dongcong.net
 
 

SUY NIỆM Tin Mừng của Lm Nghĩa

Hãy đứng thẳng và ngửng đầu lên!
Chúa Nhật I Mùa Vọng C

Một năm Phụng vụ mới lại về. Tôi đã từng ví ngày Chúa Nhật I Mùa Vọng như là ngày Tết của đức tin. Với người dân trên hoàn cầu, cách riêng với con dân đất Việt thì những sự kiện, những sứ điệp… trong dịp đầu năm cũng thường mang tính thiêng thánh cách nào đó. Người ta nhận ra điều này qua những tục lệ kiêng cử, kỵ úy hay những tập tục hái lộc, xin xăm…Khoảng trên dưới mười năm trở lại, tín hữu Công giáo Việt Nam cũng đã quen với việc hái lộc Lời Chúa dịp đầu xuân dân tộc. Có thể nói rằng các bài trích đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật I Mùa Vọng không phải là lộc hái mà chính là lộc ban cho đoàn con cái Chúa Công giáo. Xin được tuần tự mở lộc để không chỉ xem Thánh phán mà nhất là còn để thực thi Thiên Ý.

Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giêrêmia ( Gr 33,14-16 ): “Sấm ngôn của Đức Chúa: Này sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Isrsel và về Giuđa…” ( 33,14 ). Điều tốt lành mà Thiên Chúa hứa ban đó là sẽ cho mọc lên một Đấng Công Chính. Đấng ấy sẽ giải cứu dân và cho dân được an cư lạc nghiệp bằng các chủ trương, chính sách, luật lệ đầy chính trực và công minh.

Đây là một quẻ tốt, nói như anh em lương dân. Kitô hữu thì khẳng định đó là một tin vui, một sứ điệp tràn trề hy vọng. Thế nhưng cái quẻ ấy, cái sứ điệp ấy đã ứng nghiệm cách đây hơn hai ngàn năm nơi Đức Giêsu Kitô. Vậy còn gì để mong, còn gì để chờ ? Xin thưa vẫn còn. Chúa Kitô đã từng hứa rằng “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28,20 ). Đấng Công Chính mãi ở cùng nhân loại chúng ta cách huyền nhiệm nơi thánh Phaolô, người đã từng khẳng định: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Chúa Kitô đang sống trong tôi” ( Gal 2,20 ), nơi thánh Gioan Vianey, người được một cụ ông xác nhận trước tòa phong thánh rằng đã thấy Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài. Chắc hẳn Chúa Kitô hằng mong mỗi người chúng ta góp phần để cho sứ điệp hy vọng ấy được ứng nghiệm trong môi trường, hoàn cảnh và thời đại chúng ta. Mong cho sứ điệp hy vọng được ứng nghiệm là điều tốt, nhưng góp phần làm cho sứ điệp ấy hiện thực thì tốt hơn nhiều. Xin đừng quên, mang danh Kitô hữu thì phải có trách vụ làm cho Đức Kitô hiện diện nơi con người và cuộc sống của mình, nghĩa là hãy làm cho mình, cuộc sống của mình trở thành sứ điệp của niềm hy vọng.

Thánh Phaolô tông đồ đã nhìn nhận tình yêu thương, liên đới giữa các tín hữu Thêxalônica. Và Ngài khuyên nhủ họ hãy bền tâm vững chí trong sự thánh thiện, tấn tới nhiều hơn nữa trong việc yêu thương nhau hầu xứng đáng đón chờ Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay thánh Tông đồ dân ngoại thưở ấy những tưởng rằng Chúa Kitô sắp giáng lâm. Giờ ngày Chúa Kitô tái giáng tức là ngày tận thế thì không một ai có thể biết, ngay cả với Chúa Kitô khi còn tại thế ( x.Mc 13,32 ). Tuy nhiên cái ngày giờ mỗi người chúng ta ra khỏi trần gian này thì có thể lường đoán cách nào đó vì nó có giới hạn. Chúa sẽ đến với anh, với chị, với bạn, với tôi không biết khi nào, nhưng chắc chắn là không quá xa. Vấn đề đặt ra là thái độ của chúng ta khi đón Chúa đến. Và thái độ ấy tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta.

Bài trích Tin mừng thánh Luca Chúa Nhật này hé mở cho chúng ta về mục đích việc Chúa lại đến. Chúa đến để cứu độ chúng ta, ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Chúa Kitô khẳng định sự thật này: “Khi những biến cố ấy ( những điềm lạ của thiên nhiên ) bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” ( Lc 21, 28 ). Chúa đến để ban ân phúc thì sao ta lại hãi sợ ? Trái lại, trong niềm tin thì chúng ta phải hân hoan vui mừng. Tuy nhiên cần phải tỉnh thức, canh chừng chớ để vuột mất ân phúc Chúa ban tặng. Đây chính là sứ điệp Chúa Kitô muốn nhắn gửi chúng ta. Người nhắc bảo chúng ta hãy “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, đừng để “ lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” và “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Qua các mệnh lệnh của Chúa Kitô trên đây chúng ta có thể xếp thành hai chuỗi động thái hữu quan như sau:

1.Đứng thẳng: đây là động thái dứt mình khỏi hố sâu tội lỗi, hay những đam mê bất chính mà cụm từ “chè chén say sưa” minh họa. Để có thể đứng thẳng lên, nghĩa là ra khỏi tình trạng tội lỗi thì tiên vàn phải biết mình, một kiểu biết theo ngôn ngữ triết học là phản tỉnh và ngôn ngữ đạo đức là tỉnh thức. Đức cố giáo hoàng Phaolô VI đã nhận xét rằng cái hiểm họa của con người thời đại hôm nay không phải là phạm nhiều thứ tội mà là không còn ý thức về sự tội. Không ý thức việc mình vấp té thì sẽ không bao giờ có chuyện chỗi dậy. Không biết mình ngã quỵ thì không bao giờ có chuyện đứng lên.

2.Ngẩng đầu lên: Đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả hơn. Thiên Chúa dựng nên mọi sự ở trần gian này đều là tốt đẹp ( x. St 1 ). Tuy nhiên thần dữ đã ma mãnh sử dụng những thiện hảo giới hạn, chóng qua để kìm giữ con người không vuơn lên đến với nguồn của mọi thiện hảo. Là người, chúng ta phải chu toàn những sự ở đời này, nhưng đừng để chúng trói buộc chúng ta không cho chúng ta hướng thượng, bay lên. Chúa Kitô đã từng lập luận kiểu so sánh mạng sống với của ăn, thân thể với áo mặc, để nhắc nhủ chúng ta phải biết kiếm tìm thiện hảo cao hơn và cao nhất là Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người ( x.Mt 6,25-34 ). Và Người đã cảnh tỉnh rằng nhiều khi chúng ta đã để cho cái việc “lo lắng sự đời” trở nên nguyên cớ khiến chúng ta đánh mất vĩnh phúc.

Để có thể thoát khỏi những ràng buộc của những thiện hảo hữu hạn thi không gì hơn là phải biết ngẩng đầu lên. Cầu nguyện chính là cách thế ngẩng đầu lên, chiêm ngắm, gặp gỡ Đấng là nguồn mọi thiện hảo. Gặp được Đấng ban ơn lành thì chúng ta sẽ dễ dàng tự do với các ơn lành. Tiếp xúc với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh tồn, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng tự do với những thiện hảo hữu hạn và chóng qua.

Sứ điệp đầu năm đã tuyên ban hay nói như anh em lương dân là quẻ đã mở. Không phải ngồi chờ quẻ ứng, Kitô hữu chúng ta đón nhận sứ điệp là phải sống, phải gắng công, nỗ lực làm cho sứ điệp thành hiện thực. Đó là đứng dậy ra khỏi tình trạng tội lỗi, ngẩng đầu lên trong sự hướng thượng, vươn tới những giá trị cao cả, để trở nên một dấu chỉ hy vọng cho tha nhân bằng tình yêu trong sự công mình chính trực hay nói như Đức đương kim giáo hoàng Bênêđictô XVI là bằng “Bác Ái trong Chân Lý”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

 

Chìa Khóa Vào Nước Trời: Lòng Tin
(Thứ Hai sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Mt 8,5-11)


Trong Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn, Giáo hội dạy anh chị em dự tòng rằng đức tin là chìa khóa mở ra con đường đem lại cho họ sự sống đời đời. Tin Mừng hôm nay ngày thứ Hai sau Chúa Nhật I Mùa Vọng tường thuật chuyện một viên đại đội trưởng người Rôma, gốc lương dân, có người đầy tớ bị tê bại, ông đến xin Chúa Giêsu chữa lành. Chúa Giêsu nói là chính Người sẽ đến nhà chữa cho nó. Viên đại đội trưởng đã đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: Đi!, là nó đi, bảo người kia: Đến!, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: Làm cái này!, là nó làm. Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (x.Mt 8,5-10).

Sau khi nói những lời ấy thì Chúa Giêsu còn cho thấy thêm một sự thật khiến chúng ta phải vửa kinh ngạc vừa phải biết xét đo lòng tin mình: “Tôi nói cho các ông hay: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó ngừoi ta sẽ phải khóc lóc, nghiến răng”(Mt 8,11-12).

Qua câu chuyện trên và đặc biệt qua những lời khẳng định có tính cách long trọng của Chúa Giêsu với hạn từ mở đầu “Quả thật” (Amen) thì chúng ta xác tín rằng lòng tin không hệ tại ở tôn giáo này hay tôn giáo kia, dân tộc này hay quốc gia nọ…Vì bằng chứng là nhiều người Do Thái giáo thời bấy giờ, dù là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng chưa có lòng tin mạnh mẽ như vị đại đội trưởng gốc dân ngoại kia. Và khi Chúa Giêsu nói người ta từ Đông chí Tây vào dự tiệc Nước Trời thì hẳn Người muốn khẳng định rằng họ đã có lòng tin cách nào đó. Vậy thử hỏi lòng tin là gì? Dựa vào các dữ kiện liên quan đến vị đại đội trưởng chúng ta có thể nhận ra một vài sự thật về lòng tin như sau:

Lòng tin là thái độ sống được kết hợp giữa tình yêu và sự luận lý của trí khôn. Chỉ là một người đầy tớ trong nhà thế mà vị đại đội trưởng đã yêu thương đến nỗi tự mình thân chinh đến gặp Chúa Giêsu để cầu xin ơn chữa lành. Rồi khi nghe Chúa Giêsu nói sẽ đến nhà thì ông đã xin Người khỏi cần đến vì sợ rằng Người sẽ bị lỗi luật Do Thái giáo. Người Do Thái giáo vào nhà dân ngoại là mắc phải ô uế. Ông đã dùng luận lý dựa trên khả năng và quyền hạn nhỏ bé của mình để vững vàng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu rồi xin Người khỏi cần đến nhà mà chỉ phán một lời thì đầy tớ ông sẽ lành mạnh. Giáo hội dạy đức tin trên hết là ơn Chúa ban, nhưng phần con người cần đón nhận bằng tấm lòng thành và sự hiểu biết của trí khôn.

Một biểu hiện của lòng tin đó là khiêm nhu nhìn nhận sự hạn chế và bất lực của mình trước nhiều hiện thực của cuộc sống và rồi phó thác cậy trông vào Đấng quyền năng trên mình. Vị đại đội trưởng hiểu rằng dù mình có thể sai bảo thuộc hạ hay gia nhân làm điều này làm điều kia, nhưng ông không chỉ ý thức rõ mà còn chân nhận rằng ông bất lực trước bệnh tật của người đầy tớ. Người có lòng tin không chỉ khiêm nhu nhìn nhận mình không chỉ bất lực trước nhiều thiện hảo đời này mà con bất lực trước hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Từ động thái khiêm nhu này đã và đang có rất, rất nhiều người từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam biết hướng tâm hồn lên Đấng trên cao với lòng cậy trông, sự khẩn nài. Và lòng thành của họ đã được Thiên Chúa đoái nhận.

“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Giáo hội lấy lại lời của viên sĩ quan đại đội trưởng xưa để đoàn tín hữu tuyên xưng đức tin trước khi lãnh nhận Thánh Thể. Tuyên xưng đức tin là với cả tấm lòng thành và lý trí suy biết, nhìn nhận Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể. Tuyên xưng đức tin là khiêm nhu nhìn nhận mình không đáng rước Chúa ngự vào lòng, nhưng nhờ Chúa đoái thương ngự đến thì mình sẽ nên xứng đáng hơn. Và một nét biểu hiện trở nên xứng đáng hơn, khi Chúa thương ngự đến nhà, như trong trường hợp ông Giakêu đó là biết đổi thay, nghiêm chỉnh sống đức công bình và quảng đại sống đức ái (đền trả gấp bốn cho người bị hại và chia sẻ một nửa gia tài cho kẻ khó) (x.Lc 19,1-10).

Lạy Chúa, con tin, nhưng xin củng cố đức tin còn non kém của chúng con.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Hãy Làm Người Trung Gian – Xin Chớ Làm Cò !
(Lễ Kính Thánh Anrê Tông đồ - 30-11)


Người trung gian được hiểu là người thứ ba ở giữa hai đối tác với vai trò chuyển tiếp hoặc làm cầu nối cho một quan hệ, một dịch vụ nào đó. Để thực sự làm người trung gian đúng nghĩa và hữu hiệu thì cần phải hiểu biết cả hai phía mà mình muốn làm trung gian và ít nhiều có chút tình với những người mà mình làm môi giới.

Trong thực tế đời thường có đó nhiều người trung gian vẫn biết rõ đối tác mình làm chiếc cầu nối cho một mối quan hệ chẳng hạn “ông mai, bà mối”. Tác nhân trung gian này xem ra có tấm lòng với những người mình làm trung gian nhưng vẫn còn hạn chế. Một hình thức không mấy đẹp của người trung gian đó là “cò”. Cũng làm trung gian nhưng các tay cò chỉ nhắm đến lợi nhuận là các “phết phẩy” là phần trăm hoa lợi sẽ thu được. Dĩ nhiên cái tình, tấm lòng của mấy anh chị cò này thỉnh thoảng cũng có nhưng chẳng đáng kể so với lợi nhuận muốn đạt. Và vẫn có đó nhiều anh chị cò tìm mọi cách để trục lợi “con mồi” cách nhẫn tâm vô tình.

Trong đức tin Kitô giáo thì Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Theo viễn kiến này thì hạn từ “hiểu biết” lại được hiểu theo nghĩa Thánh Kinh là một sự gắn bó thiết thân tự căn tính như hình ảnh nên một xương một thịt của nghĩa tình phu thê. Chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, do đó chúng ta nhìn nhận Người là Đấng Trung Gian duy nhất. Và chính Chúa Kitô cũng đã từng khẳng định sự thật này: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Tông đồ Anrê, một người anh em của thánh Phêrô được các bản văn Tin mừng tường thuật như là người trung gian dù không đích thực như Đấng Trung Gian Duy Nhất nhưng có đó nhiều nét mô phỏng. Khi được thầy Gioan tẩy giả giới thiệu, Anrê và một bạn đồng môn khác đã đi theo Chúa Giêsu và ở lại với Người suốt ngày hôm ấy thì trước hết ông đã về giới thiệu cho Phêrô, anh mình rồi dẫn Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Nhờ sự trung gian này, Chúa Giêsu đã tìm được người đứng đầu cho Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập (x.Ga 1,35-42). Không thương anh Phêrô và thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu nhờ đã đi theo và ở lại với Người ngày hôm trước thì sẽ chẳng có việc trung gian của ngài Anrê (x.Ga 1,35-39).

Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều nuôi trên dưới mười ngàn người no nê thì chính Anrê đã biết có một em bé có mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ rồi dẫn em đến với Chúa Giêsu (x.Ga 6,1-15). Tình yêu, quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ hiện. Chắc chắn Anrê không thuộc số người hay xua đuổi trẻ thơ (x.Mc 10,13-16). Phải gần gũi và hòa đồng với nhóm người không đáng kể tên này thì Anrê mới biết rõ là có em nhỏ mang theo năm chiếc bánh và hai con cá. Đã từng chứng kiến Thầy làm cho nước hóa thành rượu ngon tại Cana, đã chứng kiến việc Thầy chữa lành người bất toại ở hồ Bétsaiđa, nên dù có phân vân tính toán như Philipphê nhưng Anrê vẫn tin vào quyền năng của Thầy và đám đông hôm ấy đã hưởng ân lộc no nê.

Dịp Lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp muốn gặp Chúa Giêsu, họ đến gặp Philiphê, Philiphê nói với Anrê và hai ông đã giới thiệu họ với Chúa Giêsu (x.Ga 12,20-22). Philipphê vốn cũng đã từng làm trung gian dẫn Nathanael đến với Chúa Giêsu thế mà lần này ông lại phải nhờ đến Anrê. Phải chăng Philipphê hiểu được khả năng trung gian của bạn đồng môn, Anrê? Chính nhờ hai vị trung gian này mà tính phổ quát của ơn cứu độ đã dần hé mở.

Dưới ánh sáng Lời mạc khải, chúng ta tin rằng ngoài tấm linh hồn là quà tặng Thiên Chúa ban trực tiếp cho từng người thì hầu hết các ân ban chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa đều qua trung gian. Thiên Chúa ban tấm thân xác này qua trung gian tổ tiên ông bà, nhất là cha mẹ chúng ta. Ngay cả ơn đức tin chúng ta cũng đón nhận từ Thiên Chúa qua trung gian mẹ cha và Giáo hội…Dĩ nhiên Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành trung gian hữu ích để ơn lành của Người, ơn phần hồn, ơn phần xác, tuôn đổ xuống trên tha nhân.

Mong sao Kitô hữu chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo Hội biết noi gương ngài tông đồ Anrê để làm trung gian cho tha nhân với Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô một cách hết tình trong sự vô cầu vì xác tín rằng mình đã lãnh nhận cách nhưng không thì biết chia sẻ cách nhưng không (x.Mt 10,8b). Xin cho các đấng bậc có được chút tình với chiên trong đàn lẫn ngoài đàn, nhất là các con chiên đau yếu bệnh tật và xin cho chúng ta luôn vững tin vào Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để phục vụ con người đến hiến cả mạng sống của mình (x.Mt 20,28).

Hãy làm người trung gian, xin chớ mang kiếp “cò” ân lộc của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Không Chờ Con Khóc
Thứ Tư sau Chúa Nhật I Mùa vọng – Is 25,6-10a; Mt 15,29-37


Đến trần gian này, sứ mạng chủ yếu của Chúa Kitô là mạc khải chân dung cũng như thánh ý của Đấng Toàn Năng. Chân dung Đấng Toàn Năng là Cha đầy lòng thương xót đã được tỏ bày qua lời giảng dạy của Chúa Kitô và nhất là qua cuộc đời của Người, các hoạt động, cung cách hành xử và đỉnh cao là cuộc tử nạn phục sinh của Người.

Bài Tin Mừng ngày thứ Tư sau Chúa Nhật I Mùa Vọng mà Giáo hội cho trích đọc giúp chúng ta thấy được hình ảnh Đấng Toàn Năng đầy lòng thương xót qua tấm lòng cũng như hành động của Đấng làm người, Giêsu Kitô. Thánh sử Luca tường thuật sau khi rời khỏi miền Tia và Xiđon thì Chúa Giêsu lên núi và ngồi xuống (x.Mt 15,29). Người ngồi xuống để rao giảng với tư cách một vị thầy dạy chân lý. Và khi đám đông dân chúng đem theo những kẻ què quặt, đui mù tàn tật, câm điếc và nhiều thứ bệnh khác đặt dưới chân Người thì Người thể hiện là một vị lương y lành nghề đã chữa cho tất cả được khỏi bệnh.

Tuy nhiên điều khiến chúng ta phải kinh ngạc đó là sau ba ngày sống với đám đông dân chúng như là vị thầy dạy chân lý, vị thầy thuốc lành nghề, thì Chúa Giêsu lại chạnh lòng thương trước rất nhiều cái “bao tử” đang cồn cào của đám đông. Không chờ con khóc mà mẹ vẫn biết nhu cầu của con để đáp ứng thì mới đúng là từ mẫu. Không chờ đám đông khẩn xin như họ đã xin chữa bệnh, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước chăm lo nhu cầu thiết thực của đám đông lúc bấy giờ. Người nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32). Và Chúa Giêsu đã dùng quyền năng để ban cho đám đông no nê từ bảy chiếc bánh và ít con cá nhỏ được hóa ra nhiều. Lời Ngôn sứ Isaia xưa nói về bữa tiệc cánh chung nay đã được Chúa Giêsu hiện thực hóa. “Ngày ấy trên núi này, Thiên Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc đầy thịt béo và rượu ngon..”(Is 25,61 tt).

Thánh Gioan Tông đồ nói: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu thương chúng ta" (1Ga 4,10). Và Ngài nói tiếp: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Và đây là một trong những thánh ý Thiên Chúa được tỏ bày qua lời của Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trong lần thứ nhất Người hóa bánh ra nhiều: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16).

Đi bước trước để phục vụ tha nhân đó mới chính là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Tuy nhiên để có thể sống như thế thì tiên vàn chúng ta phải biết nhạy bén với nhu cầu của tha nhân. Có tấm lòng và sự gắn bó thiết thân thì mới có thể nhận ra anh chị em quanh chúng ta, những người đang sống với chúng ta đang có nhu cầu gì về vật chất cũng như tinh thần, về thể lý cũng như tâm linh. Với hàng mục tử thì Đức Phanxicô có kiểu nói là hãy nhuốm mùi chiên. Với thân phận con chiên thì cũng nên có chút tấm lòng mục tử và dĩ nhiên là có sự tri âm, tri kỷ cách nào đó với chiên cùng đàn cũng như chiên ngoài đàn. Thiết tưởng rằng dù trong vai vị nào thì không gì hơn hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, Đấng vừa là mục tử nhân lành vừa là con chiên ngoan hiền gánh tội trần gian (x.Ga 1,29; 10,11).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Môn Đệ Chân Chính

Thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Mt 7,21.24-27


Tin Mừng thánh Matthêu suốt ba chương 5, 6 và 7 tường thuật những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Và bài Tin Mừng hôm nay, thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Vọng tường thuật những lời đúc kết của Người đó là hãy thực thi những gì đã nghe. Quả thật nếu chúng ta nghe Lời Chúa, dù có một vài tâm tình sốt mến hay cả những nhận thức hợp lý hữu tình, nhưng rồi lại để đó mà không đem ra thực hành thì cũng bằng không. Chúa Giêsu đã ví trường hợp hợp này như người xây nhà trên cát, khi mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào thì nhà sẽ sụp đổ tan tành (x.Mt 7,24-25).

Đọc Tin Mừng ba chương này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đề cập đến rất nhiều điều, vậy phải thực thi điều nào đây? Xin có một cái nhìn khá xuyên suốt những lời dạy của Chúa Giêsu qua ba mối tương quan như sau:

1. Với Thiên Chúa: Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy có niềm xác tín rằng Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, Đấng cho chúng ta từ chốn hư vô hiện hữu trên gian trần này chính là Cha Toàn Năng chí ái. Người chính là căn nguyên và là cùng đích của mọi vật mọi loài, nhất là loài người chúng ta. Đây là điều kiện tất yếu, ắt có để chúng ta có thể tin nhận hạnh phúc đích thật chính là được Nước Trời làm gia nghiệp, được Thiên Chúa xót thương, ủi an, làm cho no thỏa, được nhìn thấy Thiên Chúa (x.Mt 5,1-12). Khi xác tín Thiên Chúa là Cha Toàn Năng thì chúng ta sẽ an tâm tin tưởng vào sự quan phòng của Người để rồi ưu tiên làm rạng Danh Người, tìm sự công chính của Người hơn là lo lắng thái quá về cơm ăn áo mặc như anh em lương dân (x.Mt 6,7-15; 25-34). Và dĩ nhiên chúng ta sẽ chuyên chăm gặp gỡ Người trong việc cầu nguyện với tâm tình con thơ, con thảo (x.Mt 7,7-11).

2. Với tha nhân: Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy biết sống với tha nhân như anh chị em một nhà trong tinh thần yêu thương, hiệp thông, liên đới. Khi nhận nhau là cốt nhục thì trong nghĩa phu thê chúng ta sẽ biết cẩn trọng trước các nguy cơ dẫn đến sự phản bội (ngoại tình) và cảnh chia đàn xẻ nghé (li dị) (x.Mt 5,27-32). Nhận nhau là huynh đệ một nhà thì không thể giận ghét, xét đoán nhau cách bất công, loại bỏ nhau hoặc xem nhau như kẻ thù (x.Mt 5,21-26; 38-48; 7,1-5). Đã là anh chị em cùng huyết nhục thì điều ắt phải có, đó là tích cực thực thi những gì chúng ta muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12).

3. Với bản thân mình: Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng dù chúng ta là con cái Cha trên trời nhưng phận người chúng ta yếu hèn, dòn mỏng, nên vẫn đã có và còn đó những thiếu sót, sai lầm và tội lỗi. Cần phải biết khiêm nhu xin Chúa thứ tha, biết xa lánh dịp tội và quảng đại thứ tha lầm lỗi cho tha nhân (x.Mt 6,12-13). Biết mình yếu đuối thì hãy cẩn trọng với các thiện hảo đời này là của cải, tiền bạc. Thần dữ thường sử dụng chúng làm mồi nhử khiến chúng ta có thể xem chúng như là những vị thần trên đầu trên cổ. Không thể làm tôi hai chủ được (x.Mt 6,24). Để có thể sống yêu thương và ngày càng thăng tiến hơn thì phải biết sống rộng rãi sẻ chia không chỉ những gì mình có mà ngay cả cái mình là, biết hy sinh và nhỏ mình lại. Đây chính là cách thế qua cửa hẹp để được vào Nước Trời (x.Mt 7,13-14).

Có thể nói ba mối tương quan này được gói gọn trong lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,7-15). Xin đề xuất một thiển ý để thực thi lời Chúa Giêsu dạy đó là mỗi ngày hãy đọc Kinh Lạy Cha một lần cách sốt sắng trong tâm tình con thảo, con thơ với Cha trên trời. Đồng thời mỗi ngày hãy tìm và làm một việc tốt cho một ai đó đang cần đến tình yêu Cha trên trời qua chúng ta mà dĩ nhiên có kèm theo sự hy sinh và quảng đại. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười…”. Dù không phải là Kitô hữu, nhưng cố nhạc sĩ họ Trịnh như đã thấm nhuần men Tin Mừng cách nào đó. Nếu sống được nội hàm lời ca này thì ngày đến trình diện trước Đấng Tối Cao, nhiều người sẽ được mời vào Nước Trời hưởng hạnh phúc muôn đời (x.Mt 25,31-47). Họ được Chúa Kitô nhận là môn đệ đích thực và là người bạn hữu của Người, vì đã tuân giữ lời Người (x.Ga 15,9-17).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuộta

 


Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - dongcong.net

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)