Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C
 
 


Xuống núi

 

Những ai mê phim chưởng hoặc nghiền đọc Kim Dung thì rất quen thuộc với từ ngữ “xuống núi”. Nó mang cái ý nghĩa đầy đủ của hành động “hạ sơn hành hiệp”. Và đối với một võ sinh hay một môn sinh khi được thầy cho xuống núi, cũng có nghĩa là đã học được, luyện được đầy đủ võ công, và đã sẵn sàng ra đi để vào chốn giang hồ, bênh đỡ những kẻ bần cùng, cô thân, cô thế. Làm việc thiện, việc công ích, và thay đổi bộ mặt của xã hội.

Nhưng nếu đọc kỹ bài trình thuật của Luca hôm nay, chúng ta thấy có một cái gì khác thường trong cách thức mà Chúa Giêsu sai các môn đồ ngài xuống núi. Nó không giống như việc sai đi của những sư tổ, sư phụ hoặc sư mẫu trong các môn phái khi sai môn sinh của mình xuống núi. Đó là các môn sinh của Đức Kitô xuống núi trong khi võ công chưa đạt, chưa được chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng. Điều này có thể tìm thấy qua những lời ghi nhận của Thánh ký Luca về tình trạng của Phêrô, Giacôbê và Gioan khi ở trên núi: “Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê” (Luca 9:32). Không những thế, khi ông mở miệng nói với Chúa và bày tỏ ước muốn ở lại núi, “Phêrô cũng không rõ mình đang nói gì” (Luca 9:33). Tuy vậy, Chúa Giêsu vẫn sai các ông xuống núi. Các ông xuống núi và cả ngài cũng xuống núi. Phải chăng vì không nắm bắt được rõ ràng những gì đã xẩy ra trên núi, hoặc do Chúa ngăn cấm nên “các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến” (Luca 9:36).

Và chúng ta học được gì, tìm thấy gì qua cung cách cư xử của Chúa Giêsu và của ba môn đệ kia, khi áp dụng vào đời sống chứng nhân của các Kitô hữu, đặc biệt, trong mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho việc đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh.

Các môn đệ ngủ mê:

Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình ngủ mê. Và trong tư thế ngủ mê như vậy, những gì các ông thấy và biết về Chúa Giêsu chắc chắn còn thiếu sót, và rất hạn hẹp. Đây cũng là cái biết và thấy của Kitô hữu chúng ta đối về Chúa. Nhưng, Chúa Giêsu vẫn sai các môn đệ và chúng ta xuống núi. Xuống núi để làm chứng về những gì chúng ta đã biết và đã thấy nơi Chúa. Câu hỏi được nêu lên ở đây là tại sao Chúa làm như vậy? Nhỡ ra các môn đệ và cả chúng ta nữa, tất cả đều nói sai và nói không trúng về Chúa. Và làm như vậy Chúa có bị thiệt thòi không.

Đây cũng là thái độ và lý luận của những tông đồ, những Kitô hữu ươn lười và biếng nhác. Họ viện dẫn không biết nhiều, không hiểu nhiều, và không thấy nhiều về Chúa nên tự châm chước cho mình khỏi phải sinh hoạt, khỏi phải ra đi, khỏi phải chu toàn trách nhiệm tông đồ, trách nhiệm men muối giữa đời.

Thật ra, ai có thể dám tự cho mình biết, nhìn, và thấy rõ về Chúa như Chúa đáng thấy, đáng nhìn, và đáng hiểu biết. Không một ai. Và điều này lại là một sự khôn ngoan của Thượng Trí. Ngài muốn mình là một cái gì mãi mãi mới mẻ, mãi mãi đáng yêu, và mãi mãi thu hút để chính khi chúng ta muốn nói về ngài, muốn trình bày về ngài, và muốn chỉ cho người khác về ngài, cả chúng ta nữa, cũng phải để mình bị thu hút bởi ngài. Hơn thế nữa, ngài muốn giữ cho chúng ta khỏi kiêu căng và tự phụ, cho mình đã nắm bắt, đã biết hết, và đã thấu hiểu được Thiên Chúa. Và đó chính là lý do ngài sai các môn đệ và chúng ta xuống núi, mặc dù chúng ta chưa thực sự đầy đủ và sẵn sàng.

Nói trong cơn mê:

Cũng như thái độ nhìn và biết. Các môn đệ và cả chúng ta nữa, không phải chỉ là nói với nhau, nói với người khác, mà ngay cả khi nói với Chúa, chúng ta vẫn đôi lúc như nói trong giấc mơ.

Cũng rất hay, vì trong giấc mơ hay nói trong lúc mê sảng những lời nói xem ra vô nghĩa nhưng lại mang tính cách hết sức quan trọng. Phân tâm học đã coi những giấc mơ như một biểu tượng cho những gì mà lúc còn tỉnh táo con người nhìn, thấy, làm, hoặc ước muốn. Cũng có thể là những đau khổ và thử thách lớn lao đã ghi ấn tượng mạnh mẽ trong tiềm thức của một người.

Một hành động đi vào tiềm thức là một hành động khó quên và hầu như không dễ phai mờ. Nó cũng nói lên mơ ước hoặc thao thức của một người.

Cơn mê sảng của Phêrô và các bạn ông có lẽ đã phản ảnh điều các ông nhìn và thấy đó là Chúa Giêsu, Êlia, và Maisen. Cả ba đang bàn về cái chết của Chúa Giêsu và những việc sẽ sẩy đến cho ngài tại Giêrusalem. Mặc dù dân chúng và các thượng tế chưa làm gì cho Chúa Giêsu. Ngài chưa bị khổ nạn, chưa bị đóng đinh trên thập giá, nhưng vì những gì mà các ông thoáng nhìn ấy đã quá ấn tượng, đã quá kinh ngạc, và lớn lao đến độ nó đã đi vào tiền thức của các ông, khiến các ông chỉ còn ú ớ, ngọng ngịu khi muốn nói lên những ấn tượng ấy.

Đôi khi trong đời sống tâm linh của người Kitô hữu, một lần nào đó, và một biến cố nào đó đã khắc sâu vào tâm trí những ấn tượng và những cảm nhận về tình yêu Thiên Chúa. Những điều này như những gì cứ mãi bồng bềnh trong vô thức, và nó thực sự là những ấn tượng rất khó quên, mà trong cái ý nghĩa thiêng liêng của đời sống ơn gọi, ngài muốn chúng ta làm sống lại, làm hiện hữu trong đời sống.

Một lần nữa, Chúa Giêsu muốn các môn đệ ngài và chúng ta xuống núi, và phải đi vào với dòng đời để giới thiệu ngài, giới thiệu Tin Mừng của ngài với mọi người qua sự thâm tín, và qua đức tin vững mạnh của chúng ta về ngài. Nói trong cơn mê đây không phải là nói mê sảng, nói vớ vẩn mà là nói ra những tiềm ẩn thấu kín trong cõi lòng mình về Thiên Chúa. Và điều này đòi phải có sự cầu nguyện, suy gẫm thẩm sâu.

Giữa kín điều đã mình thấy:

Ở đây cũng lại là một hình ảnh tương phản và khác thường trong thế giới tâm linh. Các môn đệ sau khi đã nhìn thấy Chúa biến hình sáng láng. Khi xuống núi lại giữ kín trong lòng mình.

Có phải vì sợ mình không biết rõ, thấy rõ, và không tỉnh táo để nói về Chúa, hay ngược lại, đây là điều mà Chúa muốn cho tất cả những ai khi đã biết, đã thấy, đã hiểu và đã yêu Chúa thì hãy giữ kỹ lấy cho mình. Hình ảnh này không phải là ích kỷ, tự ty hay mặc cảm, mà là hình ảnh của thương gia khôn ngoan đi tìm ngọc quý mà chính Chúa Giêsu đã có lần đề cập đến. Người thương gia khôn ngoan ấy khi khám phá ra viên ngọc quý đã giấu kín và hy sinh tất cả tài sản để làm sở hữu thửa ruộng có viên ngọc quý ấy.

Phêrô, Giacôbê và Gioan đã không làm gì khác hơn, mà còn bị chính Chúa cấm không được nói. Vì nói ra chưa chắc đã có ai tin, và để rồi khi sự thật xẩy ra, lại bị hỏa mù không phân biệt được đâu là giả, đâu là thật.

Vậy nếu nói ra không ai tin, thì giữ trong lòng là điều tốt. Giữa và suy gẫm trong lòng noi gương Mẹ Maria. Nhưng có lẽ đối với Chúa Giêsu, trong trường hợp này, cách tốt hơn là làm chứng bằng hành động mình và cuộc sống mình những gì mình đã nghe, đã thấy, và đã biết. Và đấy là sứ mạng mà Chúa trao cho Phêrô, các bạn ông, và cả chúng ta khi xuống núi.

Xuống núi để sống, để làm chứng cho Chúa mặc dù sự hiểu biết, sự thấy của ta có hạn. Hữu hạn, bất toàn là chính là thân phận con người. Và đó cũng là điều nói lên xác tín của chúng ta khi được trao phó sứ mạng làm chứng nhân cho ngài. Vậy chúng ta hãy cùng xuống núi với Đức Kitô.

 

T.s. Trần Quang Huy Khanh

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)