thấy!" (Lc 24, 22-24) 

Không nhờ đến giác quan, mà dựa trên tri thức, suy luận, để lý giải, phân tích, tổng hợp dữ kiện, thì cũng chẳng thể nào lãnh hội được đức tin. Hai môn đệ đã phải thú nhận sự thất vọng sâu xa về đấng đến phục quốc: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã hy vọng rằng chính Ngài là Ðấng sẽ giải thoát Israel. Nhưng với ngần ấy cớ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi, kể từ khi các việc ấy diễn ra!” (Lc 24, 21) Ba ngày trôi qua sau khi Đức Giêsu tử nạn, sao còn hy vọng được? Sau ba năm theo Đức Giêsu dạy dỗ, các ngài vẫn còn ngộ nhận về sứ vụ cao cả của Người, vẫn còn nặng lòng với vật chất, danh lợi.

Vượt qua tri thức, đức tin chỉ đạt được bằng con đường trái tim, yêu thương. Nhưng phải là tình yêu xả kỷ, bao dung, cho đi, khiêm nhường, trong sáng, vô vị lợi, mến Chúa yêu người, yêu thương, phục vụ những người cùng khổ, khó nghèo, đói rách, bệnh hoạn, tù đầy, bị bỏ rơi, bị xua đuổi, cả đến người thù địch.

Trả lời những người chống đối, Đức Giêsu không ngần ngại công khai nhận xét chính tâm hồn họ chai đá, lạnh nhạt với Chúa, phũ phàng với tha nhân, nên chẳng thể nào tin vào Con Người được sai đến: “Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?”(Ga 5, 42-44)

Trong thư gửi tín hữu Philípphê, thánh Phaolô đặc biệt nhấn mạnh đến tình yêu, đức mến: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn.”(Pl 1, 9-10). Dồi dào lòng mến, nồng nàn yêu Chúa, yêu tha nhân, mới dễ dàng đón nhận được ơn tri thức, cũng như lãnh nhận được đức tin.

Vậy ai yêu Chúa thì vâng theo, hoàn toàn tin tưởng, trông cậy, thực thi Lời Chúa, sẽ được Người thân thương yêu quý, và được hạnh phúc ở lại trong Người, như Đức Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.” (Ga 14, 23)

Thánh Têrêsa Hài Đồng cảm nghiệm tình yêu chân chính thế nào: “Yêu thương trước tiên là ‘mong muốn’, chứ không luôn là ‘cảm thấy.’

Đức Tin từ Lòng Thương Xót

Hai môn đệ đang trên đường Emmau,” bộ mặt ảo não,” đau buồn, xót thương Đức Giêsu chịu tử nạn. Người lặng lẽ hiện ra, “tiến lại gần bên mà đi với họ; nhưng mắt họ bị ngăn ngừa làm sao họ không nhận ra được Ngài.” (Lc 24, 15-16).

Thật phúc đức thay cho hai môn đệ đã vô cùng thương xót Chúa, nên được Chúa thương xót đáp lại.“Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.”(Mt 5, 7) Chúa Giêsu dùng chính Lời Chúa để giải thích cho các ngài mầu nhiệm phục sinh. “Và khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ những điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh.” (Lc 24, 27)

Cũng vì Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu chẳng hề nỡ trách mắng ông Tôma cứng lòng, mà chỉ nhân từ, ôn tồn dạy bảo Tôma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (Ga 20, 27)

 

Lạy Chúa Giêsu, 
xin cho con biết con, 
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, 
quên đi chính bản thân, 
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ, 
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. 
Ước gì con biết nhận từ Chúa 
tất cả những gì xảy đến cho con 
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. 
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. 
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. 
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời.(Thánh Âu-Tinh, Rabbouni, 120 Lời nguyện của bạn trẻ Việt Nam, Vietnamese Missionaries inAsia)

Kính xin Mẹ Maria, biến đổi chúng con theo gương mẫu Mẹ, luôn biết sống yêu thương, nhân ái, khiêm nhường, đơn sơ và vâng phục, để chúng con có thể xứng đáng hưởng từ Lòng Thương Xót, hồng ân đức tin mạnh mẽ như Mẹ vậy. Amen.

AM. Trần Bình An

 

Chia sẻ Tin Mừng CN 2 PS NC ( Ga 20, 19-31)

Hoài nghi và xác tín

Trong công ty, doanh nghiệp, mỗi sán phẩm chế tạo hoàn tất đều qua khâu kiểm soát cuối cùng, trước khi được đóng gói xuất xưởng, chuyển giao cho các đại lý, phân phối ra thị trường tiêu thụ. Đó là nhiệm vụ của KCS, viết tắt của các từ “Kiểm tra Chất lượng Sản phẩm.” Bộ phận KCS có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân thủ quy trình công nghệ, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Do vậy, khâu KCS vô củng quan trọng trong việc gầy dựng, bảo vệ và phát huy uy tín doanh ngiệp, công ty với thị trường.

Bài Tin Mừng Thánh sử Gioan hôm nay, tông đồ Tôma tình nguyện làm nhân viên KCS, trước khi chứng nhận một sự kiện vô tiền khoáng hậu: Chúa Giêsu Phục Sinh.

Hoài Nghi

Khi Ladarô chết được bốn ngày, Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để hồi sinh Ladarô, nhưng ở đó các người Do Thái đang tìm cách giết Chúa Giêsu. Người mời gọi các môn đệ dấn thân:”Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê”(Ga 11, 7). Đáp lại, các môn đệ không mau mắn nghe theo, mà phân vân, lo lắng. Hơn nữa, còn can gián:”Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao?”( Ga 11, 8 ).

Nhưng chỉ duy nhất một mình ông Tôma mạnh dạn, can đảm thuyết phục các tông đồ: ”Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy”(Ga 11, 16). Như thế ông quyết tâm đồng hành cùng Chúa, mặc dù sự dữ đang đe dọa tính mạng của cả Thầy trò.

Rồi sau khi Chúa Phục Sinh, nghe bà Maria Mácđala nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin (Mc 16, 11) Thậm chí các ông còn cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. (Lc 24, 11) Tin Mừng thánh Matthêu cũng công khai khẳng định: Nhưng có mấy ông lại hoài nghi.( Mt 28, 17)

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ sợ hãi, kỹ lưỡng cửa đóng then gài, đột nhiên Chúa Phục Sinh hiện ra chúc bình an. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng, vì được thấy Chúa. (Ga 20, 20)

Thánh Luca còn kể rõ hơn nữa: Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ mà xem, ma đâu có xương có thịt như thấy Thầy có đây.” (Lc 24, 37-40)

Không may, ông Tôma vắng mặt, nghe kể lại Chúa hiện ra, ông không tin. Tâm trạng nghi hoặc của ông Tôma cũng giống như các môn đệ khác, trước khi được tận mắt chứng kiến chân tay, còn loang lỗ dấu đinh của Chúa Giêsu.

Như vậy, đâu chỉ có duy nhất ông Tôma hoài nghi Chúa Phục Sinh. Mà hầu hết các môn đệ đều cứng lòng như ông vậy. Điều đặc biệt là ông Tôma dám thẳng thắn bộc lộ sự nghi hoặc của mình, khiếm khuyết, sai lầm, tội lỗi xúc phạm đến Chúa Phục Sinh, mà không hề giấu giếm, giả vờ tin như kẻ giả hình. Ông Tôma vốn bộc trực, nhiệt thành, trung tín, như trước đây đã mạnh dạn công khai tuyên xưng Đức Mến, khi quyết tâm đi Bêtania, sẵn sàng cùng chịu chết với Chúa.

Tôi cũng hay nghi ngờ những điều tốt lành, những thiện chí của tha nhân. Nhất là đối với những người có qúa khứ không mấy hay ho. Tôi khó xóa nhòa vết hoen ố của họ. Dần dần tôi trở thành quan tòa gay gắt, cay nghiệt lúc nào chẳng hay, dù công luận đã rộng lượng tha thứ lỗi lầm. Tôi thích ném đá hay bôi đen, hơn là chạy đến ôm họ vào lòng an ủi, khuyến khích hướng thiện.

Sự hoài nghi đã nhiễm vào lục phủ ngũ tạng, máu xương của tôi quá nặng nề. Khiến tôi không còn phân biệt đâu là ảo thực, thật giả, phúc tội. Nhìn đời qua cặp kính màu đen, tồi chẳng thấy gì sáng sủa chung quanh. Làm sao tôi nhận ra hình ảnh đáng kính, đáng yêu của Chúa nơi anh em tôi?

Chứng Nhân

Trong Bữa Tiệc Ly, ông Tôma đã thẳng thắn cương quyết theo Chúa đến cùng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" Chúa Giêsu đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người. (Ga 14, 5-6).

Sau khi được thấy Chúa Phục Sinh tỏ tường, như nguyện ước, ông Tôma thân thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28) Đó là lời tuyên xưng duy nhất trong các sách Tin Mừng lưu danh thiên cổ. Phải chăng Chúa Giêsu đã thương yêu, biến khiếm khuyết hoài nghi của ông Tôma chuyển thành một điểm son trong Đức Tin. Người luôn hào phóng mở rộng vòng tay, đón đứa con hoang đáng trở vể.

Quả nhiên, sau lễ Ngũ Tuần, được tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần, ông Tôma đã nhiệt thành vâng theo lệnh truyền của Chúa sống lại:” Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần...(Mt 28, 19) Ông Tôma, đã hăng say đi rao giảng Tin Mừng ở Patia, Ba Tư, Ấn Độ và sẵn sàng theo bước chân của Thầy chết vì yêu.

Từ hoài nghi sang xác tín, ông Tôma lột xác hoàn toàn, trở nên chứng nhân tích cực của Chúa Giêsu. Nhờ lòng thương xót vô biên của Chúa, ông Tôma mới được thánh hóa qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”   

Lạy Chúa Giêsu toàn năng, xin củng cố lòng tin của con, ban cho con sức mạnh để như thánh Tôma, Tông đồ, tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa của con.

Lạy Mẹ Maria, xin ân ban cho cho con Đức Tin, Cậy, Mến vững vàng, để con luôn trở nên chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu. Amen.

AM Trần Bình An ( March 31, 2016 )


-dongcong.net

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)