Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm C
 
 


Tôi không giống tên kia!
Chúa nhật XXX thường niên năm C (28.10.07)

"Tôi không giống các người khác hay như tên thu thuế kia" (x. Lc 18:9-).

Nhưng những người khác và tên thu thuế kia là ai? Là những kẻ tham lam, bất công, ngoại tình. Hoặc nếu nhìn vào xã hội ngày nay, thì đó là những tên đầu trộm đuôi cướp, đĩ điếm, nghiện ngập, xì ke, ma túy, cờ bạc. Hay những tên bần cùng khố rách, áo ôm. Những tên đầu đường xó chợ, thất học, và dốt nát. Vâng, đó không phải là tôi. Đó không phải là những kẻ mà tôi coi là bạn hữu, là những kẻ được hân hạnh giống như tôi, hoặc đứng bên tôi. Chúng đứng sau tôi, xa tôi, và khép nép dưới kia.

Còn tôi thì sao? "Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng cúng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi" (Lc 18: 12). Cũng có thể diễn dịch nôm na, tôi là một Kitô hữu đạo đức. Tôi là người đóng góp nhiều nhất công sức, thời giờ và tiền bạc cho xã hội này, cho cộng đoàn này, và cho giáo xứ này. Là người mà không có tôi chắc chắn thế giới sẽ cô liêu, sẽ tụt hậu, và sẽ tồi tệ lắm. Là người mà nếu không có tôi thì đoàn thể này, giáo xứ này không thể phát triển và tồn tại được.

Vậy mà sao trong Thánh Kinh, những thứ tham lam, bất công, ngoại tình. Những tên đầu trộm đuôi cướp, đĩ điếm, nghiệp ngập, cờ bạc; những tên bần cùng, khố rách áo ôm kia lại được Chúa đoái thương nhìn đến. Được tha tội, và được công chính.

Chúa có lầm không? Hoặc ngài đối xử không công bằng? Thật vậy, nếu Chúa nhìn thấy tất cả, nếu Ngài thật sự công bằng, và nếu Ngài còn biết sự khác biệt giữa một người hy sinh ăn chay tuần hai lần và người không ăn chay lần nào. Giữa người dâng cúng 1/10 những gì mình có và người không dâng cúng gì, thì ít ra Ngài cũng phải thưởng cho những cố gắng và hy sinh ấy chứ? Vậy tại sao kẻ dâng cúng, người ăn chay lại không được tha tội, không được công chính, còn kẻ lười biếng không ăn chay, cũng không hề dâng cúng gì lại được xót thương và tha tội.

Thật ra, cái làm nên sự khác biệt đó chính là tâm tư, thái độ, và lối nhìn của tôi, người tưởng mình đã làm, đã hy sinh, và đã xứng đáng với những việc lành thánh, tốt đẹp ấy. Nhiều lần tôi đã chẳng lớn tiếng hơn cả người Pharisiêu kia khi đòi phải rao tên tôi trong thánh lễ khi bỏ ra 20, 50, hoặc 100 đôla xin lễ. Tên tôi phải có trong danh sách những vị ân nhân. Phải được khắc bảng đồng, và tôi phải là người được lãnh bằng khen, hay bằng ân nhân. Làm vậy vì tôi tưởng tôi xứng đáng, một sự xứng đáng tách lìa tôi khỏi những thành phần mà tôi cho là thua tôi, không bằng tôi, và không xứng đáng như tôi.

Những lúc nghe tên mình được rao trong thánh đường. Những lúc thấy tên mình được khắc vào tấm bảng đồng ở cuối hội trường, ở cuối thánh đường, hoặc những lúc tôi tiến lên bằng một vẻ trịnh trọng, đầu hơi cúi xuống cho có vẻ khiêm tốn lãnh cái bằng tưởng lệ, nhưng rồi lại dơ cao lên như cho mọi người biết là qua tấm bằng khen ấy, tôi đã đóng góp công sức, tài năng, thời giờ cho những công việc lớn lao của xã hội, và giáo hội.

Những lúc như vậy, tôi thật khó lòng kiềm hãm mình mà không nẩy ra một vài hình ảnh so sánh trong trí óc, như ông Pharisiêu nọ. Những lúc như vậy, tôi tự thấy mình cao cả hẳn ra, đạo đức, và khiêm nhượng hẳn ra. Tôi thấy mình có cái gì hơi khác và không giống như những tên nọ, tên kia. Không giống như ông này, bà nọ. Tôi thấy tôi đạo đức hơn, thánh thiện hơn, sốt sắng hơn, và cũng có thể là giầu có và sang trọng hơn. Rồi từ những cái khác thường ấy, những cái hơn ấy, tôi thấy mình quan trọng và không thể thiếu được, không thể vắng mặt trong mọi sinh hoạt của xã hội, của cộng đồng, của giáo xứ, và của hội đoàn. Tôi cảm thấy tôi có đủ nghị lực và tài đức. Có đủ sáng suốt, mạnh mẽ và hy sinh để "can đảm vác thánh giá" theo chân Chúa. Những lúc được đề cử, được tín nhiệm, và được bầu chọn vào chức nọ, chức kia, nếu có ai bảo tôi hy sinh "bỏ thánh giá", lập tức tôi phản ứng ngay và cho rằng những người như thế không có lòng đạo đức, không can đảm và không dám "tử đạo", không dám chết vì Chúa, vì anh chị em mình.

Hy sinh vác thánh giá chứ không hy sinh bỏ thánh giá. Đó cũng là tâm trạng của tôi mỗi khi cầu nguyện và mỗi khi cần để chứng tỏ mình hơn người như ông Pharisiêu nọ mặc dù tôi biết làm như vậy là Chúa phật lòng. Coi thường anh chị em mình là không khiêm nhường. So sánh mình với người này, người khác để đề cao mình là kiêu ngạo. Cho mình đạo đức hơn người này, người khác là không đạo đức. Thế nhưng tôi vẫn không muốn xuống khỏi thánh giá. Thánh giá của địa vị, của quyền lực, và của danh vọng. Thánh giá được làm chủ tịch, được làm trưởng ban, được làm thế này, thế khác. Ai cũng bảo làm những việc ấy, giữ những chức vụ ấy là "vác thánh giá", nhưng mà Chúa vẫn cứ phải vác thánh giá có một mình. Họa may thỉnh thoảng chỉ gặp một vài Simêon ghé vai vào, nhưng khổ cho Chúa, tìm mãi mà không thấy Simêon đâu cả, mà chỉ thấy những kẻ muốn ôm trọn thánh giá để rồi chả có ai rảnh mà vác hộ Chúa lấy một đoạn đường.

Cầu nguyện, sống đạo với tâm trạng như vậy thử hỏi làm sao Chúa không buồn. Làm sao Chúa có thể tha thứ cho tôi. Làm sao Chúa có thể biến tôi nên công chính được. Vì tôi có thấy mình lỗi lầm gì đâu mà cần Chúa tha tội. Tôi tự trong cuộc sống đã là tốt lắm rồi. Dâng cúng 1/10 của cải mình, thì cần gì để Chúa phải làm thêm cho tôi nên công chính.

Ôi! Sao tôi khờ dại, và u mê quá. Sao tôi tự ái và cao ngạo quá! Cao ngạo như thế, u mê như thế thì làm sao Chúa có thể thánh hóa và làm cho tôi trọn lành thêm lên được một chút. Cao ngạo như thế, tối tăm như thế thì ánh sáng lời Chúa làm sao có thể lọt vào và soi chiếu tâm hồn tôi được. Làm sao tôi có thể bằng an được trước mặt Chúa.

Tôi không giống như tên kia. Nhưng tên kia lại là tên được Chúa yêu, Chúa thánh hóa, và Chúa tha thứ. Bởi vì hắn có tấm lòng khiêm nhường. Hắn thấy mình có lỗi nên không dám huênh hoang. Hắn thấy mình yếu đuối nên không dám vỗ ngực tự hào. Hắn đã biết khiêm tốn và tin tưởng ném những yếu đuối, tội lỗi của mình vào biển lửa tình yêu vô tận của Chúa, để được Chúa xót thương và thánh hóa.

Lậy Chúa, xin cho con có tâm hồn và đời sống khiêm tốn. Khiêm tốn trong hành động. Khiêm tốn trong lối sống. Khiêm tốn khi làm các việc đạo đức. Khiêm tốn cả khi biết mình yếu đuối và sa ngã. Và nhất là xin cho con có tâm hồn khiêm tốn để tìm được sự tha thứ và bình an của Chúa.

T.s. Trần Quang Huy Khanh

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)