Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C
 
 


Điều răn mới


“Thầy ban cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Gioan 13:34).

- Ban cho anh em: Chúa không ban cho tất cả mọi người, mà chỉ là một số người. Điều này nói lên rằng điều mà Chúa sắp sửa ban là một cái gì hết sức đặc biệt, hết sức riêng tư và chỉ dành cho một số người được tuyển lựa kỹ lưỡng. Vì đã là đặc biệt, riêng tư thì không thể trao ban bừa bãi.

Tuy nhiên, sự trao ban của Chúa Giêsu đối với các Tông Đồ, là những kẻ mà ngài đã tuyển chọn không chỉ nhằm cho phần riêng của các ngài, mà qua các ngài, nó cũng được trao ban cho tất cả những ai sẽ tin vào các ngài mà nhận ra đấng đã trao ban ân huệ này. Đó là tất cả mọi người chúng ta, những Kitô hữu là những kẻ qua lời giảng dậy mà tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, được Cha sai đến để cứu chuộc và giải phóng con người khỏi tội lỗi.

- Giới răn mới: Chúa ban gì? Và cái đặc biệt ấy là gì? Ngài đã nói với các ông: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới” (Gioan 13:34). Điều răn mới có nghĩa là khác với các điều răn cũ từ trước.

Mới về hình thức: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa Giavê đã ban cho dân riêng ngài 10 giới răn được ghi khắc trên 2 tấm bia đá. Ngài ban cho họ những giới răn này qua Maisen. Nhưng trong Tân Ước, Thiên Chúa không dùng những tấm bia đá mà là chính Ngôi Lời nhập thể. Chúa Con, nơi đó Thiên Chúa Cha đã ghi khắc toàn bộ những giới răn của Ngài. Nơi ngài Lời Thiên Chúa không hề bị đập vỡ và biến mất như 2 bia đá của Maisen.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ban lề luật. Trong Tân Ước, Ngài ban chính Con của ngài. Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, và cũng là Thiên Chúa.

Mới về nội dung: Nội dung của 10 giới răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân riêng Do Thái bao hồm toàn lẽ sống được củng cố trên:

* Sự công chính, và công bằng. Tránh dâm dục. Tránh tham lam. Không giết người. Không thề gian... Tóm lại, là tất cả những gì mà con người cần phải giữ để tránh xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Những điều giúp cho con người khỏi phải phạt. Nhưng trong giới luật mới, giới luật mà Chúa Giêsu ban đây vượt qua tất cả mọi ràng buộc và sợ hãi ấy. Nó đặt định và qui hướng về tình yêu. Vì tình yêu thì loại bỏ sự sợ hãi. Và đâu có bác ái, thì ỡ đó không cần công bình nữa. Vì bác ái vượt trên những đòi hỏi của công bình.

* Thương nhau. Hay làm một điều gì tốt cho nhau cũng là điều mà lề luật cũ đòi hỏi dựa trên công bình. Nhưng trong luật mới, giới răn mới, ngài còn dậy ta đi xa hơn, đó là thương yêu cả kẻ thù của mình. Đâylà một trong những điểm mới trong giới luật mà Chúa Giêsu ban cho các tông đồ. Phêrô trước đó đã có lần hỏi Chúa là khi người khác xúc phạm đến ông, liệu ông phải tha bao nhiêu. Tha 7 lần không? Đối với ông số 7 là tượng trưng cho sự tha thứ nhiều và rất nhiều mà ông có thể làm được. Nhưng Chúa Giêsu lại nói khác: “Phải tha đến 70 lần 7” (Mt 18:22). Hẳn là Phêrô đã không ngờ câu trả lời của Chúa.

Không những thế, Chúa còn bảo phải chúc phúc cho người nguyền rủa mình. Làm ơn cho kẻ bách hại mình. Cầu nguyện cho kẻ hại mình. Những việc làm mà ngoài Chúa ra không ai dám nghĩ tới, mà nếu có nghĩ tới cũng không thực hành được.

* Yêu như Chúa yêu. Không những chỉ chúc lành cho người làm khổ mình. Yêu kẻ thù mình. Làm ơn cho kẻ ghét bỏ mình... Mà khi làm tất cả những việc ấy, chúng ta còn cần phải làm như Chúa đã làm. Và ở điềm này, giáo lý của Chúa mới thật sự là “mới”. Nó vượt xa tất cả những lề luật, những giới răn, và những gì con người đã làm từ trước khi đối diện với Thiên Chúa và đồng loại.

Yêu như Chúa yêu. Có lẽ vì thế mà ngài gọi điều này là mới. Bởi vì trước đó, con người ta chỉ yêu nhau tối đa là như mình yêu và yêu bằng mình là quá lắm. Nhưng yêu như Chúa yêu thì như thế nào? Thánh Kinh đã cho biết rồi: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ thí mạng mình vì ngươờ mình yêu” (Gioan 15:13). Ngài đã nói, và đã thí mạng thật sự trên đồi Gongotha qua nhục hình thập giá. Trước khi chết còn hổn hển van xin cho kẻ giết mình: “Lậy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết” (Luca 13:34).

- Đây là giới răn thầy: “Thầy ban cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Gioan 13:34). Tình yêu là một bản năng và cũng là một nhu cầu. Có ai sống được mà không cần đến tình yêu. Và có ai trên cõi đời này mà không cần đến tình yêu. Yêu và được yêu là hai mặt của đồng tiền cuộc sống. Thế nhưng, tại sao Chúa lại phải ra lệnh, phải ban bố thành giới răn: “Đây là điều răn thầy”. Như vậy, yêu thương không lẽ trở thành máy móc và ràng buộc đến thế sao?

Thật ra khi Chúa Giêsu liên kết tình yêu với những đòi hỏi cần thiết và làm nên một giới luật, ngài không chỉ nói cho chúng ta biết cái giá trị cao cả của tình yêu, một tình yêu tràn đầy dành cho Thiên Chúa và tha nhân, mà ngài còn muốn nâng cấp tình yêu ấy thành một đòi hỏi để chúng ta không thể vì lơ là mà quên sót bổn phận yêu và được yêu.

Thật vậy, ngày nay hơn bao giờ hết, nhân loại đang mất dần đi cái ý thức và giá trị của tình yêu.Tình yêu thay vì được định giá bằng những hy sinh cao cả như chính Chúa Giêsu đã làm, con người ngày nay đã biến tình yêu thành một cách thức thỏa mãn nhu cầu tình cảm và tình dục. Những cái mà khi thỏa mãnh chúng, chỉ làm giảm giá trị của tình yêu.

Hơn thế nữa, vì để mất đi ý nghĩa của tình yêu, con người quay về mình như trụ điểm của tình yêu nên nẩy sinh tình yêu ích kỷ, và yêu chính mình. Mà vì tìm mình, yêu mình nên tình yêu đã bị coi thường. Tệ nạn phá thai, đồng tính, và hôn nhân đồng tính. Những đổ vỡ đưa con người đến chỗ ly dị nhau. Tất cả là những hậu quả xấu xa, và tồi tệ nhất của sự tìm kiếm và yêu chính mình.

* * *

Giới răn mới. Giới răn yêu thương là một ân huệ rất đặc biệt mà chính Chúa Giêsu đã ban tặng tất cả những ai tin nhận ngài là cứu Chúa và là đấng Thiên Sai. “Thầy ban cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Gioan 13:34). Mà vì đã là giới luật thì con người không được quyền lơ là hay từ chối. Bởi vì từ chối giới luật yêu thương này cũng là từ chối Chúa. Từ chối cội nguồn hạnh phúc và cứu độ.

 

T.s. Trần Quang Huy Khanh

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)